TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN  (Ngày 4 – 10 tháng 11 năm 2018)

 

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Ý thức lời Chúa hứa

Đồng cỏ rộ lên sự sống.  Tôi có cảm tưởng mình đang đạp xe qua suốt một cuộc thí nghiệm khoa học.  Những con châu chấu mập mạp nhảy giữa những bông cúc trắng và cúc vàng chấm đen, các con ong bay vù vù trên những bông kim ngân hoa, các con dế nâu nhỏ đang gáy dưới những gốc thảo nhi và những con chim chào mào đỏ và chim ngực đỏ chuyền từ cành này sang cành khác.  Không khí thì trong lành và cánh đồng cỏ vang lên những lời ca tạo dựng.

          Một buổi sáng mùa xuân, tôi đã dừng lại để hít thở giữa cánh đồng.  Khi ấy tôi đã lên chín hay lên mười.  Những cuốn sách học của tôi nằm trong cái giỏ xe đạp văng mạnh qua một bên và chút nữa là tôi mất bài tập môn toán cho các chú châu chấu và dế mèn rồi.  Ngồi trên xe đạp và buông hai chân chống đất, tôi có thể nhìn thấy rất nhiều điều quanh tôi, rất nhiều mầu sắc, rất nhiều sinh hoạt, rất nhiều sự sống.  Nhìn về ngôi trường học ở phía chân trời, tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được sống. Rồi tôi đã muốn vừa có được và vừa thuộc về tất cả những gì ở quanh tôi.  Tôi còn có thể nhìn thấy chính mình ở trên cánh đồng này, ở trong bầu không khí ấm áp, chung quanh là các tạo vật, tất cả đều rõ ràng hơn bất cứ kỷ niệm nào của thời thơ ấu.

          Khi nhìn lại, tôi tin là mình có một ý thức về lời Chúa hứa:  một lời mời gọi đến hưởng niềm vui bất tận.

-  James Martin, S.J., My Life with the Saints 10th Anniversary Edition

 

 

 

Sự hiện diện của Chúa

Khi tôi ngồi ở đây, tiếng trái tim đập, hơi thở lên xuống, những chuyển động của trí khôn, tất cả đều là những dấu hiệu nói lên việc Chúa đang tiếp tục tạo dựng tôi.

Tôi dừng lại một chút để ý thức sự hiện diện của Chúa ở trong tôi.

 

Sự tự do

Thật là dễ dàng vướng mắc vào những cạm bẫy của giàu sang trong cuộc đời này.

Lạy Chúa, xin ban cho con được tự do tránh khỏi tính tham lam và ích kỷ.

Xin Chúa nhắc nhở cho con biết những điều miễn phí tốt nhất trong đời là:  tình yêu, tiếng cười, sự chăm sóc và chia sẻ.

 

Ý thức

Biết Chúa yêu thương tôi vô điều kiện, tôi sẵn sàng thành thực nhận ra mình là ai.

Ngày hôm qua như thế nào và hiện giờ tôi cảm thấy ra sao?  Tôi cởi mở chia sẻ mọi cảm nghĩ của tôi với Chúa.

 

Lời Chúa

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã làm người phàm để giao tiếp với con.

Chúa đã bước đi và làm việc trên mặt đất này.

Chúa chịu đựng nắng thiêu và giá lạnh.

Tất cả thời giờ của Chúa ở trần gian này đã được sử dụng để chăm sóc cho nhân loại.

Chúa đã chữa lành kẻ đau yếu, cho người chết được sống lại.

Nhưng quan trọng nhất, Chúa đã cứu độ con khỏi sự chết.

(Xin bạn lấy phần Kinh Thánh ở những trang tiếp theo.  Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu cần.  Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Lạy Chúa, đôi khi con thắc mắc không biết mình phải nói gì khi gặp riêng Chúa.

Con nghĩ con có thể nói “Tạ ơn Chúa” vì Chúa luôn hiện diện ở đó với con.

 

Kết thúc

Tôi cảm tạ Chúa vể những lúc Người và tôi đã cùng ở với nhau và về những ơn soi sáng giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh.

 

Tuần 31 Thường niên

 

Chúa Nhật, ngày 4 tháng 11

Mác-cô 12:28-34

 

Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? "29 Đức Giê-su trả lời: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó."32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác.33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ."34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu! " Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

 

*  Người ta sẽ cảm thấy thế nào là yêu mến Thiên Chúa hết sức lực?  Tôi có thấy lòng yêu mến như vậy ở người nào chưa?

*  Chúa Giê-su nói với ông kinh sư rằng ông ta không còn xa Nước Thiên Chúa mấy nữa.  Vậy Chúa muốn nói gì?  Cách hiểu của ông ta có gần hơn với thực tại Nước Thiên Chúa không?  Khi nào tôi đã cảm thấy mình gần Nước Thiên Chúa?  Lúc ấy tôi nghĩ gì?  Tôi đã làm gì?

_______________

 

 

Thứ Hai, ngày 5 tháng 11

Lu-ca 14:12-14

 

Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi.13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại."

 

*  Lối cư xử và quyết định của chúng ta đã được xác định, hoặc tối thiểu đã chịu ảnh hưởng do những mong đợi và cách đối xử của người khác.  Chúa Giê-su sử dụng một thí dụ đơn giản nhưng rất ý nghĩa để thách thức chúng ta hãy tình nguyện cho đi mà không mong được đáp lại.  Chúng ta chỉ có thể làm được điều này nếu ý thức rằng chúng ta đã lãnh nhận được nhưng không.

*  Những tác giả tu đức thế kỷ 1 thường nói rằng những người sẽ đón chúng ta ở cửa thiên đàng đều là những người nghèo khó.  Vậy liệu họ có biết tôi đủ để cho tôi vào không?  Những kẻ thiếu thốn có một chổ đứng trong tâm hồn tôi không?

_______________

 

 

Thứ Ba, ngày 6 tháng 11

Lu-ca 14:15-24

 

Nghe vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su: "Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa! "16 Người đáp: "Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người.17 Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: "Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.18 Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: "Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.19 Người khác nói: "Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.20 Người khác nói: "Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.21 "Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: "Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.22 Đầy tớ nói: "Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ.23 Ông chủ bảo người đầy tớ: "Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta.24 Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi."

 

*  Diễn tả Nước Thiên Chúa như một bữa tiệc là điều thường thấy trong Kinh Thánh.  Chúng ta nhận được lời mời “Xin quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn”.  Vậy việc đáp lại của chúng ta là gì?  Bữa tiệc thì sẵn sàng rồi, nhưng chúng ta có sẵn sàng không?  Đâu là những ưu tiên của chúng ta?  Chúng ta muốn vào vương quốc Chúa cai trị hay chúng ta thích theo những điều chúng ta hoạch định cho mình?

*  Theo diễn tiến câu chuyện, bạn hãy lưu ý là lời mời cứ mỗi lúc một bao gồm thêm nhiều người hơn.  Có thể chúng ta sẽ ngạc nhiên khi biết được người ngồi bên cạnh chúng ta trong bàn tiệc thiên quốc là ai.  Lòng hiếu khách của chúng ta có mở rộng cho nhiều người không?

_______________

 

 

Thứ Tư, ngày 7 tháng 11

Lu-ca 14:25-33

 

"Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.28 "Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không?29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo:30 "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng?32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà.33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

 

*  Ở đây Chúa Giê-su dạy về cái giá phải trả khi làm môn đệ Chúa.  Cái giá phải trả ấy được minh chứng bằng câu chuyện người xây nhà và chuyện ông vua.  Người môn đệ chân thực không chỉ chạy theo một cách thiếu suy nghĩ trong cuộc sống, nhưng họ ý thức sự nghiêm túc của việc dấn thân.  Khi nào là lần mới đây nhất tôi cân nhắc cái giá phải trả khi theo đường lối của Chúa Giê-su?

*  Có những người né tránh việc Chúa Giê-su sử dụng từ “ghét” (bản dịch tiếng Việt sử dụng từ “dứt bỏ”) trong câu 26.  Chúa sử dụng thuật ngữ hùng biện (phóng đại) để nhấn mạnh tư tưởng Người muốn nói.  Trong Mát-thêu 10:37, Chúa giải thích ý của Người như sau:  Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”.  Đây là vấn đề ưu tiên mà thôi.

_______________

 

 

Thứ Năm, ngày 8 tháng 11

Lu-ca 15:1-10

Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng."3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:4 "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.8 "Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối."

 

*  Mặc dù chúng ta không phạm tội, nhưng vẫn có nhiều cách cho thấy chúng ta “bị mất” hay “lạc” giữa cuộc sống trần gian này.  Bạn đã có kinh nghiệm nào như thế chưa?  Giờ đây bạn có cảm thấy “lạc mất” không?

*  Nếu để riêng những dụ ngôn này ra, bạn hãy để ý đến bối cảnh Chúa Giê-su đã kể những dụ ngôn này.  Chúa bị những người Pha-ri-sêu và kinh sư chỉ trích vì Người cùng ăn uống với “các người thu thuế và các kẻ tội lỗi”.  Chúng ta có sẵn sàng chấp nhận bị chỉ trích để cố gắng hòa đồng với người khác không?

_______________

 

 

Thứ Sáu, ngày 9 tháng 11

Gio-an 2:13-22

 

Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem.14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền.15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.16 Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán."17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? "19 Đức Giê-su đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại."20 Người Do-thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao? "21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

 

*  Người Do-thái hiểu “Đền Thờ” theo ý nghĩa là một tòa nhà mà họ đứng trong đó.  Tuy nhiên, Chúa Giê-su lại ám chỉ Đền Thờ là thân xác Người và Người tiên báo về sự phục sinh của mình.  Đây phải là dấu chỉ nói lên điều họ đã hỏi Người.

*  Khi chúng ta sẵn sàng thì dường như Chúa Thánh Thần sẽ dùng cảm nghiệm để giúp chúng ta hiểu biết.  Sau khi cảm nghiệm Chúa Giê-su đã sống lại từ kẻ chết thì các môn đệ hiểu và tin Người;  rồi họ nhớ lại những điều Chúa đã dạy họ trước đây.  Các biến cố và giáo huấn liên kết với nhau.  Khi nào bạn nhận thấy sự chuyển đổi trong hiểu biết của bạn về điều gì bạn đã nghe hay đọc nhiều lần trước đây?

_______________

 

 

Thứ Bảy, ngày 10 tháng 11

Lu-ca 16:9-15

 

"Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?13 "Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được."14 Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su.15 Người bảo họ: "Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.

 

*  Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn”.  Đức tin chúng ta lớn lên nhờ tập luyện.  Thường chúng ta bắt đầu với những việc nho nhỏ, rồi chúng ta phát triển mặt thiêng liêng tới mức độ chúng ta có thể đảm trách được những việc quan trọng hơn.  Chúa không đòi chúng ta phải sống một thứ đức tin chúng ta chưa đạt được.  Tuy nhiên chúng ta có thể xác định phẩm chất sự phát triển của mình nhờ những chọn lựa căn bản, thí dụ chúng ta đang phục vụ ông chủ nào.

*  Suy nghĩ xem đời sống bạn đang tấn tới như thế nào là một hình thức cầu nguyện rất giá trị, nhất là khi chúng ta suy nghĩ mà lại có sự đồng hành của Chúa Giê-su.

 


Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space