GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014

BẢN TIN 13

 

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Với bản tin này, chúng tôi xin được giới thiệu 8 truyện dự thi cuối cùng đã qua vòng loại.

Hiện chúng tôi đang tiến hành chấm chung khảo những tác phẩm đạt điểm cao ở vòng sơ khảo. Tham gia chấm chung khảo có bốn vị: Nhà văn Bùi Công Thuấn (Giáo phận Xuân Lộc), Linh mục Nguyễn Trung Tây (Úc – trong bản tin trước ghi nhầm là Hoa Kỳ; TTT xin lỗi cha Nguyễn Trung Tây và quý độc giả), Linh mục Sơn Ca Linh Trương Đình Hiền (Hạt trưởng Quảng Ngãi) và Nhà văn Trần Như Luận (Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định).

Kết quả cuộc thi sẽ được công bố trong Bản tin số 14.

Xin mời quý độc giả cùng theo dõi, đánh giá và tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

Quý độc giả có thể gửi phiếu bình chọn ngay sau từng đợt bài được giới thiệu. Khi đọc các truyện ở các đợt tiếp theo, nếu thay đổi ý kiến, có thể gửi phiếu bình chọn mới. Chúng tôi sẽ tính theo phiếu gởi sau cùng của mỗi người. Xin gửi cùng lúc về 2 điện chỉ email: tinmunggiesu@gmail.com và gopnhattho@yahoo.com.

Nếu quý độc giả phát hiện bài dự thi nào sao chép, copy ý tưởng, hoặc chỉ là phóng tác từ một tác phẩm khác đã công bố, xin vui lòng cho Ban Tổ chức được biết.

Xin chân thành cám ơn các trang truyền thông Công giáo đã và đang hỗ trợ truyền bá chương trình này, cám ơn quý tác giả đã gửi bài tham gia và cám ơn quý độc giả đang quan tâm theo dõi cuộc thi. Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót chúc lành cho tất cả chúng ta.

 

Qui Nhơn, ngày 03-6-2014

Thay lời Ban Tổ chức

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ


BÀI DỰ THI

 

Mã số: 14-102

CÓ MỘT MÙA XOÀI NON RỤNG …

 

Chiều buông dần …

Những ánh nến lung linh đủ sắc màu…

Trước bàn thờ, hai người trao nhau ánh mắt thật nồng ấm…

Hôm nay là một ngày thật đặc biệt. Trải qua những tháng ngày dài, họ đã tìm thấy nhau và cập đến bến bờ hạnh phúc. Vì chính Chúa – mối dây liên kết tình yêu của họ.

Ngày còn nhỏ, Nhi rất hay đến nhà thờ dự lễ. Và mỗi khi có lễ hôn phối, Nhi rất ư là háo hức. Nhìn ánh mắt tràn ngập ý cười của cô dâu và chú rể, cảnh tượng tuyệt đẹp khi cánh cửa nhà thờ mở toang, cô dâu nhẹ nhàng trong chiếc váy cưới dài thướt tha bước đến nơi làm lễ giữa không gian tràn ngập tiếng thánh ca và các thiên thần nhỏ xinh đẹp. Thật lãng mạn làm sao! Khi ấy cô thường hỏi mẹ rằng: “Tại sao phải kết hôn trong nhà thờ hả mẹ?” Mẹ xoa đầu cô rồi bảo: “Kết hôn trong nhà thờ để đươc Chúa chúc phúc đó con”. Câu nói tuy đơn giản nhưng nó luôn in trong đầu cô, và Nhi luôn mong rằng cũng sẽ có một lúc, cô được khoác tay người cô yêu nhất tiến vào nhà thờ để được Chúa chúc phúc.

Nhi theo học nghề nhiếp ảnh – nghề của đi và khám phá những góc cạnh, tìm tòi những gương mặt ẩn sau nụ cười tươi rói. Có những nổi buồn thầm kín, những khát khao chưa được bộc lộ hay chẳng dám biểu hiện ra. Nhi thích mưa, yêu nắng và cả gió. Mọi thứ làm cho cuộc sống của Nhi trở nên sinh động và đáng yêu. Nhi thường hay lang thang trên phố những chiều, mò mẫm những ngôi nhà thờ cổ kính và bình dị rồi nháy máy. Tất cả đều êm ả… như một giấc mơ mà cô từng mong ước lúc nhỏ. Được chụp những bộ ảnh cưới, là người chứng kiến khoảnh khắc hạnh phúc nhất của đời người và là nhân vật chính trong lễ cưới ở thánh đường cùng người cô yêu. Nhi thấy tự hào vì mình là người Công giáo. Người ngoại đạo khi kết hôn chỉ cần giấy hôn thú từ chính quyền rồi là xong chỉ riêng người bên Công giáo được làm một lễ thật quan trọng và thiêng liêng: Lễ làm phép hôn phối.

Nhi rất thích nhìn những cặp đôi làm lễ trong nhà thờ. Khi một trong hai người là Đạo theo. Cô biết rõ, bên cạnh tình yêu, niềm tin tôn giáo là một yếu tố quan trọng đối với đời sống hôn nhân và gia đình, không chỉ ảnh hưởng đến lối suy nghĩ, cách hành xử, mà còn ảnh hưởng đến những chọn lựa trước những vấn đề của cuộc sống, nhất là trong việc giáo dục con cái. Một khi đã lựa chọn theo Đạo, nghĩa là người đó đã sát nhập vào một gia đình mới, có Thiên Chúa là Cha, là tình yêu. Có thể ban đầu vì quá yêu mà họ theo Đạo thì dần dần họ cũng hiểu rõ và sống Đạo tốt lành. Kết hôn – là khi hai người xa lạ tự dưng bị “kết dính” lại một chỗ, có lúc người trong Nam kẻ ngoài Bắc. Diệu kì thay, tình yêu quả là một mầu nhiệm mà phải chăng chính Chúa đã tác thành cho con cái của Ngài?

Nhi còn nhớ như in cái ngày mà cô chia tay mối tình đầu. Anh là con trai một có ba mẹ làm cán bộ bên Đảng. Mối tình đầu ngây thơ và trong sáng nhưng lại vụt tắt chóng vánh đến khó tin. Ngày mới yêu anh thường nói: “ Sau này anh nhất định sẽ cùng em bước vào nhà thờ với sự chứng kiến của ba mẹ. Ba mẹ anh chắc chắn sẽ không phản đối việc đạo hạnh gì đâu vì ông bà chỉ có mỗi mình anh mà thôi”. Vậy là cô đã tin. Tin tình yêu chẳng thể nào chuyển núi dời non, tin vào những lời hứa hẹn mà quên mất những cảm xúc trong ánh mắt cha mẹ anh khi cô đến nhà lần đầu – lúc quen nhau được tròn một năm. Có lẽ anh đã nói trước với cha mẹ anh là gia đình cô theo Đạo, cô thấy cách họ cười nói hỏi thăm về gia đình cô dường như có một khoảng cách vô hình. Cô không phải là một đứa không hiểu chuyện. Sự e dè, ý tứ có phần sâu sắc hiện rõ trong ánh mắt của họ khiến tim cô chùng lại. Cô thấy dạo gần đây anh có vẻ buồn nhưng hỏi mãi không nói, rồi anh bảo bận làm đề án cho ngày tốt nghiệp ra trường, không có thời gian rãnh rỗi. Sự lo lắng mơ hồ len lỏi làm cô chợt buồn và nao nao lạ. “Có khi nào…!” Cô thầm nghĩ rồi lắc đầu. Có lẽ vì anh bận học quá thôi. Những lúc gặp nhau, anh hay bực bội vô cớ rồi lại xuống nước xin lỗi cô vì anh bị áp lực quá nhiều. Cô muốn sẻ chia cùng anh nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu với lời giải thích: “ Học nhiều nên áp lực nặng nề thôi. Không có gì quan trọng đâu”. Và rồi một ngày không xa lắm, một ngày cuối tháng ba, nắng chiếu trên cao và gió thoảng nhẹ qua tai, anh đến gặp cô với một giọng khác lạ: “Nhi à, chúng ta chia tay thôi. Anh xin lỗi, vì có lẽ anh chưa đủ chín chắn tự quyết định được rồi chuyện của chúng ta sẽ đi đến đâu. Việc gia đình em theo Đạo, ba mẹ anh biết và có lẽ không chấp nhận. …” rồi thêm vài lý do gì đó nữa. Cô không biết lúc đó mình đã nói gì với anh hay chẳng nói lời nào và anh về từ khi nào. Cô chỉ thấy tai ù đi và mọi thứ trước mắt như ngưng lại. Mơ hồ… Cô òa khóc. Vậy là tình yêu cô chưa đủ lớn , khoảng thời gian một năm bốn tháng hai ngày của hai đứa chưa đủ dài để giữ chân anh lại. Hay là do áp lực theo Đạo đối với con trai một như anh là quá khó? Nhi không trách anh. Chỉ là trong tim vừa toạt ra một mảng lớn. Đau và xót! Yêu thương như gió thoảng vụt tan như bong bóng xà phòng. Rồi khi một khoảng thời gian qua đi, nhìn thấy anh dắt tay một cô gái khác, cô gượng lại được. “Gắng lên Nhi, mày là đứa mạnh mẽ mà, duyên chưa đến thì việc gì phải buồn. Mọi việc cứ để Chúa lo liệu thôi”. Và không cảm thấy đau nữa. Tất cả phải được chôn vào miền kí ức của ngày hôm qua.

“Lộp độp”… thì ra là quả xoài non chẳng đủ sức trụ lại cây, đành gieo mình xuống mái nhà lợp tôn nghe lộp độp. Mùa xoài non rụng đến rồi! Đây là cái tên cô gọi từ khi còn nhỏ. Dịp này cô được về thăm nhà để hoàn thành đề tài thực hành. Đề tài năm nay là tự chọn nên cô cho mình một chuyến lang thang những nẻo đường ở quê. Vác máy ảnh lên vai, cô chọn cho mình bộ sưu tập ảnh cưới tại nhà thờ để thỏa nổi mong ước. Từng góc cạnh, từng chi tiết trong bộ ảnh được cô khai thác triệt để. Nói vậy không có nghĩa cô chọn lựa những bức ảnh chuẩn, đẹp mắt mà là những phút giây bất ngờ của cô dâu chú rể, lúc họ trao cho đối phương ánh mắt dịu dàng, phút lau vội những giọt mồ hôi trên mắt người yêu thương… Hoàn thành tác phẩm, trở lại trường thì quay đi quay lại ít hôm nữa là đến hè. Nhanh thật! Cô muốn mình chìm vào mọi thứ để lãng quên anh, lãng quên những thói quen khó bỏ, quên đi những buổi chiều chủ nhật đến nhà thờ cùng nhau, quên những tối đi dạo ngoài biển, quên những buổi sinh hoạt sinh viên công giáo tổ chức. Mọi thứ, giờ cô chỉ có thể một mình làm. Những chiến dịch tình nguyện dài ngày đem cô trở lại những ngày vui vẻ như trước, cô không cô độc và không buồn nữa. Và kết thúc chuỗi ngày ấy cô có thêm những người bạn dễ thương và Hiếu – một anh chàng cá tính khác khoa đồng thời là người luôn cạnh giúp đỡ, chia sẻ với cô mỗi khi cô buồn.

Đến khi chính thức hẹn hò, Hiếu mới thừa nhận rằng anh đã thầm mến Nhi từ khi Nhi còn quen anh khóa trên. Hiếu luôn dõi theo từng bước chân Nhi khi hai người yêu đến lúc chia tay, rồi anh tự hỏi có nên đến gần cô để an ủi cô hay không nhưng cứ lần lữa vì ngại ngần. Cơ hội đến với anh khi cả anh và cô cùng tham gia đợt tình nguyện. Và rồi… Anh còn đùa: “Theo đuổi em có biết là cực khổ thế nào không? Chỉ còn thiếu cái khoảng hái sao trên trời nữa thôi!” . Sau thất bại của mối tình đầu tiên, Nhi dường như chai lì với tình cảm của người khác phái. Ai mến cô, cô đều biết nhưng để yêu thì chưa đủ. Vì yêu cô, phải vượt qua rào cản tôn giáo. Việc Nhi chấp nhận anh đồng nghĩa với việc hai năm trôi qua mỏi mòn. Cô sợ, sợ thất bại một lần nữa trong chuyện tình cảm, sợ phải trải qua cảm giác mất mát, sợ ai đó chỉ là lòng thương hại. Hiếu đến, đã thật sự lấp đầy khoảng trống trong tim cô. Cô không ngần ngại nói thẳng: “Em là người theo Đạo, anh nói yêu em thế có thể không?” . Câu hỏi không quá rõ nhưng cũng đủ để a hiểu, anh có vượt qua được không. Anh chỉ nhẹ nhàng nói một câu: “Anh sẽ cố gắng”. Là đủ rồi. Yêu anh, Nhi kể mọi thứ đã qua với một giọng bình thản. Về câu chuyện chia tay trong mùa xoài non rụng. Anh ôm cô vào lòng, không hứa hẹn chi cả. Chỉ một vòng ôm ấm áp với cô là quá đủ.

Người ta thường nói: “Yêu nhau yêu cả đường đi” thật đúng. Quen cô, anh tự mình đón cô đi làm rồi cùng đi nhà thờ mỗi ngày chủ nhật, mỗi khi có dịp lễ trọng. Anh hỏi cô về giáo lý, về các nghi thức. Anh sẵn sàng chia sẻ với cô những bộn bề trong cuộc sống, những niềm vui và nổi buồn, áp lực công việc rồi tìm hiểu Đạo. Niềm say mê len lỏi trong anh khiến cô tin tưởng dù không một lời hứa trước. Nhiều đêm chìm trong những phút thinh lặng cầu nguyện, cô thầm cảm ơn Chúa đã gửi đến cho cô một người yêu, người bạn thật tuyệt vời. “ Nếu là ý Ngài muốn, con xin được vâng theo thánh ý Ngài”.

Ngày hạnh phúc của cô và anh rồi cũng đến. Một đêm cuối tháng ba đúng vào mùa xoài non rụng.

Chiều dần buông…

Những ánh nến lung linh đủ sắc màu…

Tay cô trong tay anh cùng tiến bước vào thánh đường…

Dòng chữ “Thiên Chúa là tình yêu” rực rỡ trên nền vải trắng sau ghế ngồi dành cho cô dâu, chú rể…

Và lời tuyên hứa của anh: “Anh là Giuse Hiếu, nhận em Ane Nhi làm vợ và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng nhau mỗi ngày suốt đời anh…”

Mùa xoài non rụng năm nay và sau, cô không còn cô đơn nữa vì cô có tình yêu của anh được Chúa chúc phúc. Đêm xuống, cô và anh cùng quỳ bên nhau cầu nguyện: “Lạy Chúa, chúng con xin cảm tạ vì những ơn lành Ngài đã ban cho chúng con. Chúa đã mời gọi chúng con bước vào cuộc sống hôn nhân và gia đình, xin nâng đỡ ước mong xây dựng gia đình và củng cố tình yêu đầy những thử thách của chúng con. Xin gửi Thánh Thần tình yêu đến giúp chúng con vượt qua những khác biệt để có thể trở thành không những là người bạn đời, mà còn là người bạn đạo của nhau. Amen”.

 

Mã số: 14-103

ĐẠO LÀM NGƯỜI

 

Tại lầu năm một khu chung cư…

Một cậu bé khoảng tám tuổi, trên tay cầm một quển sách mang tựa đề “Đạo làm người”. Đôi mắt cậu bé cứ dán vào quyển sách. Không biết trong quyển sách đó có gì hay không mà cậu bé cứ chăm chú. Bỗng một tiếng gọi vang lên từ một căn phong cách nơi cậu bé dứng hai phòng.

- Tí lại đây chú bảo

Tí ngoái đầu nhìn sang căn phòng có tiến người mới gọi. Tí không nghe tiếng gọi nữa nên Tí tiếp tục đọc sách. Nhưng một lúc sau, tiếng nói lúc nãy lại phát ra cũng chính căn phòng đó nhưng lần này lại có thêm một cánh tay vẫy vẫy và gọi:

- Tí lại đây chú bảo.

Tí quay đầu lại thấy cánh tay liền cặp quyển sách vào nách rồi bước lại chổ căn phòng. Tí nhìn vào căn phòng, chẳng thấy một ai. Tí lên tiếng:

- Chú ơi!

-Àh chú xin lỗi, nãy giờ chú đi lấy tiền.

Một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi, rút đưa cho Tí tờ một trăm ngàn, nói:

- Con xuống dưới mua dùm chú một gói thuốc ngựa nha Tí.

Tí cười đáp:

- Dạ.

Tí theo cầu thang bộ xuống dưới quán dưới nhà. Tí vừa đi, vừa đọc sách, mắt lúc nào cũng dán vào quyển sách không rời. Tay phải cầm sách, tay trái cầm tờ một trăm ngàn trượt trên thanh vịn cầu thang gỗ bóng loáng.

   Bà Năm là người bán thuốc lá, bánh mì và nước uống tại mặt tiền của khu dân cư này. Tí bước lại gần gọi bà Năm nhưng vì bà đang nghe điện thoại nên không để ý đến sự hiện diện của Tí. Bà vừa nghe điện thoại, vừa chửi:

  - Mày bảo sao, nó không trả tiền hả? Nếu nó không trả tiền thì mày cứ đến nhà nó xiết hết đồ cho tao. Tao không tin là mặt nó dày đến độ tao đòi mãi mà không trả. Tiền bà một khi ra là chỉ có vào chứ khồng đi luôn mày cứ nói với nó vậy đó…

Tí lúc này đứng bên cạnh cứ gọi nhưng bà Năm không chịu để ý. Tí nắm vạt áo bà lay lay. Bà Năm quay lại quát:

- Mày muốn gì?

Tí hơi sợ nhưng vẫn lấy hết dũng khí nói:

- Dạ.. dạ.. Dì Năm bán cho con một gói thuốc ngựa.

Tí đưa tờ một trăm ngàn cho bà Năm. Bà nói:  

- Biết rồi đợi tao một tí. 

Bà quay lại lấy thuốc và tiền thối cho Tí nhưng vẫn nói chuyện điện thoại. Bà dí tiền và gói thuốc trên tay Tí rồi đẩy Tí một cái nhẹ. Tí nhìn lại trên tay mình bà Năm đã thối nhầm cho Tí thêm một tờ một trăm ngàn nữa. Tí lay vạt áo bà, gọi:

- Bà Năm ơi , bà Năm ơi...

Bà Năm không trả lời vẫn tiếp tục cuộc nói chuyện điện thoại đang dang dở. Tí vẫn còn lay áo bà. Bà Năm thấy Tí vẫn chưa chịu đi mà còn quấy rối mình, bà gác điện thoại và nói lớn vào mặt Tí:

- Xong rồi thì đi cho tôi nhờ, lải nhải hoài mệt quá.

Tí sợ quá giật lùi lại và cúi đầu bước đi. Tí kẹp tờ giấy bạc một trăm ngàn vào quyển sách và đem gói thuốc lên cho người đàn ông lúc nãy. Tí bước vội đến độ đôi chân nhỏ bé cửa Tí phải nhảy lên hai bậc thang một lần, Tí chẳng buồn đọc sách như lúc đi xuống. Đến trước cửa phòng người đàn ông Tí gọi:

- Chú ơi con về rồi.

- Tí đó hả con, chờ chú mội lát.

Lát sau người đàn ông trở ra.

- Thuốc của chú đâu?

- Dạ đây. Tí đưa gói thuốc ra trước mặt người đàn ông.

Ông ta cầm lấy gói thuốc và xoa đầu Tí. Ông ta rút tờ một trăm ngàn đưa cho Tí và nói:

- Chú thưởng cho con, cầm đi.

Tí lắc đầu :

- Thôi cháu không lấy đâu cháu có sách rồi. Chào chú con đi. Hihi

Tí nở nụ cười thật tươi rồi quay đầu bước đi. Người đàn ông vừa cười vừa lắc đầu.

- Đúng là mọt sách.

Nói xong ông ta bước vào nhà.

Tí chạy vội xuống lầu. Khi đến trước quán bà Năm, Tí chợt khựng lại. Trước mặt Tí bây giờ xuất hiện một cô bé trạc tuổi Tí nhưng khuôn mặt xanh xao hốc hác, quần áo lấm lem trông có vẻ như một đứa trẻ bụi đời. Cô bé bước lại gần bà Năm, lúc này bà Năm đang dọn bàn. Cô bé cất tiếng gọi:

- Cô ơi cho con xin một ít bánh, từ sáng đến giờ con chưa có gì vào bụng cả. Con đói lắm cô ơi.

Bà Năm quay lại quát vào mặt cô bé:

- Con kia, mày cút khỏi đây cho tao, chỗ người ta buôn bán mày đến đây xin xỏ gì hả? Nếu còn không đi bà lấy chổi chà bà quét thì đừng có trách bà. Cút!

- Cô ơi, cô làm ơn thương con.

- Tao thương mày rồi ai thương tao. Đi cho lẹ giùm tui cái, lẹ lên.

Bà ta vừa nói vừa xô cô bé ra khỏi quán. Cô bé tội nghiệp bước ra khỏi quán với khuôn mặt đầy nước mắt.

Nãy giờ từ xa Tí đã chứng kiến mọi việc. Tí bước lại gần chổ bà Năm, gọi:

- Cô Năm ơi!

Bà ta quay lại và quát:

- Gì nữa mày?

Tí đưa tờ một trăm ra đưa cho bà Năm.

- Lúc nãy cô thối nhầm cho con, con xin trả lại cho cô.

Bà Năm nhận lấy tờ tiền và nói lời cảm ơn. Tí cười chạy ra khỏi quán đến chỗ cô bé lúc nãy, bà Năm cũng chạy theo sau. Tí đứng trước mặt cô bé, chìa quyển sách đang cầm trên tay cho cô bé. Cô bé không hiểu cứ trơ ra nhình. Tí lên tiếng:

- Cái này cho bạn. Mình đọc chưa hết, không biết có hay không nhưng mình biết chắc rằng cái này có thể làm bạn no. Hihi.

Tí nở nụ cười tươi rồi chạy đi. Cô bé ôm chặt quyển sách và nhìn theo hướng Tí chạy cho đến khi Tí khuất bóng hẳn. Lúc  này bà Năm bước lại gần, khẽ chạm vào vai cô bé.

- Cô xin lỗi con chuyện lúc nãy. Giờ con cùng cô trở về quán. Cô sẽ cho con bánh và con có thể đổi cho cô quyển sách trên tay con không?

 - Dạ nếu cô cho bánh con thì con cảm ơn nhưng cái này thì không được. Tuy con không biết chữ nhưng mẹ con biết, con có thể nhờ mẹ đọc cho con nghe.

 Bà Năm im lặng, cô bé cũng im lặng. Hai con người như hiểu nhau hơn. Trên con phố quen thuộc, người, xe vẫn qua lại tấp nập. Nhưng ai có biết đâu tại nơi đây đã có một con người thay đổi và cũng có thể sẽ còn nhiều người thay đổi hơn nữa nếu ta có thể trở thành một con người đạo đức.

 

Mã số: 14-104

MÀU CỦA ĐÊM

Trời càng về đêm gió càng thốc vào se lạnh. Chị choàng tấm chăn mỏng vừa đủ che chắn cho mình và đứa bé còn say ngủ. Đối diện chỗ chị ngồi, người thanh niên mặc áo xanh hướng cái nhìn lơ đãng ra phía cửa sổ.

Chồng chị cũng có đôi mắt lơ đãng hệt như thế. Hồi còn học chung trường văn hóa, đám con gái chết mê chết mệt anh. Kẻ khen anh có đôi mắt nghệ sĩ, người khác ví tóc anh như nam tài tử điện ảnh. Lý do anh chọn chị vì nơi chị toát lên vẻ đẹp trong sáng của một nữ sinh Công giáo. Khi biết chị sắp làm đám cưới với anh, mẹ chị ra sức ngăn cản, bảo mày mà lấy nó chỉ tội rước khổ vào thân thôi!

Hai mươi hai tuổi, chị phớt lờ những đe nạt lẫn dè bỉu này khác để cưới anh. Sáu cái miệng ăn chen chúc nhau trong ngôi nhà cấp bốn rộng chưa đầy trăm mét vuông. Ông bố chồng bị bệnh mấy năm nay, gần như nằm một chỗ. Anh xin được một chân ở phòng văn hóa huyện, lương ba cọc ba đồng. Chị thất nghiệp, tháng ba mươi ngày tần tảo phiên chợ sớm, cũng bèo bọt lay lắt. Cả nhà đành trông vào mấy sào ruộng, no đói ấm lạnh vào đấy cả.

Lấy chồng được tám năm, chị sinh cho anh hai cô con gái xinh xắn. Mẹ chồng bắt đầu nhiếc móc về chuyện không có đứa cháu trai nối dõi. Chị lại động viên, bồi bổ cho chồng. Rồi chị mang bầu, đứa thứ ba vẫn là con gái. Mẹ chồng cho người đánh tiếng không đến thăm. Anh vượng qua trạm xá một lát cho có lệ rồi lấy cớ có công việc phải đi ngay. Chị và ba đứa con nằm ôm nhau khóc cả đêm. Lần đầu tiên trong đời, chị thấy mình bất lực.

Quê chồng chị cách xa vùng giáo bảy tám cây số. Chủ nhật nào chị cũng gắng đưa các con đi lễ. Chị dạy chúng cách lần hạt, thầm thì cầu nguyện. Riêng chuyện cho con lãnh nhận bí tích thanh tẩy thì không thể. Dăm lần bảy lượt chị bàn ý định này với cả nhà thì y như rằng bà mẹ chồng nhảy cẫng lên như đĩa phải vôi: Cô đừng có mà mụ mị, cháu tôi có tội gì mà phải rửa? Chị nhìn sang chồng, bắt gặp một sự điềm nhiên đáng sợ.

Đoàn tàu vẫn im lìm băng về phía trước. Tiếng cười nói huyên thuyên của mấy vị khách cuối toa đã im bặt từ lâu. Chị thiếp đi một lúc rồi giật mình tỉnh dậy…

Ký ức vào cái đêm kinh hoàng ấy khiến chị mỗi khi nhớ lại vẫn còn cảm giác rùng mình. Chiều muộn, anh điện thoại báo sẽ đi công tác Hà Nội mấy ngày theo lệnh của trưởng phòng. Chị chỉ kịp dặn chồng mua cho con mấy hộp sữa rồi lại tất bật lo bữa tối cho cả nhà. Tối đến, hai đứa lớn ngủ với bà nội, chị ôm con gái út ngủ ở buồng trong. Nửa đêm, một người đàn ông trần truồng nằm đè lên người chị. Chị say ngủ, ú ớ tưởng là chồng, ôm chầm lấy. Điện bật sáng, tiếng la hét, tiếng bước chân người, tiếng tách tách của máy ảnh. Chị hoảng loạn đẩy thân xác kia ra, là một người bạn của chồng chị. Đám người vừa lạ vừa quen xông vào chị xâu xé. Cơn ác mộng chỉ tạm thời chấm dứt sau khi bà mẹ chồng ném cho chị những lời cay nghiệt: Đúng là ngữ mèo mả gà đồng. Mày làm ơn biến khỏi nhà này với cái mặt nạ dỏm đời của mày đi!

Mấy đứa con ôm lấy mẹ mà khóc. Chị rũ rượi ngồi bó gối, bất động như cái xác không hồn. Tuyệt nhiên không một giọt nước mắt…

Chồng chị công tác về, không điên loạn xông vào đánh đập như đám người kia cũng chẳng tra khảo chị lấy một câu. Một sự im ắng rùng rợn bao trùm, như thể chỉ cần một tiếng động khẽ thôi cũng đủ làm tan hoang tất cả. Nhưng nơi mắt bão thường lặng gió. Sự trả thù vẫn luôn là một khoái cảm âm ỉ cháy trong tiềm thức của mọi giống đực. Anh dán tất cả những tấm hình chụp được vào cái đêm kinh hoàng ấy khắp phòng ngủ của hai vợ chồng, nhẹ nhàng như không. Chị bẽ bàng đi tìm một sự giải thoát.

Chồng chị vắng nhà nhiều hơn. Cả tháng anh chỉ về nhà vài bữa cho có lệ, người nồng nặc mùi rượu, mùi đàn bà tởm lợm. Người ta báo cho chị biết anh cặp bồ với một đồng nghiệp cùng cơ quan. Chị chết lặng. Nhưng chị vẫn nhẫn nhịn ở lại ngôi nhà này. Chị không muốn phá vỡ đi cuộc hôn nhân đã thề nguyền trước Chúa.

Chị chỉ quyết định ra đi khi biết được những gì diễn ra vào cái đêm nhơ nhuốc ấy là một âm mưu được sắp xếp. Thì ra bà mẹ chồng đã ngán cô con dâu tận cổ, huỵch toẹt ra là bà muốn có một đứa cháu trai, một đứa cháu không phải lầm rầm cầu kinh vào mỗi tối. Ở đâu thì không biết chứ trong ngôi nhà này, lề thói gia phong vẫn cứ phải chiễm chệ ngồi ở cái ghế cao nhất. Giờ có ở lại đây thì chị cũng không khác gì một người dưng, vẫn cứ lạc lõng trong tổ ấm của mình. Đời chị xem như đã vứt đi rồi, người chồng đầu ấp tay gối giờ cũng bỏ chị mà đi. Ngay cả những đứa con, niềm hạnh phúc lớn nhất của đời chị, cũng có thể bị cướp mất bất cứ lúc nào. Phải giành giật lại chúng. Phải cho chúng biết còn một giá trị truyền thống khác mà chúng phải giữ gìn là đức tin Kitô giáo. Chị không được phép thua trong cuộc tranh giành khốc liệt này.

Chị đưa ba đứa con về nhà mẹ đẻ sau khi cắt đứt những mối dây nhợ ân tình với nhà chồng. Đêm đầu tiên sau mười năm làm dâu xứ người, chị mới có cảm giác được trở về nhà. Mọi cứng cỏi như vụn vỡ, chị ôm lấy mẹ mà khóc. Những cay đắng, đớn đau, tủi nhục… theo những giọt nước, buông lơi. Từ đó chị căm thù bọn đàn ông, cái giống trở mặt nhanh hơn điện.

Tàu dừng ở ga xép. Một người phụ nữ trạc ngoài sáu mươi, mái tóc điểm bạc nhưng khuôn mặt phúc hậu đến ngồi bên người thanh niên áo xanh. Bà nhoẻn miệng cười với những người xung quanh rồi tựa đầu vào thành ghế, khép hờ mắt lại như thể sắp bước vào một hành trình xa xôi lắm. Chừng năm phút, những chiếc bánh va vào đường ray ken két, con tàu lao vút đi trong màn đêm.

Chị lấy chuỗi hạt đeo ở tay bắt đầu giờ kinh đêm như thường lệ. Sau cơn giông gió của người đàn bà vừa bước qua tuổi ba mươi, chị gầy sụp đi, giấc ngủ cũng chập chờn như cuộc đuổi bắt đầy ám ảnh. Một tháng về ở nhà mẹ đẻ, đêm nào chị cũng ngồi trước tượng ảnh Đức Mẹ, thầm thĩ kể lể nỗi oan khiên rồi thiếp đi lúc nào chẳng biết.

- Chị theo đạo à?

Chị thảng thốt giật mình bởi tiếng nói của vị khách ngồi đối diện. Người thanh niên mặc áo xanh vẫn chăm chú nhìn chị.

- Vâng, tôi theo đạo Công giáo. Anh thấy tôi có giống một con chiên ngoan đạo không? - Chị giơ chuỗi hạt lên, nở một nụ cười thật nhẹ.

- Tôi thấy chị rất mệt mỏi. Miệng chị cười nhưng mắt chị buồn lắm. Chị đi đâu?

- Sài Gòn. Tôi tham quan vài nơi trong đó.

- Tôi quan sát bộ dạng chị từ lúc mới lên tàu, có vẻ tâm trạng không giống lắm với một khách du lịch.

- Thế tôi giống kiểu nào?

- Kiểu một người đang chạy trốn thì đúng hơn.

Bất giác chị khựng lại. Câu nói của vị khách kia vừa chạm vào lớp màng mỏng của một vết thương mà chỉ chực một tác động nhẹ thôi cũng đủ làm rỉ máu. Chị cười buồn:

- Nói chạy trốn hay tự giải thoát đều đúng cả.

- Một cuộc hôn nhân?

- Một sai lầm thì đúng hơn!

Tàu chầm chậm xuống núi. Từ những ô lưới nhỏ bằng ngón tay hắt vào thứ ánh sáng vàng vọt. Câu chuyện mỗi lúc một dày thêm, về tình yêu và thân phận, lòng cam chịu và sự phản bội, về cuộc giằng co khốc liệt để giữ lại niềm tin trước những nhiếc móc cay nghiệt của miệng đời. Chuyến đò nên nghĩa, người ta nói chẳng sai. Chị trải lòng nhiều hơn với người khách lạ như thể chính anh ta là người thân duy nhất của chị trên cõi đời này…

- Lấy chồng đã vất vả, người phụ nữ Công giáo lấy chồng ngoại lại càng long đong. Về làm dâu nhà người phải cố gắng bằng hai bằng ba mà nhiều khi còn bất lực. Rồi khi biết người ta phản bội, người ta đuổi đi cũng không thể tự giải thoát lấy chính mình. Cầm tờ giấy ly hôn chồng đưa, biết chỉ cần ký vào đó một chữ thôi là chấm dứt tất cả mà cũng không thể nào làm được. Nhục lắm, đau lắm anh ạ!

- Chúng ta đều là những kẻ chạy trốn. Kẻ chạy trốn cuộc hôn nhân không hạnh phúc, người chạy trốn một lý tưởng không tình yêu.

- Trông anh chẳng có vẻ gì như thế cả.

- Ngay từ phút đầu tiên, tôi cũng có một chọn lựa sai lầm. Cho đến một ngày tôi mới nhận ra rằng, mình đang thực hiện lý tưởng của mẹ chứ không phải của chính mình.

- Vì vậy mà anh quyết định chạy trốn?

- Ở lại, tôi cũng không cảm nghiệm được hạnh phúc. Có lẽ tôi giống chị, nói chạy trốn hay tự giải thoát mình trong trường hợp này đều đúng cả!

- Khốn nạn thật, hai kẻ chạy trốn lên chung một chuyến tàu.

Gió xé qua khe cửa, váng vất cảm giác rờn rợn. Tiếng còi tàu khiến cho đêm càng thêm vắng lặng. Câu chuyện vãn dần, cả hai như đuổi bắt những ý nghĩ của riêng mình. Người phụ nữ có mái tóc điểm bạc cũng vừa thức giấc. Bà khom người lấy chai nước đưa lên miệng làm một ngụm nhỏ rồi quay sang vị khách mặc áo xanh:

- Thế ra trên tàu này có hai kẻ chạy trốn?

- Bác không ngủ được à?

- Ở vào tuổi của tôi người ta ngủ ít hơn. Hai cô cậu mới cần phải ngủ sau một đêm dài như thế chứ! Ngủ đi, trời sắp sáng rồi!

- Cháu không ngủ được bác à! - Chị thở dài.

- Là tại vì cô mang nặng quá nhiều màu của đêm. Màu của đêm bao giờ cũng đáng sợ. Mà cái đáng sợ nhất của nó là làm cho cô nhìn ngày rất tối.

Chị tần ngần:

- Màu của đêm?

- Vâng, là màu của đêm. Chuyến tàu này có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu màu của đêm như thế. Già trẻ, gái trai, người giàu sang lịch lãm, kẻ khố rách áo ôm đều đang phải đi chung một chuyến tàu đời, đều đang phải từng giờ từng khắc trải qua màu của đêm như thế.

- Lúc nãy bác có nói là cháu mang quá nhiều thứ màu đó?

- Cô mang quá nhiều sân si, thù hận. Cô nói chuyến đi này như một sự giải thoát nhưng chính cô lại mang theo quá nhiều thứ hành lý cay nghiệt. Cô không ký vào giấy nhưng tự lòng cô đã làm một cuộc ly hôn rồi. Sẽ chẳng có sự giải thoát nào cả nếu như trước hết cô không thể hòa giải với lòng mình.

- Nghĩa là cháu nên ở lại và tiếp tục chịu đựng những thương tổn ghê gớm ấy?

- Tôi đã từng có một gia đình với hai đứa con trai kháu khỉnh. Đúng là hạnh phúc chẳng tày gang. Ở tuổi bốn lăm, chồng tôi cặp với một người đàn bà có tiệm vải to nhất làng, hai người họ rủ nhau vào Đồng Nai mua nhà sống chung. Cô biết không, suốt mười mấy năm, tôi nhiều lần cất công vào đó khóc lóc van xin ông về, vì nhà tôi là con trưởng, còn phải lo hương khói cho ông bà tổ tiên. Nhưng ông nhất định không về. Cách đây mấy năm, ông chẳng may qua đời sau một vụ tai nạn giao thông. Người đàn bà kia bán nhà bỏ đi đâu mất. Thế là một tay tôi lo mai táng, một năm vài lần vào Đồng Nai thăm mộ, hương khói. Giờ tôi sống nhờ vào đồng lương của giáo viên về hưu, ngày ngày tụng kinh niệm Phật cầu cho ông được siêu thoát. Khó tưởng tượng phải không? Nhưng tôi tin là những ai đã từng thấm cái nghĩa vợ chồng đều sẽ làm như thế cả.

- Thật ra cháu chẳng còn gì để níu giữ cả!

- Cô theo đạo, thế mà cô không tin vào Đức Chúa của mình ư? Công giáo của cô, Phật giáo của tôi đến được với con người chẳng phải là do tất thảy đều mang lại cho con người niềm tin vào cuộc sống, vào cái thiện lương đó sao? Cô định bảo vệ niềm tin tôn giáo của các con cô bằng cách bo bo giữ riêng chúng cho mình ư? Hãy để bọn trẻ được sống và cảm nghiệm niềm tin của mình ở cái nơi chúng được sinh ra, vốn là gia đình của chúng.

- Chúng cảm nghiệm thế nào được ở cái nơi mà bố chúng ngủ với một người đàn bà khác, còn mẹ chúng bị lập mưu đuổi đi như một thứ cặn bã hôi hám? - Chị uất nghẹn, giọng lạc đi.

- Niềm tin là thứ được tôi luyện và lớn lên trong thử thách, trong những nghịch cảnh tưởng như không thể vượt qua nổi. Cô và tôi, chúng ta rất dễ vui mừng khi gặp những may lành, thế sao ta không thể can đảm đón nhận mỗi khi gặp bất trắc, đau khổ? Còn bài học nào đẹp và sống động hơn về niềm tin khi các con cô được chứng kiến người mẹ của chúng mạnh mẽ bước qua những ngày đen tối như thế?

Người thanh niên mặc áo xanh quay lại, trầm ngâm:

- Vậy làm cách nào để có thể xóa được màu của đêm?

- Chỉ có thể làm giảm bớt độ đen đặc của thứ màu ấy mà thôi. Màu của đêm sẽ không còn ám ảnh nếu ta biết hướng về ánh sáng của ngày, nếu ta có lòng tin rằng vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp trong cuộc đời này. Cả cậu nữa, hãy chọn can đảm đối mặt hơn là làm kẻ trốn chạy. Hành trình nào cuối cùng cũng phải kết thúc nhưng kẻ chạy trốn mãi mãi là kẻ thất bại. Tàu sắp dừng ở ga Biên Hòa rồi, tôi phải xuống để còn kịp bắt xe đò vào thắp cho nhà tôi nén hương!

Người phụ nữ mang ba lô, dáng người nhỏ thó hòa vào đám khách đang trễ nãi xuống tàu. Dãy ghế giữa toa còn hai vị khách trẻ, tựa như người ra đi vừa để lại một khoảng trống quá lớn. Bình minh bắt đầu ló rạng. Ánh sáng hãy còn yếu và nhạt nhưng cũng đủ soi tỏ mặt người phía dưới. Chị nhắm mắt lại, một cảm giác lạ xâm chiếm, nhẹ nhàng lan tỏa khắp từng đường gân thớ thịt. Nghe ngai ngái như mùi của sự tái sinh, bất ngờ như cuộc gặp gỡ và câu chuyện dài trong một đêm không ngủ. Không một lời cám ơn, chị thấy như mình còn mang nợ.

Bỗng người thanh niên áo xanh với tay kéo hành lý, khoác nhanh chiếc áo gió rồi vội vã đứng lên:

- Tự nhiên tôi muốn đi cùng bác gái khi nãy đến viếng mộ ông chồng kia quá! Có lẽ bác ấy nói đúng, giải thoát không có nghĩa là chạy trốn. Mang nặng bóng đêm như thế đủ rồi, rốt cuộc cái cần phải đối diện là ánh sáng của ngày. Đã đến lúc chúng ta phải học cách đi qua màu của đêm thôi, chị ạ!

Người thanh niên chạy như bay về phía cửa, bỏ lại chị với khuôn mặt sửng sốt, không kịp dù chỉ một câu chào. Tiếng động cơ gầm réo, kéo đoàn tàu hối hả băng về chặng cuối hành trình. Chị lại lặng lẽ với chuỗi hạt của giờ kinh sáng. Bất giác, chị nhìn sang chiếc ghế bỏ trống, mắt chạm phải một chiếc túi nhỏ màu đen. Có lẽ người thanh niên trong lúc vội vàng xuống tàu đã vô tình đánh rơi. Chậm rãi chị nhặt lên. Một chiếc áo chùng thâm…

 

Mã số: 14-106

THIÊN THẦN ĐỨT CÁNH

Vết hằn thời gian, nơi trước đây hiện diện cây Thánh giá, phô diễn cái trống hoắc và vẻ xấu xí nhất từng có trên bàn thờ nhà nó. Trước khi kịp đem điều này ra thắc mắc thì ba nó kêu chuẩn bị nhà có khách. Mấy ngày sau, tin đồn nhà nó bỏ đạo cứ ngày một lan ra, nhưng chỉ đúng hơn nửa sự thật.

***

Con bạn hàng xóm, đứa duy nhất hiểu nó còn sót lại trên đời, còn bên cạnh lúc nào là nó đỡ bớt cảm giác cô đơn. Hai đứa con gái thì dễ san sẻ vui buồn. Nhưng có vẻ điều ấy đang dần mất đi.

Tao với mày đừng chơi với nhau nữa! – Giọng con bạn nghiêm túc làm nó ngạc nhiên.

Sao tự nhiên mày đòi nghỉ chơi với tao? – Vẫn nghĩ đây chỉ là trò đùa, nhưng phần nào trong nó lại nghi ngờ điều đó.

Ba má tao nói không nên chơi với mày, dễ bị ảnh hưởng.

Lí do thực sự của mày là gì, nói đi, phải vì cái vụ nô- en sắp tới không? Nếu thế thì mày không cần lo, tao không giành vai diễn của mày đâu.

Đừng tỏ ra vẻ hiểu tao, không cần mày phải làm những hành động đó, nhà thì bỏ đạo, ba mày thì bỏ Chúa, cha nào con nấy thôi, không có tốt đẹp gì đâu mà lên mặt nhân nghĩa, mày không xứng!

Tao. . . – Thôi thà lấy dao đâm thẳng vào trái tim nó đi, còn dễ chịu hơn là phải chịu đựng sự miệt thị từ con bạn thân nhất.

Uất ức quá! Nó chạy đi với dòng nước mắt. Nó khác ba, ở chỗ nó không làm theo ý ông ngay từ lúc ông bắt cả nhà bỏ đạo. Tiếng nói của nó không hề có chút sức nặng nào nên thành ra giờ đạo nó nó giữ, ông muốn bỏ đạo thì là chuyện của ông. Nhưng nhiêu đó không đủ để ngăn vị đắng đang làm nghẹn họng nó, khi con bạn cố tình nhắc về ba.

. . .

Nó tỉnh giấc. Chiêm bao vừa rồi không hẳn là một giấc mơ, mà là một trong các phần kí ức khó chịu. Nó uể oải định ngồi dậy, điều kì lạ là nó không làm được điều đó. Nó không thể cử động được bất cứ chi nào trên cơ thể, mặc cho sự chống cự có lớn đến cỡ nào, toàn thân nó vẫn “phủ định” sự cố gắng dịch chuyển của ý chí. Không khác gì bị cầm tù bên trong chính cơ thể mình. Nó nhìn quanh, không gian và thời gian xung quanh trở nên mơ hồ và vô tận. Chưa bao giờ nó sợ hãi như lúc này, điều duy nhất có thể làm được là nằm im. “Lạy Ngài! Xin hãy giúp con” – Đáp lại nó là sự im lặng của khoảng không vô định. Bóng tối làm hai dòng nước mắt trở của nó trở nên vô hình. Nó đang ở đâu? Sống hay chết? Hay chỉ là một giấc mơ mà nó chưa thể tỉnh dậy? Nó mệt và lịm đi.

Đôi cánh rơi đột ngột xuống đất. Cảm giác “trần trụi” hút hết tự tin của nó ngay khi bước chân ra giữa sân khấu. Vai thiên thần của nó còn chưa kịp truyền tin cho mẹ Maria thì đã xảy ra sự cố. Tiếng cười của đám đông phía dưới làm nó lúng túng. Tiếng cười to nhất và gần nhất làm nó liếc nhìn. Vai diễn này mọi năm đều thuộc về con bạn thân, nhưng không biết lí do vì sao năm nay sơ phụ trách nhất quyết phải giao cho nó. Nó đủ thông minh để hiểu nguyên nhân vết đứt sắc bén trên dây đeo đôi cánh đạo cụ. Minh chứng rõ nhất đó là nụ cười đáng- đời- mày bên dưới sân khấu, của con bạn thân vừa mới nghỉ chơi với nó mấy tuần trước, cười to nhất như thách thức: Sự trả thù thì vốn dĩ luôn rất ngọt ngào. Nó lạc lõng giữa đám đông dưới bầu trời đông đêm canh thức, sao mọi chuyện đi quá xa như thế. Tủi thân! Không ai thích đón nhận nó nữa, cứ thích chôn vùi nó vào những nơi tăm tối nhất sao?

Hai con mắt mệt mỏi mở ra. Nếu không là ác mộng thì sẽ là những kí ức mà nó muốn quên nhất, cứ bám lấy nó những lúc mơ màng. Các kí ức từng bị nó chôn vùi vào những góc tối nhất giờ cứ chập chờn ẩn hiện. Thực tại lúc mơ lúc tỉnh, trong đầu thì cứ văng vẳng mãi câu nói “mày không xứng”. Không còn chút niềm tin hay một người nào để nó bấu víu trên thế gian này. Nếu đây không phải là giấc mơ chưa tỉnh thì chắc chắn đây là địa ngục. Nó buông mình khỏi sự bất phục tùng của cơ thể, không chống cự, cảm giác từ bỏ dễ chịu hơn là phải tranh đấu. Nó rã rời, thầm nguyện: “Xin Chúa hãy đón nhận con”. Đôi mắt lừ đừ dần rồi cũng sụp xuống.

NHƯ VẬY MÀ KÊU LÀ HẾT SỨC À!

Nó giật mình bởi tiếng la lớn. Tiếng khóc vang vọng ngập không gian mới một giây trước còn tĩnh mịch: “Em gái của chị ơi!”, “Ba vô dụng, không thể bảo vệ được con”, “Trang ơ. . i. i là Trang, sao lại bỏ chị mày mà đi!”. . . Chợt, nhận ra những âm thanh gọi tên nó, giọng ba và Chị hai mà, điều đó xé nát cõi lòng nó. Nó đã chết, nhưng điều kì lạ là đầu óc nó trở nên “sáng sủa” lạ lùng, bởi những hình ảnh “tua nhanh” chạy qua mà nó chưa bao giờ thấy, nhưng lại mang cảm giác thân thuộc. Nó đang “chứng kiến” những hình ảnh đó dưới góc nhìn của ba. Những gì là tồn tại, là hiện hữu trong ông, nó có thể cảm nhận và hiểu hết: Hai tâm hồn giờ đã hòa thành một. Giống như đang xem những đoạn bí mật của bộ phim bí mật mang tựa đề: Cuộc đời Ba và những bí mật. Và có một phần bí mật mà nó luôn muốn biết nhất:

Ba, con có chuyện muốn nói! – Giọng Chị hai có chút ngập ngừng.

Sao con? – Ba đặt tách trà đang nhâm nhi xuống bàn.

Ba biết đó, một đứa trung cấp văn thư lưu trữ, mới tốt nghiệp ra trường như con, kiếm việc làm bây giờ rất là khó. Cái nghề này phải có Đảng thì mặc may mới chen chân luồn lách vào xã hội được ba à.

Ba không hiểu ý con lắm?

Nhà mình bỏ đạo đi ba! – Ba “đứng hình” trong phút chốc, Chị hai biết là phải mau nói hết câu – Người ta sẽ tới điều tra gia đình mình, chỉ cần. . . mình không theo đạo nữa!

Kết quả cuộc trò chuyện giữa ba và Chị hai thì đã xảy ra như nó đã biết. Không lâu sau khi nhà nó đón những vị khách tới để “điều tra”, tin đồn nhà nó bỏ đạo lan rộng. Những điều ẩn sâu dưới lớp nổi bên ngoài như vậy, là điều nó chưa bao giờ ngờ đến. Nhưng ba ôm tất cả vào mình như thế để làm gì? Nó đã cố gắng giữ Chúa bên mình, nhưng vô tình lại trở thành đứa con gái xấu xa, khi bỏ ba lại một mình với sự gièm pha của xóm đạo nhỏ bé này. Và có chăng “mày không xứng” lại là cụm từ miêu tả con người nó chính xác nhất. Nó trôi theo đoạn “phim” vô thức của ba tới khoảnh khắc đau đớn nhất:

Chúng tôi đã cố gắng làm hết sức mình, nhưng. . . – Bác sĩ ngập ngừng tỏ vẻ thông cảm nhất.

Ba hét lên một câu trách móc đầy bất lực, điều ba không muốn nghe nhất lại thốt ra từ miệng của bác sĩ. Câu nói ấy là “cây đinh” kết liễu những lời cầu nguyện đầu tiên của ba, trong suốt hơn mười mấy năm qua. Những hình ảnh lộn xộn chớp nhá trong suy nghĩ ba: Cuộc gọi từ chính số điện thoại của con gái, người ta báo tin con gái ba bị tai nạn. . . Một bé gái kháu khỉnh được ba bế trên tay, nhưng người nằm trên giường là vợ ba, vừa ra đi mãi mãi khi cố gắng hết sức để ban sự sống cho con mình. Cảm giác bất lực trước cái chết làm niềm tin từ những lời cầu nguyện trong ba vỡ vụn, ba tự hứa với bản thân sẽ làm tất cả bảo vệ những đứa con gái. . . Cả nhà phải bỏ đạo để con gái lớn của ba được vào Đảng, để bảo đảm cho tương lai của Chị hai, ba không muốn điều tiếng thị phi trong xóm bủa vây con gái lớn, nhưng cũng bởi vậy mà con gái nhỏ của ba ngày càng xa cách, ba có thể cảm nhận được điều đó. . . Người nằm bất động ở trên chiếc giường trắng kia, giống như vợ ba mười sáu năm về trước, là đứa con bé bỏng nhất, ba vô dụng đến như vậy sao, không thể bảo vệ những người mà ba yêu thương nhất sao. . . “Chúa, sao không phải là con? Sao cứ phải là con con. Đừng là con con. Chúa ơi!”. . .

Nó hiểu ra tình yêu đã khiến ba làm tất cả, nhưng lại thiếu một tình yêu khác để trở nên trọn vẹn. Giờ nó biết nguyên nhân vì sao nó cứ kẹt mãi ở đây, linh hồn nó bị nhốt trong chính thể xác đã nằm hôn mê sau vụ tai nạn. Còn bây giờ, nó đã chết. Ham muốn ngăn những giọt nước mắt trên mặt ba và Chị hai trỗi dậy, nhưng đã trở thành ảo ảnh. Hơn bao giờ hết đây là lúc mà nó muốn tranh đấu để gượng dậy. Nhưng linh hồn nó rã rời lắm rồi và đang dần tan biến đi. . .

***

Làn sương dày đặc bao trùm mọi thứ, kì ảo vô cùng. Chỉ cần với tay ra trước mặt là có thể chụp lấy làn sương trong lòng bàn tay. "Thiên đàng", nó sẽ thốt lên hai từ đó nếu nó không sinh ra và lớn lên ở đây, hơn mười sáu mùa đông. Ở nơi cao như thị trấn La Hai này thì mùa đông nào mà chả thế. Ánh nắng sớm mai dần làm tan đi những màn sương mờ ảo. Nó đang trên đường qua nhà thờ, mấy đứa bạn rủ nó cùng dọn dẹp phục trang, chuẩn bị cho buổi canh thức Giáng sinh năm nay. Tụi bạn cứ không ngừng thắc mắc tại sao nó sống lại thần kì như thế. Nó không biết. Điều duy nhất nó nhớ là khi mở mắt ra thì thấy mình đang ở trong bệnh viện, còn Chị hai thì khóc sướt mướt. Nghe kể lại thì nó bị tai nạn, chiếc xe máy nó điều khiển tông con bò phía ngoài thị trấn, con bò không biết ra sao nhưng nó thì hôn mê suốt mấy ngày rồi chết – chỉ trong vài phút – sau đó hoi hóp sống lại một cách thần kì. Chính điều này làm tin đồn về có- một- phép- lạ ngày càng rộ lên trong xóm. Thế nên dạo gần đây đám bạn ở nhà thờ có vẻ quan tâm nhiều tới nó, phần lớn có lẽ là để thỏa mãn cái tính nhiều chuyện!

Ba mày sao rồi? – Mấy đứa bạn đặt câu hỏi, chuyện xảy ra cũng đã lâu, điều tụi nó muốn biết là niềm tin về Chúa mà nó vẫn giữ, có bị ba nó gây khó dễ gì không.

Ổng vẫn thế – Trong tiềm thức hiện tại, nó vẫn không hiểu được lí do tại sao ông lại bắt cả nhà mình bỏ đạo, đó luôn là điều nó muốn biết nhất – Không cản tao đi lễ nhưng mà. . . – Nó tự ngắt ngang câu nói.

Đôi cánh trên bàn ở giữa phòng giáo lý, đập vào mắt nó một cảm giác quen thuộc.

Ai để đôi cánh này trên bàn thế! – Nó không cần câu trả lời cho câu nói vốn dĩ chỉ là cảm thán.

À! Đôi cánh đạo cụ đó mà – Một đứa nhổm người lên nhìn – Mấy đứa lấy ra lau chùi đó. Ê mà hình như cái. . .

Tiếng nói của đứa bạn dần lọt ra ngoài sự tập trung của nó, khi nó cầm trên tay và nhận ra vết dây đứt trên đôi cánh cũ. . .

Mọi người cười ồ lên khi đôi cánh rơi xuống. Nó lúng túng không biết làm gì nhưng cũng không thể làm gì hơn, vì vai diễn đi theo một kịch bản đã được thu âm từ trước. Âm thanh kịch bản phát ra từ máy cát sét vẫn cứ chạy, buộc nó chuyển từ trạng thái bất động sang bay thật nhanh, hai tay hai bên vẫy vẫy trong dòng nước mắt uất ức. Thiên thần gặp Mẹ Maria và chào bà: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà. Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận. . . ”

Kể từ ngày xuất viện, đầu óc nó lộn xộn và rối rắm vô cùng. Giống như vừa thức dậy mà chỉ nhớ mang máng giấc mơ, nó đã quên mất cái gì đó. Kí ức về đôi cánh cũ như chất xúc tác làm bưng đầu nó, và làm nó xâu chuỗi với thực tại. Cái cảm giác ngờ ngợ, hình như mình đã thấy cảnh này trong mơ, bao trùm lấy nó. Thế rồi cuối cùng lại ngớ người ra và ngẫm, rồi nghiệm lại một điều như đã từng quên mất: Chính tình yêu đã khiến ba làm tất cả, nhưng lại thiếu một tình yêu khác để trở nên trọn vẹn, tình yêu Kitô, để thúc bách ba.

Đó có phải đôi cánh con mang, trong đêm giáng sinh năm trước không? – Sự xuất hiện của sơ làm nó ngước đôi mắt rưng rưng lên.

Dạ!. . . – Im lặng, nó còn mông lung lắm – . . . Sơ! Sao sơ lại chọn con làm. . .

Làm thiên thần truyền tin, phải không? – Nụ cười mỉm nhẹ nhàng xuất hiện trên đôi môi sơ.

Sơ cầm lấy đôi cánh từ trên tay nó.

Đó không đơn thuần chỉ là một vở diễn, sơ không cần người để đóng thật hay những vai diễn trên sân khấu, cái sơ hướng tới là vai diễn thực trong vỡ diễn cuộc đời này. Sơ giao cho con làm thiên thần truyền tin, nhưng con thực sự đã đóng tròn vai chưa?

Sao sơ có thể hiểu nó nhiều đến lạ thường như vậy! Hay lúc ấy sơ đã biết về tình hình gia đình nó, nên nhất quyết phải là nó đóng vai thiên thần. Dù sao đi nữa, vấn đề không phải là nó không xứng đáng, mà là nó phải làm gì để trở nên xứng đáng. Nó không có cánh, nhưng vẫn có thể làm một thiên thần, đem tin mừng đến cho người khác, nó phải thử lại chứ không thể im lặng hơn được nữa! Ba yêu nó, nhưng nó lại yêu ba mình theo một cách khác, và nó cũng yêu Chị hai theo một cách khác nữa.

Đôi cánh đã “lành” rồi nè con – Sơ cột lại sợi dây đứt, cả hai nhìn nhau cười – Sơ tin mỗi người đều có một đôi cánh trong người, chỉ là họ không biết điều đó! – Có vẻ đó là niềm tin mà sơ luôn tin tưởng và hướng tới trên vai trò mục vụ của mình.

Vậy là canh thức năm nay, thiên thần sẽ lại có cánh. Còn nó thì không cần đến đôi cánh ấy nữa. Nó chào sơ. Hai tay vẫy vẫy hai bên trong không khí, hướng về nhà nó. . .

 

 

Mã số: 14-107

ĐÔI MẮT KITÔ

Gần đây gã hay nằm mơ. À không, gọi là bị ám ảnh thì đúng hơn! Hễ chợp mắt được một chốc thì y như rằng gã lại thấy đôi mắt ấy. Đôi mắt mở ra nhìn gã, vừa buồn bã, cam chịu, lại vừa như van xin. . .

Không ngủ được nữa, gã nhỏm dậy đi lòng vòng. Nóng oi ả! Đã gần mười hai giờ đêm. Đâu đó quanh xóm vẫn rỉ rả tiếng nhạc, tiếng đài phát, tiếng nói chuyện. . . Chắc có người cũng không ngủ được như gã!

Chuyện không ngủ được bề ngoài chỉ đơn giản là một hiện tượng trong cuộc sống thường ngày, nhưng ai mà biết bên trong lại có những nguyên nhân gì khác. Ví như nhà kia chỉ có mỗi một cái quạt máy, người chồng nhường cho vợ con được mát, còn mình nóng quá mà không ngủ được! Ví như nhà nọ vừa trúng xổ số, phải tính toán xem nên làm từ thiện bao nhiêu, cho họ hàng bao nhiêu, gửi ngân hàng bao nhiêu, để lại làm ăn bao nhiêu, trăm thứ phải lo đến không ngủ được! Ví như cái nhà cuối xóm. . . Mà không, đó không phải là nhà, đó cũng không gọi được là cái chòi nữa, đó chỉ là một tấm bạt cũ căng tạm bên góc tường của hai cha con lão bơm vá ruột xe từ đâu dạt về xóm này thôi! Ừ thì cứ miễn cưỡng gọi cái tấm bạt che mưa che nắng của cha con họ là "nhà" cũng được! Ví như cái nhà đó, cái nhà đó cả một tuần nay người cha không ngủ được vì đứa con nhỏ cứ lèo nhèo khóc mãi! Thằng nhỏ khóc vì con chó của nó bỗng dưng mất tích rồi.

Trời ạ, cái con chó đó mà cũng bị bắt hay sao? Bắt để ăn thì không đúng, vì cái thân mình nó ốm quắt quéo, làm thịt lên chắc chỉ chừng non nửa dĩa. Mà bắt đem về nuôi làm cảnh thì càng không phải! Trên đời này chưa thấy đâu có con chó nào mà lông lá lại loang lổ như ghẻ lở, xấu đến chết khiếp như con chó này! Thế thì chắc bị bắt vì trả thù rồi! Nực cười! Cha con họ tha phương cầu thực, tự biết thân ăn nhờ ở đậu, thấp cổ bé họng, lỡ có bị bắt nạt cũng chỉ có cách nín nhịn chứ dám đâu hó hé mà gây thù chuốc oán! Nhưng biết đâu đấy! Cuộc sống có những va chạm tưởng chừng vu vơ mà chính người trong cuộc cũng không ngờ rằng sẽ kết thành thù oán thì sao?

Gác một chân vào tường, gã móc túi lấy mẩu thuốc lá và cái hộp quẹt. Dòng khói đặc quánh vật vờ bay lên. Dù con chó có bị bắt vì nguyên nhân gì thì đêm nay vẫn có người mất ngủ!

Mất ngủ, mất ngủ. . . Gã mặc kệ cha con nhà kia có mất ngủ hay không! Nhưng chẳng lẽ gã cứ phải mất ngủ mãi thế này sao?

Gã thả mẩu thuốc xuống đất, nhấc giày lên, dẫm nát rồi bỏ đi!

Đi đâu, đi đâu bây giờ! Về nhà thì chắc chắn là không ngủ được rồi! Thôi kệ! "Cứ đi! Cứ đi rồi sẽ có đường!" Một danh nhân đã từng nói thế mà!

Gã lững thững tản bộ. Loay hoay thế nào gã lại đi về hướng nhà thờ. Quái, có bóng đen nào lúi húi cạnh gốc điệp già bên hông nhà chung thế nhỉ? Gã bước nhanh lại.

Bóng đen chẳng có vẻ gì vội vã, vẫn chậm rãi xàng qua xàng lại giữa hai gốc điệp già. Gã thở phào. Thì ra là một người đang quét rác. Nhưng người này là ai? Tại sao ra đây quét dọn vào cái giờ này? Không chừng là. . . Một ý nghĩ khôi hài thoáng qua trong đầu. Gã cười khẩy. Không chừng là người này đã làm chuyện gì không phải nên mới âm thầm làm việc này để chuộc tội với Chúa đây!

- Hẳn anh đang nghĩ tôi chắc đã làm việc gì không phải nên âm thầm ra đây chuộc tội với Chúa?

Người quét rác đột ngột quay lại. Gã giật bắn mình. Đôi mắt người ấy. . . đôi mắt anh ta. . . Người quét rác khẽ nhíu mày.

- Anh làm sao thế? Bộ trông tôi đáng sợ lắm hay sao?

- Không. . . không. . . - Gã lắp bắp- Chỉ vì đôi mắt của anh. . . đôi mắt của anh. . .

- Đôi mắt của tôi anh trông rất quen!

Người quét rác vẫn không ngừng tay. Nghe tiếng chổi lác xác đưa tới đưa lui, gã có cảm giác những nhát quét đó đang nhấn vào trong lòng mình. Gã nhìn anh ta đăm đăm.

- Tôi gặp anh lần nào chưa nhỉ?

- Gặp rồi cũng nên!- Anh ta đáp thản nhiên- Anh đang nghĩ rằng mình chắc chắn đã gặp gã này rồi! Vì đôi mắt của gã trông rất quen. Con người ta có thể thay hình đổi dạng, nhưng chỉ riêng ánh mắt thì chẳng thể nào thay đổi được! Đúng không?

Gã thoáng rùng mình.

- Anh học được thuật đọc suy nghĩ của người khác ư?

- Không- Người quét rác dừng tay- Dường như lòng anh đang bối rối cho nên bao nhiêu suy nghĩ đều hiện hết lên trên khuôn mặt. Tôi chỉ việc đọc ra thôi!

- Vậy sao?- Gã lẩy ra một nụ cười khẩy- Vậy phiền anh đọc dùm tôi xem bây giờ tôi đang nghĩ gì?

- Anh đang nghĩ làm sao để sắp tới không bị mất ngủ nữa!

Người quét rác đột ngột nhìn xoáy vào gã. Gã bủn rủn, hai chân như muốn khuỵ xuống. Đôi mắt anh ta. . . đôi mắt đó. . . Rõ ràng là. . .

Người quét rác bỗng phá ra cười.

- Thật ra chứng mất ngủ của anh muốn chữa thì cực kỳ đơn giản! Cứ làm thế này này. . .

Anh ta lại cầm chổi lên, quét qua quét lại. . . Gã lắc đầu.

- Anh muốn nói gì? Tôi. . . thực sự không hiểu!

Người quét rác khẽ nhún vai, cười mỉm.

- Tâm hồn cũng như phố xá xung quanh đây vậy, cứ quét cho nó sạch thì tất được thoải mái! Mà thoải mái rồi thì còn lo gì mất ngủ nữa!

Gã bỗng thở dài.

- Anh nói nghe dễ lắm! Nhưng anh có biết lòng tôi làm thế nào mới quét sạch được không?

Người quét rác gác cây chổi vào bên gốc điệp. Anh ta bắt hai bàn tay vào nhau, khoan thai đứng trước mặt gã.

- Tôi hỏi anh nhé! Anh cứ bảo đôi mắt của tôi trông rất giống. . . Thế giống là giống cái gì? Giống ai. . . Đôi mắt tôi anh trông giống mắt ai?

Gã cúi đầu. Chuyện này gã chỉ có thể giữ trong lòng.

Người quét rác nhè nhẹ lắc đầu, mỉm cười.

- Anh không dám nói sao? Vậy để tôi nói hộ: Anh thấy đôi mắt của tôi giống đôi mắt một con chó!

Gã giật bắn mình, ngã giật ra sau.

Người quét rác rướn đến nhìn thẳng vào gã.

- Đôi mắt tôi trông giống đôi mắt con chó của cha con ông bơm vá ruột xe, con chó mà anh đã đập chết cách đây một tuần, con chó tên là Ki- Tô.

Trời đêm đen thẳm bỗng vút xuống một luồng sáng rực. Gã kinh hãi lịm đi.

Khi tỉnh dậy, gã ngạc nhiên thấy mình bỗng biến thành một đứa trẻ, đang ngồi trong lòng một người đàn ông mà vóc dáng và cách ăn mặc hệt như trong các bức vẽ chúa Ki- Tô.

Tự dưng gã bật khóc ngon lành. Chúa âu yếm xoa đầu gã.

- Con sợ à?

Gã lặng im cúi đầu.

- Làm chuyện có lỗi mà biết sợ thì tốt! Ta biết con nghĩ lý do con làm việc ấy là chính đáng!

Phải rồi! Gã đã nghĩ lý do hắn đập chết con chó đó là hoàn toàn chính đáng! Gã muốn kết thúc một sự báng bổ. Con chó ấy tên là Ki- Tô. Người ta dám đặt tên con chó ấy là Ki- Tô. Người ta dám lấy tên Chúa để đặt cho một con vật.

- Con à! Dù lý do họ đặt tên cho con chó đó là gì chăng nữa, là cố ý xúc phạm hay vô tình bâng quơ, con cũng có thể dùng cách khác để giải quyết mà!

- Vâng, con biết!- Gã yếu ớt nép mình vào lòng Chúa. - Nếu được quay về lúc ấy, con sẽ chọn cách khác! Vì khi vừa ra tay, con chợt thấy ánh mắt của Người trong. . .

- Trong ánh mắt của một con chó chứ gì?

Chúa mỉm cười vui vẻ. Gã thiếu niên bẽn lẽn.

- Người không phạt con tội báng bổ sao? Làm thế nào con lại dám so sánh ánh nhìn của Người với ánh mắt một con chó!

- Vì ta hiện diện trong hình ảnh của muôn loài con ạ! Vậy nên tôn trọng muôn loài cũng chính là tôn trọng công lao sáng tạo của ta!

Gã giật mình ngồi dậy! Mình vừa mơ hay sao? Tại sao trong giấc mơ mình lại là một đứa trẻ? Gã đột ngột đứng dậy, thật kiên quyết. Gã đã biết mình phải làm gì rồi! Lạy Chúa, con xin làm bé thơ của Chúa! Ngày mai con sẽ gặp hai cha con họ Con sẽ chân thành xin lỗi như một đứa trẻ!

 

 

Mã số: 14-108

NẤC THANG MỚI

Rất lâu rồi, có lẽ từ khi có trí khôn đến giờ, hôm nay con mới thực sự ý thức về ơn gọi làm con Chúa. Sinh ra trong một gia đình có đạo, được đón nhận ơn đức tin trực tiếp của Thiên Chúa qua bí tích rửa tội. Như bao người đạo đức trong giáo xứ, con cũng đến nhà thờ tham dự thánh lễ hằng ngày và tham gia mọi sinh hoạt của giáo xứ. Đã có lúc con rất tự hào về đời sống đạo của gia đình và bản thân. Ngày con nhập học, bố mẹ con không quên nhắc nhở: lên thành phố học hành để lấy kiến thức nhưng đừng quên việc thờ phượng Thiên Chúa, ít là phải đi lễ Chúa nhật và đọc kinh sớm tối con nhé. Khi đó con thấy bực bội trong người, tưởng chuyện gì chứ chuyện đó mà cũng phải nhắc. Con chỉ làu bàu đáp lại: con biết rồi.

Thế rồi đời sống sinh viên xa gia đình đã lôi con vào cuồng xoáy của thời đại. Con kết bạn và tham gia mọi sinh hoạt của trường. Con theo bạn bè lao vào kiếm tiền, bất kể là việc gì cốt là có tiền đóng học để đỡ đần cho cha mẹ phần nào. Tất nhiên như Chúa thấy đấy, đó toàn là những công việc chân chính nhưng lại dần dần kéo con xa Chúa, xa nhà thờ. Nhiều khi con đã nghĩ việc đi nhà thờ thật là vô ích và mất thời gian, thì giờ đó đủ để con hoàn thành một xuất dạy kèm, một ca bán hàng… Con rất ít khi nhớ đến Chúa, không còn nhớ đến bổn phận của một người tín hữu nữa. Con thật đáng ghét! thế mà…

Reng…reng…reng…

…….

Reng…reng…

- Vâng. em nghe đây anh.

- Đang ngủ hay là ốm mà nghe giọng chú thê thảm quá vậy?

- Đâu có, em đang ngồi bên bờ hồ ngắm cảnh anh ạ.

- Ồ! Ngạc nhiên chưa! Chắc trời hôm nay mưa to mất.

- Thì đôi khi cũng phải tự thưởng chứ anh.

- Chắc chú mày đang rảnh rỗi, có muốn đi chơi với anh không?

- Đi đâu vậy ạ?

- Đi sinh hoạt nhóm sinh viên công giáo khoa mình. Vui lắm, ai cũng hỏi chú đấy, thôi đi cho vui nhé, anh ghé qua đón.

- Vầng! đi thì đi.

- ok, hẹn gặp lại.

- ok.

Hoàng tắt máy, gập cuốn sổ nhật ký lại, mắt đăm đăm nhìn về phía chân trời, ánh hoàng hôn phủ lên trên làn nước khiến mặt nước hồ óng ánh tựa pha lê. Sống ở thủ đô đã hai năm nhưng đây là lần đầu tiên Hoàng ngồi bên bờ hồ để ngắm vẻ đẹp thanh tao và êm ái của hồ Tây. Chưa bao giờ Hoàng thấy nó đẹp và ý vị như thế. Xung quanh bờ hồ là những con đường lớn với tấp nập người qua lại và đủ mọi tiếng ồn ào của các loại phương tiện giao thông. Con đường vẫn mãi còn đó nhưng những người đi lại trên nó lại vội vã như thể con đường sắp biến mất vậy, ai cũng lao thật nhanh về phía trước, ai cũng muốn dành vị trí tiên phong. Hoàng đang suy tư thì Thành tới. Đứng trên vỉa hè, Thành bấm còi inh ỏi nhưng có lẽ vì mải suy tư cộng thêm có quá nhiều tiếng ồn nên Hoàng không nhận ra. Thành phải dựng xe bên đường chạy bộ vào công viên. Đứng đằng sau, Thanh giơ hai tay đập vào vai Hoàng khiến Hoàng giật mình.

- Ối, anh làm em giật bắn cả mình.

- Cố nén cười, tỏ vẻ giận dữ, Thành nói: Ai bảo anh bấm còi inh ỏi mà chú chẳng chịu nghe, có lẽ màng nhĩ chú đóng đầy tai rồi để anh lấy bớt cho. Vừa nói Thành vừa vật bạn ra, giữ lấy lỗ tai bạn còn Hoàng thì lấy hai tay ôm lấy tai, miệng kêu lớn: tha cho em đi em biết lỗi rồi mà….

- Ừh, biết lỗi thì tha, mà có chuyện gì buồn hay sao mà ngồi thơ thẩn ở đây thế chú?

- Không có gì đâu anh, chỉ là em đang suy nghĩ làm thế nào để có thể nói về Chúa cho một người lương thôi.

- Ra là vậy! tỏ vẻ suy tư, Thanh góp ý. Thì mình cứ nói những gì mình kinh nghiệm thôi. Anh nghĩ cách nói đơn giản và hiệu quả nhất chính là cách sống chứng nhân của mình chú ạ. Mà sao chú lại bận tâm về điều đó vậy, bộ định đi tu à.

- Đâu có, em chỉ có mà tu huyền thôi anh ạ. Chả là thằng Tiến bạn em không hiểu sao từ đầu năm đến giờ cứ hỏi về đạo mình mãi, mà nó hỏi toàn câu hóc búa em cũng chịu thua luôn. Ví dụ như: Tại sao Ba Ngôi mà lại chỉ có một Chúa? Nói Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người nghĩa là sao?. . .

Anh biết không có nhiều cái em chưa bao giờ nghĩ tới nữa chứ huống gì là có thể trả lời được, ú ớ toàn bị nó bắt bẻ lại. Nó bảo nó không tin Phật cũng chẳng tin Chúa vì giáo lý nào cũng hay nhưng người theo các giáo lý đó lại không sống những chân lý mà họ đã tin nhận. Nhưng nó khẳng định nó là con của trời, mà nó nghe nói đạo mình gọi Thiên Chúa là tròi nên nó muốn tìm hiểu.

- Vì thế mà chú mày ra đây ngồi suy tư cả buổi đó à?

- Vâng! nó khiến em phải suy nghĩ về đời sống đạo của mình anh ạ. Mình cứ nói mình là người có đạo, thế nhưng mình lại biết về Chúa quá ít. Đã có lúc em tưởng rằng với sự hiểu biết hiện có là đủ rồi, chỉ cần nói tin là được thế nhưng thực tế không phải vậy, đức tin cũng cần phải được đào sâu, cần khám phá và học hỏi để có thể hiểu biết hơn. Chính sự hiểu biết mới giúp ta yêu Chúa, tin Chúa hơn và sống tốt hơn phải không anh?

- Đúng thế, mình cũng nghĩ giống Hoàng vậy. Đôi khi mình cứ nghĩ có đạo là tin vào Chúa rồi. Chỉ cần đến nhà thờ tham dự thánh lễ, đọc kinh hoặc tuân giữ một số điều luật là đủ nhưng đúng hơn Kitô hữu phải là người luôn ý thức rằng tất cả đời sống mình, mọi nơi mọi lúc đều là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban tặng. Vì vậy ta phải trở thành người biết cho đi, cho đi mãi mãi. Có như thế ta mới được xem là đang bước đi trong đức tin Hoàng ạ. Cũng như cây cầu nối kết hai bờ với nhau để mọi người bước lên và đi tới, đức tin cũng phải trở nên cây cầu nối kết giữa vĩnh cửu và thời gian, giữa hữu hình và vô hình, giữa Thiên Chúa và con người. Nó giúp ta gặp được Thiên Chúa như gặp một con người, gặp Đấng vĩnh cửu nơi một con người hữu hạn ở giữa chúng ta. Nhưng để có thể sống chứng tá ở thời đại này đâu có dễ gì. Con người hôm nay họ cũng hiểu biết rất rộng, tiếp xúc với rất nhiều sách báo về đạo chúng ta, tuy họ không tin nhưng một phần nào đó họ cũng muốn tìm hiểu để thỏa mãn tính tò mò, hiếu kỳ… Biết đâu nhờ sự tìm hiểu đó mà họ lại được Chúa lôi kéo và mời gọi bước theo Người. Đó cũng là cơ hội thúc giục ta phải đào sâu đức tin của mình Hoàng ạ, chắc hẳn Chúa đang chờ đợi ở ta một điều gì đó, mà trước hết đó là làm chứng nhân cho Người. Đó là bổn phận của mỗi người nhưng nhiều khi mình quá ích kỷ chỉ giữ cho mình mà không giới thiệu cho người khác. Hoặc tệ hơn, đó là ta chẳng có gì cả ngoài cái mã bên ngoài mà thôi còn trong lòng thì không hề sống ơn gọi làm con Chúa như ta đã được lãnh nhận thì làm sao có thể làm chứng đây?

Vỗ vào vai bạn Thành nói tiếp: Mình rất cảm kích về đời sống đạo của cậu đó. Trong cùng một giáo xứ, lại là đàn anh nhưng khi nhỏ mình toàn thua cậu trong khoản đi lễ và học giáo lý thôi. Bố mẹ mình vẫn thường đem cậu ra làm gương để nhắc nhở mình đi lễ đó. Trong con mắt của mọi người, cậu luôn được đánh giá là ngoan ngoãn, đạo đức và có lòng sùng đạo nữa nên cố gắng phát huy nhé.

- Bây giờ thì khác rồi anh ạ, em như người không có đạo, còn anh thì quá tuyệt vời, không những sống tốt, siêng năng đi lễ mà còn thúc giục mọi người nữa, chắc em có chạy cũng chẳng đuổi kịp anh đâu.

- Mình không được như Hoàng nghĩ đâu, hồi còn học lớp năm mình đã trải qua một cơn khủng hoảng đức tin đó. Mình thích đi chơi với bạn bè hơn là đi lễ nên mỗi ngày chủ nhật bố mẹ giục đi lễ là mình kêu mệt hoặc tìm mọi cách để nhận ở nhà, có khi lại nói dối là đi học thêm. Nhất là khi bố mẹ mình lấy Hoàng ra để làm gương thì mình lại càng ghét nhà thờ và chán ngắt với việc lễ lạy vì thế mình càng trốn lễ thường xuyên hơn… Có lúc mình đã trách bố mẹ sao lại rửa tội cho mình khi còn quá nhỏ, giá mà để lớn lên rồi rửa tội có phải hay không, như thế mình sẽ có tự do để chọn lựa cho mình một tôn giáo thích hợp. Nhưng, Hoàng biết không sau đó mình đã rất hối hận, đó là khi mình nhận ra được những hồng ân Thiên Chúa ban cho mình. Chính khi ấy mình đã òa khóc mà thốt lên: Chúa quả là vô biên, nếu như để con lớn mới rửa tội thì con sẽ không có cơ hội để nhận biết Ngài như hôm nay con đang có đây. Thế là từ đó mình mới ý thức và thực sự sống đạo Hoàng ạ. Mình nghĩ đôi khi cũng cần có những vấp ngã để khám phá ra sự quan phòng và tình yêu của Thiên Chúa. Cũng nhờ đó mà mình có thêm động lực để học biết về Ngài.

- Vậy mà em cứ tưởng chỉ có mình em mới bị khủng hoảng trong đức tin nữa chứ. Bây giờ thì em đã hiểu rồi, một trong những cách thức Thiên Chúa nói với con người đó là qua các biến cố của cuộc sống. Nhờ có những biến cố, những trục trặc đó mà ta mới được lớn lên trong đức tin phải không anh?

- Đúng thế. Mà thôi, trời sắp tối rồi mình đi thôi kẻo mọi người chờ.

- Vâng!

Hai người lững thững bước đi trên những làn cỏ xanh biếc. Mặt trời đã lặn. Những cành hoa phượng đang rung rinh trước gió làm tô điểm thêm cho cảnh sắc của thành phố. Cũng vậy, trên dòng đời ngược xuôi cũng cần có những tia sáng lóe lên trong tâm hồn của mỗi con người để làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa. Phải chăng đó là cách Chúa dùng để nói với con người, là cách để Chúa bày tỏ tình yêu và thể hiện lời mời gọi. . .

 

 

Mã số: 14-109

CÁNH CỬA HY VỌNG

Nếu ngày tháng cứ trôi mãi như thế này thì đời mình sẽ đi về đâu? Bạn có bao giờ nghĩ rằng: Nếu mình sống mà phải gây cho người khác nhiều trở ngại, nhiều phiền phức thì thà biến mất khỏi thế giới này cho rồi!!!

Bạn đã có bao giờ suy nghĩ như vậy chưa? Chắc chưa phải không? Vậy mà có một cô bé chưa tròn mười sáu tuổi đã có những suy nghĩ kì quặc như thế!. Cô luôn nghĩ mình là sự trở ngại cho tất cả mọi người. Dù mọi người rất yêu thương cô và lo cho cô, nhưng cô không thấy được điều đó, mà chỉ biết dằn vặt mình trong nỗi khổ triền miên.

Thật ra thì tâm trạng của cô như thế cũng có lý do của nó. Từ khi mới chào đời, cô đã phải mang trong mình một căn bệnh mà cô không thể nào ngờ được. Càng lớn lên, ý thức được về mình so với các bạn cùng trang lứa, cô lại càng thêm mặc cảm và luôn luôn bị dằn vặt không biết tương lai mình sẽ đi về đâu?.

Chán chường! Nản chí! Thất vọng! Đã có những lúc cô muốn bỏ mặc tất cả, muốn kết liễu cuộc đời này cho khỏi thấy mình thua thiệt với bạn bè.

Thời gian lặng lẽ trôi, cô lớn dần lên cùng cây vú sữa mà ba cô trồng bên hông nhà. Nhưng trong khi cây vú sữa lúc nào cũng lớn phỗng, vui đùa đu đua với gió với nắng, trông hạnh phúc quá!. Còn cô thì lúc nào cũng ốm o buồn sầu, trông rầu rĩ như thân cây héo tàn.

Có lần, một cơ hội đã đến với cô. Cô tưởng đó là dịp may để cô “đổi đời”. Một người có lòng hảo tâm sẵn sàng chịu mọi tốn phí đưa cô lên thành phố chữa bệnh. Tuy nhiên, sau hai ca phẫu thuật, cô được nghe những lời chia sẻ của bác sĩ về hậu quả của căn bệnh sau này. Thế là như cả một trời sụp đổ trong tâm hồn cô. Cô cảm thấy sốc nặng và tủi thân vô cùng. Cô lặng lẽ trở về buôn làng giống như người mất hồn. Cô cứ tưởng rằng sau khi chữa trị cô sẽ giống như bao người khác và tương lai cô cũng sẽ huy hoàng ít là không “thua chị kém em”. Thế mà!!!

Nỗi âu lo cứ ngày càng xoáy sâu trong đầu óc cô: “Tôi phải làm sao đây khi tôi chẳng còn chút hy vọng trở thành người bình thường như các cô gái khác?” “Tôi sẽ sống ra sao và làm được gì đây trong tương lai?”

Cô muốn đi tìm một người để tâm sự lắng nghe nỗi niềm âu lo của cô. Nhưng ai có thể hiểu được nổi thống khổ của lòng cô? Cô không muốn chia sẻ với người trong gia đình cho gia đình vì từ bé đến giờ họ đã cực với cô nhiều rồi! Còn người xa lạ thì …. coi chừng họ lại quay ra khinh bỉ cười chê mình.

Suy đi nghĩ lại, cô thấy chỉ còn có một người mà cô luôn quí mến và có thể trình bày. Đó là cha xứ Luka.

Một buổi tối kia, sau giờ đọc kinh, cô mạnh dạn đến gõ cửa phòng Ngài:

- Cha ơi, con có thể nói chuyện với cha được không!

- Con có chuyện gì? - Cha hỏi lại - nói cho cha nghe đi.

Một niềm cảm xúc tuôn trào nhưng cũng xen nỗi lo sợ: không biết ngài có thời giờ lắng nghe lời mình tâm sự không hay ngài cho đây chỉ là chuyên cỏn con giữa bao chuyện “ đại sự” khác của ngài. Cô lại cảm thấy ngại ngùng không dám trút nỗi lòng âu lo đang dằn vặt tâm hồn mình như dự tính. Nhưng rồi, cô thấy thái độ của Ngài không như cô tưởng. Ngài luôn nhìn cô với đôi mắt trìu mến và ra như sẵn sàng bỏ hết mọi công việc để chăm chú nghe cô. Thế là cô mạnh dạn thân thưa với Ngài hết mọi nỗi khổ đau lâu nay chất chứa trong cõi lòng và nỗi ưu tư cho tương lai đen tối của mình.

Nghe cô trình bày xong, ngài nhẹ nhàng khuyên bảo cô thật nhiều điều. Lời ngài nó như có một cái lực nào đó xua đuổi khỏi lòng trí cô khỏi mọi nổi âu lo phiền muộn. Cô nhớ mãi lời khuyên của cha gây ấn tượng và làm thay đổi mọi lo lắng của cô:

Này con ơi, con hãy vững tin: Nếu điều xấu nhất xảy đến với con, thì con phải nhớ Chúa vẫn đồng hành với con. Nếu Chúa có đóng kín cửa chính nơi con thì Chúa sẽ mở cho con nhiều cửa sổ khác. Đừng bao giờ để nỗi buồn đánh gục bản thân mình con!Con hãy nhìn trong những biến cố đau thương, tiêu cực xẩy ra trong cuộc đời, với tinh thần tích cực lạc quan và sự tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa. Ngài là Chúa tình yêu mà con.

Sau cuộc trò chuyện , cô đã suy nghĩ rất nhiều. Cô đâu có ngờ trong cuộc sống mà cô tưỏng là bất hạnh, lại luôn có một tình yêu đang dẫn dắt nâng đỡ cô bước qua cánh cửa cuộc đời. Vậy tại sao mình lại không có một cuộc sống bình an và giản đơn như bao người khác? Tại sao mình lại phải sợ chuyện cỏn con đang đánh gục bản thân mình. Mà giả sử nếu điều mình lo sợ là sự thật đi chăng nữa, tại sao mình không đón nhận nó như là một món quà tốt lành của Thiên Chúa trao ban. Hãy biết phó thác mọi sự trong tay Chúa. Nếu Chúa có đóng kín cửa chính nơi con thì Chúa sẽ mở cho con nhiều cửa sổ khác.

Kể từ đó cô bé dần dà có một cuộc sống lạc quan tốt đẹp hơn. Giờ đây, cô đã tìm được niềm vui thật sự nơi tình yêu Thiên Chúa. Kể từ đó, cô quyết định theo Ngài hết suốt quảng đời còn lại… Mặc dầu cô biết rằng căn bệnh của mình sẽ không thể chữa được, nhưng cô vẫn thấy hạnh phúc vì tình Chúa đã ấp ủ trái tim bé nhỏ của cô. Mỗi ngày cô đến nhà thờ nhìn mọi người với đôi môi nhỏ bé hé nở nụ cười chứ không còn rầu rĩ như trước. Cô làm việc bằng tất cả tấm lòng để phục vụ giáo xứ, phục vụ mọi người. Cô rất biết ơn cha Luka đã cho cô nhận ra đâu là tình yêu Thiên Chúa dành cho cô. Cô như thấy được cánh cửa hy vọng đang mở ra trước mắt cô. Trong tim cô, giờ đây chỉ khắc ghi với bốn từ là Cánh- Cửa- Hy- Vọng mà thôi. Chúa đã tạo cho cuộc đời cô nhiều cánh cửa mà cô không biết.

Bây giờ thì thì cô đã trưởng thành thật rồi! Nhưng chuyện đó…những chuyện mà xưa nay cô từng lo lắng, hoang mang, dày vò tâm hồn cô. Cô cứ tưởng không ai có thể giúp cô giải quyết được. Nay tất cả trở nên quá dễ dàng, quá nhỏ bé quá đơn giản khi cô gởi gắm nó trong lòng bàn tay Thiên Chúa, Đấng hằng luôn yêu mến cô.

Kể từ bây giờ cô sẽ dâng hiến trọn cả cuộc đời cho Chúa. Cô sẽ mãi đến cầu nguyện với Ngài, cầu nguyện cho những người có những tâm trạng bất hạnh giống như cô sẽ gặp được Cánh- cửa- hy- vọng để vui sống và sống mưu ích cho đồng loại.

 

 

Mã số: 14-110

NGƯỜI CHỦ QUÁN TRỌ

Vào một đêm đông giá rét, tất cả mọi cảnh vật đều chìm trong bóng đêm yên tĩnh. Ông chủ quán trọ Philêmon cũng đang yên giấc cùng với vợ con trong căn nhà ấm áp của mình. Bỗng có tiếng gõ cửa: “Cốc! Cốc! Cốc!”. Ông Philêmon đã nghe thấy nhưng vẫn nằm im. Một lúc sau, tiếng gõ cửa lại vang lên. Bà vợ lên tiếng:

- Kìa ông, có người gõ cửa.

- Đêm hôm lạnh giá thế này mà cũng không để cho người ta ngủ. – Ông vừa đứng lên vừa gắt gỏng.

Mở cửa ra, dưới ánh sao đêm, ông thấy một người đàn ông và một thiếu phụ mang thai đang run rẩy dưới trời đông tuyết giá bên cạnh một con lừa nhỏ. Người đàn ông nhẹ nhàng lên tiếng:

- Xin lỗi vì đã làm phiền ông giữa đêm khuya thế này. Tôi là Giuse, còn đây là vợ tôi. Xin ông vui lòng cho chúng tôi trọ nhà ông được không ạ? Trời đã khuya, nhà tôi lại sắp sinh mà chúng tôi chẳng tìm được chỗ trọ nào cả.

Ông Philêmon quan sát đôi vợ chồng trẻ từ đầu đến chân và nhận ra họ chẳng có gì. Ông bĩu môi lắc đầu:

- Ông đi tìm chỗ khác thì hơn, nhà tôi cũng đã kín phòng hết rồi.

- Phiền ông cho chúng tôi tá túc một đêm thôi cũng được. – Ông Giuse nài nỉ.

- Tôi đã bảo là hết chỗ rồi cơ mà. Thôi đi đi, người gì mà đêm hôm cứ làm phiền người ta.

Nói rồi, ông đóng cửa lại. Đôi vợ chồng trẻ lặng lẽ quay đi. Thế là vì nghĩ người ta không có tiền, ông chủ trọ đã từ chối cho họ vào nhà. Ông trở lại giường nhưng không sao nhắm mắt tiếp được. Hình ảnh hai vợ chồng kia cứ ám ảnh mãi trong đầu ông. Lương tâm thúc đẩy, ông ngồi dậy, khoác vội chiếc áo choàng và mở cửa bước đi.

Trời đêm nay lạnh nhưng sáng lạ thường như thể bóng đêm đã bị đẩy lùi. Không hiếu sao ông cứ nhắm hướng cánh đồng hoang ở Bêlem mà bước. Ra tới cánh đồng, ông không thể tin vào mắt mình. Hai vợ chồng mà ông đành tâm đuổi đi đã phải cư ngụ nơi hang lừa. Người phụ nữ dã hạ sinh một bé trai và đặt trong máng cỏ, nơi đặt đồ ăn cho gia súc. Ông quỳ gối xuống trước hang lừa, hối hận vì hành động vô nhân đạo của mình và khóc nấc lên như một đứa trẻ. Ông Giuse vội đến đỡ ông dậy và an ủi:

- Chuyện đã qua rồi, bác không phải áy náy đâu. Dù sao thì Thiên Chúa vẫn thương ban cho chúng tôi một nơi cư ngụ.

- Tôi thật không phải là người mà. Tôi…tôi còn không bằng một con vật.

Nói rồi, ông lại khóc. Ông Giuse nắm lấy tay ông, dẫn đến trước mặt Hài Nhi mới sinh và Mẹ Người. Hài Nhi tinh nghịch đưa tay sờ lên đầu ông. Bất chợt, ông nghe có tiếng hát vang:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”

Ông chưa được nghe những ca từ thánh thót như vậy bao giờ và tâm hồn ông bỗng thấy nhẹ nhàng, bình an đến lạ.

 

 

Mã số: 14- 111

ĐÊM GIAO THỪA

Đêm 30 tết ở Sài Gòn, trời chỉ hơi se se lạnh chứ không như cái lạnh cắt da cắt thịt ở miền Bắc. Đường phố càng lúc càng đông vui, nhộn nhịp hơn; người người đổ ra đường du xuân, đi xem bắn pháo hoa. Trường cũng lang thang một mình trên đường phố sau thánh lễ đêm giao thừa. Cậu cũng muốn tìm chút không khí tết chứ ở phòng trọ một mình đêm nay thì buồn lắm. Các bạn Trường đã về quê hết còn Trường vì muốn làm thêm kiếm ít tiền cho mẹ sắm tết nên phải lưu lại nơi đất khách quê người này. Trường đă phải nói dối mẹ là phải ở lại học nên không về được chứ nếu không ba mẹ sẽ chẳng cho cậu ở lại đây một mình. Trường cũng muốn lắm cái cảnh được sum họp với gia đình ngày đầu năm nhưng… Đang miên man suy nghĩ, bỗng Trường nghe có tiếng gọi phía sau:

Anh Trường!

Trường giật mình quay lại. Thì ra là Nam, cậu học trò giỏi nhất ở lớp tình thương mà Trường phụ trách. Cậu bé mỉm cười nhìn Trường với cái rổ đựng đầy mấy thứ hàng tạp hóa trên tay. So với vóc dáng nhỏ bé của Nam thì cái rổ kia quả là quá sức với cậu bé. Trường tiến lại:

Ủa, sao giờ này em còn ở đây? Không ở nhà đón giao thừa với mẹ hả?

Đâu có đêm giao thừa nào em ở nhà đâu. Mẹ em nói đêm giao thừa mới bán được nhiều hàng nên em và mẹ chia nhau ra bán. Năm nào em cũng đón giao thừa với mọi người hết à.

Thế em bán được nhiều chưa?

Mới được có mấy chục ngàn à. Em tính tới chỗ họ bắn pháo hoa bán, vừa bán được nhiều vừa được xem pháo hoa nữa. – Nam cười lém lỉnh.

Hai anh em mình cùng đi nhé! Anh sẽ phụ em bê rổ hàng này.

Được vậy thì hay quá! Em cảm ơn anh nhiều! Anh tốt quá.

Trường mỉm cười xoa đầu Nam. Cậu bê rổ hàng trên tay Nam rồi cả hai bước nhanh về phía trung tâm thành phố. Dù chưa bán hàng bao giờ, Trường cũng nhanh tay khéo miệng như dân bán hàng chuyên nghiệp vậy. Chỉ một lúc, hai anh em đã bán gần hết số hàng trong rổ. Nam thích thú nhảy nhót suốt buổi như một chú chim làm Trường cũng vui lây. Món hàng cuối cùng được bán cho một cô bé trạc tuổi Nam. Thấy Nam dễ thương, bố cô bé vuốt nhẹ vào má Nam và rút một phong thư đỏ lì xì cho cậu bé. Nam đón lấy với sự xúc động, nước mắt chảy ròng ròng. Trường nắm chặt tay Nam như muốn được chia sẻ với cậu bé tội nghiệp. Nam khẽ lên tiếng:

Hôm nay em vui lắm! Chúa cho anh đến giúp em và lần đầu tiên Ngài còn cho em cảm nhận được tình yêu của một người cha nữa.

Trường im lặng, cậu biết nói gì bây giờ. Trường biết mình còn may mắn hơn Nam vì vẫn còn ba mẹ và các em. Còn Nam thì chưa một lần được nhìn thấy ba, chưa một lần được cảm nếm tình thương của ba. Trường biết và Trường hiểu. Tiếng vỗ tay reo hò xen lẫn tiếng pháo hoa đã đưa Trường về thực tại. Đúng 0 giờ. Nhà thờ Đức Bà đổ một hồi chuông dài. Trường đưa tay làm dấu thánh giá, Nam cũng bắt chước làm theo. Hai anh em cùng hướng lên trời nơi có những đốm sáng tỏa ra giữa bầu trời đen và cùng hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn. Đêm giao thừa đầu tiên xa nhà thật là một đêm đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui đối với Trường. Cậu thầm cầu nguyện cho tất cả mọi người, cho mẹ con Nam, cho gia đình mình, cho tất cả mọi người không có một mái nhà ấm áp trong đêm đặc biệt này. Hy vọng năm mới sẽ mang lại nhiều niềm vui, phúc lành cho tất cả mọi người.