TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN  (Ngày 19 – 25 tháng 1 năm 2020)

 

 

Điều suy nghĩ và cầu nguyện mỗi ngày trong tuần:

 

Đang khi còn ở trung học, người ta bảo chúng ta – đúng ra là cảnh giác chúng ta – rằng khi cởi bộ đồng phục nhà trường Công giáo để sau tan học đi làm tại tiệm bán thức ăn nhanh Friendly’s trong bộ đồng phục nhà hàng, hoặc để đi du khảo trong bộ thường phục, chúng ta vẫn đại diện cho trường Trung học Nhà thờ Chính tòa, cho nên phải đàng hoàng như là đang mang đồng phục đại diện cho các học sinh của toàn trường.  Điều khiến tôi thắc mắc là:  những quần áo tôi không mang mà vẫn bó buộc tôi, vậy thì chúng nói gì về tôi?

          Trong thư gửi tín hữu Cô-lê-xê, thánh Phao-lô dạy chúng ta trên hết mọi sự hãy mặc lấy đức ái, trên mọi lối sống của chúng ta, trên mọi cách chúng ta dùng để nói lên con người của mình.  Giống như bộ đồng phục nhà trường ít diêm dúa và ít nổi cộm hơn, đức ái này sẽ hợp nhất chúng ta lại.  Rồi cách chúng ta mặc lấy đức ái ấy sẽ đại diện cho cộng đồng Ki-tô hữu rộng lớn hơn.  Tùy theo cách mỗi người chúng ta làm cho việc sống đức ái ấy trở nên độc đáo, thí dụ biểu lộ đức ái một cách mộc mạc và chân tình chẳng hạn, nhưng đức ái này phải là tâm điểm của mọi hành động.  Chúng ta được dạy rằng: “Do Tình Yêu mà người ta biết được chúng ta là Ki-tô hữu”.  Nhưng với điều kiện là chúng ta phải mặc lấy tình yêu.

-  Kerry Weber, Mercy in the City

 

 

 

Sự hiện diện của Chúa

Chúa phán:  “Ta đứng ngoài cửa và gõ”.  Thực là một đặc ân tuyệt vời vì Chúa muôn loài ước ao đến với tôi.  Tôi chào đón sự hiện diện của Người.

 

Sự tự do

Tôi sẽ xin Chúa giúp đỡ để tôi được tự do thoát khỏi mọi bận rộn, biết mở lòng cho Chúa trong giờ cầu nguyện này, đồng thời được biết, yêu mến và phụng sự Chúa hơn nữa.

 

Ý thức

Trong sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa, tôi ôn lại ngày hôm qua, bắt đầu nhìn lại từ bây giờ, từng lúc một.

Tôi lắng đọng trong tất cả sự tốt lành và đầy ánh sáng cũng như trong tâm tình cảm tạ.

Tôi để ý đến những bóng tối và xem chúng sẽ nói gì với tôi, để tôi tìm cách được chữa lành, được can đảm và được tha thứ.

 

Lời Chúa

Giờ đây tôi lấy bài Kinh Thánh của ngày hôm nay.  Tôi đọc chậm chậm từng lời và xem có câu nào hoặc tâm tình nào mời gọi tôi không.  (Xin bạn lấy phần Kinh Thánh ở những trang tiếp theo.  Các điểm gợi ý đã có sẵn để bạn sử dụng nếu cần.  Sau khi đã sẵn sàng, bạn hãy trở lại đây để tiếp tục phần Tâm sự với Chúa).

 

Tâm sự với Chúa

Lạy Chúa, đôi khi con thắc mắc không biết con sẽ nói gì với Chúa nếu con gặp riêng Chúa.  Con nghĩ con có thể thưa:  “Cảm tạ Chúa” vì Chúa luôn hiện diện ở đó vì con.

 

Kết thúc

Tôi cám ơn Chúa về những lúc Chúa và tôi cùng ở với nhau và về những ơn Người soi sáng giúp tôi hiểu đoạn Kinh Thánh.

 

 

 

Tuần 2 Thường niên

 

Chúa Nhật, ngày 19 tháng 1

Gio-an 1:29-34

 

Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước."32 Ông Gio-an còn làm chứng: "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần."34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn."

 

*  “Chiên Thiên Chúa” gợi lại những đoạn Kinh Thánh Cựu Ước:  về Chiên Vượt Qua và về người Tôi Tớ chịu đau khổ trong sách I-sai-a, như con chiên bị dẫn đến lò sát sinh mang lấy tội lỗi chúng ta.

*  Lạy Chúa, mỗi khi con nghe nói về ai đó bị đối xử man rợ cũng như về những bất công và đau khổ người ta phải gánh chịu vì sự thâm độc của người khác, con liền nhớ rằng đây chính là thế giới Chúa đã bước vào, là gánh nặng Chúa đã đích thân mang lấy trên vai.  Chúa đã có một cái lưng mạnh mẽ để mang lấy tội lỗi trong thế giới này.  Xin Chúa nhắc nhở con hãy tin tưởng vào sức mạnh và lòng cảm thông của Chúa.

_______________

 

 

Thứ Hai, ngày 20 tháng 1

Mác-cô 2:18-22

 

Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? "19 Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được.20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó.21 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm.22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới! "

 

*  Trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã mô tả cuộc đời bạn đối với Người tựa như việc ăn mừng đám cưới.  Trong thiên niên kỷ thứ nhất của Ki-tô giáo, hình ảnh này đã trở thành bối cảnh để các Ki-tô hữu nhìn vào đời sống họ.

*  Trong một ít phút suy nghĩ cầu nguyện, bạn hãy xem mình có thể là một người mà Chúa Giê-su yêu thương hết tình hoặc như một môn đệ yêu quý của Người.  Khi ở lại trong thực tại này một ít phút đồng hồ, bạn hãy nói với Chúa Giê-su những gì bạn thích về lối nhìn mối tương quan giữa bạn với Chúa và bạn cũng hãy nói với Người rằng bạn đối kháng như thế nào.

_______________

 

 

Thứ Ba, ngày 21 tháng 1

Mác-cô 2:23-28

 

Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa.24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: "Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép! "25 Người đáp: "Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng?26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế."27 Người nói tiếp: "Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát.28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát."

 

*  Ngày sa-bát phải là ngày để nghỉ ngơi, để người ta được thảnh thơi nghĩ đến Chúa, cảm tạ những hồng ân Người ban và để chăm sóc cho sức khỏe cũng như an vui của họ.  Nhưng một số lãnh đạo tôn giáo đã dần dần lạm dụng khoác lên ngày sa-bát rất nhiều luật lệ đến nỗi nó không còn giữ được mục đích nguyên thủy nữa.

*  Chúa Giê-su được mô tả như một người coi việc sống là một cuộc ăn mừng, là vui hưởng.  Khi cầu nguyện với bài Tin Mừng này, bạn hãy ở lại với hình ảnh Chúa Giê-su như một người sống thoải mái và vui vẻ hơn chúng ta thường nghĩ.  Sau khi chiêm ngưỡng hình ảnh này của Chúa Giê-su, bạn hãy nói với Chúa cảm nghĩ của bạn về Người trong lối sống ấy và về những cách bạn thích thú hoặc từ chối lối sống ấy.

_______________

 

 

Thứ Tư, ngày 22 tháng 1

Mác-cô 3:1-6

 

Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay.2 Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người.3 Đức Giê-su bảo người bại tay: "Anh trỗi dậy, ra giữa đây! "4 Rồi Người nói với họ: "Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi? " Nhưng họ làm thinh.5 Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: "Anh giơ tay ra! " Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.6 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.

 

*  Chúa Giê-su đã phải ứng phó với rất nhiều kẻ chống lại kế hoạch của Người là tạo dựng một môi trường để người ta sống công chính và biết chăm sóc nhau hơn.  Vậy trong thế giới của bạn, bạn nhận thấy ở nơi nào cần phải có thêm sự chăm sóc và công lý?

*  Nếu bạn muốn tiếp cận với phương diện này của Chúa Giê-su, bạn hãy lắng nghe Người bày tỏ sự lo lắng Người dành cho bạn trong lãnh vực nào đó mà bạn thấy xung khắc với người khác.  Bạn hãy ở lại trong thái độ tế nhị và cảm thông của Chúa Giê-su đối với bạn hơn là muốn tìm một lời khuyên của Người.  Bạn hãy để Người nói với bạn:  “Thầy biết rõ con cảm thấy thế nào, vì chính Thầy cũng đã từng ở trong tình trạng tương tự”.

_______________

 

Thứ Năm, ngày 23 tháng 1

Mác-cô 3:7-12

 

Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê,8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn.10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: "Ông là Con Thiên Chúa! "12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

 

*  Khi nghe một câu chuyện giống như câu chuyện Tin Mừng hôm nay và thấy được cuộc sống của Chúa Giê-su thật là bận rộn, chúng ta có thể cảm thấy cuộc sống chúng ta rất bình thản nếu đem so sánh với Chúa.  Rất nhiều lần thật là quan trọng khi chúng ta ý thức rằng Chúa Giê-su đang hiện diện và đang nói với chúng ta trong sinh hoạt nội tâm chúng ta, Người yêu thương từng người chúng ta và trước mặt Người, chúng ta có thể biểu lộ trọn vẹn con người chúng ta là ai.

*  Bạn hãy gần gũi với Chúa Giê-su khi Người nhấn mạnh đến điều gì Người trân quý nhất về cuộc sống bạn.

_______________

 

 

Thứ Sáu, ngày 24 tháng 1

Lễ thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục tiến sĩ Hội Thánh

Mác-cô 3:13-19

 

Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người.14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng,15 với quyền trừ quỷ.16 Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô,17 rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-,18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích,19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.

 

*  Giống như các tông đồ, mỗi người chúng ta được gọi bằng tên để bước vào mối tương quan cá nhân sâu xa với Chúa Giê-su.  Khi chúng ta để Chúa nhìn chúng ta theo cách đó, chúng ta sẽ cảm nhận được mình có ý nghĩa và vô cùng đáng giá.

*  Bạn hãy dành một lúc để cầu nguyện hoặc tâm sự với Chúa Giê-su về mối tương quan Người muốn có với bạn.  Hãy suy nghĩ tư tưởng này:  Trong các câu chuyện Tin Mừng, Chúa Giê-su thích liên hệ với người ta như một người với một người.

_______________

 

 

Thứ Bảy, ngày 25 tháng 1

Lễ kính thánh Phao-lô trở lại

Mác-cô 16:15-18

 

Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."

 

*  Trong câu chuyện này, chúng ta lắng nghe chân lý cốt yếu là Chúa Giê-su rao giảng và sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng.  Người gọi đó là Tin Mừng về tình yêu Thiên Chúa;  một số người lại gọi đó là mơ ước Thiên Chúa dành cho chúng ta.

*  Nếu bạn muốn dùng chân lý này để cầu nguyện, bạn có thể suy xét xem Tin Mừng là về điều Thiên Chúa muốn bạn làm cho Người hay là về tất cả những gì chính Thiên Chúa muốn làm cho bạn.  “Chúng ta học yêu thương người khác bằng cách được người khác thương yêu” (Jean Vanier).

 


Không Gian Thánh Thiện - Sacred Space