CN 23 TN-C

VÁC THẬP GIÁ MỖI NGÀY

 

Đoạn Tin Mừng vừa nghe thật nghiêm khắc và rõ ràng. Đức Kitô không quanh co, Người nêu rõ các điều kiện cho ai muốn bước theo Người. Thánh Luca cho biết người đi theo Đức Kitô thì nhiều. Nhưng với Đức Kitô, không quan trọng khối lượng, mà là chất lượng. Chất lượng này tùy việc đáp ứng những đòi hỏi của Người.

1. Đòi hỏi của Đức Kitô phi lý quá? Đức Kitô là chủ nhân chúng ta, vì thế Người có quyền đòi hỏi mọi sự. Dựa trên lẽ thường tình mà suy, mình thấy Đức Kitô quá đáng! Nhưng thật ra, chỉ khi chúng ta bỏ mọi sự thế gian, mà là lấp đầy trái tim chúng ta bằng Thiên Chúa, bằng Đức Kitô, chúng ta mới sống đúng hướng đời người. Sự từ bỏ mọi sự cũng chính là vác thập giá.

2. Thế nào là vác thập giá? Các lời quảng cáo về tiện nghi khắp nơi như đang bảo: hãy loại bỏ thập giá đi! Thế là lại quơ mọi sự vào mình! Người đời có nhiều cách tránh thập giá; tu sĩ cũng có đủ cách của mình! Khổ một nỗi, chúng ta không bao giờ có thể tránh được. Những cách tính toán bố trí để tránh thập giá chỉ kết thúc tệ hại hơn trước. Buồn rầu hơn, chán chường hơn, ray rứt hơn. Tại sao? Tại vì đó không phải là giải pháp. Thật ra, thập giá là thân phận con người.

3. Đức Kitô nâng đỡ. Chúng ta nhớ chuyện bức tranh bãi biển. Khi mọi chuyện ổn định, có bốn dấu chân nối tiếp nhau: chân của Chúa và chân của tôi; khi mọi chuyện làm tôi choáng váng, chỉ còn hai dấu chân: chân của tôi chứ còn gì! Chúa đi đâu rồi? Đức Kitô trả lời: “Là dấu chân của Thầy, vì lúc đó Thầy cõng anh”.

Chúng ta đừng sợ vác thập giá mình, bởi vì Đức Kitô đã vác đầu tiên. Đức Gioan Phaolô II đã lặp đi lặp lại: “Đừng sợ!” Đừng tránh né các vấn đề, vì đó là thập giá mình. Với lòng yêu mến, hãy vác thập giá mỗi ngày. Đức Giêsu đi bên cạnh chúng ta, Người cũng vác thập giá Người để cứu độ thế giới. Trong 14 chặng Đàng Thánh Giá, 12 chặng hình cây thập giá với Đức Giêsu, còn 2 chặng không có cây thập giá, nhưng vẫn có Đức Giêsu. Đàng nào thì chúng ta cũng phải vác thập giá đời mình; nếu vác với lòng yêu mến và hiệp thông với Đức Kitô, chúng ta vừa cứu được mình vừa góp phần cứu độ thế giới. Khi ấy, thập giá sẽ trở thành nguồn bình an và thanh thản, nguồn niềm vui và hứng khởi.

 

Lm. Fx Vũ Phan Long, ofm


GỢI Ý GIẢNG LỄ C