GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015

BẢN TIN 09

 

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

 

Giải truyện ngắn Hướng Đi (Viết Cho Niềm Tin) trên trang web Sống Đạo hẳn có những qui định khác với giải Viết Văn Đường Trường. Nhằm mục đích phát hiện và đào tạo những tài năng trẻ viết truyện cho Hội thánh Công giáo, giải Viết Văn Đường Trường giới hạn tuổi người dự thi không được quá 40 và cho tới nay chỉ dành cho các tác giả Công giáo. Do hai điều kiện ấy, một số tác giả ngoài Công giáo có truyện ngắn mang nội dung Kitô giáo nhưng không thể tham gia giải Viết Văn Đường Trường. Nay cánh cửa đang mở ra cho họ nơi giải truyện ngắn do Đặc san Hướng Đi của cộng đồng Tin lành Việt Nam tại Canada tổ chức. Quí tác giả nào muốn dự thi, xin tham khảo bản thể lệ cuộc thi tại:

http://www.songdaoonline.com/?com=news&news=128

Bản thể lệ còn có những điểm lý thú khác, cách riêng là trị giá giải thưởng rất hấp dẫn: 3.000 USD cho giải nhất.

Ban Tổ chức giải Viết Văn Đường Trường mong muốn rằng một số tác giả đã dự thi ở giải Viết Văn Đường Trường cũng sẽ tham gia giải truyện ngắn Hướng Đi. Đồng thời chúng tôi cũng đang nghĩ đến việc điều chỉnh lại bản thể lệ để các tác giả ngoài Công giáo có thể tham dự giải Viết Văn Đường Trường. Cánh cửa mở rộng và những mục tiêu tốt đẹp của giải Hướng Đi nhắc chúng tôi phải nhớ lại tiếng gọi đối thoại đại kết của Công đồng Vaticanô II. Tiếng gọi này đã được gửi đi cách đây 50 năm nhưng tới nay vẫn chưa có âm hưởng sâu rộng mấy đối với các Kitô hữu (Cơ đốc nhân) người Việt. Đó đây lẻ tẻ ở một số nơi, anh em Tin lành và Công giáo đang hợp tác trên lãnh vực từ thiện. Dấu chứng đại kết sáng chói nhất cho đến nay là nhờ sự hỗ trợ quảng đại của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội suốt nhiều năm trước đây, bản dịch Kinh thánh Việt ngữ của nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã hoàn thành tốt đẹp và được phổ biến rộng rãi.

Hy vọng rằng, với sự trùng hợp ngẫu nhiên về thời gian và mục đích tổ chức giữa hai giải truyện ngắn Cơ Đốc/Kitô trên mạng, sẽ mở ra một cuộc gặp gỡ chung có tính giao lưu văn nghệ, không chỉ trên không gian ảo mà cả trong trái tim của Chúa Cứu Thế Giêsu và trong Thánh Linh Ngài.

Kết quả cuộc thi Viết Văn Đường Trường năm nay sẽ được công bố trong lễ trao giải được tổ chức tại Chủng viện Qui Nhơn tối Thứ Bảy 19-9-2015 (thay vì tối Chúa Nhật 20-9 như đã ghi nơi các bản tin trước). Tất cả các tác giả có bài vào chung khảo đều được mời tham dự ngày họp mặt các tác giả văn thơ Công giáo lần thứ IV, từ chiều 18-9 đến tối 19-9-2015. Chúng tôi sẽ gửi thư mời riêng đến từng người.

Xin mời quý độc giả tiếp tục theo dõi, đánh giá và tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm, đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

Quý độc giả có thể gửi phiếu bình chọn ngay sau từng đợt bài được giới thiệu. Khi đọc các truyện ở các đợt tiếp theo, nếu thay đổi ý kiến, có thể gửi phiếu bình chọn mới. Chúng tôi sẽ tính theo phiếu gởi sau cùng của mỗi người.

Cũng mong quí độc giả nào phát hiện có truyện dự thi đã sao chép từ một truyện khác, xin gởi thông tin về cho Ban tổ chức qua email: gopnhattho@yahoo.com – Khi có đầy đủ bằng chứng xác thực, chúng tôi sẽ loại bài đó và cả những bài khác của cùng tác giả ra khỏi cuộc thi.

Xin chân thành cám ơn các trang truyền thông Công giáo đã và đang hỗ trợ truyền bá chương trình này, cám ơn quý tác giả đã gửi bài tham gia và cám ơn quý độc giả đang quan tâm theo dõi cuộc thi. Chúc tất cả luôn đầy ơn phước Chúa trong cuộc sống.

 

Qui Nhơn, ngày 20-05-2015

Thay lời Ban Tổ chức

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

 

 

BÀI DỰ THI

 

 

Mã số: 15-104

NỖI  ĐAU TRONG ĐỜI

 

11 giờ trưa, nắng hè oi ả, ngoài trời cũng phải đến 38-39 độ, chẳng có lấy một ngọn gió thoảng qua, cây cối im lìm rũ lá giữ nước chống chọi với cái nắng. Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp và vắng vẻ, Xuân ngồi thở dài, nhìn ra cửa sổ, mắt rũ xuống vì mệt mỏi. Xuân suy tư, chẳng biết suy tư gì, rồi mắt ngấn nước. Trong tay cô nắm chặt tượng Đức Mẹ, cái tượng nhỏ nhỏ xinh xinh được Cha sở tặng vào ngày cô được chịu phép Thêm Sức. Phải, cũng chính lúc này đây, Xuân muốn được thêm sức, căn bệnh của cô ngày càng nặng, nó dày vò từng cơn làm cô đau đớn lắm.

- Con nằm nghỉ đi, lát rồi ăn cơm.

Bà Hoa lọ mọ từ dưới bếp lên, mồ hôi nhễ nhại bám đầy vạt tóc, áo cũng thấm đẫm, ướt nhèm, trơ ra gò lưng gầy guộc. Bà mở cửa tủ, lấy tràng hạt kẹp trong cuốn Kinh Thánh, rồi như thường lệ, bà ra nhà thờ cầu nguyện. Ngày nào cũng vậy, một mình bà quỳ ở đó, trong góc giáo đường. Hôm nay bà lại khóc, bà khóc vì thương con, vì cuộc sống của bà chưa bao giờ là ổn. Bà đã quá khổ, nỗi đau cứ tiếp nối nỗi đau.

Nhớ cái ngày Xuân còn nhỏ…

Bố Xuân, ông mất từ ngày cô mới được ba năm tuổi vì bị não. Xuân chẳng nhớ rõ mặt bố, chỉ ngờ ngợ qua bức ảnh trên bàn thờ. Ngày đó, bà Hoa suy sụp tinh thần lắm, Xuân là động lực duy nhất để bà tiếp tục sống cho đến giờ. Một mình nuôi con bé vất vả. Thời buổi kinh tế khó khăn, hiếm người thuê mướn, bà chẳng kiếm được việc mà làm, một thời gian chỉ quẩn quanh với mấy sào ruộng, nuôi gà, trồng rau bán, nhặt nhạnh từng đồng sống qua ngày. Nghe đâu quanh đây có mấy người ve chai, làm ăn kha khá, bà cũng thử. Thế mà họa chăng mới có ngày kiếm được; người ta bảo làm gì cũng phải có duyên mới phát, còn bà, tự thấy mình chả có lấy chút duyên, số má chẳng sáng lên được. Ngày nào cũng vậy, bà đi từ sáng đến chập tối mới về. Con Xuân được cái ngoan ngoãn, chăm chỉ. Nó nghe lời mẹ lắm, nó đi học mà bà Hoa chẳng bao giờ phải lo nghĩ.

Thời gian cứ thế qua đi cho đến ngày Xuân lên Đại học. Cô học ở Hà Nội, tiền thuê nhà rồi chi phí học hành, tiêu pha ăn uống, đình đám này nọ, bao nhiêu là khoản, bà tính nếu làm ở quê thì chẳng thể xoay sở được. Bà lên Hà Nội với Xuân, lúc thì đi giúp việc, khi thì nhặt nhạnh ve chai, được cái tính bà hiền lành, người ta thương nên cũng kiếm được mấy mối nhà hàng, có đồ thanh lý là họ gọi cho bà. Lương lậu kiếm được cũng đủ tiêu. Bà cũng chỉ mong vậy, chẳng hi vọng lấy đâu mà dư giả. Ngoài thời gian học trên lớp, Xuân cũng dành các buổi tối rảnh đi làm thêm kiếm tiền trang trải đỡ mẹ. Hai mẹ con cứ thế nương tựa vào nhau mà sống. Bà Hoa ước mong con bé sau này ra trường kiếm được cái công cái việc, lấy được tấm chồng tử tế để không phải chịu khổ như mẹ nó.

Hôm đó là thứ 4…

Bà Hoa ngồi một mình trong phòng trọ, giờ chắc cũng dễ chừng 9 rưỡi.

“Con nhỏ sao hôm nay về muộn thế. Ờ, nay thứ 4, nó đi họp mặt sinh viên Công giáo. Chắc lại mải chơi quên giờ đây mà”.- Bà nghĩ thầm.

Tuần nào thằng Đức, thằng Tuấn cũng qua nhà kéo nó đi, mấy nhỏ này cứ tụ tập là thích, con bé năng động y như hồi bà còn thanh niên vậy.

“Sao mà thời gian nó qua nhanh, mới hồi nào nó còn nhỏ tý, giờ đã lớn tướng. Đúng là đời chả mấy chốc. Mình già thế này cũng phải”.- Bà chậc lưỡi rồi thở dài.

Bà ngồi đợi nó chút nữa, mắt ríp xụp xuống mà chưa dám ngủ. Mọi khi cứ 9 giờ nó đã về, thế mà nay giờ này còn chưa thấy mặt mũi nó. Bà ra cửa đứng mà lòng không yên, ánh sáng đường le lói, giờ cũng ít người qua lại, phố vắng tanh. Bà có linh cảm gì đó không hay, chí ít có việc gì thì nó cũng phải gọi điện nói một tiếng chứ, đằng này…Bà trở lại giường, định gọi cho nó, nhưng cũng lúc này máy có cuộc gọi đến. Là con Xuân.

- Sao giờ này còn chưa về thế con? Biết mấy giờ rồi không?

- Cháu chào bác.

- Ừ, cháu. Xuân nhà bác đâu?

- Dạ, bác ơi, Xuân giờ đang ở bệnh viện Bạch Mai, chúng cháu không hiểu sao Xuân kêu đau đầu dữ lắm, rồi…

Bà không đủ bình tĩnh để tiếp tục nghe, giống như có nhát dao đâm vào tim bà vậy, mắt bà mở to hốt hoảng khi nghe đến hai từ “bệnh viện”. Toàn thân bà run rẩy, nước mắt trào ra trong câm lặng, đầu óc như chực nổ tung. Bà vội vàng tức tốc đến bệnh viện, cũng chẳng kịp chốt cửa.

 “Chúa ơi, đứa con gái của con, xin Ngài giữ gìn con bé”.- Vừa đạp xe bà vừa khóc trong lời cầu nguyện.

Đến nơi, bà dựng xe tạt vào gốc cây, lau nước mắt, vội hỏi thăm mấy nhân viên ngoài hành lang:

- Này cô, cô có thấy một trường hợp vừa được đưa vào viện không, nó là sinh viên, mà chắc là có mấy đứa bạn đưa nó vào. Cô chỉ giùm tôi.

- À, ở phòng cuối dãy hành lang này bác.

Chạy đến nơi, thấy con bé đang nằm im trên giường bệnh.

- Cháu chào bác. Bác đến rồi ạ. Xuân không sao rồi ạ.

- Ừ. Cảm ơn mấy đứa. Mấy đứa về nghỉ đi muộn rồi, mai còn đi học.

- Vâng. Chúng cháu xin phép bác.

Bà chạy đến ôm chặt lấy con bé, như sợ nó sẽ vuột khỏi vòng tay của bà. Bố nó đã mất, giờ chỉ còn nó, nó mà có mệnh hệ gì thì bà không sống nổi.

- Mẹ ơi, con không sao, mẹ đừng lo, mai con được về nhà sớm.

- Ừ, để mẹ hỏi bác sĩ xem tình hình sao. Con nằm đây, mẹ ra kia chút.

Bà đến gặp bác sĩ. 

- Con bé đau đầu, kèm co giật, nghe cháu nói thì chúng tôi thấy cũng có một số biểu hiện không tốt của sức khỏe, bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm, vài ngày nữa có kết quả. Ngày mai tạm thời gia đình cứ cho cháu về.

Bà cũng thấy lo, lòng không yên, đêm hôm đó bà không chợp mắt. Sáng sớm, hai mẹ con rời viện. Cũng như thường ngày, Xuân đến lớp, còn bà Hoa đi làm với chiếc xe đạp lạch cạch cũ rích.

Sau đó mấy ngày, bà đến bệnh viện lấy kết quả. Bác sĩ chẩn đoán Xuân bị u não, phải tiến hành phẫu thuật càng sớm càng tốt, nhưng có thể Xuân sẽ bị bại liệt. Bà không tin vào tai mình nữa, ngã quỵ xuống đất, lại là não, bà xé tờ giấy xét nghiệm, khóc thét trong đau đớn. Rồi như vô thức, bà chầm chậm ra dắt xe, bà khóc không ngớt, nước mắt ướt đẫm mặt, lăn từng vệt dài trên đôi gò má nhăn nheo hằn sâu những tháng năm vất vả cuộc đời bà.

Vừa về đến nhà, Xuân chạy ra đón mẹ. Bà nhìn Xuân, không nói gì, rồi nằm phục xuống giường.

- Mẹ… Mẹ có chuyện gì vậy? Mẹ nói cho con biết đi. Mẹ thế này con lo lắm.

- Mẹ không sao. Chắc hôm nay nắng to quá, mẹ thấy mệt.

- Vâng! Mẹ nghỉ đi. Con đi nấu cơm, lát mẹ con mình ăn.

Thấy nó ra ngoài, bà bình tĩnh lấy điện thoại gọi cho bệnh viện, số máy bà lưu từ lâu lắm rồi, hôm nay lục lại. Vẫn có chuông.

- Chào bác sĩ. Tôi là mẹ cháu Xuân, hôm nay đến lấy giấy xét nghiệm. Bác sĩ cho tôi hỏi nếu phẫu thuật cho cháu thì tốn khoảng bao nhiêu tiền, chi phí thuốc men thế nào ạ?

- Phẫu thuật u não giờ cũng khoảng 50 triệu. Nếu có thể gia đình cho cháu nhập viện sớm.

50 triệu, số tiền quá lớn đối với bà. Chỉ còn cách nhờ anh em dưới quê chạy vạy, bà gọi điện khắp nơi nhờ giúp, cũng may là vay được sớm một khoản tiền. Giờ bà cũng thấy lo, không biết con bé biết tin này nó sẽ thế nào, chỉ sợ nó quá kích động. Bà quyết định đưa nó đến bệnh viện rồi nói sau.

- Xuân này, giờ con phải làm một tiểu phẫu thuật nho nhỏ, bác sĩ bảo con có cái hạch, để lâu sợ không tốt.

Xuân thấy sợ, nhưng rồi cô gật đầu nghe lời mẹ, đó chỉ là một tiểu phẫu.

Bà Hoa chực ngoài cửa mà đứng ngồi không yên, bà kéo tràng hạt trong túi áo đọc kinh cầu nguyện để lấy bình tĩnh. Ca phẫu thuật khá lâu, vì là ca mổ não.

Thấy cửa phòng cấp cứu mở, vội chạy hỏi bác sĩ, có thể mai con bé mới tỉnh lại, giờ nó được đưa đến phòng hồi sức.

Bà ngồi cạnh con cả đêm, đến sáng, bà mới vừa chợp mắt được một lúc thì y tá đến. Y tá có nói chuyện với bà về tình hình của cô, cần phải uống thuốc và tiêm hàng ngày, họ nói chuyện nhưng không biết Xuân đã tỉnh, đồng nghĩa với việc Xuân đã biết căn bệnh quái ác mà mình mắc phải. Xuân không cử động được. Cố lấy lại bình tĩnh, cô không khóc, cũng không sốc. Mắt lại lim dim, rồi nhắm nghiền. Bà Hoa quay lại giường bệnh, bà cầm tay con, áp lên bên má mà kêu tên nó. Giờ thì Xuân đã khóc, cô cố cầm nước mắt nhưng không được. Bà Hoa thấy thế, thì mừng lắm. Bà ngồi thủ thỉ nói chuyện với con, cũng chỉ mình bà nói, Xuân giờ cũng chỉ có thể nghe mà thôi.

Rồi ngày nào cũng tiêm, cũng uống thuốc, lịch trình cứ thế kéo dài gần 1 tháng ở bệnh viện. Bà Hoa cũng thấy lạ, vì không thấy con thắc mắc gì cả. Nó nghe lời, chịu tiêm với uống thuốc răm rắp. Dạo đây cô hay cười với bà, nhìn con lạc quan, bà cũng yên tâm. Nhưng biết đâu rằng đằng sau nụ cười ấy, Xuân khổ tâm biết chừng nào. Mẹ cô đã phải khổ nhiều, suốt cuộc đời lam lũ hi sinh vì đứa con gái duy nhất, chẳng lúc nào cô thấy mẹ được an nhàn. Từ lâu Xuân đã mong ước sau này sẽ kiếm thật nhiều tiền, sẽ cho mẹ một cuộc sống hạnh phúc hơn, đầy đủ hơn, thế mà căn bệnh đã dập tắt mọi dự định trong cô. Trước mắt cô cuộc sống quá nặng nề và u ám.

Trời hè nắng gắt, trong viện biết bao bệnh nhân chen chúc, tiếng khóc, tiếng xe cứu thương, rồi tiếng nói chuyện, riêng thế cũng khiến con người ta đủ mệt mỏi. Bà Hoa chăm con bé mà gầy đi trông thấy, mắt hõm đen vì mệt mỏi, thiếu ngủ. Cứ vài ngày lại có anh em dưới quê lên trông con bé hộ, bà về phòng trọ cũng chỉ nằm được một lúc, nhưng không an tâm nên cứ vào bệnh viện thăm con luôn.

Rồi cũng đến ngày bệnh viện cho về, nhưng vẫn phải uống thuốc đều đặn.  Nghe tin, Xuân cứ cười tít mắt thôi. Cô vội vàng gấp quần áo, chăn mền cho vào va li. Trên chốc là một bịch thuốc to hoành tráng.

- Mẹ cho con về quê, ở quê mát mẻ mà thoải mái con ạ.

- Dạ. Con cũng nhớ quê rồi mẹ ạ.

Về quê một thời gian, thấy con tươi tỉnh hẳn, cũng tưởng rằng tương lai nó sáng hơn, ngờ đâu; bỗng dưng nó lại bị chứng đau đầu trở lại. Bà lo lắm, lại hành lý cho con lên Hà Nội khám lại. Kết quả là chân khối u vẫn còn. Vẫn u não. Phải mổ lần nữa, kết hợp tia xạ sau này.

Giờ nếu có phẫu thuật điều trị cũng chỉ được một thời gian, mỗi lần mổ kéo theo những cơn đau đớn cho con; cộng với gia đình bà quá khó khăn, không thể vay đâu được nữa, suy đi tính lại chỉ còn có thể dùng thuốc để kéo dài sự sống, không còn cách nào khác. Bà suy sụp dần, chẳng còn sức mà khóc. Bà cũng đã quá mệt mỏi.

Hai mẹ con lại về quê.

Đêm hè, trăng sáng hắt qua cửa sổ, ở quê hay mất điện. Xuân ra hiên ngồi, gió rít mát rượi. Ngoài đồng tiếng ếch kêu không ngớt. Tự nhiên Xuân thấy yêu vùng quê này quá, thấy yêu cuộc sống, nơi đã cho cô cả hạnh phúc và những khổ đau. Xuân lặng nhìn trời rồi hít một hơi thật sâu. “Có lẽ chỉ một thời gian ngắn nữa thôi”.- Cô nghĩ thầm.

Bà Hoa từ trong nhà đi ra:

- Trời nay mát, chỉ tội cái lắm muỗi quá con ạ.

Xuân kéo bà Hoa xuống ngồi cạnh mình, rồi nắm nhẹ lấy tay bà, bàn tay gầy quá, cô cảm nhận từng vết chai sạn, cả những đường gân nổi lên rõ rệt. Cô quay mặt khóc, không cho bà Hoa biết, sợ mẹ lại buồn. Rồi gục đầu vào vai mẹ, tận hưởng cái ấm áp trong từng hơi thở của mẹ. Cô thấy lòng mình nhẹ bâng mỗi khi gục vào đôi vai ấy, đôi vai cho cô yêu thương và sự che chở.

Dần dần sau đó, trí nhớ của Xuân cũng giảm, lúc cô nhớ, khi cũng chẳng nhớ bà Hoa là ai nữa. Mỗi lần như thế, bà Hoa lại thấy chạnh lòng tủi thân, thập giá Chúa trao cho bà lớn quá. Nhưng tất cả những gì xảy đến với gia đình, dù có thế nào bà Hoa đều phó thác cho Chúa, tùy vào ý của Ngài định đoạt.

 

Mã số: 15-105

 

MÙA LÁ RỤNG

 

Tia nắng buổi sáng xuyên qua kẽ lá, lọt vào phòng bệnh, chiếu lên khuôn mặt làm chị tỉnh giấc. Sau một đêm dài thức trực bên giường mẹ, cái mệt mỏi muốn kéo dài cơn mê man của chị. Nhạc chuông điện thoại vang lên, bài hát Khúc ca tạ ơn, thật đúng với tâm trạng của chị khi biết ai gọi đến:

- Anh…! Một ngày mới tốt lành nha anh!

- Em đang ở bệnh viện hả?

- Dạ…

- Đi uống cafe với anh nha.

- Không được đâu anh, mẹ em dạo này bệnh nặng lắm.

Một khoảng thinh lặng rất lâu ở đầu bên kia.

- Em không dành thời gian cho tình yêu của mình sao? Em đếm xem mình đã gặp nhau được bao nhiêu lần trong năm qua.

- Dạ… nhưng anh biết là mẹ em đang bệnh nặng mà…

- Nếu như mẹ em bệnh nặng suốt đời thì sao?

- Anh…

Cuộc nói chuyện đã dứt nhưng cơn buồn vẫn còn âm ỉ trong lòng chị. Những lời lúc nãy của anh, chị cũng đã có lần nghĩ đến rồi. Mẹ chị nằm viện đã hơn một năm rồi, tính từ lúc mẹ rơi từ trên giàn giáo xuống đất trong lúc đi làm phụ hồ. Từ lúc đó, cuộc đời của chị cũng rơi theo và cả mối tình của chị chắc cũng đang rơi theo.

- Bệnh nhân bị gãy cột sống ở cổ, có khả năng bị liệt tứ chi.

Những lời nói của bác sĩ trở thành cơn ám ảnh bám riết theo chị, mỗi lần nhớ lại không khỏi rùng mình. Thương mẹ một đời hy sinh để nuôi con khôn lớn nên người, chị nghỉ làm việc ở công ty để trở nên người con vẹn chữ hiếu.

- Nếu như mẹ em bệnh nặng suốt đời thì sao?

Chị cũng không biết nữa, chị cũng chưa lên kế hoạch dài hạn đến thế. Qua được một ngày thì chị tạ ơn Chúa lắm lắm rồi. Nhưng mà lúc này tình yêu của chị đang phải đối mặt với trở ngại lớn. Anh và chị ít thời gian ở bên nhau hơn, còn sự nghiệp của chị nữa. Người ta nói “xa mặt cách lòng” không biết có đúng không, chứ như chị thì tình cảm dành cho anh vẫn còn sâu đậm lắm. Anh là chỗ dựa tinh thần trong lúc chị mệt mỏi. Tình yêu của anh mang đến cho chị niềm hy vọng vào ngày mai. Còn anh thì sao? Chị nhìn đồng hồ, nói to như muốn đẩy xa cái buồn cứ âm ỉ:

- Chết chửa! Đã 8h rồi cơ à… Sáng nay có ai muốn gởi mua đồ ăn sáng gì không?

Phòng bệnh leo teo có mấy người, toàn là bệnh nặng. Có ông chú chăm vợ bị tai biến, cười đùa:

- Thôi, nàng công chúa hôm nay ngủ dậy trễ quá, chúng tôi đã ăn sáng cả rồi.

Chị tủm tỉm cười, hai tay làm bộ đang nắm chiếc váy dạ tiệc sang trọng:

- Chú có biết tại sao không? Tại vì nàng công chúa tối qua nằm mơ thấy chàng hoàng tử đó…

Cả phòng cười ngất ngây, tiếng cười đẩy đi cái không khí ảm đạm thường ngày len lỏi vào phòng bệnh. Chị thấy lòng rộn lên khi nghĩ đến vị hoàng tử đó chính là anh, người yêu của chị. Chị ghé môi kề vào tai mẹ:

- Còn mẫu hậu, mẫu hậu hôm nay muốn ăn gì nào?

Chỉ nghe ư ứ mấy tiếng không rõ từ đôi môi mấp mé của mẹ. Đôi mắt chỉ hé mở một ít để nhìn đứa con yêu, phần còn lại của ánh mắt chắc đang chiêm ngưỡng cả thiên đàng.

- Mẹ ăn cháo nhé, con biết mẹ thích món đó mà.

Chị hôn vào má mẹ. Quay sang nói với chú đang ngồi ở giường bên cạnh để ý đến mẹ chị trong lúc chị đi mua đồ. Những người trong phòng vẫn còn nhìn thấy nụ cười của chị trước khi khuất sau cánh cửa, nhưng nó vội tắt ngay, để rồi đôi mắt nói lên nỗi lòng buồn rười rượi của chị.

- Nếu như mẹ em bệnh nặng suốt đời thì sao?

Chị vẫn chưa có câu trả lời, trả lời cho cuộc đời chị, hay cứ để nó như chiếc lá bị cơn gió cuốn đi. Có người nói rằng “giày dép còn có số huống chi là con người”. Chẳng lẽ số phận con người đã được định sẵn rồi sao? Con người chẳng thể thay đổi được điều gì sao? Chiếc lá kia có bị lìa khỏi cành nếu như không có cơn gió vừa rồi? Hay nó vẫn bị rơi dù cho chẳng có cơn gió nào thổi đến, dù cho nó có cố gắng bám víu vào cành đến thế nào?

- Con đang khóc hả?

Tiếng của bà bán cháo khi thấy cô đứng ngẩn người trước cửa hàng của mình.

- Dạ, không… bụi bay vào mắt đó bà! Bà lấy cho con hai phần cháo ạ.

Về đến đầu hành lang, thì thấy chú cùng phòng đang hốt hoảng chạy đến:

- Con về mau đi, mẹ con lại lên cơn co giật nữa rồi.

Hai tay chị buông xuôi, hai bịch cháo rơi xuống nền, chị lao ngay về phòng. Các bác sĩ và y tá tất bật cấp cứu cho mẹ. Nhìn thấy mẹ cứ giật nảy người lên bởi cơn đau, chị run cả người, tràn trụa nước mắt trong tiếng gọi “mẹ ơi”. Chị ngã quỵ xuống, ngất đi, tựa vào cánh tay của một cô đang cố gắng giữ chị lại. Băng ca được chuyển đến, mẹ chị mau chóng được đưa đến phòng cấp cứu.

Mở mắt ra, chị đã nhìn thấy anh. Lòng chị vui sướng:

- Là anh hả? Em đang mơ sao?

- Không phải mơ, là anh đây. Các cô chú tìm trong điện thoại em thấy có cái tên “hoàng tử” nên đã gọi anh đến.

- Mẹ em… em phải gặp mẹ!

- Em phải kiềm chế cảm xúc thì mới đi gặp mẹ. Anh không muốn để em phải ngất đi lần nữa.

- Mẹ em sao rồi hả anh?

Anh nắm tay chị đến phòng cấp cứu. Chị không còn nhìn thấy rõ khuôn mặt mẹ bởi các ống dưỡng khí, truyền dịch cắm sâu vào cuống họng mẹ. Mẹ đã bị liệt cả chân tay, chỉ có mỗi khuôn mặt là còn có biểu hiện chút cảm xúc, giờ thì chỉ có cảm giác đau nhói trên khuôn mặt nhăn nhó của mẹ. Sợ chị lại ngất đi khi thấy dòng lệ chảy tự do trên má, anh dìu chị ngồi xuống một ghế đá nơi khuôn viên. Chị tựa đầu vào bờ vai của anh nhìn ngắm những chiếc lá cứ tiếp tục rơi trong buổi chiều cuối thu. Anh nói:

- Không được gặp em, anh nhớ em lắm!

- Em cũng nhớ anh!

- Em hy sinh cho gia đình nhiều quá. Em mệt mỏi rồi.

Giọng chị yếu ớt:

- Dạ, không đâu, em còn đủ sức mà. Nhất là khi có anh bên cạnh.

Anh xoay người lại, nhìn vào mắt chị:

- Kết thúc đi em, kết thúc tất cả những đau khổ này đi em. Đau khổ cho em, cho anh và đau khổ cho cả mẹ em nữa.

Chị ngơ ngác:

- Bằng cách nào hả anh?

- Em không nhìn thấy mẹ em đang trải qua cơn đau đớn như thế nào sao? Sức của con người làm sao chịu nổi đau đớn đó. Mỗi lần nhìn thấy mẹ em như thế anh đây còn muốn đứt ruột đứt gan, huống gì là em…

Giọt nước mắt của chị rơi nhiều hơn cả những chiếc là đang rơi.

- Anh đã hỏi bác sĩ về bệnh tình của mẹ rồi. Bác sĩ nói rằng hoàn toàn không có khả năng hồi phục, mẹ em sẽ chịu đau đớn như thế cả đời đó. Bao lâu… một năm, hai năm… em muốn mẹ em chịu đau đớn đến bao lâu?

Không nghe chị nói gì, chỉ nghe tiếng khóc, anh nói tiếp:

- Em cũng vẹn chữ hiếu đối với mẹ em rồi…

Anh ngập ngừng trong từng lời nói nhưng rồi dứt khoát như chiếc lá bay vèo trước mặt:

- Hãy để mẹ em ra đi cách thanh thản đi em. Chỉ cần một liều thuốc… rất êm dịu, mẹ em sẽ ra đi.

Những lời nói của anh cũng êm dịu như điều anh muốn diễn tả. Những lời êm dịu đó tràn vào trong tâm trí của chị. Nó muốn phủ lấp đi những đau khổ của chị đã chịu đựng trong năm qua, lấp đi nét mặt đau khổ của người mẹ mình và cả những đau khổ cho mối tình của anh chị. Chị thoáng nghĩ đến hạnh phúc mà chị có được với anh, trong một ngôi nhà và những đứa con… Nhưng rồi những suy nghĩ đó cũng tan biến như chiếc lá rơi nhanh trước mắt. Chị không muốn mẹ mình phải đau khổ trong từng phút, từng giây. Chị muốn chấm dứt những đau khổ này, nhưng không phải theo cách này. Chị có cảm giác cái liều thuốc như anh nói không phải cứu mẹ, mà là giết mẹ, giết đi tình mẫu tử.

- Không, em sẽ không làm thế đâu.

- Tại sao? Em thử đặt mình vào hoàn cảnh của mẹ em đi, đau đớn vì bệnh tật,… nhìn thấy những người thân đau khổ vì mình. Cái chết không phải là sự giải thoát sao?

- Em không biết!

Chị nói trong dòng nước mắt lăn dài trên má. Anh cảm thấy hụt hẫng khi chị khước từ lời đề nghị đó, mà những lời đó cũng đều bắt nguồn từ tình yêu của anh dành cho chị. Anh quay lưng lại:

- Tùy ở em… Em giữ gìn sức khỏe nha!

Lòng chị chết lặng. Nhìn thấy anh đi dường như chị cũng thấy cả niềm hy vọng và hạnh phúc của mình đang khuất dần. Lá vẫn rơi trong buổi chiều cuối thu.

“Xin tạ ơn, con xin tạ ơn Chúa.

Mãi muôn đời, con xin tạ ơn Chúa”.

Chúa ơi, con phải tạ ơn Chúa thế nào đây? Những người con quý mến nhất đang rời xa con…

Chị để dòng cảm xúc mê man theo tiếng nhạc chuông điện thoại mà không màng nghe máy. Tiếng cô giường bên cạnh:

- Hoàng tử gọi điện kìa, nàng công chúa nghe máy đi chứ…hihi!

- Vị hoàng tử đã bỏ công chúa ở lại giữa rừng rồi cô ơi!

Cô cầm chiếc điện thoại của chị lên:

- Xem thử ai gọi đây? A, cha xứ gọi đến này!

- Dạ, đâu ạ… đưa máy cho con.

Chị trách thói hay quên của mình. Mới hôm qua chị có đến gặp cha để xin cha đến xức dầu cho mẹ chị.

- Alô, con nè cha.

- Cha đang đứng ở dưới cổng bệnh viện đây. Con dẫn cha lên phòng nha.

- Dạ.

Đến phòng, vị linh mục già rảo quanh một lượt hỏi thăm những bệnh nhân, cả những người nuôi bệnh rồi cha dừng lại ở chiếc giường mẹ chị đang nằm im bất động. Thỉnh thoảng, khuôn mặt của mẹ nhăn lên vì cơn đau, nhưng rồi bình thản trở lại tựa như đang ngủ. Chị ghé sát vào tai mẹ nói:

- Cha đến xức dầu cho mẹ nè!

Không nghe thấy tiếng nào đáp lại. Khuôn mặt mẹ vẫn im lìm tựa như người đã đi vào giấc ngủ sâu. Cha hỏi:

- Mẹ con có đỡ hơn phần nào không con?

- Dạ không, mẹ con lên cơn co giật hoài à.

Vị linh mục nhìn vào đôi mắt của chị, thấy cả những đau khổ đang đè nặng trên vai một người chân yếu tay mềm như chị. Cha xức dầu cho mẹ chị trong khi chị cùng với một cô trong phòng cũng là người Công giáo râm ran những lời kinh cầu nguyện cho mẹ. Xức dầu xong, cha cất dầu thánh vào trong chiếc túi nhỏ mang bên mình. Cha hỏi:

- Vất vả nhiều cho con rồi. Con đã khóc nhiều lắm hả?

Chị lắc đầu nói:

- Dạ, không có đâu cha.

Cô cùng đọc kinh với chị lúc nãy chen vào:

- Nó nói dối đó cha. Nó khóc hoài à. Cả ngày cũng chẳng đi đâu, cứ ở bên ôm mẹ nó mà khóc…

Cô cũng chẳng cần phải kể nhiều vì mắt của chị đang để lộ nhưng giọt nước mắt. Chị nói:

- Mẹ của con đang phải đau đớn quá…

Nói đến đây thì chỉ còn nghe tiếng khóc của chị. Tiếng khóc diễn tả những đau khổ chị đang mang trong mình.

- … Đau đớn hơn cả cái chết. Có người nói nên để mẹ con ra đi…. Nhưng mà, con…

Vị linh mục trầm ngâm, nắm lấy bàn tay chị như muốn cái đau khổ của chị thấm vào mình.

Sự sống là món quà quý giá Chúa ban cho ta, quý đến nỗi chúng ta có tạ ơn Chúa cả đời vẫn không đủ và chỉ có Chúa mới có quyền lấy đi sự sống đó. Mẹ con đang phải trải qua những giờ phút đau đớn của cuộc đời nhưng nó không phải là vô giá trị. Giá trị của nó chính là ở nơi Thập giá Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chọn Thập giá và cái chết để từ đó tuôn tràn ơn cứu độ cho loài người. Một khi mẹ con và con đón nhận tất cả những đau khổ đang chịu, hợp cùng với cuộc khổ nạn và đau thương của Chúa Giêsu thì chính lúc đó ơn cứu độ sẽ tuôn đổ xuống cho mẹ con, cho chính con và sinh ích cho nhiều linh hồn khác nữa. Hãy phó thác tất cả và bàn tay Chúa nha con.

Chị có cảm giác như những lời đó từ chính miệng Chúa đang nói với chị. Chị mở rộng lòng mình ra, chị cảm thấy có lỗi với Chúa vì đã than trách Chúa trong lúc đau khổ. Lòng chị cũng được sáng tỏ khi hiểu được lý do không nên tiêm cho mẹ liều thuốc ấy, điều mà hôm trước chị không biết phải trả lời cho anh như thế nào. Chị khóc và khóc nhiều hơn. Không còn những giọt nước mắt than trách số phận, trách đời đau khổ nhưng đó là giọt nước mắt của sự sám hối vì thiếu tin tưởng vào tình yêu của Chúa. Chị nghĩ đến cuộc khổ nạn của Chúa, nghĩ đến đau khổ của mình, hòa quyện tất cả vào trong nước mắt, lòng chị trở nên nhẹ nhàng.

Mùa đông giá lạnh cũng qua đi, mùa xuân đến mang theo hơi ấm và rộn ràng tiếng chim, tiếng người. Trên cành cây, lá cây đã rụng đi nhiều, chỉ còn lại vài ba chiếc lá vàng đang chờ cơn gió cuốn đi. Mà việc gì phải chờ cơn gió thổi đi, nếu chiếc lá vàng đó vẫn còn cảm thấy hạnh phúc khi được dính liền với cây. Ở lại cũng vui vẻ, ra đi cũng sẵn sàng. Tất cả đều nằm trong bàn tay quan phòng của Chúa.

Có một ngày nào đó, chàng hoàng tử được vị thần tình yêu dẫn dắt đến bên nàng công chúa, đặt lên môi nàng một nụ hôn và chàng nói:

“Anh sẽ luôn ở bên em!”

 

Mã số: 15-106

TÌM MỘT CON ĐƯỜNG

 

Sơ Lan dẫn phái đoàn đến nhà chị thì trời đã nhá nhem tối. Mới chưa tới năm giờ chiều nhưng trời mùa đông ở miền Bắc bóng tối ập xuống rất nhanh. Thảo nào các cụ thường ví von “đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối” là vậy.

- Chào chị Hạnh nhé, chị đang cho cháu ăn tối à?

Tiếng sơ Lan vang lên từ đầu ngõ khi nhìn thấy bóng chị đang ngồi ở trước sân. Nghe thấy tiếng sơ, chị quay lại:

- Ồ! Con chào sơ, chào các bác. Con đang dở tay một chút, mời mọi người vào nhà dùng nước ạ.

- Cảm ơn chị, cháu có chịu ăn không?

Sơ vừa nói vừa cúi xuống vỗ vào vai thằng bé. Thấy tiếng người lạ nó chồm dậy nhìn rồi ú ớ cười một mình.

- Dạ, cháu cũng lười ăn lắm sơ ạ, con phải ngồi đút từng miếng nó mới chịu ăn. Chào sơ đi con!

- O…n …c..à..o …k.. h..ơ

- Ồ, bé Công ngoan quá.

- Sơ về được lâu không ạ?

- À, em đi theo phái đoàn về thăm các anh chị ở trại Phong Cẩm Bình nhưng về đến đây thì tối rồi nên em bảo đoàn ghé về nhà nghỉ rồi sáng mai đi sớm. Nhân tiện em dẫn đoàn qua thăm anh chị. Xin giới thiệu với đoàn đây là chị Hạnh, một người bạn thân của các “bạn cùi” của chúng ta.

- Hân hạnh được gặp chị, nghe sơ kể nhiều về chị mà nay mới được diện kiến dung nhan.

- Con cảm ơn sơ và phái đoàn. Mời sơ và các bác vào nhà ạ.

Chị thu dọn chỗ con vừa ăn rồi đi vào nhà, dáng người mảnh khảnh của chị cứ thoăn thoắt như con thoi. Nhìn bên ngoài trông chị rất vui vẻ, hoạt bát nhưng thẳm sâu trong tâm hồn chị lại chất chứa cả một nỗi niềm riêng.

*  *  *

Chị được sinh ra và lớn lên trong một gia đình tương đối khá giả. Gia đình chị có sáu anh em bốn trai, hai gái. Chị là đứa con áp út, sau chị còn một thằng em nữa. Dù chưa phải là út nhưng chị được bố mẹ cưng nhất, vì so với các anh chị trong nhà thì bao nhiêu cái đẹp, nét duyên dáng chị đều thủ đắc hết. Chị không những được trời ban cho cái vóc dáng xinh xắn mà tính tình của chị cũng không ai chê vào đâu được. Bố mẹ hay khen chị trước mặt anh chị em:

- Con Hạnh nó thông minh, nhanh nhẹn như vậy mới được, chứ thời buổi này mà cứ lù khù là chết, chúng mày học gương của nó ấy.

Thấy bố mẹ cưng chị nên các anh chị luôn tỏ ra khó chịu. Những thanh niên trong làng đã đến “trồng cây si” ở cổng nhà chị từ lúc chị mới mười bốn mười lăm tuổi. Còn các cụ trong làng thì mong chị trở thành con dâu nhà họ, có người đến đặt cọc với bố mẹ chị:

- Ông bà giữ cái Hạnh cho thằng cu nhà tôi nhé.

Bố mẹ chị rất hãnh diện về chị. Nhưng họ càng đặt kỳ vọng nơi chị bao nhiêu thì khi không được như ý họ lại thất vọng bấy nhiêu. Ông bà ước ao kén một chàng rể phải xứng tầm với cô con gái rượu của mình nhưng chị lại có con đường riêng. Chị yêu anh chàng thương binh ở làng dưới hơn chị gần hai chục tuổi. Thấy anh tội nghiệp nên chị quyết định kết hôn để chia sẻ cuộc sống khổ đau với anh. Từ khi chị quyết định lấy anh, câu chuyện tình của hai người trở nên xôn xao, mọi người trong làng đều bàn tán:

- Tại sao con bé ấy dại dột thế?

- Chắc là bị thằng ấy bỏ bùa rồi.

Còn bố mẹ chị nhất định không cho chị lấy người thương binh tàn phế ấy, ông bố bảo với chị:

- Tao cấm mày gặp gỡ thằng đó, tao mà thấy mày lai vãng tới nhà nó tao chặt chân mày.

Mẹ chị thì khóc lóc:

- Trời ơi! Sao lại đi lấy thằng cụt chân cơ chứ, bộ con trai làng này chết hết rồi sao? Nó bỏ bùa mê thuốc lú gì cho mày hả con?

Chị chẳng nói gì cứ khóc thút thít, một hồi bà lại nói tiếp:

- Mày đừng lấy nước mắt để làm tao đổi ý, tao đã nói hết lời mà còn không nghe thì từ nay không có mẹ con gì hết.

Bố chị cũng chêm vào:

- Mày chọn đi, một là thằng đó, hai là bố mẹ mày.

- Con van bố mẹ, cho con lấy anh ấy, thiếu anh ấy con không thể sống được.

- Đồ ngu!- Bố chị vừa nói vừa giơ tay tát bốp vào mặt chị. - Tao đã nhìn lầm người. Nếu mày vẫn giữ nguyên lập trường lấy thằng cụt chân ấy thì biến khỏi nhà tao, coi như tao không có đứa con gái như mày.

Cuối cùng chị đã chọn anh và phải cắt đứt mối quan hệ ruột thịt với gia đình. Từ ngày chị bỏ nhà đi theo tiếng gọi của tình yêu, bố mẹ chị không một lời thăm hỏi, ông bà nhất định không thể tha thứ cho đứa con “mất dạy” ấy được. Ông bà cũng cấm tất cả anh chị em không được liên lạc với chị. Ra đi chỉ có hai bàn tay trắng với vài bộ đồ, chị được bạn bè giúp đỡ. Họ tổ chức đám cưới cho anh chị dù đơn giản nhưng thật ấm cúng. Chị và anh sống với nhau rất hạnh phúc trong một túp lều tranh với hai trái tim vàng. Hơn một năm sau đứa con đầu lòng của anh chị đã chào đời, anh chị háo hức đón nhận kết quả tình yêu đầu đời của hai người. Nhưng thật oái ăm, đứa con đầu lòng của anh chị sinh ra không được bình thường. Nó bị dây rốn quấn cổ và được chẩn đoán là bị liệt não nên cho dù bé có sống thì cũng ở trong tình trạng thực vật cả đời. Thấy hoàn cảnh của anh chị nên các bác sĩ khuyên anh chị đưa bé vào một trung tâm bảo trợ xã hội đặc biệt. Nhưng với tấm lòng của người mẹ chị nhất định không muốn đưa con đi, chị bảo:

- Không, dù thế nào nó cũng là giọt máu của tôi, tôi không thể để con tôi trở thành một đứa trẻ mồ côi không có cha mẹ.

Bố mẹ chị chẳng an ủi lại còn chì chiết:

- Cá không ăn muối cá ươn, con không nghe bố mẹ trăm đường con hư. Đấy, mày thấy hậu quả của một kẻ không biết vâng lời chưa?

Ngày ngày chị kiên trì tập luyện cho con, tập cho con đi, tập cho con nói. Dù nó không trở thành một đứa trẻ bình thường như những đứa trẻ khác nhưng ít là nó đã không ở trong tình trạng thực vật như các bác sĩ dự đoán. Anh chị lại lần lượt cho những đứa con khác ra đời. Những đứa trẻ sau này không bị tật như anh nó. Đứa nào cũng kháu khỉnh. Ngày tháng qua đi các con chị cũng đã lớn và lần lượt bước vào các trường học. Cuộc sống của anh chị càng ngày càng vất vả hơn vì phải lo cho các con ăn học nên cả anh và chị đều phải đi làm xa. Trong nhà chị là lao động chính vì anh vừa bị cụt chân vừa tăng huyết áp nên chỉ phụ được những công việc nhẹ như dọn dẹp nhà và lo cơm nước. Nhưng từ khi các con đi học thì cuộc sống khó khăn hơn nên anh đã tìm một công việc nhẹ để làm thêm phụ vào phần chi tiêu cho gia đình. Dù vất vả nhưng gia đình anh chị rất hạnh phúc, cuộc sống đang mỉm cười với anh chị thì bỗng dưng đứa con lớn của chị trên đường đi học về bị một chiếc xe container tông vào, thằng bé chết tại chỗ. Được tin ấy chị hết sức bàng hoàng, toàn thân chị lạnh toát nhưng không hiểu sao lúc ấy chị lại can đảm như thế. Chị vội đến chỗ hiện trường để đón xác con. Mãi khi nhìn thấy thân thể con bẹp nát dưới bánh xe chị mới khóc, những giọt nước mắt chảy vào tim và nó ứ đọng lại thành những giọt bầm tím. Mọi người đến an ủi và chia sẻ nỗi đau với anh chị nhưng bố mẹ chị vẫn không đến. Bố chị bảo:

- Trời phạt cho nhãn tiền như vậy mà nó còn chưa sáng mắt.

Dù ông bà nói gì chị vẫn không cãi lại một lời. Chị cam chịu trước số phận. Nhưng dường như chị càng nhượng bộ thì số phận càng không buông tha. Từ hôm đứa con lớn đột ngột ra đi, cuộc sống ở gia đình chị trầm hẳn xuống. Chị ít nói hơn, nhưng vết thương cũ chưa lành thì những vết thương khác lại tiếp tục rướm máu. Chỉ cách chưa đầy một năm chị đã phải nhận ba cái tang của các con. Sáng hôm ấy trước khi đi làm chị căn dặn các con:

- Hai chị em ở nhà chơi nhưng đừng ra ngoài ao con nhé, nước to nguy hiểm lắm.

Rồi chị quay lại nói với Hoa, con gái lớn của chị:

- Lát nữa anh ngủ dậy con cho anh ăn sáng giúp mẹ với nhé!- Chị cúi xuống hôn vào mái tóc của thằng út và bảo: “Ở nhà với chị ngoan nhé, tối mẹ về”.

Nhưng chị đi chưa đầy một giờ thì cả hai đứa con của chị đều chết đuối dưới cái ao trước nhà. Trong lúc bé Hoa đang cho anh ăn sáng thì Tuấn Anh chạy ra bờ ao chơi, chẳng biết làm sao nó bị trượt chân nên té xuống hồ. Nghe tiếng em kêu Hoa vội chạy ra cứu em nhưng nước to quá nên cả hai chị em đều chết. Mãi đến chiều khi anh chị đi làm về thì xác hai đứa bé đã nổi lên. Nhìn thấy xác hai đứa con nổi lềnh bềnh trên ao chị đã té xuống và không còn biết gì cho đến khi tỉnh lại và thấy mình đang nằm trên giường, có đông đảo bà con xóm đạo đang đứng vây quanh chị. Người thì xoa bóp, kẻ thì bấm huyệt cho chị tỉnh lại. Cha xứ già cũng đến, ngài dúi cho anh chị một bì thư để anh chị có tiền trang trải cho đám tang này. Nhìn thấy quan tài hai đứa con nhỏ nằm giữa nhà chị lại òa lên khóc:

- Tại sao ông Trời lại bất công với tôi quá như vậy, tại sao lại để cho “lá già đưa tiễn lá non” hả trời? Huhuhu…

Thấy chị khóc mọi người cũng sụt sùi theo. Những ngày kế tiếp chị sống trong sự hoảng sợ, chị nghĩ lại những lời bố chị nói: “Trời phạt cho nhãn tiền mà còn chưa sáng mắt”. Chị nhìn xuống chỗ bé Công đang vật vã trong cũi, chị nghĩ đến đứa con bẹp nát dưới bánh xe không kịp kêu cứu và nhất là hình ảnh hai đứa nhỏ đang nổi lềnh bềnh trên ao…Tự nhiên chị thấy sợ, không biết còn chuyện gì sẽ sảy ra tiếp theo cho gia đình chị? Chị tự nhủ: “Phải chăng đây là hình phạt của ông trời như lời bố mẹ chị đã nói? Nếu vậy thì ông trời thật là độc ác, nhẫn tâm”.

Nghĩ đến đó chị chỉ muốn chết đi cho rồi, mấy lần chị định uống chai thuốc rầy để kết thúc cuộc đời. Nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần chị với chai thuốc lên chưa kịp mở nút thì sơ Lan, có khi là bà con xóm đạo lại xuất hiện. Họ đến động viên, an ủi chị và gia đình. Người thì góp tiền bạc, người thì đem gạo, đem muối đến để giúp chị trong lúc khó khăn. Sơ Lan tặng cho chị cuốn Kinh Thánh, sơ bảo với chị:

- Lúc nào chị Hạnh buồn thì lấy cuốn sách này ra đọc nó sẽ giúp chị khuây khỏa hơn.

Đặc biệt là cha xứ, tuy đã già nhưng mắt còn rất tinh. Từ hôm gia đình chị gặp nạn ngày nào cha cũng đến thăm anh chị, dù gia đình chị chưa phải là người Công giáo. Thấy tình thương của cha và bà con dành cho mình nên chị dần bỏ ý định tự tử, nhiều lúc chị cứ suy nghĩ về tình thương của những người bà con xóm đạo này: “Tại sao mình không phải là ruột thịt của những người này, không cùng niềm tin với họ mà sao họ lại đối xử tốt với mình, trong khi bố mẹ và những người thân của chị lại xa lánh, lại coi chị như đồ bị chúc dữ?!”.

Chị sực nhớ đến cuốn Kinh Thánh mà sơ tặng hôm bữa, chị lấy ra đọc. Nhưng nhìn cuốn sách dày cộp chị lại thấy ngán nên cứ lật tới lật lui, không hiểu sao chị gặp ngay đoạn Kinh Thánh nói về cuộc đời ông Jop, càng đọc chị càng thấy hay, thấy cuộc đời của chị dường như đang được họa lại cuộc đời của ông. Chị nhủ thầm: ‘Vậy ra trong thế giới này còn biết bao người đau khổ hơn mình. Nhưng cái khác biệt ở đây là mình có biết đón nhận những đau khổ ấy không? Jop chỉ trong một ngày đã mất tất cả: tài sản, con cái… Vậy mà ông không hề kêu trách, ông còn nhận ra tất cả những thứ ông có đều do Trời ban, giờ Trời muốn lấy thì ông vui vẻ trao lại cho Trời”. Chị cảm thấy thích đọc Kinh Thánh hơn, và chị đã lần lượt đọc hết cuốn Kinh Thánh ấy dù chị chẳng hiểu bao nhiêu.

*  *  *

Thời gian sau đó sơ về thăm chị, thấy chị đã bình phục sơ rất vui, sơ hỏi chị có muốn đi thăm trại phong với nhóm “Hội Bạn những Ngừơi Cùi Việt Nam”, thuộc cộng đoàn Công Giáo ở Tustin, California không? Sơ bảo:

 - Lâu lâu phái đoàn vẫn về Việt Nam đi thăm và giúp đỡ những người bạn phong, từ Cà Mau ở miền Nam ra Bình Thuận, Cam Ranh đến tận Bắc Ninh, Thái Bình ở miền Bắc.

Nghe sơ giới thiệu chị nhận lời ngay, và trong chuyến đi ấy chị đã tìm thấy con đường mới cho tương lai của mình từ những bài học thiết thực nơi “Hội Bạn những Ngừơi Cùi” đến những người bạn phong. Chị cảm động trước tấm lòng quảng đại của những người thiện nguyện này, dù họ là những người sang trọng nhưng họ lại thật khiêm tốn, họ không sợ dơ bẩn, không sợ lây nhiễm, họ yêu thương tôn trọng những người cùi như chính người thân của họ. Vì muốn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những người bất hạnh ấy mà họ hy sinh thời giờ, tiền bạc để đến tận những vùng sâu, vùng xa này thăm hỏi, động viên... Chị cũng học được bài học về sự lạc quan, lòng tín thác của những người cùi. Có người chẳng còn tay chân, có người chỉ còn lại một mắt… nhưng họ vẫn vui, vẫn hát thánh ca tạ ơn Chúa, vẫn cố vươn lên trong cuộc sống, không thoái lui, bỏ cuộc. Đó là những bài giảng sống động nhất về tình yêu mà chị nhận được trong chuyến đi này. Chị cảm thấy cuộc sống này thật đáng yêu, thật ý nghĩa vì có Tình Chúa và tình người đầy ắp nơi đây. Tự nhiên chị cũng muốn trở thành cánh tay nối dài của Chúa để đến với những ai khổ đau hơn mình, chị đã không còn cảm thấy mình là người bất hạnh nữa.

Chị nhận ra “Chúa vẫn đang hiện diện và đồng hành với người khổ đau qua những tấm lòng và trái tim của những ai luôn biết nghĩ đến đồng loại của mình”. Chuyến đi đầy ý nghĩa ấy đã để lại trong chị nhiều cảm xúc, chị đã khám phá ra con đường mà chị sẽ đi trong tương lai – con đường của tình yêu tự hủy. Đó cũng là con đường dẫn chị đến với ánh sáng của Tin Mừng. Mùa chay năm ấy chị và gia đình đã chính thức xin gia nhập Giáo Hội. Từ đó chị trở thành những cánh tay nối dài của Chúa để tiếp tục trao ban tình thương cho những người bất hạnh.

Vâng! Chị đã tìm thấy cho mình một con đường, và con đường ấy chính Thầy Giêsu đã đi.

 

Mã số: 15-107

NGÃ BA TÌNH

Chiều xuống chậm trên nghĩa trang làng Kim. Mấy tia nắng cuối ngày yếu ớt vắt qua những khóm cây im lìm chỉ khiến cho khung cảnh nơi đây thêm phần ảm đạm. Trên nền hoang hoải ấy nổi bật hẳn mấy ngôi mộ lát đá hoa cương màu mận chín. Mấy năm gần đây bỗng nở rộ làn sóng xây cất lại nghĩa trang các dòng họ, ngôi nào cũng vươn cao bề thế. Kính phí xây cất đều do những đứa con của làng Kim đang làm ăn phát đạt ở xứ người gửi về, gọi là có chút hương hoả cho tổ tiên họ mạc. Ở cái buổi xô bồ, lẩn khuất trong những nghĩa cử thành kính tâm linh vẫn còn những thứ mùi không thể khử đi đâu được của tiền.

Hai mẹ con Liên ngồi trước ngôi mộ nhỏ chi chít hoa dại. Đã chín năm nay, trừ những hôm mưa gió còn hầu như ngày nào Liên cũng ra đây ngồi cho đến khi trời tối mịt. Vừa múa vừa hát đến lúc mệt quá thì gối đầu lên mộ mà ngủ. Cứ đến giờ là thằng Phán ra nghĩa trang dìu mẹ về ăn cơm. Trên tấm bia không ghi tên người chết, chỉ có hình thánh giá, bên dưới là những vết khắc còn khá mới. “Nơi an nghỉ của người có trái tim ấm nhất trần gian”. Nhà báo Mân, một người con của làng Kim trong lần về thăm quê năm ngoái, thương cảm câu chuyện của Liên mà cho viết dòng chữ này.

Ngã ba cuối làng Kim đa phần là dân nhập cư. Những tay bất hảo hoặc có lý lịch phức tạp sau những ngày phiêu bạt đều chọn mỏm đất này làm nơi an trú. Thảng hoặc cũng có nhiều người dân làng Kim vì sa cơ hay bất mãn mà dọn nhà ra ở ngã ba. Dân làng Kim vừa sợ vừa khinh đám người ở ngã ba. Ngoài mặt thì cười cười nói nói nhưng trong bụng đều nhất mực coi như quân ô hợp. Dân ngã ba cũng chẳng phải loại vừa, xù lông nhím thủ thế chờ đến lúc thuận tiện thì tung những nhát dao sắc lạnh. Tiếng bấc ném đi tiếng chì ném lại, bởi thế mà xứ đạo Đắc Lộ mấy chục năm vẫn như một mớ bòng bong mặc dù cha xứ đã nhiều lần đứng ra hoà giải.

Liên đến ở ngã ba này từ hồi mới có thai thằng Phán. Liên vốn là con gái út của ông Cả Thống, một gia đình có thế giá ở làng Kim. Chẳng hiểu có phải vì làm ăn buôn bán bất chính mà đứa con gái tự nhiên phát điên, bỏ nhà ra đường khóc cười rũ rượi. Một tối tháng bảy, Liên nằm tênh hênh ở bờ đê, một gã say rượu đi qua không cầm lòng được đã vồ lấy. Liên có thai, ông Cả Thống sợ mất mặt với cấp trên liền cho làm một gian nhà nhỏ ở ngã ba rồi đẩy cô con gái trắc nết ra đấy. Thằng Phán lớn lên không có cha. Ngôi mộ mẹ con Liên ngồi là xác của một ngư dân bị sóng đánh tạt vào lạch biển làng Kim, người dân vớt lấy tẩm liệm sơ sài rồi đem chôn. Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà Liên gắn với ngôi mộ ấy cho đến tận bây giờ. Có người bảo chắc Liên hoang tưởng cho rằng cái xác ấy là chồng mình nên mới ngày ngày hương khói trông nom phần mộ.

Thằng Phán mười một tuổi, cao lêu đêu. Nó không đi học mà ở nhà với mẹ. Ông Cả Thống vỡ nợ đã dọn nhà vào tận Sài Gòn nhiều năm trước hàng tháng vẫn kín đáo nhờ người gửi chút tiền về cho mẹ con Liên. Sáng sớm thằng Phán xuống bến cảng, ai nhờ gì làm nấy, không thì ngồi chực mấy tay lái buôn đóng hàng xem có con cá con tôm nào rơi ra thì nhặt lấy đem bán. Gần trưa nó ghé nhà xứ, làm đủ thứ linh tinh, khi thì vệ sinh chuồng mấy con chim chào mào, lúc thì tắm rửa và lấy nước uống cho con chó Min. Nhà xứ neo người, cha Kiên bận tối mặt nên sai nó vài việc vặt trong nhà, cuối tháng trả công cho ít tiền. Con chó Min là giống bẹc giê quý nên cha Kiên chăm sóc rất cẩn thận, dù có bận đến mức nào cũng phải tự tay cho ăn. Như một thói quen, cứ mỗi lần thấy cha Kiên lấy miếng thịt bò đưa lên miệng con Min thì thằng Phán nhanh chân đứng nấp vào sau cánh cửa, kéo áo lên miệng nhai ngấu nghiến, nước bọt rịn ra làm ướt cả một vạt lớn.

Phán còn là chân chạy bàn cho chiếu rượu Trúc Chỉ ở bờ đê. Chiếu rượu này hoạt động được hơn vài năm, gom vào cỡ chục tay bất cần, nói năng văng mạng. Hầu hết bọn họ đều là dân học hành có lớp lang, tay nào tay nấy sắc sảo, lõi đời nhưng gặp phải cái buổi nhiễu nhương nên chấp nhận thu mình ở cái xó này làm yên. Người bị đồng nghiệp bán đứng, kẻ nhận án kỷ luật vì sinh con thứ ba, kẻ khác tốt nghiệp đại học nhưng vật vã mãi mà chẳng kiếm được việc. Cầm trịch nhóm Trúc Chỉ là Trần tiên sinh, trạc ngoài năm mươi, vốn là phó giám đốc một trung tâm văn hoá tư nhân có tiếng ở Sài Gòn, trong một lần bị con gái ông chủ mắng té tát đã tức khí bỏ việc về quê mở cửa hàng tạp hoá. Dân làng biển vẫn thế, quen ăn sóng nói gió, thà chịu đói chịu khổ chứ nhất định không chịu nhục. Thằng Phán lọt vào mắt xanh của nhóm Trúc Chỉ vì có khuôn mặt mà theo như lời Trần tiên sinh mô tả là “lồ lộ chất gian hùng thời loạn”.

Chỉ cần vài tháng học việc là Phán đã nắm thóp được cái thú của đám này. Mồi nhắm có thể thay đổi nhưng thức uống thì nhất định phải là rượu trắng làng Kim. Trần tiên sinh có lần khề khà: “Đúng là nốc cho lắm rượu vào chả giải quyết được cái quái gì cả. Nhưng mà không có nó thì lấy chó gì để mà nhắm mắt chung chạ được với đời”. Kể cũng lạ, cả cái xứ này thì chỉ có chiếu rượu Trúc Chỉ là không phân biệt người làng Kim hay dân ngã ba. Chiếu rượu họp từ khoảng năm giờ chiều đến tám giờ tối, có hôm muộn hơn. Bọn họ từ tốn uống, ánh mắt khinh bạc nhìn đời. Lúc đầu còn chậm rãi, đến lúc ngấm hơi men thì cao đàm khoát luận đủ thứ, từ việc bình chọn Liên là người đàn bà điên tử tế nhất Việt Nam đến chuyện xây mới nghĩa trang đang trở thành một thứ mốt, một kiểu mặc cả thần thánh của mấy thằng “đô dài não ngắn” chuyên trồng cây thuốc phiện ở xứ người. Hết chuyện giá điện tăng đột ngột đến việc dự đoán chiếc xe Camry mới cóng của cha xứ Kiên có giá bao nhiêu, hàng Việt Nam hay ngoại nhập nguyên chiếc...

Ở xóm ngã ba, Phán chỉ chơi thân với thằng Lam. Bọn trẻ trong xóm đều giễu Phán là đứa con hoang. Chỉ có thằng Lam là không giễu thế vì nó cũng không có bố. Thằng Lam ít hơn Phán vài tuổi, đang học lớp ba trường làng. Thuý - mẹ Lam vốn là dân nhập cư, bị chồng bỏ khi mới sinh con trai được mấy tháng, trong cơn bĩ cực cũng chọn ngã ba làm nhà. Thuý sống khép kín, một mình bươn chải nuôi con bằng nghề bán bánh ngọt ở chợ. Nhiều đêm còn thấy bóng đàn ông ra vào nhà Thuý. Dân ngã ba xầm xì, người thì chắc mẩm đấy là anh chồng cũ về thăm vợ con, kẻ khác lại cười khẩy: “Chỉ có ngữ mèo mả gà đồng mới rước giai về đêm về hôm như thế”. Thằng Phán thích con Nga người làng Kim nên nhờ Lam chép hộ bài thơ “Vì sao” của Xuân Diệu mà nó thuộc nằm lòng trong những buổi hầu rượu nhóm Trúc Chỉ. Sáng sớm, nó không xuống bến cảng như thường lệ mà đứng ở góc đường chờ con Nga đi học thì lao đến dúi vội lá thư rồi cắm đầu chạy một mạch. Buổi trưa hôm ấy, cái tin thằng Phán viết thơ tình cho con Nga đã lan nhanh như điện xẹt. Bọn con nít rồng rắn quanh làng vừa cười vừa giễu: “Ve vẻ vè ve/ Nghe vè anh Phán/ Nhà lán ngã ba/ Không cha điên mẹ/ Bập bẹ ê a/ Mà ra thơ phú/ U ủ ù u...”. Thắng Phán ngồi lầm lì, ba ngày không xuống bến cảng.

Xứ đạo Đắc Lộ vào mùa Chay. Cha Kiên phát động đợt quyên góp tiền gửi về giáo phận xây nhà thờ chính toà. Thánh lễ khai mạc mùa Chay diễn ra trang trọng. Vị linh mục với mái tóc hoa râm đứng lên dõng dạc:

- Năm nay không phân biệt dân làng Kim hay xóm ngã ba, nhà nào cũng phải có phần mình để gửi về Nhà Chung. Chả gì thì Đắc Lộ là một xứ đạo lớn vào loại nhất nhì giáo phận, phải cho người ta thấy được tinh thần cũng tương xứng với tầm vóc. Đừng để phải hổ thẹn với bà goá trong Tin Mừng!

Hàng ngàn chiếc hộp bọc giấy màu có ghi dòng chữ “Ngân hàng Nước Trời, 1 vốn 4 lời” được chuyển đi. Cứ đều đặn mỗi buổi chiều là chiếc loa phóng thanh từ nhà thờ lại phát đi giọng nói truyền cảm của một nữ tu còn khá trẻ kêu gọi tinh thần quảng đại. Ông trùm Khương vốn ngày thường thâm trầm đạo mạo mấy hôm nay bỗng lộ vẻ mệt mỏi căng thẳng. Ông đi hết chỗ này sang chỗ kia, đốc thúc từng nhà một về tầm quan trọng của đợt quyên góp. Có nhiều nhà ở ngã ba ông chưa từng đặt chân đến. Ông trùm Khương có chân trong một đường dây tuồn gỗ từ Lào về Việt Nam, bận ngập đầu nên nếu không phải vì lý do công việc thì rất ít khi đi lại với đám người ở đây. Lần này thì ông hạ cố, một phần vì lệnh của cha xứ Kiên, phần vì một tiếng vang lớn của xứ đạo Đắc Lộ mà ông đang thầm mường tượng. Hội hiền mẫu giáo xứ đã quyết định sẽ dành mười phần trăm số lãi trong những lần mua bán hải sản ở bến cảng. Cánh gia trưởng thậm chí còn quy đổi ra tiền mức đóng góp là mười chai rượu trắng trên đầu người. Giới trẻ thì chia thành nhiều nhóm thay phiên nhau đến những quán cà phê, nhà hàng thu lượm ve chai đem bán...

Mới tháng ba mà nắng đã như đổ lửa. Thằng Phán ngủ dậy trễ, ra cổng gọi Lam.

- Bữa nay mày không đi học à?

- Mẹ em ốm. Em ở nhà canh chừng.

- Nhà mày góp quỹ mùa Chay chưa?

- Đã góp được đồng nào đâu. Em đi nhặt ve chai thấy họ nói mấy anh chị giới trẻ đi gom hết rồi.

Phán cầm lấy tay Lam kéo đi.

- Đi theo tao!

Lam vùng vằng:

- Nhưng đi đâu anh Phán?

- Ăn trộm cá ở bến cảng. Tao biết chỗ có thể moi được.

- Không được đâu anh Phán. Mẹ biết em đi ăn trộm của người ta mẹ đánh em chết.

- Mày ngu lắm. Không đi lấy tiền đâu mà nộp cho cha Kiên.

Lam đứng tần ngần hồi lâu, rồi lại lắc đầu.

- Mà mẹ mày ốm thế nào?

- Mẹ em bảo bị cảm xoàng, nghỉ vài hôm là khỏi.

- Thôi mày vào nhà đi!

Nói rồi Phán đi thẳng về hướng nhà xứ. Cha Kiên mới tắm cho con Min xong, đang hí hoáy xắt miếng thịt bò ra đĩa. Khi thằng Phán đã lọt thỏm vào chỗ nấp quen thuộc sau cánh cửa thì cũng vừa lúc ông trùm Khương tới. Có một đoàn khách trên huyện cần gặp cha xứ. Cha Kiên đẩy đĩa thịt bò cho con Min rồi đi với ông trùm Khương về phía phòng khách. Thằng Phán sau một thoáng do dự liền nhặt ngay cái chổi khều đĩa thịt về phía mình. Con Min thấy mất miếng ăn thì lồng lộn dây xích, sủa ầm lên. Thằng Phán lấy tay xoa xoa rồi cho mấy miếng thịt vào túi quần, co giò chạy như ma đuổi.

- Cầm lấy, nấu cho mẹ mày bát canh ăn cho lại sức! - Phán thở hổn hển.

Thằng Lam nhìn Phán nghi ngại, định hỏi vài câu nhưng thấy mắt Phán long lên sòng sọc, vội cầm miếng thịt rồi đi thẳng vào bếp.

Ngày cuối cùng của đợt phát động, cha Kiên thông báo đã nhận được thêm năm nghìn đô của những người xa quê gửi về khi biết tin qua mạng xã hội. Nhà xứ chộn rộn hẳn lên. Người xếp thành hàng dài, tay mang những chiếc hộp có bọc giấy màu, dáng vẻ vừa thành kính vừa run rẩy như sợ một thứ gì đó vô hình.

Phán chạy từ bến cảng về, gọi thằng Lam inh ỏi. Nó lận trong túi áo ra một xấp tiền còn tanh mùi cá. Thằng Lam đếm được tất cả một trăm bảy mươi bảy nghìn. Phán cười hỏn hẻn:

- Mày chia đôi ra, nhà tao một nửa nhà mày một nửa, cho vào hộp giấy nộp cho nhà thờ. À quên, bớt lại một ít mua cho mẹ mày bát phở nha!

Lam lại tần ngần. Phán sốt ruột:

- Không phải tiền ăn trộm đâu mà sợ. Tiền người ta trả tao công bốc vác mấy bữa nay dưới bến cảng đó mày.

Buổi sáng thánh lễ tổng kết đợt quyên góp mùa Chay ở nhà thờ xứ thì buổi tối Thuý mất. Lam ngồi bệt xuống sàn nhà khóc như mưa như gió. Thằng Phán lăng xăng phụ việc với mấy người lớn. Liên tóc tai rũ rượi, bù lu bù loa khắp ngã ba, tiếng cười vang lên trong đêm rùng rợn.

- Bà con ơi, cha Kiên giết người! Trùm Khương giết người! Làng Kim giết người! Ha ha ha ha!

Thuý mắc bệnh ung thư phổi hơn một năm nay nhưng giấu nhẹm không cho thằng Lam biết. Nhà nghèo không có điều kiện chữa chạy nên Thuý quyết định dành những đồng tiền tích góp được cho thằng Lam ăn học. Mấy ngày trước còn cẩn thận nhờ chị hàng xóm giữ hộ ít tiền cho Lam phòng khi nằm xuống.

Trong thánh lễ an táng tại ngã ba, cả ngàn người tham dự chăm chú như nuốt từng lời của cha xứ Kiên.

- Chị Liên nói đúng, tất cả chúng ta đều là những kẻ giết người. Người ta giết người bằng hành động, chúng ta giết chị Thuý bằng cách không làm gì cả. Người ta giết người bằng súng bằng dao, còn chúng ta giết người bằng sự vô cảm. Vô cảm là cách giết người tinh vi nhất, ghê tởm nhất, hèn hạ nhất. Nhưng khốn nạn ở chỗ vô cảm cũng là tội ác dễ bào chữa nhất, dễ lấp liếm nhất...

Một tháng sau ngày Thuý mất, quỹ “Chạnh lòng thương” ra đời, huy động sự chung tay góp sức của những tấm lòng với người nghèo ngay tại ngã ba và làng Kim, không phân biệt lương giáo. Cha Kiên đã quyết định bán chiếc xe Camry lấy tiền làm kinh phí hoạt động ban đầu. Người ta cũng không còn thấy con chó Min trong nhà xứ nữa. Thằng Phán là người đầu tiên được đi học từ chương trình của quỹ, còn Lam thì được tất cả gia đình ở làng Kim nhận làm con nuôi. Chiếu rượu Trúc Chỉ giờ chỉ còn gặp nhau vào cuối tuần, dành thời gian phụ đạo kiến thức văn hoá cho Phán và Lam. Phủ đầy khuôn viên nhà thờ là những tấm panô, áp phích với những dòng chữ “Chúa Giêsu đang đói lả bên nhà bạn”, “Ta khát”, “Vô cảm là giết người”, “Dửng dưng là tội ác”, “Đừng bao giờ đi ăn một mình”...

Thằng Phán biết tin được đi học thì tối nằm trằn trọc không ngủ được, sáng sớm chạy sang nhà Lam gãi đầu, nhe răng cười hỏn hẻn:

- Tao sắp được đi học rồi, không cần mày chép thơ hộ nữa đâu.

Nghĩa trang làng Kim, những chiều muộn vẫn còn bóng dáng hai mẹ con Liên. Giờ có thêm thằng Lam thường ra thăm mộ mẹ. Những tia nắng cuối ngày vẫn chiếu qua đây, gió vẫn bằn bặt thổi. Nhưng bạt ngàn hoa là hoa. Hoa ken dày trên những ngôi mộ. Hoa dọc các lối đi. Những cánh hoa mỏng manh cứ an nhiên sống, an nhiên toả thứ hương sắc đồng nội trên cát bụi thê lương.

 

 

Mã số: 15-108

 

SỰ RA ĐỜI CỦA CON

 

“7 giờ rồi!”-  My nhủ thầm sau khi nhìn đồng hồ. Vậy là hôm nay Minh lại về trễ. Bê tô canh đã hâm lại hai lần đặt lên bàn, My cố lấy lại nét mặt bình tĩnh rồi bước ra nhà ngoài mời mẹ chồng vào:

- Mẹ ơi, con mời mẹ ăn cơm.

-Thằng Minh vẫn chưa về à? Chắc công ty lại tăng ca nữa chứ gì? Ừ thôi, mẹ con mình ăn cơm trước đi để thằng cháu nhỏ của bà cũng được ăn nào!- Vừa cất cỗ tràng hạt vào túi bà Mai vừa nheo nheo mắt nhìn vào cái bụng bầu của My. Nghe giọng mẹ vui mà lòng My như xé ra vậy. My nhớ lời chồng dặn: “Em đừng nói gì với mẹ cả, để từ từ anh tính!”.

Cơm nước xong thì đến giờ kinh tối. Chỉ có hai mẹ con nhưng tiếng xướng đáp cứ đều đều, râm ran. Mọi ngày với My giây phút này là những giây phút hạnh phúc và bình an nhất, nhưng sao hôm nay lòng My lại nặng trĩu đến vậy… Năm mầu nhiệm vui, mỗi ngắm đều làm lòng My như thắt lại.

Sau khi kết hôn dự định của vợ chồng Minh là sẽ có con sớm cho nội ngoại hai bên có cháu bồng. Minh là con trai một, lại là út. Hai chị gái của Minh lấy chồng ở xa nên mấy đứa cháu cả năm mới về thăm ngoại được đôi ba lần nên bà cũng mong có đứa cháu bên cạnh cho vui nhà vui cửa. Bà chẳng quan trọng chuyện nối dõi chỉ nói nhẹ: “Mẹ không cần đích tôn, vợ chồng bây cứ sinh cho mẹ một đứa, gái trai gì cũng được”. Nhưng chuyện lại chẳng như ý muốn vợ chồng Minh được. Cả Minh và My đều mạnh khỏe nhưng chẳng hiểu sao cả hai lại khó con đến vậy. Tiền lương của hai vợ chồng dành dụm được suốt 3 năm trời sau ngày cưới đều dành để chạy thầy chạy thuốc mọi nơi nhưng vẫn không có kết quả gì. Ở giáo xứ, hằng tháng đều tổ chức đi hành hương Đức Mẹ, bà Mai đều đăng ký cho My đi cùng để xin khấn. Bà bảo: “Kiên nhẫn con à, Chúa chẳng thử thách ai quá sức đâu. Mình cứ kiên nhẫn xin thì sẽ được. Thầy thuốc cũng là người mà!”.

Mấy đứa bạn thường an ủi My: “Nhất mày rồi còn gì, mẹ chồng thông cảm, chồng tâm lý dù không có con vẫn sướng như thường!”. My muốn nói rằng: “Chẳng thà có đứa con an ủi, rồi mẹ chồng khó tính, chồng khó chiều cũng ráng sao cho vừa…” nhưng lại thôi, vì có ai hiểu My đâu mà nói. Thế rồi đúng cái lúc My chán nản, thôi không thầy này thuốc kia nữa thì My lại có thai. Chuyện cứ như không ngờ…

Tin vui có thai chưa được bao lâu, thì khi đưa My đi khám thai định kỳ thì hai vợ chồng lại nhận được lời chia buồn từ bác sĩ khi phát hiện cái thai ba tháng nhiễm vi rút rubenla. Bác sĩ khuyên hai vợ chồng nên suy nghị kỹ, nếu giữ cái thai thì chắc chắn em bé sinh ra sẽ không thể bình thường được, nếu muốn bỏ thì nên thực hiện sớm vì nếu để lâu thai nhi phát triển lớn việc phá bỏ sẽ khó khăn và nguy hiểm. Lần từng hạt kinh mân côi, My tự hỏi, vợ chồng My phải làm gì với con để có thể khiêm nhường, yêu người, vâng lời chịu lụy và giữ nghĩa cùng Chúa cho trọn? Đến lúc này thì My không thể nào kiềm chế nổi, tim My như vỡ ra, hai hàng lệ tuôn trào, My nghẹn ngào trong lời nguyện thầm: “Lạy Chúa, thánh giá này làm sao con vác nổi!?”. My bỏ giở câu kinh chạy xuống nhà dưới giả bộ như mình ốm nghén để mẹ chồng khỏi nghe thấy tiếng khóc.

***

11h khuya Minh mới về, người toàn mùi rượu. Đặt tay lên bụng vợ, Minh nói:

- Con trai à, ba xin lỗi vì về trễ, ba hư quá phải không?- Rồi Minh ôm chặt vợ, một lúc lâu mới nói:

- Anh xin lỗi… My à… Chúng mình bỏ… bỏ cái thai này được không em?- Như sợ My phản đối Minh nói luôn: Anh tin rồi Chúa sẽ ban cho chúng mình đứa con khác!

Biết Minh đang say nên My không nói nhiều, chỉ nhẹ nhàng:

- Con sẽ nghe hết những gì mình nói đó!- Rồi My dìu chồng vào giường ngủ.

My không ngủ nhưng ngồi bên cạnh đưa tay vuốt mái tóc và ngắm nhìn khuôn mặt điển trai của Minh, nhủ thầm: “Con rồi sẽ giống anh hay giống em?”. My hiểu cảm xúc và nỗi khổ của chồng khi mà nỗi khao khát được làm cha quá lớn đến vậy, My cũng vậy thôi. Ước ao được một lần nghe được cặp môi tí hon réo gọi “Mẹ ơi!” nào có phải chỉ là niềm hạnh phúc của riêng My. “Bỏ con ư? Sao mình lại có thể làm thế với con!?”. Làm sao có thể bỏ đi khúc ruột của mình? My hiểu rằng nếu tình thương của ba mẹ và người thân dành cho đứa bé bình thường lớn lao bao nhiêu thì đứa bé thương tật lại càng cần nhiều tình thương hơn thế nữa. Nhưng để đón nhận đứa con được sinh ra với một thể xác và tinh thần đều bị thương tổn thì bản thân My cũng chưa biết mình có đủ can đảm và nghị lực hay không. My lại khóc… Ngày hôm nay của My toàn là nước mắt, dường như My cũng đang say. My say trong nước mắt, say trong chính nỗi khổ đau của mình. Nhưng có lẽ say như thế thì My mới có thể ngủ được…

***

… Gian nhà khách rộn ràng bởi tiếng bi bô của trẻ con đang chơi đồ chơi. Nó chơi một mình thôi nhưng cũng cười nói vui vẻ. Nghe tiếng chân quen thuôc của mẹ đi vào nó chạy lại, ôm chầm lấy chân mẹ. My đưa tay ôm con rồi bảo:

- Bi theo mẹ đi uống sữa nào!

Nó lắc đầu, hai bàn tay bé xíu buông ra tỏ vẻ hờn dỗi không chịu. My nắm lấy tay con, kéo con theo nhưng thằng bé khóc òa lên, vụt chạy ra xa.

- Con đi đâu đấy đợi mẹ với nào!- My chạy theo con nhưng trong chớp mắt mà My chẳng thấy con đâu.

My gọi to, gọi hoài nhưng vẫn không thấy bé trả lời. Không tìm thấy con nên My òa khóc Tiếng khóc của My làm Minh tỉnh giấc. Minh gọi vợ:

- My, My em sao vậy?

- Con mình đâu rồi anh, con đâu rồi, em không thấy con…

Minh cầm lấy tay của My đặt lên bụng vỗ về:

- Con đây mà, con đang trong bụng em đây! Ổn rồi em, đừng khóc nữa, nín đi nào!

- Anh, em không để mất con đâu, không để mất con đâu…

Minh không muốn làm cho vợ thêm khổ nhưng chính minh cũng chẳng biết phải làm sao. Ôm chặt vợ trong vòng tay mà lòng Minh rồi bời. Giờ thì đến lượt Minh không ngủ được.

***

Khi hai bên nội ngoại đều biết chuyện đứa con trong bụng My bị nhiễm virut, nếu sinh ra sẽ có nguy cơ sẽ là quái thai. Người thì khuyên vợ chồng My lên xin cha để có thể bỏ đứa bé, người thì an ủi rằng biết đâu máy móc sai sót nên cứ giữ cái thai lại. Dù bệnh tật hay quái thai cũng là con của mình. Chỉ riêng mẹ chồng My là không nói gì về chuyện giữ hay bỏ cái thai, bà chỉ nhẹ nhàng khuyên: “Cầu nguyện nhiều xin Chúa thương con à!”. Cũng mấy lần My bắt gặp bà trào nước mắt mỗi khi hàng xóm hỏi đến chuyện khi nào My sinh bé. Chỉ khi Minh thưa về chuyện sẽ bỏ đứa con thì bà mới lên tiếng:

- Giáo Hội không cho phép phá thai đâu con. Bởi con cái là món quà Chúa ban. Sự sống của đứa bé có phải là do vợ chồng bây tạo ra…- Thấy hai vợ chồng My im lặng bà hỏi My:

- Con cũng muốn phá bỏ cái thai hả My?

My khóc, giọng nấc như thể đã có ai giành đứa bé ra khỏi tay mình:

- Mẹ ơi!... Làm sao con có đủ can đảm để bỏ đi khúc ruột của mình!

- Mẹ không biết mẹ có giúp gì cho bây được không nhưng Mẹ hứa, cho đến khi mẹ nhắm mắt xuôi tay, là dù có thế nào thì mẹ cũng luôn cùng với bây để chăm sóc đứa bé tội nghiệp này. Thôi thì cứ coi như đó là thánh giá Chúa trao cho nhà mình, mọi người sẽ cùng vác, sẽ không ai để vợ chồng bây phải một mình vác thánh giá đâu…!

Dù mẹ và My có nói gì đi nữa Minh cũng nhất định không đồng ý giữ lại đứa con, Minh nói ngang: “Không có con ruột thì xin con nuôi cũng được!”.

Khuyên con trai mãi không được nên bà cũng chẳng nói thêm. Còn My thì cứ nghĩ đến giấc mơ hôm nào lại tin rằng đứa con trong bụng chẳng sao cả nên nhất định không đồng ý phá cái thai đang ngày một lớn. Minh bảo sẽ đưa My đi khám thai lại nhưng My không chịu. My sợ… Hai vợ chồng nặng nhẹ với nhau nhiều lần không xong, Minh giận nên không thèm đả động gì đến chuyện thai nghén của vợ. Mọi chuyện căng đến nỗi chỉ còn chưa nói đến việc ly thân. Nhiều lần My muốn tâm sự với Minh nhưng thấy anh mặt nặng nhẹ nên My thôi. My biết anh cũng có tâm sự và suy nghĩ riêng của mình.

Nói thẳng những suy nghĩ trong lòng với chồng không được, My viết thư. Mãi khi đi làm về, lấy tiền ra để đổ xăng Minh mới phát hiện ra trong ví của mình có tờ giấy màu xanh với nếp gấp quen thuộc mà lâu rồi Minh không thấy. Là thư của My.

“… Thật buồn khi mình ở chung nhà mà phải viết thư cho nhau thế này anh nhỉ? Em xin lỗi anh thật nhiều, vì tất cả... Những ngày gần đây em suy nghĩ nhiều lắm… Chính em là người nài nỉ xin cho được một đứa con, khi có rồi thì em lại nói không thích và vứt bỏ nó đi. Đó không chỉ là niềm tin tôn giáo nhưng còn là tình mẹ trong em không cho phép em làm như thế Minh à… Người ta khi thấy con tập đi mà té là đã xót xa rồi, chẳng ai muốn con mình phải đau, thế nên làm sao mình có thể đan tâm bỏ con khi mà nó chưa … có khả năng tự vệ hay phản kháng!? Mình làm vậy có phải ác quá không? Từ chối món quà này rồi liệu vợ chồng mình có quyền để xin nhận được món quà khác?.. Em sợ lắm… sợ mất con, cũng sợ mất anh. Có lẽ chiều nay khi anh về, sẽ không thấy em ở nhà … Anh đừng lo lắng quá, em không sao đâu. Chỉ là em muốn xin phép mẹ và anh cho em về nhà mẹ ruột một thời gian. Có lẽ cho đến khi nào cả anh và em bình tĩnh để có thể đón nhận mọi chuyện…” 

Đọc lá thư Minh có thể hình dung ra được khuôn mặt đầy nước mắt của My. Lòng Minh như thắt lại. Minh nhớ lại ngày mà Minh đã nói lời hôn ước với My: “Anh hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày trong suốt đời anh”. Cũng như nhớ lại lời đáp ngày nào khi Minh và My được vị linh mục hỏi: “Con có sẵn sàng đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Hội Thánh dạy?”. Minh tự trách mình: “Mày là thằng tồi Minh à!”. Chiều hôm đó Minh không về nhà mà phóng xe về thẳng nhà mẹ vợ để đón My về.

*** 

“Vợ ơi, hôm nay anh về sớm để anh ghé đón con cho nhé!”. Minh nhoẻn miệng cười khi vừa bấm nút gửi tin nhắn cho vợ. Dù hai vợ chồng đã thỏa thuận là sáng Minh đưa con đi học, chiều My đón nhưng Minh vẫn luôn tranh thủ để “giành” được đón con. My biết đó là cách Minh bù đắp tình cảm và chuộc lỗi đối với mẹ con My nên cũng nhường cho chồng.

Minh đến trường mầm non sớm hơn mọi khi, đứng ngoài cửa lớp nhìn con chơi với các bạn Minh chợt nhớ tới câu chuyện sáng nay:

- Bố ơi, con muốn ăn sinh nhật với các bạn có được không?- Vừa thức dậy, bé Quân đã xin bố.

Minh chưa kịp trả lời con, thì My đã lên tiếng:

- Nhà mình giao kèo nhé, nếu bé Quân mà mừng sinh nhật với bạn thì bố mẹ sẽ không tổ chức ở nhà, chịu không?- Vừa nói My vừa nháy mắt với chồng, có ý để xem con chọn thế nào.

- Có bạn ở lớp thì con vui hơn, nhưng con cũng thích có bố mẹ nữa. Con phải làm sao bây giờ nhỉ!- Minh ngạc nhiên trước câu trả lời khá lanh của thằng con trai vừa tròn 5 tuổi của mình.

Thế đấy, cái thai mà ngày nào cách đây 5 năm mà bác sĩ bảo là nhiễm virut rubenla, nếu không phá bỏ sinh ra sẽ là quái thai giờ không chỉ phát triển bình thường mà còn là một đứa trẻ ngoan ngoãn và thông minh. Càng nghĩ Minh càng cảm thấy có lỗi với con, bởi chính Minh ngày trước đã làm áp lực bắt My phải phá bỏ cái thai đi chỉ vì nghĩ: “Rồi vợ chồng mình sẽ khổ và con cũng sẽ khổ!”. Minh không trách bác sĩ vì kết quả do máy móc đem lại có thể sai sót, nhưng minh tự trách đức tin của mình quá non yếu để tin vào lời chia sẻ của mẹ, khi bà một mực can không cho vợ chồng Minh phá bỏ cái thai. Minh càng tự trách mình hơn nữa khi nghĩ về tình thiêng liêng cao quý của người chồng, người cha cần phải có với vợ và con cái của mình. Chỉ một chút nữa là chính Minh giết chết đứa con của mình. Nghĩ đến đó tự nhiên sóng mũi Minh cay xè… Những lỗi lầm này đến khi nào Minh mới có thể tha thứ cho mình được?

- Hôm nay sinh nhật trên lớp có vui không con?- Minh vừa đội nón bảo hiểm cho con vừa hỏi

- Dạ, vui! À, hôm nay cô giáo bày cho con làm quà tặng ba mẹ đó. Cô bảo hôm nay là sinh nhật con, ba mẹ sẽ tặng quà cho con nhưng con cũng phải tặng quà và cám ơn ba mẹ nữa?

- Sao vậy con?

- Cô bảo là nhờ có ba mẹ mà con mới được sinh ra. Công ơn ba mẹ là lớn nhất!- Nói rồi bé Quân lôi từ trong cặp ra một bức tranh do chính bé vẽ. Minh cảm động lắm trước những lời nói của con. Mở bức tranh ra, Minh thấy có 4 người, Minh hỏi con:

- Bạn nào đang đứng bên cạnh con đây?

- Không phải đâu, đó là em bé gái mà mai mốt mẹ sẽ sinh cho con đó!- Bé Quân cười nhe cái răng sún và bẽn lẽn nói.

- Bạn Khôi lớp con có em rồi, bạn ấy được làm anh hai, con cũng muốn được làm anh hai!

Trên đường về, những câu nói của con khiến Minh vui lòng. Minh không ngờ anh nhóc lại biết thể hiện tình cảm yêu thương bố mẹ như thế. Minh thầm tạ ơn Chúa vì món quá quá quý giá mà vợ chồng anh có được. Chính sự ra đời của con mà anh cảm nghiệm được nhiều điều, nhất là nhận ra đức tin truyền thống của mình ngày nào được lớn thêm… Có lẽ đã đến lúc bé Quân có thêm một đứa em chăng…

 

 

Mã số: 15-109

 

NƯỚC MẮT CÓ VỊ HẠNH PHÚC

Chiếc xe khách thả My xuống ngay nhà ngoại nằm sát mặt đường. Xuống xe, My chạy ngay vào nhà, không phải vì cái nắng ban trưa nhưng vì nhớ và muốn gặp ngoại. Mở cánh cửa đang còn khép hờ, đặt vội chiếc balô xuống ghế là My gọi vang:

- Ngoại ơi, con về rồi nè!

- Đứa nào đấy?- Tiếng dép loẹt xoẹt và tiếng chống gậy gõ xuống nền từ phía nhà dưới vọng lên.

- Con đây, cháu My của ngoại đây!

- Cha bây… học gì mà lắm thế? Cả năm mới về thăm ngoại được một lần!

- Con chăm học mai này kiếm tiền nuôi ngoại mừ!- My chạy lại, vòng tay qua hông ôm lấy tấm lưng gù của ngoại.

- Chứ không phải thành tài rồi chôn thân trong bốn bức tường nhà Dòng à? Bây không nói ngoại cũng biết!- My ngạc nhiên trước những lời trách yêu của ngoại.

Vây ra… ngoại đã biết chuyện My đang ở trong Dòng. Đoán chắc là ngoại sẽ rầy My về chuyện này nên vừa dìu ngoại ra ghế ngồi, My tỏ ra phấn khởi vui vẻ và đánh trống lảng:

- Ngoại của con khỏe không nè? Mỗi bữa ngoại ăn được mấy chén cơm nè!

- Cha bây, ngoại còn răng đâu nữa mà ăn nhiều với chả ít! Bây về lâu chưa rồi khi nào lại đi?

- Con vừa xuống xe nè ngoại! Con nhớ ngoại quá chừng nên gọi ngoại ngay đó.

- Nhớ ngoại thì phải nghe lời ngoại… Lần này thì về ở nhà luôn đi con, ngoại sẽ nói cậu Tư bây xếp việc cho trong công ty rồi lo mà lấy chồng… Bây đi tu làm gì vậy con!?

- Con đi tu để… cầu nguyện cho ngoại mạnh khỏe luôn mà!- Hai tay My nắm lấy bàn tay gầy gò của ngoại áp lên má.

- Ngoại không cần! Ngoại nói rồi đó, không nghe thì đừng có nhìn mặt ngoại nghe chưa!- Nghe giọng ngoại có vẻ giận, nên My nhõng nhẽo:

- Thôi mà ngoại… con đói bụng rồi nè!

- Ờ, ở lại đây ăn cơm với ngoại, Bác Năm bây vừa nấu xong đó, rồi đợi thằng Thành nó chở về!

Từ nhà ngoại mà đi bộ vào nhà My cũng mất 15 phút, thế nên hồi còn đi học đại học, mỗi lần về nhà, My đều ghé thăm ngoại trước, ngoại đều bắt My ở lại ăn cơm trưa rồi mới bảo anh Thành con Bác Năm chở về nhà. Lần này ngoại không bắt, My cũng tự đòi. Chỉ cần như thế là ngoại nguôi ngay.

***

Cả bên họ ngoại chỉ có mỗi Mẹ My theo đạo. My nghe kể ngày trước ba và mẹ My quen nhau, ngoại đã không đồng ý chỉ vì ba My theo đạo Chúa. Ba mẹ My phải năn nỉ cả năm trời và nhờ bà Dì ở trong Dòng giải thích mãi ngoại mới chịu. Có lẽ là do ngoại theo đạo Cao Đài nên sợ mất con, mất cháu. Khi anh em My sinh ra, ông nội phải đích thân qua xin thì ngoại mới cho rửa tội và học giáo lý. Giờ đến lượt My muốn đi tu, cả nhà sợ ngoại biết sẽ la rầy rồi bắt ba mẹ gọi My về nên vẫn nói dối là My đang học thêm về chuyên môn chứ chưa dám nói cho ngoại biết sự thật.

My không hiểu tại sao ngoại và Mẹ không đồng ý cho My đi tu. Ngày My còn ở nhà mẹ thấy My tích cực tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ, thì Mẹ đã đe My rằng: “Tham gia thì tham gia nhưng không có tu tác gì đâu đấy!”. Ngày đó My cũng không nghĩ rằng mình sẽ đi tu. Nhưng rồi thì chẳng nói trước chuyện gì được. Khi đi học đại học, My tham gia sinh hoạt trong nhóm Sinh Viên Công Giáo. Sau một lần đi làm công tác thiện nguyện với nhóm tại một nhà trẻ mồ côi, hình ảnh người nữ tu chăm sóc các em bé đã để lại trong lòng My nhiều ấn tượng và suy nghĩ. Trong lòng My có gì đó thôi thúc. Thế là My âm thầm tìm hiểu rồi tham gia các sinh hoạt của Dòng Nữ Đa Minh. Sau khi tốt nghiệp Đại học, ba mẹ chuẩn bị xin chỗ quen biết để My có công việc ổn định thì My ngỏ ý với ba mẹ quyết định của mình. Nghe xong, Ba không đồng ý cũng chẳng ngăn cản, chỉ nói:

- Lớn rồi, suy nghĩ cho kỹ đi con!

Mẹ thì nhất định không đồng ý, còn trách ba:

- Có mỗi đứa con gái mà ông cho nó đi thì nhà mình mất luôn còn gì!

- Bà cứ kệ nó, mà nó đi tu chứ đi tù đâu mà mất!

Đến ngày hẹn để lên Dòng rồi mà Mẹ vẫn không đồng ý cho My đi. My biết là Mẹ giả ốm để My ở nhà chăm sóc nhưng cũng không nỡ bỏ đi. Thương con thấy con buồn Mẹ My cũng mủi lòng nhưng phải mất cả tháng sau Mẹ mới nguôi ngoai, đồng ý cho My đi.

Ngày nhập Dòng chỉ có ba và anh Hai đưa My đi thôi, Mẹ nhất định không chịu đi, dù đã nói là cho My đi ở thử 1 năm. Những ngày đầu ở trong Dòng, My cũng nhớ nhà và cảm thấy buồn lắm… khác xa với những ngày My xa nhà để đi học Đại học. Hình ảnh Mẹ ngồi khóc cứ ám ảnh mãi My mãi, cũng không ít lần My tự hỏi: “Có phải mình quá ích kỷ và bất hiếu quá không khi chỉ biết sống cho bản thân mà không nghĩ đến cảm xúc của ba mẹ và các anh?”. Những lúc như thế My chẳng biết làm gì ngoài việc cầu nguyện, nhờ thế mà tâm hồn My được ủi an phần nào. Cũng qua sự động viên chia sẻ của Dì Giáo và Cha Giải Tội, My hiểu rằng không phải đi tu là bất hiếu và có nhiều cách để thể hiện lòng hiếu thảo với ba mẹ. Sống hạnh phúc, vui tươi với ly tưởng mình đã chọn cũng là một cách đền đáp công ơn và để ba mẹ an lòng. Quả thật nhìn gương của các Dì lớn trong Dòng, My phần nào cảm nhận được rằng những người đi tu là những người sống cho gia đình và nặng tình thân nhất.

***

Nói là đi thử một năm nhưng bây giờ cũng đã vừa tròn 3 năm. Lần này về hè My sẽ thưa với ba mẹ tin vui là sắp tới My sẽ được gia nhập Tập  Viện. Nhưng My lại lo nếu nói rằng My sẽ vắng nhà hai cái Tết liền thì Mẹ sẽ lại khóc và không cho My đi nữa. Nhà My có năm anh em, My là con gái một, lại là út nên cả nhà đều cưng. My biết cả nhà ai cũng lo My vất vả, cực khổ sợ My chịu không được… Đêm đầu tiên về nhà chẳng khi nào My ngủ được. Nằm bên cạnh lắng nghe hơi thở đều đều của Mẹ, lời của ngoại trong bữa cơm hồi trưa lại vang lên trong đầu My: “Ngoại già thì có Bác Năm bây chăm, Mẹ mày với hai dì cũng chạy qua chạy lại. Chứ 3 cô con dâu của ngoại có ghé hỏi han gì đâu! Nhà bây có mình bây là con gái, bây đi tu thì mai mốt ai chăm, ngoại nghĩ lại thương mẹ bây, rồi sẽ khổ vì con… Bây không thương Mẹ bây sao?”.

“Con không sao mẹ à, con bình an và hạnh phúc mà… Đừng lo cho con quá mẹ nhé!”- My vừa thầm thĩ vừa nhích người lại gần để gần hơi ấm của mẹ. Mẹ giật mình quay người lại bảo: “Sao chưa ngủ con? Ngủ đi rồi sáng mai còn dậy mà đi lễ!”. My chưa kịp vòng tay ôm người Mẹ thì vòng tay của mẹ đã ôm lấy My… Nước mắt My chảy dài…

***

Nhà thờ vừa đổ chuông nhất thì My bước ra khỏi cổng. Lâu lắm rồi My mới có dịp đi lễ chiều ở xứ nhà. Cái cảm giác vừa lạ vừa quen khiến My cảm thấy vui lắm. Sáng, vì mệt quá nên My không dậy đi lễ được, dù nửa tỉnh nửa mê nhưng My vẫn biết là khi ba dậy đi lễ ba có nhắc mẹ đánh thức My dậy nhưng mẹ không cho, Mẹ nói: “Để con nó ngủ, Hôm qua đi về mệt lại còn khó ngủ thì đi lễ sao được. Để chiều nó đi lễ cũng được”. Vừa rẽ qua đầu ngã tư thì My gặp Bà Thu ở dong trên cũng đang đi lễ.

- Con chào Bà Thu!

- Dì con nhà ai đấy?- Nghe tiếng My chào nhưng bà không nhận ra ai.

- Con chưa thành Dì đâu bà ạ, con là con ông Vinh!

- Ôi chà, ông Vinh có con lớn thế này rồi à! Cháu đang ở Dòng nào?

- Dạ con đang tìm hiểu Dòng Đa Minh!

- Ngày xưa tôi cũng đi tu đấy!- Bà vui vẻ khoe.

- Ô! Vậy á?- My chưa hết ngạc nhiên và chưa kịp hỏi tiếp thì Bà Thu đã kể một mạch:

- Ngày trước tôi muốn phục vụ người nghèo, muốn đi dạy các em mồ côi nên đi tu ở dòng Lagiarit, bây giờ là Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh mục, nhưng vì hồi đó gia đình nghèo, ông bà già lại bệnh tật quá nên tôi về chăm sóc. Chỉ định ít hôm thôi nhưng rồi ý chúa lại muốn cách khác. Tôi cũng buồn lắm nhưng cha linh hướng của tôi an ủi rằng: “Ngày trước Chúa giấu chị trong nhà Dòng, bây giờ Chúa lôi chị ra dòng đời để làm chứng cho Chúa cách khác!”, thế nên tôi cũng đỡ tủi thân phần nào. Giờ mỗi năm vào lễ Thánh Gia Thất tôi đều về nhà Dòng để họp mặt những người tu xuất, găp gỡ các chị em cũng vui lắm!

- Nhà Dòng tổ chức ngày lễ có ý nghĩa quá bà ha!

- Cô biết không, những ngày mới về và cả bây giờ nữa tôi mơ đi mơ lại hoài giấc mơ là tôi và các chị em cùng lớp cùng đi làm ruộng. Các chị đi phía trước cầm liềm gặt lúa còn tôi đi mót phía sau. Tôi khóc nhiều lắm nhưng các chị quay lại an ủi tôi rằng, không sao đâu, cứ chịu khó mót lúa đi, rồi chị em mình sẽ để chung. 

- Thế bây giờ bà nghĩ thế nào?

- Không còn buồn nữa, cứ vui vẻ sống bậc sống của mình thôi. Mà hình như nhà ông Vinh chỉ có mỗi cô con gái thôi mà, sao mà cô đi tu vậy?

- Con cũng thao thức được phục vụ, được giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh bà ạ! Bà cầu nguyện cho con với nhé!

- Ừ, tôi từng đi tu nên cũng hiểu! Đừng lo, tôi tin là dù ở bậc nào Chúa cũng chúc lành mà! Nhưng tôi chúc cô bền đỗ đến cùng, đừng nản chí. Cứ trung thành theo Chúa cho trọn, rồi những cái khác Chúa bù cho cô ạ!

- Dạ!- My đáp.

Như muốn khẳng định lại cho chắc những gì vừa nói, bà lại thêm:

- Tôi nói thật đấy!

- Vâng, cháu tin bà ạ!

Vừa đến cổng nhà thờ thì ông trùm cũng vừa bắt đầu giật chuông hai, câu chuyện của hai bà cháu cũng vừa dứt. Khi qua khỏi đài Đức Mẹ, My tính dìu bà lên những bậc thang thì bà bảo:

- Cô cứ đi vào trước đi, tôi còn đi viếng thánh Giuse nữa, bổn mạng của ông nhà và thằng con trai, tháng này là tháng 3 mà!

- Vậy con đi với bà nhé, con cũng có điều muốn nhờ thánh Giuse giúp.

Ngước mắt nhìn chân dung Cha Thánh, My thầm nguyện xin: “Bố Giuse ơi, bố chỉ cho con cách nói với ba mẹ con đi! Rồi còn bà ngoại con nữa, con mong sao bà cũng có niềm tin vào Chúa!”.

Thời gian một tuần My ở nhà với gia đình trôi qua nhanh quá. Chiều nay là lên lại nhà Dòng rồi mà My vẫn chưa biết phải nói sao cho gia đình biết là My sẽ không được về thăm nhà trong thời gian 2 năm Tập. Gia nhập tập viện đối với My là một tin vui, nhưng My vẫn chưa nói được với nhà. Bữa cơm trưa gia đình ai cũng vui vì các anh về đầy đủ. Anh Hai chọc My:

- Bận rộn lắm nhưng anh hai cũng phải về chơi với cô út chứ nhỉ!

- Cưng nhất cô út còn gì!- Anh ba thêm lời.

- Hiii! Đúng rồi, phải tranh thủ chứ năm sau út không về thì có muốn ăn cơm với út cũng không được đâu đó!- My đáp lời anh kèm theo cái nheo mắt.

- Sao lại không về hả con?- Mẹ hỏi My.

- Ở trong Dòng sẽ có thời gian gọi là chuyển giai đoạn mẹ ạ, khi hè lên con sẽ vào nhà Tập. Thời gian sống trong nhà tập ngắn thôi mẹ ạ, chỉ là 2 năm, trong 2 năm đó chị em con sẽ không về thăm gia đình. Khi nào kết thúc năm Tập sẽ là khấn lần đầu, lúc đó cả nhà mình gặp nhau. - My cố tỏ ra tự nhiên và nói vui vẻ.

- Sao bây giờ con mới nói!- Mẹ trách My.

- Thì nó nói sớm bà lại lo rồi khóc! Giờ con nó nói là đúng rồi!- Ba bênh My. My cũng mừng vì ba hiều.

- Ơ, anh nghe thằng bạn có em đi tu nó kể là Tết là gia đình ghé thăm được mà đúng không út?- Anh Hai My hỏi.

- Rồi, yên tâm đi con gái, đừng lo gì, Tết cả nhà sẽ lên thăm con!- My chưa kịp trả lời thì Ba đã lên tiếng động viên, nhưng cũng là để Mẹ an lòng. 

My biết là Tết gia đình có thể lên chúc tết nhưng theo nội quy thì My sẽ không được gặp người trong gia đình. Để Mẹ khỏi buồn My cũng không giải thích thêm. My nhủ lòng: “Rồi Chúa sẽ liệu!”.

Vậy là mọi chuyện dễ dàng hơn My tưởng. Có lẽ Mẹ My đã vui lòng đồng ý với chọn lựa của My, nhưng còn ngoại? Ngoại già rồi nên My cũng không muốn làm cho ngoại phải bận tâm. Trước khi ra chào ngoại mẹ dặn My: “Đừng nói gì với ngoại cả, cứ vui vẻ cho ngoại vui, rồi ở nhà ba mẹ nói cho”. Kể ra chuyện ngoại biết My đi tu cũng đã ổn, rồi từ từ ngoại sẽ chấp nhận thôi.

***

Hôm khấn Dòng, sau thánh lễ My được gặp mọi người. Vừa trông thấy mọi người là My òa lên khóc, nước mắt ở đâu mà tuôn ra nhiều thế không biết. Cả ba và Mẹ My cũng khóc theo. Ở nhà Tập dù có nhớ nhà cũng chẳng khi nào My khóc nhiều đến vậy.

- Chúc con hạnh phúc trong chọn lựa của mình!- Mẹ nói, hai tay ôm chặt lấy My - Cố gắng con nhé!

- Mẹ! con cám ơn mẹ nhiều lắm…- Giọng My nghẹn ngào.

Nhưng bất ngờ lớn nhất đối với My có lẽ là sự hiện diện ngoại. My chạy lại, rồi đưa tay đỡ lấy vòng hoa đội đầu mà lúc nãy Anh hai mới đội lên đầu để tặng cho ngoại. Ngoại cười móm mém:

- Cháu ngoại hôm nay đẹp nhất! Cô dâu nhỏ xinh quá!

- Có ngoại là con vui lắm!

- Ừ… Cầu nguyện cho ngoại để ngoại cũng có niềm tin vào Chúa như con, biết đâu một ngày nào đó ngoại cũng sẽ theo đạo!- My vòng tay ôm lấy ngoại, chẳng thể kìm nổi những giọt nước mắt.

Thấy My khóc nhiều, Ba đứng bên cạnh bảo My:

- Nín đi con, ngày vui mà khóc hoài thì xấu lắm!

- Ba ơi!- My quay sang ôm lấy ba, giọng nghẹn ngào nói: “Con vui quá!”

Giọt nước mắt hạnh phúc lại lăn dài trên gò má My…

 

 

Mã số: 15-110

 

XUÂN CHO EM

 

- Bố ơi! Con thích cái kia hơn.

- Ừ! Để bố lấy cho con.

- Nó bao nhiêu tiền vậy bác?

- 15 ngàn anh ạ!

- Của bác đây.

- Cho tôi xin. Cám ơn anh! Cháu đáng yêu quá nhỉ! Mẹ cháu đâu mà hai bố con dắt nhau đi chợ tết vậy anh?

- Mẹ cháu… bận dọn dẹp nhà cửa bác ạ!

Một câu hỏi thật khó trả lời với tôi. Tôi cố nói thật nhỏ để âm thanh chỉ đủ len vào tai người đàn ông nặn tò he kia. Vì nếu để bé Lan nghe được thì tôi không biết phải trả lời thế nào khi nó hỏi: “Mẹ con đâu?”.

Tôi nhanh tay cầm lấy con búp bê làm bằng bột nếp được gắn trên một thanh tre. Đó là một nàng công chúa nhỏ lộng lẫy trong bộ váy màu hồng để lộ ra bên trong cái yếm màu xanh lá cây. Cô có mái tóc đen tuyền, nước da trắng tinh và làn môi đỏ tươi nhờ hoá chất phẩm màu. Chiếc vương miện màu vàng sặc sỡ có những sợi kim tuyến dài xõa xuống đến tận vai. Có lẽ công chúa nhỏ trên tay tôi là một công chúa xinh đẹp và hạnh phúc thường được các sơ ở trung tâm mồ côi Thánh Giu-se nhắc đến trong các câu chuyện cổ tích.

- Của con nè!

Tôi đưa con búp bê cho bé Lan.

- Đẹp quá! Con cám ơn bố!

- Chào bác nhé! Chào bác đi con.

- Con chào bác!

- Chào hai bố con nhé! Chúc gia đình năm mới bình an và hạnh phúc…

Người đàn ông ngồi nặn tò he bên lề đường dẫn vào chợ đã không quên tặng chúng tôi một lời chúc tuy là sáo ngữ nhưng lại thật cần thiết trong những ngày này.

- Chúc bác và gia đình ăn tết vui vẻ nhé! Ta đi thôi con!

Tôi cầm tay bé Lan và đi sâu vào trong chợ. Chợ huyện thật lớn với ngày thường thì hôm nay tôi lại thấy sao nó nhỏ và chật chội làm sao. Tôi cố chen chân để tới các quầy hàng giữa biển người chật chội. Mắt bé Lan cứ chăm chăm nhìn theo những con cá sấu, cá chép, các chàng siêu nhân… với nhiều kích cỡ, màu sắc, đang choán hết cả không gian rộng lớn trên đầu một người đàn bà bán bóng bay.

- Con thích bóng bay phải không? Để sau bố mua cho được không nào?

- Dạ! Con mèo bố nhé!

Bé Lan trả lời nhanh nhẹn với vẻ đầy thích thú. Nếu không vì người quá đông và nhộn nhịp như lúc này thì tôi đã mua ngay cho bé. Tôi vội bế bé Lan lên.  Một tay bé quàng qua vai tôi như đó là một điểm tựa an toàn và tay kia vẫn cầm trong tay nàng công chúa nhỏ làm bằng bột nếp tôi mua cho bé lúc nãy. Tôi len qua dòng người đang chen lấn đi thẳng tới khu chợ quần áo cho trẻ em.

Hôm nay là ngày tôi rời trường Đại Chủng Viện để về quê ăn tết và là ngày bé Lan lên 4 tuổi nên tôi đã xin phép các sơ ở trung tâm để đưa bé đi chơi và mua quần áo tết cho bé. Trong 4 năm qua, tôi thường qua lại ở trung tâm này mỗi tháng một lần để chăm sóc bé Lan như một người bố thực sự. Đây là lần đầu tiên tôi ăn tết với tư cách là một chủng sinh. Sự khác biệt đầu tiên là các sơ ở trung tâm trẻ mô côi chào tôi cũng khác trước. Không còn là anh Hùng như ngày nào mà là thầy Hùng. Tôi không biết bé Lan có hiểu gì về sự thay đổi đó không?

Tới khu chợ trang phục dành cho trẻ em, tôi thả bé Lan xuống trước một quầy hàng bán giày dép. Thật khó cho tôi khi phải chọn cho bé Lan một đôi giày trong không gian này. Cô bán hàng hiểu ý khi thấy tôi loay hoay nhìn những đôi giày thì vội nói:

- Anh và cháu xem giày đi. Cô chọn cho cháu một đôi nhé! Đôi này cháu thấy được không?

- Cô chọn giúp cho cháu một đôi mà nó thích nhất nhé!

Bé Lan được thử đi thử lại những đôi giày bởi sự nhiệt tình của cô bán hàng. Tôi đứng nhìn và thỉnh thoảng lại gật đầu khen con bé một câu. Nhìn cô bán hàng thử giày cho Lan làm tôi nhớ tới cô gái năm nào.

***

Bảy giờ sáng một ngày đầu hạ, như thường lệ, tôi ngồi chờ chiếc xe bus 32 chạy tuyến Giáp Bát – Nhổn ở trạm trung chuyển Cầu Giấy để tới trường Đại Học Công Nghiệp, ngoại ô phía tây thủ đô Hà Nội. … Giai điệu bài hát “Mẹ yêu” quen thuộc vang lên. Tôi rút điện thoại ra và tên Ngọc, một người bạn học thời Trung học phổ thông hiện lên trên màn hình di động.

- A lô! Ngọc gọi cho mình à!

- H.ù.n.g…ơi!

Một tiếng nấc rồi tiếng nấc thứ hai, tôi chợt nhận ra Ngọc đang khóc.

- Ngọc phải làm gì đây hả Hùng, Ngọc không muốn sống nữa. Ngọc… Ngọc không còn chỗ để đi nữa.

- Cứ bình tĩnh, có chuyện gì thì từ từ rồi tính.

- Giờ Hùng gặp Ngọc được không?

- Ngọc đang ở đâu vậy?

- 546 Ngưu Lang, đối diện công viên Thống Nhất.

- Chờ Hùng nhé! Hai mươi phút nữa là mình tới.

Tôi không kịp thắc mắc xem có chuyện gì đã xảy ra. Tôi nhảy lên chiếc xe bus 32 chạy chiều ngược lại để tới địa chỉ Ngọc hẹn tôi. Tôi chỉ nghĩ Ngọc đang cần tôi giúp một điều gì đó mà ít ra là quan trọng hơn việc tôi phải đi học lúc này.

Ngọc là người bạn thân nhất của tôi thời Trung học phổ thông. Tôi và Ngọc là đôi bạn ngồi chung một bàn và cùng đi trên một con đường dài 30 phút đạp xe đạp để tới trường. Hơn nữa, chúng tôi còn là đôi bạn để tâm sự những buồn vui thường nhật dù tôi và cô ấy không cùng niềm tin tôn giáo. Ngọc có khuôn mặt tròn với cặp mắt long lanh, đôi môi đỏ mịn như được điểm trang và mái tóc đen mượt được cắt ngắn ngang vai. Ngọc luôn nở một nụ cười thật nhẹ nhàng và ấm áp mỗi khi chúng tôi gặp nhau.

Xuống xe bus, tôi rảo bước nhanh trên vỉa hè Hà Nội. Quảng đường chừng 500m từ điểm dừng xe bus tới số nhà 546 hôm nay sao mà xa. Thì ra đây là phòng phá thai dịch vụ mà có lần tôi đã nghe kể về nó. Lòng tôi chợt quặn nhói một nỗi đau và tim như thể sắp nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi cầu nguyện cho mọi chuyện sẽ không như tôi nghĩ lúc này.

Tôi kéo cửa kính và bước vào một căn phòng rộng chừng hai mươi mét vuông. Một cái bàn tiếp tân có hai cô y tá ngồi tiếp khách và ghi tên khách hàng. Hơn chục người từng đôi một nam một nữ, có cả những phụ nữ đi một mình ngồi chờ trên hai dãy ghế dài đặt sát hai bên tường mà không ai nói gì với nhau. Góc tường bên kia có một cánh cửa nhỏ thỉnh thoảng lại mở ra cho người nào được gọi tên thì đi qua đó để ra phía sau. Tôi nhận thấy trong số đó có những người đang cảm thấy bất an nhưng cũng có những người hoàn toàn vô cảm về hành động mà họ sắp làm. Ngọc ngồi im lặng trong một góc bên này.

Tôi tiến tới chỗ Ngọc và ngồi xuống bên cạnh. Ngọc nhìn tôi rồi úp mặt xuống mà không nói gì. Một phút… hai phút trôi qua trong thinh lặng.

- Ngọc nói cho Hùng chuyện gì đang xảy ra được không? Ba tháng nay Ngọc đã không liên lạc với Hùng? -Tôi hỏi một cách nhẹ nhàng và tế nhị.

Ngọc chỉ im lặng và tuôn dài hai dòng lệ. Mọi ánh mắt đang hướng cái nhìn về phía chúng tôi. Tôi cầm tay Ngọc nói nhỏ vào tai:

- Chúng ta qua bên công viên ngồi cho thoáng nhé!                           

Ngọc đứng dậy bước đi và vẫn không nói gì. Chúng tôi chọn một ghế đá khuất phía sau cây xà cừ cổ thụ và ngồi xuống.

- Ngọc … đã có….. Ngọc tới đây.. để……

Ngọc nói ú ớ trong tiếng nấc nghẹn ngào.

- Chuyện là sao? Ngọc cứ nói cho Hùng nghe đi nào?

Tôi cố nói nhẹ nhàng để Ngọc có thể nói ra tất cả cho tôi dù tôi không biết rõ đó là chuyện gì, cụ thể ra sao. Nhưng tôi biết Ngọc đang phải đối diện với một chuyện tày trời, một ngõ tối của cuộc đời cô ấy.

Nhận thấy thái độ ân cần và đầy thông cảm của tôi, Ngọc kể hết mọi chuyện cho tôi bằng tiếng lòng đau nhói của con tim hoà vào dòng chảy của nước mắt.

Từ ngày lên thành phố học, Ngọc xa gia đình, xa đi tình thương và sự che chở của người thân. Ngọc phải đối diện với cuộc sống mà cô chưa bao giờ trải nghiệm. Ngỡ ngàng trước những thay đổi, Ngọc khó để tìm ra lối thoát của hai chữ “mới lạ”. Một anh chàng sống chung dãy trọ đã đem lòng yêu Ngọc. Một thời gian dài cho những theo đuổi, những hẹn hò và rồi Ngọc đã xiêu lòng trước tình cảm thắm thiết, sự quan tâm nồng nhiệt của người kia. Mối tình đầu như dìu Ngọc bước những bước chân chập chững vào đời. Và rồi cái gì đến cũng đã đến. Ngọc đã trao hiến cho người đó cái quý giá nhất của người con gái để rồi lúc này, một cô gái hai mươi tuổi mang trong mình một mầm sống và đi tìm chủ nhân của nó trong vô vọng. Anh chàng kia đã biến mất sau một tuần khi Ngọc cho người ấy biết tin Ngọc đã có thai.

  Mọi chuyện là thế đó. Tôi ngồi như trời trồng và thầm trách người con gái bên cạnh tôi sao mà dại dột và dễ ngã như vậy. Tôi cố lý giải nhưng không thể.

 

***

Một bàn tay nhỏ lay nhẹ tay tôi.

- Đôi này nhé bố!- Tiếng bé Lan gọi tôi.

Tôi chợt bừng tĩnh sau một ít phút thả hồn vào những ký ức đã qua cách đây năm năm.

- Con thử thấy vừa chứ! Cô cho đôi giày vào túi giúp tôi.

Trả tiền xong, bố con chúng tôi lại tiếp tục đi. Tôi thầm nghĩ phải chọn cho bé Lan một bộ đồ tết thật đẹp mới được. Tôi phải cho bé Lan thấy nó không thua gì các nàng công chúa nhỏ trong chuyện cổ tích.

Hai tháng sau khi sinh bé Lan trong trung tâm mồ côi Thánh Giuse, Ngọc đã im lặng ra đi, chỉ để lại cho tôi mấy dòng chữ viết vội: “Cám ơn Hùng về tất cả. Ngọc xin lỗi và ngàn lần xin lỗi. Gia đình không còn đón nhận Ngọc nữa. Xin Hùng hãy chăm sóc bé Lan giúp Ngọc. Ngọc sẽ trở về khi có thể”. Không ai biết rõ thực hư chuyện gì đã xảy ra với Ngọc. Ngọc đi để lại cho tôi biết bao suy nghĩ, băn khoăn. Nhưng tôi đâu còn tâm trí đâu mà tìm Ngọc để lý giải vì từ giờ tôi trở thành bố của Lan sau khi gia đình cô không nhận cốt nhục của mình.

  Không biết lúc này Ngọc đang ở đâu. Nhưng dù sao tôi vẫn cầu mong cho Ngọc được thảnh thơi và an lành vì các sơ ở trung tâm trẻ mồ côi và tôi đang mang đến cho bé Lan những mùa xuân. Những mùa xuân không được như những nàng công chúa nhỏ có cha có mẹ nhưng ít ra đó vẫn là những mùa xuân đẹp trong mắt trẻ thơ. Tôi hy vọng, một ngày nào đó, Ngọc sẽ trở về và mang đến một mùa xuân mới cho bé Lan.

 

 

 

Mã số: 15-111

 

 

CHỈ CÓ ĐÔI MÌNH YÊU NHAU NHƯ THẾ!

 

Câu chuyện kể về anh và em.

Anh- 24 tuổi, người hùng tâm lý trong mắt em, hiền lành và ấm áp.

Em- 19 tuổi, người trẻ trưởng thành và khôn ngoan.

Định mệnh của Chúa trời đã mang anh, mang em, cho hai ta đến bên nhau.

Anh thương em. Em yêu anh nhiều. Thứ tình yêu lành trong với những dư vị thật thà của tuổi thanh xuân. Có lẽ nhiều năm tháng qua đi, anh và em sẽ còn nhớ mãi về bức tranh tình yêu được thêu dệt bằng những yêu thương, giản dị và chân thành.

1.Chuyện của anh.

Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình thiếu khuyết đi người cha. ba anh mất từ khi anh còn rất nhỏ, do căn bênh ung thư quái ác. Anh kể, nhớ mãi cái buổi hôm ấy, ba ân cần gọi anh lại và đưa cho đôi đồng bạc lẻ để đi mua kẹo mút hình con gấu mà anh thích ăn. Rồi anh vui sướng cám ơn ba rối rít, chạy lon ton đi mua kẹo. Nhưng khi trở về thì chợt thấy ba đã nằm im ở đó, mắt nhằm nghiền lại, hiền lành. Cha xứ mặc áo đen, choàng dây các phép màu tím đã kịp tới rảy nước thánh trên người ba anh. Họ hàng đã kéo nhau đến từ lúc nào chật cả căn phòng nhỏ nơi ba nghỉ, mắt ai cũng đỏ hoe, không cầm nước mắt chảy tràn, giàn giụa. Mẹ bước đến ôm anh vào lòng và khóc nức nở. Bàn tay mẹ bấu chặt vào vai anh để không gục ngã.

Anh thấy cuộc đời mình mất mát từ khi ấy. Anh đau, nhưng nỗi đau không gào lên thành lời được. Cảm giác như lúc ấy câu chuyện đó không phải của cuộc đời mình mà nó thuộc về một ai đó khác chứ không phải của anh. Đớn đau vô cùng là khoảnh khắc ta chợt mất đi người mà ta thương yêu nhất.

Chuyện xảy ra cũng lâu lắm rồi, hồi ấy anh còn là một cậu nhóc học lớp 2 bé bỏng và chưa thể hiểu được nhiều điều. Dễ đến nhiều tuần, nhiều ngày sau đó, anh vẫn cứ lặng lẽ. Mẹ kể, có đôi lần trong giấc mơ, anh cũng gọi tên ba không ngớt. Rất nhiều đêm, anh tỉnh giấc trong nước mắt ướt đẫm gối. Dẫu rằng, ban ngày, anh cố gắng kìm nén ngăn không để mình  khóc. Mẹ nhìn anh, thương xót tới nhói lòng.

Tháng năm dường như là phương thuốc tốt nhất để chữa thành những thương tổn và mất mát. Rồi ngày tháng qua đi, mẹ dìu dắt, nuôi nấng anh khôn lớn thành người. Bà luôn dành tất cả tình yêu thương bảo bọc để chở che cho anh. Mẹ anh làm nghề y, kế thừa nghiệp ông ngoại bốc thuốc đông y. Với sự đòi hỏi tỉ mẩn và  độ chính xác cao trong công việc, nên trong việc giáo dục con cái, mẹ cũng rất nghiêm nghị và khó tính. Cũng hơn hết, là mẹ mong anh được ngoan ngoãn, vâng lời, sớm dạn dĩ và trưởng thành hơn thôi.

Khi tình anh em trở nên quan thiết, có lần anh chia sẻ với em, trong một lần chúng ta đi ăn đêm tại quán nhỏ trên vỉa hè, anh nói thì thào trong men say ngà ngà vì có lốc dăm chai bia: Giá như ba anh không mất sớm. Giá như ba vẫn còn ở bên anh để những lúc yếu lòng nhất anh có thể tựa vào vai ba để san sẻ, để ba có thể hiểu tâm lý của một thằng con trai đương tuổi mới lớn, tiếp thêm cho anh phần nào sự mạnh mẽ, sự cứng rắn của ông. Giá như mẹ anh không quá nghiêm khắc và cấm cản anh bất cứ điều gì. Nếu không, anh đã chẳng gần gũi nhiều với bọn con trai khác hơn mức bình thường để giờ này cũng có thể có một tình yêu bình thường, giản dị giống như người ta. Nhưng rốt cuộc, anh cũng chẳng nên trách cứ mẹ làm chi. Dù sao mẹ cũng luôn mong anh được hạnh phúc. Bà đã dạy anh cách thương yêu một người là như thế nào. Anh dành trao hết những thứ tình cảm chân thành ấy cho em, theo cách yêu của mẹ đã dạy. Rồi mẹ gửi anh vào trong nhà xứ, theo đuổi lý tưởng mơ ước từ tấm bé của mình. Và anh gặp được em, anh như vỡ ra rằng, có lẽ chính em là tâm hồn đồng điệu của anh. Cuối cùng anh đã chọn em. Không toan tính, không do dự. Cũng chỉ bởi tình yêu và sự quan tâm của em khiến anh tin tưởng và thấy ấm áp, ủi an nhiều.Em bước vào cuộc đời anh, mang theo bao sắc màu tươi vui và tràn ngập tình yêu. Sự thật thà, dễ thương giúp tình yêu trở nên trong veo, nỗi buồn, nếu có, cũng trong veo. Và mọi thứ trong veo sẽ trở nên sáng tinh khiết. Anh hạnh phúc với tình yêu của mình.

Làm sao có thể không yêu một người chưa bao giờ thôi xúc động khi nhận được những món quà bé xinh từ em, dù chúng rất giản dị và không hề đắt tiền. Là những chiếc bookmark in hình ảnh ngộ nghĩnh, mộc mạc với những sologan đầy nhiệt huyết, tin yêu và cổ võ mà em đã kiếm được từ phần quà tặng đính kèm sách rồi đem tặng cho anh. Bởi em biết anh mê đọc sách và em vẫn hay lui tới nhà anh cùng pha 2 tách café sữa cỡ lớn rồi ngồi nhâm nhi bên kệ sách cùng anh, cùng lắng nghe nhạc của Yiruma nhẹ nhàng, sâu lắng. Để ý thấy rằng, em chưa khi ngừng hướng về phía anh. Bằng những cuốn sách em đọc, chỉ vì muốn biết thêm nhiều thứ để kể cho anh nghe được vui, mong anh được cười, giải tỏa đi những căng thẳng.

Hay như chiếc cốc in dòng chữ “Our life will become more fine.” màu xanh lá mà em mua tặng anh. Nó thay cho em ở bên cạnh anh, ngày ngày chăm sóc cho anh. Hơi ấm nồng tỏa ra dậy mùi café sẽ thay em ủi an anh mỗi khi cô đơn. Thứ nước mát lành trong chiếc cốc xoa dịu cơn khát cho anh mỗi khi mệt mỏi.

Những chiều thứ Bảy, em cùng anh tới nguyện đường cắm bông. Những bình hoa đồng nội có hồn và đẹp sắc lạ. Em là đứa trẻ ngoan, thông minh và rất có năng khiếu. Cả những sớm chiều cùng em trên con đường đi đi, về về tới nhà thờ xứ Khiết Kỷ.

Và còn nhiều thứ khác mà em mang đến cuộc sống anh. Tươi mới và sống động. Như em vậy, đã mang đến cho anh sự trong lành nhất mà mình có, bằng thứ tình cảm rất đỗi vẹn nguyên, chân thành.

Và anh yêu em đã như thế đó, rất trong sáng và cao quý thứ “tình cảm anh dành cho em”, thứ tình cảm luôn bị anh dè chừng kẻo đi quá giới hạn. Chính vì thế mà nó luôn luôn phải sống trong sự kiềm tỏa của “tình yêu anh dành cho Chúa”. Nó rất sợ và có lúc nó nổi dậy chống tình cảm tôi dành cho Chúa. Nhưng nó luôn luôn bị tình yêu dành cho Chúa kí đầu và sau đó lẻn ra sau vườn khóc một mình, thổn thức… Tuy nhiên, nó cũng mừng vì vẫn còn được sống sót…

Anh yêu em, vì em yêu anh nhiều, có khi nhiều hơn anh yêu em. Vì anh đã trưởng thành, anh nhận thức được tình yêu anh dành cho Chúa phải chiếm lấy con người anh, nên nếu giữa cuộc trần này nếu có thứ tình cảm dễ mến của ai đó dành cho anh, anh sẽ rất trân trọng. Tuy nhiên nếu nó ra đi, anh cũng sẽ không quá bám víu. Vì tôi luôn nhớ mình là một người đi tu. Bây giờ khi chưa chính thức bước vào đời sống đó, anh  đón nhận những tình cảm người khác cho anh, như một món quà mà Chúa gửi đến, miễn là anh vẫn luôn thật sự đặt Chúa lên trước hết mọi sự. Nhưng một mai khi anh đã thuộc trọn về Chúa, thì chỉ còn có Chúa là quan trọng, mọi cái khác anh chẳng còn coi quan trọng nữa. Nếu may mắn sở hữu, có được thứ gì đó thì tốt, mà nếu phải lìa xa, bỏ đi thứ gì đó, anh cũng chẳng buồn để buông, vì anh đã chọn Chúa. Chúa là gia nghiệp của anh…

Em nhẩn nha lắng nghe những gì anh chia sẻ. Anh rồi sẽ như một con gió của đại ngàn bao la, chẳng thể níu chân lại được. Lời anh nói hôm nào cứ đâu đó lại gợn lên trong đầu em, kéo theo biết bao những dự cảm, những lắng lo mơ hồ, chẳng rõ nổi. Liệu rằng có thể nắm tay nhau, đi đến hết cuối con đường đầy nắng, gió, mưa bay…hay không? Hay rốt cuộc, cũng chỉ một đoạn đường thôi, rồi dừng lại. Buồn làm sao có thể buông lơi. Dẫu chỉ là lời nói trên môi của anh, nó chưa xảy ra, nhưng khiến em chợt nhớ lại, bỗng đâu bao hoang hoải cứ giăng đầy trong những suy nghĩ mông lung về chuyện của mình. Điều em lo lắng, rồi sẽ một ngày sẽ xảy ra...

Chúng ta đã hẹn hò và nắm tay, bên nhau những tháng ngày không lâu nhưng tròn vẹn thì chia tay. Chợt nhận ra những mảnh ghép vừa khít ban đầu không phải là những yếu tố để tin rằng cuối cùng chúng sẽ hoàn thành một bức tranh đẹp đẽ… Nhưng khi nhớ lại những kỉ niệm thì đã thấy rất vui và không ân hận vì đã từng có nhau trong đời. Quan trọng nhất là ở việc chúng ta đã yêu nhau đến hết lòng, hết dạ và vô cùng thật thà. Dẫu là một quãng thời gian, dẫu chỉ chung một đoạn đường cùng nhau.

 

2.Chuyện của em.

Bỗng nhiên, năm em tròn 19 tuổi. Em đi du học trời tây về chuyên ngành truyền thông và quảng cáo. Quyết định đột ngột quá, anh không kịp trở tay. Hồ sơ xin học bổng của em đã được duyệt. Tài chính nhà em đầy đủ. Buổi phỏng vấn xin visa thành công trơn tru, tốt đẹp. Thông điệp em đã được gửi đến anh, ngắn gọn nói rằng: “Em đã sẵn sàng cho cuộc sống mới tại trường đại học thánh Gio-an rồi. Tạm biệt anh nhé! Em sẽ nhớ anh rất nhiều.” Em đã không chọn cách gục mặt trên vai anh mà khóc òa, lúc đó anh biết chúng ta đều mềm yếu lắm. Em đã không cần bờ vai anh, vì vốn dĩ bờ vai ấy rồi cũng rời xa em sớm thôi. Em úp mặt vào lòng bàn tay, chỉ thấy toàn là bóng tối tĩnh mịch và dạn dĩ, nơi em thấy mình được bình yên chốc lát. Em tìm về bên lời cầu nguyện và thầm thĩ.

Anh đành thắt lòng để em rời xa, dù lòng chẳng hề mong muốn. Nhưng sẽ là một chân trời mới được mở ra cho con người trẻ trung và tài năng như em. Anh biết, trong lòng mình sẽ thoáng dâng nên những nhịp buồn mênh mang không tên, về sự ra đi của em. Nhưng biết sao bây giờ? Anh nghĩ, cuộc sống là không ngừng đón nhận lấy thánh giá Chúa trao gửi, mà đi theo Chúa. Không được ở với người mình yêu cũng là một thánh giá đó em.Anh luôn thương em. Để quên được em cũng là một khó khăn rất lớn trước mắt anh. Này em có biết?! Anh sẽ dâng lên Chúa những mất mát, những hy sinh này.

Anh vẫn còn nhớ ngày tiễn em ra phi trường. Em cười- nụ cười có đôi nét mếu máo, rồi đùa nghịch, bảo: “Có ôm em không đây? Không mai này em thành người nổi tiếng rồi, em không cho ôm đâu nhé!” Rồi anh vòng tay ôm em, rụt rè. Anh những muốn nói với em thật nhiều trong buổi hôm ấy, nhưng lời nói còn vương trên môi, mà chúng ta đã đành phải chia đôi ngả mất rồi. Anh nhớ, vòng ôm ấy chẳng đủ ấm được, vì bởi trời buổi đêm ở sân bay lạnh khủng khiếp. Chúng ta đã tạm biệt nhau, hệt như hai người anh- em. Không hẹn ước, thề thốt gì nhiều. Nhưng lúc về, lắc lư trên chuyến xe bus đầu tiên của ngày, vắng người, anh ngạc nhiên vì thấy khóe mắt mình cay xè. Và anh chợt nghĩ, đôi khi, có những cuộc chia ly không hẳn là xấu, mà chỉ là nó sẽ đưa chúng ta tiến gần về tương lai hơn mà thôi. Phải không em?

Tháng năm đi qua, em đi, rồi em sẽ lại trở về nơi này, để nói lời xin chào. Chào anh, một người em đã từng rất mực thương yêu. Một ngày nào đó gặp lại, hy vọng chúng ta có thể nói với nhau nhiều hơn. Biết đâu.

3. Chuyện của mình đã từng rất vui.

Một buổi sáng sớm lạnh của mùa Đông, anh đi lễ nhà thờ với mẹ về, thấy hộp thư trước thềm nhà bỗng nhiên hết buồn bã triền miên. Lá phong thư của em gửi về từ một miền đất xa xôi. Không dưng anh hồi hộp vô cùng khi cầm bao thư ấy trên tay. Anh vội vàng bóc tách lớp phong bao, tấm postcard em viết có đôi dòng. Anh đọc, lòng thoáng vui lên biết bao, mà không hiểu sao khi đọc xong những lời em nhắn nhủ, mắt anh hóa ướt nhòe đi lúc nào không hay. Hay bởi anh trở nên nhạy cảm từ lúc nào không hay?! Nhưng thật đấy! Trong lòng anh vẫn cứ còn mãi đau đáu rằng, liệu ở phương trời xa xôi ấy, liệu rằng em của anh có đang thực sự hạnh phúc, những phỏng đoán không chắc chắn và mơ hồ về em luôn làm lòng anh khẽ nhói lên, lo lắng không yên. Và còn buồn phiền suốt một thời gian dài lắm!

                                                          ***

Rồi anh chỉ thôi muộn phiền vào một buổi sáng mùa Xuân, hòm thư trước hiên nhà có thư của em gửi về cũng từ một thành phố xa nơi anh ở những dặm dài. Chỉ duy nhất tấm hình em cười rạng rỡ được chụp trong khuôn viên trường đại học thánh Gioan ở mãi tận bên nước Pháp xa xôi. Với duy nhất một dòng chú thích vắn gọn: “Năm tháng được yêu thích nhất.” Rồi hết. Chỉ cần trông thấy thế, là anh có thể thấy lòng mình đang vui mừng. Bất giác, có một cảm giác dịu dàng xông nhẹ lên trái tim anh, đầy ủi an. Vì ít ra em của anh đang sống tròn vẹn những tháng ngày lành trong, vui vẻ và hạnh phúc rồi.

Nhìn ngước lên bầu trời tháng hai đẹp như một chiếc đĩa thủy tinh xanh ngắt, anh thầm nguyện cầu, mong em mãi được an lành, hạnh phúc bên những gì con tim em đã chọn và em đang có lấy.

Rồi tôi mở laptop, gõ một dòng email gửi cho em, không còn thấy cảm nhận về một trái tim đang nặng trĩu như mọi lần nữa.

“Baby Blue thương mến!

Hoàn cảnh và số phận không cho chúng ta ở bên nhau. Tuy nhiên tình yêu của chúng ta mãi còn nguyên vẹn. Không ở bên nhau nhưng ta vẫn hiệp thông với nhau  trong lời cầu nguyện, trong tình yêu của Đức Ki-tô. Sau này, khi anh sẽ là người của Chúa. Anh sẽ không bao giờ hối hận vì đã từng yêu em, người yêu dấu à! Trong tương lại, anh sẽ giữ mãi tình cảm tụi mình, nhưng nó sẽ từ từ chuyển hóa từ tình yêu thành tình anh-em trong Chúa. Tình yêu có Chúa ở cùng thì tất cả sẽ đều đẹp và hạnh phúc. Anh sẽ luôn dành tặng em những tình cảm đẹp nhất, trong sáng nhất. Em đừng buồn và nhớ anh nhiều. Sau cuộc sống trần gian này, hai ta sẽ yêu nhau trong tình yêu vĩnh cửu của Chúa đến muôn đời.

Anh chờ em nhé!

Yêu thương.

Anh J.”

Tôi gửi mail đi cho em. Trong giấc mơ thoáng tới, tôi mơ về khung cảnh chúng tôi đã từng nắm tay trên con đường lộng gió của năm tháng nào như mới đây thôi. À, chợt nhận ra, chúng tôi đã cùng nhau đi qua cả một đoạn đường dài rồi đấy! Giờ đã là lúc bắt đầu con đường riêng của mỗi người, để tất cả đều vui vẻ và hạnh phúc. Chúa sẽ luôn chúc lành cho chúng ta.

Cuộc đời dài rộng này em cứ bước, tôi luôn mong em hằng luôn cảm nghiệm được ân tình của Chúa trên từng chặng đường đi.

Dẫu sao thì, chuyện của chúng tôi đã từng rất vui.

Và chỉ có chúng tôi yêu nhau như thế! Trong tròn vẹn thương nhớ. Trong vòng tay kì diệu của Chúa, sẽ còn triển nở mãi.