TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN  (Ngày 3 – 9 tháng 3 năm 2019)

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Mỗi Ki-tô hữu đều có thể trở thành chứng nhân cho Chúa Giê-su phục sinh.  Chứng từ của họ còn đáng tin hơn nữa và còn chiếu sáng hơn nữa nhờ đời sống theo Tin Mừng, một đời sống vui tươi, can đảm, dịu dàng, bình an và đầy lòng thương xót.  Trái lại, nếu một Ki-tô hữu sống theo lối sống tiện nghi, hào nhoáng và ích kỷ, nếu họ bịt tai che mắt trước vấn đề về “sự sống lại” của nhiều anh chị em khác thì làm sao con người ấy có thể truyền đạt Chúa Giê-su hằng sống cho người ta được?  Làm sao Ki-tô hữu có thể truyền đạt sức mạnh giải thoát của Chúa Giê-su hằng sống và sự dịu hiền vô biên của Người được?

          Bạn hãy lắng nghe Chúa Giê-su.  Người là Đấng Cứu Độ:  hãy theo Người.  Đúng vậy, lắng nghe Chúa Ki-tô đòi hỏi ta chấp nhận luận lý của Mầu Nhiệm Phục Sinh, sẵn sàng đồng hành với Chúa để biến mình thành một quà tặng tình yêu cho tha nhân, trong sự vâng phục thánh ý Chúa, với thái độ tự do nội tâm và không vương vấn những thứ thuộc trần gian.  Nói khác đi, người ta phải sẵn lòng đánh mất chính mạng sống mình (xem Mác-cô 8:35), bằng cách từ bỏ mình để mọi người được cứu độ;  như thế, chúng ta sẽ được hạnh phúc đời đời.  Con đường đến với Chúa Giê-su luôn là con đường đưa ta đến hạnh phúc – bạn đừng quên điều ấy!  Con đường của Chúa Giê-su luôn đưa chúng ta đến hạnh phúc.  Sẽ luôn có thập giá, thử thách dọc đường, nhưng cuối cùng chúng ta luôn được dẫn tới hạnh phúc.  Chúa Giê-su không lừa dối chúng ta đâu;  Người đã hứa ban cho chúng ta hạnh phúc và chắc chắn sẽ ban cho chúng ta nếu chúng ta theo đường lối của Người.

-  Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Embracing the Way of Jesus

 

 

Sự hiện diện của Chúa

“Hãy thinh lặng và biết rằng Ta là Thiên Chúa!”  Lạy Chúa, lời Chúa dẫn chúng con đến vẻ thanh tĩnh và cao cả của sự hiện diện Chúa.

 

Sự tự do

“Trong những ngày này, Chúa dạy dỗ tôi như thầy giáo dạy dỗ một người học trò” (Thánh Inhaxiô).  Tôi nhắc nhở mình rằng có những điều Chúa cần dạy cho tôi biết, nên tôi xin ơn biết lắng nghe và để những điều ấy thay đổi con người tôi.

 

Ý thức

Tôi đang cảm thấy thế nào?  Tâm hồn nhẹ nhàng?  Hay nặng nề?  Có thể tôi đang rất bình an, hạnh phúc vì được ở đây.

Cũng vậy, có thể tôi cảm thấy thất vọng, lo lắng hay giận dữ.

Tôi nhận ra hiện thời mình thế nào.  Chính con người đích thực của tôi là kẻ Chúa thương mến.

 

Lời Chúa

Chúa nói với từng người chúng ta.  Tôi chú tâm lắng nghe điều Người nói với tôi.  Bạn hãy đọc đoạn Kinh Thánh vài lần rồi hãy lắng nghe.  (Xin lấy phần Kinh Thánh ở những trang kế tiếp.  Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu cần.  Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Tôi có nhận thấy mình phản ứng khi cầu nguyện bằng lời Chúa không?  Tôi cảm thấy bị thách đố, được an ủi hay giận dữ?  Tưởng tượng Chúa Giê-su đang ngồi hoặc đứng bên cạnh, tôi nói với Chúa những cảm nghĩ của mình, tựa như một người bạn tin cẩn nói với người khác.

 

Kết thúc

Tôi cảm tạ Chúa về những lúc Chúa và tôi cùng ở với nhau và về những ơn soi sáng giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh.

 

Tuần 8 Thường niên

Chúa Nhật, ngày 3 tháng 3

Lu-ca 6:39-45

 

Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?40 Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.41 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?42 Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!43 "Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt.44 Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho!45 Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.

 

*  Đây là một nguyên tắc thẳng thắn:  Tôi sẽ chẳng giúp gì cho người khác bằng cách nói ra những trục trặc hoặc tội lỗi của họ, trong khi tôi không nhận ra những những trục trặc và tội lỗi của tôi.  Đúng vậy, những tội lỗi của tôi trở thành chướng ngại không cho tôi thấy rõ ràng.  Mong rằng tôi sẽ lấy việc phê bình chỉ trích về tội lỗi người khác làm động lực thúc giục tôi hãy mau mắn xét lại chính tâm hồn mình.

*  Một ý tưởng đơn giản khác:  một cái tâm tốt thì sinh ra những hành động tốt.  Nếu tôi không hài lòng với những hành động của mình, thì tôi thường hay chú ý đến những hành động của người khác và cảm thấy mình có trách nhiệm đối với họ.  Chẳng phải là hợp lý hơn nếu tôi xét lại những gì ở trong tôi đã thúc đẩy tôi thích xét nét những hành động của người khác sao?  Lạy Chúa, xin giúp đỡ con – con cần có sự khôn ngoan.

_______________

 

 

Thứ Hai, ngày 4 tháng 3

Mác-cô 10:17-27

 

Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? "18 Đức Giê-su đáp: "Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ."20 Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ."21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi."22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.23 Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: "Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! "24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: "Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao!25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa."26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: "Thế thì ai có thể được cứu? "27 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: "Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được."

 

*  Một cuộc gặp gỡ đặc biệt:  Mác-cô, vị thánh sử chân phương và ít thơ mộng nhất, lại viết ra những chi tiết giúp cho câu chuyện thật sống động.  Tại sao Chúa Giê-su đàm luận với kẻ gọi Người là “nhân lành”?  Thế rồi “Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”.  Có điều gì đó trong ánh mắt của Chúa khiến người ta không thể quên.  Cuối cùng, Mác-cô không ngại cho chúng ta thấy sự sững sờ và buồn phiền của người kia khi anh ta nghe Chúa Giê-su mời gọi và anh ta từ chối, hoặc thái độ của Chúa bình tĩnh chấp nhận việc anh ta từ chối.  Chúa không vi phạm sự tự do của chúng ta.

*  Tôi suy xét về khung cảnh này và thắc mắc đâu là điểm khiến Chúa Giê-su đem lòng yêu mến người thanh niên này.  Tôi dành thì giờ suy nghĩ về những điểm khiến Chúa yêu mến tôi – rồi tôi sẽ không tiếp tục suy nghĩ cho đến khi nào nhận ra được những điểm ấy!  Có thể Chúa Giê-su cho tôi thấy chỉ một điểm đang làm cho tôi mất tự do.  Tôi có thể bỏ đi, hoặc tôi có thể xin Chúa giúp tôi đương đầu với điểm ấy.

_______________

 

 

Thứ Ba, ngày 5 tháng 3

Mác-cô 10:28-31

 

Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy! "29 Đức Giê-su đáp: "Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng,30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.31 Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu."

*  Các môn đệ vừa mới sững sờ vì nhận xét cứng rắn của Chúa Giê-su “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!”, sau khi một người thanh niên giàu có đã từ chối lời Chúa mời gọi anh hãy theo Người.  Tuy nhiên ông Phê-rô thì bảo đảm được bù đắp ở đời này và đời sau.  Tôi phản ứng thế nào về sự hoán đổi này?

*  Tôi suy nghĩ về cuộc đối thoại này khi thánh Phê-rô đã đi trọn đường đời của ngài.  Đối với tôi, theo Chúa Giê-su nghĩa là gì?  Tôi đã bỏ những gì?  Tôi đã được gấp trăm những gì về niềm vui, sự hài lòng, bình an tâm hồn?

_______________

 

BẮT ĐẦU MÙA CHAY

Thứ Tư, ngày 6 tháng 3

Thứ Tư Lễ Tro

Mát-thêu 6:1-6, 16-18

"Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.5 "Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.16 "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

 

*  Những động lực nào thúc đẩy tận thâm tâm tôi?  Tôi có hành động chỉ để làm đẹp lòng Chúa không?  Chúa Giê-su đã làm cho những kẻ giả hình phải điên đảo.  Họ giả đò làm con người không phải của họ;  họ là những diễn viên diễn xuất đằng sau cái mặt nạ của họ.  Khi nào tôi sống giống như giả hình nhất?  Có bao giờ tôi thấy mình nói dối nhỏ nhặt để làm cho người khác có ấn tượng tốt về tôi không?

*  Tôi phải bằng lòng với con người thực của tôi.  Căn tính sâu xa nhất của tôi không phải là căn tính tôi tạo ra cho mình, nhưng là căn tính được Chúa ban cho.  Tôi là kẻ được Chúa yêu dấu và sẽ luôn luôn được yêu dấu như vậy.  Thế là đủ rồi.  Người quan trọng trong đời tôi không phải là chính tôi, cũng không phải là kẻ khác, nhưng chỉ có Thiên Chúa là Đấng thấy rõ những gì là bí ẩn.  Chúa cũng biết những bí ẩn của tôi:  khi nói và làm mọi sự, tôi được yêu mến vô cùng!

_______________

Thứ Năm, ngày 7 tháng 3

Lu-ca 9:22-25

 

Người còn nói: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?

 

*  Khởi đầu mùa Chay, Chúa Giê-su nêu ra trước mắt chúng ta những biến cố quan trọng về cuộc Thương Khó, sự chết và phục sinh của Người.  Chúa Giê-su minh định rằng công cuộc cứu độ trần gian sẽ kết thúc bằng cách đem lại thảm họa cho Người.  Tôi ngồi với Chúa trong thinh lặng và trong tâm tình cảm tạ vì Chúa không bỏ cuộc và bỏ mặc nhân loại trong sự khốn khổ của họ.

*  Tôi cũng trò chuyện với Chúa về những điều tôi đang phải chịu đựng.  Chúa không bảo rằng đau khổ là tốt, nhưng là tôi có thể kiên nhẫn chấp nhận hoặc cố chối bỏ đau khổ.  Chúa nhìn thẳng vào tôi và bảo:  “Con có thể mất cả đời để lo lắng cho mình và cố tránh đau đớn khổ sở.  Hoặc con có thể ôm lấy trần gian với lòng yêu thương và sẵn sàng chấp nhận thất bại, phản bội và tuyệt vọng từ những người mà con cố gắng phục vụ.  Dĩ nhiên con sẽ bị thương tổn, nhưng cuối cùng phúc trường sinh sẽ thuộc về con”.  Tôi thưa với Chúa:  “Lạy Chúa, xin cho con biết sống cuộc sống như Chúa đã sống”.  Chúa cám ơn tôi.

_______________

 

 

Thứ Sáu, ngày 8 tháng 3

Mát-thêu 9:14-15

 

Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: "Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? "15 Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.

 

*  Gio-an Tẩy Giả và các môn đệ của ông có những nghi ngờ về Chúa Giê-su.  Chúa Giê-su, một người đạo hạnh, tuân giữ những kiêng cữ theo Lề Luật bắt buộc và cũng giữ việc ăn chay, bằng cách cầu nguyện cho việc Thiên Chúa cứu độ và hối thúc người ta đón nhận Nước Thiên Chúa.  Chúng ta thường cảm thấy mình giống như các môn đệ ông Gio-an, lẫn lộn và không chắc chắn về những điều phải làm.  Sự chia rẽ trong Giáo Hội khiến chúng ta không an lòng.  Nhưng Chúa Giê-su phán:  “Khi tôi đến là một tiệc cưới đã bắt đầu;  một cuộc tạo dựng mới đang diễn ra;  cho nên anh chị em phải vui mừng!”

* Chúa Giê-su muốn ăn mừng và giao lưu với mọi người, nhất là với những người sống bên lề xã hội, những kẻ hoang đàng, những người tội lỗi, để cho họ biết rằng ở nơi Người, thời cứu độ mừng vui đã tới rồi.  Tôi phải ngừng sống trong miền đất không người.  Tôi phải thức dậy vì Đấng cứu độ trần gian đã đến và tôi phải đi theo Người.

_______________

 

 

Thứ Bảy, ngày 9 tháng 3

Lu-ca 5:27-32

 

Sau đó, Đức Giê-su đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! "28 Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.29 Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài.30 Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng: "Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi? "31 Đức Giê-su đáp lại họ rằng: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.32 Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn."

*  Các người thu thuế bị khinh bỉ:  họ là những kẻ bị loại trừ về cả mặt xã hội lẫn tôn giáo.  Vậy tại sao Chúa Giê-su lại chọn ông Lê-vi trong số những ứng viên có khả năng được lựa chọn nhất?  Là vì Chúa đã quyết tâm phá bỏ những rào cản ngăn cách cộng đồng nhân loại.  Vậy ai là những người thu thuế trong thế giới của tôi?

*  Bữa tiệc nói lên tình đồng bàn:  việc cùng ăn cùng uống cho thấy các khách mời biết chấp nhận nhau.  Vì Chúa Giê-su là vị khách chính, cho nên điều ấy cho chúng ta thấy nếu muốn đồng bàn với Người, chúng ta phải chấp nhận tình đồng bàn của những người chúng ta đã khinh thường.  Trong bữa tiệc Thánh Thể, Chúa Giê-su mời gọi mọi người tham dự, không chỉ với tư cách cá nhân, nhưng là môn đệ của Chúa, những người vừa là kẻ tội lỗi lẫn kẻ được tha thứ.