Thứ Sáu tuần 29 Thường niên

Suy niệm Ê-phê-xô 4:1-6

 

Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại.  (Ê-phê-xô 4:3)

 

          Khó mà diễn tả sự hiệp nhất.  Nếu được diễn tả trong âm nhạc thì hiệp nhất là khi mọi nốt nhạc đều hòa hợp với nhau.  Trong chính trị, hiệp nhất thể hiện qua những tranh luận rồi thỏa thuận với nhau.  Trong toán học và như trong bài đọc hôm nay, sự hiệp nhất được biểu hiện bằng một con số:  một Chúa, một đức tin, một phép rửa.  Đây chính là sự hiệp nhất thánh Phao-lô cổ võ Giáo Hội hãy theo đuổi bằng bất cứ giá nào.  Rồi như lịch sử Ki-tô giáo cho thấy, sự hiệp nhất quý giá và hiếm hoi biết bao!

          Hầu hết người ta đều muốn cảm nghiệm được sự hiệp nhất đích thực, nhất là trong gia đình.  Thực vậy, đâu có ai thích chia rẽ và chối bỏ nhau?  Đâu có ai muốn bị chia cách và biệt lập với người khác?  Vấn đề là:  làm sao chúng ta đi tới sự hiệp nhất?  Bài đọc hôm nay là một điểm tốt để khởi đầu.  Thánh Phao-lô dạy:  “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại;  hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ê-phê-xô 4:2).

          Vậy hiệp nhất đòi hỏi phải có sự khiêm tốn.  Hiểu rằng người khác cũng quan trọng và được Chúa yêu quý giống như chúng ta, đó là điều tối quan trọng.  Bản chất dễ sa ngã của chúng ta thích cho rằng thế giới xoay vần chung quanh chúng ta, nhưng thực ra không phải vậy.  Ma quỷ cũng cố gắng thuyết phục chúng ta hãy vùng vẫy để theo đường lối riêng của mình, hoặc ít nhất cũng là người quan trọng nói sau cùng.  Nhưng đức khiêm nhượng dạy chúng ta hãy giúp người khác thăng tiến và chắc chắn làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe cũng như những ưu tư của họ được biết đến.

          Thánh Phao-lô cũng khích lệ chúng ta hãy nhẫn nại và chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu thương.  Ngài biết sự hiệp nhất đòi phải có thời gian.  Sự hiệp nhất phải được vun trồng và duy trì.  Có một ít điều giúp cho sự hiệp nhất được thể hiện còn mạnh hơn cả quyết định hy sinh bỏ đi kế hoạch riêng của chúng ta vì lợi ích của người khác.

          Sau hết, thánh Phao-lô cho chúng ta chìa khóa quan trọng nhất để mở ra sự hiệp nhất:  Ba Ngôi Thiên Chúa.  Một Thánh Thần… Một Chúa… Một Thiên Chúa.  Vậy sự hiệp nhất của các Đấng như thế nào?  Chúa Giê-su vâng phục Chúa Cha.  Chúa Thánh Thần nói cho chúng ta nghe những lời của Chúa Giê-su.  Chúa Cha tôn vinh Chúa Con.  Mỗi Ngôi đều tôn trọng Ngôi khác và đặt trên mình.  Nếu muốn có một môi trường hiệp nhất, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách xây dựng một môi trường kính trọng nhau.  Chúng ta có thể đặt nhu cầu của người khác lên trước nhu cầu của mình, kính trọng vẻ đẹp Chúa đã tạo dựng nơi họ.

          Rõ ràng phải làm việc để đưa người ta lại với nhau.  Nhưng việc ấy cũng đáng lắm, vì đó chính là tâm điểm của sự sống trong Chúa Ki-tô của chúng ta!

 

          “Lạy Chúa, xin giúp chúng con nên một với Chúa và với nhau”.