Chúa Nhật tuần 10 Thường niên

Suy niệm Ga-lát 1:11-19

 

Chính Đức Giê-su Ki-tô đã mặc khải.  (Ga-lát 1:12)

 

          Một trong những niềm vui lớn lao nhất trong đời là nhận được điều thánh Phao-lô gọi là “mặc khải” từ Thiên Chúa – tức cảm nghiệm sự hiện diện của Người và được Thánh Thần của Người dẫn dắt cũng như dạy dỗ.  Đây là một ít suy tư về mặc khải là gì và làm sao chúng ta cảm nghiệm được mặc khải ấy.

          Thứ nhất, trong Bữa Tiệc ly, Chúa Giê-su nói với các tông đồ:  “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Gio-an 15:15).  Nếu bạn muốn làm bạn hữu với Chúa Giê-su, hãy dành thời giờ cho Người;  hãy lắng nghe Người, giống như bạn lắng nghe một người bạn.

          Thứ hai, những nghi lễ tôn giáo dạy chúng ta nếu muốn suy gẫm thì phải “làm cho tâm trí chúng ta nên trống rỗng”.  Nhưng Kinh Thánh còn dạy chúng ta phải đổ đầy tâm trí chúng ta bằng lời Chúa và luôn tưởng nhớ đến tình yêu bền vững của Người (Thánh Vịnh 48:9), những kỳ công của Người (77:12), giới luật của Người (119:15) và những lời hứa của Người (119:148).  Cho nên bạn hãy dành thì giờ để đọc lời Chúa mỗi ngày, xin Thánh Thần ghi tạc lời ấy vào trong tâm hồn bạn.

          Thứ ba, làm sao có một tư thái đúng để cầu nguyện cũng rất quan trọng.  Đã có lần Chúa Giê-su cảm tạ Chúa Cha “vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mát-thêu 11:25).  Trẻ em thì tín thác, không phức tạp, dễ dạy và bằng lòng với những điều nhỏ mọn.  Vậy bạn hãy trở nên giống như trẻ nhỏ khi cầu nguyện, hăng say ở lại với Cha trên trời của bạn.

          Thiên Chúa muốn tỏ mình ra cho chúng ta.  Người muốn cho chúng ta thấy Người rất yêu thương chúng ta.  Người cũng muốn nói với chúng ta trong sự thinh lặng tâm hồn – có lẽ xin chúng ta hãy sống dễ thương và quảng đại hơn, hoặc hãy nói chuyện với một người cô đơn mà chúng ta lờ đi khi đi ngang qua họ, hoặc hãy thương người nghèo khó.  Càng đến gần Chúa, chúng ta càng dễ nghe tiếng Người hơn.

          Thật là hiếu kỳ khi chúng ta nhận ra những cám dỗ dễ hơn là nhận ra tiếng Chúa.  Có lẽ vì chúng ta không chịu tập tành.  Vậy bạn hãy tìm kiếm Chúa;  hãy xin Người mặc khải cho bạn.  Ai biết được?  Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên với điều đến trong tâm trí bạn nhờ sức mạnh của Thánh Thần.

 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa in trong tâm hồn con lời của Chúa.  Con muốn biết thánh ý Chúa”.