Thứ Năm tuần 7 Thường niên

 

Suy niệm Mác-cô 9:41-50

 

Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hòa thuận với nhau.  (Mác-cô 9:50)

 

          Đây là một trong những đoạn Tin Mừng khúc mắc cần được khai mở.  Làm sao muối lại có thể giữ chúng ta sống hòa thuận với nhau được?  Gehenna (hỏa ngục) là gì?  Chúng ta có thực sự phải cắt bỏ tay chân không?  Chúng ta thử học hỏi Kinh Thánh một chút để cố gắng hiểu được Chúa Giê-su muốn nói gì.  Cách tốt nhất để học hỏi về đoạn Tin Mừng này là đi từ cuối đoạn Kinh Thánh đi lên.

          Trước hết, khi nói rằng mọi người sẽ được “ướp bằng muối”, Chúa Giê-su ám chỉ đến truyền thống Do-thái rắc một ít muối trên tất cả những thứ ngũ cốc được dùng làm của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa (Lê-vi 2:13).  Nói khác đi, bạn hãy tiếp tục dâng mình cho Chúa như “của lễ sống động” (Rô-ma 12:1).  Hãy tiếp tục để cho tình yêu của Chúa thiêu hủy tội lỗi bạn.

          Thứ hai, Chúa Giê-su cảnh báo môn đệ Người về lửa hỏa ngục (Mác-cô 9:47).  Gehenna là một nơi nổi tiếng được gọi là “thung lũng của sát tế”, địa điểm tổ tiên người Do-thái đã bắt chước dân ngoại chung quanh mà giết trẻ em làm hy lễ tế thần (Giê-rê-mi-a 19:6; 7:30-33).

          Thứ ba, Chúa Giê-su bảo các môn đệ hãy chặt tay chân và móc mắt đi để họ không phải vào lửa hỏa ngục.  Dĩ nhiên đó là cách Chúa nói phóng đại thôi, nhưng Người nói thế chỉ vì Người muốn cho thấy tầm quan trọng của vấn đề.

          Vậy nếu liên kết mọi điều Chúa Giê-su nói ở đây lại với nhau, chúng ta có thể hiểu Người bảo các môn đệ rằng :  Anh em hãy dâng mình cho Chúa như của lễ toàn thiêu;  hãy để Người thiêu rụi tội lỗi của anh em.  Như thế, tội lỗi anh em không thể làm tổn thương những người chung quanh nữa.

          Bài tập nho nhỏ này cho chúng ta thấy thật khó mà hiểu được một số đoạn Kinh Thánh.  Nó cũng cho thấy sự liên kết chặt chẽ giữa Tân Ước và Cựu Ước.  Sau hết nó cho thấy thật hữu ích khi chúng ta tham dự việc học hỏi Kinh Thánh hoặc có được một cuốn sách chú giải Kinh Thánh tốt.  Những ghi chú ở cuối trang sách Kinh Thánh hoặc những phần mở đầu trong một cuốn giải thích Kinh Thánh đều có thể soi sáng về những đoạn quan trọng, nhờ đó chúng ta không phải vật lộn hoặc bỏ mất một số những soi sáng mới mà Chúa Thánh Thần muốn ban cho chúng ta.

          Chẳng phải là tuyệt vời khi Chúa chọn nói với chúng ta qua việc học hỏi Kinh Thánh cũng như qua việc cầu nguyện sao?  Người đã ban cho chúng ta ân huệ tốt đẹp là trí khôn;  vậy chúng ta hãy sử dụng trí khôn ấy để tôn vinh Chúa và đến gần Chúa hơn.

 

          “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Chúa mở trí lòng con, để con lắng nghe tiếng Chúa phán trong Kinh Thánh”.