GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014

BẢN TIN 10

 

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Trong niềm vui mùa Phục Sinh, chúng tôi xin giới thiệu 7 truyện dự thi mới của Giải Viết Văn Đường Trường 2014. Xin mời quý độc giả cùng theo dõi, đánh giá và tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

Quý độc giả có thể gửi phiếu bình chọn ngay sau từng đợt bài được giới thiệu. Khi đọc các truyện ở các đợt tiếp theo, nếu thay đổi ý kiến, có thể gửi phiếu bình chọn mới. Chúng tôi sẽ tính theo phiếu gởi sau cùng của mỗi người. Xin gửi cùng lúc về 2 điện chỉ email: tinmunggiesu@gmail.com và gopnhattho@yahoo.com.

Nếu quý độc giả phát hiện bài dự thi nào sao chép, copy ý tưởng, hoặc chỉ là phóng tác từ một tác phẩm khác đã công bố, xin vui lòng cho Ban Tổ chức được biết.

Xin chân thành cám ơn các trang truyền thông Công giáo đã và đang hỗ trợ truyền bá chương trình này, cám ơn quý tác giả đã gửi bài tham gia và cám ơn quý độc giả đang quan tâm theo dõi cuộc thi. Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót chúc lành cho tất cả chúng ta.

 

Qui Nhơn, ngày 01-5-2014

Thay lời Ban Tổ chức

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

 

 

BÀI DỰ THI

 

Mã số: 14-072

CON LÀ KI TÔ HỮU

Đoàn tàu bắt đầu lăn bánh, tôi gắng xoay người nhìn lại người thân, nhìn lại ngôi thánh đường Tuy Hòa chỉ còn tháp chuông đang khuất dần. Cũng như bao lớp anh chị, tôi cũng đến tuổi phải xa quê hương mà đi đến một quê hương thứ hai để học tập. Ngồi thừ ra ghế, nỗi buồn cứ ập đến không ngừng. Đoàn tàu đi mỗi lúc một nhanh hơn, nó khiến lòng tôi nặng trĩu. Vừa về nhà từ chuyến tham dự Lễ Trao Giải Đường Trường, tôi lại phải gấp rút đến xứ khác. Từng tiếng thở dài mệt mỏi, tôi nghĩ đến đề tài dự thi năm sau để xua đi nỗi buồn. Tôi cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi nhưng đầu tôi hoàn toàn trống rỗng đi. Tàu đi được ba tiếng thì ngừng lại ở ga Nha Trang, Từng đoàn người bước lên tàu, vì bên tôi còn trống một chỗ nên tôi nghĩ sẽ có người ở Nha Trang lên. Bỗng có một người phụ nữ tầm ba mươi, tay xách nách mang, còn bế theo một đứa bé chưa đầy một tuổi. Thấy thế, tôi vội vàng chạy tới giúp cô xách hành lý.

- Cô ngồi ghế nào ạ?

- Cô ngồi ghế 45. Cảm ơn con đã giúp cô.

- Dạ. Cô ngồi sát bên con đấy ạ.

Cô mỉm cười gật gù. Ngồi yên lại ghế, tôi bắt chuyện cùng cô.

- Cô ở Nha Trang hả cô? Giờ cô đi đâu?

- Đúng đó con. Cô đi Sài Gòn, chồng cô đang công tác ở đó. Cô vào thăm chú. Ở nhà buồn lắm, lại thêm mấy người hàng xóm, nghe mà nhức cái đầu.

Tôi không ngờ rằng, bắt đầu từ đây, tôi và cô có những mâu thuẫn lớn với nhau. Tôi hỏi:

- Hàng xóm, nhức đầu là sao cô.

- Ờ thì… Cô ở trong cái xóm gần nhà thờ, cái xóm đó người ta hay xưng mình là Kitô hữu gì đó. Tối nào cũng đọc kinh trước cái tượng Bà nào đó ở giữa xóm, hết đọc rồi hát, sáng đọc, tối đọc, nghe mà nhức cả cái đầu. Cô ghét lắm. Thấy mà khó ưa.

Nghe đến đó, tôi ngẩn người, cô ấy không biết rằng, tôi cũng là Kitô hữu. Nhưng tôi cố hỏi thêm, không ngờ mọi chuyện lại xảy ra thậm tệ hơn:

- Cô ơi, theo con biết, người Kitô hữu, hay còn gọi là người Công Giáo, thì tốt bụng lắm, sống theo lời Chúa dạy. Thánh ca của Công Giáo hay lắm đó cô. Mà sao cô lại ghét?

- Con còn nhỏ, để cô nói cho con nghe. Mấy cái người đó ham vui, thích tụ họp thôi. Chứ cái tâm, thì người ta ác lắm.

Cô bỗng đổi giọng nói to hơn, dường như cả toa tàu cùng nghe, có mấy người đàn bà ngôi gần đó, cũng gật gù đồng ý, có người còn nói thêm cùng cô. Tim tôi như đập loạn nhịp, mắt hoa cả đi. Không mở miệng nói được lời nào. Khi lại có người nghĩ không tốt về Đấng về Đạo mà tôi hằng tôn thờ. Cái giọng của cô mỉa mai, bốp chát:

- Mấy người biết không, người bình thường mua đồ đẹp về để tết mặc, hay đi dự tiệc mới mặc. Còn cái người Công Giáo hả, chủ nhật nào cũng mặc, hết đầm hết váy, rồi áo dài. Cái con mẹ sát bên nhà tôi, chiều chủ nhật nào cũng diện cái áo dài tới nhà thờ. Không biết làm cái gì nữa, đi qua đi lại, thấy mà phát ghét, toàn là cái dạng khoe của chưng diện cả thôi. Hèn gì cái xóm của tôi, có cái nhà nào giàu nổi đâu, tiền cứ đi diện đồ thì nghèo cũng phải. Một người đàn bà khác nói:

- Chưa hết đâu chị, mấy người Công Giáo nha. Ăn chay thì ăn ít, năm ăn chay có hai lần à. Còn tụi mình thì một tháng ăn chay tới hai lần. Đã thế, hàng năm còn bày vẽ ra biết bao nhiêu là lễ lạc, cái chủ yếu là ăn nhậu thôi. Người đàn bà đối diện lên tiếng:

- Mấy cái người đó tính cách cũng không tốt đâu bà ơi. Lúc nào cũng tỏ ra đạo hạnh nhưng ác lắm. Muốn theo đạo thì phải không được thờ ông bà, không cho ăn đồ cúng, rồi có tội phải đi rửa tội hàng tuần. Lấy vợ lấy chồng, nó ép theo đạo nó luôn. Rồi được cái gì, vẫn nghèo thôi. Một người khác lên tiếng:

- Nè em, đó là chưa tính tuần nào cũng đi nhà thờ, có lễ gì quan trọng là phải đi, đang làm ăn cũng đi, đang buôn bán cũng dẹp. Đạo gì mà ngu muội thế không biết.

Thế là hơn cả nửa toa tàu đem chuyện đạo Công Giáo, người Kitô hữu ra mỉa mai, lên án. Chẳng khác nào nói tôi theo tà đạo. Tôi muốn cất giọng lên phản biện, nhưng cuộc bàn tán càng ngày xôn xao. Tôi không thể nào nói lại những con người ngang bướng ấy được. Tôi nhìn ra ngoài, bầu trời, khung cảnh tối đen như mực. Bóng tối bao phủ không thấy cả lối đi. Như tôi bây giờ không còn đường nào để giải thích cho mọi người hiểu. Tôi bất lực chảy cả nước mắt vì tức giận. Tôi muốn đứng phắt lên, la thật to, nói thẳng vào những con người đó. Nhưng lương tâm tôi thì không cho phép. Tôi gục đầu bên toa tàu, miệng cứ lẩm bẩm: “ Lạy Chúa, Lạy Chúa Giê su, xin làm sáng mắt họ”. Lòng tôi quặn lên vì những lời nói đó động chạm đến cha mẹ anh em trong gia đình của Chúa…

Bỗng đứa con của cô khóc lên dữ dội, trời đã quá khuya, tiếng khóc của đứa bé làm cả toa khó chịu. Chắc do sự bàn tán to tiếng nên nó mới khóc như vây. Tiếng khóc làm mỗi người ngày càng khó chịu, cô cuống cuồng ôm ấp đung đưa đứa bé, nhưng đều vô hiệu. Tôi đứng lên, lấy chiếc áo mưa trong vali, trải xuống sàn tàu. Tôi nói:

- Cô ơi, con nhường ghế của con cho cô. Cô lấy khăn trải lên, rồi nằm cùng với em bé, chứ cô ẵm nó hoài, nó không ngủ thoải mái được.

- Con mua vé mấy trăm ngàn, mà phải nằm dưới sàn tàu sao? Đây là khoang ghế gỗ, sàn tàu không được sạch, lại có mùi. Sao con ngủ. Con thật tốt bụng.

- Dạ, con thanh niên mà cô.

Cô nhìn tôi xúc động. Do cô phải trải khăn, đi xin nước nóng pha sữa. Nên tôi tình nguyện bồng em bé. Mọi người xung quanh ai cũng khen lấy khen để, nhưng tôi không vui một chút nào. Chỉ biết gượng cười cho qua. Đứa bé nằm thoải mái trên băng ghế, nó ngủ thật ngon, và không còn khóc nữa. Nằm dưới sàn tàu, mùi hôi bốc lên kinh khủng. Cô ấy cho tôi một mẩu bánh mì, cô cũng chia cho những người xung quanh ăn cùng.

Như một thói quen trước khi ăn, tôi vén tay áo lên cao, hôn lên Thánh Giá trên chuỗi, và làm dấu trước mặt mọi người. Khi thấy hành động đó, mọi người đã phải im lặng. Tôi giật mình vì tôi đang tuyên xưng đức tin ra ngoài. Tất cả nhìn vào tôi.

- Ủa. Con là …là? Cô ấy lắp bắp hỏi tôi.

- Dạ. Con là Kitô hữu. Tôi mạnh dạn nói một cách rõ ràng.

Những người xung quanh tôi đều cúi đầu, không ai nói gì. Tôi thấy đây như là một cơ hội Chúa ban cho tôi. Ngồi dưới sàn tàu, tôi kể chuyện kinh thánh cho hơn mười người nghe. Từ khi Đức Chúa Cha sáng tạo muôn vật, đến khi Chúa Giê su xuống trần chịu chết. Tôi từ tốn chậm rãi, kể chi tiết về cuộc đời Của Ngôi Hai và những lời dạy thiết yếu của Ngài. Mọi người chăm chú, như đang nghe một người kể chuyện thời xưa. Tôi lại tiếp tục giải thích về những ngày lễ quan trọng của Hội Thánh và những bí tích của Ngài. Sau cùng, tôi nói đến cuộc sống của người Kitô hữu. Giải thích cặn kẽ những thắc mắc của từng người như việc thờ cúng ông bà, việc ăn chay hãm mình. . . Có người nói:

- Vậy bỏ làm ăn mà đi lễ nào đó. Thì nghèo miết đó con.

- Dạ không, Chúa biết chúng ta cần gì, và sẽ bù đắp lại sau. Không thiếu gì những người giàu là Công giáo, không thiếu những người thành công là Kitô hữu đâu mọi người. “ Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng” ( Kinh Catina)

Nhìn ra khung cửa sổ, trời bắt đầu sáng dần, tôi đã ngồi nói gần 3 tiếng, từ mười người nghe, đến nửa toa, và cuối cùng là cả toa gần 70 người, người này nói với người kia, người kia thì thầm người nọ. Từng ánh sáng le lói dọi vào, tôi vui mừng hỏi lớn:

- Con nói, có ai tin con không?

- Có chứ, có chứ, ít nhiều gì cũng tin chứ. Không thì cũng thay đổi về cách nhìn của đạo Công Giáo. Mọi người nói.

Vì là toa bình dân nhất, nên không ít những người dân dã vào thành phố để khám bệnh, tôi hỏi:

- Ở đây có nhiều người vào Sài Gòn khám bệnh không ạ?

Hơn nửa toa trả lời, người bệnh này, người bệnh kia, tôi nói tiếp:

- Ở đạo của con có Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giê su, Mẹ rất nhân từ, ai kêu cầu cẩn thiết cùng Mẹ, thì dù có bệnh hiểm nghèo hay lâm cơn hoạn nạn, Mẹ cũng ra tay cứu giúp. Nhất là người ngoại đạo. Cứ xin và tin tưởng thì Mẹ sẽ cho. Mọi người cứ đến nhà thờ, người công giáo chúng con luôn luôn mở rộng cửa cho mọi người đến cầu nguyện.

Nghe thế, có những người gật gù, thì thầm cùng người thân. Có những người nói lớn.

- Đúng đó, tôi nghe về Bà Maria này rồi. Bà ấy linh lắm, ai xin gì, Bà ấy cũng cho.

- Tui nghe nói, Bà Maria hiện ra nữa đó. Một người khác nói.

Tàu đang vào thành phố, cuộc hành trình của tôi gần đến điểm dừng, một quê hương mới đang đón đợi tôi, với nhiều thử thách trong tương lai. Tôi đứng dậy nói:

- Mọi người đừng có ác cảm với Đạo và những người Công Giáo nữa nhé.

Mọi người nhìn tôi cười và gật đầu, tôi về chỗ chuẩn bị hành lý, những người tranh luận đêm qua đến trước mặt tôi.

- Mọi người xin lỗi con nhé. Mọi người đã nghĩ không tốt. Nếu không có con, thì tụi cô đã mắc vạ miệng rồi, tội lỗi lắm đó con.

- Dạ, Không sao đâu ạ.

Tôi nhìn ra cửa sổ, cầu nguyện cùng Ngài:

“ Lạy Chúa, Con cảm tạ Ngài, vì Ngài đã cho con một đêm thật hạnh phúc, khi con đã biết đem Ngài đến với những người ngoại. Dù chỉ hơn một nửa nghe lời con nói, nhưng con lấy làm tự hào khi được làm con Cha. Và cùng Cha vun đắp cho Hội Thánh. Xin Người luôn ở cùng con. Con tôn vinh danh Người đến muôn đời, Lạy Đức Giê su Ki tô Chúa chúng con. Amen. ”

Tàu sắp dừng lại ở bến đỗ cuối cùng, tôi đứng dậy lòng tràn đầy hạnh phúc:

- Con chào tất cả mọi người. Không biết khi nào mới được gặp lại, con chúc sức khỏe mọi người nhé.

Mọi người mỉm cười và chúc lại tôi, có người đến bắt tay, thân thiện như đã quen lâu lắm. Tàu dừng hẳn, cô ngồi bên tôi nói:

- Cô xin lỗi con nhé. Trong Đạo con có làm gì không?

- Dạ. Con chỉ là giáo dân bình thường thôi cô.

- Nhờ đâu mà con lại nói được như vậy?

- Dạ. Nhờ ơn của Chúa ạ.

- Vậy sao con không giận cô và mọi người, còn đối xử tốt với cô nữa?

- Dạ. Vì con là Kitô hữu ạ.

Tôi nhìn quê hương mới của tôi. Lòng đầy băn khoăn. Vừa bước đi, tôi vừa thì thầm. Sợ gì, có Chúa ở bên mà. Cứ tin và tín thác nơi Ngài, thì Ngài sẽ ra tay thôi. Xin Chúa ban cho con ơn can đảm. Không ngại tuyên xưng. “ Con là Kitô hữu”

 

Mã số: 14-073

ĐƯỜNG VỀ THIÊN QUỐC

Tiếng kinh cầu mỗi lúc một sốt sắng hơn, bà lão cầm chặt tôi trong tay như không muốn rời. Miệng bà thều thào theo tiếng đọc kinh của mọi người xung quanh. Bàn tay bà thô ráp cùng với những hơi thở thật khó khăn. Đúng, giờ mà Chúa sẽ đến gọi bà, đã sắp tới rồi.

Tôi là một tràng hạt mân côi bằng gỗ, được bà bà mua về cách đây cũng lâu lắm rồi, Tôi gắn bó với bà đã nửa cuộc đời. Chứng kiến bao thăng trầm của cuộc sống, bà xem tôi như một vật hộ mệnh, bà luôn đeo tôi ở cổ. Một ngày bà dâng lên Đức Mẹ ba chuỗi mân côi thật sốt sắng. Cứ sau mỗi lần như vậy, cả thân thể tôi phát ra một ánh sáng trắng lạ thường, tôi thấy có thiên thần luôn đứng bên bà mỗi khi bà lần chuỗi xong. Tôi với bà cũng đi rất nhiều nơi. Chứng kiến biết bao người hấp hối. Nhưng đây, ngay giây phút này, tôi với bà sẽ trải qua giây phút đó.

Tiếng thở bà khó khăn hơn, tiếng kinh của bà không còn rõ nữa. Những cái nấc từ cổ họng bắt đầu phát ra. Giây phút kinh hoàng sắp đến. Bốn con quỷ từ đâu xuất hiện, nó đứng xung quanh bà, nó nhìn bà bằng một con mắt đáng sợ, tôi cùng bà run lên, bà không còn sức đọc to kinh nữa. Chúng nó lôi tay, kéo chân, miệng cười ha hả. Tay bà siết chặt tôi hơn. “Giêsu – Maria – Giuse, xin Ba Đấng cứu con”. Một luồng sáng xuất hiện ngay giường bà, có hai vị thiên thần hiện đến, tay cầm gươm đánh đuổi bọn quỷ đi xa. Từ trên bàn thờ, Chúa Giêsu và Mẹ Maria hiện đến, trong y phục lộng lẫy, Ngài dang hai tay ra và nói:

- Này con Anna, ta đã cho con sự sống này, con đã sống một đời cho danh Ta. Mọi sự Ta sắp đặt nơi con ở thế gian này đã kết thúc. Giờ đây, Ta truyền cho linh hồn con rời khỏi thân xác này, từ bỏ thế gian mà về cùng Ta.

Nói xong, Ngài biến mất, gương mặt bà nhẹ nhàng hơn, một tiếng thở dài như để lại mọi sự ở thế gian. Đôi mắt nhẹ nhàng nhắm lại, một thứ ánh sáng chiếu xuống người bà. Hai thiên thần giơ tay, đỡ bà ngồi dậy, mặc vào người bà một áo trắng rồi nói:

- Chúng ta đi thôi.

- Đi đâu? Hai người là ai? – Bà sợ hãi lên tiếng.

- Đi gặp Đức Ki-tô. Tôi là thiên thần bản mệnh của bà, còn kia là thiên thần của Chúa đến để dẫn bà đi gặp Ngài. Nào ta đi thôi. Ngài đang đợi…

Bà vội vã bước xuống, nhìn đàn con cháu khóc lóc than van bên giường, bà không cầm được nước mắt. Nắm chặt tôi trong tay, bà khỏe hơn trước, bước đi trong niềm hân hoan. Đúng, chết không là kết thúc, mà là mở ra một hành trình mới. Một hành trình về Thiên Quốc.

Ra khỏi ngôi nhà thân yêu, bà cùng hai vị thiên thần đi một đoạn thì gặp một vầng sáng phía trước, cả ba người cùng bước vào. Và đây, trước mắt tôi là một tòa cung điện lớn. Bà hỏi:

- Đây là đâu.

- Đây là tòa phán xét. Hai thiên thần trả lời.

Được biết là sắp gặp Ngài, nét mặt bà vui tươi, nhưng cũng rất lo sợ danh Thánh của Ngài. Nơi đây, đang có hàng ngàn người xếp hàng, ai cũng mặc chiếc áo trắng dài tới chân, chỉ có điều, có áo người này thì lấm bẩn, người kia thì ngả màu, có người thì rách nát, có người thì vài vết bẩn nhơ, nhưng cũng có người sạch bóng, hầu như không chút vết nhơ. Và bà của tôi cũng nằm trong số đó. Đoàn người xếp hàng dài lần lượt diện kiến Ngài. Sau một thời, bà cũng được bước lên thềm cao tiến vào Tòa Phán Xét.

Thiên thần cầm nến đứng hai bên lối vào, tiếng nhạc trầm hùng vang lên, tạo nên một sự uy nghi kính trọng. Từ đằng xa, Chúa Giê su ngồi trên Ngai vàng, đầu đội triều thiên, tay cầm vương trượng, bên cạnh Ngài có vô số thiên thần đứng hầu, ánh sáng từ Ngài phát ra làm tôi và bà lóa mắt. Bà kinh sợ quỳ xuống.

- Ôi Lạy Chúa, Chúa của con! - Bà bật khóc.

- Nào, hãy ngẩng đầu lên, và xem những gì con làm được nơi dương thế. - Ngài nói.

Một đoạn phim ngắn hiện trước mặt bà, nó kể lại những việc bà đã làm nơi trần thế, từ khi nhỏ đến khi bà lâm bệnh và qua đời. Bà sợ hãi hơn, khi Ngài biết tất cả những việc bà làm, từ những việc nhỏ nhất, đến những sự đau khổ và hy sinh. Ngài nói:

- Con sống đẹp lòng Ta, con đáng được Ta chúc lành.

- Nhưng lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi.

- Những tội lỗi của con đã được Ta tha tội qua ơn Bí Tích Giải Hòa rồi. Nhưng để vào nước Trời, con phải rửa sạch mọi vướng bận ở trần thế ở Luyện Ngục để được tinh tuyền mà thế gian không thể làm được. Bây giờ, con hãy về cùng gia đình con, cuộc phán xét của con đã xong. Khi thân xác con được yên nghỉ, lúc đó con sẽ phải vào cửa luyện hình, đợi đến ngày Ta đến đón con về nước của Ta.

- Con xin vâng lệnh Ngài, Lạy Chúa của con.

Bà cụ cúi đầu đứng dậy và bước vào cửa bên phải tòa phán xét. Có những người phải bước vào cửa bên trái. Nơi đó, có bọn quỷ đang đợi sẵn. Về đến nhà, thân xác bà cụ đã được khâm liệm vào quan tài. Bà đứng nhìn thân xác gầy guộc yếu đuối nằm im trước bàn thờ. Bà đứng bên quan tài, cúi chào từng người thân, từng người bà biết, như chia tay. Và cùng hòa vào lời kinh sốt sắng với mọi người.

Ngày bà phải đi cũng tới. Quan tài bà được nâng lên cao ra khỏi nhà. Bà nhìn lại ngôi nhà yêu dấu, nơi mà bà đã sống cả cuộc đời, biết bao kỉ niệm, biết bao thăng trầm, biết bao hạnh phúc bên con cháu. Ngôi nhà xa dần, bà chảy cả nước mắt. Nhưng đôi chân vẫn bước đi không ngừng.

Thân xác bà được rước vào ngôi thánh đường. Bà quỳ bên quan tài ngước mắt lên bàn thờ, vì đây là thánh lễ cuối cùng bà được tham dự nơi trần thế cùng người thân và trong ngôi thánh đường mà cách đây hơn 70 năm về trước bà được lãnh nhận bí tích rửa tội.

Thánh lễ diễn ra sốt sắng trang nghiêm, không khí tang tóc ngập tràn cả ngôi thánh đường. Khi bước vào phần Thánh Thể, bà thấy cả Cung Thánh rực sáng như một cung điện lớn. Mình Máu Thánh Chúa được nâng lên cao, bà thấy thiên thần cúi sấp mình, tay cầm bình trầm hương nghi ngút, cửa luyện ngục mở ra trước mắt. Từ đôi bàn tay vị chủ tế đang nâng cao Mình Máu Thánh, xuất hiện dòng nước như nguồn ân sủng đổ xuống luyện ngục, những linh hồn đưa tay hứng lấy làm dịu mát đi lửa luyện ngục kinh khủng. Bà kinh hãi sấp mình, vì bà biết mình sắp phải vào chốn ấy. Thánh lễ kết thúc bằng nghi thức tiễn biệt, bốn vị thiên thần đến bên bà, chuẩn bị cuộc hành trình cuối cùng. Bà nhìn lại ngôi nhà thờ yêu dấu, nơi bà đã phụng thờ mấy chục năm. Chân bà bước đi nhanh hơn.

Và nơi bà nằm lại cũng đã đến. Như Thầy đã lến đến đỉnh Can-vê, bà cũng an lòng nơi Ngài. Khi mọi nghi thức đã hoàn tất, thân xác bà được đưa vào nơi lòng đất để trở về cát bụi. Từng dòng người gởi nắm cát, từng người thân òa khóc, bà không cầm được nước mắt nhìn đàn con khôn lớn trưởng thành. Nước mắt của một người mẹ chảy ra để chào những đứa con của bà. Mọi thứ đã xong, đây là nơi yên nghỉ của bà. Bà nhìn đoàn người ra về, và cuối cùng những người thân yêu nhất của bà cũng bước đi. Bà đứng bên thánh giá giơ tay vẫy chào đoàn con. Nước mắt vẫn không ngừng chảy. Bà thì thầm: “Ở lại, sống tốt con nhé, cố gắng giữ đạo cho trọn, mẹ đi trước và sẽ cầu nguyện cho chúng con, nhớ đọc kinh cho mẹ. Hẹn gặp con nơi chính quê Thiên Đàng”. Bà quay mặt đi và nói: “Lạy Chúa, tôi tớ Chúa đã sẵn sàng”.

Các Thiên Thần đưa bà tới cổng Luyện Ngục, ở đây Thánh Phê-rô tay cầm chìa khóa mở cánh cổng và nói:

- Này Anna hãy thanh luyện để trở nên sáng láng tốt lành.

Bà cúi đầu bước vào, khung cảnh tối tăm, tiếng than khóc hòa cùng tiếng kinh vang lên không ngưng nghỉ. Cả luyện ngục được thắp sáng bằng những ngọn lửa lớn. Bà bước vào một căn phòng, ở đó cũng có những linh hồn đang thanh luyện. Bà chắp tay lại, từng ngọn lửa lớn bùng cháy lên xung quanh bà, ngọn lửa không thiêu cháy, nhưng nó làm tâm hồn bà nóng lên, bà vẫn đọc kinh, nhưng do không chịu nổi sức nóng, bà than van kêu khóc:

- Ôi lạy Chúa, xin cứu con, xin giúp con! Mẹ ơi, xin Mẹ cứu con!

Những tội lỗi còn thiếu sót hiện lên trong tâm trí bà, những đam mê, thú vui, lưu luyến trần gian dằn vặt bà. Bà càng nghĩ về trần gian, ngọn lửa càng đốt nóng linh hồn bà. Ở đây, cứ mỗi giờ thánh lễ đến thì các linh hồn được rỗi tội một phần. Những lời cầu nguyện của người thân cũng một phần tha phạt tội lỗi. Sức nóng khủng khiếp làm cho tất cả linh hồn nơi đây từng giờ từng phút kêu khóc ăn năn.

Tháng các đẳng linh hồn đã tới, từng lời kinh, từng thánh lễ được dâng lên. Các linh hồn chốn này được rỗi phần tội vô số kể. Các linh hồn được lên thiên đàng cũng không ít. Từng linh hồn khao khát được những người thân, những giáo dân đọc kinh cầu nguyện cho họ. Ngày nào còn ở chốn này, là ngày đó phải chịu biết bao nhiêu khổ cực từ lửa luyện ngục. Chúng ta phải đền hết những tội lỗi nơi dương gian.

Và ngày vinh quang của bà đã tới. Đức Mẹ từ trời cao xuống, cùng thiên thần ca hát, ánh sáng rực rỡ chói lòa. Mẹ tay ẵm Chúa, đầu đội triều thiên, tay cầm vương trượng. Những linh hồn chạy tới gần Mẹ, giơ tay, quỳ lạy, van nài thương xót. Tên bà được xướng lên bởi một thiên thần:

- Linh hồn Anna, tội con đã được sạch, hãy cùng Mẹ về Thiên Quốc muôn đời.

Bà bước ra khỏi nơi luyện hình, ngọn lửa chợt tắt, bà vui mừng bước mau về phía Mẹ. Bỗng:

- Khi bà về trời, xin cầu nguyện cho chúng tôi. Tôi không có người thân, có người đã phải ở đây rất lâu rồi. Những linh hồn ở lại kêu lên.

Bà mỉm cười bước đến Đức Mẹ, sụp lạy:

- Con đã hoàn tất sự thanh luyện ở Luyện Ngục, linh hồn con bây gờ trong sạch tinh tuyền, con đáng được hưởng hạnh phúc thiên đàng. Từ giờ con sẽ nên Thánh.

Nói rồi, bà được cất lên cùng với Đức Mẹ, áo bà trở nên sáng láng lạ thường. Những linh hồn còn ở luyện hình ngước nhìn theo. Thế rồi, quê hương thế trần đang mất dần trước mắt bà. Bà vui mừng sung sướng, vì trước mắt bà là Quê Hương Thiên Quốc. Thánh Phê-rô mở cửa thiên đàng, tiếng nhạc chào mừng vang lên giòn giã, kèn trống vang khúc cảm tạ tán dương Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên thần trao cho bà một tấm giấy, đó là những người đã cầu nguyện cho bà, từ khi bà vừa tắt thở, để bà cầu bầu giúp họ, còn đang bương chải nơi trần thế.

Bà bước vào Thiên Quốc, như đứa con lâu ngày về quê hương, bà òa khóc. Nơi đây, bà gặp lại những người thân, nhưng không còn xưng hô như ở trần gian. Nơi Chính Quê thật lộng lẫy, nơi Thiên Chúa ngự cùng các Thánh, nơi không còn khổ đau, nơi không còn tội lỗi. Nhìn về trần gian, bà thầm chúc phúc cho đàn con của bà và những người thân yêu. Và bà thốt lên:

- Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, cho các đẳng linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi

Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.

 

 

Mã số: 14-074

MÓN QUÀ GIÁNG SINH KÌ DIỆU

Đồng hồ điểm 7 giờ tối. Tôi rón rén kéo cánh cửa phòng hành chính (tại khoa Ngoại, bệnh viện Đa Khoa tỉnh X). Bởi lẽ hôm nay là đêm trực của tôi.

- Giờ này mầy mới tới hả? (bà Hường điều dưỡng trực nói giọng chua chát, khó chịu).

Tôi giật thót người, chân tay bắt đầu run lên.

- Dạ. Con xin lỗi cô ạ. Hôm sau con sẽ tới sớm hơn ạ.

- Mầy còn cãi à.

- Dạ con không có cãi cô ạ.

- Còn cãi nữa. Con này lo vào làm việc đi. Sinh viên thực tập mà tưởng là bác sĩ à. Còn dốt lắm con (bà ta nói giọng khinh bỉ).

Tôi nhanh chân bước vào thay áo blouse. Khóe mắt tôi hơi cay, người nóng ran, “máu điên” bắt đầu xuất hiện và lan tỏa khắp người tôi. Tôi cố lấy hết sức hít một hơi thật sâu rồi từ từ thở ra. Mọi thứ trở lại với thế cân bằng vốn có của nó. Tôi bước nhanh ra chuẩn bị xe tiêm, sắp xếp lại hồ sơ bệnh án còn bừa bộn trên bàn rồi xuống phòng bệnh.

- Hôm nay đến lượt cô trực à? (bác Điều giường số 3 hỏi tôi).

- Dạ. Hôm nay con trực bác ạ. Bác thấy trong người thế nào rồi ạ? (tôi biết bác vừa được mổ ruột thừa lúc sáng).

- Ừ! Tôi khỏe. Cảm ơn cô. Mà cô là người đạo Công giáo à?

- Dạ vâng. Nhưng sao bác biết ạ? Bác cũng là người Công giáo ạ? (tôi hỏi với giọng tò mò).

- Không. Tôi thấy cô đeo vòng tay có thánh giá.

- À! Dạ đây là dây chuỗi đeo tay bác ạ.

- Ừ. Tôi thấy người Công giáo là tôi thích à. Lúc sáng đi một đám sinh viên mà tôi thấy cô ăn nói nhỏ nhẹ tôi đoán là người Công giáo mà (bác nói với vẻ mặt rạng rỡ).

- Dạ con cảm ơn bác quá khen ạ. Con chỉ làm theo những gì lương tâm mình mách bảo thôi ạ. Con học được những điều đó từ đời sống đạo, từ ba mẹ, từ thầy cô, từ cuộc sống bác ạ.

Cuộc nói chuyện bị cắt đứt bởi tiếng tằng hắng của bà Hường.

- Mầy rảnh quá không có chuyện gì làm hả? Xuống chi dưới này. Ai sai. Lấy lòng bệnh nhân hả? Mấy đứa bay học hành không ra gì mà cứ đú đa đú đỡn.

“Máu điên” lan dữ dội khắp người tôi, nó cứ “sôi sục” lên đến quá ngưỡng.

- Dạ. Thưa cô con đã chuẩn bị các dụng cụ cần rồi ạ. Con xuống canh dịch truyền cho bệnh nhân. Bác hỏi thăm con thôi ạ, với lại vẫn chưa tới giờ tiêm thuốc cô ạ.

- Tao lớn hơn hay mầy lớn hơn. Ăn học không ra gì mà cãi là giỏi. Tao nói mầy phải nghe. Cái thứ…. . hứ… (bà ta vừa nói vừa nghiến răng).

Nước mắt không kìm được vì uất ức. Nhưng tôi không nói thêm lời nào nữa và cố gắng để tiếp tục.

- Đi tiêm thuốc con kia (bà ta nói như hét).

- Dạ (tôi tỏ vẻ điềm tĩnh).

Tôi cố gắng làm thật tốt mọi việc nhưng vẫn không tránh khỏi những lời chửi mắng, những cái trừng mắt của bà ta.

Tiêm xong. Tôi kéo xe và dọn dẹp. Đi đứng suốt 2 giờ đồng hồ, đôi chân như muốn rã rời. Tôi ngồi phịch xuống ghế để lấy lại sức.

- Ai cho mầy ngồi (vẫn cái giọng nghe chói tai).

Tôi giật mình đứng dậy.

- Xuống phòng bệnh canh dịch.

- Dạ (tôi đáp với giọng yếu ớt).

Tôi kéo cửa xuống phòng bệnh mà chân như muốn quỵ xuống. Mệt mỏi cả thể xác lẫn tâm hồn, tôi cố dồn nén tất cả.

- Con mụ đó là gì mà chửi con suốt thế? (cô bệnh nhân giường 1 hỏi hơi to tiếng).

Nước mắt lăn dài trên má, tôi muốn bật khóc nhưng không thể. Tôi thấy tim mình đau nhói, cổ họng nghẹn ứ nói không thành lời.

- Thôi nín đi con. Ngồi xuống giường cô đi cho đỡ mỏi (cô vừa nói vừa đưa tay nắm lấy tay tôi).

Tôi tưởng chừng như vỡ tan tất cả. Nước mắt được lúc “tức nước vỡ bờ” tuôn như thác đổ. Tôi thấy cuộc sống sao quá bất công. Chúa đối với tôi sao tàn nhẫn thế. Tôi muốn từ bỏ tất cả, dừng lại tất cả.

Ngồi một lúc, đôi mắt nặng trĩu, sụp xuống, tôi đến thay những chai dich hết, rồi lên phòng hành chính.

Đã quá nửa đêm, tôi ngồi gục đầu trên bàn và thiếp đi.

Bất chợt thức giấc đã 2 giờ sáng, tôi kéo cửa xuống phòng bệnh thay dịch. (tiếng cửa nghe… “két”).

- Mầy làm gì mà kéo ra kéo vào cái cửa không cho tao ngủ (vẫn cái giọng điệu khó chịu).

- Dạ dịch của bệnh nhân hết rồi ạ. Con xuống khóa lại ạ.

- Mầy ăn gì mà dốt thế, có dịch không mà cũng không canh được. Mầy tưởng thức để canh dịch là mầy giỏi hả? Con kia… Xuống thì ở đó luôn đi (bà ta nói gằn giọng).

Tôi kéo nhẹ cánh cửa để không nghe tiếng. Cổ họng như nghẹn thở. Tôi đã không thể nói được gì. Thật ra, bệnh nhân là một cụ già. Lúc tối canh dịch bà bảo tôi xả dịch chậm giúp bà chứ dịch vào bà thấy lạnh. Tôi đã canh chậm để khuya dậy thay. Thế mà…

Xong việc tôi ra ngồi ghế đá trước phòng bệnh. Tôi sợ bà ta đến nỗi không dám lên lại, nỗi ám ảnh in sâu trong tâm trí tôi. Đêm Noel ngày 24 tháng 12 trời lạnh cóng, gió cứ ùa vào, ùa vào tưởng chừng như tuyết rơi. Tôi đặt tay lên miệng hà hơi để lấy chút hơi ấm từ trong cơ thể. Tôi cầu mong cho trời mau sáng để tôi được thoát khỏi chốn luyện ngục u tối này, với tôi nó thật đáng sợ.

Mãi đến 4 giờ, bệnh nhân đã thức cả. Tôi đi thay dịch lần cuối và đo huyết áp cho bệnh nhân.

Tất cả rồi cũng hoàn tất. Tôi ra khỏi phòng đi lấy xe và phóng thật nhanh ra biển. Tôi muốn hét thật to cho lòng nhẹ hơn. Bình minh trên biển thật đẹp nhưng lòng tôi sao giá băng, tim tôi như rướm máu. Tôi nhấc điện thoại gọi cho một người anh.

- Alo. Có chuyện gì thế em?

Vừa nghe tiếng nói ấm áp của anh tôi đã òa khóc như một đứa trẻ con, tôi kể giọng tức tưởi như đứa bé bất hạnh để mong nhận được những lời an ủi, những cử chỉ yêu thương.

Cứ ngỡ anh sẽ buồn cho tôi và mở giọng chửi người đàn bà đó. Thế nhưng anh lại cười với tôi, rồi bảo:

- Em giỏi lắm cô bé ngốc. Em đúng là nữ tỳ của Chúa (bởi lẽ tôi đang trên đường tìm kiếm ơn gọi). Em hãy nghĩ rằng đó là thử thách của Chúa dành cho em vì Người yêu thương em. Em à! Chúa là Vua của vũ trụ mà khi xưa Ngài chịu biết bao xỉ nhục, khổ hình mà không một lời oán trách. Còn chúng ta, chúng ta chỉ là phàm nhân hèn mọn được Ngài yêu thương mà dựng nên thì cớ gì chúng ta lại oán giận.

Tim tôi ngừng đập, nước mắt ngừng rơi, tất cả như ngừng chuyển động để lắng nghe lời Chúa. Mọi tức giận trong tôi bay theo làn gió hướng về phương trời xa xăm nào đó. Bình minh bỗng hé cười với tôi và Chúa đang mở rộng vòng tay đón lấy tôi. Tôi tỉnh thức, nhận ra tất cả và đón lấy món quà Chúa ban cho tôi. Món quà Giáng Sinh kì diệu.

 

 

 

Mã số: 14-075

CÓ CHÚA!

Hoa đi làm về. Cô vào nhà, đặt cái cặp xách đựng cái laptop nặng nề lên bàn rồi ngã mình nơi ghế. Chiếc sô-fa dài và êm. Cô nằm gọn lên, đặt đôi tay làm gối, nghiêng mình một bên và gắng chợp mắt. Rồi cô ngủ thiếp lúc nào không hay.

6g chiều, trời chập choạng tối. Tiếng muỗi vo ve lúc nãy giờ đã bị át hẳn bằng tiếng quạt êm êm. “Ai đó đã mở quạt. Có ai đó trong nhà đã về”. Hoa nghĩ trong cơn mơ sảng.

- “Chị Hoa, dậy đi, dậy ăn cơm chị!” - Tiếng của bé Út kéo Hoa khỏi cơn mơ chập chờn. Cô ngồi dậy, đầu choáng váng vì giấc ngủ chiều ngắn ngủi. Chợt nhớ hôm nay là ngày đặc biệt, cô bảo em “chị xuống liền” thay vì câu “chị ăn sau” như mọi ngày.

Hôm nay là ngày đặc biệt.

Nhà Hoa có sáu người: ba mẹ, anh trai, hai em nhỏ và Hoa. Ba mẹ Hoa là những người lao động chân tay. Sau sự kiện ngày 30/04, những người Công Giáo ở vùng này đều mất việc hết. Ba mẹ cô cũng trong diện đó. Cuộc sống nhiều khi có nhiều điều không giải thích được. Anh trai Hoa hơn cô hai tuổi. Dầu vậy, anh “vào đời” sớm hơn Hoa. Cô vừa tốt nghiệp, vừa đi làm được mấy tháng thôi chứ anh cô thì đi làm được hơn năm năm rồi. Còn nhớ ngày cô mới vào Đại học, anh cô gửi cho cô một chiếc laptop mua được bằng tiền dành dụm. Cô thương anh lắm. Cô cũng thương đứa em gái thua mình bốn tuổi- đã mất và đứa Út. Đứa em Út đang học lớp hai.

Ngày hôm nay là tròn một tháng ngày đứa em kế về trời.

Tỉnh người được một lúc, Hoa rời ghế. Cô lê mình vào phòng. Bức ảnh bốn anh em chụp chung hồi Tết vẫn được treo trên tường. Cô rửa mặt rồi ngước nhìn vào. Lòng bỗng xúc động. Đôi giọt nước mắt nóng chực lăn ra.

- “Chị!”- Đứa em Út thấy mắt Hoa đỏ hoe thì bối rối. Nó chạy xuống nhà gọi mẹ.

Mẹ Hoa lên. Nhìn tấm hình được gỡ xuống và nằm gọn trong lòng con, bà hiểu chuyện. Bà vỗ nhẹ vai cô:

- “Em đang ở bên Chúa. Con phải mừng cho em chứ!” - Bà nói mà giọng bà run run. Hoa nín lặng, cố che giấu cảm xúc. Cô biết tại sao mẹ nói vậy. Con bé mất do bị tai nạn trên đường tới trường. Lúc nó mất, nó đã kịp xưng tội và rước Chúa lần cuối. Nó là đứa dễ thương, vâng lời và chịu khó nhất nhà. Chắc chắn Chúa cho nó được cung chiêm Nhan Ngài trên Thiên Đàng rồi. Vả lại, chính Hoa cũng được mơ thấy Chúa gật đầu với cô như lời cô khấn nguyện cho em trong giờ hấp hối. Em đã được Chúa đưa về trời rồi. Những ý niệm đó dâng lên trong tâm trí Hoa, gắng xua đi nỗi buồn của kẻ cảm nhận được sự nghiệt ngã của phận người. Cô cố tránh đôi mắt mẹ: “Mẹ cứ xuống trước đi ạ”.

Cả nhà vào bàn ăn. Ba cô làm dấu thánh giá rồi cả gia đình đọc kinh. Cuối lời kinh, cả nhà cầu nguyện: “Xin vì lòng thương xót Chúa cho linh hồn Maria cùng các đẳng linh hồn được nghỉ ngơi ở chốn bằng an”. Cả nhà thưa “Amen”. Hoa cũng thưa nhưng tâm trí cô thì chưa dứt được ra khỏi chuyện xảy ra một tháng trước.

Một tháng trước, lúc nhận được tin em bị xe đụng, Hoa kinh hoàng tức tốc chạy đến chỗ em. Ba mẹ cô cũng bỏ làm chạy ra viện. Cả nhà tìm mọi cách để duy trì mạng sống cho em. Chỉ tội một điều là bệnh viện đòi tiền trước. Họ dứt quyết không làm giấy tờ cho em Hoa nhập viện nếu chưa có tiền! Còn nhớ lúc đó ba mẹ cô lập tức đem giấy tờ nhà đi thế chấp nhưng cũng không kịp. Em Hoa qua đời vì mất quá nhiều máu. Lúc đó Hoa như điên lên. Cô từ năn nỉ người ta cấp cứu cho em không thành đã chuyển sang gào thét đau đớn. Giờ chỉ trong một lời kinh và một tiếng “Amen” thôi nhưng tất cả những cảnh tượng ấy hiện lên rõ mồn một trong đôi mắt ngân ngấn nước của Hoa. Cô nuốt xuống và cùng đáp “Amen”. Giọt nước mắt được nuốt vội nghẹn lại nơi cuống cổ, tạo nên một thứ âm thanh chát chúa!

Cả nhà lặng im suốt cả bữa cơm. Rồi, như muốn phá tan cái không khí ảm đạm, mẹ Hoa lên tiếng:

- Dạo này con khó ngủ phải không Hoa? Mắt con thâm đen. Con có chuyện gì ở công ty hả?

- Dạ không.- Hoa đáp vì bị hỏi cách bất ngờ nhưng rồi cô chững lại -Chỉ là một chút chuyện thôi mẹ ạ!

Ba Hoa nhìn cô: - “Con phải nói cho ba mẹ biết không thì ba mẹ cũng mất ngủ’’.

Ba Hoa luôn như thế. Chỉ nói một câu nhưng đã khiến Hoa phải kể ra bí mật cô muốn để riêng cho mình. Và cô đã kể, kể từ đầu tới cuối. Rồi cô kết thúc bằng một tiếng thở dài:

- Chuyện vậy đó ba mẹ. Con không biết có nên làm hay không!?

 Ba mẹ Hoa phân vân. Họ khẽ bảo họ sẽ cầu nguyện cho cô.

Bữa cơm kết thúc thì cũng đã hơn 8g tối. Rửa xong chén bát, Hoa lên phòng. Cô ngồi vào bàn và lôi cái cặp của mình lại. Từ trong cặp, cô rút ra một tập hồ sơ, tập hồ sơ có tên của một trong những học sinh cô đang dạy tại công ty. Công ty cô đang làm là một công ty tư vấn du học. Cô dạy tiếng Anh, tư vấn và kiêm luôn cả việc làm hồ sơ cho các du học viên.

Cô đặt đống giấy tờ trên bàn, chỉ cầm trên tay một tờ giấy duy nhất. Đó là tờ giấy mời nhập học được gửi từ trường Cambrigde Australia. Trong tờ thông báo nộp học phí ấy, những con số tròn chục tròn trăm nằm thẳng tắp. Một khi học sinh của cô gửi đủ số tiền thì coi như là đã có được nửa vé du học. Bỗng, Hoa nhớ lại mấy lời của anh trưởng phòng lúc sáng.

- Chỉ một con số thôi, mọi chuyện sẽ thay đổi!

- Nếu em làm, anh với em sẽ có một số vốn khá lớn. Anh cũng sẽ đề bạt em trong cuộc họp sắp tới!

- Chỉ cần em thêm một con số 0 đằng sau dãy số này thôi!

Anh trưởng phòng và Hoa chẳng có có quan hệ gì. Chỉ là lúc Hoa nộp đơn, vì bị ướt mưa nên hồ sơ có đôi tờ thấm nước. Giám đốc phòng nhân sự từ chối nhận hồ sơ nhưng anh đã liền cất hồ sơ vào. Và thế là Hoa được gọi phỏng vấn rồi đậu. Cô vào được công ty, ngoài thực lực còn nhờ may mắn. Anh trưởng phòng chính là cái may mắn đó! Giờ anh đang kẹt, anh muốn cô, người đang thụ lý hồ sơ của một học sinh gia đình “đại gia” giúp anh bằng cách thêm vào số tiền hoc phí của học sinh một con số 0 coi như là trả ơn. “Chuyện không có ai biết. Một con số 0 thôi là cứu được anh và gia đình rồi”. Đó là câu cuối cùng anh nói lúc Hoa chuẩn bị ra về.

Thời gian cứ thế trôi. Hoa không biết phải làm gì giữa một bên là đền đáp và một bên là tội. Mà nói đúng hơn, nếu Hoa từ chối thì có thể bị mất việc như chơi! Cái cảnh ba mẹ Hoa ngày nào cười nói, tự hào với mọi người rằng cô đã tìm được việc mà không tốn một đồng xu chạy chọt còn rõ nét quá trong tâm trí cô. Cô tự dưng thấy hãi! Nhưng “mình là người Công Giáo!”. Tiếng đó- tiếng đã vọt lên từ nãy, từ nơi sâu thẳm trong lòng thì lại cứ quanh đi quẩn lại trong trí càng khiến cô băn khoăn. Hoa day dứt. Đầu cô nhức nhối!

Hôm sau Hoa xin nghỉ vì bị sốt.

……………………………….

Ở nhà,

Từ một góc nhỏ trên gác xép, Hoa nhìn xuống đường. Cô chậm rãi quan sát mọi sự vật bên dưới đang đi đi lại lại, đang thều thào to nhỏ và đang sống. Cô nghĩ thế! Có một bà lão gánh gánh rau đang ngang qua dưới mái hiên nhà. Tiếng bà rao nghe tủi! Có một cậu bé mới bị té, tiếng khóc thật vang! Có người phụ nữ nào đó đang ở trong quầy thuốc cạnh nhà Hoa. Giọng bà khàn khàn mệt mỏi. Hoa lắng nghe và cô cảm nhận. Đời sao mà buồn tênh!

Chợt có tiếng chuông điện thoại reo, Hoa vội xuống.

- Alo, có phải chị là phụ huynh của bé Mai không? Tôi là giáo viên chủ nhiệm của em Mai. Tôi gọi để báo là chị đã trễ hẹn nộp học phí kỳ hai cho cháu được 1 tuần rồi. đề nghị gia đình khẩn trương để khỏi trở ngại việc chung.

Hoa chỉ kịp nói chữ “A” trong từ “Alo” rồi được nghe luôn một hồi. Khi đầu dây kia đã dập máy, cô lên phòng. Cô nhớ tháng này cô chưa nhận được lương để gửi mẹ: “Anh trưởng phòng chưa chuyển lương cho mình!”.

Chiếc đồng hồ bỗng nhiên điểm 9 giờ. Hoa bất giác giật mình rồi thinh lặng lắng nghe. Âm thanh này quen lắm! “Lúc còn đi học, cứ hễ 9h là mình đọc kinh còn gì!?”, cô nhớ. Ngày ấy, nếu vào học buổi sáng thì cô cầu nguyện thầm vài phút trên lớp. Còn nếu học vào buổi chiều thì đúng khi đồng hồ vừa điểm xong tiếng thứ 9, dầu có đang làm gì, cô cũng gác lại mà đi đọc kinh. Cô thường đọc trong phòng kín, không mở đèn, không mở rèm cửa, cốt để cho cái tĩnh lặng nâng tâm trí mình lên! Có biết bao nhiêu điều tuyệt diệu trong những giờ nguyện ngắm ấy! Nghĩ vậy khiến lòng Hoa nhẹ nhõm phần nào. Cô tiến đến bên giá sách và lấy ngay hai cuốn: Lời Chúa trong Thánh Lễ và Các lời kinh Phụng vụ. Cô vuốt lớp bụi sách đi rồi nhè nhẹ mở sách ra. Cô đọc, cô lẩm nhẩm câu kinh thánh “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy” rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Đang mơ màng thì tiếng khóc của bé Út chạm đến tâm trí, Hoa choàng dậy. Bé Út đang đứng khóc một mình trong góc tủ, cái góc mà cứ mỗi lần chơi trốn tìm là nó lẩn vào đó và quay lưng lại vì “sẽ không ai nhìn thấy em”. Tiếng con bé tỉ tê!

- Mai, sao em đứng khóc ở đây? - Hoa gọi em.

- Dạ… Em sợ mẹ buồn. - Bé Mai thút thít.

- Sao em lại sợ mẹ buồn? Em bị điểm thấp ở lớp sao?

- Dạ không… Cô em nói em cứng đầu vì không chịu nộp tiền kỳ hai… Mẹ chưa nộp tiền cho em chị ạ! Em không dám khóc… Em sợ mẹ thấy mẹ buồn!

- Vì thế hả em?- Hoa ôm chầm Mai, vuốt mái tóc bé an ủi.

- Em đừng khóc nữa. Sáng mai đi học cô giáo sẽ không nói gì nữa đâu vì mai mẹ sẽ nộp tiền cho em.

- Chị sẽ mượn giùm mẹ sao chị?- Bé Mai hỏi háo hức.

- Ừ, chiều nay chị sẽ mượn, mai mẹ sẽ nộp cho em.

Đôi mắt Mai sáng rực lên. Em quẹt mau mấy hàng nước mắt rồi hôn chị rối rít.

………………………………….

Cô bé đi xuống. Hoa còn lại một mình trong phòng. Lòng cô nặng trĩu. Cô gác tay trên trán và trầm tư. Có tiếng ai nói gì trong tim cô, bảo cô ngồi ngay vào bàn máy tính mà sửa tờ giấy khai học phí. Lại cũng có một tiếng khác, nhỏ hơn nhưng day dứt, sâu thẳm hơn, bảo cô điều ngược lại. Hoa trăn trở. Tâm hồn cô thổn thức giữa một bên là tiếng thút thít của Út- đứa em cô đã nguyền dồn hết tình yêu thương của bé kế cho, với một bên là tiếng nói ấy. Một hồi lâu, người Hoa nóng như ran. Cô mở quạt. Bỗng, tờ học phí trên bàn bị thổi bay. Ngay trong tích tắc, cô nhoài người với lấy tờ giấy nhưng rồi cũng trong khoảng khắc ấy, cô buông ra. Cô để cho nó rơi xuống nền nhà. Cô biết tại sao em kế cô chết và cô cũng ý thức rõ tại sao Chúa Giêsu chịu chết. Không lưỡng lự nữa, Hoa cầm ngay lấy quyển sách Kinh thánh. “Đây là sách Kinh Thánh. Đây là sách ghi Lời của Thiên Chúa. Kinh Thánh!”, Hoa nhẩm đi nhẩm lại. Những lời đó vì thế mà vẳng đi vẳng lại, để rồi dồn dập và rộn rã tỏa lan vào, thấm sâu vào từng tế bào, từng ngóc ngách cõi lòng cô! Cô bắt trí khôn nín bặt để hồn cảm nhận sức nặng của hai từ “Thiên Chúa”. “Thiên Chúa!”- Đấng quá vĩ đại vì yêu và là Đấng yêu vì quá vĩ đại. Đã lâu rồi, hình như cô quên mất những điều được tỏ cho ấy thì phải! Cô quỳ lên. Trước tượng Chúa Giêsu Chuộc tội, đầu cô bổ nhào xuống, miệng lẩm nhẩm và tay đấm ngực. Đôi giọt nước mắt nào rớt đậm và rõ trên nền nhà. Cô hiểu rõ và đã cảm nhận lý do tại sao Chúa Giêsu chịu chết.

…………………………………

Quỳ một lúc lâu, Hoa đã đỡ hơn phần nào. Cái lưng đang khom rạp xuống giờ được thêm sức mạnh, vụt đứng lên. Cô về phòng và điện thoại ngay cho một người bạn.

- Alô, Tiến há? Có tiền không cho tau mượn với!

- Tiền há? Bao nhiêu?

- Ưhm! Nhiều thế? Không phải mi đi làm rồi mà, sao chưa gì mà mượn số tiền lớn thế!?

Cuộc hội thoại chỉ kéo dài thêm vài câu nữa rồi kết thúc. Hoa lại gọi số khác. Và cũng là những câu trả lời tương tự. Rồi số khác và số khác nữa. Sau cùng, Hoa tức khí ném luôn điện thoại. Cô giận mấy đứa bạn ích kỷ. Cô giận luôn bản thân cô.

“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy”. “Hãy yêu người khác như chính mình”. Cô đọc to hai câu đó để ngăn cơn giận. Cô đọc to để cho tai cô nghe và đầu cô nhớ rằng đó là bạn cô, những đứa bạn rất thân. “Chắc tụi hắn cũng đang kẹt đấy mà!”. Nghĩ thế để ít nhất là khỏi thấy buồn nhưng không hiểu sao nước mắt lại cứ trào lên, cứ trào lên và tràn ra!

Hoa mở cửa ra khỏi phòng hóng gió. Cô lững thững một hồi thì tới nép mình sau cửa phòng mẹ. Em Mai đã ngủ. Ba mẹ đang phụ nhau vá áo xống. Cảnh ba mẹ xâu từng cây kim sợi chỉ khiến lòng Hoa se lại. Cô nuốt vội cái cảm giác đắng nghét ấy xuống rồi đi nhanh về phòng, lục soạn gì một hồi rồi dắt xe đi ra.

…………………….

Sáng sớm hôm sau,

- Mẹ, mẹ chuẩn bị đưa em đi học phải không? Mẹ cầm cái này đi! -Hoa vừa nói vứa dúi một xấp tiền vào tay mẹ cô. Bà ngạc nhiên.

- Tiền đóng học phí cho em sao con? Con chưa nhận lương mà!?

- Dạ con có cách mẹ ạ!

- Có cách?!- Mẹ cô díu đôi mày lại. Hoa hiểu ý nói liền:

- Con không có làm như anh trưởng phòng yêu cầu đâu! Cho dù đối với người ta, thêm trăm triệu cũng chẳng hề hấn gì nhưng con vẫn sẽ không làm đâu mẹ! Mẹ yên tâm!

Nghe đến đó thì mẹ Hoa mỉm cười.

- Ừ, mình là người có Chúa mà!

Hoa cũng cười đáp lại. Đối với gia đình cô nói chung và với bản thân cô nói riêng, có Chúa là một điều hạnh phúc.

Mẹ Hoa chở em tới trường tiện thể đi làm. Hoa trở vào vội dọn dẹp nhà cửa tới công ty kẻo muộn.

Vừa lúc dừng xe thì anh trưởng phòng chạy ra:

- Em quyết định sao rồi? Tờ khai học phí mới đâu?

Hoa nhìn anh, nói nhẹ nhàng:

- Em có cái này gọi là cám ơn anh giúp em lúc trước.

Nói rồi cô rút ra từ trong ví một chiếc phong bao màu đỏ.

Anh trưởng phòng gắt: Em làm gì vậy? Anh đâu có xin em!? Em không giúp thì thôi!!!…

Hoa lập tức ngắt lời:

- Em coi anh là bạn. Em không muốn thêm một con số như anh nói vì em là người Công Giáo.

Anh trưởng phòng vỡ lẽ, lặng thinh. Anh tránh đi ánh mắt Hoa.

- Anh nhận cho em vui. Em mừng tuổi cu Bin nhà anh mà! Giọng Hoa chân thành

Anh trưởng phòng nhìn Hoa:

- Anh cũng là người Công Giáo em à. Anh xin lỗi…

Thật ngạc nhiên anh trưởng phòng cũng là người Công Giáo! Hoa tròn xoe mắt. Cô hân hoan: “Có hai người Công Giáo trong công ty…” và cười tít mắt rằng “…thật là vui anh à!”.

 

Mã số: 14-077

CHIẾC LÁ SỐ 13

 

 Chiều mùa thu ảm đạm, muôn số lá vàng bay rơi rụng xuống vườn nhà, Thi tiện tay nhặt lấy một chiếc lá đậu trên bờ vai của mình.

 - Thi hỏi: lá ơi bạn có phải chiếc lá thứ mười ba đáng ghét không, sao chưa úa mà bạn đã rơi xuống rồi?

- Vâng, mình là chiếc lá thứ mười ba đây, mình gặp phải mấy con sâu ăn lá bạn ạ, chúng rầm rì quyến rũ mình làm bạn, nhưng mình không muốn kết bạn với kẻ giết hại gia đình mình thế là các bạn ấy cắn mình. Còn bạn đang gặp chuyện gì sao buồn quá vậy?

- Ừ, mình vì sinh ra ngày mười ba nên gặp toàn chuyện xui xẻo, giờ mình chán quá.

- Bạn biết không, Nội mình nói tại mình sinh vào ngày mười ba nên đem xui đến cho bố mình, mình sinh được gần một tháng thì bố mình bị tai nạn, gia đình gặp bao chuyện phiền phức thế là mình bị loại ra ngoài sự thương yêu của gia đình, từ nhỏ giờ mình cứ thấy bơ vơ cô quạnh…

- Không phải thế đâu, làm gì có con số mười ba xui xẻo, bạn đừng buồn và suy nghĩ sai lệch như thế, thời đại này là thời đại nào rồi mà bạn còn cổ hủ đến như vậy, bằng chứng nào bạn cho là con số mười ba xui xẻo mà không phải là mười hai hay mười bốn?

- Thì từ xưa con số mười ba đã là nỗi sợ hãi cho mọi người rồi, thậm chí ở Vương quốc Anh, Canada hay Australia chúng ta cũng không thể tìm thấy ngôi nhà nào có địa chỉ là mười ba nữa là, trên máy bay của tất cả các hãng hàng không của Đức cũng thế, chiếc ghế số mười ba cũng không bao giờ có, nước Mỹ là nước rất tiên tiến nhưng bạn tìm xem có chiếc xe buýt nào mang con số mười ba không? Nếu không mang đến vận xui thì sao người ta lại tránh xa nó như vậy.

- Tất cả đều do con người suy diễn ra thôi, người không sinh ngày mười ba cũng chết, cũng tàn tật, bệnh hoạn đó bạn không thấy sao? Mình nghĩ mọi thứ đều nằm trong bàn tay Chúa trời, Chúa chăm lo và ban phát mọi thứ kể cả một sợi tóc trên đầu rụng xuống cũng là do Ngài làm ra.

- Đó là bạn chưa hiểu thôi, ta được gặp điều may mắn hay không thì hãy nhìn lại mình, mình có thật tin ở Chúa không, bạn đừng nói với tôi là bạn tin nha, niềm tin phải qua thử thách tôi luyện thì mới vững bền được và Chúa luôn nâng đỡ những ai bền đỗ trong đức tin đến cùng bạn ạ.

- Bạn hiểu gì về đức tin mà nói, nhà mình là đạo Thiên Chúa gốc nè, gia đình mình từ đời ông cố tổ đã thờ Chúa rồi, đi lễ sốt sắng không ai bằng, còn kinh thì thuộc ro ro đêm nào cũng đọc hết, nếu không tin sao được vậy.

- Ừ thì bạn tin Chúa hơn mình, vậy mình hỏi bạn một phần người dân nước Nhật đều sinh ngày mười ba sao? Sao họ phải chết hết chỉ một trận sóng thần?

- Ừ thì…thì…mà ngày xưa Chúa GiêSu Ngài cũng chọn Giuda thứ mười ba trong mười ba tông đồ đầu tiên làm người phản ngịch để hoàn tất công trình cứu độ của Ngài tại thế còn gì. Sao không Phêrô thứ nhất hay Toma thứ bảy mà phải là Giuda thứ mười ba? Nên mình nghĩ con số mười ba Chúa định sẵn để dành cho người xấu số rồi.

- Bạn nói sai rồi, Giuda là số mười một cơ

- Là mười ba, là mười ba…

- Là mười một thôi

- Thôi mình vào nhà đây, bạn chẳng hiểu biết gì nói với bạn chán quá lá à.

 Vào phòng Thi nằm vật trên giường suy nghĩ, buồn chán, Thi thầm trách Chúa sao bỏ rơi mình, cuộc đời này đối với Thi thật nặng nề, nước mắt Thi chảy dài nhớ bố đến vô cùng, rồi thi thiếp đi lúc nào không hay, trong mơ Thi gặp lại bố:

 Bố nhìn Thi mỉm cười triều mến, Thi ôm bố khóc nức nở, bố xoa đầu Thi thầm thì.

- Con gái, con đừng khóc, bố có lỗi với con nhiều lắm.

- Không bố ơi, con mới là người có lỗi, tại con sinh nhầm ngày mười ba nên khắc với bố

- Ai nói với con như thế?

- Dạ nội nói với con, tại ngày sinh của con làm bố chết

- Tầm bậy, không phải như thế đâu con gái

Thi khóc nấc lên làm bố phải dỗ dành

- Con gái bố ngoan nín đi con, hôm ấy do bố say rượu, bố uống rượu nhà chú tư, không làm chủ được tay lái nên bố tông người ta, lỗi ở bố hoàn toàn con gái ạ.

- Bố ơi, thế mà nội cứ la con hoài, mấy cô cũng vậy…

- Con gái bố nghe bố nói đây này, mọi vật mọi thứ trên thế gian này tất cả đều là của Chúa tác tạo, chính Ngài tạo ra nên Ngài luôn yêu thương ta, con không thấy sao, Ngài chỉ có mỗi Chúa GiêSu là con duy nhất vậy mà Ngài cũng để xuống gian trần chịu tội thay chúng ta nên con đừng bao giờ nghi ngờ tình yêu của Ngài con nhé, vì Ngài yêu thương ta đến vô cùng nên Ngài cho ta được tự do lựa chọn, Ngài không bao giờ ép ai phải làm thế này hay thế kia, nếu lỡ chúng ta chọn sai đường mà chúng ta biết hối lỗi quay trở về Ngài còn tha thứ nữa kia, con gái bố hãy mạnh mẽ lên, ngày tháng năm nào cũng của Chúa, mọi thứ trên thế gian này đều là của Chúa nên ngày mười ba cũng là ngày của Chúa không có xấu nên con đừng buồn nữa con nhé…

- Bố, bố, bố ơi…

 Mồ hôi nhễ nhại, Thi tần ngần nhớ lại giấc mơ, nước mắt Thi lại ứa trào, Thi suy nghĩ lại những gì bố nói, bạn lá nói, Thi thấy thẹn trong lòng vô cùng, đạo gốc của mình chỉ tin và hiểu biết chừng ấy thôi sao, thua một bạn lá nhỏ xíu, …

 - Ôi, lạy Chúa, suốt ngày con đọc kinh, đi lễ sốt sắng mà hiểu biết con thật nông cạn, con cứ nghĩ gia đình mình đạo đức lắm rồi và bản thân con cũng vậy, nhưng giờ con mới biết con đòi ở Chúa quá nhiều nhưng chưa bao giờ con thực hiện được lời nào Chúa dạy, Chúa bảo con hãy tìm Ngài nơi những người nghèo khổ, đói rách, lang thang, tật nguyền vậy mà chưa một lần con bước đến với họ, thậm chí con còn khinh khi họ nữa, xác thân lành lặn này Chúa cho mà con cũng không một lần biết cảm ơn hay nhìn ra ân huệ của Ngài mà lại còn oán trách.

 - Lạy Chúa, xin tha thứ cho con.

 Từ ấy Thi không còn nhìn thấy con số mười ba xui xẻo nữa, mà con số mười ba giờ với Thi là một sự may mắn, một ân huệ, Thi yêu con số mười ba, yêu ngày sinh của mình biết bao.

 - Tạ ơn Chúa, tạ ơn Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho con, Tạ ơn Chúa ngôi hai đã cho con thấy tấm gương vâng phục, hi sinh của Ngài dành cho nhân loại, nhìn Ngài con thấy mình thật may mắn, nỗi đau con gặp phải chẳng là gì so với nỗi đau mà Ngài đã phải gánh lấy vì nhân loại…giờ lòng con thật thanh thản bình an.

 

Mã số: 14-078

BỨC ẢNH GIA ĐÌNH

Sài Gòn những ngày giáp Tết thật tất bật và nhộn nhịp. Không khí se lạnh làm dịu bớt cái nóng oi bức làm nên thương hiệu của mảnh đất này. Các cửa hàng đua nhau khuyến mãi, ngoài hè phố các chậu hoa xuân được bày bán, siêu thị bắt đầu bán hàng Tết và đâu đó có những nhà đã trưng những chậu “xương” mai… Dường như, mọi người đang vội làm những công việc cuối năm để ăn Tết “ngon” hơn, những cô cậu sinh viên thì cố gắng hoàn thành bài vở cuối kì để sớm về với gia đình.

Đang ngồi trên xe buýt, Hân mơ màng nhớ về những cái Tết trước, nhớ vẻ mặt vui mừng của Ba Mẹ khi thấy Hân xuống xe, nhớ tâm trạng nôn nao khi chờ anh Hai vẫn chưa về. Hân nhớ lúc đi chợ Tết với Mẹ, nhớ lúc cùng Ngoại gói bánh chưng, cùng Hai canh nồi bánh, nhớ cả việc cùng Ba dọn dẹp nhà cửa… Chợt, Hân khẽ mỉm cười hạnh phúc khi nhớ lại khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, cả nhà quây quần bên bữa cơm tất niên và cùng đón giao thừa. Khoảnh khắc cả gia đình cùng trong thánh đường, cùng thinh lặng lắng nghe tiếng chuông giao thừa đối với Hân thiêng liêng biết nhường nào. Mồng 1 Tết, sau khi đi lễ về, cả nhà chia sẻ nhau nghe lộc lời Chúa, hai anh em mừng tuổi Ba Mẹ, được nhận lì xì, cùng đi chúc xuân ông bà, đi tảo mộ, ai cũng nói nói cười cười… cái khung cảnh ấy đẹp vô cùng. Đó cũng là lí do Hân lại lẩm nhẩm câu hát: “Ngày đầu xuân bao người đi xa, cũng về với gia đình, cũng về với ân tình, ngất ngây với nguồn yêu mến…” mỗi khi nhắc đến gia đình và Tết.

Đối với Hân, gia đình là tất cả, là chỗ dựa vững chắc giúp Hân vượt qua mọi thứ và sải cánh bay xa với những ước mơ. Hân thầm tạ ơn Chúa đã gửi Hân đến một gia đình thật hoàn mỹ, không phải chật vật lo cái ăn cái mặc, đã thế lại luôn đầm ấm và ắp tiếng cười. Nghĩ đến đây thôi là Hân muốn đến Tết thật nhanh. Hân mở điện thoại lên, nhưng chiếc điện thoại chập chờn như muốn phá huỷ hồi ức đẹp đẽ mà Hân đang nhớ về. Hân phải khởi động lại nhiều lần thì điện thoại mới sử dụng được. Chính vì vậy mà Hân được xem nhiều hơn hình nền điện thoại, là bức ảnh gia đình đầy đủ thành viên được chụp khi Hân học 12. Hân cười mãn nguyện, cười vì thấy Ba Mẹ hạnh phúc, cười vì thấy dáng vẻ ngô ngố của anh Hai cách đây mấy năm. “Nhất định Tết này mình sẽ chụp tấm mới, phóng to và treo ở phòng khách, sẽ đẹp lắm đấy!”. Tiếng chuông điện thoại cắt ngang suy nghĩ của Hân, là của anh Hai.

- Khi nào Út thi xong?

- Dạ gần xong rồi Hai, Tết này em về sớm, thích quá!

Anh đột nhiên im lặng khi Hân nói đến về nhà, Hân nhận thấy vẻ khác lạ của anh Hai nên nhanh nhảu hỏi lại. Trước giờ, Hân và anh mỗi khi nói chuyện là quên trời đất.

- Hai còn nghe chứ?

- Hai nghe…

- Có chuyện gì vậy Hai?

- Không có gì đâu em. À Hân này, anh có quà cho em đó!

- Là máy ảnh chứ gì?

- Sao em biết? Mà cái này chụp hình hơi bị được đấy!

- Thích thế! Hai của em là nhất trên đời!

Điệu bộ thích thú của Hân bây giờ trái ngược với hai tuần trước đây khi Hân nài nỉ anh mua cho bằng được máy ảnh kể cả khi điều Hân cần hơn bây giờ là chiếc điện thoại. Hân phụng phịu như con nít làm anh Hân dù muốn hay không cũng cố gắng đáp ứng ngay lập tức nếu như muốn yên thân. Hân vui lắm, vui không phải vì có máy ảnh mới nhưng vui vì anh đã giúp Hân thực hiện ước nguyện về những bức ảnh gia đình. Hân thích thú “Yeah” một tiếng mà quên rằng mình đang trên xe buýt. Ai cũng quay lại nhìn với ánh mắt không mấy thiện cảm, giống như người ngoài hành tinh mới đến trái đất vậy.

Hân là vậy đó, lúc nào cũng vô lo vô nghĩ và một khi muốn cái gì thì phải có cho bằng được. Cái tính ấy càng lớn không bớt đi chút nào mà lại được “vun đắp” thêm cho dù đã là cô sinh viên sắp ra trường. Con bé lúc nào cũng được cưng chiều và xem như công chúa, mà đặc biệt là với anh Hai, người thương yêu Hân nhất thì không lấy gì lạ. Nhưng bù lại, cái dáng vẻ lanh lẹ, cái miệng lúc nào liến thoắng và tính tình trẻ con, dễ mến cũng đủ lấp liếm đi mọi tật xấu của Hân.

Hân đang cùng Mẹ đi chợ Tết ở quê nhà, cảm xúc vẫn còn vẹn nguyên như lúc tưởng tượng. Nhưng hình như trong gia đình ai cũng ít nói hẳn ngoài Hân. Hân vội nghĩ về sự im lặng của anh Hai, giờ kinh gia đình cũng thưa dần và cả những bữa cơm cũng bớt đi tiếng cười nói… Hình như có gì đó bất thường, nhưng sự vô tư cùng với không khí nhộn nhịp đã át đi mọi suy nghĩ của Hân. Tất cả lại đâu vào đấy như không có gì xảy ra.

Hân lấy chiếc máy ảnh ra chụp lại những hình ảnh được cho là thân thương nhất. Hân rất thích chụp ảnh. Chính vì vậy, trong túi của Hân lúc nào cũng có máy ảnh trong trạng thái đầy pin, như vật bất li thân vậy. Có thể những bức ảnh không là đẹp nhất nhưng lại toát lên sự bình dị và hạnh phúc trong từng khoảnh khắc mà Hân ghi lại. Anh Hai biết điều này nên luôn ủng hộ và không ngại chi một khoản kha khá để mua cho Hân, anh muốn thấy nụ cười mãn nguyện của Hân khi chụp được một bức ảnh mà theo Hân là rất đẹp.

- Ba Mẹ tính như thế nào về chuyện chia tay?

- Mẹ cũng chưa biết nữa, Mẹ chỉ biết giấu Hân, khi nào thích hợp Mẹ sẽ lựa lời nói với em. Con bé sẽ hiểu thôi.

- Không biết Ba Mẹ có nghĩ đến cảm giác của anh em con không nữa?

Hân đứng bên ngoài nghe rõ mồn một cuộc nói chuyện của Mẹ và Hai. Hân như chết lặng, tai ù đi, Hân không thể tin vào điều vừa nghe. Hân trở về phòng, ngồi sụp xuống, Hân muốn khóc nhưng không tài nào khóc được. Hân cứ lăn qua trở lại trên chiếc giường cố nhắm mắt ngủ như để khẳng định tất cả chỉ là ác mộng. Hân chỉ muốn trốn chạy sự thật. Làm sao mà Hân tin được gia đình hạnh phúc mà Hân luôn tự hào lại thế này, Hân không hiểu vì sao Ba Mẹ muốn chia tay. Vì không hợp như Mẹ nói lúc nãy, tại Ba có người khác hay tại Ba Mẹ hết thương anh em Hân rồi. Làm sao Hân tin được mọi việc xảy ra trong khi ai cũng biết nhưng lại muốn giấu Hân. Chẳng lẽ vì Hân là con bé không hiểu chuyện hay tại Hân là con ngốc, vì ngốc mới không biết chuyện gì cả. Hân lớn rồi, dù gì cũng là cô sinh viên, Hân cũng có quyền được biết chuyện gì đang xảy ra. Nghĩ đến đây thôi, Hân chịu không nổi, Hân bắt đầu khóc nhưng lại không ra tiếng, cái cảm giác nghẹn ứ ở cổ khó chịu biết nhường nào.

Sáng hôm sau, Hân thức dậy, vẫn mang suy nghĩ những chuyện nghe được tối qua chỉ là cơn ác mộng hay là một sự nhầm lẫn mà thôi. Hân làm như chưa xảy ra chuyện gì, cố gắng tươi cười nói chuyện như thường ngày. Những ngày sau đó vẫn thế. Tuy vậy, Hân ăn ít hơn, nói ít hơn và ở trong phòng nhiều hơn vì Hân sợ phải đối diện với sự thật. Cứ như thế thì sao Hân có thể qua mắt được Mẹ chứ.

- Con sao vậy? Có chuyện gì à?

- Con không sao! - Hân cứ lắc đầu nhưng trong tâm thức lại muốn nói là “Con có sao”. Cái lắc đầu của Hân làm Mẹ thêm lo lắng.

- Có chuyện gì nói Mẹ nghe đi.

- …

- Sao con không trả lời.

- …

- Sao con lại để mắt sưng đến thế kia?

- Mẹ phiền qua đi, con đã bảo là không sao rồi mà. – Những câu hỏi dồn dập làm Hân khó chịu.

- Sao con lại thế? Đừng thấy Mẹ chiều rồi quá đáng đó. Con hư Mẹ đánh đấy.

- Mẹ không có tư cách nói thế với con…

Bốp!!! Đôi tay anh Hai run lên trong tiếng hét giận dữ vì sự xấc xược của cô em. Hân nhận cái tát như trời giáng. Hân điếng người. Người đánh Hân lúc này là anh Hai, người Hân luôn tin tưởng nhất, ngỡ là yêu thương nhất, người Hân muốn tâm sự nhất. Rõ ràng là đau đấy, nhưng nơi đau nhất không phải là ở cái má vừa bị tát, mà là nơi lệch hẳn bên dưới chừng hơn một gang tay – trái tim. Hân cảm thấy mất đi thứ gì đó, chuyện của Ba mẹ chưa rõ đầu đuôi, bây giờ cả anh cũng như thế. . . Hân chạy về phòng, khoá trái cửa và khóc.

Mồng Một Tết, mọi thứ vẫn như mọi năm nhưng không đem lại cho Hân một cảm xúc nào. Hân vẫn chạy trốn bằng cách nhốt mình trong phòng và ngủ, điều mà Hân cho là vô vị lại chính là liều thuốc an thần hữu hiệu trong lúc này. Hân sợ phải đối mặt với Ba Mẹ, đối mặt với sự thật. Đang lim dim, Hân nghe dưới lầu có tiếng cãi nhau, lần đầu tiên Hân chứng kiến Ba Mẹ lớn tiếng như vậy. Hân cố lấy bàn tay bé nhỏ của mình, bịt tai lại để không nghe những âm thanh to lớn đáng sợ kia, mắt Hân cay cay. Bỗng một tiếng “xoảng”, Hân vùng dậy, chạy thật nhanh xuống. Trước mặt Hân là những mảnh vỡ thuỷ tinh văng tung toé và bức ảnh treo tường giống với hình nền điện thoại của Hân không còn nguyên vẹn nữa. Hân vẫn chưa kịp thực hiện ước nguyện về bức ảnh mới của gia đình. Vậy mà…

Không suy nghĩ, Hân cúi xuống nhặt những mảnh vỡ của bức ảnh mà Hân xem như báu vật. Ba Mẹ mặc kệ sự có mặt của Hân, tiếp tục đay nghiến nhau. Đúng lúc, anh Hai về, chứng kiến cô em của mình tay bị những mảnh thuỷ tinh làm cho ứa máu vẫn cố nhặt lại. Không thể nhịn được nữa, Hai quay về phía Ba Mẹ: “Ba Mẹ có thôi đi không?”. Lúc này, Hân không còn đủ sức để khóc nữa, mặt Hân tái nhợt và ngất đi trong vòng tay anh Hai.

Ba Mẹ và anh đưa Hân vào bệnh viện, bác sĩ bảo Hân đang bị stress nặng và có xu hướng trầm cảm, cô bé đã dùng khá nhiều thuốc giảm đau đầu cùng với việc ăn uống bất thường trong một khoảng thời gian. Ba Mẹ không biết chuyện gì đang xảy ra nhưng dường như anh Hai, ngỡ như vô tâm lại biết tất cả. Một người xem gia đình là tất cả như Hân thì việc xảy đến thế này thì người làm anh cũng không khó để hiểu.

Thế là, Hân “được” ăn Tết trong bệnh viện. Ba Mẹ và anh Hai thay phiên nhau túc trực bên Hân. Nhìn cô bé thật đáng thương, cứ như người mất hồn vậy, chẳng nói năng gì, Hân quên cả vết thương ở tay vì sao mà có.

Sao Hai không hỏi gì? Hai cũng muốn biết vì sao em lại như vậy mà.

Em của anh không phải là đứa giỏi chịu đựng nên sớm nói ra thôi, mà ai ngoài anh chịu nghe em nói chứ!

Vẫn là Hai hiểu em nhất. Vậy sao Hai còn đánh em. Em ghét Hai…

Anh xin lỗi, nhưng hôm đó rõ ràng là em sai. Ba Mẹ có không đúng đi nữa thì vẫn là Ba Mẹ. Phận làm con không cho phép em làm như vậy.

… Hai ơi! Tại sao người lớn lại ích kỉ như vậy. Yêu nhau, chung sống với nhau ngần ấy thời gian mà lại lấy lí do không hợp để chia tay. Chẳng phải họ đã một thời sống chết có nhau sao, nhưng với lí do đó thì rõ ràng đã phủ nhận hết tình cảm trước kia, phủ nhận hết những cố gắng và phủ nhận cả anh và em sao…

Ngốc này, đúng là chỉ có em mới có những suy nghĩ thiên tài như vậy.

Anh khẽ xoa đầu Hân, lau những giọt nước mắt giàn giụa trên má. Anh hiểu những gì mà cô bé tự cho mình là người lớn đang phải chịu đựng. Cô sinh viên này còn quá non nớt để hiểu những gì đang xảy ra. Luôn sống trong sự bao bọc của Ba Mẹ và anh trai thì làm sao cô bé có cơ hội để bươn chải và đủ chín chắn để suy nghĩ về mọi việc được.

Hai này, sao Hai giỏi vậy. Trải qua nhiều chuyện mà Hai vẫn có thể bình tĩnh được.

Thật ra, anh không vĩ đại như em nghĩ đâu. Chỉ là, những lúc đau nhất, anh phó thác hết cho Chúa và nghĩ rằng đây là một hồng ân Chúa ban và chúng ta phải vui vẻ tiếp nhận…

Làm sao có thể được, khó chấp nhận lắm Hai ơi.

Đúng vậy, lúc đầu cảm thấy khó, nhưng nếu em làm được thì đó như một sức mạnh giúp em vượt qua mọi thứ. Em hãy tự nhủ là Chúa thương ta biết bao, Người sẽ không để chúng ta phải bất hạnh đâu.

Em làm vậy được chứ anh?

Đang lúc chuẩn bị thức ăn để vào bệnh viện, Ba Mẹ nhận được một túi giấy của tiệm chụp hình gởi đến. Hân đã rửa những bức hình này, nhưng nửa tháng nay không thấy đến lấy, đó là lí do vì sao túi này đang ở trên tay Ba Mẹ Hân. Trong túi có rất nhiều ảnh, chủ yếu là ảnh gia đình nhưng cũng không thể gọi vậy được vì tất cả đều không có Hân. Ba Mẹ xem tất cả. Đó là bức ảnh Ba Mẹ và anh lúc đọc kinh gia đình, khi ăn cơm hay ngồi tán gẫu ở phòng khách; là ảnh Ba đang sửa máy bơm nước, bóng điện và cả lúc ngủ quên khi xem ti vi…; là ảnh Mẹ đang nấu ăn, đang giặt đồ, là ảnh chụp sau lưng Mẹ khi đi chợ…; là ảnh anh Hai đang say sưa chơi game, lúc làm việc và cả lúc cau mày vì độ khó chiều của Hân… Tất cả những sinh hoạt hằng ngày đều được Hân “lén” chụp lại. Bất ngờ hơn là có cả những bức ảnh cách đây đã vài năm nhưng vẫn được Hân giữ lại. Khi xem xong số ảnh đó, Ba Mẹ có thể vẽ được khuôn mặt tràn đầy hạnh phúc của Hân. Cả hai như vỡ lẽ, nhìn nhau trong im lặng.

Vài ngày sau, Hân xuất viện. Trên đường về, anh Hai thông báo với Ba Mẹ là anh và Hân sẽ vô lại thành phố sớm mặc dù chưa hết lịch nghỉ Tết. Ba Mẹ dù không muốn cũng đành tôn trọng quyết định của con, đặc biệt là trong hoàn cảnh này. Về đến nhà, Hân sững sờ vì thấy bức ảnh gia đình thật đẹp thay thế cho bức ảnh cũ đã vỡ hôm trước. Ba Mẹ đặt vào tay Hân một tập ảnh dày cộm. Đó là tất cả những bức ảnh mà Hân đã rửa ra, và đương nhiên là không có Hân. Cô bé cẩn thận xem từng bức một, khuôn mặt cô bé lúc này đúng như những gì mà Ba Mẹ đã vẽ ra. Hân bất ngờ hơn khi thấy sự xuất hiện của mình ở cuối tập ảnh. Đó là bức ảnh cả bốn người chụp lại cách đây không lâu, lúc Hân đang ngủ trong bệnh viện. Có cả một bức ảnh Hân đang cười, nụ cười rất đẹp và tác giả không ai khác chính là anh Hai. Hân ôm chầm lấy Ba Mẹ.

 Là con sai rồi? Ba Mẹ đừng bỏ con nhé!

 Ba Mẹ sao có thể bỏ con được, Ba Mẹ thật ích kỉ, không nghĩ đến cảm giác của hai con. Ba Mẹ xin lỗi các con nhiều lắm!

***

Bốn người họ ôm chặt lấy nhau, vừa khóc vừa cười… thời khắc này thật là đẹp. Và tôi, người chứng kiến toàn bộ mọi việc của gia đình Hân đã ghi lại bức ảnh này – bức ảnh gia đình đẹp nhất.

 

Mã số: 14-079

CHỌN LỰA               

Chiều nay, lòng thành phố lác đác mưa bay. Anh chọn một góc trong quán Yesterday, hướng mắt ra phía cửa sổ, ngắm nhìn dòng người ồn ào, tấp nập, bộn bề công việc, những lo toan cuộc sống, mỉm cười. Nâng cốc cà phê nóng trên tay, thỉnh thoảng anh ngước nhìn kim đồng đồ nhích từng vạch trên tường. Anh đang đợi! Có tiếng gọi quen thuộc, quay lưng lại, đón anh là một nụ cười má lúm ngày nào. Anh ngỡ ngàng vì cô thay đổi khá nhiều, nét tự tin ánh lên trong đôi mắt. Cô ngồi xuống đối diện với bàn của anh, ánh đèn vàng dễ chịu trong không gian góc quán nhỏ bé khiến nơi đây trở nên không đông đúc, không ồn ào nhưng ấm lạ như chính cảm giác cô đã từng có với anh. Nhanh thật! Mười năm rồi còn gì…

***

Họ biết nhau khi cô tham gia ca đoàn cùng nhỏ bạn thân, còn anh là một tập sinh về giúp xứ phụ trách tập hát cho ca viên. Với tính cách hoạt bát và một giọng hát được mệnh danh “cây văn nghệ” của khoa, cô dễ dàng chiếm được cảm tình của tất cả anh chị em ca viên, mặc dù cô không theo Đạo. Anh cũng bắt đầu chú ý đến cô qua những lần hát solo cùng nhau, hay những lần anh ôm đàn guitar sinh hoạt giới trẻ, cô lí lắc với má lúm đồng tiền trêu anh đi tu dòng SVD nghĩa là (“Sợ vợ đánh” hay “Sướng về đêm???). Cô trong trẻo và sinh động khi kể anh nghe những câu chuyện trên đời dưới đất của cô và lũ bạn” nghịch như quỷ sứ”. Cô như một đứa trẻ chẳng biết giấu diếm cảm xúc, chợt vui, chợt buồn, nhanh hờn giận mà cũng mau quên. Cô là một bản nhạc sôi nổi giữa cuộc sống vốn bình lặng của anh, chiếm trọn lòng anh lúc nào không hay. Riêng cô không biết mình chú ý đến anh từ bao giờ, có lẽ là những buổi tối nghe anh giải thích những điều thắc mắc về Đạo. Cô có hàng trăm câu hỏi”Tại sao” và mỗi khi hỏi thì muốn biết đến cùng. Hoặc những lúc anh tâm sự về thời sinh viên, về khoảng thời gian anh ở nhà tập….

Đêm giáng sinh, cô đứng cạnh anh ngắm nhìn hang đá. Bỗng anh dúi vào tay cô một tập nhạc, kèm một kẹp sách có hình thiên thần, ngập ngừng:” Em hãy giống như một thiên sứ, đem tiếng ca để làm đẹp lòng Chúa nhé!”. Cô run run nhận lấy, lí nhí đáp: “Dạ”. Chợt nhớ ra, cô hỏi:” Lúc nãy trong nhà thờ, anh cầu nguyện với Chúa điều gì mà chăm chú thế?”. Anh mỉm cười” Anh xin Chúa cho thế giới này bớt đi chiến tranh, trẻ em nơi các nước nghèo có được cơm ăn, được tình yêu thương của ba mẹ. Anh xin cho người dân xứ này biết đến Chúa nhiều hơn. Anh xin Chúa ban sức khỏe cho gia đình, Cha xứ, và…cả em nữa. Thế còn em?” – Cô cúi đầu, cắn cắn môi “ Em…chỉ xin Chúa một điều. Cho em được mãi bên anh. ”.

Thời gian như ngưng đọng. 1 giây, 2 giây, 3 giây… Cô can đảm ngẩng đầu lên, chợt bắt gặp bóng dáng mình thật nhỏ bé trong biển ấm áp của ánh mắt anh. Ngay lúc ấy, dường như tim họ đã lỗi nhịp, và lỗi cùng một nhịp.

***

1h đêm, mọi thứ xung quanh im ắng, ánh đèn đường leo lắt bên khung cửa sổ rọi ánh sáng yếu ớt vào căn phòng đầy bóng tối. Cô gác cằm lên đôi tay tỳ lên quyển sách “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Cô đã đọc đi đọc lại câu chuyện của Mecghi và Cha Palph nhiều lần. Mắt cô nhìn đau đáu vào khoảng không lờ mờ sáng trước mặt, những vệt buồn còn đậm dấu vết trên khuôn mặt. Cô nhắm mắt và nén một tiếng thở dài: “Nhưng cái thứ tình đó là tội lỗi sao?”.

Thời gian dần trôi, cũng đến lúc anh sắp rời giáo xứ. Anh chợt nhận ra, hình bóng cô đã gần như theo anh mỗi ngày. Anh yêu cô, và anh biết cô cũng yêu anh. Rời xa cô anh sẽ rất đau khổ. Thế nhưng“Ơn gọi” thì sao? Anh đến nhà nguyện mỗi đêm, một mình lặng lẽ nhìn lên cây Thập giá, bao lần anh hỏi Chúa “Con phải làm gì đây?”. Chúa vẫn mãi lặng thinh.

Một buổi sáng, anh cùng cha xứ đến một giáo họ nghèo của vùng miền Tây sông nước. Đón hai người từ xa là một cha già đang chống gậy ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Qua cuộc tiếp xúc thân tình, cha vỗ vai anh và nói “Tôi đã mất sáu năm tù cải tạo, rồi còn cả hơn chục năm học làm cha giáo, đóng góp cho Giáo hội còn ít lắm. Đức Cha bảo tôi còn “Nợ Chúa”, phải trả cho hết mới được nghỉ hưu. Các thầy còn trẻ, còn sức lực, còn nhiệt huyết thì hãy hiến dâng hết mình cho Chúa, thời nay còn rất nhiều nơi, nhiều người cần các thầy tưới mát tâm hồn họ bằng Tin Mừng. “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít”.

Nói rồi cha dẫn anh đến một mái nhà tranh gần đấy. Bước vào anh thấy giữa nhà là một bàn gỗ con con, một cây thánh giá nhỏ bé đơn độc, hai bên là tượng Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse cũng ngả màu theo thời gian. Có lẽ mọi thứ có từ rất lâu, chưa được thay mới. Cha giới thiệu đây là “Nhà thờ”, giọng nói đầy tự hào: “Người dân ở đây có một niềm tin thật mãnh liệt, lúc Cha mới đến chỉ có vài người theo đạo thôi, nhưng giờ đã là vài chục, rồi vài trăm. Mỗi lễ chủ nhật họ phải đi xa hàng chục cây số, có khi chèo thuyền một chặng xa để mong được nghe lời Chúa. Vậy mà có những người chẳng bỏ một buổi lễ nào. Có em còn ước mơ sau này làm Cha, để trở về giúp xứ quê mình. ”

Từng câu từng chữ của Cha khiến anh như chợt tỉnh giữa cơn mê. Phải rồi, anh đã nuôi dưỡng niềm tin “Ơn gọi” từ ngày bé, ước mơ và mục đích sống của đời anh là đem Chúa và đem yêu thương đến cho người nghèo khó. Cảm tạ Chúa! Anh đã biết mình phải chọn điều gì.

***

Cô lặng lẽ xúc từng thìa kem…chiếc thìa bé xíu cứ cần mẫn đưa lên đưa xuống. Cô ăn như thể nuốt đầy lồng ngực sự lạnh giá.

Anh chấp nhận tình yêu của em, vì nó không có tội, nhưng anh không thể đón nhận riêng em vì cuộc sống anh chỉ ý nghĩa khi giành trọn cho Chúa và cho tha nhân.

Cô ngẩng đầu nhìn anh. Giờ anh mới phát hiện có giọt nước nhỏ đọng lại trên mi cô…

Đạo anh dạy mến Chúa, yêu người. Yêu em, anh cũng sống đúng lời Chúa vậy. Nếu muốn, em và anh sẽ cùng giúp đỡ những người nghèo khó.

Anh không thể ích kỷ giữ em bên mình, bởi lẽ anh biết rằng ngoài kia còn có rất nhiều người cần đến anh hơn em. Anh sẽ luôn cầu nguyện để em gặp một người mà con tim chỉ dành trọn cho em.

Chúa của anh mạnh quá! Đến ngay cả Mecghi bắt đầu hoài thai bằng tình yêu thơ ngây trong sáng của cô bé con, rồi trăn trở lớn lên thành sự khao khát chiếm hữu của người đàn bà với Cha Ralph mà nàng còn không chiến thắng. Có phải nàng và em giống nhau, đã yêu một người không - được - phép - yêu, một người ở thế giới khác, thế giới chỉ có tình yêu quảng đại cho Chúa, Thánh thần và tồn tại những con chiên ngoan đạo nên giờ đây phải chấp nhận hình phạt đau khổ?

Chúa cho anh lựa chọn, cũng cho em tự do lựa chọn. Em chọn anh, anh chọn Chúa. Tình yêu không có sự trừng phạt. Anh là người, không phải gỗ đá, rung động trước em là lẽ tự nhiên. Có chăng anh chọn lựa một tình yêu khác, không phải tình yêu nam nữ mà thôi. Mecghi tuy đau khổ nhưng nàng hạnh phúc với lựa chọn yêu đến cùng.

Nếu sau này anh không thể làm Cha thì sao? Hoặc đến cuối đời anh sẽ hối hận giống như Cha Ralph, phải đối mặt với nỗi cô đơn suốt cuộc đời, cô đơn khi đối diện với bản ngã của mình, cái kết cục cô đơn vì không đủ can đảm vượt thoát xa hơn.

Chính ta đã xếp đặt số phận của ta như thế, ta không đổ lỗi cho ai và ta cũng không hề tiếc nuối về một phút giây nào trong quá khứ, em ạ…”.

Cô bất lực, lao ra ngoài quán cà phê, bỏ lại đằng sau tiếng gọi của anh. Cô phóng xe thật nhanh và biết rằng anh không thể đuổi theo như hai người yêu nhau bình thường khi giận dỗi chia tay. Mưa. Lạnh. Những giọt mưa nhỏ sao có vị mặn như nước mắt của cô.

“Đau khổ nhất là khi người ta có thể nhìn thấy nhau, biết mình cần nhau, mà phải lẳng lặng chôn vùi yêu thương vì những duyên cớ số phận sắp đặt an bài”

***

Một thời gian sau, Nam xuất hiện. Vị trí ca trưởng của anh được thay thế bởi Nam. Cô và Nam bắt đầu những giờ tập hát chung, những lần sinh hoạt giới trẻ hay có khi là những lần cô đến nhà Nam mượn những tập tài liệu (Cô và Nam cùng học chuyên ngành của một trường trong Sài Gòn). Dần dần, cuộc sống bình dị của cô có thêm một người- ngoài anh. Nam cứ lặng lẽ đi bên đời cô, êm ái xoa diu những vết thương của cô. Thế nhưng… cô nhận ra hình bóng anh đang cười hiền lành, hay lúc anh trầm tĩnh lướt trên từng dây đàn, giọng nói cương nghị, đầy ấm áp …qua Nam. Cô run rẩy tiếp xúc với Nam trong nỗi nhớ về anh, cô đón nhận Nam bên cạnh như một ảo tưởng “Anh vẫn bên cô”.

“Mecghi vì cố quên Cha mà đành kết hôn với người đàn ông khác - người đàn ông giống Ralph đến lạ lùng. Mecghi nuôi dưỡng tình yêu với Cha Ralph qua hình bóng của Luke, để cuối cùng với sự cố chấp cho tình yêu duy nhất đó, Megghi đã phải đón nhận bi kịch đời mình. ” Cô sợ Nam là cái bóng của anh, nhưng cô quá yếu đuối để rời xa Nam cũng như cô không thể mở cửa trái tim mình. Biết rằng nếu yêu Nam, cô sẽ hạnh phúc, nhưng trái tim bướng bỉnh của cô không đập chung nhịp với trái tim Nam. Cô cần Nam trong cuộc đời. Nếu vắng Nam, giống như căn nhà thiếu mất cánh cửa, mùa đông gió lùa, chắc cô sẽ lạnh lắm. Nhưng ngàn lần không phải là tình yêu. Ngày Nam ngỏ lời với cô, đáp lại chỉ là “Em cần môt tình bạn hơn là một tình yêu”.

Đêm ấy, cô đã khóc nức nở, khóc dữ dội như ngày anh rời xa cô. Khi vết thương trong trái tim cô còn chưa lên da non, thì chính cô đã lại mang đến cho một người rất mực yêu cô một vết thương sâu hoắm.

Thế là từ đó chấm dứt những ngày tháng vô tư giữa Nam và cô, chấm dứt những cuộc điện thoại thâu đêm và cả hàng trăm tin nhắn mỗi ngày…Họ tiếp tục những câu chuyện bất tận về cuộc sống, nhưng hình như nó bối rối, không còn vô tư, hình như không còn sôi nổi.

Và họ dừng lại. Dừng lại một tình yêu dở dang và một tình bạn không trọn vẹn.

Cô xin rút khỏi ca đoàn vì lý do bận học thêm một khóa ngoại ngữ vào các buổi tối. Một tháng, hai tháng, ba tháng…trôi qua, cô quay cuồng với việc học, với niềm vui từ bạn bè để lấp đầy chỗ trống trong tâm hồn. Chiếc điện thoại của cô đã lâu lắm rồi không có một tin nhắn từ Nam. Cô tự nhủ “Thời gian sẽ giúp trái tim anh có thể trở về với nhịp đập bình yên”. Thế nhưng, cô bỗng giật mình nhận ra. Cô mong Nam hơn cả anh, cô nhớ những kỷ niệm ngọt ngào của hai người hơn những lúc anh và cô bên nhau. Cô đọc đi đọc lại hàng trăm lần những tin nhắn cũ anh gửi cho cô. Chỉ cần nghe nhỏ bạn nhắc về Nam cũng khiến trái tim cô run rẩy. Cô cảm thấy thật khổ tâm khi quyết định rời xa Nam.

Tình yêu bắt đầu bằng nỗi nhớ, cô tin là vậy. Nhưng tại sao nỗi nhớ của cô không thể là tình yêu?

Mùa Chay Thánh, cô theo chân nhỏ bạn đến nhà Thờ. Cũng đã hơn một năm kể từ ngày anh ra đi. Ngắm nhìn cây Thánh Giá trong lúc chầu, cô thầm nghĩ: “Người được treo trên ấy cũng đã kiên quyết lựa chọn một tình yêu, đến nỗi bị đóng đinh và chịu chết. Yêu “tha nhân” là gì có thể khiến cho Đấng Tối Cao đó phải từ bỏ tất cả quyền uy, hạnh phúc cá nhân mà nhận lấy đau khổ? Yêu “tha nhân” quan trọng đến nỗi khiến anh từ bỏ “tình yêu với cô” để đi phục vụ sao?”. Thế rồi, cô nghe Cha giảng: “ Thiên Chúa đã dùng cái chết để cứu chuộc con người, Ngài hy sinh mạng sống mình cho nhân loại luôn hạnh phúc, bình an”. Anh cũng từng nói “Yêu em, chỉ có hai ta được hạnh phúc, nhưng rời xa em sẽ có người thứ ba có được tình yêu từ em, và nhiều người khác có được sự giúp đỡ của anh”. Cô nhận ra “Tình yêu đôi khi đơn giản chỉ là học cách từ bỏ”!

Trong không gian nhuộm đầy sắc tím bỗng dưng cô thấy lòng nhẹ nhàng lạ.

Tối hôm ấy, cô nhận được một cuộc gọi từ giọng nói mà cô không thể quên. “Anh đang ở dưới nhà, có thể gặp anh một lát được không?”. Cô vội vã chạy xuống như sợ chỉ cần chậm một phút thôi thì Nam sẽ rời đi. Cô nhận ra bóng lưng quen thuộc trong mơ hằng đêm. Nam đột nhiên quay lại làm cô đứng chết chân còn tim thì đập loạn xạ trong ngực. Nam bước đến, ôm chầm lấy cô, hơi ấm quen thuộc khiến bao cảm xúc trong cô vỡ òa. “Anh nhớ em lắm!”

Cô nhìn thẳng vào mắt Nam, trong ánh sáng không rõ của ngọn đèn đường từ xa hắt lại, cô thấy mắt Nam như có nước “Em có sự lựa chọn là quên anh, nhưng anh cũng có sự lựa chọn riêng mình. Anh chọn yêu em và bên em suốt cuộc đời”.

Cô gục đầu vào vai Nam, khóc nức nở. Phải rồi, trái tim cô cũng đang giá lạnh, và khao khát được sưởi ấm. Tại sao cô phải lựa chọn từ bỏ hơi ấm này chứ!

“Truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. . . Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca ấy đáng cho sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đánh đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và thượng đế cũng mỉm cười. Bởi vì, tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại. . . Ít ra là truyền thuyết nói như vậy".

Có một câu chuyện mà người viết được nghe kể lại rằng “Khi con chim cất tiếng hót đầu tiên, một con chim đồng loại theo tiếng hót ấy tìm đến bụi mận gai. Chú ta cố gắng mổ gãy những cành gai góc xung quanh, bay đến bên cạnh chú chim đang hót. Giờ đây, giữa cánh đồng mênh mông, ta nghe không còn là tiếng hót đơn độc, tha thiết mà là một tiếng hót có trầm, có bổng, với giai điệu du dương, đi sâu vào lòng người”.

***

Có tiếng trẻ con gọi: ”Mẹ ơi, hôm nay Su chơi banh lắc thắng cả ba đấy”

Cô yêu thương kéo bé vào lòng “Chào Cha đi con!”. Giữa khuôn mặt bầu bĩnh, anh nhận ra một đôi mắt sáng trong veo ngày nào. Xa xa ngoài cửa, có bóng dáng của một người mà ánh mắt ấy tràn ngập ấm áp và tình yêu giành cho cô. Có lẽ đến giờ phút này, họ đều hạnh phúc với sự lựa chọn của chính mình!

 

 


Các Bài Thơ Của Nhiều tác Giả