PHẢI MỘT TRĂM PHẦN TRĂM!

 

Lm.Anphong Nguyễn công Vinh

 

 

1.Người cầu toàn[1] là người có xu hướng muốn mọi sự đều phải hoàn hảo theo ý mình, từ công việc, gia đình đến bạn bè và nói chung là tất cả những gì liên quan đến họ. Cần phải phân biệt người cầu toàn với người nỗ lực phấn đấu để cuộc sống và công việc được tốt đẹp, tiến bộ hơn trong khả năng của mình, trong khi vẫn chấp nhận tình trạng hiện tại còn có những thiếu sót chưa khắc phục được. Ngược lại, người cầu toàn lại có những mong muốn ngoài khả năng và thực tế hiện có. Các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng: người nào có tính cầu toàn cao, thì hàm lượng hoóc môn stress corbisol càng cao, đưa đến sự suy kiệt thể trạng, mệt mỏi, khó chịu, căng thẳng, nản chí và hàng loạt các triệu chứng liên quan đến cảm xúc.

 

2.Những đặc điểm nhận ra người cầu toàn

 

·         Người cầu toàn thích đưa ra các quy định khắt khe và buộc người khác phải tuân theo. Khi yêu cầu của họ không được thoả mãn, sẽ đưa đến khó chịu, cáu gắt và như thế, mối quan hệ với người khác hoặc với tập thể sẽ bị thương tổn.

·         Người cầu toàn thường cứng nhắc trong công việc và muốn có kết quả 100% theo như kế hoạch đã định. Nếu không đạt được, họ dễ bị lâm vào tình trạng chán nản.

·         Người cầu toàn không những thích hoàn hảo trong công việc, mà còn muốn tất cả mọi thứ liên quan đến bản thân cũng phải hoàn hảo.

·         Người cầu toàn thường ngần ngại, do dự, vì qua suy tính và sợ thất bại. Điều nầy làm cho công việc hay bị trì hoãn, khó tiến hành.

·         Người cầu toàn thường che dấu khuyết điểm của mình, đổ lỗi cho người khác. Vì thế, khó làm việc chung và khó nhận khuyết điểm sửa sai trong công việc.

 

Những người lãnh đạo có khuynh hướng độc tài cũng thường có những đặc điểm của người cầu toàn. Từ đó thường dùng những cộng sự kém hơn mình và dễ sai bảo, để ý muốn của mình được chấp hành. Như thế khó lòng thành công xuất sắc, vì toàn dùng người kém, không có tài.

 

3.Hậu quả của tính cầu toàn

 

·         Trong mối quan hệ gia đình, người cầu toàn dễ gặp trục trặc, vì yêu cầu của họ về ngườn bạn đời quá cao, khiến khó có thể đáp ứng được. Do đó, bầu khí gia đình luôn căng thẳng và có thể dẫn đến chia tay, vì nhiều chuyện vụn vặt cứ xảy ra. Tình trạng nầy cũng ảnh hưởng xấu đến con cái, khiến chúng dễ mắc phải một số bệnh tâm lý, khi phải cố gắng để đáp ứng lại cha hoặc mẹ cầu toàn.

·         Người cầu toàn cũng như người lãnh đạo độc tài thường ít bạn, vì tiêu chuẩn chọn lựa thường chủ quan, tuỳ thuộc cảm xúc. Mối giao thiệp thừơng không ổn định, không bền vững, dễ tranh cãi và khi ấy thường là xa lánh bạn bè, hoặc không muốn sự cộng tác của họ. Lưu Bị không phải là người có tài xuất chúng, nhưng ông là một nhà lãnh đạo ít óc cầu toàn, biết dùng người và không độc tài. Ông nhìn nhận tài năng của Gia cát Lượng Khổng Minh, tôn trọng và không sợ Khổng Minh lấn át mình, cũng như không để tình cảm huynh đệ kết nghĩa với Quan Vũ, Trương Phi ảnh hưởng, nên cương quyết giữ Khổng Minh. Nhờ đó, Lưu Bị mới cầm cự nổi với Tào Tháo đa mưu túc trí, bên cạnh có Tư Mã Ý cũng không kém gì Khổng Minh.

·         Với công việc: quá cứng nhắc, quy định khắt khe, vì muốn mọi việc mình làm đều phải thật tốt. Do đó, dễ va chạm, bấtt hoà với đồng nghiệp, với người cộng tác.

·         Dễ bị rối loạn tâm lý và thể chất: dễ mắc chứng trầm cảm, rối loạn, lo âu. Ngoài ra, cũng dễ mắc các bệnh về thể lý.

 

4.Khắc phục

       

·         Chấp nhận hoàn cảnh: Có những trường hợp bạn không thể thay đổi ngay hoàn cảnh như mình muốn, mà hãy chấp nhận và thay đổi chính mình, rồi hoàn cảnh sẽ thay đổi. Ai cũng quen với môi trường mình đã sống và với những thói quen sẵn có. Sự thay đổi môi trường, con người dễ làm bạn khó chịu, phiền phức. Vì thế, ngay từ khi còn trẻ, bạn hãy tập chấp nhận thích nghi với mọi môi trường với thái độ tích cực. Thái độ nầy sẽ làm đời sống trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ, đỡ đi nhiều bận tâm lo lắng vô ích có hại cho sức khoẻ.

·         Chấp nhận những người cùng sống, cùng làm việc với mình. Tôn trọng sự hiện diện và quyền lợi của họ; tôn trọng sự khác biệt trong quan điểm, sở thích và hoạt động của họ; tập đối thoại với người khác để tìm ra những giải pháp tốt cho công việc hoặc để nhẹ nhàng thoát ra khỏi những mâu thuẫn, bất đồng. Nếu bạn là người lãnh đạo, thì điều nầy hết sức cần thiết. Thay vì dùng quyền để trù dập những ý kiến khác biệt, thì sự đón nhận những phản hồi của người khác sẽ giúp bạn tìm ra được những giải pháp tối ưu và bất ngờ.

·         Luôn tìm những điểm sáng. Cuộc sống luôn có ánh sáng và bóng tối. Người lạc quan và năng động là người luôn tìm điểm sáng, nghĩa là luôn tìm kiếm những điểm tích cực, thuận lợi trong mọi sự việc, biến cố, thay vì chỉ dừng lại ở những điểm tối, tiêu cực, bất lợi. Cuộc sống luôn có những bất ngờ ngoài dự kiến của bạn. Bạn có thể có những kế hoạch bạn cho là rất tốt, có những điều kiện xem ra thuận lợi, nhưng có khi lại thất bại. Ngược lại, có khi công việc xem ra bế tắc, đầy khó khăn, nhưng với tinh thần lạc quan và cố gắng, trân trọng sự cộng tác của nhiều người, bạn lại thành công. Vì thế, phải thay đổi suy nghĩ và cách nhìn của mình về hướng những điểm sáng, những điểm tích cực. Hoàn cảnh nào cũng đều có ít nhiều thuận lợi có thể rút ra; người nào cũng có những ưu điểm, chỉ tại bạn không nhận ra nơi họ.

·         Biết dùng cũ mới, miễn là có ích. Cổ nhân nói: Dụng nhân như dụng mộc. Chúa Giêsu đã nhắc nhở: Một chủ nhà khôn ngoan không phải là người chỉ biết sắm những cái mới, mà loại bỏ mọi cái cũ, nhưng là người biết sử dụng cả cái mới, cái cũ trong kho của mình (x. Mt 13,52). Khi nhận một công việc nào mới, bạn thường có khuynh hướng đổi mới bằng cách phá bỏ tất cả những gì người trước thực hiện mà không hề đắn đo suy nghĩ xem có cần thiết chưa, có ích lợi thực sự không; còn nữa, bạn loại bỏ tất cả những người cũ, là những người đã trải nghiệm hoàn cảnh, công việc, để hoàn toàn dùng nhân sự mới; những người nầy chưa có kinh nghiệm, chưa từng trải, họ phải qua nhiều vấp váp, nhiều thời gian mới quen công việc. Như thế, bạn đã tự mình làm chậm lại sự đổi mới của bạn mà chưa chắc sự đổi mới nầy đã hay hơn, hợp với lòng người hơn. Ở đời có những cái mới chưa chắc đã tốt, đã bền, đã đẹp bằng những cái cũ.

 

*Một người kia có hai chiếc thùng để gánh nước. Một trong hai chiếc thùng ấy bị thủng, rò một lỗ nhỏ, vì thế khi gánh từ giếng về, nước trong thùng vơi đi nhiều. Chiếc thùng còn nguyên rất tự hào về sự hoàn hảo của mình, còn chiếc thùng bị thủng thì cứ luôn áy náy cắn rứt vì đã không chu toàn nhiệm vụ.

Một ngày kia, chiếc thùng bị thủng mới thưa với ông chủ: “Tôi thật sự xấu hổ về mình, tôi muốn xin lỗi ông!”. Ông chủ ngạc nhiên hỏi lại: “Nhưng ngưới xấu hổ về chuyện gì chứ?”. Chiếc thùng buồn bã trả lời: “Chỉ vì cái lỗ thủng trên thân tôi mà ông không nhận được đầy đủ những gì xứng đáng với công sức của ông!”. Đến đây thì ông chủ ôn tồn đáp: “Không đâu, ngươi cứ yên tâm. Mỗi khi đi từ giếng về nhà, ngươi hãy chú ý xem những những luống hoa hai bên vệ đường…Ngươi không nhận ra rằng hoa phía bên nầy tốt và đẹp hơn phía bên kia sao? Ta đã biết được cái lỗ thủng của ngươi và ta đã tận dụng nó. Ta đã gieo những hạt giống hoa đẹp và quý phía bên ngươi. Trong những năm qua, chính ngươi không ngờ mình đã vun tưới cho chúng được tươi tốt. Ta đã hái những đoá hoa quý đó để trang hoàng trong căn nhà của ta. Nếu không có ngươi, nhà của ta đâu có được ấm cúng và duyên dáng như thế này đâu!”.

***

Cầu toàn, ước mong mọi sự đều tốt đẹp như mình mong muốn, đó là khuynh hướng của mọi ngừơi. Nhưng không phải khi nào cầu toàn cũng được như mình muốn. Do đó, phải cố gắng nơi bản thân và chấp nhận những điều chưa hoàn hảo để cải thiện nó. Chính nhờ vậy, cuộc sống của bạn sẽ nhẹ nhàng, vui tươi, khoẻ khắn và hoà nhã với mọi người. Lúc ấy, bạn sẽ dễ thành công trong mọi việc.

 

*Xin chia sẻ cho người khác.



[1] X.Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh, Trẻ Mãi Không Già, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2012.


Mục Lục Góp Nhặt Hoa Rơi