CN 4C PHỤC SINH

2016

Chúa Nhật Cầu Cho Ơn Thiên Triệu

Kính thưa …

I. PHÚC ÂM : CHÚA KITÔ MỤC TỬ

-       Bài Phúc Âm ngắn quá, và chúng ta cần nhờ tới bối cảnh để có thể hiểu rõ hơn :

Bối cảnh thời gian : Lễ Cung Hiến đền thờ.

Không gian : Hành lang Salomon trong đền thờ Giêrusalem.

Bối cảnh sự việc : cuộc đối thoại đầy khó khăn của Chúa Giêsu với những người Do Thái không tin. Họ cật vấn đi cật vấn lại Chúa Giêsu thế này : Ông còn lấp lửng để chúng tôi phải hoài nghi đến bao giờ nữa ? Hãy nói rõ đi : ông là ai ? ông có phải là Đấng Messia không ? Và chính trong bối cảnh cuộc đối thoại khó khăn gây cấn này mà chúng ta nghe những lời của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay : Tôi đã nói đi nói lại với các ông rồi mà các ông không tin. Và sở dĩ thế là vì các ông không thuộc đàn chiên của tôi.

Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi và Tôi biết chúng.

Chúng theo Tôi và Tôi ban cho chúng sự sống đời đời.

Không bao giờ chúng bị diệt vong, vì không ai dựt cướp chúng khỏi tay Tôi được.

Cha Tôi, Đấng ban chúng cho Tôi thì lớn hơn tất cả,

và không ai dựt cướp chúng khỏi tay Cha Tôi được.

Tôi và Cha là một”.

-       Bây giờ chúng ta thấy bài Phúc Âm hôm nay nó sâu sắc, chắc nịch, hay ho và cảm động đến thế nào, bởi lẽ nó mang tính kerygma. Chúa Giêsu trả lời cho những người Do Thái chất vấn Ngài : “Ông là ai ?”, bằng một câu trả lời rõ ràng và cao sâu nhất chưa từng có : “Tôi và Cha là một”. Tắt một lời, Ngài loan báo một Đức Kitô Phục Sinh là Chúa Tể, nắm trong tay chìa khóa sự chết và sự sống ; một Đức Kitô Mục Tử yêu thương, bảo bọc và chăm sóc CHIÊN của mình. (Người Do Thái chất vấn và Chúa Giêsu trả lời minh nhiên. Chính bởi vậy mà Phúc Âm Gioan không còn thuật lại cuộc xử án Chúa Giêsu trước Tòa Do Thái, vì đã xảy ra trong những cuộc tranh kluận như cuộc tranh luận hôm nay).

-       Mục tử tốt lành không phải kẻ chăn thuê. Kẻ chăn thuê thì sống nhờ chiên, Mục tử tốt lành thì hy sinh cho chiên và sẵn sàng chết vì chiên. Chúng ta có cảm kích và muốn đến bên Mục Tử Nhân Lành Giêsu để được sống dồi dào viên mãn và được chia sẻ ơn thiên triệu làm mục tử với Ngài không ??

II. HỘI THÁNH CHĂM SÓC CÁC ƠN GỌI

1.  Chúng ta đã đạt đến đỉnh cao của Lời Chúa hôm nay. Nơi đỉnh cao ấy là hình ảnh một Đức Kitô Mục Tử tốt lành, và tất nhiên bên cạnh vị Mục Tử phải có Chiên. Hình ảnh một con chiên tiêu biểu mang tên MATTHÊU đã được Chúa Giêsu thương và chọn gọi khiến ĐTC Phanxicô cảm kích và thích thú chọn làm khẩu hiệu cho đời mình : “Miserando atque eligendo” (“Thương xót và chọn”). Ơn gọi Matthêu hay bất cứ ơn gọi nào cũng khởi xuất từ Tình yêu thương xót của Đức Giêsu, được nuôi dưỡng và lớn lên trong lòng Hội Thánh của Ngài, và trưởng thành qua sứ vụ thi hành lòng thương xót đối với mọi người, nhất là những người nghèo khổ.

2.  Sứ điệp của ĐTC Phanxicô trong ngày cầu cho ơn thiên triệu hôm nay nhấn mạnh về vai trò và nói lên lòng biết ơn đối với các cộng đoàn Hội Thánh trong việc chăm sóc các ơn gọi : ơn gọi trổ sinh từ Giáo Hội, lớn lên trong Giáo Hội, và thành toàn nhờ Giáo Hội.

-       Bài đọc I với Phaolô và Barnaba đấy : Hai ngài hăng say đi loan báo Tin Mừng khắp nơi bấp chấp những lăng nhục, trục xuất. Thế nhưng, bởi đâu mà các ngài lên đường ? Ngay từ đầu Sách Công Vụ đã cho thấy : Hội Thánh Antiokia đặt tay trên các ngài và sai các ngài đi. Các ngài luôn làm việc chung với nhau. Và đi đâu thì rồi các ngài cũng trở về tường trình với Hội Thánh Giêrusalem.

-       Một cách cụ thể, chúng ta hãy nhìn vào Giáo Hội Việt Nam với các giáo phận, giáo xứ, gia đình Việt Nam. Tại sao ở Việt Nam nói chung ơn gọi còn đông (thí dụ ở Vinh mỗi năm chỉ nhận có 40 chủng sinh, thế mà có đến gần 400 em đăng ký thi vào chủng viện ; bao nhiêu dòng tu từ ngoại quốc vào Việt Nam tìm ơn gọi trong những năm qua, và người ta vẫn luôn tìm được ơn gọi) ? Thưa là nhờ đời sống đạo trong các gia đình công giáo.

-       Bên Âu Mỹ, ơn gọi bị khủng hoảng, bởi vì các đôi vợ chồng ly hôn lên đến 40, 50%. Bầu khí gia đình bị vỡ. Bên cạnh đó tỉ lệ những người công giáo đi lễ Chúa nhật xuống dốc, tức là cái bầu khí gia đình công giáo không có. Mà nếu không có bầu khí đức tin ở trong gia đình, thì làm sao các em nhỏ lớn lên có thể khám phá ra rằng Chúa gọi nó bước vào đời sống linh mục tu sĩ ? Đang khi đó ở Việt Nam còn rất nhiều gia đình đạo đức, và đứa trẻ được lớn lên trong bầu khí đạo đức ấy ngay từ tấm bé. Có cả những đôi vợ chồng mà vừa mang thai đã âm thầm xin dâng đứa con này cho Chúa để sau này nó đi tu làm linh mục tu sĩ. Như vậy thì đứa bé ấy đã vào chủng viện ngay từ khi nó còn trong bụng mẹ rồi còn gì, bởi vì Mẹ nó đã nuôi cái tâm tưởng ấy rồi, đã có hướng cho con ngay từ khi nó còn trong bụng mình về ơn gọi linh mục tu sĩ.

-       Còn một lý do khác khiến xã hội Âu Mỹ thiếu vắng ơn gọi, đó là vì bầu khí tục hóa trong xã hội của họ quá nặng nề. Một linh mục đi Mỹ kể lại rằng : một hôm ngài mở TV, tình cờ thấy trên kênh truyền hình một nhóm trẻ khoảng 15, 16 tuổi được phỏng vấn về vấn đề SEX, và cô nào cũng hớn hở khoe mình đã từng ở với bao nhiêu anh, đã làm tình được bao nhiêu lần v.v…Một sự kiện nhỏ như vậy đã cho thấy cái bầu khí tục hóa trong xã hội. Và nếu phần đông các bạn trẻ nhìn vào vấn đề tình dục một cách thoải mái như vậy thì làm sao họ hiểu được giá trị của đời sống độc thân của người linh mục tu sĩ ?

-       Rồi các phương tiện truyền thông lúc nào cũng gieo vào đầu óc người trẻ hình ảnh nào là cái xe hơi mới này, rồi ngôi nhà biệt thự này, nghề nghiệp với lương cao này, bao nhiêu ngàn đô một năm này, rồi Iphone mới, Ipad mới, Ipod mới này. Cứ như vậy, riết rồi người trẻ họ nghĩ cuộc đời này chỉ là như thế, chỉ là vậy, mà không có ai nói với người trẻ về giá trị của hy sinh, của quên mình và phục vụ. Trong một bối cảnh như thế thì làm sao người trẻ có thể hiểu được và chấp nhận được một cuộc sống hy sinh quên mình khi họ được mời gọi để sống đời tu ?!

-       Ở Việt Nam chúng ta cũng thấy phần nào rồi đấy. Số các em đi tu còn đông, nhưng đa số xuất thân từ vùng quê, từ ngoại ô, chứ tại chính các trung tâm thành phố, đều thấy rõ đã có sự giảm sút ơn gọi. Trong một bối cảnh xã hội tục hóa và đời sống gia đình bị khủnghoảng như thế, người quyết định dấn mình vào trong đời sống linh mục tu sĩ phải có một chọn lựa quyết liệt lắm. Một linh mục người Mỹ đã ra trường hành nghề luật sư rồi mới đi tu làm linh mục, đã trả lời cho một linh mục đồng tuổi người Việt Nam hỏi ông : “Lý do nào khiến anh không làm luật sư nữa, mà đi làm linh mục ?”. “Tôi làm luật sư là để cứu người, nhất là người nghèo. Nhưng sau một thời gian tôi nghiệm ra rằng tôi làm luật sư chỉ có thể cứu được một ít người, và chỉ cứu họ trên bình diện xã hội. Còn nếu tôi làm linh mục tôi có thể cứu được nhiều người hơn, và cứu họ trong đời sống chiều sâu của tinh thần”. Câu trả lời ấy đắt giá lắm (vì bỏ nghề luật sư để đi làm linh mục bên Mỹ theo cái nhìn ở đời là thiệt thòi). Câu trả lời cho thấy vị linh mục ấy đã có một chọn lựa rất quyết liệt khi quyết định từ bỏ tất cả để dấn mình trong đời tu. Phải có một chọn lựa quyết liệt như vậy mới có thể đáp trả lại được tiếng Chúa mời gọi.

-       Chính vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội toàn cầu có đông bạn trẻ can đảm đáp lại tiếng Chúa gọi bước vào đời sống linh mục tu sĩ, và hơn nữa còn cầu nguyện không phải chỉ để có số đông, mà còn là những linh mục tu sĩ có phẩm chất. Cầu nguyện bằng cách xây dựng gia đình mình, cộng đoàn mình, giáo xứ mình, giáo phận mình thành những gia đình, những cộng đoàn đầy đức tin, biết sống đạo, nhất là thực thi lòng thương xót, tình yêu thương phục vụ.

III. ƠN GỌI LÀM CHỨNG TÁ

Xin minh họa qua hai câu chuyện “Trên đường truyền giáo” của cha Piô Hậu nổi tiếng vùng Năm Căn :

1.  Năm triệu đồng quà của Nhóm chia sẻ lời Chúa để giúp các học sinh nghèo khuyết tật tại Năm Căn, Cà Mâu.

Cha Piô bèn đi hỏi ông chủ tịch xã Năm Căn : ông cho biết khoảng 13, 14 người khuyết tật. Hỏi ông chủ tịch Chữ Thập Đỏ, ông nói khoảng 17,18. Thế là hai tuần lễ, HĐGX cùng các Dì phước sục sạo 61 con kinh rạch của xã. Kết quả danh sách là 180 người khuyết tật trong xã, và 55 thuộc các xã lân cận, gồm mù, què, cụt, bại liệt và tâm thần.

Từ đó, 235 người khuyết tật được thăm viếng vào bốn dịp trong năm : Giáng sinh, tết, hè và ngày khánh nhật truyền giáo. Ngài cám ơn Nhóm Chia sẻ Lời Chúa, vì giúp ý thức : truyền giáo là yêu thương cả người khuyết tật như Chúa Giêsu đã yêu.

2.  1000 USD của một Việt kiều để giúp đưa các bệnh nhân nghèo đi Sàigòn chữa bệnh. Bé Trúc ốm tong teo như con cá kèo khô bị bệnh tiểu đường. Cù léc, bé còn cười hi hi. Bảo nhéo tay ba, bé nhéo rồi cười hí hí. Cho ăn cơm, bé quất hai bát ngon lành. Thế là còn đi được. Cho đi. Nửa đêm, xe đến Sóc Trăng thì bé chết. Cả đoàn bắt xe khác quay về lại Năm Căn. Đến sáng thì Ông Cố được tin, và 7giờ sáng đoàn thiếu nhi hơn chục đứa tập họp đi xuồng đến nhà bé Trúc. Bé đã được chôn sau nhà, không một bóng người phân ưu. Thế nhưng, ba bé Trúc đã nhỏ to tâm sự : “Ông cha ơi, tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng con tôi được đi Sàigòn chữa bệnh. Nhờ ông cha tôi mới được phước này. Nhưng vì cái số, mà nó không được hưởng cái đức của ông cha. Dù vậy, tôi vẫn ghi ơn ông cha cho đến chết”. Và ông ghé tai nói thêm : “Mai mốt gia đình con sẽ theo đạo của ông cha”.

IV. KẾT THÚC

Quả là yêu thương và chăm sóc bệnh nhân đã là chứng tá của Tin Mừng, và có khả năng sản sinh ra những tâm hồn có ơn thiên triệu.

Một lần nữa, xin cho các cộng đoàn Giáo Hội biết sống đức tin, sống đức ái, sống niềm vui, như một cách thức cụ thể cộng tác với Ơn Chúa, góp phần sản sinh các ơn thiên triệu.

 

Lm. Nguyễn Mạnh Tuyên

Trung tâm Mục Vụ GP Đàlạt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C