BÀI THỨ 035

MỘT TÌNH TRẠNG CẤP BÁCH

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Bài nguyện ngắm ngày mai có mục đích xác định dứt khoát thái độ của tôi đối với mọi khổ cực, mọi thiếu thốn, mọi phiền phức trong đời sống. Tôi sẽ đem so sánh chúng với những gương sáng hiển nhiên mà tôi vừa suy niệm. Tất nhiên tôi sẽ cảm thấy xấu hổ, nhưng rồi tôi sẽ tiến xa hơn nữa. Những gương tốt này không thể chỉ soi sáng, chúng còn  phải lôi cuốn tôi. Tôi sẽ thành thật và bình tĩnh xét xem phải thay đổi chỗ nào trong tư tưởng và trong cuộc sống tôi. Tôi có phải là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu không?

 

NGUYỆN NGẮM

 

Trong lúc còn đang sống trong bầu khí cảm động nói lên nhiều bài học quí giá và nhiều gương lành trên đây, trong lúc còn thấy các nhân vật đáng kính tâm sự với tôi, tôi muốn kiểm điểm đời sống để tìm cách cải hóa tâm hồn. Vì tâm hồn chỉ cảm động và ngưỡng mộ suông thì chưa đủ. Nếu chỉ ước ao, rồi quyết định mơ hồ thôi thì cũng chẳng kết quả gì. Vấn đề cần thiết là phải tỏ ra lương chính, thành thật và cương quyết. Hãy tìm xem tôi thường hay than trách những gì.

 

TRONG CẢNH LỆ THUỘC VÀ TÚNG THIẾU

Tôi than phiền vì thiếu tự lập. Người ta sắp xếp cuộc sống tôi mà không hỏi ý kiến tôi. Người ta chất lên vai tôi những công việc cực nhọc, thế mà họ cho đó là điều hoàn toàn tự nhiên. Tôi luôn phải làm vừa lòng người khác và thi hành những ý muốn nhiều lúc ngông cuồng của họ. Nào tôi có thích làm thế đâu! Không bao giờ tôi muốn thế cả. Như vậy thì làm sao tôi có thể giữ tâm hồn luôn bình thản được?

Trong khi đó tôi thấy Thánh Gia rời bỏ làng mạc, nhà cửa trong hoàn cảnh khó khăn nhất do tính ngông cuồng của một ông vua. Thế mà các Ngài điềm nhiên, hoàn toàn bình tĩnh chấp nhận! Tại sao lại như vậy? Các Ngài chỉ quan tâm đến thánh ý Thiên Chúa. Hơn nữa các Ngài còn ca tụng hoàn cảnh trắc trở đã giúp mình có dịp làm vui lòng và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa.

Còn tôi, có lẽ tôi phàn nàn vì chuyện khác: hoàn cảnh khó khăn làm tôi buồn rầu. Tôi phải làm việc liên tục, phải tính toán nát óc với những bận rộn điên đầu. Làm sao tôi quán xuyến tất cả? Tương lai sẽ ra sao? Tôi và thân quyến phải sống trong cảnh thiếu thốn ư? Tôi thích có một gian phòng sang hơn, những tiện nghi cần thiết cho tôi và dĩ nhiên cho cả những người tôi yêu mến vì chung quanh tôi, có bao người đang sống trong cảnh thừa thãi sang trọng.

Nhưng chuồng bò ở Bêlem không có mái, không có sàn, không giường, không cả bàn ghế! Vậy thì xa hoa và tiện nghi ở đâu? Thế mà Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse thích cảnh nghèo đó. Phải, các Ngài yêu thích và còn cảm thấy sung sướng nữa. Tâm hồn các Ngài bận nghĩ đến những việc cao siêu, quan tâm tới những kho tàng vô tận nên các Ngài không còn nghĩ đến sự thiếu thốn vô nghĩa kia nữa? Tâm trí các Ngài hướng về một đối tượng quan trọng: một vị Thiên Chúa đang chiếm ngự căn nhà tồi tàn của các Ngài. Và tâm hồn các Ngài tràn ngập hạnh phúc bất tận.

Tôi không thể noi gương các Ngài đôi phần được sao? Nếu tôi có quyền tìm kiếm một vài tiện nghi vui sướng, thì ít ra tôi cũng có bổn phận sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, những thiếu thốn mà chính Chúa đã dùng hoàn cảnh gửi đến cho tôi. Chấp nhận như vậy tôi lại cảm thấy khổ tâm vì thấy người thân quyến của tôi phải khổ sở theo tôi! Tôi quá lo xa vì giả như tôi có đức tin mạnh mẽ để làm cho chính họ cũng nhận thức được điều mà chính tôi đã cố gắng lĩnh hội trên đây, thì họ sẽ được hạnh phúc gấp trăm lần hơn trước. Vả lại họ cũng có bổn phận phát triển đời sống vĩnh cửu, luyện tập nhân đức và chiếm đoạt Thiên Chúa như tôi.

TRONG CẢNH NHỤC NHÃ THẤP HÈN

Thường thường tình trạng lệ thuộc và túng thiếu lại đi đôi với nhục nhã. Vâng lời, sống nghèo khó còn có thể chịu được! Nhưng nếu sống như vậy mà bị người đời xa lánh và bị người thấp kém hơn ta khinh chê, thì không thể chịu được. Vì nhân phẩm là một báu vật quan trọng nhất và bất khả xâm phạm. Tôi có thể hy sinh tiền bạc, sống đời thiếu thốn còn danh dự thì không bao giờ!

Có ai dám hy sinh danh dự đích thực của mình không? Thực ra danh dự không hoàn toàn hệ tại ở việc thăng hoa tình cảm và cải tiến đời sống. Người ta khóac lên tôi nhãn hiệu danh dự hay không, danh giá tôi vẫn vậy, không hơn không kém. Tôi nghĩ đến cảnh Thánh Gia không được nhà nào mở cửa đón tiếp. Tôi thấy Vua Trời phải nương náu trong một chuồng bò hoang tàn. Phần tôi có bị quên lãng, bị khinh chê như thế bao giờ đâu? Vậy thì tại sao tôi không thể vì Chúa Giêsu mà yêu mến những điều Ngài đã mến yêu vì tôi? Tôi nỡ để ơn Chúa ban qua các gương lành của Ngài trở nên vô hiệu sao?

Ít ra tôi cũng không nên để tâm hồn sống mãi trong thái độ hận đời, đố kỵ và bi quan. Tại sao tôi lại không cố gắng vươn lên đi tìm niềm vui tinh thần trong việc yêu mến đau khổ và sỉ nhục? Sự yêu mến nầy là thước đo tình yêu của ta đối với Chúa Giêsu. Hãy cầu xin và ao ước ơn yêu mến này. Có nhiều ơn mà không phải lúc nào Chúa cũng ban phát, nhưng ơn này là một trong những ơn mà không bao giờ Chúa từ chối nếu cứ nài xin.

 

ĐIỀU DỐC QUYẾT

Trong thực hành, tôi phải theo hai qui tắc: Trước hết, đức khôn ngoan buộc tôi phải bảo vệ đúng mức sự độc lập, những lợi ích và hạnh phúc của tôi. Tôi phải tự tìm lấy phương tiện và can đảm thực hành. Sau đó, cố gắng mà vẫn bị đau khổ trong nếp sống độc lập, lợi ích và hạnh phúc này, thì khi đó tôi phải dùng đến đức nhẫn nại để bình tĩnh và tin tưởng chấp nhận thử thách do Chúa gửi đến.

Nhẫn nhục để những người thân yêu được nhờ, đôi khi là hành động cao cả: Mẹ Maria và thánh Giuse đã nhẫn nại trước cảnh Chúa sống nghèo khó và bơ vơ. Thật ra, những tâm hồn cao thượng thường rất dễ dàng tận tụy và hy sinh để mưu hạnh phúc cho người thân yêu. Chỉ có ơn Chúa mới có thể giúp họ bình tĩnh nhìn người thân yêu đau khổ. Tôi chuẩn bị và cầu xin ơn ấy

Tiểu chú: ngày mai ta có thể gẫm lại bài này một lần nữa.

 

----------o0o---------