GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XXXI THƯƠNG NIÊN NĂM C

Phân biệt đối xử là khuynh hướng rất quen thuộc và có trong cách cư xử có thể nói của hết mọi loài, từ loài vật đến loài người. Bằng chứng là ngay một con chó chẳng hạn mà chúng ta nuôi trong nhà đã có biểu hiện phân biệt đối xử: nó thích con chó này, ghét con chó kia, cho con chó này ăn chung ngủ chung với nó và đuổi cắn một con chó khác. Một trẻ nhỏ trong gia đình chúng ta đã ưa người này và không thích người kia. Có nhiều cha mẹ yêu đứa con này mà ghét đứa con kia.

Sự phân biệt đối xử có thể lộ ra trong một nhóm người hoặc thậm chí một dân tộc. Cụ thể là dân Israel trong thời Cựu Ước đã có những giai đoạn thù địch một hay nhiều dân tộc khác mà họ đối mặt trong sa mạc hoặc trong miền Đất Hứa. Sự thù nghịch có khi kéo dài suốt nhiều thế kỷ, ví dụ sự đối kháng giữa người Do Thái và người Samari đã có từ lâu và kéo dài cho và đến thời Đức Giêsu vẫn còn tiếp tục.

Riêng trong nội bộ dân Do Thái, kể cả nội bộ đạo Do Thái vào thời Chúa Giêsu, cũng có sự đối chọi giữa nhóm này với nhóm kia chẳng hặn giữa Biệt phái và thu thuế. Biệt phái là nhóm người thuộc cấp lãnh đạo dân Do Thái và tự coi mình như mẫu mực đối với Dân. Do kiêu căng, họ coi thường những kẻ khác, như đàn bà, con nít là những hạng mà họ cho là không biết lề luật. Họ khinh miệt những người thu thuế và liệt những người này vào hạng tội lỗi, vì họ nghĩ người thu thuế cộng tác với ngoại bang,  thu góp tiền thuế của Dân thánh để chính quyền Rôma sử dụng một phần vào việc thờ cúng thần linh của họ. Đối với Biệt phái, những người thu thuế là hạng không xứng đáng được hưởng Nước Trời khi Nước Trời đến trong nay mai, nghĩa là đáng loại trừ như hạng người xấu xa tội lỗi, ảnh hưởng độc hại đến Dân thánh.

Bởi đó thái độ của Chúa Giêsu đối với ông Gia-kêu có lẽ đáng bị Biệt phái coi là hành vi phá hoại nề nếp đạo đức của Dân chọn. Nhiều người trong dân chứng kiến sự kiện Đức Giêsu tỏ vẻ đầy thiện cảm đối với ông Gia-kêu cũng nghĩ như vậy. Họ ngạc nhiên và xầm xì, vừa không thể hiểu được vừa không thể chấp nhận việc Chúa Giêsu vồn vả với một kẻ bất xứng, lại còn tính tá túc ở nhà ông Gia-kêu, một trưởng ty quan thuế Chúa Giêsu rõ ràng đã đối xử khác với Biệt phái và nhiều người dân khác. Ngài có vẻ phân biệt đối xử, vì quý mến một kẻ xấu, tỏ lộ thiện cảm với một kẻ đáng bị lên án và loại trừ khỏi cộng đoàn thánh thiện. Thật ra, Chúa Giêsu không loại trừ ai khỏi tình thương của Ngài, kể tốt lành cũng như người tội lỗi.

Cách sử sự của Chúa Giêsu phản ánh chính cách sử sự của Thiên Chúa Cha, Đấng chỉ có một thái độ hay tâm tình duy nhất dành cho mọi loài và mọi con người: đó là yêu thương. Theo suy nghĩ của tác giả sách Khôn ngoan, Thiên Chúa không hề phần biệt đối xử. Người quý thương mọi loài, nhất là mọi người. Sở dĩ thế, vì người là Đấng đã tạo dựng nên tất cả, Người là Cha đầy tình thương của từng thụ tạo, bất kể thụ tạo ấy (một con vật hay một con người) bé nhỏ thấp hèn bất xứng hay lớn lao hùng mạnh. Một thụ tạo đã hiện hữu chính vì người yêu thương, quyết tạo dựng để thụ tạo ấy được hiện hữu trên đời, được chia sẻ sự sống sự hiện hữu hay hạnh phúc của Người.

Cách sử sự của Thiên Chúa Cha và của Đức Giêsu dạy chúng ta quý thương tôn trọng mọi tạo vật của Chúa,  nhất là mọi người sống chung quanh mình ta hãy loại trừ mọi tâm tình khinh chê, thù ghét, ác cảm mỗi khi nghĩ đến một kẻ khác. Hiện tại, nghĩa là khoảng thời gian Ngày tận thế chưa xảy đến và chưa chấm dứt mọi sự, là thời gian mọi người còn được có nhau và sống bên nhau trên cõi đời. Noi gương thánh Tông đô Phaolô, ta hãy chân thành thương mến mọi người tốt cũng như xấu, nghĩ đến họ hay nhìn họ bằng thiện cảm, cầu nguyện cho họ được hạnh phúc, nhất là được cứu rỗi. Tập sử sự như thế là ta đã bắt đầu xứng đáng là con cái của vị Thiên Chúa đầy tình thương và không phân biệt đối xử, không loại trừ ai.

Lm. Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C