GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT II PHỤC SINH NĂM C

Thiên Chúa giàu lòng thương xót: đó là xác tín căn bản của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II. Chẳng biết Ngài đi đến xác tín đó khởi từ những trải nghiệm nào, những nhận xét gì trong đời sống cá nhân của Ngài cũng như trong thế giới chung quanh. Có lẽ những mạc khải Chúa ban cho nữ tu Faustina người Ba Lan (sau này được chính Đức Gioan Phaolô II phong thánh) đã góp phần cũng cố xác tín trên của Ngài. Chỉ biết rằng thông điệp đầu tiên của Ngài sau khi trở thành vị đứng đầu giáo hội Rôma có tựa đề “Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót” và quãng diễn nhiều khía cạnh sâu xác của Lòng Thương Xót, với hậu cảnh là dụ ngôn “Người cha và hai đứa con” thường được gọi là dụ ngôn Đứa con hoang đàng. Đồng thời sau ít năm làm giáo hoàng, Ngài đã lấy Chúa nhật thứ II Phục Sinh hàng năm làm “Chúa nhật về Lòng Thương Xót”.

Dĩ nhiên có nhiều lý do khiến Ngài chọn lựa và ẩn định như thế. Nhưng dựa vào các bài đọc Kinh Thánh hôm nay ta có thể nói Chúa nhật II Phục Sinh được Ngài gọi là Chúa nhật về Lòng thương xót,

+ vì trước hết lòng thương xót của Thiên Chúa được chứng tỏ cách đặc biệt nơi thánh Tôma tông đồ. Người là vị tông đồ vắng mặt trong lần Đức Giêsu Phục Sinh hiện  ra cho 10 tông đồ khác. Người đau buồn vì sự thiệt thòi quá lớn lao của mình và Người không ao ước gì hơn là cũng được tận mắt trông thấy thầy Mình. Vì thương xót thánh nhân, Đức Giêsu Phục Sinh đã nhậm lời và hiện ra cho Người ít ngày sau, chính xác là vào tám ngày sau, có thể nói là hiện ra riêng cho Người, để đáp lại mong muốn của Người. Trong lần gặp gỡ này, thánh Tôma chẳng những được tận mắt trông thấy Đấng Phục Sinh và những lỗ đinh, lỗ lưỡi đồng nơi thân xác phục sinh của Ngài, mà còn phát biểu lời tuyên xưng độc đáo hơn mọi Tông đồ khác: “lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”

+ vì Lòng Thương Xót được thể hiện nơi các hồng ân Thiên Chúa ban trong các ngày Chúa nhật. Thật vậy, các ngày Chúa nhật đã là những thời điểm hay cơ hội để kẻ tin được gặp gỡ Thiên Chúa và có thể nhận được những ơn huệ bất ngờ của Thiên Chúa. Cụ thể là trong trường hợp thánh Tôma tông đồ, Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với Người vào ngày thứ tám, tức là vào Chúa nhật tiếp ngay sau Chúa nhật Phục Sinh. Rồi trường hợp thánh Gioan tông đồ trong bài đọc thứ hai cũng thế: người được xuất thần và trông thấy chính Đức Giêsu Phục Sinh, là Đấng giống như Con Người, mình mặc áo chùng và ngang ngực có thắt đai bằng vàng.

+ rồi Lòng Thương Xót còn được tỏ lộ qua việc Chúa giúp cho các kẻ tin đồng tâm nhất trí với nhau và được toàn dân ca tụng, cũng như qua việc ban cho thánh Phêrô tông đồ quyền năng chữa mọi bệnh hoạn tật nguyện. (Bài đọc I).

+ nhưng điểm quan trọng hơn nữa, Lòng Thương Xót hiện rõ nơi chính việc cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện và nơi bản chất của Người. Có thể nói người ta không chỉ trông thấy Lòng Thương Xót nơi sự ưu ái Thiên Chúa dành cho thánh Tôma, dành cho thánh Gioan hoặc nơi đời sống của cộng đoàn tín hữu và của Hội Thánh Chúa, mà còn nơi chính Chúa: thật sự Thiên Chúa là chính Lòng Thương Xót, các công việc của Người diễn tả Lòng Thương Xót và chính bản chất Người là Thương Xót.

xOx

Ta có thể nói Chúa nhật hôm nay vừa là Chúa nhật nhắc nhở ta về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, vừa là cơ hội để chúng ta nhìn lại toàn bộ Công quộc cứu độ của Thiên Chúa, cũng như quộc khổ nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô như sự thể hiện đầy đủ của Lòng Thương Xót.

Vì thế, chúng ta hãy thiết tha ca ngợi và cảm tạ Tình Thương của Thiên Chúa và mở lòng đón nhận Lòng Thương Xót vào tâm hồn cũng như đời sống, để ta cũng có những hành vi thái độ thấm nhuần Lòng Thương Xót, thậm chí trở nên Lòng Thương Xót bằng xương bằng thịt đối với mọi người, để ta nên con cái của Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu.

Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C