Thứ Sáu tuần 26 Thường niên

Suy niệm Lu-ca 10:13-16

 

Khốn cho ngươi!  (Lu-ca 10:13)

 

          Một nhóm tài tử Anh quốc vừa sản xuất một vở kịch khôi hài trên truyền hình, dựa trên một câu thơ nổi tiếng của thi hào Shakespear trích từ vở kịch Hamlet:  “To be, or not to be:  that is the question” (Phải hay không phải, đó là vấn đề). Trong vở hài kịch, các diễn viên tranh luận về việc phải đọc câu thơ ấy thế nào.  Một người thì nhấn mạnh “Phải hay không phải”.  Người khác đọc là “Phải hay không phải”.  Người khác nữa lại nhấn mạnh từ “đó”.  Rồi kẻ khác thì nhấn mạnh từ “vấn đề”.  Vở kịch buồn cười, nhưng nó nói lên một điểm thú vị:  ý nghĩa của các từ có thể thay đổi tùy theo cách người ta nhấn mạnh.

          Khi nghe Chúa Giê-su nói với thành Khô-ra-din và Bết-xai-đa:  “Khốn cho ngươi” (Lu-ca 10:13), thì bạn nghe như thế nào?  Người ta dễ dàng tưởng tượng đây là lời kết án đầy giận dữ.  Nhưng bạn hãy nhìn vào bối cảnh.  Thay vì biểu lộ sự giận dữ, Chúa Giê-su gần như là nói lên tình yêu không được đáp lại.  Người đã thực hiện nhiều phép lạ, rao giảng về Nước Thiên Chúa và biểu lộ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, vậy mà tất cả chỉ mang lại rất ít kết quả.  Cho nên giờ đây Chúa đang khuyên nhủ họ, không phải muốn chúc dữ cho họ, mà là cảnh giác họ về sự khốn khổ sẽ xảy đến nếu họ không đón nhận sứ điệp của Người.

          Đôi khi chúng ta có thành kiến với người khác cùng một cách giống như với những lời nói hoặc hành động của họ.  Chúng ta nghe nói rằng người này không đi nhà thờ, người kia có những quan điểm sai lầm, hoặc có lẽ người nọ dán trên tấm cản đuôi xe của họ một mảnh biểu ngữ mang ý nghĩa xấu xa xúc phạm.  Nhưng chúng ta không thực sự biết rõ được người khác như thế nào nếu chúng ta không nói chuyện với họ.  Rồi nếu như chúng ta biết được họ xa cách Chúa, thì chúng ta nên cảm thông với họ, chứ đừng lên án họ.  Chúng ta đừng khi nào làm cho đức tin chúng ta thành một cuộc “đối đầu”.

          Chúng ta biết rằng tự sức riêng, chúng ta không thể yêu thương tha nhân như Chúa Giê-su yêu thương họ.  Nhưng không sao cả, vì chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần – cùng một Thánh Thần đang sống trong trái tim Thiên Chúa, cùng một Thánh Thần đã giúp các tông đồ rao giảng Tin Mừng, dạy dỗ và chữa lành.  Vậy bạn hãy cầu xin Thánh Thần ban cho bạn một trái tim biết cảm thông hơn.  Nếu bạn cố gắng nhìn người khác bằng đôi mắt của Người, bạn sẽ bắt đầu tìm được những cách để đến với họ.  Bạn không cần phải có một kế hoạch to tát.  Cứ cố gắng hết sức biểu lộ với họ cùng một tình yêu, thông cảm và kiên nhẫn mà Chúa đã tỏ ra với bạn.

 

          “Lạy Chúa, xin Chúa lấy lòng thương xót những người không biết Chúa mà chạm đến tâm hồn con.  Lạy Chúa Thánh Thần, xin dạy con làm một sứ giả của tình yêu Chúa”.