Thứ Sáu tuần 10 Thường niên

Suy niệm 1 Vua 19:9a,11-16

Lễ thánh Antôn Pađua, linh mục và tiến sĩ Hội Thánh

 

Có tiếng gió hiu hiu.  (1 Vua 19:12)                                                            

           

         Nước Ít-ra-en đang ở trong giai đoạn lịch sử khủng hoảng về việc thay đổi lãnh đạo và ngôn sứ Ê-li-a thì đã ẩn mình trên núi Khô-rép để lắng nghe tiếng Chúa.  Trước hết là cơn gió mạnh, rồi tới động đất, tiếp theo là lửa đi ngang qua Ê-li-a, tất cả đều là những biểu hiệu gây ấn tượng về quyền năng Thiên Chúa, nói lên uy phong mà dân Ít-ra-en đang cần đến.  Nhưng Thiên Chúa không ở trong bất cứ biểu hiệu nào nói trên.  Trái lại, ngôn sứ Ê-li-a lại nghe Chúa nói qua “tiếng gió hiu hiu” thật là thân mật nhưng cũng rất mạnh mẽ, khiến cho ngôn sứ phải lấy áo choàng mà che mặt (1 Vua 19:13).

         Làm sao bạn biết được Chúa đang nói với bạn và khi nào bạn biết được là mình đang có những tư tưởng tốt?  Chúng ta có thể nghĩ rằng những vị anh hùng giống như ngôn sứ Ê-li-a mới dễ dàng nghe được tiếng Chúa, nhưng lịch sử cho thấy họ cũng chỉ là những người bình thường giống như chúng ta thôi.  Họ cũng phải học hỏi thuật lắng nghe và phân định.  Chúa có nói trong tiếng gió rít không?  Hay đó là vì đang có những cảm xúc sôi nổi trong lòng vị ngôn sứ?  Có phải tiếng thì thầm trong đầu óc chúng ta là tiếng Chúa Thánh Thần không?  Hay đó chỉ là ý nghĩ mơ ước của chúng ta thôi?  Chỉ có thử thách và sai lầm mới có thể giúp khả năng phân định của chúng ta được bén nhạy.

         Điều ấy cũng đúng với chúng ta.  Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách:  trong những biến cố đời sống hằng ngày, trong Kinh Thánh và những giáo huấn của Giáo Hội, trong lời nói và hành động của bạn bè, và đúng thế, trong những biểu hiện mạnh mẽ diễn tả sự hiện diện của Chúa.  Trong tất cả những tình huống này, Chúa muốn chúng ta hãy học phân định tiếng nói của Chúa Thánh Thần.

         Vậy chúng ta phải bắt đầu như thế nào?  Đơn giản thôi.  Chúa Giê-su đã phán:  “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mát-thêu 7:16).  Điều này có thể áp dụng cho những tư tưởng của chúng ta cũng như cho những người khác.  Thí dụ, nếu một tư tưởng trong đầu óc bạn giúp bạn yêu mến Chúa hơn hoặc tử tế hơn với người khác, thì đó là tư tưởng từ Chúa mà đến.  Nhưng nếu điều gì làm cho bạn lo lắng, sợ hãi, giận dữ hoặc thù hận, thì đó không phải những tư tưởng Chúa nói với bạn đâu.

         Chúa muốn nói với bạn.  Đúng vậy, Người đang cố gắng nói với bạn một điều gì đó ngay lúc này.  Bạn hãy dành một giây để cho tâm hồn thinh lặng và hãy lắng nghe.

 

         “Lạy Chúa Thánh Thần, xin mở tai của tâm hồn con.  Xin Chúa dạy con biết nghe Chúa cho rõ ràng, để con có thể vâng theo kế hoạch Chúa dành cho đời con”.