BÀI THỨ 318

 

LỜI TÂM SỰ ĐẦU TIÊN TRONG BỮA TIỆC LY

Tiểu chú: Trong một số bài nguyện ngắm trước đây, chúng ta đã tìm hiểu về cách bài trí phòng tiệc của người Do Thái. Ở đây chỉ lưu ý thêm một vài chi tiết về bữa tiệc ly, tức là bữa Vượt Qua, khác hẳn với các bữa ăn thông thường. Bữa ăn gồm nhiều nghi lễ do luật định hay do truyền thống. Vấn đề ngôi thứ được triệt để tôn trọng trong bữa ăn Vượt Qua này.

Ngay khi mọi người ngồi vào bàn, người gia trưởng đứng lên nói thật trịnh trọng những lời sau đây: ‘Hôm nay là ngày tưởng niệm cuộc giải phóng chúng ta. Chúc tụng Thiên Chúa!’ Rồi cầm lấy ly đựng đầy rượu vang đỏ, ông nhấp trước và chuyển cho các người khác. Rượu vang đỏ gợi lại máu của người Ai Cập, và có lẽ cả máu con chiên bị sát tế.

Tiếp đến, gia nhân mang bình nước và một cái chậu đến cử hành nghi thức tẩy rửa theo luật định. Sau đó ai nấy về chỗ, dùng món rau đắng để nhớ tưởng cuộc sống cơ cực khổ sở mà cha ông họ ngày xưa phải chịu bên Ai Cập. Họ ăn rau đắng và bánh không men với một thứ nước chấm đặc biệt.

Cuối cùng, con chiên Vượt Qua được đặt lên bàn trước mặt  gia trưởng. Lúc đó, người con cả trong gia đình xin người Cha giải thích về ngày lễ. Câu chuyện nhắc đến diễn tiến chi tiết cuộc xuất hành Ai Cập. Rồi tất cả hát thánh vịnh ‘Hãy ca tụng!’ - ‘Laudate!’ Và người ta chia cắt con chiên Vượt Qua để cùng ăn. Nhiều chén rượu được chuyển tay. Chén thứ năm là chén cuối cùng, và sau đó tất cả đều hát các bài thánh ca chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa.

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu cũng làm nhiều nghi thức khác nhau, đồng thời cũng như nhiều bữa ăn, Ngài xen kẽ nhiều điều giáo huấn và cử chỉ khác. Vì các chi tiết nhỏ trong bữa tiệc ai cũng biết cả trong thời gian các thánh sử viết Tin mừng nên các Ngài không xác định rõ ràng lúc nào rửa chân môn đệ, lúc nào Giuđa rời khỏi phòng tiệc, lúc nào lập Phép Thánh Thể. Chúng ta không cần xét tới các ý kiến về vấn đề này. Đó là công việc của khoa khảo cứu. Ở đây, việc của chúng ta là suy niệm, nên không cần biết các sự kiện trên diễn ra đích xác vào lúc nào.

Lễ Vượt Qua Do Thái không những chỉ có tích cách tưởng niệm, mà còn là một biểu trưng, một lời tiên tri. Cuộc giải phóng dân Israel khỏi nước Ai Cập là hình ảnh của một cuộc giải phóng cao trọng khác, cuộc giải phóng toàn thể nhân loại. Máu chiên cứu thoát dân Do Thái tượng trưng cho giòng máu của con chiên khác, Con Chiên Thiên Chúa tự hiến tế cứu chuộc thế gian.

Để làm sáng tỏ ý nghĩa này, Chúa Giêsu muốn hiến tế vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, vào đúng ngày giờ các chiên Vượt Qua được sát tế trong đền thờ. Đôi khi tiệc Vượt Qua được chấp nhận tổ chức vào tối Thứ Năm Tuần Thánh, nhưng thường thường thì được diễn ra vào ngày Thứ Sáu.

Tiếng Pascha có nghĩa là đi qua: việc thiên thần Chúa đi qua, sát hại các con đầu lòng dân Ai Cập. Việc đi qua từ đất vô phúc đến đất hứa. Hình ảnh đất hứa đưa tâm hồn con người nghĩ tới quê Trời, nơi cử hành lễ Vượt Qua vĩnh cửu.

Và trong buổi tối Thứ Năm Tuần Thánh này, Chúa Giêsu sẽ hướng chúng ta lên đó. Khi ban trao cho chúng ta Phép Thánh Thể, bánh các Thiên Thần, thì Ngài chẳng khác gì người gieo giống gieo hạt xuống đất. Hạt giống bị chôn vùi nhưng vẫn sống. Vào mùa xuân, dưới ánh mặt trời ấm áp, nó nẩy mầm mọc thành cây với cành lá, hoa trái xum xuê.

Chúa Giêsu từ Trời xuống các Nhà Tạm cũng như vậy đó. Chúa Giêsu ẩn mình dưới hình bánh rượu cũng chính là Chúa Giêsu chúng ta chiêm ngưỡng trong vinh quang rực rỡ trong ngày cánh chung. Phép Thánh Thể chính là đất hứa giữa trần gian, là Thiên Đàng dưới thế. Các ý niệm trên đây sẽ được nhắc lại nhiều lần trong các bài nguyện ngắm sắp tới.

 

NGUYỆN NGẮM

+ Tiền nguyện[1]: Bạn hãy hình dung một căn phòng dùng để dọn bữa tiệc ly như đã trình bày trên đây, từ trần cao giăng xuống những chùm hoa sặc sỡ, ở chính giữa kê một chiếc bàn và chung quanh có những chiếc đi văng loại ba người nằm. Giữa quang cảnh sa hoa ấy, các sứ đồ cảm thấy lạc lõng trong y phục vải thô quê kệch. Thầy Chí Thánh với dung mạo uy nghiêm nổi bật giữa các môn đệ. Dưới ánh sáng dìu dịu của mấy ngọn đuốc, gương mặt hiền từ cố hữu Ngài phát tỏa vẻ lôi cuốn. Ánh mắt Ngài như phản chiếu cõi vô biên. Rồi đây, chúng ta sẽ nghe được giọng nói đầy xúc động chứng tỏ rằng tâm hồn Ngài xao xuyến vô chừng.

Hôm nay chúng ta hãy xin ơn thấu hiểu tình yêu Ngài qua lời nói: ‘Thầy hằng mong ước mừng lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu chết.’ Xin ơn được cảm thấy niềm ao ước tương tự đáp lại sự mong đợi của Ngài.

 

CHÚA GIÊSU HÉ MỞ TÂM TƯ

Các sứ đồ ngồi vào chỗ của mình. Thầy Chí Thánh ở chỗ dành cho gia trưởng. Phêrô ngồi bên trái, đó là chỗ danh dự theo quan niệm Do Thái. Gioan ở bên phải. Cả ba cùng chung một chiếc đi-văng.

Trước khi bắt đầu các lễ nghi theo luật định, trong bầu khí yên lặng trang nghiêm đến cảm động, Chúa Giêsu thốt lên những lời ân tình: ‘Thầy hằng mong ước mừng lễ Vượt Qua này với chúng con trước khi chịu chết.’ Từ ngữ ‘Thầy hằng mong ước’ nói lên lời tâm sự nồng nàn đầy yêu thương. Nó ám chỉ hành vi lạ lùng sắp được thực hiện. Trước kia Chúa Giêsu luôn đối xử với các môn đệ bằng thái độ nhân từ và ít tỏ lộ tình âu yếm. Vào giây phút ly biệt này đây, Ngài để mặc tình cảm cầm hãm bấy lâu được tuôn trào. Cả buổi tối sau cùng này ngợp đầy tình yêu mến thắm thiết của Thầy Chí Thánh. Chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy Thầy Chí Thánh cũng đối xử với chúng ta một cách như vậy. Tình yêu Ngài đến với chúng ta thật là liên lỉ và có thể cảm nhận được cách dễ dàng. Từng giây phút Ngài nói với chúng ta: ‘Ta yêu con, yêu con tha thiết.’ Chúng ta có bao giờ nghĩ đến và tin điều đó không? Trái lại là khác, hình như chúng ta chỉ cảm thấy như Ngài bỏ rơi chúng ta, chúng ta băn khoăn thắc mắc trước thái độ yên lặng quá lâu của Ngài. Chúng ta thấp hèn quá! Chúng ta thấy mình yêu Ngài ít quá! Phụng sự Ngài miễn cưỡng quá! Chúng ta đã xúc phạm và bội ước với tình yêu Ngài.

Có lẽ bạn sẽ cho rằng như thế đâu phải là tình yêu hợp lý. Quả đúng như vậy, tình yêu Ngài thật vô lý dưới con mắt nhân loại, vì con người không đủ trí thông minh để suy hiểu, không có vẻ đẹp đạo đức để lôi cuốn, và rồi thiếu cả tâm tình khiêm nhường, biết ơn dịu dàng để bù lại những tài năng khiếm khuyết.

Lạy Chúa Giêsu, nghĩ như vậy là chúng con đã hạ tình yêu Chúa xuống mức độ đê hèn của chúng con, trong khi tình yêu Chúa vượt trên tình yêu chúng con vô cùng tận. Thiên Tính đã thông chuyển sang nhân tính Chúa tất cả năng lực yêu đương không những làm tràn đầy một con tim thụ tạo hoàn hảo, nhưng còn tuôn trào vào một trái tim đã được thần thánh hóa. Do đó tình yêu Chúa còn hơn là một kiệt tác của vũ trụ thụ tạo mà là sự tham gia cao siêu trọng đại nhất vào chính tâm tình Thiên Chúa.

Hãy tỏ lòng kính sợ trước tình yêu Chúa. Đồng thời hãy vui mừng và biết ơn về hạnh phúc nhận được. Luôn hướng mọi tư tưởng và cuộc sống lên tình yêu lý tưởng.

 

TÌNH YÊU CÓ THỰC NHƯNG ÂM THẦM

Tuy thế, ngay ở dương thế này, lý trí và đức tin cũng cho chúng ta một cái nhìn sáng ngời về mầu nhiệm tình yêu ấy. Sau khi dựa vào chứng cớ chắc chắn để xác nhận thực tại của tình yêu, lý trí và đức tin đều đồng ý rằng: phải, tình yêu đó thực sự có, nhưng nó lơ lửng ở trên cao khiến ánh mắt chúng ta khó nhận biết được. Tình yêu ấy chẳng khác gì một hành tinh vô hình trong không gian vô tận, mà người ta chỉ xác định được vị trí bằng nhiều bài toán không gian tài tình. Lạy Chúa Giêsu Chí Thánh, con thấy hiện diện nơi trái tim Chúa muôn sự cao trọng, muôn sự hăng say chưa ai biết đến, và niềm ao ước của Chúa muốn kết hiệp với chúng con thật khó hiểu, Chúa sắp chứng tỏ điều đó vào lúc này đây.

Và chúng con sẽ không có lý do để hồ nghi về sự liên tục âm thầm của tình yêu Chúa nữa khi đọc lời Tin mừng ghi lại: ‘Ngài thương yêu những kẻ đã chung sống với Ngài dưới trần gian vô ngần. Ngài yêu thương họ cho tới cùng.’ Lạy Chúa Chí Ái, tới giờ phút chót, vâng đúng thế, tới giờ phút chót Chúa mới tỏ bày rõ ràng và hoàn toàn bộc lộ tình yêu bao la đối với các môn đệ, tình yêu Chúa đã ấp ủ trong lòng từ lâu.

Lạy Chúa Giêsu, nếu có lúc nào con đau khổ khi thấy Chúa cứ lặng yên, và con cho là mình đáng bị bỏ rơi, khi đó con có thể xác tín rằng Chúa vẫn yêu con không? Chính Chúa soi sáng cho con nhận thấy điều đó trong nhiều trường hợp: sau khi phạm lỗi, Chúa vẫn tiếp đón con cách thân tình, nếu con đã biết thành thật hồi tâm và rồi lần rước lễ tới sẽ sốt sắng hơn, và Chúa càng săn sóc con khi con phải gánh nặng đau khổ. Con cảm thấy lúc đó được sống bên cạnh Chúa, an tâm như bên lòng người mẹ, biết rõ tình thương của Chúa đối với con. Tuy nhiên, vì lỗi con nên những giờ phút như thế chắc là hiếm có. Phần Chúa, Chúa mong con có nhiều dịp như thế, và Chúa thấy vui sướng vì có thể yêu được nhiều. Ôi tình yêu Chúa cao đẹp siêu việt và quí báu dường bao!

 

TÌNH YÊU THẾ NHÂN

Trước khi chịu chết.’ Một khi sắp phải từ biệt người thân, người ta mới cảm thấy yêu mến họ vô vàn. Đó là một tình cảm hoàn toàn nhân loại. Chúa Cứu Thế cũng muốn thử nghiệm tâm tình đó vì thực ra nó rất cao đẹp. Ngài muốn tỏ bầy ra ngoài, vì rồi đây tình yêu ấy sẽ là niềm ủi an cho loài người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa thương yêu với một tình yêu nhạy cảm. Chỉ cần những tâm tình thành thật và say nồng phát xuất từ tình yêu nhân loại thôi thì cũng đã đủ làm cho trái tim ngây ngất rồi, vậy thì phải nói gì khi đó là tình yêu của Chúa với kích thước thần thánh, vô cùng mãnh liệt, vô cùng cao siêu thanh khiết và đã đạt đến mức lý tuởng!

Thực ra, mức lý tưởng đó không thể sánh với mức lý tưởng của tình yêu Thiên Chúa mà chúng ta vừa suy niệm trên đây, nhưng nó giúp chúng ta am hiểu và thưởng thức dễ dàng hơn. Nó thâm nhiễm trong chúng ta sâu đậm hơn, và nếu không thúc đẩy chúng ta tiến tới lòng ngưỡng mộ được, thì cũng làm cho chúng ta dễ dàng rung cảm hơn. Tình yêu Thiên Chúa trên kia là lý tưởng trên Trời. Còn tình yêu nhân loại ở đây là lý tưởng dưới thế. Thế nên chúng ta cảm thấy xúc động trước lời nói đầy tình âu yếm thốt ra từ miệng Thầy Chí Thánh: trước khi chết, trước khi từ biệt chúng con: ‘Thầy hằng ao ước mừng lễ Vượt Qua này với chúng con!

Ôi cái thế yêu thương đem lại sức sống và làm hoan lạc lòng người! Vâng lạy Chúa, Chúa là Đấng đáng tôn thờ, con tin vào tình yêu Chúa đối với con. Con tin thật mặc dù con đang phải lầm than cơ cực. Khi nhìn vào tình thương của Chúa đối với các Tông Đồ thì con lại càng thêm xác tín điều đó. Lúc ấy các ông chưa phải là những người hoàn thiện, nhưng các ông đem lòng yêu mến Chúa thật tình, dù rằng tình yêu ấy quá ít được biểu lộ qua các hành vi và cũng không luôn tỏ ra quảng đại và tế nhị đúng mức. Nhưng Chúa vẫn yêu mến các ông.

Lạy Chúa là Đấng từ xa xưa đã tiên liệu và xếp đặt mọi sự, có lẽ Chúa để các môn đệ phải ở khá lâu trong tình trạng bất toàn để tạo nên niềm tin yêu phó thác cho chúng con sau này. Qua gương sống của các ông, con nhận thấy như vậy: dù chưa hoàn thiện nhưng người ta vẫn có thể có một tình yêu chân thành, và tình yêu Chúa có thể gắn bó thắm thiết với các tâm hồn không có công trạng gì.

Hãy tỏ tâm tình ngưỡng mộ và lòng biết ơn sâu xa! Sung sướng vì biết rằng mình có thể được yêu mến dù hiện trạng con người mình bất xứng. Tôi gắn bó chặt chẽ hơn bao giờ hết với một bậc Thầy dễ thương như vậy.

----------o0o----------

 

 

 



[1] Dùng cho loạt bài nguyện ngắm này