Chúa Nhật tuần I Thường niên

Suy niệm Mát-thêu 3:13-17

Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa

 

Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.  (Mát-thêu 3:17)

          Thật là một quang cảnh tuyệt vời!  Các tầng trời mở ra, một tiếng nói vang lên và chim bồ câu đậu xuống trên Chúa Giê-su.  Rõ ràng Thiên Chúa coi việc Chúa Giê-su chịu phép rửa là một biến cố rất quan trọng, vì Người đã ngưng lại tất cả để ăn mừng.

          Nhưng còn hơn cả việc ăn mừng, biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa là một thời điểm mặc khải.  Bên bờ sông Gio-đan, toàn thể Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đã tỏ mình ra.  Tại đây và vào lúc khởi đầu sứ vụ của Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã tỏ mình ra theo một cách mới và đầy quyền năng.  Khi tỏ mình ra như Ba Ngôi, điều mà ngay cả người Do-thái đạo đức cũng không hiểu nổi, Thiên Chúa đã cho thấy rõ một điều mới mẻ sắp xảy đến.  Vương quốc Chúa Giê-su được sai đến để khai mạc không phải chỉ là tiếp nối những gì đã có trước đây.  Nhưng Thiên Chúa sắp thực hiện một điều thật cao cả và Người muốn mọi người hãy chú ý.

          Trong khung cảnh này, chúng ta thấy mỗi một Ngôi trong Ba Ngôi đã hành động.  Sẵn sàng “thực hiện mọi lẽ công chính”, Chúa Giê-su tự ý xin ông Gio-an làm phép rửa cho mình (Mát-thêu 3:15).  Phán ra từ trời cao, Chúa Cha loan báo rằng Người “rất vui lòng” về Con của Người (3:17).  Còn Chúa Thánh Thần thì đậu trên mình Chúa Giê-su, tách riêng Người ra để Người thi hành sứ mệnh (3:16).  Hết thảy Ba Ngôi đều hiệp nhất trong tình yêu và trong cùng một ước muốn đem ơn cứu độ đến cho chúng ta.

          Khi Ba Ngôi hiệp nhất với nhau như thế, Thiên Chúa muốn chúng ta biết rằng đó không phải là một cộng đồng đóng kín.  Mọi ngày, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy bước vào đời sống của Người và tham dự vào sứ mệnh của Người.  Do đó, chúng ta cũng cần được Chúa Thánh Thần xức dầu giống như Chúa Giê-su đã được xức dầu.  Rồi chúng ta cũng cần phải biết Cha chúng ta yêu thương chúng ta và vui lòng về chúng ta đến chừng nào, như Người đã vui lòng với Chúa Giê-su.  Điều đó thật ý nghĩa, có phải không?  Đúng vậy, ước muốn sâu xa nhất của Thiên Chúa là chúng ta hết thảy đều trở nên giống Chúa Giê-su và hãy tiếp tục xây dựng vương quốc Người!

 

          “Lạy Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, con chấp nhận lời Chúa mời gọi!  Con muốn làm một phần tử trong cộng đồng yêu thương của Chúa”.