TUẦN IV MÙA CHAY  (11 tháng 3 – 17 tháng 3 năm 2018)

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Xây dựng Triều Đại Thiên Chúa

Tám Mối phúc là kim chỉ nam cho những người trong Giáo Hội để sống cuộc đời Ki-tô hữu, đồng thời cũng mô tả đâu là sứ mệnh của họ trong thế giới.  Như Chúa Giê-su nhận định, mọi dấu hiệu thành công theo kiểu người đời đều là sai, và điều xem ra khó làm được thực ra lại là dấu hiệu nói lên lòng trung thành với việc xây dựng Triều Đại Thiên Chúa.

          Tôi tưởng tượng xem thế nào là tham gia vào một đội thể thao vĩ đại đang trong mùa tranh giải vô địch mà họ hy vọng.  Ông bầu nói với các đội viên về những khổ cực họ sẽ phải đối đầu, những phấn đấu họ phải thắng vượt để đạt được chiến thắng.  Một ông bầu giỏi sẽ thành thực nói về những gì các đội viên phải đương đầu, để họ sẽ không ngã lòng trước một việc không thể tránh, là mọi sự không luôn suông sẻ như họ hy vọng đâu.

          Trong Tám Mối phúc, Chúa Ki-tô theo đường lối tương tự như vậy, khi Người nói rằng niềm hy vọng xây dựng vương quốc Chúa sẽ có đủ mọi thăng trầm.  Người bảo các học trò của Người rằng sứ mệnh này sẽ rất cam go, nhưng phần thưởng sẽ là chính quê trời.

          Chúa Giê-su nói:  Các bạn sẽ biết là mình đang xây dựng vương quốc trong khi các bạn bị người ta “oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa” (Lu-ca 6:22), y như họ đã làm cho các vị ngôn sứ.  Người ta oán ghét những ai được Thiên Chúa sai đến vì những người này luôn đụng chạm đến lương tâm của những kẻ tự cho mình là công chính.  Chúa Giê-su đã làm đảo lộn mọi sự qua việc Người đến với những kẻ phong hủi, phụ nữ, các người thu thuế và những kẻ tội lỗi.  Ngày nay, Ki-tô hữu cũng kích động lương tâm người ta khi họ đến với người nghèo, các thai nhi, người nhập cư và tị nạn, các gia đình, kẻ ốm đau và nhiều hạng người khác nữa.

          Vậy Chúa Ki-tô kêu gọi bạn hãy phục vụ cho lợi ích của ai?  Bạn có muốn bị bôi nhọ vì những công việc Chúa Giê-su kêu gọi bạn làm không?  Bạn có muốn nói lên, nhân danh những người không có quyền phát biểu, và có muốn không ngừng hành động chống lại kỳ thị không?  Nếu muốn, thì Chúa Giê-su bảo bạn:  con có phúc đấy.

-  Tim Muldoon, The Ignatian Workout for Lent

 

 

Sự hiện diện của Chúa

Tôi ngừng lại một lúc để suy nghĩ về tình yêu và ơn thánh Chúa đổ xuống tràn đầy trên tôi.  Tôi được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa;  tôi là nơi Thiên Chúa ngự.

 

Sự tự do

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con ân huệ cao cả là sự tự do.  Lạy Chúa, nhiều lần xon xin Chúa ban cho con được giải thoát khỏi mọi hình thức kỳ thị chủng tộc hoặc khắt khe lên án.  Xin Chúa nhắc nhở cho chúng biết tất cả chúng con đều bình đẳng dưới con mắt Chúa.

 

Ý thức

Biết Chúa yêu thương tôi vô điều kiện, tôi có thể thành thực biết mình như thế nào.

Ngày hôm qua thế nào?  Và tôi cảm thấy thế nào lúc này?  Tôi cởi mở chia sẻ những cảm nghĩ của tôi với Chúa.

 

Lời Chúa

Tôi dùng thì giờ đọc Lời Chúa chậm chậm, đọc vài lần, để tôi dừng lại ở bất cứ điều gì đánh động tôi.  (Xin bạn lấy phần Kinh Thánh in ở những trang tiếp theo.  Những điểm gọi ý cũng có tại đó để bạn sử dụng nếu cần.  Sau khi sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Lạy Chúa, đôi khi con thắc mắc không biết phải nói gì khi gặp riêng Chúa.

Con nghĩ con sẽ thưa với Chúa:  “Con cám ơn Chúa vì Chúa luôn ở đó với con”.

 

Kết thúc

Tôi cảm tạ Chúa về những lúc Chúa và tôi đã ở với nhau và những ơn soi sáng của Người giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh hơn.

 

_______________

 

 

 

Tuần IV mùa Chay

 

Chúa Nhật, ngày 11 tháng 3

Gio-an 3:14-21

 

Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.19 Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa."

 

*   Thiên Chúa đã yêu thương thế gian.  Lạy Chúa, đây là đức tin của con.  Đôi khi dường như có bằng chứng phản lại đức tin này những lúc lụt lội, động đất, hạn hán và sóng thần tàn phá gây thiệt hại cho những người nghèo khổ.  Tâm điểm đức tin của con chính là hình ảnh Chúa Giê-su bị đóng đinh thập giá, khi con biết rằng lúc Người bị hủy hoại và là một “thất bại”, thì đó chỉ là Người hiến mạng sống mình vì yêu thương chúng con.

*   Lạy Thiên Chúa của mọi nguồn ánh sáng, Chúa tiếp tục sai Ánh Sáng vào trần gian và vào đời sống con.  Xin giúp con nhận biết Ánh Sáng ấy, biết cảm tạ Chúa vì Ánh Sáng ấy và biết tham gia vào công cuộc của Ánh Sáng ấy.

_______________

 

 

Thứ Hai, ngày 12 tháng 3

Gio-an 4:43-54

Sau hai ngày, Đức Giê-su bỏ nơi đó đi Ga-li-lê.44 Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình.45 Khi Người đến Ga-li-lê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ.46 Vậy Đức Giê-su trở lại Ca-na miền Ga-li-lê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um.47 Khi nghe tin Đức Giê-su từ Giu-đê đến Ga-li-lê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết.48 Đức Giê-su nói với ông: "Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu! "49 Viên sĩ quan nói: "Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất! "50 Đức Giê-su bảo: "Ông cứ về đi, con ông sống." Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về.51 Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi.52 Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: "Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt."53 Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình: "Con ông sống", nên ông và cả nhà đều tin.54 Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm, khi Người từ miền Giu-đê đến miền Ga-li-lê.

*   Thánh Gio-an sắp xếp bảy “dấu lạ” để trình bày về cuộc đời công khai thi hành sứ vụ của Chúa Giê-su.  Dấu lạ thứ nhất là Người hóa nước thành rượu tại Ca-na (Ga 2:1-11).  Bài đọc hôm nay kể lại dấu lạ thứ hai.  Đối với thánh Gio-an, dấu lạ không chỉ đơn thuần là một biến cố bất thường bên ngoài, nhưng là một điều mầu nhiệm xảy ra để biểu lộ Thiên Chúa và dẫn người ta đến đức tin.  Viên sĩ quan tuyệt vọng vì đã hết sức tìm cách cứu chữa đứa con trai sắp chết của ông, nhưng không được, nên ông nài xin Chúa Giê-su chữa lành nó.  Khi Chúa Giê-su bảo đảm với ông là con ông sẽ sống, thì “ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình”.

*   Câu chuyện này cũng minh chứng Chúa Giê-su không hề kỳ thị khi có ai cần đến Người.  Trong chương trước, Người đến gặp người phụ nữ xứ Sa-ma-ri.  Tại đây Người đã giúp đỡ một người dân ngoại.  Chúa đã đến làm Đấng Cứu Độ của thế giới.  Vậy hôm nay trong thế giới nhỏ bé quanh tôi, ai sẽ cần gặp gỡ Chúa Giê-su?

_______________

 

 

Thứ Ba, ngày 13 tháng 3

Gio-an 5:1-16

 

Sau đó, nhân dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem.2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang.3 Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, (chờ cho nước động,4 vì thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi).5 Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm.6 Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: "Anh có muốn khỏi bệnh không? "7 Bệnh nhân đáp: "Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi! "8 Đức Giê-su bảo: "Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi! "9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được. Hôm đó lại là ngày sa-bát.10 Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: "Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng! "11 Nhưng anh đáp: "Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: "Anh hãy vác chõng mà đi! "12 Họ hỏi anh: "Ai là người đã bảo anh: "Vác chõng mà đi"? "13 Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy.14 Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: "Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước! "15 Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh.16 Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.

 

*   Một người đàn ông không tên tuổi nằm bên cạnh hồ nước gọi là Bết-da-tha, đã ba mươi tám năm trời để chờ được chữa lành.  Người ta có thể mô tả anh như một người “sống bằng ước muốn” suốt thời gian đó.  Những lời cầu xin của chúng ta không luôn được hồi đáp lập tức đâu.  Nhưng chúng ta phải “sống bằng ước muốn”.  Bạn hãy nhớ lời thi sĩ T. S. Eliot:  “Tất cả trong khi chờ đợi, chỉ là niềm tin và tình yêu cùng hy vọng mà thôi”.

*   Kẻ thù của Chúa Giê-su chỉ trích người được Chúa chữa lành, vì anh ta vác chõng mà đi trong ngày sa-bát.  Chúng ta nghĩ đến lòng nhân ái thật dễ thương;  vậy mà ở đây một hành vi cảm thương của Chúa Giê-su lại gợi lên lòng thù địch.  Có khi nào bạn thấy một người làm việc nhân ái lại là cớ cho một sự hồi đáp xấu xa không?

_______________

 

 

Thứ Tư, ngày 14 tháng 3

Gio-an 5:17-30

Nhưng Đức Giê-su đáp lại: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc."18 Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.19 Đức Giê-su lên tiếng nói với họ rằng: "Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy.20 Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc.21 Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý.22 Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử,23 để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con.24 Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.25 Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống.26 Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy,27 lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người.28 Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con29 và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án.30 Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.

 

*   Tương quan giữa Chúa Giê-su với Cha trên trời của Người là đề tài của đoạn Tin Mừng bí ẩn này.  Chúa Giê-su duyệt lại mọi sự về căn tính của Người và nguồn gốc mọi lựa chọn của Người đều là ở trong Chúa Cha.  “Tôi không thể tự ý mình làm điều gì”.  Người và Cha Người liên kết ràng buộc với nhau trong mọi đường lối đến nỗi cả hai trở nên một (Gio-an 10:30).

*   Bạn hãy lưu ý tới khẳng định gây ấn tượng mạnh này:  “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”.  Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta, nhưng đây không phải là sự hiện diện thụ động.  Mà đó là sự hiện diện chủ động để Thiên Chúa can dự vào cuộc sống chúng ta như một bạn đồng diễn hoặc một đối tác.

_______________

 

 

 

 

 

 

Thứ Năm, ngày 15 tháng 3

Gio-an 5:31-47

 

Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật.32 Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật.33 Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật.34 Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.35 Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian.36 Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.37 Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người.38 Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến.39 Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi.40 Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.41 Tôi không cần người đời tôn vinh.42 Nhưng tôi biết: các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa.43 Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận.44 Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?45 Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy.46 Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi.47 Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói? "

 

*   Chúa Giê-su là ai?  Đây là câu hỏi cốt lõi được trình bày trong bài đọc hôm nay.  Chìa khóa của câu trả lời nằm trong mối quan hệ giữa Chúa Giê-su và Thiên Chúa (mà Người gọi là Cha).  Câu hỏi phụ thuộc là:  Ai (hoặc điều gì) làm chứng (chứng nhân) cho Chúa Giê-su?  Ông Gio-an nêu ra bốn nhân chứng (chứng từ):  Gio-an Tẩy Giả, những công việc Chúa Giê-su làm, Chúa Cha, và Kinh Thánh.  Bạn có hiểu cách lý luận này không?

*   Chúa Giê-su là ai?  Thánh Gio-an đề cập đến câu hỏi này từ miệng những nhà lãnh đạo tôn giáo Do-thái và từ nhãn quan văn hóa.  Còn bạn, hôm nay bạn sẽ trả lời câu hỏi này thế nào trong môi trường văn hóa bạn đang sống?  Bạn sẽ trả lời thế nào theo kinh nghiệm biết Chúa của riêng bạn?

_______________

 

 

Thứ Sáu, ngày 16 tháng 3

Gio-an 7:1-2, 10, 25-30

 

Sau đó, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người.2 Lễ Lều của người Do-thái gần tới.10 Tuy nhiên, khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật. 25 Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói: "Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao?26 Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô?27 Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả."28 Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng: "Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người.29 Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi."30 Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

 

*   Lễ Lều là lễ tưởng nhớ việc dân Do-thái lang thang trong sa mạc, một thời gian trong cuộc Xuất Hành.  Cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giê-su sẽ thiết lập cuộc Xuất Hành thứ hai.

*   Chúa Giê-su bảo rằng Người đến “từ Thiên Chúa” là vì Người được sai đến.  Bạn để ý thấy nhiều lần trong Tin Mừng thánh Gio-an, Chúa Giê-su nói về Thiên Chúa (hoặc thường xuyên hơn, là Cha Người) như “Đấng dã sai tôi”.  Vậy có thể nói được rằng bạn và tôi cũng được sai đến, vì Thiên Chúa là Cha chúng ta nữa chứ?

_______________

 

 

Thứ Bảy, ngày 17 tháng 3

Gio-an 7:40-53

 

Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: "Ông này thật là vị ngôn sứ."41 Kẻ khác rằng: "Ông này là Đấng Ki-tô." Nhưng có kẻ lại nói: "Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao?42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao? "43 Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ.44 Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.45 Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: "Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây? "46 Các vệ binh trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy! "47 Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: "Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao?48 Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu?49 Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa! "50 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ:51 "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không? "52 Họ đáp: "Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả."53 Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.

 

*   Các nhà lãnh đạo tôn giáo Do-thái và những chuyên gia về Lề Luật không thể đồng ý với nhau về vấn đề Chúa Giê-su là ai.  Bạn để ý thấy họ luôn nại vào Kinh Thánh Cựu Ước.  Chúng ta có thể xác tín hơn nhờ những điều các vệ binh Đền Thờ báo cáo:  “Xưa nay chu78a hề đã có ai nói năng như người ấy!”  Chúa Giê-su nói với tất cả con người, đức khôn ngoan và uy quyền của Người.  Điều này gây ấn tượng cho những người vệ bình không giỏi giang về việc lý luận biện minh.  Bởi họ đã nhận ra sự nhân lành của Chúa Giê-su, trong khi các nhà lãnh đạo tôn giáo lại không thấy.

*   Đức Giáo Hoàng Phanxicô dạy rằng chúng ta phải lắng nghe những người nghèo và bị xã hội loại bỏ, vì họ có một cái nhìn rất đặc biệt về thực tại của thế giới và của Thiên Chúa.  Vậy trong những giao tiếp hằng ngày của tôi, ai có thể có cái nhìn chân thật về thực tại Thiên Chúa?

 


Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space