Thứ sáu tuần 3 Mùa Vọng

Làm chứng cho sự thật

(Ga 5,33-36)

 

          1. Lại một lần nữa, bài Tin Mừng hôm nay lại nói về Gioan Tẩy Giả - người làm chứng cho chân lý, làm chứng về Đức Giêsu. Tuy nhiên, ngoài nhân chứng của phàm nhân là Gioan Tẩy Giả,  Đức Giêsu còn một nhân chứng khác  cao trọng hơn rất nhiều : đó là Thiên Chúa Cha, chính Cha đã trao sứ mạng cho Đức Giêsu và việc Đức Giêsu hoàn thành sứ mạng Cha trao là một chứng từ sống động.

 

          2. Tại sao người Do thái không chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế trong khi toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế ? Chỉ vì họ thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, các người Do thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa và lắng nghe lời Ngài qua khuôn mặt và lời nói của Đức Giêsu, và do đó không đón nhận Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến (Mỗi ngày một tin vui).

          Tại sao lại có thảm kịch này ? Chúng ta không lấy làm lạ vì người Do thái nuôi sẵn  một hình ảnh về Đấng Messia quang vinh, uy quyền hợp với sở thích của họ. Cái hình ảnh ấy che khuất hình ảnh đích thực  của Đấng Messia.

 

          3. Người Do thái đòi Đức Giêsu phải có bằng chứng để họ có thể tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế. Ngài đã nại đến chứng từ của Gioan Tẩy giả. Gioan đã đến làm chứng cho sự thật, tuy chỉ là chứng tá của phàm nhân.

          Tuy nhiên, Đức Giêsu đã giải thích về chứng tá của Gioan để giúp cho người Do thái khỏi lẫn lộn Gioan với Ngài là Đấng Cứu Thế, vì có lúc tiếng tăm của Gioan vang dội trong dân chúng khiến họ nghĩ rằng Gioan là Đấng Cứu Thế.

          Gioan không phải là Đấng Cứu Thế, mặc dù tiếng tăm của ông có vang dội. Để diễn tả điều này, Đức Giêsu ví Gioan như là đèn soi sáng cho họ vui hưởng ánh sáng trong một thời gian, thời gian này là lúc Gioan rao giảng và làm phép rửa, khiến tiếng tăm ông vang dội trong dân chúng.

 

          4. Một lần nữa chúng ta xác nhận Gioan – người làm chứng cho chân lý, làm chứng về Đức Giêsu như khởi đầu Tin Mừng thứ tư đã khẳng định :”Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng”

(Ga1,7-8).

          Ánh sáng là Đức Kitô – Ngôi Lời nhập thể :”Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Đức Giêsu nhiều lần đã nói về mình :”Tôi là ánh sáng thế gian” (Ga 9,5).  Đức Giêsu chính là ánh sáng bừng lên chiếu dọi cho mọi người, dẫn đưa họ khỏi cảnh đời tối tăm, và đi đến nguồn hạnh phúc chân thật  như tiên tri Isaia loan báo :”Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1).

 

          5. Ngoài chứng tá của Gioan, Đức Giêsu còn một nhân chứng khác cao trong hơn : Đó là Thiên Chúa Cha. Chính Cha đã trao sứ mệnh cho Đức Giêsu và việc Ngài hoàn thành sứ mệnh Cha trao  là một chứng từ sống động. Chúa Cha làm chứng bằng những lời của Người trong Kinh Thánh: Bên dòng sông Giođan, sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa, Chúa Cha phán từ trời và giới thiệu với nhân loại người Con chí ái mang sứ mạng Người :”Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mt 3,17; Mc 1,11; Lc 3,21).

 

          6. Gioan Tẩy Giả đã làm chứng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế vì ông là ngọn đèn cháy sáng, ông làm gương sáng cho mọi người noi theo : ông sống khắc khổ, ông sống hy sinh, cam đảm. Chúng ta củng phải can đảm làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày trong mọi hoàn cảnh.

 Còn các việc Đức Giêsu làm cũng đủ làm chứng Người là Đấng Cứu Thế, vì Người luôn làm việc theo ý Chúa Cha.

 

          7. Truyện : Can đảm làm chứng cho Chúa.

          Ngươi ta cho biết, tại một trường tiểu học của Nhật Bản, có 150 học sinh, mà trong đó chỉ có một học sinh duy nhất là Kitô hữu. Trước mỗi bữa ăn, em thường mạnh dạn làm dấu thánh giá và đọc kinh. Các học sinh khác đến tố cáo với thầy chủ nhiệm  là em có “hành vi ma thuật”. Nghe thấy thế, thầy cho gọi em lên đứng giữa lớp, hỏi xen em đã làm gì ? Em thẳng thắn nói rằng em chỉ cám ơn Chúa đã ban lương thực hằng ngày. Nghe vậy, thầy giáo gục xuống bàn, nước mặt ràn rụa nói:”Này con, ta cũng là Kitô hữu, nhưng ta không can đảm tỏ ra cho mọi người biết. Giờ thì cám ơn Chúa, ta đã biết là Kitô hữu, mình phải làm gì.

 

                                                                   Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                   Đà Lạt


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường