GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XXV THƯƠNG NIÊN NĂM C

 

Chúng ta đã đến Chúa nhật XXV mùa thường niên. Chỉ còn một số tuần lễ nữa là hết mùa Phụng Vụ 2015 - 2016. Và chúng ta bước vào Mùa Vọng,  bắt đầu một năm Phụng Vụ mới. Đến những Chúa nhật này, Hội Thánh cũng cho chúng ta nghe các đoạn Tin Mừng liên quan đến thời cuối cùng, hoặc lúc kết thúc đời sống của con người. Mà ta biết lúc tận thế, hay gần hơn, lúc đời sống của một cá nhân sắp kết thúc, sẽ là giai đoạn rất quan trọng, có tính cách quyết định đối với phần rỗi của mọi người hay của cá nhân đó, buộc mọi người phải ý thức về tính cách nghiêm trọng của lúc đó, lúc người ta phải lìa bỏ cõi thế, đến trình diện trước tòa phán xét của Chúa. Vì thế, bài Tin Mừng hôm nay kể lại ví dụ của Đức Giêsu về một người quản gia phải tính sổ với chủ mình, lúc sắp bị sa thải, do anh ta gian dối sau đó và bị phát hiện.

Hẳn là rất nhiều người trong chúng ta đã ngạc nhiên về những câu cuối cùng kết thúc ví dụ Chúa kể. Bởi vì chúng ta nghe thấy người quản gia bất lương đó được khen chứ không bị quở trách. Thường thì về mặt đạo đức, sự gian dối luôn là thói xấu bị chê bai và lên án. Cụ thể là, khi nghe bài đọc thứ nhất, và thấy nói bọn người xấu chỉ mong ngày mồng một hoặc ngày hưu lễ chóng qua, để được đem lúa, kể cả lúa hư lúa mục ra bán. Họ mưu mô làm cho cái đấu nhỏ lại, làm cho quả cân nặng thêm để có được lợi nhiều. Họ lừa đảo, chèn ép người nghèo. Đối với hạng người  xảo quyệt đó,chúng ta thấy ghét và chỉ muốn lên án. Vậy tại sao Chúa lại khen người quản gia bất lương? Ở đây, có hai bản dịch: bản thứ nhất dịch “Chúa khen” (ví dụ bản của cha Nguyễn Thế Thuấn), bản thứ hai dịch “ông chủ khen”. Có lẽ dịch “ông chủ khen” không được chính xác lắm, vì đối với một người quản gia tự ý sửa lại trong văn tự số lượng thùng dầu ôliu hoặc số lượng giạ lúa  cho các con nợ như thế rõ ràng là làm hại cho chủ. Ông chủ có thể phục và khen sự sử trí mau lẹ, phản ứng chấp nhoáng của anh ta trước việc biết tin mình sắp bị đuổi việc. Bằng cách đối xử với các con nợ như thế,  anh biết mình làm hại cho chủ, nhưng lại có lợi cho mình, vì sau này, những người được tha nợ sẽ đón tiếp đãi đằng để cám ơn anh, hoặc sẽ giúp đỡ lại cho anh trong lúc anh sa cơ khốn đốn. Nhưng chắc chắn ông chủ không thể khen sự lươn lẹo ma giáo như thế của anh ta, vì anh ta tha bớt mức nợ của những con nợ bao nhiêu là làm hại cho ông chủ bấy nhiêu.

Còn theo bản dịch thứ nhất “Chúa khen là bản dịch đúng hơn, thì ta tự hỏi người quản gia bớt lương đó có ưu điểm nào mà đáng được Chúa khen. Chắc chắn  Chúa không khen sự lươn lẹo gian dối của anh ta, mà chỉ khen suy nghĩ khôn ngoan và ứng sử mau lẹ của người quản gia này để lấy đó làm gương cho mọi người. Chúa muốn mọi người cũng hãy biết chớp thời cơ để hành động cho đúng, lúc sắp phải ra trước tòa phán xét, tính sổ đời mình với Thiên Chúa. Vậy “Chúa khen” tức là chính Chúa Giêsu khen cách sử trí của anh ta chứ không phải là Ngài khen sự ma giáo của anh ta. Chúa khen anh ta, nhưng lấy làm buồn vì những kẻ tin Chúa lại không khôn lanh, không biết phản ứng mau lẹ trước một vấn đề còn quan trọng hơn rất nhiều: đó là vấn đề được vào Nước Trời, được cứu độ hay không. Đúng như Chúa nói “quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng”. Có biết bao người trong chúng ta thật khôn ngoan mưu trí trong những chuyện trần thế, mà lại lừng khừng, thậm chí u mê trước vấn đề thuộc linh hồn. Bao nhiêu dịp may Chúa ban cho họ, trong đó Chúa muốn quảng đại ban phú muôn ơn thiêng, sẵn sàng giúp họ ra khỏi một nỗi nguy nào đó cho linh hồn hoặc tạo điều kiện thuận lợi để họ được rỗi, nhưng họ đã dạy dột để lỡ mất cơ hội. Cụ thể như vào các Năm Toàn Xá mà Hội Thánh mở ra, nhưng họ đã dửng dưng, không biết mau mắn tận dụng.

Lời Chúa hôm nay mời gọi ta sống bác ái và thật thà, không gian dối trong các giao dịch với kẻ khác, không khinh thường và ức hiếp kẻ nghèo khó yếu thế. Trái lại, như thánh Phaolô khuyên dạy, ta hãy sống đạo đức công chính với hai bàn tay thanh sạch, không làm hại ai, nhất là trở nên những môn đệ trung kiên đến cùng với Chúa như chính thánh Tông đồ nêu gương.

* Đề tài đính kèm, để quảng diễn thêm hoặc nhắc nhở cho giáo dân:

a) vẫn đề xét mình trước hi xưng tội, tránh sự  quấy quá chiếu lệ, và sự xét mình hay kiểm điểm đời sống mỗi tối trước khi ngủ, hoặc mỗi tuần, để dễ thấy các sai lỗi và điều chỉnh. Rất nhiều người hiếm khi xét mình, nhìn lại quá khứ đời mình.

b) cần biết và nhớ rằng sự gian dối, lừa đảo, cố tình quỵt nợ v.v…là những lỗi lớn, có thể là tội trọng, nếu món mình quỵt hoặc ăn gian là món lớn, món quan trọng. Đây là những lỗi phạm đến đức công bằng, nguyên xưng tội là chưa đủ để được tha, phải xưng tội và đền trả cho kẻ bị mình quỵt hoặc lừa dối mới được tha.

Antôn Trần Thế Phiệt

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C