BÀI THỨ 313

TÔNG ĐỒ TÊN LÀ GIUĐA

CON NGƯỜI GIUĐA

Cái tên ‘Giuđa’ gợi cho ta một ấn tượng khinh bỉ và ghê tởm. Giuđa phản Thầy, Giuđa giết Chúa, Giuđa con người độc nhất mà Thầy Chí Thánh phải thốt lên câu: ‘Thà nó đừng sinh ra thì hơn!’ Chúng ta thường hình dung đó là một kẻ ghê tởm đáng ghét không chút bản tính nhân đạo.

Dưới nhiều khía cạnh thì hình dung này hoàn toàn đúng, tuy nhiên chúng ta còn có thể thấy được trong lương tâm tối tăm ấy, cũng như trong lương tâm các hội viên Hội Đồng Đại Biểu, một trong những sai lạc làm mất đi ý thức về sự quái gở của tội phạm. Khi suy niệm về sự khó hiểu của lương tâm sai lạc, chúng ta hãy run sợ và kêu lên lời phản tỉnh: Chúng ta phải coi chừng! Thực ra, đó không phải là một đam mê nhất thiết đưa chúng ta đi sâu mãi vào con đường tội lỗi. Bất cứ một đam mê nào đó dù vô hại thế nào đi nữa thì cũng khó tránh khỏi nguy hiểm này. Chẳng hạn lòng tham tiền bạc cũng đã đủ sức để lôi kéo Giuđa đến chỗ hư mất. Chúng ta thử theo dõi diễn tiến của sự đổ vỡ ấy.

a. Giuđa được Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt, và được ngài chọn gọi như các sứ đồ khác. Hắn được mọi ơn sủng để phục vụ Ngài, và chẳng thiếu một ơn soi sáng nào vì luôn có dịp nghe lời giảng dạy của Thầy Chí Thánh. Chúa đối xử nhân từ đến độ cảm động với hắn, nên hắn có đủ lý do để yêu mến Ngài. Thế nhưng một đam mê nào đó làm hắn quên hết: nào địa vị một sứ đồ, nào các chân lý đức tin cao cả, nào các thái độ nhân hậu của Chúa Giêsu. Hắn thích tiền, nên Chúa Giêsu giảng về đức từ bỏ của cải đời này, chúc phúc cho người sống nghèo khó vì Ngài, thì Giuđa không hiểu gì, trái lại còn lẩm bẩm chống lại giáo lý ấy nữa.

b. Giuđa tìm phương thế thỏa lòng thèm muốn, nên tình nguyện giữ túi tiền để chi tiêu khi cần thiết và phân phát bố thí cho người nghèo. Mỗi khi sử dụng đồng tiền, dù là chính đáng đi nữa hắn thấy mình ngày một hướng về tính tham lam. Tâm hồn gian giảo ấy dễ có dịp bớt xén cho riêng mình. Lúc đầu là món nhỏ, sau càng lớn dần. Nếu phải tìm lý do để bào chữa thì thật là dễ dàng: đó là tiền không dùng nên tôi xài hay để dành có sao đâu, và cuối cùng lương tâm trở nên câm nín và chai cứng trước mọi vi phạm.

c. Về sau, Giuđa nghe biết vương quốc Chúa Giêsu sáng lập chỉ là vương quốc thiêng liêng ở trên Trời, nên càng tỏ vẻ khinh thường. Trước đây đầu óc hắn luôn nghĩ tới những kho tàng của cải của các vua chúa thế gian, và biết đâu vương quốc Chúa Giêsu sáng lập cũng giàu có như vậy và hắn tha hồ mà hốt bạc. Một giấc mơ đầy vàng bạc! Thế rồi sự thật phũ phàng đem lại thất vọng, hắn đâm ra nghi ngờ Chúa Giêsu, coi Ngài không còn là tiên tri nhà Trời nữa mà chỉ là người sôi nổi nào đó mà thôi.

d. Thế là Giuđa mất đức tin, mất cả ý thức về công bằng và chân lý đã giữ hắn đứng vững trên bờ vực thẳm tội lỗi bấy lâu.

e. Khi người vô ơn rắp tâm xa lánh người làm ơn, tự nhiên sẽ moi móc mọi thói hư tật xấu của người thi ơn. Chúng ta đã chẳng nghe lời Giuđa phàn nàn khi thấy có người đem thuốc thơm hảo hạng xức trên đầu Chúa Cứu Thế: ‘Sao lại có của phung phí vô lối như vậy’ đó sao? Hắn nghĩ rằng việc làm đó chẳng qua chỉ là để khoe khoang chứ thực ra không phải vì yêu mến gì đâu. Hắn nghĩ về trường hợp bản thân và cho rằng mình đã bị Giêsu đánh lừa khi ông ta nói đến đời sống khiêm nhường và từ bỏ. Đây là cơ hội lột trần con người thực của ông ta.

f. Trong những cuộc tiếp xúc với bên ngoài, hắn biết được các luật sĩ luôn rình mò bên Chúa Giêsu và kết án giáo lý cũng như tư tưởng của Ngài là có tính cách phá hoại. Họ là những người thông thái, là các nhà chú giải hợp pháp, nên phải tìm họ. Họ trách Ngài là kẻ xách động đám lê dân, quả thật không sai vì Giuđa nghĩ chính mình có thể làm chứng được điều đó. Vậy nên hắn thấy cần phải tách khỏi Ngài và mấy môn đệ cuồng tín. Đối với hắn thì đó chính là một bổn phận phải làm. Đại Hội Đồng sắp họp rồi. Có lẽ họ sẽ kết án Ngài phải tù chung thân hoặc biệt xứ. Các môn đệ Ngài thế nào chẳng mang vạ lây. Vậy mình phải khôn ngoan, không giây mình vào hoạt động của Ngài nữa. Nộp bán Ngài là một cách tháo gỡ mình khỏi tội án do nhóm người ấy nêu ra. Có điều mình phải biết lợi dụng tình thế phải đòi giá thiệt cao và tương lai mình sẽ được bảo đảm.

Nghĩ lại những ý nghĩ vừa rồi Giuđa có thể nhủ thầm: mình sẽ tố giác để họ đến bắt Ngài. Họ kết án Ngài thế nào đi nữa cũng chẳng ăn thua gì, vì từ trước đến giờ Ngài đã nhiều lần thoát thân được khỏi bao cảnh nguy hiểm rồi. Chắc là lần này Ngài cũng sẽ thành công, như thế mình cũng chẳng tội lỗi gì.

Thực ra tất cả những ý nghĩ bàn tính trên đây đều mờ ám, hết sức gượng gạo và thật bần tiện. Một khi để đam mê làm chủ tâm hồn rồi thì dễ tìm ra các lý chứng hành động cho là hợp lý.

Chúng ta hãy đi sâu vào cõi tối tăm ấy xem sao, vì biết đâu trong tâm hồn hèn hạ ấy lại chẳng có chút tình yêu đối với Chúa Giêsu. Sau khi ngưỡng mộ và theo Ngài, Giuđa đã yêu mến Ngài, nhưng giờ phút này thì tình yêu ấy như bị chôn vùi dưới muôn vàn cảm nghĩ tính toán vừa rồi. Tuy nhiên tình yêu ấy không hoàn toàn mất hẳn, vì nó sống dậy dưới hình thức một sự hối tiếc khốc liệt vào giờ phút Chúa bị án tử hình.

 

NHỮNG HIỆN THÂN CỦA GIUĐA

a. Nếu lầm than đã có thể làm hư hỏng con người Giuđa, thì người ta không thể không đề phòng những đam mê khác có sức quyến rũ, như óc thống trị, tính nóng nảy, lòng ghen tương, sự khoe khoang tự đắc dưới mọi hình thức, khuynh hướng chiều theo thú vui xác thịt.

b. Nếu một sứ đồ được Chúa Gêsu chọn gọi, hằng ngày sống bên Ngài mà còn có thể đi đến chỗ phản bội, thì dù nếu ta có sống giữa môi trường thánh thiện nhất cũng chẳng có gì bảo đảm. Bất cứ ở môi trường nào, một khi người ta cắt đứt liên lạc với ơn hiện sủng, thì dần dần cũng tiến tới chỗ sa ngã.

c. Tôi có thể để cho thân xác tôi thỏa mãn những gì không phải là tội, đó là quyền của tôi, và nhất quyết tôi sẽ không đi quá mức. Nói thế là phạm phải hai lầm lẫn. Trước hết thỏa mãn một khuynh hướng có nghĩa là giúp nó phát triển, không ai có quyền này cả. Thứ đến, việc định ra mốc điểm để dừng lại khi đang trượt xuống bờ dốc là một ảo tưởng không bao giờ thực hiện được.

d. Đam mê không bao giờ có thể đựơc thỏa mãn, ai cũng xác nhận và cảm thấy như vậy. Nhiều người đã đau khổ vì đam mê, và lúc đó người ta làm gì? Thay vì phản ứng chống lại, người ta thường buông xuôi để mặc, hoặc vì liều lĩnh hoặc vì thất bại.

e. Để biện minh cho lối sống bừa bãi thì người ta có thể sáng chế ra nhiều chứng cớ thật hợp lý, nhưng đó chỉ là bóng tối làm lu mờ lương tâm và che khuất đi mọi nguy hiểm tai hại.

f. Một tâm hồn sống buông thả dễ dãi sẽ mù quáng, sai lạc và trở nên hèn hạ tới mức nào thì chúng ta cứ nhìn vào gương Giuđa sẽ biết. Chắc bạn tin rằng bạn không bao giờ đi xa quá đâu! Bạn có chắc như thế không? Hãy coi chừng, bạn biết thế nào là tội trọng rồi chứ? Chúng ta chống đối Giuđa, cho hắn là sát nhân phản bội. Chúng ta nghĩ rằng tội phạm của hắn là tầy đình không có tội trọng nào sánh được. Có thật như vậy không? Thánh Phaolô trả lời cho bạn rằng những lời cay chua khi lăng mạ người tội lỗi như sau: ‘Họ lại đóng đinh Chúa Giêsu một lần nữa trong trái tim họ.’ Bạn cho câu nói trên là quá đáng ư? Bạn thử đề cập tới tội phạm thánh trong bí tích Thánh Thể xem! Chưa chắc là Giuđa phạm tội này. Ý kiến chung cho rằng Giuđa ra khỏi nhà tiệc ly ngay khi Chúa Giêsu nói: ‘việc bạn phải làm thì hãy làm cho mau!' Liệu có cần lý chứng nào mạnh hơn nữa không? Lúc đó Giuđa đâu còn tin Thiên Tính Chúa Kitôâ nữa. Còn bạn, bạn vẫn tin, vậy thì dưới khía cạnh này bạn có lỗi hơn Giuđa. Biết bao điều tương tự như thế chúng ta đều bỏ qua, vì có bao giờ chúng ta chịu khó để tâm suy nghĩ đâu.

Tất cả những cảm nghĩ khủng khiếp trên đây không có mục đích khiến chúng ta phải run sợ, nhưng là gióng lên hồi chuông thức tỉnh. Khi đứng gần vực thẳm, điều nên làm là hãy đưa mắt nhìn xuống tận đáy sâu để khỏi bị cám dỗ nô giỡn trên bờ. Chính vì thế mà thánh Âu Tinh đã nhắn nhủ các kẻ có tính tự phụ rằng: ‘sự xấu mà một người đã làm được thì mọi người đều có thể làm được.’ Sự xấu tự nó là hiện thân của diệt vong. Vậy chúng ta nên tránh các đường dốc trơn nguy hiểm, hãy xác tín và mau mắn nhận thấy nhu cầu cần đến. Cám ơn Ngài đã đoái thương giữ gìn chúng ta cho tới nay, và đã bao nhiêu lần nâng chúng ta dậy. Nếu đời sống chúng ta được trinh trong, thì chẳng qua là ơn Ngài giữ gìn đó thôi. Đàng khác dù chúng ta cảm thấy mình tội lỗi mấy đi nữa thì cũng đừng nên bắt chước Giuđa mà thất vọng. Giả như sau khi Giuđa phạm tội biết chạy đến phủ phục dưới chân Chúa Giêsu để hối lỗi, thì chắc chắn Ngài sẽ mở rộng đôi tay đón nhận và tha thứ.

----------o0o----------