CHÚA NHẬT 24 TN 2019

 

 

 

Trong gia đình cũng như ngoài xã hội hiện nay những cảnh tượng chúng ta gặp thấy trong bài sách Xuất Hành, trong thư thánh Phaolô, cũng như trong bài Tin Mừng “dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Ai-cập đã phạm tội… là một dân cứng cổ” hay như chính Phaolô “trước kia … là kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng”, thậm chí nhiều đứa con “thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của” như đứa con đi hoang trong bài Tin Mừng. Trước những hiện tượng ấy không ít lần chúng ta cũng đã “nổi cơn thịnh nộ với chúng” và muốn “huỷ diệt chúng”, hay ít nữa chúng ta không bằng lòng để tha thứ như người con cả trong Tin Mừng mà quyết không vào bàn tiệc mừng em, đã thưa với người cha “'Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn, còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó”. Chính thái độ như thế, thái độ nuôi lòng hận thù, càng ngày chúng ta càng khơi sâu những hố ngăn cách trong gia đình và xã hội. Đó là điều chúng ta đang chứng kiến trong các gia đình và xã hội hôm nay, sự ngăn cách đang phá hủy chính gia đình : vợ chồng giết nhau, con cái giết cả cha mẹ, ông bà, anh chị em thảm sát lẫn nhau.

Để giải quyết những xung đột, những mâu thuẫn, những hận thù trong gia đình và ngoài xã hội thì chỉ có một con đường mà Môsê đã khẩn cầu “Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa”. Hãy nhớ đến Giao Ước Yêu Thương thưở ban đầu, Giao Ước đã làm nên Dân được tuyển chọn, Giao Ước đã làm nên gia đình mới, Giao Ước Gắn Kết vàHiệp Nhất đã tạo nên những bước đầu của lịch sử dân tộc. Đây không phải là thứ kết ước giao hoán dựa trên công bằng sòng phẳng mà là Giao Ước dấn thân để trung tín bất chấp sự phản bội, vì nó là Giao Ước của Tình Yêu, Giao Ước của sự trao ban. Trong giao ước hôn nhân ngay từ đầu anh chị em cũng đã thường không quan tâm đến môn đăng hộ đối, không quan tâm đến đẹp hay xấu, không quan tâm đến địa vị xã hội… miễn sao có sự đồng tâm trong tình yêu. Nhưng với thời gian Giao Ước Yêu Thương trở thành những khế ước công bằng thì cũng là lúc nó du nhập vào trong gia đình, trong xã hội những ghen tương, những tranh chấp và mâu thuẫn. Và chỉ khi trở về với Giao Ước Yêu Thương thì cũng như Thiên Chúa “đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người”. Cũng vì nhận biết “được hưởng nhờ ơn thương xót, là Đức Giêsu Kitô tỏ ra tất cả lòng khoan dung trong ngài trước hết” mà thánh Phaolô mới có thể bất chấp những đe dọa của kẻ thù, những nguy hiểm đến cả mạng sống mà hết sức phục vụ cho Tin Mừng Yêu Thương, và người Cha trong Tin Mừng cũng vì Giao Ước Yêu Thương đã cho ông một gia đình mà ông mới có thể thốt lên “Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

Ước gì lời van xin của Thánh Vịnh đáp ca sẽ luôn vang lên trong cõi lòng mỗi người chúng ta “Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con.”, để mỗi trái tim chúng ta luôn giữ được Giao Ước Yêu Thương thuở ban đầu mà đi “theo lòng nhân hậu” và “theo lượng cả đức từ bi” của Chúa mà kiến tạo gia đình và xã hội trong an bình và hạnh phúc.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ C