Thứ Ba tuần 17 Thường niên

Suy niệm Giê-rê-mi-a 14:17-22

 

Mắt tôi hãy tuôn trào suối lệ.  (Giê-rê-mi-a 14:17)

 

          Lắng nghe sứ điệp hy vọng thì bao giờ cũng dễ hơn sứ điệp chúc dữ.  Vì thế dân chúng Giê-ru-sa-lem nhận thấy khó có thể chấp nhận nhiều lời tiên tri của ngôn sứ Giê-rê-mi-a.  Ngài cảnh báo họ nếu không quay về với Chúa, đất nước họ sẽ phải lãnh chịu hậu quả.  Thật bất hạnh vì mọi điều ngôn sứ Giê-rê-mi-a nói đều đã xảy ra:  hạn hán, nạn đói, quân ngoại bang xâm lăng và cuối cùng là đi lưu đày.  Vậy việc này gợi ý điều gì cho chúng ta về tấm thảm kịch ấy?

          Nếu nhìn chung quanh, ít nhất chúng ta có thể nhận thấy ngày nay có nhiều vấn đề đã từng xảy ra thời ngôn sứ Giê-rê-mi-a.  Thực thế, nếu nhìn kỹ hơn một chút, chúng ta cũng có thể cảm động đến rớt nước mắt.  Những đau khổ nào đã phát sinh do nạn phá thai, nghiện ngập ma quý và bạo lực trong gia đình?  Bao nhiêu người nghèo khổ sống trong những ổ chuột không sao tưởng tượng nổi?  Là dân Chúa, chúng ta phải chắc chắn cảm thông với mọi nỗi buồn bã, mất mát và đau khổ.

          Nhưng việc đáp trả không phải kết thúc ở đó.  Đúng vậy, nếu dừng lại ở đó thì thật là trái với tinh thần Ki-tô giáo.  Nhiều nhà phê bình tôn giáo coi đau khổ như là lý do để người ta không tin vào Thiên Chúa, nhưng chúng ta có thể nói ngược lại.  Ý của Chúa là Người không muốn gây ra đau khổ, nhưng chấm dứt đau khổ.  Vì thế Người mới sai Chúa Con đến!  Chúa Giê-su đến để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và ban cho chúng ta “sứ vụ hòa giải” (2 Cô-rin-tô 5:18).  Người đến để mang trời xuống đất và giờ đây Người kêu gọi mọi người chúng ta xây dựng vương quốc Người ở đây và lúc này.

          Chúng ta không nên cứ ngồi đấy mà nhìn sự việc mỗi ngày một tệ hơn.  Mọi người chúng ta tham dự vào sứ vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Giê-su.  Đôi khi chúng ta được kêu gọi giống như các linh mục, đem chữa lành và ơn cứu độ đến với những người đau khổ và cô đơn.  Nhiều khi chúng ta có thể hành động như các ngôn sứ, nói lời Chúa cho những ai mất niềm hy vọng và không biết mình có còn tin vào Chúa nữa hay không.  Rồi chúng ta cũng có thể thi hành những hồng ân thuộc chức vụ vương đế, như cung cấp thức ăn, nơi ở và công bình cho những người cùng khổ, nghèo đói và bị bỏ rơi.

          Phải, mắt chúng ta hãy “tuôn trào suối lệ”.  Nhưng đồng thời bàn tay và đôi chân chúng ta cũng phải bận rộn để đem niềm hy vọng và chữa lành đến cho dân Chúa.

 

          “Lạy Chúa, xin ban cho con lòng cảm thông với những người bị thương mà Chúa để họ lại trên đường con đi.  Xin Chúa ban cho con ơn can đảm để đến với họ và ơn khôn ngoan để giúp đỡ họ hết sức có thể”.