NẮM GIỮ TRÁI TIM

 

Hai từ “xét xử” thuộc về những vị thẩm phán, hay người đứng đầu có quyền hành trong xã hội hoặc tổ chức, hội đoàn nào đó. Nhưng đối với đời sống tâm linh, xét xử thuộc về Thiên Chúa.

         Chỉ có Thiên Chúa, Đấng là Chủ Tể, là Tạo Hóa, Đấng Chí Công, Chí Minh mới có quyền xét xử nhân loại. Con người chúng ta ai cũng là kẻ có tội, chẳng ai đủ thẩm quyền để có thể lên án, phán xét người khác. Tuy nhiên, để bảo đảm trật tự và an toàn xã hội, người ta đã đưa ra những luật lệ và đặt người đứng đầu, có quyền hành xét xử trên chuẩn mực chung nhất ấy, mọi người có bổn phận phải thi hành luật, ai sai phạm, tất nhiên sẽ bị trừng trị.

         Mặc dù nhân loại đã có những chuẩn mực chung để xét xử đồng loại, thế nhưng, không phải vị thẩm phán nào cũng chí công, chí minh. Con người có đủ mọi bất toàn, bất lực… nhiều tác động xấu dẫn đến hành động của thẩm phán không trung thực gây nhiều thiệt hại nặng nề cho người sai phạm. Trong dòng lịch sử nhân loại, hỏi thử có bao nhiêu vị thẩm phán chuẩn mực, bao nhiêu ông vua quân minh?

         Chẳng vậy mà hết thời đại này đến thời đại nọ, đã có không biết bao nhiêu phán xét bất công giáng xuống người lành. Nhất là trong thời đại vàng thau lẫn lộn này, khi mọi thế lực đều bị đồng tiền làm cho tha hóa. Đồng tiền đã có sức mạnh cầm cân nảy mực, đổi trắng thay đen, người ta không còn đặt niềm tin tuyệt đối vào luật lệ và những người đại diện xét xử lề luật nữa.

         Nguyên nhân dẫn đến hậu quả đáng tiếc trên không gì khác hơn việc tòa án lương tâm của con người đã bị chai lì, khô cứng. Khi mà tòa án lương tâm của từng cá thể bị rạn nứt thì làm gì có tòa án tối cao của nhân loại anh minh?

         Chỉ có Thiên Chúa là Đấng toàn quyền trên trời dưới đất. Ngài là Đấng vô tội mới có quyền xét xử và tha tội mà thôi. Ai có quyền xét xử người khác trong khi chính mình là kẻ lỗi phạm? Chỉ có Đấng là Vua, là Chủ Tể muôn loài có đầy đủ quyền năng và sức mạnh cai trị, xét xử muôn loài mà thôi.

         Nhân loại tôn sùng nhau làm vua với đủ mọi tước hiệu. Nào là vua âm nhạc, vua đầu bếp, vua bóng đá… Người ta có thể gán tước hiệu vua cho bất kể lãnh vực nào của cuộc sống nhằm mục đích tôn vinh, thần tượng lẫn nhau. Với tài năng đôi khi họ cũng thực sự xứng đáng với danh hiệu ấy. Nhưng đó chỉ là những tước hiệu của những con người mỏng dòn, chóng qua, nay còn mai mất, nay vinh mai nhục… Tài năng của họ không trường tồn cùng với phẩm chất đạo đức không là vĩnh cửu.

         Thiên Chúa chính là vị Vua vĩnh cửu. Vì Ngài tác tạo muôn loài, điều khiển muôn loài, cai trị muôn loài. Muôn loài trên trời dưới đất đều tùy thuộc Ngài. Vị Vua ấy mới thực sự để chúng ta tôn kính, suy tôn và yêu mến. Trong khi chúng ta thần tượng những người phàm đầy giới hạn, nhiều sa ngã, bất toàn mà lại từ khước chính Đấng nhân lành, vô tội, toàn năng, toàn thiện được sao?

         Nếu như con người thích tôn sùng các vị vua thần tượng của mình, thì tại sao lại từ khước chính Đấng là Vua đã tác tạo nên họ, cho họ sự sống được cơ chứ? Phải chăng vị Vua của chúng ta âm thầm quá, khoan dung nhân từ quá nên nhân loại đã ỷ nại, lấn lướt?

         Giả sử mỗi người trên thế giới hiểu rằng, giá trị cuộc sống mà tôi đang thủ đắc đây. Những việc tôi làm hằng ngày, chính là thước đo giá trị tâm linh của tôi sau này trước vị Vua nhân lành, chí thánh, có lẽ thế giới sẽ bớt thương đau.

         Nhân loại mải miết đi tìm cuộc sống, quên đi cốt lõi đời mình. Khi chiều dài cuộc sống không còn nữa, khi phải đối diện với vị thẩm phán chí công, khi phải trả lời các câu hỏi của Ngài, những câu hỏi xem chừng rất quen thuộc, làm lòng trong mỗi tâm hồn tín hữu. Vậy mà chẳng hiểu sao, ai cũng lấy làm khó nói, ngượng ngùng, ấp úng đến như vậy. “Xưa ta đói các ngươi có cho ăn, ta khát các ngươi có cho uống, ta ta là khách lạ các ngươi có tiếp rước, ta trần truồng các người có cho mặc, ta đau yếu, các ngươi có thăm nom, ta ngồi tù các ngươi có đến thăm?” ( Mt 25, 35-36)

         Câu hỏi xem chừng dễ trả lời quá, vì có ai thấy Chúa đòi hỏi hay cầu xin điều ấy bao giờ? Nhưng dễ mà lại vô cùng khó, vì khi ta làm cho những người anh em bé nhỏ, nghèo đói xung quanh ta, chính là lúc ta làm cho Chúa.

         Sai lầm lớn nhất của nhân loại chính là đây. Trong khi họ đi tìm kiếm, tôn thờ những thần tượng ở xa mà quên đi đối tượng kề cận sát cánh bên mình. Chẳng vậy, cuộc đời như một trò chơi cút bắt không ngừng. Người ở thấp chạy với theo kẻ trên cao, và tất nhiên chẳng bao giờ với tới, trong khi chính đôi chân họ đang đạp lên tha nhân cũng chính là viễn ảnh mà họ theo đuổi.

         Thiên Chúa cũng vậy, tại sao cứ phải đi tìm Ngài ở trên chốn cao vời trong khi Ngài lại đang ở trước mặt, ngay bên cạnh chúng ta. Nhân loại là thế đấy, món quà vô giá, hạnh phúc trong tầm tay mà không bao giờ biết nắm giữ, chỉ mải miết đi tìm cái gì đó ở rất xa mà luôn luôn vô vọng.

         Lạy Chúa, trong cuộc đời có không ít một lần con phải đối diện với những bản án. Những bản án của đồng loại dành tặng cho con sau mỗi lần sai phạm, dù đúng dù sai, dù vui dù buồn cũng không làm cho con quá đỗi lo sợ. Nhưng bản án sau cùng, ngày mà Thiên Chúa xét xử, có lẽ con sẽ vô cùng kinh khiếp. Không biết được bao lần con đã thực thi được những điều kiện, luật lệ của Ngài, nhưng để mà tự tin đứng trước tòa phán xét con đây hoàn toàn không dám. Xin giúp con biết sống can đảm từ khước mọi tội lỗi bất chính, và để Thiên Chúa làm chủ, nắm giữ trái tim mình, hầu có thể ngẩng cao đầu đối diện với Ngài trong ngày chung cuộc. Ước gì con cũng được nhập đoàn cùng những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời:“Nào những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.” (Mt 25, 34)

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang.