50 NĂM THỜ CÚNG TỔ TIÊN - Chia sẻ 30
ĂN GIỖ VÀ CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI ĐÃ KHUẤT

Kỵ giỗ khiến bà con lương dân chạm phải một bí ẩn về mặt tâm linh: Một đàng trực giác thấy người thân chưa siêu thoát, còn phải được thanh luyện (đến hết đời thứ năm), một đàng lại thấy có thể xin họ độ trì? Làm sao họ có thể độ trì được ai khi họ chưa siêu thoát….

Trước những mơ hồ gây khó khăn và lúng túng, sự nhập cuộc của người Công giáo có thể góp thêm hơi ấm. Hơn nữa, với giáo lý minh bạch của Đạo Chúa, họ còn có thể đem lại ánh sáng và bình an giúp bà con đồng tộc lý giải được để có thể vượt khỏi một số khó khăn bế tắc.

Tháng Mười Một, tháng cầu nguyện cho các đẳng linh hồn và cũng là tháng kính nhớ Tổ tiên. Người Công giáo vẫn tự hào mình nhớ đến Tổ tiên không chỉ trong ngày giỗ hay ngày mùng hai Tết mà suốt tháng Mười Một, và cả trong thánh lễ hằng ngày của bất cứ tháng nào. Rõ là người Công giáo không “bỏ ông bỏ bà” tí nào!

Tuy nhiên ta cần lưu ý để không giản lược khái niệm "kính nhớ Tổ tiên" vào việc "cầu hồn". Theo mục từ "Giỗ" trong từ điển Vi.Wikipedia, ngày giỗ thường (từ năm thứ ba trở đi) được duy trì đến hết năm đời, sau năm đời thì được siêu thoát, không cần "giỗ" riêng nữa. Ngày "giỗ" có liên quan với việc "cầu hồn" tuy nhiên nó lại vượt xa hơn việc cầu hồn. Xin lược trích:

"Trong thờ cúng tổ tiên, có 3 ngày giỗ: Giỗ Đầu, Giỗ Hết, Giỗ Thường.

Giỗ Đầu gọi là Tiểu Tường, là ngày giỗ đầu tiên sau ngày người mất đúng một năm, nằm trong thời kỳ tang, là một ngày giỗ vẫn còn bi ai, sầu thảm. Thời gian một năm vẫn chưa đủ để làm khuây khỏa những nỗi đau buồn, xót xa buồn tủi trong lòng của những người thân. Trong ngày Giỗ Đầu, người ta thường tổ chức trang nghiêm không kém gì so với ngày để tang năm trước, con cháu vẫn mặc đồ tang phục. Lúc tế lễ và khấn Gia tiên, những người thân thiết của người quá cố cũng khóc giống như ngày đưa tang ở năm trước.

Giỗ Hết gọi là Đại Tường, là ngày giỗ sau ngày người mất hai năm, vẫn nằm trong thời kỳ tang. Thời gian hai năm cũng vẫn chưa đủ để hàn gắn những vết thương trong lòng những người còn sống. Trong lễ này, người ta vẫn tổ chức trang nghiêm, con cháu vẫn mặc đồ tang phục và vẫn khóc giống như Giỗ Đầu và ngày đưa tang, vẫn bi ai sầu thảm chẳng kém gì Giỗ Đầu. Tuy nhiên ngày nay những hình thức này không còn phổ biến.

Sau ngày lễ này hết hai tháng, đến tháng thứ ba người ta sẽ chọn ngày tốt để Trừ phục (còn gọi là Đàm tế) tức có nghĩa là Bỏ tang, người thân sẽ đốt hết những áo quần tang, gậy chống. Sau đó, người đang sống sẽ trở lại cuộc sống thường nhật, có thể tổ chức hay tham gia các cuộc vui, đình đám và người vợ mới có thể đi bước nữa (nếu chồng mình mất). Đây là một buổi lễ vô cùng quan trọng, vì nó là một bước ngoặt đối với người đang sống và vong linh của người đã mất.

Giỗ Thường còn gọi là ngày Cát Kỵ, là ngày giỗ sau ngày người mất từ ba năm trở đi. Cát kỵ nghĩa là Giỗ lành. Trong lễ giỗ này, con cháu chỉ mặc đồ thường phục, không khóc như ngày đưa ma nữa, không còn cảnh bi ai, sầu thảm, là dịp cho con cháu người quá cố sum họp để tưởng nhớ người đã khuất, không còn mời khách rộng rãi như hai lễ Tiểu Tường và Đại Tường.

Ngày giỗ thường được duy trì đến hết năm đời. Đến sau năm đời, vong linh người quá cố được siêu thoát, nên không cần thiết phải cúng giỗ nữa mà nạp chung vào kỳ xuân tế. Nhưng quan trọng hơn là con cháu còn nhớ đến tổ tiên và người đã khuất, thể hiện lòng thành kính. Cúng giỗ không nhất thiết phải quá đắt đỏ, linh đình hay quá cầu kỳ, nhà nghèo chỉ cần có đĩa muối, bát cơm úp, quả trứng luộc thì cũng đã giữ được đạo hiếu với tổ tiên.

Ngày này, khách đến ăn giỗ không còn quá đau buồn như hai lễ Tiểu Tường và Đại Tường trước, có thể mặc trang phục bình thường."

Giỗ là dịp để ta chia sẻ cái nhìn về cuộc sống đời sau theo quan điểm Kitô giáo.

Một số người lành thánh được Tòa Thánh tuyên phong hiển thánh hoặc chân phước, còn ở các trường hợp khác ta không thể võ đoán mà suy xét về hiện trạng của người đã khuất. Với đức tin khiêm nhường và lòng yêu mến dành cho người quá cố, ta kéo dài việc cầu xin với ước mong cho họ sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Ta phải nghĩ đến sự công thẳng của Thiên Chúa nhưng không được vì thế mà quên mất lượng từ bi thương xót không bến bờ của Thiên Chúa, quên mất rằng người gian phi nọ chỉ thưa với Chúa một lời bày tỏ đức tin thì ngay hôm ấy đã được ở với Chúa trên thiên đàng. Đức trông cậy dạy ta phải lạc quan tin tưởng vào tình thương tha thứ và ơn thanh tẩy của Chúa.

50 NĂM THỜ CÚNG TỔ TIÊN - Chia sẻ 31
BỮA CƠM CHAY

Trên đường tìm những phương thức để nối kết dòng họ, tôi có dịp gặp gỡ một số đạo hữu Cao Đài và có chung với nhau những kỷ niệm đẹp.

Trong những bản sao gia phả từ những địa phương khác nhau của Hà Tĩnh, có một vị ở đời thứ tư, ông Võ Mạnh, hầu như mọi bản sao đều ghi là "vô tự" (không con nối dõi), chỉ riêng bản của từ đường La Mạc, xã Phong Thịnh, ghi rằng hậu duệ của vị này hiện phát triển tại Phù Mỹ, Bình Định; một người trong nhánh này là Chánh Quản cơ Võ Vệ đã về tìm họ. Tôi đã sao quyển gia phả này ra nhiều chục bản và đi Phù Mỹ tìm nhưng không gặp được manh mối.

Tháng Mười, 2012, sau tang lễ một bà cụ họ Võ, ông Trưởng ban Liên lạc họ Võ Công giáo Bình Định cho biết có người nhờ ông chuyển cho tôi một bản gia phả. Người này chưa hề biết bản gia phả Phong Thịnh tôi đang phát hành. Ông ta chỉ còn giữ được không đầy mười trang chắp vá rơi rớt lại từ một công trình gia phả, nay muốn nhờ tôi xem và cho ý kiến. Tôi cầm lên xem thì, chao ôi, ngay ở trang đầu tiên, danh tính người tôi đang đi tìm được tô đậm: Ông VÕ VỆ, thời Tự Đức. Chỉ sót lại mấy trang nhưng cũng đủ thông tin để có thể xác lập liên quan giữa người đang sở hữu gia phả với gốc tổ Hà Tĩnh. Người tặng tài liệu nhận tôi làm anh vì ông tổ của tôi là trưởng tộc, còn ông tổ anh ta là em trai thứ tư.

Tiếp đó, một cụ niên trưởng người lương đã chở tôi bằng xe máy, từ sáng sớm đến trưa, đưa tôi đến thăm bốn từ đường nằm trên địa bàn ba huyện khác nhau của tỉnh Bình Định: Tuy Phước, Phù Cát và An Nhơn. Bất ngờ trong chuyến đi lại có được một thông tin hết sức quý mà tôi chưa hề nghĩ tới, chưa hề mong chờ.

Nhánh thứ nhất chúng tôi đến thăm là chi tộc Võ Tấn ở thôn An Lợi, phát xuất từ tỉnh Hà Nam. Rời An Lợi chúng tôi đến thôn Vân Triêm cũng gọi là Vân Tập, thuộc xã Cát Chánh huyện Phù Cát. Ở đây có hai từ đường họ Võ phát xuất từ Vũng Tô, phái nhất và phái nhì. Cụ Võ Kế Đức gọi điện đến ông Võ Lục ở tận Gia Lai hỏi số điện thoại của vị quản lý từ đường phái nhất. Ông Lục xin chuyển máy điện thoại cho tôi và bảo:

- Họ Võ của chúng tôi phát xuất từ huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Thạch Hà là huyện quê nhà của tôi. Không dám tin vào tai mình, tôi hỏi lại:

- Ông bảo sao: Từ huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh?

Một thông tin đến từ phía không ngờ, từ một người chúng tôi gọi chỉ để xin số điện thoại người khác. Thông tin này trở thành chủ đề cho câu chuyện của chúng tôi tại ba từ đường chúng tôi đến thăm hôm ấy. Trong bữa ăn trưa, các vị hiện diện đã yêu cầu tôi giúp tìm gạch nối giữa tổ phụ Võ Quang Biều và gia phả Thạch Hà.

Bảng tông đồ 14 đời được phục chế đang trưng bày ở nhà cụ Võ Kế Đức lên tới tổ Võ Quang Biều. Ông Võ Quang Biều và con trai ông là những võ quan chỉ huy một chiến thuyền. Vì một lý do nào đó, thuyền bị chìm, có nguy cơ bị kết án nặng, cho nên họ đã chạy trốn vào tận Vũng Tô, một thung lũng nhỏ ven biển nằm khuất giữa ba mặt núi (nay thuộc thôn Tân Thanh, xã Cát Hải).

Trong gia phả Hà Tĩnh những thế kỷ xa xưa không thấy có ai mang tên Biều. Tuy nhiên với chút kinh nghiệm luận giải gia phả đã học, cuối cùng tôi đã kết luận được vị tổ ấy là ai trong bản gia phả Hà Tĩnh và tại sao hai tên gọi khác nhau chỉ là một người.

Tôi thông báo kết quả và mời các vị đại diện tới phòng tôi ở Tòa Giám mục Qui Nhơn trao đổi để soi sáng thêm cho luận giải của mình. Ngoài cụ Đức, năm vị đại diện ba nhánh kia đều là tín hữu Cao Đài. Có thêm bốn anh em các nhánh Công giáo cũng được mời tới gặp gỡ. Mọi người phấn khởi khi nối được gia phả với gốc xưa. Kết thúc đã 11 giờ. Tôi mời mọi người đi ăn trưa. Cả bốn vị là chức sắc Cao Đài xua tay:

- Xin lỗi huynh, bọn đệ ăn chay. Để bọn đệ tự liệu lấy.

- Thôi mà, nể nhau một bữa, mừng ngày nhận ra nhau là anh em, phá lệ ăn cơm người Công giáo nấu xem có ngon lành gì không!

- Không được. Bọn đệ đã phát nguyện ăn chay trường.

- Đùa thôi. Bây giờ đến lượt tôi phải kêu gọi các vị Công giáo, xin mời tất cả cùng đi dùng cơm chay với quý huynh đệ Cao Đài.

Tôi đã đặt sẵn cơm chay tại quán Thanh Minh ở đường Phan Bội Châu, chủ quán là một ông biện giáo xứ Chính Tòa Qui Nhơn.

*

Khi tôi nêu câu hỏi tại sao Đạo Chúa có mặt ở Việt Nam đã gần 500 năm mà không thấy dòng tu nào đưa việc ăn chay lạt vào chọn lựa của mình, nhiều người bảo rằng vì chay lạt ôm theo lòng tin về luân hồi. Tôi lại nghĩ khác, bạn có thể kiểm chứng ngay bên cạnh bạn rất nhiều người thực hành chay lạt cho dù không hề tin luân hồi. Để ý kỹ ta sẽ thấy tự thâm sâu, những người thờ cúng Ông Bà không hẳn đã tin vào luân hồi. Dựa trên tập tục chỉ giữ bài vị ở nhà năm đời, sang đời thứ sáu thì đem gộp chung ở từ đường hoặc đem chôn, người ta nói rằng người chết ở với con cháu năm đời rồi sau đó đi đầu thai. Trong thực tế thì dù đã sáu bảy đời hay mười mấy đời, con cháu vẫn tin rằng Tổ tiên đang ở đó và vẫn chân thành cầu khẩn.

Quan niệm chay tịnh của người Công giáo và người lương khác nhau, một bên nhằm chia sẻ với những đau thương của Chúa Cứu Thế trong cuộc Thương khó, một bên nhằm phát huy lòng nhân từ, nhưng trước đó cả hai bên đều có cùng một điểm chung, và cũng là điểm chung với nhiều người thiện chí, muốn tiến bước trên đường “tâm linh”: Sự thanh tẩy giác quan. Việc nhịn đói, kiêng thức ăn động vật, bỏ thuốc lá hay bỏ rượu đều là những nỗ lực nhằm làm chủ giác quan, vượt thoát những đòi hỏi của giác quan để tiến bước trong tự do, không bị bản năng trói buộc. Để đặt vấn đề loan báo Tin mừng cách nghiêm túc, đạt được kết quả, người Công giáo không thể thoái thác cuộc chạy đua trong việc làm chủ giác quan.

Bản thân tôi vẫn thường xuyên dùng thực đơn chay lạt, chẳng phải vì tôi thương xót các con vật nhưng chỉ vì tôi rất yêu quý bà con lương dân và các Phật tử quanh tôi, khao khát đồng cảm với tâm nguyện tốt lành của họ để cầu nguyện cho họ được ơn đức tin. Không riêng tôi mà thiết tưởng hiện đang có không ít anh chị em Công giáo khác cũng cùng chung một tâm nguyện ấy. Chắc hẳn cả những anh chị em lương dân bán tín bán nghi về chuyện luân hồi, khi biết có nhiều người tin Chúa thực hành chay lạt, họ sẽ hiểu ra phải tin theo bên nào mới đúng.

 

50 NĂM THỜ CÚNG TỔ TIÊN - Chia sẻ 32
CƠM CHAY TRÊN BÀN THỊT CHÓ

Tết Quý Tỵ, Trung ương Dòng họ từ Hà Nội viết thư cho hai vị khác và cho tôi, yêu cầu cả ba hợp tác xúc tiến thành lập Hội đồng Dòng họ Vũ-Võ tỉnh Bình Định. Đó cũng là lúc Ban Liên lạc Võ tộc Công giáo tỉnh Bình Định đang chuẩn bị cuộc sinh hoạt lần thứ tư. Đoàn hành hương lần ấy khoảng 250 người, trong đó chừng một phần tư ngoài Công giáo, đã đi thăm bốn từ đường người lương và dừng chân dâng lễ và ăn trưa tại một nhà thờ Công giáo, nơi có mộ một vị tiền hiền Công giáo họ Võ. Trong dịp này, vị nhận lời làm Chủ tịch Ban Chấp hành lâm thời của Dòng họ tại Tỉnh Bình Định đọc lá thư của Trung ương, rồi vạch ra phương hướng xây dựng và tổ chức Đại hội cấp Tỉnh.

Tôi nhận lời tham gia làm một ủy viên thường trực của Ban Chấp hành Hội đồng Dòng họ Vũ-Võ tỉnh Bình Định. Nhờ đó, tôi có dịp theo anh em trong Ban thường trực đến dự sinh hoạt tại các huyện và được gặp gỡ thêm rất nhiều người cùng chung một mối đồng cảm về Dòng họ. Lắng nghe những chia sẻ tại những sinh hoạt ấy, tôi càng thấy rõ đây là thời của những cơn mưa ơn phước. Lúa chín đầy đồng và có ai đó đã gặt chất nghều nghệu trên bờ ruộng, chỉ còn việc đem về nhà, tiếc rằng người ta chểnh mảng không chịu thu hoạch đem về cho nên lũ lại cuốn trôi tất cả.

Vị đứng đầu Ban Chấp hành Dòng họ chúng tôi tại Tỉnh này mấy lần ngỏ lời muốn nhóm thường trực gặp nhau trong một bữa ăn tại một nhà xứ nào đó. Có lẽ vì sinh hoạt liên kết Dòng họ của chúng tôi ở đây do anh em Công giáo khởi xướng cho nên ông muốn có một dịp bày tỏ thân tình. Tôi ở nhà hưu dưỡng, không có điều kiện. Đang khi đó, sáu trong bảy người của nhóm này có quen biết linh mục nhạc sĩ Ánh Đăng. Tôi ngỏ lời và cha Ánh Đăng sẵn sàng mời và cũng sẵn sàng đáp ứng theo thực đơn vị ấy đề nghị: thịt chó.

Gần tới ngày hẹn, cha Ánh Đăng gọi cho tôi:

- Trong bảy người, có một phụ nữ, bà ấy ăn thịt chó được không?

- Mình không rõ, nhưng vấn đề có thể chạm đến một trong mấy người đàn ông: Ông ta là một dược sĩ, 65 tuổi, ăn chay lạt mỗi tháng 12 ngày.

- Làm thế nào bây giờ?

- Anh cứ giúp cái thực đơn kia, còn đồ chay, tôi sẽ nhờ người làm và đem tới.

Tôi khá thân với vị dược sĩ. Ông rất linh động, gặp ngày chay, người ta mời gì ông vẫn ăn nấy rồi ăn chay bù lại ngày khác sau. Tôi đặt đồ chay không chỉ để tỏ lòng kính trọng ông mà còn để ông biết trong Hội thánh Công giáo vẫn có người đồng hành với ông. Hôm ấy, người khách phụ nữ ăn thịt chó nhưng một tài xế rất trẻ lại ăn chay. Phía ăn chay có ba người: vị dược sĩ, cậu tài xế và một linh mục. Phía ăn mặn có hai linh mục, một giáo dân và bốn người ngoài Công giáo. Bên nào cũng có nửa ký và nửa cân.

Chẳng phải tôi lập dị nhưng tôi ước mong xóa bỏ một cái nhìn “bất công” đối với người Công giáo, có thể là do bị gán ghép, mà cũng có thể chính người Công giáo Việt Nam có phần chịu trách nhiệm về ngộ nhận này. Lắm nhà truyền giáo phương Tây chỉ vừa nghe mấy tiếng “ăn thịt chó” đã đủ thấy buồn nôn! Họ lấy làm “quái gở”, không hiểu được tại sao một số dân tộc Viễn Đông lại ăn thịt cả giống vật trung thành và gần gũi với con người đến thế! Như vậy, nếu ta ăn thịt chó chính vì ta là người Việt Nam chứng không phải vì ta là người Công giáo. Thế mà ngày nay anh chị em lương dân lại nghĩ rằng ăn thịt chó là tệ tục của người Công giáo, do người Công giáo bày đầu! Nguyên cớ vì đâu? Thiết tưởng, vì lợi ích tối thượng của Tin mừng, mỗi người chúng ta cần suy nghĩ lại và cẩn trọng hơn về chuyện này.

Dấn thân truyền giáo, tôi nhận ra rằng thuở ban đầu người Việt hăm hở đón chào Tin mừng cứu rỗi vì khám phá ở đó những giá trị trổi vượt hẳn những gì họ đang có. Cả tín lý và luân lý Công giáo đều hợp lý, trong sáng và cao cả, đáng tin nhận. Thừa sai Marie André Garin (cố Châu), nhà truyền giáo trẻ 31 tuổi (1854-1885), làm việc tại Quảng Ngãi chưa đầy sáu năm, đã rửa tội hơn 1.200 người lớn và hơn 10.000 trẻ nhỏ. Người ta háo hức theo tôn giáo của ông Tây trẻ tuổi, nói tiếng Việt trọ trẹ, vì nhận thấy ở đó những giá trị cao cả mà tập tục văn hóa cổ truyền không sao sánh được.

Thế nhưng ngày nay mọi chuyện không còn đơn giản như thế. Có những tài liệu xuyên tạc Đạo Chúa, bắt đầu với “Tây Dương Gia Tô bí lục” và tiếp tục với nhiều sách báo, phim ảnh và những trang mạng vu khống, bôi nhọ Đạo Chúa, bởi thế mà anh chị em lương dân hiện đang có những ấn tượng xấu rất khó phai mờ về người Công giáo.

Bên cạnh đó, cuối thế kỷ XIX, sách vở Phật giáo đều bằng ngoại văn và chưa phổ biến rộng rãi đến đại chúng; còn cuối thế kỷ XX, kinh điển Phật giáo được dịch ra quốc ngữ, nhiều tác phẩm trình bày về Phật giáo cách mới mẻ và lôi cuốn.

Ngôn ngữ Phật giáo xây nền trên vốn từ Hán Việt, có bề dày hàng chục thế kỷ, càng đào bới càng sâu. Đang khi đó, ngôn ngữ của giới Công giáo có hai phần: Những kiểu nói thuần nôm sớm bị lỗi thời, những kiểu nói vay mượn của Hán Việt thì chưa sàng lọc đủ, hỗn độn, không thống nhất… Cả hai đã khiến cho văn chương nhà đạo bị đẩy lùi và gạt sang bên lề dòng văn học của cộng đồng dân tộc… Thay vì sức hút mãnh liệt của thuở đầu, ngày nay sách vở nhà đạo lại gây dị ứng, khó được tiếp nhận.

Thêm vào đó, Phật giáo được lan truyền bằng con đường thực hành, bằng chứng nghiệm bản thân, phù hợp với nếp sống của người Á Đông, tạo nên cho đại chúng tín đồ một trào lưu xác tín mạnh mẽ. Những ai đã tiếp cận với thiền định và chay lạt đều cảm thấy rằng đó là những giá trị khó thay thế.

Đang khi đó, người Công giáo Việt Nam lại chạy đua phát triển sinh hoạt các giáo xứ thay vì chạy đua trong việc thể hiện các giá trị Tin mừng. Các giáo xứ tạo nên cảm giác ổn định nhưng có lẽ chính sự ổn định ấy đã vô tình khiến cho Đạo Chúa bị phá giá. Thay vì là niềm vui phấn đấu của dòng người lữ hành về quê Trời, đám dân của Chúa thích định cư trên trần thế, trở thành tôn giáo của đám đông, của các hình thức lễ hội, khiến sức đổi mới cuộc sống ngày càng bị yếu đi, không toát ra được những giá trị sâu thẳm và cao vượt như thuở ban đầu. Giữa lòng xã hội tiêu thụ, chủ nghĩa tương đối không bành trướng nơi các cộng đồng Công giáo Việt Nam về mặt lý thuyết nhưng hình như nó hoàn toàn thắng thế về mặt thực hành…

Trước mắt người Công giáo đang mở ra một cuộc chạy đua với anh em Tin lành và chạy đua với các tôn giáo phương Đông: chạy đua về các giá trị. Quả là một thách đố hết sức lớn nhưng đồng thời, với ơn Chúa, đây lại đang là một cơ hội có một không hai để tiến nhanh vượt bậc.

Khi biết nhìn nhận thiện chí và những kinh nghiệm của anh chị em lương dân, như sự thinh lặng và chay tịnh, chúng ta sẽ có thêm những điều kiện mới để sống triệt để các giá trị Tin mừng. Qua đó, anh chị em lương dân sẽ thấy rõ thiện chí của chúng ta, và đến lượt họ, sẽ mở rộng cửa lòng để đón nhận ánh sáng của ơn cứu rỗi.

50 NĂM THỜ CÚNG TỔ TIÊN - Chia sẻ 33
TỎA SÁNG CÁC GIÁ TRỊ VÀ TÂN PHÚC ÂM HÓA

Giữa lúc xã hội quay cuồng với văn minh tiêu thụ, đang âm thầm lan tỏa một niềm khao khát các giá trị tinh thần, ngay cả nơi những bạn trẻ rất ít tuổi. Trào lưu ấy đòi hỏi chúng ta, nếu muốn loan báo Tin mừng, phải có kế sách tỏa sáng các giá trị Tin mừng trong cuộc sống.

Chúng ta có những giá trị nổi bật: chân thật, công bằng, bác ái, bảo vệ sự sống… Người Công giáo sẵn lòng chịu thua thiệt nhiều điều khi họ ý thức được giá trị Tin mừng của nghèo khó, sẵn lòng bán sạch mọi thứ để mua được viên ngọc quý Nước Trời. Tuy nhiên có thể những giá trị ấy đang bị lu mờ do nhiều anh chị em thiếu ý thức, không còn cố gắng phát huy. Trong khi đó, có một giá trị đang thách đố người Công giáo Việt Nam chạy đua thực hiện: chay lạt.

Mỗi lần tham gia bàn thảo chọn ngày họp mặt đồng tộc có chuyện ăn uống đi kèm, tôi thường nghe người ta cân nhắc để tránh ngày rằm và mùng một, nghĩa là tránh ngày chay lạt. Tỉ lệ số người thực hành chay lạt khá  lớn. Nhiều người ăn chay để cầu phúc, để được thành công, buôn may bán đắt. Tuy nhiên nhiều phụ huynh khuyên con cái ăn chay vì mục đích giáo dục. Họ mong muốn cho con em biết sống thanh thoát, nhân ái, điềm đạm. Chay lạt gia tăng lòng nhân ái. Nó dạy trẻ em tôn trọng cả con muỗi, con kiến. Giống hệt tâm niệm của các hướng đạo sinh sói con: “Hướng đạo sinh yêu thương loài vật”. Nếu với những con vật bé nhỏ làm hại ta mà ta còn nhân từ tha thứ, tôn trọng mạng sống của chúng thì không có lý do gì đế ta được nóng giận với người đồng loại. Nhờ ăn chay, bạn trẻ biết sống hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, lịch thiệp. Đó là chưa kể những lợi ích về dinh dưỡng, giúp tránh nhiều bệnh tật, đã được khoa học chứng nghiệm. Những bạn trẻ này thường không biết gì về giáo lý nhà Phật nhưng họ xác tín giá trị của chay lạt và sẽ không chấp nhận một chọn lựa nào chống lại xác tín ấy.

Nói thật ra, có lẽ nhiều người tưởng rằng kiêng cả thịt lẫn cá là điều gì khó lắm. Trong thực tế không khó gì cả. Nhất là nếu chúng ta có tấm lòng nghĩ đến phần rỗi của anh chị em lương dân, chúng ta sẽ thấy chay lạt là điều lý thú và có lợi nhiều mặt. Còn nếu đã ngại hy sinh cố gắng thì chắc hẳn bao giờ cũng có thể vịn hết cớ này đến cớ nọ để lẩn tránh.

Trước đây, việc kiêng thịt ngày Thứ Sáu đã thành thông lệ. Người nội trợ Công giáo đi chợ nhớ ngay rằng Thứ Sáu không mua thịt. Xã hội bên ngoài cũng nhìn nhận điều ấy như một thực tế. Hằng tuần cứ tới Thứ Sáu là lượng thịt bán ở chợ tự động giảm hẳn, tôm cá được bày bán nhiều hơn. Người ta đã lấy cớ thời chiến để xin Tòa Thánh chuẩn miễn việc kiêng thịt. Nay thời chiến đã lùi vào quá khứ đến gần bốn mươi năm và Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 1992 vẫn khẳng định điều răn kiêng thịt nhưng chẳng hiểu tại sao người ta lại cứ lờ đi.

Để việc truyền giáo đạt kết quả, cần khẳng định lại việc kiêng thịt ngày thứ Sáu, và đi xa hơn một bước nữa: kiêng luôn cả tôm cá. Tại đây còn một chi tiết nữa rất đáng suy nghĩ: Người lương giữ chay không do luật buộc mà do tự phát nguyện. Thánh Phaolô cũng từng phát nguyện như thế: “Phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô! Vì thế, nếu của ăn mà làm cớ cho anh em tôi sa ngã, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho anh em tôi sa ngã” (1Cr 8,12-13).

Vấn đề chính yếu ở đây là cần chia sẻ quan niệm về chay tịnh của phương Đông là tôn trọng sinh mạng của muôn loài. Không phải là chay trường, chỉ cần giữ tất cả các ngày Thứ Sáu, mỗi tháng được bốn ngày, cũng bằng ba mươi, mùng một, mười bốn và rằm cộng lại.

Trong bài "Những nẻo đường hồn nhiên của Tin mừng - 9" giới thiệu trên mạng internet đầu năm 2010, tôi đã kể về kinh nghiệm chay lạt của bản thân tôi. Qua kinh nghiệm ấy, tôi hiểu tại sao người ta quý chay lạt. Những người đã phát nguyện ăn chay trường khó mà từ bỏ điều ấy để theo Kitô giáo. Những người chưa qua kinh nghiệm chay trường ít lâu, khó hiểu được rằng người giữ chay lạt cảm nhận sự thanh cao của nó và quý trọng chẳng khác nào người tu sĩ Công giáo cảm nhận và quý trọng ơn độc thân khiết tịnh.

Với kinh nghiệm ấy, tôi nhận ra một lý do hệ trọng lý giải tại sao ngày nay không còn hiện tượng người Việt theo Kitô giáo ồ ạt như mấy thế kỷ đầu của cuộc truyền giáo. Xưa kia người dân ồ ạt tin theo Đạo Chúa, vì nhận thấy ở đó những giá trị cao cả mà văn hóa cổ truyền không sao sánh được. Ngày nay anh chị em lương dân từ chối theo Đạo Chúa cũng vì lý do tương tự. Họ khám phá và xác tín sự cao quý của chay lạt cùng những hiệu quả tự nhiên và tâm linh phát xuất từ chay lạt: sự hiếu hòa, lòng từ bi nhân ái, sự từ bỏ, một thân xác và tâm hồn thanh tịnh, sự hòa hợp với thiên nhiên đã khơi nguồn và thấm sâu vào tâm hồn họ nhờ chay lạt. Họ xác tín không phải do xưa bày nay làm nhưng với những sách vở và chứng nghiệm rất rõ theo khoa học. Lập luận hết sức đơn giản: Tại sao phải bỏ một con đường có những giá trị cao cả như thế để đi theo một con đường thiếu vắng những giá trị ấy?

Tôi viết bài này không phải để đề nghị các Bề Trên trong Giáo hội buộc giáo dân ăn chay lạt. Sự thành công và thuyết phục của chay lạt chính là ở chỗ nó không hề là một luật buộc nhưng là một giá trị cuốn hút. Do đó điều tôi khao khát là thấy Giáo hội nhiệt liệt cổ võ cuộc chay đua áp dụng chay lạt cùng lúc với sự cổ võ sống tinh thần nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục, để lấy tình yêu hữu hạn của ta đền đáp Tình yêu vô cùng của Thiên Chúa. Cổ võ chứ không buộc. Cổ võ để mỗi người tự buộc lấy mình bằng sự phát nguyện. Phát nguyện là tự cam kết với lòng, với Đấng mình tin tưởng; riêng đối với Kitô hữu, phát nguyện là tự lòng mình cam kết với Chúa.

Ở đây ta thấy có hai hướng sư phạm khác nhau: bó buộc và mời gọi, với kết quả rất chênh lệch: tối thiểu và tối đa. Một bên là ngọn đèn leo lét phụt tắt trước chút gió nhẹ, một lên là ngọn lửa bừng cháy, càng gặp gió mạnh càng bốc cao. Không chỉ chênh nhau về mức độ, bên này so với bên kia còn vượt hẳn lên một bình diện mới. Một bên dừng lại ở câu hỏi luân lý: điều gì được phép và điều gì không? Một bên vươn tới câu hỏi hướng thần: điều nào đẹp lòng Chúa hơn?

Hiểu như thế, ta có thể đem áp dụng vào đây lẽ khôn ngoan của vị nữ Tiến sĩ Hội thánh đang được dọn mừng kỷ niệm 500 năm ngày sinh (1515-2015) là Thánh nữ Têrêxa Chúa Giêsu. Theo ngài, lộ trình tâm linh của người Kitô hữu có bảy bước, với sáu mục tiêu có tính giai đoạn, trước khi đạt tới giai đoạn bảy với mục tiêu cuối cùng là được hiệp nhất với Thiên Chúa trong tình yêu. Trên lộ trình ấy, khi đạt tới giai đoạn thứ ba là sự hoàn thiện luân lý, đừng tưởng đó là đỉnh cao nhất để khỏi dừng lại rồi bị thụt lùi thê thảm.

Tân phúc âm hóa là dậy men, là tỏa sáng. Người ta nhận lấy chất muối, chất men, chất sáng Chúa ban rồi quảng đại chia cho người khác. Cả nhận và cho đều là tự nguyện, chứ không có gì bó buộc. Xã hội bó buộc và biến con người thành ấu trĩ; chính vì thế xã hội đã thất bại đau thương. Tôn giáo mà đi theo con đường bó buộc, kết quả cũng sẽ không khác mấy.

Như thế, đặt vấn đề tân phúc âm hóa cũng là đặt lại vấn đề sư phạm trong Hội thánh Công giáo: Ta sẽ không chọn sư phạm bó buộc của luân lý nhưng chọn sư phạm mời gọi của Tin mừng: “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn... Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mt 19,17.21). Vâng, nếu bạn muốn. Nếu bạn muốn, hãy phát nguyện, hãy cam kết như các tu sĩ hoan hỉ hiến hết đời mình cho ba lời khuyên Tin mừng, và nhờ đó mọi người nhận ra chỉ một mình Chúa Giêsu Kitô đáng cho ta yêu hết dạ hết lòng và trên hết mọi sự.

Tôi không chờ đợi những quyết định của các Bề Trên trong Giáo hội nhưng chờ đợi sự hưởng ứng của chính bạn, người đang đọc những dòng này. Càng có thêm những Kitô hữu biết nhìn nhận và thể hiện những giá trị cao quý sẵn có của anh chị em ngoài Kitô giáo, những anh chị em ấy sẽ mở rộng lòng với những giá trị cao quý gấp bội của Tin mừng.

Ước mong các đồng đạo trẻ của tôi, cách riêng là những người tận hiến trẻ, sẽ nhập cuộc nghiên cứu vấn đề này, không chỉ trên giấy bút nhưng trước hết bằng thực nghiệm bản thân. Rồi các bạn và tôi, không những chúng ta sẽ gặt hái được những ích lợi phần xác và phần hồn cho chính mình mà còn được đón nhận cả những linh hồn tuyệt vời của các anh chị em lương dân của chúng ta nữa.