CHÚA NHẬT 28 TN 2019

Lời chứng của thánh Tông Đồ gởi cho người môn đệ Timôthêu “cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn” cần mỗi người chúng ta suy nghĩ về bổn phận truyền giáo trong tháng truyền giáo ngoại thường này :

Những người được tuyển chọn đây là ai?

Qua câu chuyện quan Naaman của sách Các Vua, và câu chuyện người phong cùi ngoại bang trong Tin Mừng, cho thấy Thiên Chúa muốn cho mọi người dù là dân ngoại đều được Chúa thương và tuyển chọn họ vào số những người Tin. Nhưng sự tuyển chọn của Thiên Chúa lại chỉ có thể đến được với những người được chọn phải đi qua một chuỗi sự kiện và sự can dự của một số người trung gian :

Trường hợp quan Naaman, trước hết nhờ niềm tin của người tớ gái nô lệ gốc Do Thái, sau khi biết chủ mình mắc bệnh phong hủi không ai chữa được, đã đề nghị với ông đến Israel “Ôi, phải chi ông chủ con được giáp mặt vị ngôn sứ ở Sa-ma-ri, thì chắc ngôn sứ sẽ chữa ông khỏi bệnh phung hủi !"”. Theo quan niệm Á Đông “có bệnh thì vái tứ phương” và “còn nước còn tát”, quan đã xin giấy giới thiệu của Chúa Thượng ông và đi Israel cùng người tớ gái. Trong khi vua Israel nhận giấy giới thiệu lại có suy nghĩ là bị vua Aram này muốn sinh sự vì nào có ai có thể chữa bệnh phong hủi. Chúng ta không ngạc nhiên về điều này, lý do Vua và cả dân chúng khi đó đã không còn tin vào các ngôn sứ của Thiên Chúa. Trong dân khi đó chỉ còn Êlisa vị ngôn sứ đã “sai người đến nói với vua : "Sao vua lại xé áo mình ra ? Người ấy cứ đến với tôi, thì sẽ biết là có một ngôn sứ ở Ít-ra-en .”. Naaman đã đến với ngôn sứ, nhưng khi ngôn sứ dạy ông đi tắm ở sông Giordan 7 lần, thì Naaman tức giận “Nước các sông A-va-na và Pác-pa ở Đa-mát chẳng tốt hơn tất cả nước sông ở Ít-ra-en sao ? Ta lại không thể tắm ở các sông ấy để được sạch hay sao ?” và bỏ đi. “Bấy giờ, các tôi tớ của ông đến gần và nói : "Cha ơi, giả như ngôn sứ bảo cha làm một điều gì khó, chẳng lẽ cha lại không làm ? Phương chi ngôn sứ chỉ nói : Ông hãy đi tắm, thì sẽ được sạch !"” Và ông đã nghe cùng thi hành lời Ngôn sứ và được sạch bệnh. Ông đã Tin. Điều đáng nói ở đây là có cả những người tôi tớ ngoại đạo nữa. Qua đó hẳn chúng ta thấy Thiên Chúa cần đến chúng ta để làm chứng cho Tình Yêu và Quyền năng của Chúa hầu đem lại niềm tin cho những người được tuyển chọn biết bao. Câu chuyện còn được tiếp nối về tư cách của vị Ngôn Sứ : Naaman muốn tạ ơn Ngôn Sứ “Bây giờ, xin ngài vui lòng nhận món quà của tôi tớ ngài đây ." Ông Ê-li-sa nói : "Có ĐỨC CHÚA hằng sống là Đấng tôi phụng sự,tôi thề sẽ không nhận gì cả ." ” và khi người tiểu đồng Ngôn Sứ lén lút chạy theo Naaman để nhân danh Ngôn sứ có được 60 nén bạc và 2 bộ quần áo, nhưng sau đó bị Ngôn sứ đuổi đi với án phạt “Giờ đây, mày đã nhận tiền bạc, mày có thể sắm quần áo, tậu vườn, vườn ô-liu và vườn nho, mua bò dê chiên cừu và tôi trai tớ gái. 27Nhưng bệnh phung hủi của ông Na-a-man sẽ mãi mãi bám lấy mày và dòng dõi mày .

Câu chuyện trong Tin Mừng cũng cho thấy việc trình diện các tư tế cũng là các trung gian theo luật để đi tới niềm tin vào Chúa. Nhưng cuối cùng chỉ còn một người ngoại trở lại Tạ Ơn. Có thể các tư tế không những không củng cố niềm tin cho họ, mà nhiều trường hợp họ còn chống đối lại Chúa như cha ông họ thời Êlisa.

Vì vậy thánh Tông Đồ nhắc nhở người môn đệ phải có tư cách của người làm chứng cho Tin Mừng Tình Yêu của Đức Giêsu : một tình yêu không vụ lợi, nhưng phải là tình yêu “cùng chết với Người” “Vì Tin Mừng đó mà …phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác”.

Con đường truyền giáo cũng chính là con đường của Chúa đã đi mà chúng ta gặp trong Chuỗi Mân Côi. Con đường Mân Côi giúp chúng ta có một cuộc sống đủ tư cách là người tông đồ của Chúa. Và đó là lý do Đức Giáo Hoàng đã chọn tháng Mân Côi làm tháng truyền giáo ngoại thường.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ C