BÀI THỨ 084

CHÚA GIÊSU SẮP RỜI KHỎI NAZARETH

I. Chúa Giêsu Cảm Giác Như Chúng Ta

 

Tiểu chú: Cho tới đây, các bạn nhận thấy các bài nguyện ngắm thường quá dài. Dài vì có lẽ quá xúc tích, tuy nhiên cũng làm cho chúng ta ngại ngùng đôi chút như đứng dưới chân của ngọn núi cao. Cho nên dù vẫn duy trì việc đào sâu mọi ý tưởng phong phú bao nhiêu có thể, nhưng từ đây, mỗi điểm chính trong đề tài sẽ biến thành một bài nguyện ngắm riêng biệt. Mỗi đề tài thường sẽ được phân thành hai hoặc ba, hay là bốn bài ngắn, và chúng sẽ có chung phần ‘chuẩn bị hôm trước’và ‘điều dốc quyết.’ Do đó khi xử dụng từng loạt bài này, các bạn hãy tìm đọc phần ‘chuẩn bị hôm trước’chung ở bài đầu và ‘điều dốc quyết’ở bài cuối.

 

CHUẨN BỊ HÔM TRƯỚC

Chúa Giêsu đã kết thúc ba mươi năm sống mai danh ẩn tích tại làng Nazareth, giờ đây đến lúc Ngài lên đường để thực hiện chương trình truyền bá Tin Mừng cho thế gian. Chúng ta đã biết Chúa phần nào, đã yêu Chúa tha thiết, và đã sống theo Chúa ít nhiều, thì không có lý gì lại bỏ dở cuộc đăng trình với Ngài ở ba năm sau cùng trong cuộc sống dưới thế của Ngài. Còn nhiều chân lý chúng ta chưa biết đến. Còn nhiều điều cần bổ túc cho việc tìm hiểu vị Thiên Chúa-làm-người của chúng ta ngày một sâu sắc hơn. Ơn cao rộng của Ngài bao giờ chúng ta mới đền đáp cho xứng hợp!

Ngày mai, tôi sẽ nguyện ngắm về việc Chúa Giêsu sắp rời khỏi thành Nazareth. Tôi yêu mến Ngài, và muốn hiểu biết Ngài qua mọi tâm tình thân mật và nhỏ nhặt nhất nếu có thể, vì nếu chỉ nhìn ngắm Ngài trong cuộc hành trình bên ngoài thôi thì tâm hồn tôi cảm thấy chưa thỏa mãn. Để vươn cao và đạt tới những tâm tình thâm sâu nhất, trước tiên phải căn cứ vào những tâm tình nhân loại mà Ngài đã cảm thấy trong tâm hồn, một tâm hồn rộng mở để đón nhận tất cả những cảm giác như chính chúng ta. Vậy ngày mai, tôi sẽ suy niệm về cuộc giã từ miền quê tươi đẹp đã đón tiếp Ngài từ lúc từ Ai Cập về, từ giã mái nhà êm ấm, nơi cô đọng bao tình yêu cha mẹ, bạn bè chung quanh. Từ mức độ trung bình này tôi vững mạnh lên tới đỉnh cao nhất của những tình cảm siêu nhiên và thần linh nơi Ngài. Tuy nhiên, vấn đề còn gặp nhiều trở ngại. Mọi sự trong Chúa Giêsu đều cao vời quá, lớn lao quá và thánh thiện quá! Gán cho Ngài tình lưu luyến cảnh vật nghèo nàn Ngài sắp từ bỏ để lên đường theo lòng nhiệt thành thôi thúc, chẳng phải là hạ thấp Ngài xuống sao?

Vấn đề gán ghép ấy tôi không đặt ra đây. Một khi cân nhắc cẩn thận, tôi sẽ có những lý do vững mạnh để kết luận ngược lại với các biểu hiệu bên ngoài. Khi mặc lấy bản tính loài người, Chúa Giêsu cũng chấp nhận cả những điều hàm chứa trong đó. Khi trở nên anh em ta, Ngài muốn san sẻ tất cả mọi tâm tình của ta. Với lòng cởi mở và tin tưởng, chúng ta hãy đến với Đấng hiểu mọi nỗi đau khổ của chúng ta, vì chính Ngài cũng đã đau khổ như vậy. Bản tính toàn năng nơi Ngài liệu có thể dung hợp nổi những ý hướng siêu nhiên vươn lên Thiên Chúa và những tình cảm tự nhiện gần gũi với chúng ta không? Chắc chắn không ai phiền trách gì về quan niệm một Đức Kitôâ thơ mộng như vậy. Người ta cho rằng quan niệm này chỉ nhằm trình bày một Đức Kitôâ hiện thực, một Vị Thiên Chúa-làm-người mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được hiểu rộng biết sâu trong bài nguyện ngắm ngày mai!

 

NGUYỆN NGẮM

 

1. Theo tục lệ Do Thái không ai được đảm trách công vụ gì khi chưa đến tuổi ba mươi: Tam thập nhi lập là thế! Thấm thoát Chúa Giêsu đã được ba mươi tuổi. Đây là lúc thi hành sứ mạng và cũng là giờ từ giã. Tin Mừng chỉ ghi lại mấy chữ đơn sơ: ‘Lúc đó, Chúa Giêsu bỏ thành Nazareth đến xứ Galilê, tiến về sông Jordan.’ Những lời đó thiết tưởng chưa đầy đủ, vì xác nhận sự kiện mà chưa tiết lộ gì về tâm hồn của Ngài. Ôi! Ai sẽ cho tôi được thấy những tư tưởng, cảm giác buồn khổ và những hy vọng của Ngài khi từ giã Nazareth? Khi yêu, người ta đều muốn biết mọi chi tiết về người mình yêu, thế mà ở đây tôi không thấy chi tiết nào cả!

2. Có lẽ chỉ cần nhận biết trái tim Ngài là đủ. Suy niệm về đời sống ấu thơ và ẩn dật của Ngài, tôi được đi sâu vào trái tim ấy. Nhờ đó tôi được mặc khải về Chúa Giêsu biết yêu như chúng ta, và còn yêu tha thiết hơn ngàn vạn lần. Một Chúa Giêsu biết yêu mến, nâng niu, biết vui cái vui chúng ta, chịu đựng các tật xấu của chúng ta. Ngài được phú bẩm một trái tim hoàn hảo và nhạy cảm như loài người. Khi Ngôi Hai nhập vào xác phàm, Thiên Chúa vẫn để nhân tính Ngài nguyên vẹn và khi thăng hóa bản tính của Ngài, Thiên Chúa không làm cho nhân tính Ngài trở nên quá nghèo nàn. Chúa Giêsu giữ lại mọi cái Chân, Thiện, Mỹ của nhân tính và biến chúng thành đồ trang sức. Dĩ nhiên, các ưu điểm nơi cấp độ này sẽ lu mờ trước những ưu điểm nơi cấp độ cao hơn là Thiên Tính, dầu sao vẫn giữ lại được vẻ đẹp riêng.

3. Chúa không loại bỏ các tâm tình thuộc nhân tính. Phải là một sinh vật hoàn thiện mới thích ứng được với mọi sự, từ nhỏ tới lớn. Loài chim có con mắt rất tinh xảo, có thể nhìn xa để định hướng bay, và có thể nhìn gần để mổ sâu bọ. Đó là một sinh vật hoàn thiện. Người thích chiêm ngắm những bông hoa lộng lẫy ở vườn cảnh rực rỡ, nhưng vẫn không bỏ qua các bông hoa nhỏ bé gặp thấy trên đường đi. Đó là người sành sỏi. Chính Thiên Chúa trong khi điều hành các tinh tú khổng lồ, vẫn cẩn thận chăm sóc đến sự biến hóa của từng bông hoa ngọn cỏ nhỏ bé kia. Vậy Ngài là Đấng toàn năng, toàn thiện hơn mọi sinh vật khác. Vì thế Ngài đã có bản tính Thiên Chúa rồi nhưng vẫn mặc lấy bản tính nhân loại chúng ta. Qua bản tính nhân loại này và chỉ nhờ ở bản tính này, tình yêu Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta mới cảm giác được, và tình yêu chúng ta mới được sung mãn và vươn cao lên. Lạy Chúa Giêsu, nếu con không hiểu được Thiên Tính trong Chúa, thì ít ra con cũng hiểu được nhân tính nơi Chúa, vì con có thể đoán xét dựa theo trái tim con. Con giữ lại tư tưởng, cảm xúc riêng tư và khi cho Chúa mượn, con chỉ việc dâng lên và gửi vào cõi vô biên, thế là Chúa sẽ gặp thấy mọi tâm tình điển hình của nhân loại.

+ Tâm tình ngưỡng mộ: Giờ phút này chúng ta hãy để trái tim chúng ta bùng cháy lên trong một ước muốn lành thánh. Một trái tim nhân loại được tạo nên để kết hợp với Ngôi Lời! Nhờ sự kết hợp đó trái tim nhân loại được thần thánh hóa, tuy vẫn giữ được tất cả mọi đặc tính nhạy cảm của trái tim con người: xao xuyến, âu yếm, nuông chiều tế nhị, vui buồn, sướng khổ, nói tắt rằng, tất cả những gì con người say mê lưu luyến. Đó chính là trái tim Chúa Giêsu.

Một khi nhận biết trái tim của Ngài dưới khía cạnh cảm động ấy, sớm muộn thế nào ta cũng đem lòng mộ mến! Tôi sẽ luôn nghĩ tới Ngài và sẽ vô cùng sung sướng được thực hiện những gì làm đẹp lòng Ngài. Tôi sẽ không khi nào làm Ngài buồn phiền nữa. Hãy tỏ lòng thống hối về quá khứ!

Lạy Mẹ Maria, Chúa nhận trái tim nhân loại đó chính ở nơi Mẹ và duy ở mình Mẹ mà thôi. Người con bao giờ cũng giống người Mẹ, nên trái tim Chúa giống trái tim Mẹ. Trái tim Mẹ dễ tìm hiểu hơn. Do đó những gì con thán phục và yêu mến nơi Mẹ đều tìm thấy trong Chúa.

----------o0o---------