BÀI THỨ 336

BÀI SUY NIỆM CHUẨN BỊ THƯƠNG KHÓ 4

         

+ Tiền nguyện: Tôi hình dung lại sườn núi Sọ lởm chởm. Trước khi leo lên núi, tôi ngồi lại bên bờ đường để suy nghĩ về các đức tính và quyền hành của Đấng sắp đi qua với thập giá trên vai.

          Lạy Chúa Cứu Thế, con không thể không thán phục Chúa được. Xin Chúa hiện ra với con dưới vẻ đẹp thiêng liêng rực rỡ của Chúa. Điều mà con học biết về Chúa từ nhỏ đến giờ, điều mà con nghe hay đọc về Chúa hình như đã mất hết vẻ đậm đà đối với con. Những gì còn lại trong trí nhớ đó cần phải phát hiện trong thực tại sống động thì mới có thể tác động trên trái tim con. Xin hãy giúp con để có thể suy nghĩ về điểm này. Con muốn có cái nhìn đúng đắn trên mọi ưu điểm của Chúa, cái nhìn có thể nói lên đặc tính cao cả và niềm cảm xúc mãnh liệt tiềm ẩn trong những hành vi của Chúa. Nhưng cho tới lúc này con chẳng cảm thấy gì!

 

NHỮNG ĐIỂM GỢI NIỀM THƯƠNG CẢM

Gạt bỏ mọi ý nghĩ đã có, trước hết tôi muốn nhìn về Chúa Giêsu như người ta phê phán về một tâm hồn bình thường nào đó. Tôi muốn suy niệm những tâm tình đích thực của Ngài.

a. Vô tội: Ai cũng thương hại một người đau khổ. Nhất là khi đó lại là một người vô tội, thì nỗi thương cảm càng lớn hơn như pha lẫn một tâm tình phẫn nộ. Người ta cảm thấy mình như trở thành kẻ bênh vực của kẻ đó. Dù người này xa lạ mấy cũng trở nên thân yêu, gần gũi.

          Chúng ta hãy áp dụng ý niệm này vào Chúa Giêsu, Ngài là người vô tội nhất. Ngài chưa hề mảy may làm hại ai điều gì. Người ta không thể trách cứ Ngài về bất cứ khía cạnh nào. Đó là sự thật hiển nhiên không cần bàn cãi. Chúng ta hãy thử chiêm ngắm người vô tội đáng thán phục đang phải chịu đau khổ đó.

          b. Nạn nhân của lòng vô ơn: tình cảm nhân loại của chúng ta như dâng lên khi nhìn một người vô tội chịu hành hạ, và như muốn nổi dậy chống đối khi thấy một nạn nhân vô tội, một người chỉ biết đem tình thương mến lại phải chịu cực hình. Tâm tình vô vị lợi đó là một điểm son của bản tính nhân loại, nó không xa lạ gì với người Kitôâ hữu. Lòng nhân từ của Chúa Giêsu đối với dân Ngài thì bao la hơn vũ trụ, mà dân này lại kêu la đòi lên án tử cho Ngài. Họ lôi kéo Ngài, họ sắp đóng đinh Ngài vào thập giá, nhục mạ Ngài cả trong lúc Ngài hấp hối. Mong rằng trái tim chúng ta sẽ xúc động tột độ trước thái độ vong ân bội nghĩa kia, và gắn bó mật thiết với nạn nhân vô tội đáng tôn thờ ấy.

c. Như một con chiên: không có gì làm ta xúc động hơn là khi thấy nạn nhân vô tội vẫn có thái độ dịu dàng đối với những người làm khổ mình. Người ta cảm động và nhủ thầm: quá lắm rồi, ai lại hành hạ một người không tự vệ bao giờ! Chúng ta đã biết lắm rồi, nạn nhân đó chính là Chúa Giêsu yêu dấu. Ngài không chống cự, không tỏ ra phẫn nộ, không mảy may có tư tưởng báo thù. Ánh mắt Ngài là phản ánh của tâm hồn trong sáng, vẫn luôn dịu dàng tuy rằng trong một nét buồn vô hạn.

          Khi nghĩ tới tâm tình chúng ta có mỗi khi thấy một người tầm thường nào đó lâm vào tình trạng này, hãy tự hỏi  phải có tâm tình nào đối với nạn nhân hiền dịu yêu dấu của chúng ta.

 

ƯU ĐIỂM GỢI NIỀM CẢM PHỤC

Sau khi đã suy niệm những ưu điểm khơi dậy tâm tình thương cảm, giờ đây chúng ta sẽ suy tới những tâm tình gợi lên niềm cảm phục.

          Khi thấy một người vô tội đầy lòng từ thiện bị bạc đãi và phải chịu mọi nỗi nhục nhằn cơ cực nhất, nhưng thái độ vẫn luôn bình thản và vẫn còn một bản lãnh để khắc phục cơn hoạn nạn, trước tiên người ta cảm thấy một tâm tình thán phục rồi tiến tới chỗ thương cảm, để cuối cùng cảm thấy mình như được gắn bó với nạn nhân bằng mối dây thân thiết.

          Vẻ cao thượng của tâm hồn như tỏa ra một lực có sức quyến rũ người khác. Nơi Chúa Giêsu, vẻ cao thượng đó thực là tuyệt vời và bền bỉ. Ngài luôn tỏ lộ vẻ uy nghi trước toà án người Do Thái, trước quan tổng trấn Philatô hay vua Hêrôđê. Nhất là Ngài luôn bình thản, nét bình thản dưới mọi roi đòn hay nhục mạ của đối phương. Cái chết sắp tới sẽ nói lên đức tự chủ cao độ nơi Ngài đến nỗi quan bách quân đội truởng phải quá đỗi xúc động sợ hãi mà đấm ngực thú nhận rằng: ‘Ông này quả là một người phi thường.’

          Lời nói trên đây được nhiều nguời nhắc đi nhắc lại, cả những người không nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Sự cảm phục của họ mãnh liệt tới độ mở mắt cho họ thấy sự mầu nhiệm ít ra là trong giây lát.

 

THẤM NHUẦN CÁC TÂM TÌNH TRÊN

Lướt qua các tâm tình trên và nhận thức giá trị đúng đắn của chúng thôi thì chưa đủ, cần phải ghi tạc vào lòng, thấm nhuần vào tâm trí để chúng có thể ở luôn mãi trong tâm hồn và gợi lên nhiều tâm tình sống động khác. Chúng sẽ sống dậy mỗi khi chúng ta suy niệm một chi tiết nào đó trong cuộc khổ nạn của Chúa. Chúng ta hãy dần dần ôn lại từng tâm tình một, và khi gợi đến mỗi tâm tình: chúng ta hãy tự hỏi: có phải đúng nó không? Tôi đã xác tín đủ về tâm tình ấy chưa?

          Hãy tự trách mình vì đã không tìm hiểu đầy đủ về các mầu nhiệm đức tin ấy. Tỏ lòng hối tiếc vì đã không dâng lên Chúa Giêsu tâm tình của người con thảo cùng với sự thán phục mà Ngài có quyền đòi hỏi. Hãy bày tỏ các tâm tình ấy với Ngài.

----------o0o----------