Chúa Nhật tuần 22 Thường niên

Suy niệm Lu-ca 14:1, 7-14

 

Kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời  (Lu-ca 14:8)

 

          Vào thế kỷ 2 sau công nguyên, nhà khoa học và thiên văn Claudius Ptolemy đã giới thiệu một mẫu thái dương hệ khởi từ trái đất là trung tâm vũ trụ.  Khoảng 1400 năm sau, một nhà thiên văn khác, ông Nicolaus Copernicus, đã bác bỏ lý thuyết của Ptolemy và dạy rằng trái đất quay chung quanh mặt trời, chứ không phải mặt trời quay chung quanh trái đất.

          Giống như Copernicus đã đảo ngược lý thuyết của Ptolemy, Chúa Giê-su đảo ngược những giả định của chúng ta.  Mỗi ngày Người đều hỏi chúng ta:  “Ai là trung tâm của cuộc đời con?  Con đang sống theo luật lệ của Thầy hay luật lệ của con?”

          Dùng mẫu thức của Ptolemy, chúng ta có thể thưa với Chúa:  “Con chọn mình làm trung tâm vũ trụ”.  Sống theo phương thức này thường làm cho chúng ta quy mọi sự về bản thân mình, cho dù chúng ta tỏ ra tốt lành và chính trực.  Sống như vậy có thể khiến chúng ta không nhìn nhận những yếu đuối của mình, vơ lấy mọi công lao cho mình và không khi nào tuân phục sự chủ trị của Chúa Giê-su.

          Trái lại, sử dụng mẫu thức của Copernicus, chúng ta có thể nói:  “Chúa Giê-su là trung tâm vũ trụ của tôi”.  Chúng ta đặt Người vào trung tâm khi ý thức rằng mặc dù Người trọn hảo vì là Con Thiên Chúa, nhưng Người đã làm người phàm và chết để cứu chúng ta khỏi tội lỗi.  Chúng ta đặt Người vào trung tâm khi ý thức Người đã yêu thương chúng ta không những cho đến chết, mà còn yêu thương chúng ta khi Người sống lại và giờ đây là Chúa trời đất (Phi-líp-phê 2:6-11).

          Dĩ nhiên phải khiêm nhường, chúng ta mới có thể nói:  “Lạy Chúa Giêsu, con muốn Chúa là trung tâm cuộc sống con”.  Những lời này đi ngược lại bản chất sa ngã của chúng ta.  Tuy nhiên mỗi ngày nếu chúng ta càng bắt đầu cầu nguyện với những lời ấy, chúng ta sẽ càng thấy mình được tràn đầy bình an lạ lùng.  Chúng ta cũng thấy rằng nhờ ơn thánh, chúng ta quyết tâm đặt cuộc sống, mọi tư tưởng cũng như hành động của chúng ta dưới sự chủ trị của Chúa Giê-su, để chúng ta làm vinh danh Người.

          Chúa Giê-su là vị khách quan trọng nhất từng sống trong tâm hồn chúng ta.  Vậy chúng ta hãy tiếp đón Người như là Vua của chúng ta.

 

          “Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Chúa của con và là Thiên Chúa của con.  Xin Chúa hãy đến và ngự trị trong con”.