Thứ Hai tuần 6 Thường niên

Suy niệm Mác-cô 8:11-13

 

Người thở dài não nuột.  (Mác-cô 8:12)

 

         Bạn sắp sửa dẹp tiệm, đang rầu thối ruột, thì một người nào đó lại tạt thêm gáo nước lạnh vào mặt bạn.  Bạn sẽ phản ứng thế nào?  Nếu bạn cũng như bao người khác, thì bạn sẽ nổi giận, rồi muốn làm một điều gì đó để trả thù.  Nếu bạn đã chán nản sẵn, nay lời mỉa mai ấy có thể khiến bạn nổi cơn giận dữ.  Nhưng với con mắt đức tin, chúng ta có thể nhận ra những phản ứng như vậy là dấu chỉ cho thấy bản chất sa ngã của con người chúng ta đang chủ trị, nên đó cũng là cơ hội tốt để chúng ta nhớ lại những gì Chúa Giê-su đã làm trong tình huống tương tự.

         Bị bao vây do những kẻ thù luôn tìm cách thử thách, Chúa Giê-su có đủ lý do để nổi giận chứ.  Dầu gì Người cũng hoàn toàn là con người như chúng ta, nên những khinh thường đã làm cho Người bị tổn thương thật nhiều, giống như chúng ta vậy.  Nhưng Chúa Giê-su không khi nào trả đũa cho sự thù nghịch của họ.  Khi những kẻ hạch sách Người đòi hỏi một dấu lạ khác, Chúa Giê-su chỉ “thở dài não nuột” thôi (Mác-cô 8:12).  Mặc dù rõ ràng chán nản vì họ cứng lòng tin, Người vẫn không trả thù.  Người chỉ âm thầm tiếp tục công việc.

         Quả thực Chúa Giê-su đã làm chủ được cảm xúc của Người!  Trong khi chúng ta chỉ một chút đã nổi cơn kiêu căng và giận dữ, thì Người luôn chọn con đường khiêm tốn.  Người biết Người không cần phải tự quảng cáo mình.  Người biết sứ mệnh của Người là thực thi thánh ý Chúa Cha và làm cho người ta biết đến Chúa Cha.  Theo cách này cũng như qua rất nhiều cách khác, Chúa Giê-su đã tỏ ra Người là “người Con toàn hảo”.

         Nhưng không phải thế là hết đối với chúng ta.  Chúng ta có thể làm nhiều hơn là chỉ hết sức cố gắng bắt chước Chúa Giê-su, hoặc tệ hơn, chỉ biết bỏ cuộc trước những thử thách.  Sức mạnh Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su có thể trở thành sức mạnh của chính chúng ta.  Vì Người đã trải nghiệm mọi cám dỗ như chúng ta gặp ngày nay, nhưng chẳng bao giờ chịu thất bại, nên chúng ta có thể cầu xin Người cũng vác lấy gánh nặng và những thất vọng của chúng ta nữa.  Vì Người đã dâng lễ hy sinh thiện hảo trên thập giá, nên chúng ta cũng có thể chia sẻ sự sống vinh hiển của Người.  Khi chúng ta biết tự chế trong những lúc giận dữ thì đó là dấu hiệu cho thấy Thánh Thần của Người đang hoạt động trong chúng ta.  Khi ấy người ta sẽ không còn thấy “mặt trái” của chúng ta nữa, mà chỉ thấy Chúa Giê-su thôi!

 

         “Lạy Chúa Giê-su, con ngỡ ngàng Chúa đã lãnh lấy những cảm xúc ‘bừa bãi’ cũng như những tội lỗi của con.  Xin Chúa cho con được đầy tràn lòng cảm thông của Chúa, để con biết tha thứ và yêu thương những người làm con bị tổn thương”.