KINH THÁNH KHÔNG XÁC THỰC SAO?

Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh

 

Có người bảo rằng: Kinh Thánh Công Giáo không xác thực, vì có nhiều điều không đúng với khoa học, nhất là về nguồn gốc vũ trụ?

 

Kinh Thánh là bộ sách được các Giáo Hội Kitô coi là bản văn linh hứng[1] và trung thực, ghi lại những mặc khải, qua đó Chúa cho nhân loại biết về căn tính của Ngừơi và ý định của Người đối với họ. Để phân biệt giữa Truyền thống Do Thái và Truyền thống Kitô giáo, sách được phân chia thành Cựu Ước và Tân Ước. Chữ Ước trong Cựu ước và Tân ước ám chỉ hai giao ước Thiên Chúa đã ký kết với dân Người trong từng giai đoạn lịch sử. Năm 1546, Công Đồng Trentô đã long trọng xác định Chính Lục của Kinh Thánh, nghĩa là những sách nào được linh hứng, và coi những sách ấy là Kinh Thánh chính thức của Giáo Hội[2].

Công Cồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Dei Verbum: “Những gì Thiên Chúa mặc khải mà Kinh Thánh chứa đựng và trình bày, đều được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần…nên tác giả của các sách ấy là chính Thiên Chúa …”[3]. “ Tuy nhiên, vì trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy, nên để thấy rõ điều chính Người muốn truyền đạt cho chúng ta, người đọc và giải thích Kinh Thánh phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh sử có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của họ…, trong hoàn cảnh thời đại, văn hoá của họ, qua các lối văn được dùng trong thời đó…. Nhưng Kinh Thánh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần, nên cũng phải được đọc và giải thích trong Chúa Thánh Thần”[4].

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cũng xác nhận: “Thiên Chúa, trong sự hạ cố do lòng nhân hậu của Người, để tự mặc khải cho loài người, đã dùng ngôn ngữ phàm nhân mà nói với họ: các lời của Thiên Chúa, được diễn tả bằng  ngôn ngữ loài người, đã trở nên tương tự với lời nói loài người…”[5]. Kinh Thánh được viết cách đây hơn 20 thế kỷ, mượn ngôn ngữ, hình ảnh và quan niệm về vũ trụ quan, nhân sinh quan của thời bấy giờ, để truyền đạt chân lý về Thiên Chúa, về tôn giáo. Kinh Thánh không có mục đích trình bày kiến thức khoa học hay giải thích những vấn nạn về vũ trụ quan theo phương pháp khoa học. Kinh Thánh và khoa học không mâu thuẫn nhau, vì mỗi bên có đối tượng riêng. Do đó, ta không thể đòi hỏi người thời đó phải nói, phải diễn tả những mặc khải Kinh Thánh bằng ngôn ngữ và kiến thức của chúng ta bây giờ. Hình ảnh dùng để diễn tả có thể chưa chuẩn xác, ngôn ngữ có thể không phù hợp với chúng ta, nhưng nội dung diễn tả mới là điều quan trọng và không sai lầm.

 

Đọc trình thuật về Nguồn gốc Vũ trụ, Kinh Thánh trình bày như sau[6]:

 

        Ngày thứ nhất nhất, Thiên Chúa tạo ra ánh sáng, phân chia sáng tối.

        Ngày thứ hai, Thiên Chúa tạo nên bầu trời, tách biệt với nước.

        Ngày thứ ba, Thiên Chúa khiến nước tràn lan trên mặt đất, tích tụ thành đại dương, chỗ khô ráo thành đại lục và khiến các thứ thảo mộc nảy nở.

        Ngày thứ tư, Thiên Chúa tạo ra mặt trời, mặt trăng cùng các ngôi sao.

        Ngày thứ năm, Thiên Chúa khiến loài cá xuất hiện dưới nước và chim bay trên trời.

        Ngày thứ sáu, Thiên Chúa khiến mặt đất phát sinh các loài thú vật, côn trùng và sau cùng là tạo thành con người.

        Ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi, công việc sáng tạo hoàn tất.

 

Đọc trình thuật trên, ta không thể hiểu theo nghĩa đen từng chữ, nếu không sẽ có nhiều vấn nạn, chẳng hạn: ai có mặt lúc Thiên Chúa tạo thành vũ trụ mà thuật lại; Thiên Chúa tạo thành vũ trụ có sáu ngày[7] sao? Mãi đến ngày thứ tư mới có mặt trời thì làm sao mà ngày thứ ba cây cối thảo mộc có thể sống được và ngày thứ tư mới có mặt trời mặt trăng thì căn cứ vào đâu mà có thể tính được ba ngày trước?

Nội dung chính yếu của cách mô tả nầy là:

-Thiên Chúa đã tạo thành vũ trụ từ hư không[8], Người là nguyên nhân duy nhất tác thành vũ trụ.

-Con người là công trình đặc biệt của Thiên Chúa, là cao điểm của công trình sáng tạo.

-Con người phải nghỉ ngơi ngày thứ bảy và dành ngày đó cho việc thờ phượng Thiên Chúa.

 Chỉ những nội dung trên mới được mặc khải và bảo đảm không sai lầm, chứ không phải kiến thức về vũ trụ, khoa học. Do đó, khi đọc Kinh Thánh, để tránh sai lạc, cần phải phân biệt những giáo huấn chính yếu với những chi tiết phụ thuộc. Giáo huấn chính yếu là đối tượng của đức tin, còn những chi tiết phụ thuộc như thể văn, cách miêu tả theo kiến thức đương thời không phải là đối tượng của đức tin. Vì thế đừng vội kết luận: Kinh Thánh là không xác thực.

Nếu muốn phê bình cho đúng đắn một vấn đề gì thì phải tim hiểu kỹ lưỡng, không nên võ đoán theo sự nông cạn của mình!

 

                                    *Xin chia sẻ cho người khác

 



[1] Linh hứng: được Chúa chỉ dẫn, gợi ý.

[2] Sách được Giáo Hội Công Giáo công nhận.

[3] X.Hiến Chế Tín Lý Về Mặc Khải Của Thiên Chúa, số 11.

[4] Id.số 12.

[5] GLCG số 101.

[6] X. St 1,1-2,4.

[7] Đừng hiểu ngày là 24 giờ như chúng ta hiện nay, nhưng ngày có thể là hàng triệu năm. X.GLCG số 337

[8] Không có vật liệu sẵn.


Mục Lục Góp Nhặt Hoa Rơi