BÀI THỨ 051

DÂNG CHÚA VÀO ĐỀN THÁNH (2)

 

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Chúa Giêsu được chính thức dâng lên Thiên Chúa, thật ra chính Ngài tự hiến tế qua bàn tay Mẹ Maria và vị tư tế. Ngài là lễ vật đời đời, lễ vật được tái diễn mỗi ngày để cứu rỗi nhân loại.

Tôi sẽ tìm hiểu giá trị bài học tiềm tàng trong hiến vật đó. Nếu chính tôi được quyền dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha, tôi sẽ nhớ rằng đó chính là nhờ sự hợp nhất giữa Ngài và tôi trong việc tham dự đời sống của Ngài. Do đó, tôi cũng có bổn phận dâng hiến chính bản thân tôi với cùng một thái độ và cùng một mục đích như Chúa Giêsu. Đây thật là một vinh dự, một hy vọng bảo đảm và một bài học về lòng quảng đại quí giá!

 

NGUYỆN NGẮM

 

HIẾN TẾ ĐƠN SƠ NHƯNG CAO TRỌNG                            

Chúng ta hãy vào Đền Thánh. Một thầy tư tế đứng chờ trên bục bàn thờ. Ở dưới cuối, một thiếu phụ quỳ gối, ẵm trong tay một Hài Nhi quấn vải. Thầy tư tế bế lấy Hài Nhi dâng lên Trời. Đó! Chúa Giêsu đang tự hiến cho Thiên Chúa trên bàn tay vị tư tế!

Bên ngoài chỉ là một lễ vật đơn sơ, khiêm nhường và thầm lặng. Nhưng đi sâu vào sự thật bên trong thì sẽ thấy hiện ra một cảnh tượng uy nghi hơn. Chúng ta hãy cùng nhau quan sát. Hỡi linh hồn tôi, bạn đừng từ chối suy niệm về cảnh tượng quá quen này! Không có gì mới mẻ, lạ lùng, nhưng cũng không đến nỗi trống rỗng, nhàm sáo. Càng chăm chú nhìn ngắm, ta càng khám phá nhiều vẻ đẹp tuyệt vời; càng mến yêu tha thiết, càng cảm thấy niềm hạnh phúc thư thái.

Phải, chính Hài Nhi bất động và im lặng này tự hiến thân. Chính Đấng Vô Biên hiến thân cho Thiên Chúa Vô Biên. Và Ngài hiến thân với tất cả tâm hồn và con tim. Ngài là linh mục đời đời, chỉ mình Ngài có quyền sử dụng bản thân mình là Thiên Chúa nhập thể làm lễ vật. Ngài là Linh Mục thượng phẩm và là hiến tế vô giá! Ngài đã chuẩn bị đầy đủ để kiện toàn lễ vật đó ngay từ phút đầu thai. Ngài còn đổi mới khi mở mắt chào đời, và ngày hôm nay Ngài chính thức hoàn tất trong Đền Thánh Thiên Chúa.

Lạy Chúa toàn năng, xin hãy nhận lấy hiến tế này! Chúa đã chờ đợi từ thuở tạo thiên lập địa. Duy có hiến tế này mới mang lại cho Chúa sự vinh hiển tương xứng với vẻ cao sang Chúa. Hiến tế này bao trùm toàn diện công cuộc sáng tạo, các thiên thần, loài người và cho tới tế bào nhỏ nhất trở nên thân xác Ngài khi nhập thể.

 

LOÀI NGƯỜI THAM DỰ VÀO HIẾN TẾ NÀY

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tự hiến thân, vì Chúa quá cao sang đến nỗi không một thụ tạo nào có thể dùng Chúa làm lễ vật. Tuy thế, con lại thấy đôi tay Mẹ Maria đưa ra và hai cánh tay của thày tư tế nâng Chúa lên giữa Trời và đất. Ôi Chúa nhân từ và khôn ngoan vô cùng đã cho loài người được tham dự vào việc dâng hiến một Thiên Chúa và qua sự kết hợp này con người cũng được mời gọi dâng mình làm lễ vật hy sinh với Ngài.

Vâng, làm lễ vật hy sinh, vì Chúa Giêsu dâng mình không phải chỉ là một lễ vật danh dự, mà thực sự là dâng hiến máu thánh Ngài. Máu thánh đang lưu thông trong huyết mạch Ngài đây, sau này sẽ đổ ra vì chúng ta. Máu đó thuộc về Ngài, nó là một phần của chính Ngôi Vị của Ngài. Và với cả tâm hồn, Ngài kêu lên: Lạy Cha, xin hãy dùng máu con đây để làm vinh danh Cha! Xin hãy sử dụng để tạo cho loài người bản chất sự sống siêu nhiên và của ăn bổ dưỡng!

 

TÔI CŨNG CÓ NHIỆM VỤ HIẾN TẾ

Tới lượt tôi, tôi cũng nói với Chúa Cha: máu này không phải chỉ thuộc về mình Cha. Linh mục có quyền truyền phép thêm để dâng hiến. Và như thế, nhờ tay linh mục con cũng dâng hiến máu thánh đó lên Chúa. Vì dầu sao linh mục cũng chỉ là người thừa hành của con: Ngài không thể là linh mục nếu không có con. Sự thật là thế và tôi tin chắc như vậy. Thế mà đau đớn biết bao: bao lần tôi dự thánh lễ với tâm hồn dửng dưng, nhiều khi lại chẳng nhớ mình đang làm gì.

Thật tôi được vinh dự và có quyền thế biết bao! Tuy nhiên đó cũng là bài học quí giá cho tôi! Tôi được sử dụng Chúa Giêsu làm của lễ, còn tôi, tôi lại từ chối dâng hiến chính bản thân. Tôi chưa có can đảm khước từ những sung sướng mau qua, giải trí mất thì giờ và thú vui xác thịt. Tôi vẫn cứ cho mình là sống đạo hẳn hoi mặc dầu ít hy sinh cố gắng để đền tội. Như vậy dâng lễ có ích gì đâu: lúc đó chẳng qua tôi là cái xác không hồn trong trạng thái tâm bất tại. Chúa Giêsu hằng ngày tận hiến cho tôi. Còn tôi thì chai đá như khách bàng quan dửng dưng nhìn xem Ngài sống một mình. Ngài chỉ cần hy sinh một lần cũng đủ để cứu chuộc nhân loại. Nhưng Ngài không muốn thế và đã hy sinh trong suốt ba mươi năm Trời để làm gương và khích lệ tôi hy sinh.

Và bây giờ hằng ngày trong mọi thánh đường, Ngài còn diễn lại cuộc tử nạn hy sinh hầu nhắc cho chúng ta luôn nhớ đến gương sáng Ngài dạy. Chính ra Ngài chỉ diễn lại một lần cũng đủ, nhưng Ngài cũng không muốn như vậy. Qua đường lối này, Ngài muốn dạy chúng ta một bài học quan trọng: mỗi cá nhân cần phải hiến tế để thắng vượt bản thân và làm lại cuộc đời, bảo vệ và duy trì lòng đạo đức. Nếu không, chúng ta dễ theo khuynh hướng xấu, trào lưu sai lạc. Tất cả những khuynh hướng và trào lưu này sẽ bá chủ chúng ta và tạo nên nơi chúng ta một tinh thần bạc nhược làm tê liệt đi mọi ý hướng tốt lành. Một nhân đức không hy sinh kèm theo chẳng khác gì một thanh gươm chưa được tôi luyện, thì làm sao mà chống cự lại được kẻ thù.

Ngoài ra còn một lý do mầu nhiệm khác vượt trên mọi lý do hữu hình trên đây: để kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu và các bạn tâm phúc của Ngài trong đời sống siêu nhiên, chúng ta phải cộng tác thật sự vào chương trình cứu chuộc với Ngài. Đó là lời giáo huấn thánh Phaolô phán dạy: ‘Tôi hoàn thành nơi thân xác tôi những gì thiếu sót trong cuộc hiến tế của Chúa Giêsu.’ Hỡi hồn tôi, quả thực là ngươi mù quáng nên không nhìn thấy nguyên do cuộc hiến tê sống động và sâu xa của Chúa Giêsu vì nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ lòng nhân từ và tình thương yêu của Chúa đã tỏ cho con luôn luôn thấy hình ảnh các cuộc hiến tế hằng ngày của Chúa!

 

ĐIỀU DỐC QUYẾT

Tôi sẽ dâng hiến Chúa Giêsu lên Cha Ngài trong thánh lễ lúc dâng Mình Máu Thánh với thái độ ý thức thực sự vì từ trước tới nay tôi chưa bao giờ để tâm trí vào việc dâng hiến này cho đủ.

Tôi cũng hiến tế Ngài lên Chúa Cha khi tôi rước Ngài vào tâm hồn tôi. Trong ngày sống tôi sẽ diễn lại nhiều lần vì đây là một hiến tế đáng ghi nhớ, một nguồn an ủi đáng tin cậy. Hơn nữa đó còn là tiếng gọi thúc bách sống đời quảng đại hy sinh.

 

----------o0o---------