50 NĂM THỜ CÚNG TỔ TIÊN - Chia sẻ 38
CẦN XÉT LẠI NGÀY THÁNG MỪNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Rồi tháng Mười Một cũng đã trôi nhanh và ngày 24-11 Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng đã qua. Có ngày mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam thì thật tuyệt vời, nhưng lịch mừng ngày 24-11 thì thật trớ trêu và bất lợi. Đã 25 năm rồi, chưa năm nào Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được mừng trọng thể đúng vào chính ngày 24-11, kể cả năm 2013 này, khi ngày ấy trùng vào Chúa nhật. Chúa nhật cuối năm phụng vụ là để mừng lễ Chúa Kitô Vua, cho nên Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam buộc lòng phải cử hành sớm đi một tuần, vào Chúa Nhật 33 Quanh Năm.

Có một điều dễ bị lãng quên, là thông điệp quan trọng đặc biệt của phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa nhật 33 Quanh Năm. Cả ba năm A, B và C Lời Chúa của ngày này luôn tập trung vào chủ đề ngày cánh chung. Quên là dễ hiểu, vì một phần tư thế kỷ rồi, người Công giáo Việt Nam không còn biết đến Chúa nhật 33 Quanh Năm nữa.

Mỗi năm 365 ngày chỉ có một ngày để nói về sự cùng tận của lịch sử nhân loại, nhưng từ 25 năm qua người Công giáo Việt Nam không còn được nghe và suy ngẫm về điều ấy, đang khi văn minh vật chất ra rả 24/24 giờ dạy họ bám lấy hạnh phúc đời này như sẽ chẳng bao giờ phải chết.

Ngày 24-11 được chọn làm lễ kính CTTĐVN là để ghi nhớ ngày thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, nhằm gián tiếp khẳng định lòng trung thành của giáo đoàn Việt Nam với Tòa Thánh Phêrô, thế nhưng suốt 25 năm qua có mấy ai đã nhắc đến ý nghĩa này? Ngay cả Đại Hội Dân Chúa mừng 50 năm Hàng Giáo Phẩm Việt Nam hình như cũng không quan tâm gì đến (Xem bản đề cương “Giáo Hội tại VN”). Đang khi đó ngày mừng lễ vào 24-11 hết sức bất tiện cho Dân Chúa tại Việt Nam. Hơn 25 năm đã qua, mọi người đã quá rõ là không gì lay chuyển được tấm lòng trung thành của Giáo Hội Việt Nam đối với Tòa Thánh Phêrô. Việc khẳng định sự trung thành ấy bằng ngày 24-11 có còn cần thiết không?

Năm nào, việc kính trọng thể Lễ CTTĐVN cũng lấn mất chỗ của Chúa Nhật 33 Thường Niên. Chúa Nhật này không mang tên một ngày lễ riêng nhưng có đặc điểm là các bài đọc luôn nói về mầu nhiệm cánh chung. Đã 25 năm qua, giáo dân Việt Nam không còn được nghe giảng về cánh chung. Nếu chúng ta cứ tiếp tục mất cơ hội nói về cánh chung, chúng ta cũng mất mát rất nhiều trong đời sống tâm hồn của tín hữu. Cần đặt nặng câu hỏi liệu việc mừng trọng thể Lễ CTTĐVN vào Chúa Nhật 33 Thường Niên có gián tiếp gây phản tác dụng? Cần nhớ rằng những lý do đưa đến việc ban hành huấn thị Ex quo singulari năm 1742 rất nghiêm túc, không dừng lại nơi chuyện thắp nhang hay không thắp nhang nhưng chạm đến những sự thật về cánh chung học và cứu chuộc học.

Trước lễ phong thánh, Giáo Hội Việt Nam có một tháng kính CTTĐVN: Tháng 9. Sau lễ phong thánh, tháng này biến mất không kèn không trống. Nhưng phải hỏi xem, trong tâm tư một giáo dân, tháng 9 ấy và ngày lễ 24-11, bên nào có âm hưởng sâu xa hơn? Để lập lại tháng 9 ấy, cần chuyển lễ CTTĐVN về lại một Chúa nhật của tháng 9. Chúa nhật thứ nhất gần với lễ Quốc khánh, có thể gặp phải những hiểu lầm tế nhị nào đó ở một số địa phương hẻo lánh, cho nên xin được đề nghị chọn ngày lễ này sao đó để có thể mừng trọng thể vào Chúa nhật thứ hai của tháng Chín, trước lễ Suy tôn Thánh giá Chúa.

Nếu chúng ta không thể xin thay đổi ngày lễ CTTĐVN trong lịch phụng vụ toàn cầu, ít ra cần xin một biệt lệ là mừng trọng thể lễ ấy trên lãnh thổ Việt Nam vào Chúa Nhật thứ hai tháng 9. Mừng lễ vào đầu tháng 9, không chỉ để khỏi lấn mất giáo lý cánh chung của tháng 11, nhưng còn để đem lại ánh sáng phục sinh cho nỗi buồn tháng 7 âm lịch của người Việt.

50 NĂM THỜ CÚNG TỔ TIÊN - Chia sẻ 39
MƯỜI BÀI TÂM CA MÙA BÁO HIẾU

Tôi đã đề xuất ngày truyền thống các dòng họ để dễ gặp gỡ anh chị em lương dân và giúp họ hiểu giáo lý đạo Chúa. Điều ấy chỉ thiết thực với những ai ở gần nhà thờ, những người ở xa xôi thật khó. Như tại giáo phận Qui Nhơn chúng tôi, tỉ lệ người Công giáo chỉ chiếm 1,8% dân số, khắp ba tỉnh chỉ có hơn 50 ngôi nhà thờ, cả những người Công giáo lắm khi cũng sống rất xa nhà thờ. Vậy thì phải làm sao đây?

Những ai trong quý độc giả thường đi xe đò, hẳn đã có lần được tặng sách báo và băng đĩa Phật giáo. Tôi đã nhiều lần thấy người ta tặng sách và đã hai lần nhận sách. Một lần có vẻ tình cờ, người ngồi bên cạnh tôi đọc một quyển sách song ngữ của Hòa thượng Tịnh Không, tôi hỏi chuyện và người ấy tặng luôn quyển sách. Lần kia là một phụ nữ mặc áo lam, đem theo một giỏ xách đầy những đĩa CD và những cuốn sách mỏng. Bà lớn tiếng giới thiệu và tặng cho bất cứ ai muốn nhận. Tôi xin hai đĩa, một có tựa đề “Tại sao phải tu theo Đạo Phật” và một có nội dung bảo vệ sự sống.

Mỗi lần dạy giáo lý, tôi thường đi in bài ở quầy photocopy của một thiếu nữ khuyết tật rất vui vẻ và quảng đại. Thỉnh thoảng, khi nội dung bài giáo lý dễ đọc, tôi tặng cho cô một bản. Có lần thấy trên bàn một chồng sách mỏng hướng dẫn cách tụng kinh niệm Phật trong các dịp cúng giỗ, tôi hỏi thăm thì được cô tặng luôn một bản. Thật bất ngờ, tên người “ấn tống” ghi ở cuối, không ai khác hơn là chính cô ấy. “Ấn tống” là thuật ngữ chuyên môn có nghĩa là đóng góp để in sách Phật giáo và phát hành miễn phí.

Nhân một mùa Vu Lan, nhận được một CD thuyết pháp về “báo hiếu”, tôi đã tặng đáp lễ một CD mười bài “cầu cho cha mẹ” của nhạc sĩ Phanxicô Nguyễn Đình Diễn. Phản hồi tích cực từ người bạn Phật tử ấy khiến tôi nghĩ đến việc phát hành rộng rãi CD của anh Diễn. Mười bài ca đã khiến nhiều phụ huynh rơi lệ và đã giúp nhiều bạn trẻ quyết sống tốt lành để đáp đền nghĩa mẹ tình cha, tự nó sẽ có sức lan tỏa vượt khỏi hàng rào các giáo xứ. Tôi trao đổi với một cha phó ở miền quê, anh đề nghị nên chèn vào giữa các bài hát một vài lời ngắn về Đạo Hiếu theo quan điểm Công giáo. Tôi viết năm lời giới thiệu chèn vào CD và tặng thử. Một số giáo dân lại đề nghị phải cho thêm hình, để người ta vừa nghe nhạc vừa xem hình ảnh.

Quả là một gợi ý hết sức hay. Một CD mười bài hát cầu cho cha mẹ, có lời dẫn về Đạo Hiếu, lại kèm thêm cả hình ảnh người Công giáo đang thắp hương cúng lễ gia tiên, sẽ len lỏi vào mọi ngõ ngách để nói cho người lương hiểu giáo lý Công giáo về Đạo Hiếu. Tôi gọi cho nhạc sĩ Phanxicô. Anh đồng ý cho tôi thực hiện. Lúc ấy trên mạng Dũng Lạc đã có mấy bài được anh Xuân Minh làm thành slideshow. Tôi liên lạc với anh Minh và anh nhận lời làm thêm mấy bài. Một nhiếp ảnh gia ở giáo xứ Tân Phước, Sài Gòn, là anh Phong nhận làm giúp những bài còn lại. Sau bốn tháng, tôi đã có được DVD mong đợi với tựa đề: “Tâm ca mùa báo hiếu”. Cả bà con người giáo và người lương đều rất thích.

Hy vọng trong dịp kỷ niệm 50 năm áp dụng huấn thị về Tôn kính Tổ Tiên, nhạc sĩ Phanxicô sẽ chính thức xin lại giấy phép xuất bản đĩa nhạc này để phát hành rộng rãi trong mọi thành phần lương, giáo.

Ước gì sẽ có đông đảo anh chị em giúp ấn tống hoặc mua tặng cho bà con lương dân nhân dịp đám giỗ, đám tang, đám cưới, mùa Vu lan, Giáng sinh hoặc Tết Nguyên đán. Nếu các linh mục và cả giáo dân không có dịp gặp gỡ những người ở xa để hóa giải thành kiến “theo Đạo bỏ Ông bỏ Bà” thì DVD Tâm Ca Mùa Báo Hiếu sẽ làm thay. Khi mỗi gia đình Công giáo đều quan tâm mua DVD này tặng cho những gia đình lương dân mình quen rồi chú tâm cầu nguyện cho họ thì có thể nói chương trình mỗi gia đình một tiểu tổ truyền giáo đã khởi sự cách nhẹ nhàng.

50 NĂM THỜ CÚNG TỔ TIÊN - Chia sẻ kết thúc
THƯ GỬI NGƯỜI EM CHỦNG SINH:
NHỮNG GÀU NƯỚC VÀ TRẬN MƯA TẦM TÃ

Tôi đã tự hỏi nên chăng phải viết đủ 50 bài để đánh dấu cuộc kỷ niệm 50 năm? Tuy nhiên đó là một kiểu tạo thành tích không nên có, vì e rằng chẳng còn dành chỗ cho ai đóng góp ý kiến. Xin được dừng lại với bài này và mong sẽ nhận được nhiều bài tương cầu tương ứng, như bài đóng góp của tác giả Mạc Tường ở chia sẻ 27, để không chỉ đạt tới tổng số 50 mà cả tới 100 và hơn nữa. Cách riêng tôi mong nhận được phản hồi của những người em chủng sinh từ mọi ngõ ngách của Đất nước và Giáo hội.

Này em chủng sinh, tôi viết những dòng này cho em trong đêm canh thức giã từ một nhà đào tạo là cha Phêrô Đặng Xuân Thành, giám học Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội. Cha bị đột quỵ sau khi vừa tan buổi học, hôn mê mấy ngày rồi được về với Chúa hôm 27-11 và sẽ an táng vào sáng mai, 02-12-2013. Có thể em đã từng thụ giáo với cha qua các lớp học, qua các tuần tĩnh tâm hoặc qua sách vở do cha biên soạn hay dịch thuật. Vị linh mục 60 tuổi này để lại một tấm gương sống âm thầm, giản dị, vui tươi, chuyên cần cầu nguyện, hiếu học, quảng đại phục vụ, trung thực và quả cảm sống theo những gì mình giảng dạy.

Ngót 32 năm làm linh mục triều, cha chưa một ngày coi xứ, chưa làm một nhà nguyện nhỏ nào, nhưng có lẽ những đóng góp của cha cho Giáo hội Việt Nam đáng quý hơn cả trăm cả ngàn ngôi nhà thờ, bởi lẽ cha đầu tư toàn bộ đời linh mục của mình để đào tạo người cho Giáo hội.

Cũng vậy, có thể Chúa sẽ không dành cho em trách nhiệm trong một cơ sở đào tạo nhưng chắc hẳn Chúa chọn em làm linh mục không vì mục đích nào khác hơn là rao giảng Tin mừng cho đồng loại và đưa họ về với Chúa. Thánh Gioan Thánh giá quả quyết rằng chỉ một linh hồn người ta thôi đã đáng quý hơn tất cả vũ trụ này. Em hãy khắc ghi điều ấy để loại hẳn khỏi tâm trí mọi ý tưởng vẽ vời khiến em lệch khỏi lý tưởng cứu rỗi các linh hồn. Hãy ghi khắc để khi được nên người của Chúa, em sẽ không phí phạm năng lực tuổi trẻ linh mục của mình vào việc xây cất cơ sở vật chất. Ma quỷ luôn tìm cách dùng những điều tốt giả hiệu để cầm chân, khiến ta hoang phí tâm huyết vào những điều phù phiếm, không còn lắng nghe và thực hiện ý Chúa nữa. Ngay ngày đầu mùa Vọng hôm nay, Hội thánh gửi đến các linh mục và tu sĩ của mình, qua bài đọc I giờ Kinh Sách, lời cảnh cáo nghiêm khắc của sách Isaia: “Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương, Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sa-bát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạt linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa” (Is 1,13-14). Hội Thánh muốn chúng ta đọc lại những lời ấy không phải để nghĩ về những người thời Isaia nhưng để nghĩ về chính bản thân chúng ta.

Trong bài giảng lúc 7 giờ tối nay, trước quan tài cha Phêrô Đặng Xuân Thành, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh chuyển từ lời kêu gọi tỉnh thức của Mùa Vọng sang lời kêu gọi truyền giáo. Ngài nhắc lại nhận định của một viên chức nhà nước: “Người Công giáo quý vị giỏi xây cất  nhà thờ nhưng không giỏi truyền giáo như người Tin lành” và nhận định khác của một số anh em Tin lành: “Người Công giáo không thật sự yêu Chúa Kitô. Họ không dám chết vì Chúa và không dám nói về Chúa. Người Công giáo chỉ lo cho người ta về cơm áo, thuốc men, còn người Tin lành cho người ta chính Chúa Giêsu”.

Nhũng lời ấy có lẽ chỉ đúng với người Công giáo Việt Nam chứ không đúng với người Công giáo Nam Hàn. Năm 1950, tại Hàn Quốc, cả Tin lành và Công giáo cộng lại chỉ mới được 1% dân số. Năm nay người Tin lành đã lên khoảng 28% và người Công giáo khoảng 10% dân số. Năm 1950 người Công giáo Việt Nam chiếm khoảng 8% và năm 1963 khoảng 10% dân số. Hiện nay con số lạc quan nhất là 7%.

Thời Êlia, Dân Chúa vẫn chai lì sau ba năm rưỡi hạn hán, khiến vị ngôn sứ phải thốt lên: “Các ngươi còn đi nước đôi đến bao giờ?”. Ngày nay chúng ta hứng chịu cơn hạn hán đã tròn nửa thế kỷ mà vẫn bình chân như vại. Ta vẫn còn cứ say sưa với những hình thức hào nhoáng bên ngoài. Bao giờ ta mới can đảm dứt bỏ những Baal của tự hào, khoa trương, chiếm hữu, cầu an và hưởng thụ để quay về với Thiên Chúa hằng sống, Đấng vô cùng giàu sang phú quý mà đã trở thành nghèo khó vì ta?

Giáo hội Công giáo Nam Hàn hiện đang theo đuổi kế hoạch 20-20, nghĩa là quyết tâm hành động để năm 2020 số người Công giáo sẽ đạt tới 20% dân số.

Em nghĩ liệu Giáo hội Việt Nam chúng ta còn có thể bắt kịp họ chăng? Theo tôi, nếu chúng ta dám buông bỏ những dự phóng to lớn mang tính nhân loại để chuyên chăm làm theo những gợi ý nhỏ của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày, Ngài sẽ ban chúng ta ơn ấy, nếu không ở năm 2020 thì ở năm 2033 khi chúng ta mừng kỷ niệm 500 người Việt đón nhận Tin mừng. Nếu chạy theo những kế hoạch loài người, mãi mãi ta chỉ hứng được những giọt sương, còn nếu theo đuổi gợi ý của Thiên Chúa, ta sẽ được ngụp lặn trong nguồn suối dạt dào (Thánh Âu Tinh, xem bài đọc 2 Kinh Sách, Thứ Ba tuần 34 Thường niên). Chạy theo kế hoạch nhân loại, ta sẽ vất vả kéo từng gàu nước giữa cơn hạn hán. Làm theo gợi ý của Thiên Chúa trong giây phút hiện tại, ta sẽ nhận được cơn mưa tầm tã. Không phải tôi quả quyết với em điều ấy nhưng là Thánh nữ Têrêxa Avila, bậc thầy trong Hội thánh về đời sống tâm linh và đời sống hoạt động mà chúng ta sắp mừng 500 sinh nhật vào năm 2015 tới đây. Tôi thoáng thấy cơn mưa đang chờ đợi khi nhận ra rằng Việt Nam cũng có sẵn con đường để thoát khỏi cái mệt mỏi của nỗ lực truyền giáo lẻ tẻ từng người và chuyển sang cung cách hành động mới: tập thể loan Tin mừng cho tập thể. Ở Nam Hàn, người ta loan Tin mừng từ gia đình đến gia đình. Ở Việt Nam, nếu ta biết nhập cuộc kịp thời, Chúa sẽ cho ta cơ hội loan Tin mừng khởi đầu từ những người cùng dòng họ, họ nào truyền giáo cho họ nấy.

Và em biết không, để đạt mục tiêu đã đề ra, Hội thánh tại Hàn Quốc tập trung đào tạo các ngành giới trong Dân Chúa theo định hướng ấy, nhưng cách riêng là tập trung đào tạo các chủng sinh. Mục tiêu các chủng viện của họ không phải là đào tạo những chuyên viên coi xứ nhưng là đào tạo những nhà truyền giáo.

Em hãy tự đào tạo, đúng hơn, hãy để Chúa Thánh Thần đào tạo em thành nhà truyền giáo. Ngay từ hôm nay, em hãy tha thiết cầu xin Thiên Chúa Ba Ngôi ban cho một tâm hồn truyền giáo. Hãy xin, Chúa sẽ không chối từ. Hãy ngỏ lời với Mẹ Maria, Ngài sẽ ủng hộ em. Niềm ước mơ của em trên ghế chủng viện sẽ định hướng cả đời linh mục của em. Cha Thành đã như thế, tôi cũng thế và em rồi cũng thế.

Cha Phêrô Đặng Xuân Thành lên đường theo Chúa năm 1965, khi 12 tuổi (12 tuổi ta – tuổi tây là 11). Còn hết sức bé, so với em ngày nay.

Còn tôi, năm 1960, khi đã 14 tuổi. Cả bên nội và bên ngoại tôi đều đã theo Chúa từ nhiều thế hệ. Ngày tôi còn bé, toàn bộ gia tộc hai bên nội ngoại định cư ở gần trung tâm thị xã Tuy Hòa, miền Trung. Chỉ riêng có bác Thân tôi ở cách khu trung tâm 3 km về phía Bắc. Bác không theo Công giáo nhưng xuất phát từ cùng một huyện ở quê tôi và lại mang cùng họ, cho nên cha tôi và các chú tôi nhận bác làm anh. Gia đình bác là một gạch nối để tâm hồn trẻ thơ của tôi tiếp cận với thế giới người lương cách thân thương và kính trọng. Nhờ đó, ngay từ những ngày đầu vào Tiểu chủng viện (lớp Sáu ngày nay), tôi đã mơ làm sao chia sẻ Tin mừng cho đông đảo người lương tại xã và huyện quê nhà của tôi, cách riêng là cho những người cùng dòng họ. Khi Hội Đồng Giám Mục miền Nam Việt Nam ra thông cáo 1965, tôi mới học xong lớp Đệ Tam (lớp Mười ngày nay). Vào năm học tiếp đó, cha Phêrô Hoàng Kym, nay là Tổng đại diện Giáo phận Qui Nhơn, đã giải thích cho lớp chúng tôi nội dung thông cáo ấy.

Năm tôi học lớp dự bị của Giáo Hoàng Học Viện thì Đức Cha Kontum ngày nay đang là thầy Micae Hoàng Đức Oanh của lớp sắp ra trường. Một hôm ngài đưa cho tôi mấy trang giấy đánh máy và bảo:

- Chú đọc và sửa văn giúp anh, sao cho người lương nghe qua là hiểu ngay.

Tôi còn nhớ rõ đó là bản văn Tin mừng theo Thánh Luca kể chuyện Đức Mẹ đi thăm bà Êlisabét.

Rồi tôi được mời tham dự buổi suy tôn Lời Chúa ngoài trời của ngài dành cho bà con cả lương lẫn giáo tại khóm Đông Tĩnh, Hà Đông, Đà Lạt. Mục tiêu cử hành buổi ấy là để giúp người dân suy tư, đi từ việc tôn kính Ông Bà Tổ Tiên đến việc kính thờ Thiên Chúa. Niềm ước mơ của cậu tiểu chủng sinh kia giờ đây được Giáo hội đẩy vào một định hướng thật rõ...

Về sau tôi đọc thấy trong quyển “Bảy thói quen giúp bạn trẻ thành đạt” lời khuyên của tác giả của Sean Covey: “Hãy định rõ mục tiêu trong đầu trước khi bắt tay vào việc”. Chính gia đình, lớp giáo lý, đoàn thể thiếu nhi Công giáo rồi Tiểu chủng viện đã được Chúa Thánh Thần dùng để giúp tôi khẳng định ngay từ đầu mục tiêu đơn giản của ơn gọi là tôn vinh Danh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Với ý thức ấy, tôi đã háo hức suốt cuộc hành trình hơn 50 năm của đời tận hiến và ngót 50 năm được đồng hành với niềm thao thức của Hội thánh qua việc áp dụng huấn thị “Plane compertum est”.

Hôm nay tôi cũng ước mong được nhìn thấy em, người chủng sinh yêu dấu của Chúa, khắc sâu chọn lựa của mình vào tâm trí: chọn lựa Chúa Kitô cùng với nỗi khắc khoải cứu rỗi các linh hồn dù bằng con đường hẹp của Ngài, để rồi 50 năm nữa khi tổng kết hành trình ơn gọi, em nhận ra rằng một khi ta đã miệt mài tìm kiếm Chúa, Chúa sẽ làm cho cả những đóng góp vô nghĩa nhất của ta nở hoa.

Em hãy định rõ trong tâm trí điều Chúa đang mong chờ em và hãy để chính Chúa trang bị em cho công cuộc của Ngài.

Viết xong tại nhà xứ Nam Hải, giáo phận Sài Gòn,
rạng sáng ngày 02-12-2013.

Linh mục Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

 


Các Bài Thơ Của Nhiều tác Giả