NGƯỜI BAN CHO HỌ CỦA ĂN

DAT ESCAM

(Il donne à manger)

 

Mê ăn là một tội trọng. Tội này là một trong bảy tội được kê trong những danh sách của chúng con về tội. Lạy Chúa, chúng con không bao giờ dám sửa đổi chút nào những danh mục này. Làm như thế quả là làm một điều liều lĩnh. Nhưng ngày nay, trong một thế giới gần như ở đâu cũng có nạn đói ; trước một đứa trẻ thiếu ăn ; đối diện với những toàn thể lục địa như : Trung châu Phi, Ấn Ðộ, Trung Quốc, có hằng triệu người chẳng bao giờ có được một lần ăn no trong đời họ, thì việc mê ăn mãn tính chỉ có thể dành cho một thiểu số nhỏ. Ðối với con, hình như người ta chưa hiểu hết mầu nhiệm về của ăn, khi chúng con phát biểu một cách thông thái rởm tiên đề không thể chối cải này “không nên ăn quá no, cũng đừng quá nhanh hay quá ngon”.

Các lương dân đã dạy cho chúng con những bài học sơ đẳng này rồi. Phải có những gì khác, và quan trọng hơn, và cũng cao quý hơn trong sự tiết độ ; vì con người, mà đôi khi nguời ta định nghĩa cho chúng con nghe, như là một sinh vật biết suy nghĩ, một sinh vật biết chiêm niệm, “là một thần linh bị đày đọa nhưng còn nhớ đến cõi thiên đường”, con người trước tiên là một con vật biết ăn. Ðiều này quả là thô bạo, không có vẻ thẩm mỹ mấy, nhưng thực sự là thế, và các bà mẹ quá biết điều này, cũng như các tướng lãnh quân đội hay các ông bộ trưởng phụ trách việc tiếp tế lương thực. Cái khó khăn mà đa số trong chúng con cảm thấy không phải là biết lúc nào phải ngừng cung cấp khi họ ăn quá nhiều, mà là giúp đến lúc nào họ sẽ được ăn vừa đủ. Không phải là chuyện có thực phẩm quá thặng dư, mà là sự kiện thiếu thực phẩm đang đe dọa chúng con ; và chúng con không tin được con mắt chúng con, khi thấy được những thực đơn ngày xưa, mà trong hai trang giấy bóng, tất cả mọi thức ăn được kê thành hàng sát nhau, mà cha ông chúng con làm sạch chỉ trong một bữa ăn, và nó sẽ đủ cung cấp cho chúng con tất cả lượng calori cần thiết cho cả một tháng trời. Ngày nay, hùng hỗ lên án tội mê ăn phải chăng cũng hơi giống như lên giọng kết án những trò đấu kiếm trong các hý trường thuở xưa ?

Con chỉ muốn suy niệm theo tinh thần kitô giáo về cách ăn uống của con thôi. Ðó là một việc quan trọng. Các vấn đề về thực phẩm đã làm thánh Phaolô bận tâm khá nhiều. Với những ai đang áy náy vì đã ăn thịt được dâng cho các ngẫu thần, ngài khuyên họ hãy đành lòng ăn rau cải mà đừng cãi nhau với những người láng giềng của mình ăn thịt. Chúng con có những quy định tỉ mỉ về việc ăn chay và kiêng thịt với tất cả một môn giải nghi rất tinh tế về bơ, về mỡ, về nước xúp và những chim le le.

Cách ăn uống này đã nhập vào đời sống tu trì của chúng con, và những kẻ vô tín ngưỡng chế nhạo điều ấy cách thõa thích. Họ không nghĩ rằng Chúa lại quan tâm đến những dĩa trứng tráng. Ðối với họ, nhân đức không có liên hệ gì với những gì đựng trong các nồi niêu. Thịt hay cá, ai có thể mua được các thứ ấy thì cứ ăn : còn muốn kiêng cử gì thì cứ đi hỏi ý bác sĩ của họ. Việc Chay Tịnh của họ sẽ chỉ là những gì Trường Ðại học quy định cho họ. Ðối với các thiên tài này hình như Thiên Chúa không quá đi ra khỏi vai trò của Người, khi Người chỉ muốn biết chúng ta đang nghĩ gì hay muốn gì, nhưng Người xen vào việc chúng ta ăn thứ gì thì kể là một sự lạm dụng quyền bính thật sự.

Nhưng lạy Chúa, con nghĩ rằng gạt bỏ khỏi những danh sách về các mối tội đầu có xưa kia lòng vô ơn, mà trước kia nó cũng có trong các danh sách âãy, thì thật là một tại hại lớn ; vì sự hiện diện của tội vô ơn có lẽ sẽ giữ chúng con khỏi hai nguy cơ, là có trái tim quá khô đét đồng thời có cái miệng quá đầy. Nếu con sống đạo hạnh thì thức ăn, đối với con, phải là đối tượng của một nghi thức phụng vụ tỏ lòng biết ơn ; vì thức ăn là của chúng con hoàn toàn lãnh nhận được.

Con có thể tạo ra trong trí những ý tưởng và những hệ thống ; nhưng con sẽ không bao giờ tự nuôi con với thân mình con. Từ giọt sữa mẹ đến bữa ăn sáng hôm nay, tất cả đều phải đến từ một nơi nào đó, tất cả hoàn toàn là một của được ban cho trọn vẹn.

Từ đó, đứng trước một món quà được ban, chỉ sống có chừng mực, không ăn quá nhiều cũng không quá ít, theo con là chưa đủ. Lương dân có thể nghĩ như thế, và xem thức ăn cũng giống như ngủ nghỉ hay làm việc, chiếu theo quy tắc tầm thường này : đừng thái quá. Ðối với họ, thức ăn chỉ là một dịp tốt để người ta làm suy sụp khi khai thác nó đến cùng, giống như khi người ta làm chết một con ngựa khi thúc nó chạy quá nhanh, hay giống như khi người ta làm gãy cây cung khi kéo nó cong quá mức.

Nhưng trước một quà tặng, việc đầu tiên không phải là sử dụng nó ngay. Nhưng là tạ ơn. Các kitô hữu đã làm điều này như do bản năng, và họ đọc lời “tạ ơn” trước khi dùng những thức ăn đó. Họ biết rằng những của ăn đó là do Chúa ban cho, và những người đầu bếp, khi chế biến các món ăn ấy, cũng xử sự với nó đầy lòng cung kính, vì một bàn tay vô hình và đầy tình phụ tử đã ban phát những thứ đó. Trong các thức ăn đó, có cả công việc của trái đất kết hợp với mặt trời, có cả công việc của con người và của Ðấng Tạo Hóa. Làm tăng giá trị của nó, còn là một cách đi vào những ý định của Chúa, như thể khi người ta trưng bày một bó hoa thành một bản giao hưởng âm thầm, thay vì vung vãi nó bừa bải trên bàn.

Tại sao con phải tránh những điều thái quá ? Chỉ vì lý trí chúng con phản đối chăng ? Nhưng lạy Chúa, cái lý trí nghèo nàn này thật là lạnh tẻ với những quy định không có chút lòng mến. Vì muốn tỏ ra đứng đắn và lịch sự chăng ? Nhưng con xin thú thật là lắm lúc con cảm thấy một nỗi thèm muốn điên cuồng đập phá một chút tất cả những sự đứng đắn đó ; và tranh cãi những phong cách lịch sự trịnh trọng này mà con cho là quá trang nghiêm, và thực ra. chỉ là quá tự tin. Như vậy con cần có những rào chắn vững chắc hơn những rào chắn do lòng tôn trọng trật từ dựng lên. Tôn trọng trật tự đã thiết lập, quả là thái độ hành xử của kẻ trưởng giả. Ai đã thiết lập nó, và để làm gì ? Người ta đã không tham khảo ý kiến con khị thiết lập nó, và nếu con có thể đưa ra ý kiến của con, có lẽ con sẽ sửa đổi tất cả hệ thống.

Rào chắn duy nhất mà con sẵn sàng nhìn nhận, và con sẽ không vượt qua mà không làm một hành vi tai ác, đó là rào chắn của lòng biết ơn. Vì ở đây chúng ta là hai. Không phải chỉ có thái độ đứng đắn với chính mình con thôi ; điều này là chuyện cá nhân của con. Nhưng con phải tỏ ra thanh cao đối với Chúa nữa. Lạm dụng những quà tặng người ta cho là khác hẳn với phung phi tài sản của mình. Có lẽ con sẽ chấp nhận giữ hai bàn tay con lấm cả bụi bặm, khi con ở một mình, nhưng con không đưa cho người bạn con thấy những bàn tay bẩn thỉu như thế, ngay cả với một người chưa hề quen biết. Con có một khuynh hướng bất trị là giải quyết giữa con với con, về những gì chỉ liên quan đến con ; nhưng khi Chúa xuất hiện, không phải với tư thế là một quan án, nhưng với tư cách là một người đạồng hành, lạy Chúa, con biết quá rằng con phải quan tâm đến quan điểm và những ao ước của Chúa. Việc mê ăn ? Làm sao con có thể đi đến mức ấy, khi mà con xác tín với tất cả lòng tin của con, và con biết từ lúc con mới sinh ra cho đến giờ chết của con, rằng tất cả thức ăn của con, cho đến miếng bánh khiêm tốn nhất, đều đến từ tay Chúa và nhắc con phải có lòng biết ơn.

Chúa là Con Người. Chúa đã nếm cảnh đói và những ngày chay tịnh dài trong hoang địa. Con nghĩ rằng, khi các thiên thần đến để kết thúc cuộc chay tịnh này, các thiên thần không hạn chế khẩu phần của Chúa ; khẩu phần ăn đó là quà tặng từ tay Chúa Cha mà đến, Con không nghĩ rằng Chúa không cấm cản chúng con liên hoan với những quà Chúa ban tặng, vì Chúa đã đồng hóa vinh quang của Thiên Ðàng với một bữa tiệc trên thiên quốc ; và con sẽ giữ khỏi mọi sự thái quá, về ít cũng như về nhiều, vì tất cả những gì con dùng như của ăn, con đều lãnh nhận như một quà tặng từ sự vinh hiển của Chúa.

 

Cầu nguyện từ mọi sự vật

La Prière de toutes les heures, trang 154-157

Pierre Charles, sj

 

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà