Thứ Tư tuần 30 Thường niên

Suy niệm Ê-phê-xô 6:1-9

 

Đừng dọa nạt nữa:  Anh em biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai.  (Ê-phê-xô 6:9)

 

          Thư gửi tín hữu Ê-phê-xô được viết trong một thời kỳ ít nhất cứ ba người trong đế quốc Rô-ma thì có một người là nô lệ.  Nô lệ là một chế độ được chấp nhận đã hỗ trợ cho những cấu trúc văn hóa về xã hội và kinh tế.  Buồn thay, các nô lệ bị coi như là đồ dùng của chủ nhân và có rất ít quyền lợi cá nhân.  Vì chủ nô lệ đã hành xử quyền sở hữu một cách tuyệt đối nên nhiều người đã đối xử với nô lệ của họ vô cùng dã man.

          Khi làm việc với giáo hội Ê-phê-xô, thánh Phao-lô không khi nào khích lệ hay bài bác lật đổ vấn đề nô lệ.  Ngài có một cái nhìn khác: là giúp cho mọi người thấy rõ phẩm giá căn bản của con người.  Bởi vì cả chủ lẫn nô lệ “đều có cùng một Chủ ở trên trời” nên họ bình đẳng trước mặt Chúa.  Vậy thánh Phao-lô dạy các nô lệ hãy coi mình là con cái và thừa kế của Thiên Chúa, đồng thời hãy làm công việc của họ như là làm cho Chúa.  Vì những điều này được công bố cho cả chủ lẫn nô lệ, nên viễn tượng mới này mở ra một con đường để người ta phải đặt lại vấn đề chế độ nô lệ, mà còn giúp cho những người nô lệ bị áp bức ý thức ngay về phẩm giá và mục đích đời mình.

          Cũng là một điều cách mạng khi thánh Phao-lô xác nhận rằng trong gia đình Ki-tô hữu, người nô lệ có những quyền lợi, và trước mặt Chúa, người chủ có trách nhiệm phải đối xử với nô lệ cách công bằng và nhân ái.  Trong thư gửi cho Phi-lê-môn, thánh Phao-lô còn tha thiết xin người chủ Công giáo này có một người nô lệ bỏ trốn hãy ứng xử trong yêu thương.  Ngài xin ông ta hãy đón nhận người nô lệ quay về, “không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến” (Phi-lê-môn 16)!

          Cho dù Ki-tô giáo bành trướng trong những thế kỷ đầu vẫn không lập tức loại bỏ chế độ nô lệ, nhưng cũng đã tạo nên một nguồn sức mạnh dần dần giúp thực hiện việc giải phóng nô lệ khắp nơi.  Suy niệm Tin Mừng, người Ki-tô hữu nhận ra rằng chế độ nô lệ là một bất công trầm trọng.  Ngày nay tại nhiều nơi trên thế giới, chế độ nô lệ vẫn tiếp tục làm cho trái tim Thiên Chúa phải nhức nhối.  Vậy chúng ta hãy làm một điều gì có thể để chống lại sự bất công này.  Chúng ta cũng hãy cầu nguyện xin cho có thêm nhiều người mang lấy não trạng của Chúa Giê-su để thay đổi thế giới bằng cách thay đổi các tâm hồn.

 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin cứu thoát tất cả những ai đang bị làm nô lệ.  Xin Chúa sai các sứ giả Tin Mừng đến với hết những ai còn đang duy trì chế độ nô lệ”.