TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN  (Ngày 22 – 28 tháng 7 năm 2015)

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Ngồi dưới ánh mắt của Chúa Giê-su

Ít năm trước, tôi đọc cuốn Sadhana: A Way to God của cha Anthony DeMello.  Trong đó ngài mô tả một lối cầu nguyện được thánh Tê-rê-xa Avila khuyến khích sử dụng, một cách cầu nguyện quá đơn giản:  hãy tưởng tượng Chúa Giê-su đang nhìn bạn, một cách đầy yêu thương và khiêm nhường.  Nói khác đi, là cầu nguyện theo cách cứ ngồi và để cho Chúa Giê-su chăm chú nhìn bạn.

          Lần đầu thử cầu nguyện theo cách ấy, tôi đã tưởng tượng Chúa Giê-su đang nhìn thẳng vào tôi và thật gần, với tình yêu và khiêm nhường trong mắt Người.  Cảm giác thật kỳ cục;  tôi lập tức cảm thấy như mình muốn nhìn ra đằng sau vai để xem ai đứng phía sau mình.  Rồi tôi quay lại và Chúa Giê-su vẫn đang nhìn tôi với tình yêu vô biên và nụ cười làm tâm hồn tôi bay lên tận mây xanh, và tôi thấy mình bật khóc.

          Tôi chưa sẵn sàng để đón nhận sức mạnh của cái nhìn ấy.  Cả đời, tôi đã nhìn thấy nhiều hình ảnh Chúa Giê-su nhìn thẳng vào người đang xem bức hình hoặc tấm icon, nhưng những hình ảnh đó luôn trịnh trọng và khiến người ta sợ sệt, làm như Chúa Giê-su đang đọc được mọi tội lỗi kín đáo của loài người.  Thực tập cầu nguyện cách này, tôi đã chăm chú hướng vào ánh mắt của Chúa Giê-su, và ánh mắt ấy đã không hướng về ai khác ngoài tôi là kẻ hèn mọn và đầy khuyết điểm, rồi Chúa Giê-su mỉm cười.  Tôi không thể thoát khỏi tình yêu trong đôi mắt Chúa, hay đúng ra ánh mắt ấy dành cho riêng tôi.  Tôi tiếp tục suy nghĩ: tôi không đáng;  nhưng càng ngồi đấy, tôi càng bắt đầu tin rằng mình đúng là như thế.  Tôi bắt đầu tin rằng Chúa Giê-su dễ dãi với tôi hơn là chính tôi dễ dãi với mình, rằng Chúa thấy những khuyết điểm của tôi, nhưng Người cũng thấy những gì đằng sau các khuyết điểm ấy, thấy được điều tốt nhất của tôi là cốt lõi nói lên tôi là ai.

-  Ginny Kubitz Moyer, Taste and See:  Experiencing the Goodness of God with Our Five Senses 

Sự hiện diện của Chúa

Chúa ở với tôi, nhưng còn hơn thế nữa, Chúa ở trong tôi, ban cho tôi được hiện hữu.

Tôi hãy để mình ở lại chốc lát trong sự hiện diện ban sự sống của Chúa

trong thân xác, trí khôn, tâm hồn tôi và trong toàn thể đời sống tôi.

 

Sự tự do

Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con để con sống trong tự do.  Xin Thánh Thần Chúa hướng dẫn con tự nguyện theo Chúa.  Xin Chúa in vào tâm hồn con một ao ước muốn biết Chúa và yêu mến Chúa nhiều hơn mỗi ngày.

 

Ý thức

Trong sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa, tôi quay lại cuốn phim ngày hôm trước, bắt đầu từ lúc này và nhìn lại, từng thời điểm một.

Tôi lắng đọng tâm hồn trong tất cả sự tốt lành và ánh sáng, trong niềm cảm tạ.

Tôi để ý tới những bóng tối và những gì các bóng tối ấy nói với tôi, để tìm được ơn chữa lành, can đảm và tha thứ.

 

Lời Chúa

Chúa nói với từng cá nhân chúng ta.  Tôi chăm chú lắng nghe để đón nhận những gì Chúa đang nói với tôi.  Bạn hãy đọc đoạn Kinh Thánh vài lần, rồi lắng nghe.  (Xin bạn lấy phần Kinh Thánh ở những trang tiếp theo. Những điểm gợi ý đã có sẵn cho bạn sử dụng nếu cần.  Khi đã xong, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn đón nhận các em nhỏ khi Chúa sống trên trần gian này.  Xin dạy con tín thác vào Chúa giống như các em nhỏ.  Xin dạy con sống mà biết rằng Chúa sẽ không khi nào bỏ rơi con.

 

Kết thúc

Tôi cảm tạ Chúa về những lúc Chúa và tôi cùng ở với nhau và về những ơn soi sáng của Chúa đã giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh.

 

 

Tuần 16 Thường niên

 

Chúa Nhật, ngày 22 tháng 7

Mác-cô 6:30-34

 

Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.31 Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

 

*  Chúa Giê-su đã dành cho dân chúng thì giờ và năng lực của Người, biết bao nhiêu ngày giờ cho đến cùng, và các tông đồ cũng làm như vậy.  Nhưng Chúa hiểu cần phải nghỉ ngơi và cần chỗ thanh tĩnh, dù giữa lúc thi hành sứ vụ.  Nếu Chúa Giê-su thấy cần như vậy thì tôi tưởng là mình không cần hay sao?

*  Lạy Chúa, xin giúp con cảm nhận được khi nào cần nghỉ ngơi, và khi nào cần phải rẽ qua đám đông mà tiến tới ngày giờ tiếp theo của mình, vì dân chúng thì lúc nào cũng cần chúng con, nhưng Chúa đã ban cho con nhiều cách để giúp đỡ họ.

_______________

 

 

Thứ Hai, ngày 23 tháng 7

Mát-thêu 12:38-42

 

Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ."39 Người đáp: "Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na.40 Quả thật, ông Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy.41 Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.42 Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.

 

*  Tôi cần phải có một cuộc biến đổi thiêng liêng trong đời sống mình, để tôi nên sống động trước mặt Chúa.  Đó sẽ là một cuộc phục sinh cho tôi.  Khi ấy tôi có thể trở nên một dấu chỉ hữu ích cho thế hệ này.

*  Ki-tô hữu đích thực là những dấu chỉ thế giới có thể nhận ra và qua họ thế giới biết được Chúa Giê-su.  Người ta nhận ra Chúa Giê-su qua bạn và tôi.  Là Ki-tô hữu, là Giáo Hội, chúng ta luôn phải làm chứng cho lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa.

_______________

 

Thứ Ba, ngày 24 tháng 7

Mát-thêu 12:46-50

 

Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.47 Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy."48 Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? "49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."

 

*  Chúa Giê-su mời gọi tôi làm môn đệ Người.  Điều này không có nghĩa là phải mệt nhọc lê bước theo Người, nhưng là trở nên một thành phần yêu quý của gia đình Chúa.  Mẹ Ma-ri-a là môn đệ gương mẫu;  Mẹ hoàn toàn mở tâm hồn đón nhận thánh ý Chúa và nâng đỡ Chúa Giê-su trong sứ vụ của Người.  Mẹ là bà mẹ dịu hiền của chúng ta và giúp cho mọi con cái Thiên Chúa trở thành anh chị em với nhau trong Chúa.  Lạy Mẹ Ma-ri-a đầy ơn phúc, chúng con cám ơn Mẹ đã ở cùng chúng con khi chúng con bước theo con của Mẹ.

*  Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói:  “Gia đình là nơi căn bản của giao ước giữa Giáo Hội và các tạo vật của Chúa”.  Khuôn mẫu Thiên Chúa muốn phác họa cho gia đình chúng ta, gia đình ruột thịt cũng như gia đình thiêng liêng, là người ta phải kiến tạo những thế giới nhỏ trong một thế giới rộng lớn hơn, ở đó các cá nhân có thể cố gắng học lắng nghe tiếng Chúa gọi trong bậc sống mình, và tiến tới trong đức tin.  Lạy Chúa, xin cho con thấy phải xây dựng các gia đình chung quanh con như thế nào, gia đình con cũng như gia đình giáo xứ.

_______________

 

 

Thứ Tư, ngày 25 tháng 7

Lễ kính thánh Gia-cô-bê, tông đồ

Mát-thêu 20:20-28

Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều.21 Người hỏi bà: "Bà muốn gì? " Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy."22 Đức Giê-su bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? " Họ đáp: "Thưa uống nổi."23 Đức Giê-su bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được."24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.26 Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."

 

*  Chúa Giê-su nói rằng Người không đến để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ người khác.  Người muốn tôi sử dụng những tài năng của mình để phục vụ tha nhân.  Làm sao tôi sẵn sàng đây?

*  Khẩu hiệu của thánh I-nhã là “yêu mến và phục vụ trong mọi sự”.  Chúng ta hiện diện nơi đây để phục vụ người khác, chứ không phải để đắm chìm trong tiện nghi và quyền lực.  Càng có được nhiều sự tốt lành, chúng ta càng phải phục vụ những anh chị em thiếu thốn của Chúa Giê-su.  Lạy Chúa, xin ban cho con một tâm hồn quảng đại.

_______________

 

 

Thứ Năm, ngày 26 tháng 7

Mát-thêu 13:10-17

 

Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ? "11 Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu.14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy;15 vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.16 "Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

 

*  Đâu là những bí ẩn của Nước Thiên Chúa?  Đó là được đích thân biết Chúa Giê-su, hiểu công cuộc cứu độ của Người trên thập giá, và ý thức rằng chúng ta được yêu thương vô bờ.  Thực là một đặc ân khi được biết những điều này!

*  Tôi thật hạnh phúc vì có được Kinh Thánh.  Nhưng đang khi Chúa Giê-su nói với tôi lúc này, liệu tôi có lắng nghe Người không?  Tôi có mở lòng đón nhận lời Người, hay là ngồi đấy bưng tai lại?

_______________

 

 

Thứ Sáu, ngày 27 tháng 7

Mát-thêu 13:18-23

 

"Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống.19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường.20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận.21 Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay.22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.23 Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục."

 

*  Dụ ngôn người gieo hạt giống giải thích những cách người ta đón nhận lời Chúa.  Chúa Giê-su biết có những mức độ khác nhau khi người ta tiếp nhận lời Chúa.  Ở một số người, lời Chúa có thể phát triển và sinh hoa trái;  nơi những người khác, họ không chú ý đến lời Chúa đủ, nên lời Chúa chỉ tồn tại được một thời gian ngắn.

*  Lời Chúa được ban cho tôi như một ân huệ.  Tôi cầu xin Chúa giúp tôi biết để cho sự tốt lành của Lời Chúa đâm rễ trong đời tôi và đem lại mùa gặt tốt, dẫn tôi đi trên đường chân lý và tình yêu.

_______________

 

 

Thứ Bảy, ngày 28 tháng 7

Mát-thêu 13:24-30

 

Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: "Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện.27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? " Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó! " Đầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không? " 29 Ông đáp: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."

 

*  Đang khi chúng ta còn ở trong mùa phát triển, mong rằng tôi hãy tỉnh thức như bác nông phu đã tỉnh thức.  Có cỏ dại giữa những cây lúa trong tâm hồn tôi.  Nhưng tôi cũng phải kiên nhẫn, không chỉ với cỏ dại của tôi, mà còn với những cỏ dại của người khác nữa.  Có chấp nhận con người thiếu sót của tôi, tôi mới có thể chấp nhận người khác được.

*  Thậm chí Giáo Hội cũng có thể là một tổ chức lẫn lộn cỏ lùng với lúa mọc bên cạnh nhau và trông rất giống nhau.  Bạn có thể thấy những người trông giống như các môn đệ trung thành của Chúa, nhưng không phải vậy.  Hoa quả cho chúng ta thấy những gì ở bên trong tâm hồn;  chúng có thể trông giống như lúa, nhưng thực ra chúng là cỏ dại. Lạy Chúa, xin cho con đừng ở trong số những cỏ dại ấy.

 

 

 

 


Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space