Thứ Sáu tuần 15 Thường niên

Suy niệm Mát-thêu 12:1-8

 

Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.  (Mát-thêu 12:7)

 

          Tại sao Chúa Giê-su lại để cho các môn đệ lỗi luật về ngày sa-bát?  Phải chăng những người Pha-ri-sêu đúng?  Tóm lại, điều răn thứ ba dạy chúng ta phải giữ ngày sa-bát cho thánh thiện.  Vậy Chúa Giê-su có thực sự cho phép chúng ta dẹp bỏ lề luật khi chúng gây bất tiện cho chúng ta không?  Không phải vậy đâu.

          Trong đoạn Tin Mừng này, nhóm Pha-ri-sêu nhìn những hành vi của các môn đệ dưới lăng kính vạch lá tìm sâu.  Thay vì coi các môn đệ Chúa là những cá nhân, họ lập tức chụp mũ các môn đệ là những kẻ phá luật và cho là gương xấu khi Chúa Giê-su không trách mắng môn đệ mình.  Nhưng Chúa Giê-su lại có cái nhìn khác.  Người lấy lòng nhân từ làm khởi điểm chứ không lấy sự xét đoán.  Sự cảm thông là nền móng để Người đưa những hành vi của các môn đệ vào hoàn cảnh riêng biệt.  Giống như các binh sĩ của vua Đa-vít, các môn đệ Chúa đã mỏi mệt và đói sau khi phụng sự Thiên Chúa.  Cho nên chắc chắn họ có thể được tha thứ trong những lỗi phạm nhỏ nhoi.

          Thật là một cách tuyệt vời để nghĩ về những mối tương quan của chúng ta, đặc biệt ở trong Giáo Hội!  Khi chúng ta cảm thấy có người nào chưa được hoàn hảo thì chúng ta cũng có thể chọn lòng nhân từ thay vì xét đoán.  Điều này không có nghĩa là bỏ qua đi tội lỗi, nhưng là luôn luôn cố gắng đối xử với họ bằng sự kính trọng vì họ là con cái Thiên Chúa.  Các anh chị em trong giáo xứ, thậm chí cả linh mục, cũng đều có thể sai phạm.  Tuy nhiên tất cả họ đều có một phẩm giá cao quý trước mặt Chúa.  Chúng ta là ai mà dám loại trừ những người Chúa Giê-su thấy đáng được cứu độ?  Chúng ta là ai mà dám kết án những người Chúa Giê-su đã chết cho họ?

          Còn một lợi ích khác khi chúng ta chọn lòng nhân từ làm khởi điểm thay vì chọn việc lên án:  nó giúp chúng ta được bình an hơn!  Chúng ta không để mắt nhìn những lỗi phạm, nhưng nhìn vào những phúc lành.  Chúng ta không chú ý đến tội lỗi con người cho bằng lưu tâm đến ân sủng Chúa.  Điều này thường giúp chúng ta mở mắt nhìn nhận điều tốt trong thế giới, để rồi chính thế giới lại làm cho chúng ta được khích lệ và phấn khởi.

          Có quá nhiều điều để chúng ta biết ơn.  Có quá nhiều phúc lành để cảm tạ Thiên Chúa.  Hướng tâm hồn vào những phúc lành này có thể đem lại sự hiệp nhất còn hữu hiệu hơn là đi tìm những lầm lỗi của người khác.  Tóm lại, “Con Người làm chủ ngày sa-bát” (Mát-thêu 12:8).  Truy xét lương tâm người khác không phải là việc của chúng ta, nhưng của Chúa.

 

          “Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn tha thứ và cảm thông.  Thay vì trói buộc chúng con trong tội lỗi, Chúa đã xử theo lòng nhân.  Con tôn vinh Chúa, vì Chúa là Chúa đáng yêu mến của con”.