Thánh Constanxia, Trinh Nữ

Ngày 17-2

Thánh Constanxia Trinh Nữ sinh vào khoảng năm 320 tại Rô-ma. Vì là người Ý, nên Thánh Nữ có tên theo tiếng Ý là Flavia Julia Costanza. Thánh Nữ là công chúa của hoàng đến Constantin đệ nhất. Ngay từ khi mới được sinh ra, Thánh Nữ đã phải mang khá nhiều bệnh tật và vì thế có một sức khỏe rất kém. Bên cạnh đó, Thánh Nữ còn phải mang một chứng bệnh nan y mà không một bác sĩ nào hồi đó có thể chữa trị nổi, dù rằng họ đã dành cho cô công chúa này một sự chăm sóc hết sức tận tình và chu đáo.

Tuy nhiên, trong lúc công chúa Constanxia phải thường xuyên nằm  giường vì bệnh tật, thì tại mộ của Thánh An-nê Tử Đạo lại diễn ra rất nhiều các phép lạ lớn cũng như các dấu chỉ ngoại thường. Công chúa Constanxia cũng nghe được chuyện đó. Vì thế, mặc dầu lúc đó cô chưa lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, nhưng hằng đêm, cô vẫn âm thầm hành hương tới mộ của vị Thánh Trinh Nữ Tử Đạo thành Rô-ma và cầu nguyện cùng vị Thánh này với nhiều nước mắt. Cô đã xin Thánh Nữ cầu thay nguyện giúp trước mặt Thiên Chúa để Ngài ban lại sức khỏe cho cô. Một lần kia, trong lúc cô đang sốt sắng cầu nguyện với hai giòng nước mắt trên đôi gò má, thì bỗng dưng, một vầng sáng từ trời xuất hiện và bao phủ trên toàn thân cô. Vô cùng kinh hoàng, cô đứng phắt lên và ngay lập tức cảm thấy mình đã được chữa lành hoàn toàn.

Quá vui mừng vì điều ấy, cô chạy vội về hoàng cung và thuật lại cho mọi người biết phép lạ chữa lành vừa xảy ra với mình. Không lâu sau, cô lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy và tuyên xưng Đức Tin Ki-tô giáo.

Việc cô công chúa của mình được chữa lành cách nhiệm mầu đã khiến cho hoàng đế Constantin ngay lập tức hạ lệnh xây một ngôi Thánh Đường trên mộ Thánh An-nê. Ngôi Thánh Đường này tồn tại mãi tới thế kỷ thứ VII và đã được Đức Thánh Cha Honorius I cho tân trang.

Sau khi được chữa lành, Constanxia đã lớn rất nhanh và có một nhan sắc tuyệt trần.

Tuy nhiên, vào thời gian ấy, người Skythen hoang dã đã xâm lược vùng Thrakien của đế quốc Rô-ma và đe dọa sẽ làm cho sự cai trị của hoàng đế Constantin trên toàn đế quốc phải chấm dứt. Hoàng đế đã triệu tập tất cả các tướng lãnh trong quân đội lại và chọn Gallicanus – một vị tướng anh dũng – để làm người lãnh đạo họ. Vị tướng này thường quyết định số phận của các trận chiến dựa vào sự dũng cảm của mình. Ông xuất thân từ một dòng tộc có mối quan hệ rất thân thiết với hoàng đế. Ông rất ngưỡng mộ công Chúa Constanxia, và dành cho cô một tình yêu thuần khiết. Trước khi ra trận, ông đã nói với hoàng đế Constantin rằng: „Từ rất lâu rồi, cháu đã yêu công chúa của Ngài với trọn tấm lòng, vậy nếu sau khi cháu đã dồn hết mọi công lao cho vương quốc, và nếu sau cuộc chiến cháu trở về với tư cách là người chiến thắng, thì liệu hoàng đế có chấp nhận trao ban hạnh phúc cho cháu bằng việc gả Constanxia cho cháu không?“ Hoàng đế Constantin đã trao cho Gallicanus một cái bắt tay như là dấu chỉ cho sự chấp thuận của ông, và việc này diễn ra trước sự chứng kiến của các tướng lãnh cũng như của các anh hùng chiến trận. Còn Constanxia, với tình yêu từ mẫu, đã đảm trách việc dưỡng dục hai cô con gái Attica và Artemia của Gallicanus lúc vị tướng này vắng mặt. Hai cô con gái trên là hoa trái phát sinh từ cuộc hôn nhân đầu tiên của tướng Gallicanus. Công chúa Constanxia cũng xin với vị tướng, khi ra trận, hãy mang theo hai viên đầy tớ của bà là Phao-lô và Gio-an – cả hai đều là người Ki-tô hữu -, để họ bảo vệ ông. Ông đồng ý và cho họ đi cùng.

Khi Gallicanus cầm quân ra trận và giáp mặt với quân của người Skythen thì ông vô cùng kinh hoàng khi nhận ra rằng, quân địch mạnh hơn quân của ông gấp ba lần đang đằng đằng sát khí áp sát quân của ông, và ông rơi vào tuyệt vọng. Trong lúc ông tỏ ra vô cùng tuyệt vọng và kinh hoàng như thế thì Phao-lô và Gio-an đã đến để động viên ông. Họ nói với ông rằng, cuộc chiến thắng đang đợi ông phía trước nếu ông kêu cầu Thiên Chúa của các Ki-tô hữu, và long trọng khấn hứa rằng, sẽ lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy và từ bỏ việc tôn thờ ngẫu tượng. Vị tướng quân đã nghe theo. Vì thế, trước mặt toàn thể quân đội của mình, Gallicanus đã tuyên thệ như sau: „Lạy Thiên Chúa quyền năng của các Ki-tô hữu, trong cơn cùng khốn này, con cầu xin Chúa hãy cứu giúp con. Nếu con chiến thắng bọn hoang dã này, tức bọn phỉ báng và làm ô nhục danh thánh Chúa, thì con và những người của con sẽ công bố vinh quang Chúa trước mặt muôn dân, và sẽ sống theo giới luật thánh thiêng của Chúa!

Sau khi long trọng tuyên khấn, Gallicanus đã tức tốc dồn quân ra trận. Cuộc chiến diễn ra khốc liệt và quân đội của người Skythen đã hoàn toàn thất trận.

Trở về Rô-ma trong chiến thắng, Gallicanus và quân đội của mình đã ăn mừng cuộc khải hoàn cách long trọng. Sau đó, ông lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, rồi khước từ mọi niềm vui cuộc sống. Thay vì cưới công chúa Constanxia về làm vợ như ước nguyện của mình trước lúc ra trận, ông đã đi vào sa mạc Ai-cập và sống ở đó với tư cách là một Ẩn Sĩ.

Còn Constanxia, Attica và Artemia cùng với nhiều trinh nữ quý tộc khác của thành phố Rô-ma, thì long trọng khấn giữ Đức Đồng Trinh trọn đời, và đội lúp lên đầu như các Nữ Tu ngày nay. Họ đến sống trong một ngôi nhà nằm trên đường Via Nomentana, bên cạnh Ngôi Thánh Đường được cất lên ngay trên mộ của Thánh An-nê. Tại đây, cả ngày lẫn đêm, họ cất tiếng hát với các Thánh Vịnh để ca ngợi Thiên Chúa quyền năng. Sinh hoạt trong ngôi nhà này khá giống với các sinh hoạt của các Đan Viện.

Ngay từ lúc còn sinh thời, Thánh Constanxia đã cho xây dựng một khu lăng mộ ngay trên đường Via Nomentana. Sau này, khu lăng mộ đó đã trở thành nhà thờ mang tên Thánh Constanxia, và vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Thánh Constanxia qua đời vào năm 354 tại Caeni Gallicani thuộc vùng Bithynia, Rô-ma.

Các Thánh Cốt của người Trinh Nữ này được Đức Thánh Cha Alexander IV đặt bên dưới một bàn thờ mới. Mộ của Thánh Constanxia vẫn tồn tại cho tới ngày nay trong nhà thờ Santa Costanza ở Rô-ma. Mãi cho tới thế kỷ XVI, Thánh Constanxia, Attica và Artemia mới lần đầu tiên được nêu danh trong Martyrologien, tức Sổ Bộ Các Thánh. Trước tiên, Thánh Constanxia được mừng kính vào ngày 28 tháng Giêng, rồi sau được chuyển sang ngày 17 tháng 02.

Ngày nay, Giáo hội Công giáo mừng kính Thánh Constanxia vào ngày 18 tháng 02 với bậc Lễ nhớ tự do, tức Lễ bậc IV.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist


Hạnh Các Thánh