BÀI THỨ 017

BA TẤM GƯƠNG HY SINH

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC 

Ngày mai, tôi sẽ suy niệm về lòng hy sinh của Mẹ Maria, Thánh Giuse và Elizabeth. Tôi sẽ chú ý đến vai trò hy sinh trong tâm hồn các Ngài cũng như vẻ đẹp thể hiện qua những liên lạc giữa các Ngài. Sau đó tôi sẽ tìm hiểu lý do tồn tại của thái độ ấy, thái độ mà Chúa đòi hỏi hơn tất cả những ai muốn theo Ngài. Tôi sẽ để ý đặc biệt và cầu nguyện liên lỉ hầu khơi dậy trong tôi lòng yêu mến đức hy sinh.

Lạy Chúa, xin ban cho con ơn thánh và ánh sáng của Chúa! Vì lòng hy sinh mang màu sắc siêu nhiên, nên không được bản tính tự nhiên của con hiểu thấu và đón nhận niềm nở.

Lạy Mẹ Maria, Thánh Giuse và thánh nữ Elizabeth, xin cho con thấu hiểu tâm tình các ngài trong vấn đề này.

 

NGUYỆN NGẮM

 

MẪU MỰC CỦA CHÚNG TA

Khi chú tâm chiêm ngắm Mẹ Maria, thánh Giuse và Elizabeth, tôi rất ngạc nhiên thấy rằng tất cả ba đấng có cùng một đức tính. Mặc dù các Ngài khác nhau về cá tính, về chức vụ, về cuộc sống, các Ngài rất giống nhau ở một khuynh hướng, đó là lòng hy sinh.

Khi khấn giữ đồng trinh, Mẹ Maria từ chối vinh dự có thể được làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Nhưng trái với mọi mong đợi, một Thiên sứ đến xin Mẹ nhận vinh dự ấy. Mẹ đã làm gì? Mẹ sẵn sàng từ chối để giữ lời hứa mà Mẹ coi như là một bổn phận: ‘làm sao việc đó có thể xảy ra được, vì tôi đâu biết đến việc vợ chồng?’ Thế rồi trở ngại đó vượt qua. Và khi thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa hiện ra huy hoàng trước mặt Mẹ, Mẹ đã nghĩ gì trước tiên? Mẹ không nghĩ tới vẻ cao sang mình sắp được, nhưng liên tưởng ngay tới thánh ý Thiên Chúa: ‘Tôi là tôi tớ của Chúa, xin vâng theo như lời Thiên sứ truyền!’ Câu trả lời đơn sơ biết mấy đã nói lên một tập quán của Mẹ: đó là tập quán hy sinh.

Elizabeth đã học bài học hy sinh trong suốt cuộc sống. Bà thiếu nguồn vui của gia đình vì không có con cái. Rồi đứa con mong ước kia thực ra cũng không thuộc về bà. Bà dâng hiến người con ngay từ thuở nhỏ cho sa mạc để sống trong cầu nguyện và thân mật với Thiên Chúa. Bà cho việc ấy như là việc tự nhiên. Bà hy sinh quá nhiều đến nỗi trở thành tập quán. Chính tập quán sâu xa này làm cho bà quá xúc động trước nhã ý thăm viếng của Mẹ Maria, khơi dậy lòng ngưỡng mộ và biết ơn sâu đậm đối với Mẹ.

Còn thánh Giuse nữa! Ôi Người quả thực là mẫu mực tuyệt vời về đức tính cao đẹp này! Người tỏa chiếu ra tư bề. Người như là biểu tượng và hiện thân của lòng hy sinh. Gợi lại các điều suy ngắm hôm qua và tập trung tư tưởng về Ngài, tôi thấy Người là mẫu mực hy sinh tuyệt hảo, với gương mặt dịu hiền và cảm mến vô ngần.

 

ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY CHÚNG TA

1.  Sự hy sinh là điều kiện tiên quyết đối với các nhân đức của người tín hữu. Thầy Chí Thánh đã dạy thế khi phán lời bất hủ: ‘Ai muốn theo Ta, trước hết phải từ bỏ mình đi.’

2.  Từ bỏ mình là không lấy mình làm mục đích; không lấy mình làm mực thước để thích hay ghét sự vật; không xét sự việc theo tư lợi cá nhân hay tính tự ái; cũng không tìm cách làm nổi bật cá nhân mình lên. Đức hy sinh buộc ta phải quan tâm đến những việc cao trọng hơn: tìm xem Chúa nghĩ gì? Làm thế nào để Ngài được vinh quang hơn? Đó là câu châm ngôn của các tâm hồn biết từ bỏ mình hoàn toàn.

Tại sao cần vô vị lợi như vậy? Vì đó là công bằng và chính đáng. Không phải chúng ta sống cho mình, nhưng cho Thiên Chúa. Trước hết chúng ta phải tìm thánh ý, ước vọng của chúng ta là kết quả bởi đó mà ra.

3. Vậy hy sinh là đặt vạn vật vào đúng địa vị của chúng. Như thế lợi ích thứ nhất là lòng hy sinh đem lại cho chúng ta sự chuẩn bị tâm hồn, giúp chúng ta biết sẵn sàng dâng lên Thiên Chúa mọi tự do. Lợi ích thứ hai là lòng hy sinh sẽ biến con người chúng ta sống bác ái với tha nhân. Thái độ ngăn cản chúng ta sống bác ái cũng ngăn cản chúng ta sống đời công chính. Thái độ ấy chính là lòng vị kỷ. Một tâm hồn biết từ bỏ thì cũng biết sống hy sinh, tế nhị và khoan hồng tha thứ. Một tâm hồn như thế sẽ đem lại niềm tin và lòng can đảm vì theo bản năng tự nhiên, tâm hồn sẽ luôn luôn sống cởi mở và đến với tha nhân.

4. Trái lại, tính ích kỷ làm ta chán nản và xa cách mọi người. Thực ra, ít ai thắc mắc khuyết điểm này đến độ công phẫn, nhưng cũng rất ít người hoàn toàn tránh thoát được! Tôi xấu hổ vì cảm thấy mình ích kỷ. Nhưng nếu tôi không nhận ra nết xấu này, làm sao tôi có thể nói mình đã có lòng hy sinh, một nhân đức cao đẹp của người Kitôâ hữu? Đặc điểm của việc quên mình là biết đem điều hay đến cho tha nhân Vậy tôi đã quan tâm tới lợi ích của người xung quanh, đã biết tìm hiểu, giúp đỡ và yên ủi họ chưa? Tôi có lo lắng cho bản thân mình quá, đến nỗi trở nên lãnh đạm và cứng cỏi đối với họ không? Biết đâu lỗi lầm của tôi gây nên bao đau khổ cho tha nhân!

5.  Hy sinh là phó thác toàn thân trong tay Thiên Chúa. Tôi có sẵn sàng đón nhận mọi sự lành cũng như dữ trong đời không? Tôi có ước ao điều gì thái quá ngoài những điều liên quan đến ích lợi của Thiên Chúa không? Và nếu lợi ích Thiên Chúa đòi hỏi, tôi có thể sẵn sàng hy sinh đến mức độ từ bỏ nếp sống bình yên đầy an ủi để dấn thân vào cuộc sống hoạt động bận rộn và khổ cực chăng? Phải từ bỏ để theo Chúa và mưu lợi ích cho Ngài.

Người đầy tớ đích thực, theo kiểu nói trong Phúc Âm, ‘luôn gắn chặt đôi mắt vào chủ mình để đợi lệnh và đoán trước ý chủ.’ Đối với Chúa tôi cũng phải như vậy. Chỉ có hy sinh mới cho chúng ta thái độ người đầy tớ đích thực này.

 

ĐIỀU DỐC QUYẾT

Tôi rất muốn hy sinh. Tôi hứa hôm nay sẽ luôn giữ đức tính này và sẽ đặc biệt hồi tưởng lại một vài lúc trong ngày.

 

----------o0o----------