Chúa Nhật tuần III Phục Sinh

Suy niệm Lu-ca 24:13-35

 

Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?  (Lu-ca 24:32)

 

         Các tác giả tu đức danh tiếng có biệt tài diễn tả những chân lý ngàn đời chỉ bằng một ít lời thôi.  Đó chính là nghệ thuật chúng ta gặp thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.  Kể lại câu chuyện hai người gặp gỡ Chúa trên đường Em-mau, thánh sử Lu-ca cũng dạy chúng ta về sức mạnh biến đổi của Thánh lễ.

         Ông Clêopha và người môn đệ kia đang trên đường về quê quán mình, buồn bã vì Chúa Giê-su đã bị đóng đinh thập giá (Lu-ca 24:17-18).  Họ vẫn còn một chút hy vọng vì bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã nói với họ về ngôi mộ trống, nhưng điều ấy xem ra vẫn chưa đủ thuyết phục họ.  Khi Chúa Giê-su gặp họ trên đường nhưng Người không tỏ lộ, họ đã chia sẻ với Người những nghi ngờ của họ.  Đáp lại, Người kể cho họ nghe câu chuyện ơn cứu độ – thế  là tâm hồn họ bắt đầu bừng cháy lên.  Rồi trong bữa ăn tối, khi Chúa Giê-su làm phép và bẻ bánh, “mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (24:31).  Với đức tin được phục hồi, họ quay đầu vội vã trở về Giê-ru-sa-lem để nói cho những người khác biết những gì đã xảy ra.

         Biết bao lần chúng ta nghe nói về những người đã ngừng không đi tham dự Thánh lễ nữa, vì họ thấy mình chẳng cảm nhận được điều gì từ đó cả.  Tuy nhiên điều này thường xảy ra khi “hình thức” bên ngoài của Thánh lễ, như thánh nhạc, trang trí của nhà thờ, những lời và cử chỉ phụng vụ, đã b        iến thành quan trọng hơn cả “bản chất” nội tại của điều đang thực sự diễn ra.

         Hình thức, thí dụ khi chúng ta đọc “Tôi thú nhận”.  Còn bản chất nội tại là việc chúng ta cảm nghiệm Chúa đang thanh tẩy chúng ta.  Hình thức là người đọc sách đang công bố các bài đọc.  Còn bản chất là lời Chúa đang trở nên sống động trong tâm hồn chúng ta.  Hình thức là hành vi rước lễ.  Còn bản chất là việc chúng ta mở lòng cho Chúa và quyền năng của Người đầy tràn tâm hồn chúng ta.  Bản chất đòi chúng ta phải thay đổi đời sống và chia sẻ Tin Mừng về Chúa Giê-su với anh chị em chung quanh.

         Nói tóm lại, hình thứ chú trọng nhiều hơn đến những việc chúng ta làm, nhưng bản chất chú trọng đến Đấng chúng ta đang gặp gỡ.

 

         “Lạy Chúa, xin cho con nhận biết Chúa trong Thánh lễ hôm nay.  Ước gì con đừng bao giờ thiếu chuẩn bị trước tất cả những gì Chúa muốn ban cho con”.