SUY NIỆM ĐỜI CHÚA

 

 

Nguyên Tác:                     Meditations Affecttives et

                                                 Pratiques Sur L’Évangile

Tác Giả:                          Chanoine Cha Léopold Beaudenom

Chuyển Dịch:                   Nhóm Niềm-Vui

 

 

 

@ Lời Giới Thiệu của Đức Cha Simon Hòa-Hiền


 

Vô tri bất mộ là câu nói thông thường người ta hay áp dụng vào tình yêu. Yêu ai, phải biết người mình yêu đó là ai, là người thế nào, vì yêu người nào hay vật gì, ta sẽ đặt mình lệ thuộc vào người hay vật ấy.

 

Trong đời sống nội tâm cũng vậy, để sống thân mật với Thiên Chúa, chúng ta phải hiểu biết Ngài, và nhận biết ta. Như thế chúng ta mới có thể xác định được quyền lợi, bổn phận cũng như đường đi nước bước của tình yêu. BIẾT Chúa để yêu Chúa, YÊU Chúa để theo Chúa.  Muốn  biết Chúa phải đi tìm Chúa, học hỏi về Chúa.

 

Bộ SUY NIỆM ĐỜI CHÚA là một con đường học biết về Chúa bằng Phương Pháp Thực Hành Tâm Tình, với những đề tài suy niệm thật súc tích và sâu xa. Các đề tài nhắm thẳng vào chính cuộc sống và giáo lý của Vị Chúa-làm-người, là Đức Kitô, Đấng mà bây giờ còn hiện diện trong phép Thánh Thể.

 

Nương theo con đường này, chúng ta sẽ biết cách sống với Chúa, tâm sự cùng Chúa, thực hành Lời Chúa. Nguyện chúc các tâm hồn tìm gặp nơi đây lối đi vào Tình Yêu Thiên Chúa.

 

 

Đà Lạt ngày 14-4-1971

Simon-Hòa NguyễnVăn Hiền

Giám Mục Địa Phận Đà Lạt

 

 

 

@ Lời Giới Thiệu của  Linh Mục F. Lacretelle S.J.

Cựu Linh Hướng Chủng Sinh Thần Học Giáo Hoàng Học Viện PIÔ X Đà Lạt

 

(Lời Chú Thích: Bộ Suy Niệm Đờì Chúa nguyên bản Pháp Ngữ là 4 cuốn và  xuất bản lần đầu trong Việt Ngữ thành 5 cuốn. Linh Mục Lacretelle SJ có cảm nghĩ sau đây khi đọc cuốn I Việt Ngữ)

 

Cha Léopold Beaudenom (1840-1916) thụ phong linh mục năm 1863. Vì lý do sức khỏe, Ngài không thể đảm nhiệm được những công việc đòi hỏi quá nhiều hoạt động. Tuy nhiên, Ngài đã dấn thân phục vụ các Dòng Tu trong vai trò tuyên úy linh hướng với tất cả tài năng và sức lực của Ngài. Suốt 20 năm cuối đời, Ngài từ bỏ mọi hoạt động để dồn năng lực vào việc chước tác và xuất bản các khảo luận tu đức rất thời danh : La formation à l’humilité (1897); La Pratique pro-gressive de la confession et la direction (1900); Les sources de la Piété (1908); và bộ MÉDITATIONS AFFECTIVES ET PRATIQUES SUR L’ÉVANGILE.

 

Bộ sau cùng được chuyển dịch sang tiếng Việt với nhan đề “SUY NIỆM ĐỜI CHÚA” mà tôi được hân hạnh giới thiệu đây, đã hình thành dần dần trong tâm trí của Ngài như một đúc kết các tư tưởng súc tích của ba tác phẩm đầu. Ngài quan tâm và dành nhiều giờ để hoàn thành kiệt tác này. Cuốn I xuất bản cuối năm 1912. Cuốn II năm 1914. Cuốn III năm 1915. Và Ngài qua đời trước khi xuất bản cuốn IV là cuốn sau cùng trong bộ SUY NIỆM ĐỜI CHÚA. Về sau các bạn hữu của Ngài đã thu thập và xuất bản các di cảo để giúp Ngài hoàn thành tác phẩm. Tiếc thay Ngài không có đủ thời gian đem các bài nguyện ngắm về cuộc vinh hiển Chúa Kitô mọi ý tưởng phong phú súc tích như Ngài muốn. Căn bản tu đức của Ngài bắt nguồn nơi các thánh : Ignace de Loyola. Francois de Sales và Vincent de Paul. Bộ SUY NIỆM ĐỜI CHÚA trình bày theo phương pháp THỰC HÀNH TÂM TÌNH với nhiều ưu điểm đặc biệt. Ngài luôn luôn đưa ra một học thuyết vững chắc, đồng thời cũng đề cập đến những hoạt động cụ thể của các nhân đức đối thần và luân lý, nên các tâm hồn có thể theo đó mà thực hành trong cuộc sống hằng ngày.

 

Bút pháp của Ngài rất phong phú. Các tâm tình được Ngài khai triển khá đầy đủ. Các bài nguyện ngắm còn đang thích hợp cho mọi tâm hồn không những về phương pháp trình bày mà cả về nội dung tu đức sâu xa nữa. Bộ nguyện ngắm này được dịch sang nhiều thứ tiếng. Mới đây, bản dịch Hoa ngữ thành công mỹ mãn chưa từng thấy. Và hôm nay, bản  Việt ngữ đầu tiên ra đời do thiện chí của một nhóm người. Mong rằng các độc giả sẽ hài lòng về cuốn I này và cả về nội dung lẫn hình thức của nó. Sự hài lòng này sẽ là một khích lệ cho các dịch giả trong việc ấn hành tiếp những cuốn sau. Đó cũng là lời cầu chúc chân thành của tôi.

 

Đà lạt, mùa Phục Sinh 1970

F. LACRETELLE S.J.




@Lời Giới Thiệu của Linh Mục Nguyễn Minh Đăng       

    

(Lời Chú Thích: Bộ Suy Niệm Đờì Chúa nguyên bản Pháp Ngữ là 4 cuốn và  xuất bản lần đầu trong Việt Ngữ thành 5 cuốn. Linh Mục Minh Đăng có cảm nghĩ khi đọc cuốn IV Việt Ngữ)

 

Đọc SUY NIỆM ĐỜI CHÚA tập IV, độc giả thấy sung sướng bước theo Chúa Giêsu tới trung điểm đạo lý của Ngài : Thiên Chúa là tình yêu. Nhưng Thiên Chúa quá siêu linh, vượt tầm suy luận và cảm giác con người, nên Ngôi Hai Nhập thể trở nên người ở giữa chúng ta, dạy chúng ta biết Đức Ái phải bắt đầu từ con người hữu hình để rồi mới có thể đi đến Đấng vô hình. Con người là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, lệ thuộc vào Thiên Chúa, làm thành đối tượng của tình yêu đến nỗi ai nói mình mến Chúa mà không yêu anh em là người nói dối. Ngọn lửa yêu thương Chúa đem xuống trần cốt để bùng cháy trong mọi tâm hồn. Yêu người như mình, đó là luật thông thường buộc hết mọi người. Yêu anh em như Chúa yêu ta, chính là giới răn mới Chúa Kitô đã dạy để môn đệ cẩn thủ. Đức Ái còn phải hướng tới mức hoàn hảo, Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong kinh Đại Tế xin cho họ nên một…

 

Lòng yêu tha nhân còn vượt trên tất cả lễ vật dâng hiến Chúa, nó xuất phát bởi tấm lòng đơn sơ, chân thật, thẳng thắn, vô vị lợi, nó khai quang cho ta nhìn nhận thấy Thiên Chúa thực là Cha, để ta tận tâm làm vinh danh Ngài, say sưa mến yêu Ngài, tuân phục Thánh Ý Ngài như các thánh trên trời, luôn luôn hướng tâm hồn lên ngợi khen, tạ ơn, cầu xin ngài ban sung mãn ơn trời và cứu ta thoát mọi trở ngại làm tổn thương đến mối tình phụ tử.

 

Con Thiên Chúa giáng trần, phục hồi cho nhân loại mọi đặc ân đã mất vì tội nguyên tổ, đặc biệt là quyền làm con Thiên Chúa. Những người chài lưới đầy tham vọng, những thanh niên trộm cướp, những thiếu nữ hoang đàng, Ngài đã biến thành bạn thân, thành Tông Đồ truyền bá Tin Mừng Nước Trời. Ngài mời gọi bất cứ ai đau khổ gian nan, cô đơn lạc lõng, hãy đến với Ngài, Ngài tiếp đón và nâng đỡ hết. Đạo lý Ngài ngược lại mọi tham vọng của con người, tuy nhiên, từng đoàn người đã từng quên ăn bỏ ngủ đi theo để sống bởi lời Ngài và đón nhận bánh Ngài ban cho. Ngài từ từ hướng dẫn họ vào chính tinh thần siêu thoát, chấp nhận hy sinh đến độ dứt bỏ tư lợi, hủy diệt ý riêng để chỉ biết có Thánh Ý Cha trên Trời. Hy sinh đến cả mạng sống mình để biểu dương lòng yêu mến Thiên Chúa. Từ bỏ mình, vác khổ giá theo Chúa Cứu Thế là luật duy nhất buộc bất cứ ai muốn làm kitô hữu. Thánh giá không phải là võ khí tiêu diệt, nhưng là Dấu Chiến Thắng Phục Sinh, là chìa khóa mở Nước Trời. Đem đau khổ đời sống kết hiệp với Thánh Giá Chúa Kitô, chúng ta thấy tâm hồn phấn khởi và bình an.

 

Trong Hy Vọng,

Linh mục MINH ĐĂNG, CMC (Dòng Đồng Công).




@ Cảm Nghĩ của Ông Yuse Phạm Đức Khiêm

    về  ‘Suy Niệm Đời Chúa’

 

(Lời Chú Thích: Bộ Suy Niệm Đờì Chúa nguyên bản Pháp Ngữ là 4 cuốn và  xuất bản lần đầu trong Việt Ngữ thành 5 cuốn. ÔngYuse Phạm Đức khiêm có cảm nghĩ khi đọc cuốn I Việt Ngữ)

 

Tôi đã được vinh hạnh đọc cuốn SUY NIỆM ĐỜI CHÚA. Một bản dịch việt ngữ trung thực, lưu loát. Nội dung cuốn sách, tuy trình bày những vấn đề quá quen thuộc, cuộc đời của Chúa ai mà chẳng biết ít nhiều, nhưng tác giả đã cho chúng ta những tư tưởng độc đáo, hấp dẫn. Nói vậy, chúng ta cũng thông cảm : đọc sách đạo đức phải có tâm tình nào, để được ơn Thánh Linh, đâu có dễ dàng như đọc “Lộc Đỉnh Ký”, hay “Tiếu Ngạo Giang Hồ”…

 

Gia đình chúng tôi đã đọc sách này vào ban tối, vợ chồng thảo luận một vài ý tưởng lấy làm thích thú nhất, để di dưỡng tinh Thần. 

 

Ban đầu tôi đã ngại, coi mục lục chọn đề tài tôi ưng ý, hay bà xã ưng ý để đọc, nhưng rồi vì sức hấp dẫn của sách, chúng tôi đã đọc từ đầu, đọc đều đều.

 

Dầu sao, cảm nghĩ trên đây cũng có thể chủ quan, tác phẩm có những khuyết điểm mà chúng tôi chưa khám phá ra… nhưng dám đảm bảo và thách đố rằng : ai đã quá quen thuộc cuộc đời Chúa Kitô, cầm sách nào cũng chán nản, biết rồi, khổ lắm nói mãi (!), nhưng cứ cầm “SUY NIỆM ĐỜI CHÚA” vừa cầu nguyện vừa đọc và suy tư, thế nào cũng thấy kiến thức về Chúa của mình còn quá nghèo nàn ! Nhất là những ai bi quan về sách nhà Đạo, chả có gì đáng đọc !... Cầu xin Chúa, rồi cầm SUY NIỆM ĐỜI CHÚA mà đọc, tin chắc sẽ thốt lên tự đáy lòng

“Lạy Chúa, con biết Chúa quá muộn, xin Chúa thứ tha ! Con cần phải thấm nhuần cuộc đời Chúa qua rất nhiều chặng đường… để con nên một Kitô hữu chứng nhân”.

 

Ai muốn tự huấn luyện hay đào tạo người khác trở thành Kitô hữu chứng nhân, xin hãy tiếp đón bạn đường SUY NIỆM ĐỜI CHÚA.

 

Cầu mong nhóm niềm vui sớm phát hành SNĐC II, III, IV… để cung ứng nhu cầu nhiều độc giả, trong đó có gia đình AUCA đang nóng lòng đợi chờ.                            

                  

Sài Gòn, ngày 18/6/1971

Lễ Kính Thánh Tâm Chúa

Yuse Phạm Đức Khiêm

(Cursillistas Khóa 9 Sài Gòn)

 



@Phần Dẫn Nhập Của Nhóm Phiên Dịch

 

Chúng ta đã biết Chúa phần nào, đã yêu Chúa tha thiết và đã sống theo Chúa ít nhiều, giờ đây chúng ta hãy đi sâu hơn vào cuộc sống công khai của Chúa, một cuộc sống mạc khải các chân lý cốt yếu của Tin Mừng. Nhờ đó chúng ta sẽ biết Chúa hơn, yêu Chúa hơn, sống theo Chúa nhiều hơn, và nên giống Chúa nhiều hơn.

 

Bộ Suy Niệm Đời Chúa xin cùng với quí vị đồng hành theo những bước chân Chúa Cứu Thế trong thời gian Ngài sống nơi dương thế: từ khi nhập thể, giáng sinh, đời sống ẩn dật, hoạt động công khai, khổ nạn, phục sinh và thăng thiên.

 

NHẬP THỂ VÀ GIANH SINH

 

Chúng ta  nương theo những bước đi nhân loại của vị Chúa – Làm – Người dưới trần gian. Cõi vô biên huyền nhiệm hé mở trước mắt chúng ta qua Ngôi - Lời hiện thân dưới một con trẻ. Ngài là Thiên - Chúa, Đấng tác tạo muôn vật đã hoá thân nhập thể, và tượng hình nơi cung lòng một thiếu nữ phàm trần. Ngài là nguồn mạch của mọi giầu sang, nhưng khi giáng sinh đã trú ngụ trong máng ăn của súc vật tại một chuồng bò tồi tàn. Ngài là Vua trên các vua, là Chúa trên các Chúa, mà đã trốn né một tiểu vương hống hách kiêu căng, đầy tham vọng. Ngài là nhà luật pháp có thẩm quyền tối cao trên mọi luật - tắc, mà vẫn tuân theo các điều lệ đạo đời như một người công dân chân chính biết yêu mến quê hương… còn biết bao hành vi tương phản giữa địa vị Thiên – Chúa và hành động của Ngài khi giáng trần… tất cả chỉ vì thương yêu nhân loại.

 

Màn giáo đầu của nếp sống thế nhân Đức Kitô được chuyển tiếp bằng một biến cố âm thầm nhưng vô cùng trọng đại mà chúng ta sắp chiêm ngắm trong cuộc sống ẩn dật của Ngài

 

ĐỜI SỐNG ẨN DẬT TẠI NAZARETH

 

Đó là nếp sống mai danh ẩn tích tại thành Nazareth, với ba mươi năm chuẩn bị cho vỏn vẹn ba năm hoạt động cơng khai. Ngài muốn thực hiện chương trình cứu nhân độ thế bằng con đường thông thường của nhân loại : Chuẩn bị lâu dài, đau khổ, làm việc sống cơ cực. Ngài muốn trở nên một con người rất người như chúng ta nên chúng ta cảm thấy rất gần gũi với Ngài, và dễ dàng đến với Ngài, vì vực thẳm ngăn cách giữa Thiên - Chúa và chúng ta đã được Ngài san lấp. Ngài chịu đựng mọi hiệu quả tất nhiên hoặc tình cờ của các hoàn cảnh thế gian để chúng ta nhậân thấy Ngài thực sự là “Đấng Emmanuel : Thiên - Chúa ở cùng chúng tôi”… Ba mươi năm thấm thoát trôi qua, Chúa Giêsu đã đến tuổi tam thập nhi lập. Nhân tính Ngài tiến tới chỗ trưởng thành, chín chắn toàn diện theo phương diện tâm - sinh – lý. Ngài bắt đầu ba năm hoạt động, và chính thức thực hiện chương trình cứu rỗi : giao hoà Đất  Trời, loan báo Tin Mừng, dậy dỗ cho muôn dân biết mến Chúa yêu người theo luật mới, thiết lập Hội  Thánh, chọn gọi các môn đệ…

 

Muốn hiểu biết về Thiên-Chúa-Làm-Người, không gì hơn là suy niệm cuộc sống của Ngài, bước đi trong cuộc sống ấy, và nhất là sống chính cuộc sống Ngài đã sống, một cuộc sống khó nghèo, khiêm nhường, vâng lời !

 

ĐỜI SỐNG CÔNG KHAI

 

Chúng ta bước vào đời sống công khai của Thày Chí Thánh, Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô. Hạt giống thần linh không còn vùi sâu trong bóng tối thành Nazareth nữa, mà giờ đây dần dần xuất đầu lộ diện ra ánh sáng. Đã đến giờ Ngài công bố hiến chương Nước Trời, loan báo Tin Mừng thiết lập Vương Quốc mới cho nhân loại. Đã đến lúc Ngài sống chinh cuộc sống của loài người, như loài người, cụ thể hơn, đầy đủ hơn và đúng với sứ mạng cứu nhân độ thế do Chúa Cha uỷ thác. Ngài cảm thông với nỗi vui buồn sướng khổ của chúng ta: thoả mãn cơn đói khát của những tâm hồn truy tìm chân lý, làm phép lạ chữa người đau ốm bệnh tật, chịu đựng nhiều sỉ nhục cay đắng của đời người, sống hoà đồng giữa các người tội lỗi và người nghèo khổ bị xã hội ruồng bỏ khinh chê. Ngài dậy cho loài người biết thương yêu đùm bọc nhau, và cùng nhau kính mến tôn thờ Thiên Chúa, là Đấng Chúa tể hoàn vũ và cứu chuộc nhân loại. Nhất cử nhất động của Ngài đều hàm chứa một chân lý, một bài học, một bí quyết tìm về nguồn sống trường sinh.

 

KHỔ NẠN <> PHỤC SINH <> THĂNG THIÊN

 

Chúng ta đang đi đến điểm cao độ của tình yêu của Chúa đối với loài người. Ngôi Lời Nhập thể đã hiến mạng sống mình cho người Ngài yêu, chứ không phải chỉ hiến cho người yêu Ngài mà thôi. Loài người mấy ai yêu Ngài, còn Ngài, Ngài yêu hết cả mọi người. Nhiều người đáp lại tình yêu Ngài bằng thái độ phản bội, vong ân bạc nghĩa đến độ nhẫn tâm mưu sát chính bản thân Ngài. Dầu thế đi nữa, Ngài vẫn yêu thương mọi người với một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu nhưng không, kèm theo vô vàn chứng tích hiện sinh đắt giá. Cay đắng khổ nhục, chết trên thập giá… là những ngôn ngữ tình yêu hiện thực nơi Đức Kitô lịch sử. Ngài gánh lấy mọi đau khổ hầu giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài đi vào cõi chết để chiến thắng thần chết, cứu loài người khỏi chết, nhưng được phục sinh với Ngài, và vào Nước Trời vĩnh cửu. Ngài nâng cao thân phận con người để ai nấy vươn lên cuộc sống thâm tình với Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

Tất cả chỉ vì yêu, vì yêu loài người. Ngài yêu mọi người dù ít có người yêu lại, dù có quá nhiều người chối bỏ giá trị tình yêu ấy.

 

Để kết thúc phần dẫn nhập này, chúng tơi xin trích lại lời của Đức Cố Giám Mục Simon Hịa Hiền khi ngài đọc Suy Niệm Đời Chúa:

 

 “… để sống thân mật với Thiên Chúa, chúng ta phải hiểu biết Ngài, và nhận biết ta. Như thế chúng ta mới có thể xác định được quyền lợi, bổn phận cũng như đường đi nước bước của tình yêu. BIẾT Chúa để yêu Chúa, YÊU Chúa để theo Chúa. Muốn biết Chúa phải đi tìm Chúa, học hỏi về Chúa.”

 

 

Nhóm Niềm Vui 2009