TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN  (Ngày 12 – 18 tháng 8 năm 2018)

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Đức Mẹ cũng là Mẹ chúng ta

Vào lúc quan trọng nhất, trước khi hoàn tất công cuộc Chúa Cha đã ký thác, Chúa Giê-su nói với Mẹ Ma-ri-a:  “Thưa bà, đây là con bà”.  Rồi Người phán với người bạn thân yêu của Người:  “Đây là mẹ anh” (Gio-an 19:26-27).  Chúa Giê-su nói những lời này đang lúc Người hấp hối chủ yếu không phải để bày tỏ lòng ngưỡng mộ và chăm sóc đối với mẹ Người;  nhưng những lời ấy là một công thức mặc khải biểu lộ mầu nhiệm của một sứ mệnh cứu độ đặc biệt.  Chúa Giê-su đã trao mẹ Người lại cho chúng ta để mẹ làm mẹ chúng ta.  Chỉ sau khi làm như vậy, Chúa Giê-su đã biết là “mọi sự đã hoàn tất” (Gio-an 19:28).  Tại chân thập giá vào giờ linh thiêng nhất của cuộc tạo dựng mới, Đức Ki-tô đã dẫn chúng ta đến với Mẹ Ma-ri-a.  Người đem chúng ta đến với Mẹ vì Người không muốn chúng ta hành trình mà thiếu vắng bóng một bà mẹ, và mọi người chúng ta đọc được trong hình ảnh bà mẹ này tất cả mầu nhiệm của Tin Mừng.

          Chúa không muốn để lại một Giáo Hội thiếu hình ảnh người phụ nữ.  Mẹ Ma-ri-a, Đấng đã đem Chúa vào thế giới nhờ đức tin vĩ đại, cũng đồng hành “với những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giê-su” (Khải Huyền 12:17).  Mối liên hệ mật thiết giữa Mẹ Ma-ri-a, Giáo Hội và mỗi thành phần tín hữu, dựa trên sự kiện mỗi người theo cách thức của mình mà đến với Chúa Ki-tô, đã được diễn tả thật đẹp qua lời chân phước Isaac of Stella:  “Trong Kinh Thánh, điều được nói theo ý nghĩa tổng quát về một người mẹ trinh khiết, tức là Giáo Hội, thì cũng được hiểu theo ý nghĩa cá nhân, đó là Đức Trinh Nữ Ma-ri-a… Hiểu theo một ý nghĩa, mỗi Ki-tô hữu cũng được coi là một tân nương của lời Chúa, là người mẹ Chúa Ki-tô, là người con và chị em với Chúa, là trinh khiết và sinh hoa kết quả… Chúa Ki-tô đã cư ngụ chín tháng trong nhà tạm là cung lòng Mẹ Ma-ri-a.  Người đang cư ngụ trong nhà tạm đức tin của Giáo Hội cho đến tận thế.  Người sẽ cư ngụ vĩnh viễn trong sự nhận biết và yêu mến của từng linh hồn trung tín”.

-  Đức Giáo Hoàng Phanxicô, The Church of Mercy

 

Sự hiện diện của Chúa

Tôi dừng lại một lúc để suy nghĩ về sự hiện diện ban sự sống của Chúa

nơi từng phần thân xác tôi,

trong mọi sự chung quanh tôi,

trong toàn bộ cuộc đời tôi.

Sự tự do

Hiện lúc này nhiều quốc gia đang đau khổ vì chiến tranh.  Tôi cúi đầu cảm tạ Chúa vì mình được sống tự do.  Tôi cầu nguyện cho mọi tù nhân và những người bị bắt bớ.

Ý thức

Biết Chúa yêu thương tôi vô điều kiện, tôi thành thực nhìn lại ngày hôm qua với các biến cố và những cảm nghĩ của tôi.  Tôi có điều gì để tạ ơn Chúa không?  Tôi cảm tạ Chúa.  Có điều gì để tôi phải sám hối không?  Tôi xin ơn tha thứ.

Lời Chúa

Giờ đây tôi bước sang phần Kinh Thánh trong ngày.  Tôi đọc chậm chậm mọi lời và để ý xem có câu nào hoặc tâm tình nào mời gọi tôi không.  (Xin lấy phần Kinh Thánh in ở những trang kế tiếp.  Những điểm gợi ý có sẵn để bạn sử dụng nếu cần.  Khi đã xong, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa.)

Tâm sự với Chúa

Lạy Chúa, con biết chắc chắn có nhiều lần Chúa đã bồng con lên.  Có những lần nhờ sức mạnh Chúa ban mà con đã vượt qua được những lúc đêm tối trong đời con.

Kết thúc

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.  Tự muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi đến thiên thu vạn đại.  A-men.

 

Tuần 19 Thường niên

 

Chúa Nhật, ngày 12 tháng 8

Gio-an 6:41-51

 

Người Do-thái liền xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giê-su đã nói: "Tôi là bánh từ trời xuống."42 Họ nói: "Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: "Tôi từ trời xuống? "43 Đức Giê-su bảo họ: "Các ông đừng có xầm xì với nhau!44 Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.45 Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.47 Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời.48 Tôi là bánh trường sinh.49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết.50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."

 

*  Cái biết cá nhân của dân chúng về Chúa Giê-su đã khiến họ nghi ngờ những điều Người công bố.  Vậy cảm nhận kính úy và ngưỡng mộ của chúng ta có bị cùn nhụt vì thái độ gần chùa gọi bụt bằng anh không?

*  Hằng ngày tôi được mời gọi đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể để ăn bánh trường sinh.  Vậy tôi tiến đến bàn thánh với thái độ vô cảm hay với một tâm hồn rộn ràng?  Khi nào là lần mới đây nhất tôi đã mở mắt ra để nhận biết Chúa Ki-tô lúc bẻ bánh?

_______________

 

Thứ Hai, ngày 13 tháng 8

Mát-thêu 17:22-27

 

Khi thầy trò tụ họp ở miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời,23 họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy." Các môn đệ buồn phiền lắm.24 Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô: "Thầy các ông không nộp thuế sao? "25 Ông đáp: "Có chứ! " Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: "Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài? "26 Ông Phê-rô đáp: "Thưa, người ngoài." Đức Giê-su liền bảo: "Vậy thì con cái được miễn.27 Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh."

 

*  Bạn thử tưởng tượng đang đi tại vùng quê cùng với một nhóm môn đệ Chúa là những kẻ đang “rất chán nản”.  Dường như các môn đệ ấy bắt đầu hiểu rằng sứ mệnh lang thang này sẽ kết liễu trong thất bại và nhục nhã.  Nếu họ chán nản do những lời Chúa nói, thì chính khi ấy họ bắt đầu nhận ra rằng Người thực sự nghiêm túc.

*  Những ứng xử bình thường với các viên chức thuế vụ có thể làm cho ông Phê-rô không được thoải mái.  Chúa Giê-su thì xem ra lại coi thường.  Vậy bạn nghĩ gì về khung cảnh này?  Bạn hãy cố gắng ngồi suy nghĩ một lát coi.

_______________

 

Thứ Ba, ngày  14 tháng 8

Mát-thêu 18:1-5, 10, 12-14

Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? "2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông3 và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.4 "Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.5 "Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy… 10 "Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời… 12 "Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc.14 Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.

 

*  Chúa Giê-su dạy chúng ta rất rõ là mỗi mạng sống đều quý giá trước mặt Người.  Mỗi người tôi gặp đều là vô giá và không thể thay thế.  Nhưng Chúa Giê-su đảo ngược những thái độ quy ước:  những “kẻ bé mọn”, những người mà thế gian coi là không quan trọng, lại là những người quý giá nhất.  Vậy thái độ của tôi hôm nay có phản ánh điều ấy không?

*  Giả như tôi là người duy nhất trên thế giới này cần được cứu độ, thì Chúa Giê-su cũng vẫn chết vì tôi.  Điều này có khiến tôi lạnh xương sống và kinh hãi không?  Tại sao?

_______________

 

Thứ Tư, ngày 15 tháng 8

Lễ Đức Mẹ Lên Trời

Lu-ca 1:39-56

 

Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:

 

"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47 thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
50 Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời."

56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

 

*  Có những khi tất cả chúng ta, giống như những bà mẹ đang chờ đợi sinh con, đều biết rằng mình là những người được chúc phúc.  Đôi khi cái biết ấy là một ý thức được thể hiện dần dần qua những hoàn cảnh khó khăn.

*  Đức Giáo Hoàng Phanxicô mở đầu Tông thư Evangelii gaudium (Niềm vui Tin Mừng) như sau:  “Niềm vui Tin Mừng tràn đầy tâm hồn và đời sống của hết những ai gặp gỡ Chúa Giê-su.  Những ai tiếp nhận ơn cứu độ này thì được giải thoát khỏi tội lỗi, u buồn, trống vắng nội tâm và nỗi cô đơn… Tôi hiểu được nỗi ưu phiền của những người phải chịu đau khổ lớn lao, nhưng tất cả chúng ta đều phải từ từ nhưng chắc chắn để cho niềm vui của đức tin chậm chậm hồi sinh tựa như lòng tín thác âm thầm nhưng cương quyết, ngay cả trong cơn cùng khốn nhất”.  Vậy có dòng nào đặc biệt trong đoạn trích này vang lên trong tâm hồn bạn hoặc làm cho bạn phải khó chịu không?

_______________

 

 

Thứ Năm, ngày 16 tháng 8

Mát-thêu 18:21 – 19:1

 

21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? "22 Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách.24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng.25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ.26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết."27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao! "29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh."30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện.32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta,33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? "34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."

1 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Ga-li-lê và đi đến miền Giu-đê, bên kia sông Gio-đan.

 

*  Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn tả lòng thương xót như sau:  “Chúng ta luôn cần phải chiêm ngưỡng mầu nhiệm lòng thương xót.  Đó là nguồn suối của niềm vui, sự sáng suốt và bình an.  Ơn cứu độ của chúng ta tùy thuộc vào lòng thương xót”.  Hôm nay tôi sẽ đem lời lòng thương xót đến mọi nơi và để cho nó hoạt động trong tâm trí tôi.

*  Chúa Giê-su quả quyết rằng lòng thương xót không chỉ là hành động của Chúa Cha, nhưng nó còn trở nên tiêu chuẩn để xác định ai là con cái đích thực của Người.  Nói tóm lại, chúng ta được kêu gọi hãy tỏ lòng thương xót, vì lòng thương xót đã được tỏ ra cho chúng ta trước.

_______________

 

Thứ Sáu, ngày 17 tháng 8

Mát-thêu 19:3-12

 

Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su để thử Người. Họ nói: "Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không? "4 Người đáp: "Các ông không đọc thấy điều này sao: "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ",5 và Người đã phán: "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt."6 Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly."7 Họ thưa với Người: "Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ? "8 Người bảo họ: "Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu.9 Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình."10 Các môn đệ thưa Người: "Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn."11 Nhưng Người nói với các ông: "Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu.12 Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu."

 

*  Thầy Giê-su biết Kinh Thánh!  Người xác định lại những tiêu chuẩn của Thiên Chúa khi đối phó với thái độ cứng lòng của con người.  Kết quả là xem ra người ta đã hoàn toàn hiểu được những nghi ngờ của các môn đệ về hôn nhân.  Nhưng một số những tình huống vẫn đòi hỏi phải được phân định kỹ lưỡng về mặt mục vụ.  Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định rằng:  “Đường lối của Giáo Hội từ thời Công đồng Giê-ru-sa-lem đã luôn là đường lối của Chúa Giê-su, đường lối của lòng thương xót và hồi phục… Đường lối của Giáo Hội không phải là lên án người ta vĩnh viễn;  nhưng là đổ dầu thơm của lòng Chúa thương xót xuống trên tất cả những ai thành tâm tìm kiếm lòng thương xót”.

*  Bạn có tiếp xúc với ai đang phấn đấu trong hôn nhân của họ hoặc đang cam kết sống độc thân để phục vụ không?

_______________

 

Thứ Bảy, ngày 18 tháng 8

Mát-thêu 19:13-15

 

Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng.14 Nhưng Đức Giê-su nói: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng."15 Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.

 

*  Chúa Giê-su quả là người có trái tim ấm áp!  Người muốn ôm lấy các trẻ nhỏ và Người được đầy cảm hứng do cử chỉ hồn nhiên của những bậc cha mẹ đem con cái tới xin Người chúc lành cho chúng.

*  Nhưng một lần nữa, các môn đệ Chúa  (có thể cả chúng ta nữa) đã hoàn toàn sai.  Hình như các môn đệ coi hành vi của những cha mẹ kia là một trở ngại, không theo đúng chương trình và không nên khuyến khích.  Có khi nào tôi bị cám dỗ xua đuổi trẻ em đi hoặc nghĩ rằng dành thời giờ ở với chúng là điều không quan trọng vì còn có một lô công việc cần phải làm không?

 

 

 


Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space