GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2016

BẢN TIN 10

 

Thưa quý Tác giả và Bạn đọc,

 

1. Cuối ngày 02-6 chúng tôi đã tổng kết bảng điểm chấm vòng sơ khảo của 4 vị giám khảo, và đã chọn ra 55 bài đạt điểm cao (trong số 98 bài đã qua vòng sơ loại) để gởi đến các vị chấm vòng chung khảo. Một tín hiệu đáng mừng là bài có số điểm thấp nhất trong 98 bài sơ khảo đạt số điểm 47/80 và bài liền trên đó là 48.75/80. Tất cả đều đạt điểm trên trung bình khá cao, chứng tỏ bài dự thi năm nay khá đồng đều về phẩm chất và bút lực.

 

2. Xin được giói thiệu đến quí vị facebook của Giải Viết Văn Đường Trường

https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/

FB sẽ gửi đến quí vị và các bạn các thông tin của cuộc thi, rồi sẽ lần lượt đăng giới thiệu từng truyện dự thi đã qua vòng sơ loại với cách trình bày bắt mắt và dễ đọc hơn. Mong quí vị và các bạn giúp giới thiệu và kết nối trang facebook này với các thân hữu, để những đóng góp văn thơ Công giáo sớm đến với mọi người ở khắp nơi.

Ngoài ra qua trang facebook này, ban tổ chức quyết định có thêm bốn giải thưởng qua việc bình chọn, nhằm mục đích tạo nên sự tương tác trực tiếp hữu ích giữa các tác giả và độc giả. Xin mời xem chi tiết trong bản thể lệ dưới đây.

Bạn đọc nào quan tâm, xin mời ghé thăm FB để tìm hiểu thêm.

Chúng tôi xin giới thiệu đến mọi người 8 truyện dự thi tiếp theo đã được chọn qua vòng sơ loại. Chúng tôi sẽ cập nhật thêm thông tin về cuộc thi trên FB và trên các bản tin sau.

Xin chân thành cám ơn các trang truyền thông Công giáo đã và đang hỗ trợ truyền bá chương trình này, cám ơn quý tác giả đã gửi bài tham gia và cám ơn quý độc giả đang quan tâm theo dõi cuộc thi, đọc và bình chọn các truyện dự thi. Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót chúc lành cho tất cả chúng ta.

 

Qui Nhơn, ngày 04-06-2016

 

TM Ban Tổ chức

Lm Trăng Thập Tự

 

 

 

BÀI DỰ THI

 

Mã số: 16-107

 

CỬA ĐỢI

 

Tin chị Sen gia nhập một tổ chức chính trị  chẳng khác nào mồi lửa quét qua làng Thượng vốn đã hừng hừng như một cánh đồng khô hanh. Ông Luân vừa lên tỉnh dự lễ nhận bằng khen phong trào xây dựng nông thôn mới, kể lại rành rọt rằng thấy chị tôi phát biểu hùng hồn lắm. Với cái vùng Công giáo toàn tòng rộng chừng hơn một cây số vuông này thì chỉ cần bấy nhiêu chất liệu ấy thôi cũng đủ tạo nên thứ gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn chiều.

Người báo cho mẹ cái tin động trời ấy là cậu tôi. Dựng vội chiếc Dream Tàu đã rách tươm một bên ướm, cậu cất giọng oang oang từ ngoài sân vào tận buồng trong. Mẹ tôi nằm một chỗ đã hai tháng nay gần như lập tức bật dậy khỏi giường, hai tay siết lấy cổ áo cậu rít lên từng tiếng: “Không bao giờ có chuyện đó, hiểu chưa?”. Tôi chạy bổ theo cái dáng xiêu xiêu ấy trong ánh mắt thất thần của cậu.

Bên ngoài, nắng vẫn còn gắt. Mẹ sáp vào một nhóm đang đứng bàn chuyện, điên dại giật tóc người này, kéo áo người kia. Trong cơn bấn loạn, bà còn hất tung mấy dãy ghế của một quán nước gần đấy.

Tôi bắt kịp mẹ ở gần cổng làng. Tay xăm xăm chiếc chổi tre, dường như mẹ đang dốc hết sức bình sinh mà quét, mà quật. Tiếng chổi va vào nền đường xi măng nghe rờn rợn. Mặt mẹ trắng bạch, đôi tay hằn rõ những đường gân yếu ớt. Duy đôi mắt là long lên, chằng chịt những lằn mảnh, đỏ ngầu. Đám người lần lượt tản ra, trước lúc rời đi không quên ném lại những cái nhìn khinh miệt. Tôi lặng lẽ ôm mẹ từ phía sau, tiếng chổi dừng lại.

- Sao mẹ đánh người?

Mẹ lại rít lên:

- Tao không đánh người. Tao chỉ đánh lũ rắn mang bộ mặt người!

Mẹ về đến cổng khi trời đã nhá nhem tối. Cả thân hình tiều tuỵ đổ ập xuống như cây chuối bị người ta dùng dao phạt ngang. Tôi dìu mẹ vào buồng trong, mắt bà ướt đẫm. Đây là lần thứ hai mẹ chẳng còn là mẹ.

Lần thứ nhất cách đây đã hơn chục năm. Bố bỏ mẹ và hai chị em tôi trong một chuyến đi tìm trầm ở Huy Khiêm rồi từ đấy biền biệt không về. Ít năm sau, vài người trong nhóm phu trầm rỉ rả rằng bố sống chung với một người đàn bà trong đó, hai người đã có ba mặt con. Mẹ gục xuống khi hay những dòng tin đầu tiên.

Đận ấy, người làng Thượng xúm vào hả hê. Đàn ông đàn bà xứ này chưa từng có thói quen buông tha cho một trường hợp nào tương tự. Mẹ gượng dậy rất nhanh. Khuôn mặt ráo hoảnh, tay xăm xăm chổi, cứ thế mẹ đi từ đầu đến cuối làng, trút cả nỗi muộn phiền xuống mặt đường mà quét.

Hết bố đi rồi đến Sen. Chị tôi đẹp nhất làng Thượng. Học xong đại học, chị ở lại thành phố tìm việc. Sắc vóc và học thức là thứ báu vật mà những người con gái độ tuổi chị ở quê tôi không có được. Hai mươi ba tuổi chị cưới chồng là phó giám đốc một công ty sản xuất vật tư nông nghiệp. Hai mươi tám, chị đã chễm chệ ở ghế kế toán trưởng, có nhà mặt phố.

Cứ chắc mẩm một khi nắm trong tay hai thứ báu vật kia thì sẽ có được thiên hạ, chị tôi hồn nhiên trải đời mà không hề biết nơi mắt bão thường lặng gió. Chồng chị bỏ trốn với cô phó phòng kinh doanh xinh đẹp sau khi đã đánh cắp một khoản tiền lớn của công ty. Căn nhà mặt phố kia anh cũng lén chị bán nốt. Tỉnh lập đoàn thanh tra, chị bị kiểm điểm lên xuống mấy lần, sau nhờ cặp với một tay quan chức đáng tuổi bố nên vụ việc cuối cùng mới được ém nhẹm. Tôi giấu mẹ nhảy xe đò lên thăm, chị cười gằn: “Từ nay tao nhổ vào mặt bọn đàn ông”.

Phải rất lâu sau cái đợt xì xào chuyện vào đảng, chị mới về làng. Đó là một đêm mùa xuân, trời còn phả những đợt sương lạnh. Tôi choàng tỉnh giấc bởi một tiếng hát vọng lại từ phía sau nhà.

Chỗ mỏm Ước nhờ nhợ bóng hai người đàn bà tựa đầu vào nhau. Tiếng hát lúc nãy nhỏ dần rồi im bặt. Mẹ hát ru chị, chị hát ru mẹ hay họ đang hát ru nhau. Thế giới của các thiếu phụ chằng chịt những vết xước, vời vợi nỉ non như bầu trời đêm làng Thượng, bảng lảng nhạt nhoà như những vạt sáng của mảnh trăng khuyết tháng Ba. Đến sáng thì chị đi.

Mỏm Ước là tên chị em tôi đặt cho cồn cát nhỏ phía đằng sau nhà. Lúc Sen còn học trường làng, tối nào chị em tôi cũng lén mẹ kéo nhau ra cái mỏm ấy. Phải tầm chín giờ, có bữa muộn hơn, chiếc máy bay mới thủng thẳng ngang qua chỗ làng tôi, thân nó chớp loè thứ ánh sáng mê hoặc. Một lần, Sen nhìn theo cho đến khi vệt sáng cuối cùng khuất hẳn, xuýt xoa bảo sau này nhất định tao sẽ cưỡi con chim đen kia lên tận thành phố. Bất giác, chị quay sang:

- Lúc con chim đen bay qua, mày ước gì đấy Thịnh?

- Nó bay tít trên trời thế kia, chắc gần chỗ Thiên Đàng thôi. Em ước được nó chở lên xem chỗ đấy, chắc là đẹp và giàu lắm chứ không nghèo và tối như làng Thượng mình đâu chị nhỉ?

- Hứ, dĩ nhiên rồi, Thiên Đàng mà. Mày ngốc quá!

Thiên Đàng là thứ mà lũ trẻ làng tôi mê tơi. Ông nội bảo chỉ cần mấy đứa tôi sống tử tế thì sau này lên đó tha hồ mà sung sướng. Cha xứ thì khác, lễ sáng Chúa nhật nào cũng nói, muốn được lên Thiên Đàng thì nhất định phải có lòng thương giúp đỡ người khác. Có lần tôi hỏi mẹ:

- Phải chết thì mới được lên trên đó hả mẹ? Thế thì chán chết!

- Yên tâm, Thiên Đàng ở gần đây thôi, con sẽ thấy nó trước khi chết.

Nghe mẹ nói thì biết thế, chứ chị Sen với tôi cứ đinh ninh Thiên Đàng phải ở rất xa cái làng Thượng này lắm.

Làng tôi nghèo và tối như cái hủ nút. Mẹ tôi là giáo viên dạy Văn cấp ba trường làng mà đến bữa dọn ra vẫn chỉ là cơm trộn sắn. Cả vùng chỉ mỗi nhà thờ là có nhiều bóng điện, sáng trưng. Với lũ trẻ bọn tôi thì nhà thờ lúc đó là Thiên Đàng chứ không phải như sau này nhà ai cũng bài trí đủ loại bóng điện đắt tiền.

Bây giờ dân làng Thượng ít đến nhà thờ hơn. Hễ tối đến là trẻ con bị dí vào cái bàn học nhỏ xíu. Người lớn thì quây quanh ấm nước chè đặc, buôn đủ thứ chuyện phiếm.

Cả làng nơm nớp sống nhờ ngoại tệ. Nhà nào cũng cho con học hết phổ thông rồi cố chạy vạy thêm vài trăm triệu làm thủ tục giấy tờ, miễn sao đẩy chúng sang được xứ người. Chẳng ai buồn bận tâm xem chúng làm gì, định cư bên ấy có hợp pháp hay không. Chỉ cần có tiền gửi về, càng nhiều càng tốt.

Ông Hữu xóm tôi có hai thằng con bán rượu lậu bên Qatar, đến tháng ở nhà đều đặn nhận vài ngàn đô nhưng hễ cứ có điện thoại đổ chuông là lại giật mình thon thót. Không giật mình mới lạ vì cứ dăm bữa nửa tháng là cả làng Thượng lại rầm rầm kháo nhau con ông nọ bị cảnh sát bắt vì trồng cần sa, con bà kia bị trục xuất vì đánh nhau hoặc ăn cắp vặt. Mới tháng trước thôi, thằng Kiên con bà Phượng ở đầu làng bị một nhóm cướp bắn chết vì không có tiền, phải trầy trật mãi mới đem được xác từ Angola về.

Cơn lốc kim tiền quét qua, dấm dẳng để lại những khoảng trống toang hoác. Làng Thượng như một đứa trẻ vụt lớn, vồn vã tìm cách trưởng thành, hì hục xây nên những Thiên Đường cho riêng mình để rồi lại tiếc hùi hụi khi nhớ về một Thiên Đường xưa cũ...

Bệnh tình mẹ xấu đi nhiều. Tôi nghỉ việc, mang bà đi khắp Hà Nội vẫn chỉ nhận được đúng một kết quả: ung thư gan giai đoạn cuối. Trước cổng bệnh viện K, thằng con trai hai mươi bốn tuổi sực khóc như một đứa trẻ. Mẹ bảo nhất định không để chị biết.

Sen về thăm khi mẹ lên cơn sốt cao, da chuyển vàng nhợt nhạt. Chị kéo tôi ra một góc, thở dài thườn thượt:

- Mẹ nặng thế này sao không báo chị biết?

- Mẹ không muốn chị lo lắng.

- Tiền chị gửi về còn không?

- Cậu đưa một ít, còn lại em vay thêm.

Ngần ngừ một lúc, chị lại quay sang:

- Nghe cậu bảo mày vào gặp cả cha xứ?

- Tại lúc đấy em quẩn quá!

- Có được đồng nào không? Ông ấy giảng mùi thế cơ mà!

- Cha chúc đi bình an.

- Bình an ấy à? Có mua nổi một viên thuốc không?

Vài tháng sau, mẹ lên cơn đau vật vã rồi mất. Tôi gọi cho Sen mãi nhưng không được. Liên hệ với chỗ làm mới biết chị đang tham gia đoàn đại biểu của tỉnh đi công tác ở Hà Lan. Đám được mấy ngày thì chị về. Tay xách vali, chị nói vừa từ sân bay về thẳng đây, mấy hôm trước nhận được tin cơ quan báo sang nhưng không thể đặt được vé về. Chị thay đồ, choàng tấm khăn trắng lên đầu, lặng lẽ đến ngồi ở nghĩa trang cho tới khi trời tốt mịt.

Buổi sáng chị ra mỏm Ước, vẽ hình mẹ lên cát rồi nằm xuống. Cả tấm thân ôm lấy những nét vẽ nguệch ngoạc. Bàn tay chị mơn trớn lên mái tóc, khuôn mặt rồi chực choàng người che lấy như sợ khối hình kia sẽ phút chốc tan biến. Cát và nước nhoè đi trong mắt. Mỏm Ước đón đợt nắng sớm, run rẩy cựa mình như sợ chỉ một chuyển động nhỏ thôi cũng đủ làm chiếc sợi mỏng manh đang giăng mắc trong lòng của người đàn bà ba mươi đứt ra thành trăm ngàn mảnh...

Bữa cơm chiều lặng lẽ. Sen bỏ bát ra ngồi ở bậc thềm.

- Chị phải làm gì bây giờ?

- Một cuộc hành hương.

Chị em tôi theo chân một nhóm thiện nguyện trong xứ đạo hành hương nhà thờ chính toà. Con đường dài ngót bảy chục cây số hun hút những dải phi lao trên triền cát trắng hoang hoải. Chị ngồi bên tôi, miên man dõi mắt qua ô cửa nhỏ, chốc chốc lại trở mình. Những tiếng thở khẽ khàng...

Ngôi nhà thờ ba mươi chín tuổi trầm mặc như một pho tượng cổ mà rêu phong đã ít nhiều ăn mòn những chứng tích của một thời lửa đạn. Đoàn người lần lượt bước qua cửa Năm Thánh, khuôn mặt ánh lên sự viên mãn, tựa như thứ viên mãn của những lữ khách mới được gột rửa bụi bặm sau những ngày dài rong ruổi trong sa mạc khô cháy. Giữa đám lữ khách kia, tuồng như chỉ có chị và tôi là lầm lũi trong những hình hài chưa được thanh tẩy. Bỗng Sen tụt lại ở cửa. Chị chậm rãi cởi quai giày rồi bó gối ngồi thu lu một góc mặc cho ánh mắt dò xét của những kẻ hiếu kỳ. Đoàn người sau một thoáng chững lại vẫn tiếp tục bước. Tôi sốt ruột:

- Đã đến đây rồi sao lại không vào?

- Một công chức đi xin ơn toàn xá, kẻ phản bội cầu mong được chúc lành, thế vẫn chưa đủ trơ trẽn à?

- Công chức thì không cần được thương xót sao? Rốt cuộc thì kẻ phản bội nào mà chẳng cần một chốn để về.

Bên trong nhà thờ đang rộn lên tiếng cầu kinh. Sen nhìn sâu vào mắt tôi:

- Nhưng chị chẳng có lý do gì để quay về lúc này cả?

- Có đấy! - Nói xong, tôi sục tay vào túi áo, rút ra một mảnh giấy đưa cho chị.

“Sen,

Mấy hôm nay mẹ thấy trong người khó ở nên nhờ em Thịnh viết cho con mấy dòng đặng khi không kịp.

Toàn bộ số tiền con gửi về phẫu thuật, mẹ đã nhờ Thịnh chuyển cho cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi của các nữ tu tại giáo xứ mình. Con đừng buồn. Mẹ già rồi, bệnh tình lại nặng. Mẹ nghĩ tương lai của các cháu ở đấy cần hơn.

Có lẽ mẹ đi mà chẳng có gì để lại cho hai chị em con. Gia tài của mẹ chỉ là một chữ Thương - thứ của nả mà mẹ đã chắt chiu gom góp từ hồi còn con gái.

Đẹp nhất của chữ Thương là Tha thứ. Nhưng với một người phụ nữ, tận cùng của chữ Thương là Đợi.

Bố con đã bỏ đi khi mẹ cần một chỗ dựa nhất. Rồi đến khi mẹ chỉ sống bằng chút hi vọng nhỏ nhoi thì con lại ra đi.

Mẹ tưởng đã chết đi. Nhưng mẹ đợi, kiên trì đợi, rằng một ngày nào đó những người thân yêu nhất của mẹ sẽ về.

Ngày con chạy theo những hư vinh cuộc đời, mẹ biết con của mẹ đã lạc lối. Mẹ buồn và suy sụp. Nhưng mẹ tôn trọng quyết định của con. Không một lời oán thán. Phần con, nếu là một cán bộ thì con hãy là một cán bộ tử tế. Những bát cơm trắng hấp khoai mới làm nên máu thịt của con bây giờ. Con đã lớn khôn từ những hạt gạo trắng nhất, sạch nhất, tinh ròng nhất của mẹ. Không có lý gì để con có thể làm vấy bẩn hình hài vô giá ấy bằng những đồng tiền nhơ nhớp, những toan tính bon chen của thói đời.

Nhưng từ sâu thẳm trong lòng, mẹ muốn con về, về với mái nhà Giáo Hội, rủ bỏ những danh hiệu phù vân. Hãy coi đây là di nguyện của mẹ.

Mẹ sẽ còn đợi, mỏi mòn đợi cho đến những giây cuối cùng. Nhưng nếu một ngày phải rời bỏ cuộc đời này, mẹ sẽ gửi gắm con lại cho Chúa. Người đã rong ruổi tìm con. Và từ nay, Người sẽ lại thay mẹ đợi con, như đã từng đằng đẵng đợi những đứa con lạc lối trở về.

Hãy đi hành hương Năm Thánh. Nơi cánh cửa Lòng Thương Xót, Chúa và mẹ đợi con...”

Chị oà khóc. Đôi vai rung lên bần bật. Đoàn hành hương đã rời khỏi nhà thờ. Đang lúc tưởng chừng như chị em tôi bị bỏ lại thì một nhóm người tiến đến. Nom cách ăn vận, tôi đoán họ không phải người vùng này. Họ dừng lại chỗ chị em tôi hồi lâu trong khi Sen vẫn ôm mặt.

Một tiếng hát cất lên. Rồi hai, ba và sau cùng là cả nhóm người đều hát. Giai điệu bài Lời kinh chiều có phần lỡ nhịp. Cả một khoảng không như vỡ oà. Chị tôi quỳ gối, nước mắt giàn giụa:

- Mẹ ơi... con bước qua... cánh cửa này làm sao được... với nỗi ám ảnh... phản bội?... Con trở về... thế nào đây... khi... lòng con... chưa sẵn sàng... tha thứ?

Người phụ nữ trong nhóm có khuôn mặt phúc hậu lặng lẽ đến ngồi, bàn tay khô ráp của bà đặt lên vai chị:

- Này em, nghe tôi! Vì đã từng có dịp tham dự nhiều cuộc hành hương nên tôi không lạ gì với những trường hợp như em. Thường thì người ta cho rằng hành hương là trở về thượng nguồn, về nơi cao nhất để hứng lấy ân sủng. Cảm giác đó khiến người ta hoặc là sợ hãi, hoặc là tự mãn. Tôi lại nghĩ khác. Hành hương thực ra là về với biển, hoà mình vào muôn ngàn con nước. Như thế là đi về chỗ trũng của tội lỗi, chỗ thấp của khiêm hạ để được gột rửa, để hi vọng được mưa về nguồn. Chúng ta có là ai thì đều phải bước qua cánh cửa này mới có sức mà mở ra những cánh cửa khác được. Em hiểu ý tôi chứ?

Không có câu trả lời. Chị cúi gằm mặt. Người phụ nữ vẫn nhẫn nại vỗ bàn tay lên vai chị. Không khí trở nên cô đặc. Bỗng Sen ngừng khóc, lấy vạt áo lau vội dòng nước chực trào ra, gật đầu. Người phụ nữ mỉm cười, dìu chị đứng và sau một thoáng bất động, họ bắt đầu bước. Chị dựa mình vào người phụ nữ, bàn chân trần run rẩy đặt lên những viên gạch màu ghi.

Giai điệu bài hát Lời kinh chiều lại vang lên. Tôi đứng tựa cửa, nhìn hai con người bé nhỏ đang chầm chậm bước giữa lòng nhà thờ, những giọt nước ứa ra từ mắt, không sao ngăn được.

 

 

Mã số: 16-108

 

CHIỀU XUỐNG ÊM ĐỀM

 

Từ bữa qua dạm ngõ bên nhà bạn gái thằng Sang tới nay, không khí gia đình ông Năm trở nên nặng nề, u ám. Ông vẫn chưa thôi cơn sốc mà thằng con trai duy nhất mang đến. Sốc, rồi ông buồn giận, lo lắng. Không sốc, không buồn giận sao được, khi ông đã vun vén hết sức cho hai đứa. Nhưng ông có hay biết gì đâu, bọn nó âm thầm giấu ông, bưng bít chuyện nhà bên ấy có đạo, tận đến phút cuối cùng trước lúc tính chuyện cưới hỏi cho chúng nó. 

Vừa bước chân vào nhà gái, chưa kịp chào hỏi, đập vào mắt ông bàn thờ Chúa trên cao giữa gian phòng khách. Ông sửng sốt, quay phắt nhìn Sang. Như đoán được suy nghĩ của ba, Sang sợ sệt cúi gằm mặt. Cả hai cha con đứng yên, không để ý gì đến sự tiếp đón niềm nở của nhà Hạnh, để bà Năm tự xoay xở. Mãi lúc sau, ông mới lúng túng gật đầu đáp lễ, nhưng nỗi tức tối đã dâng đầy, ứ nghẹn trong lồng ngực. Đến nỗi, ông không nói được lời nào sau đó.

Chỉ đến khi bà Hạnh từ tốn xin phép vợ chồng ông cho Sang bắt đầu học giáo lý vào đạo, ông mới hít thở một hơi dài lấy chút bình tâm:

- Thú thật trước khi qua đây, vợ chồng tôi không biết bên nhà mình đạo Công giáo. Chúng tôi không có ý xấu gì cả, chỉ vì cả dòng họ có mỗi thằng Sang là con trai, sau này phải lo việc thờ cúng ông bà…

Nhấp một ngụm trà lấy giọng, ông ngập ngừng:

- Nên chuyện này… xin phép anh chị cho vợ chồng tôi suy nghĩ thêm một thời gian…

Bà Hạnh mỉm cười:

- Vâng, làm sao để cả hai nhà vui vẻ là được. Anh chị cứ thong thả.

Im lặng một chút, bà Hạnh tiếp lời:

- Chỉ xin phép giải thích thêm cho anh chị. Người Công giáo chúng tôi cũng rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, có thể hình thức khác, nhưng chắc chắn không thua kém đạo nào.

Ông Năm nghe vậy, ngờ ngợ nhìn về phía bàn thờ gia tiên của nhà Hạnh, trên nóc tủ gỗ thấp dưới bàn thờ Chúa, đơn sơ nhưng trang nghiêm, kính cẩn. Những hình người đã khuất cười hiền hậu, bát nhang sạch sẽ gọn gàng, bình hoa lay-ơn trắng muốt, và mâm trái cây cũng vừa được sửa soạn. Tất cả như đang bày biện trong ông một mối thiện cảm, yên lòng. Nhưng rồi chỉ có vậy. Ông chợt nghĩ về những bữa cơm cúng tiên thường, giỗ chạp. Ông băn khoăn về tiếng kinh tiếng mõ cầu siêu, hóa vàng giấy tiền giấy bạc. Nỗi ưu tư buồn giận lại ùa về, ứ nghẹn.

Mãi một lúc, ông mới cất tiếng:

- Vâng, tôi hiểu…

Bà Hạnh chạm nhẹ vào mâm trầu cau trước mặt:

- Trong thời gian chờ đợi anh chị suy nghĩ, cho phép gia đình tôi chưa dâng món lễ vật dạm ngõ này lên bàn thờ tổ tiên.

Ông Năm buồn rầu nhìn mọi người, như thấu hiểu và đành chấp nhận tình cảnh khó xử cho cả hai nhà. Chỉ có Sang chết lặng, không ngước nổi lên để thấy tất cả đã đổ vỡ trong chốc lát. Phía sau tấm rèm cửa ngăn với gian phòng khách, Hạnh cũng bụm miệng nén cơn bật khóc trực trào.

***

Sang và Hạnh yêu nhau đã mấy năm nay, trong sự thương mến tán thành của hai bên gia đình. Công việc ổn định, tuổi đời chín chắn, ngoan ngoãn hiền lành, quá đầy đủ để chuyện kết hôn tưởng không còn gì trở ngại. Nhưng tôn giáo khác biệt, khiến nỗi lo âu của hai người từ ngày đầu quen nhau luôn thường trực. Sang chia sẻ, ba anh vất vả cả đời dạy học, dành dụm xây được ngôi nhà thờ họ, sửa sang mồ mả ông bà trong khu đất vườn nhà, cho tổ tiên vui lòng. Lo toan đau đáu đến thế, làm sao ba anh có thể cho phép anh, đứa con trai duy nhất của cả dòng họ, từ bỏ một niềm tin đã bao đời ăn sâu ngõ ngách trong từng lời ăn tiếng nói, từng nét sinh hoạt hằng ngày, như đạo lý không thể đổi dời. Từ bỏ niềm tin của cả gia đình, dòng tộc, để khoác lấy một đức tin mới, mà với ba anh, hết sức xa lạ và khác biệt đến mức không thể dung hoà.

Nhưng Sang yêu thương Hạnh, không còn gì có ý nghĩa hơn. Lần đầu tiên nhìn thấy Hạnh, với Sang như một chấn động sâu thẳm của tâm hồn. Buổi sáng ấy, trên đường đi công tác, anh dừng chân uống ly café điểm tâm đầu ngày trong một quán cóc ven quốc lộ, đối diện ngôi nhà thờ nhỏ. Và khi tia nắng ban mai bắt đầu trải vàng trên những ngọn cây lá xanh non, tràn xuống mặt đường nhựa còn chút lãng đãng mù sương sớm, bóng Hạnh hiện ra từ bên kia, áo dài thướt tha từng bước khoan thai đến trường dạy học. Sang lơ đễnh nhìn theo, như nhìn một cô gái nào đó bất chợt ngang qua phố xá ngược xuôi, rồi biến mất, không chút sủi tăm. Bỗng nhiên, Hạnh dừng chân, quay mặt ngước nhìn ngọn thánh giá trên nóc cao nhà thờ, khoanh tay, cung kính cúi đầu chào như hướng về, như phó thác, trọn vẹn. Hình ảnh vừa khiêm cung vừa thánh thiện đó bỗng khơi gợi, bừng sáng trong Sang một niềm tinh khiết, an lành, thanh thản. Hình ảnh đó đã theo suốt Sang trong chuyến công tác, tận những ngày sau khi đã về thành phố, thôi thúc anh quay trở lại ngôi thánh đường, hỏi thăm, gặp gỡ, làm quen và ngỏ lời yêu với Hạnh. 

Cảm giác an lành tinh khiết đó trong Sang càng rõ ràng, nảy nở hơn vào những dịp cùng Hạnh đi dự thánh lễ. Dù chưa hiểu hết mọi nghi thức, nhưng qua những điều răn ngắn gọn mà đầy đủ, qua các dụ ngôn giản dị mà sâu sắc, qua lời giảng giải chia sẻ chân tình của cha xứ, Sang cảm thấy như đang được cởi mở tâm hồn vốn bị giam kín bấy lâu nay. Rồi như một thói quen, những khi mệt mỏi nặng nề trong công việc, trong đời sống, Sang lại theo Hạnh bước vào cùng nhan thánh Chúa, thinh lặng, mở lòng và nghe một nỗi bình an thanh thản tràn về.

Ông bà Năm xem Hạnh như cô con gái trong nhà, không chút e dè khoảng cách. Những dịp Hạnh về thăm, tuổi xế chiều của ông bà được sưởi ấm bởi sự chăm sóc chân thành của Hạnh từ chuyện nhỏ nhặt, đến ân cần quan tâm đúng mực đối với những việc lớn lao hệ trọng của gia đình. Ông cảm thấy yên lòng về đời sống tương lai của Sang, và hơn hết là trách nhiệm hương khói cho ngôi nhà thờ họ sau này. Có lần, ông Năm bộc bạch suy nghĩ đó với Sang và Hạnh, giọng nói và nụ cười mãn nguyện vô cùng.

Lúc ấy, hai đứa đã nơm nớp lo âu. Hạnh không muốn tình trạng này kéo dài mãi, nên vẫn bàn bạc thưa mọi chuyện cho ba má biết, có gì tính tiếp. Nhưng Sang hiểu ba mình, hiểu định kiến và tập tục gia đình bao đời nay, làm sao ông có thể chấp nhận cho con trai theo đạo Công giáo, và lập bàn thờ Chúa trong nhà. Chắc chắn khi đó chuyện dạm ngõ cưới xin của Sang và Hạnh sẽ không thể có được. 

Nên suy đi nghĩ lại mãi, Hạnh cũng đành liều nghe lời Sang. Hạnh chỉ còn biết cầu nguyện và cầu nguyện, phó thác mọi sự cho Mẹ Maria.

***

Nặng nề căng thẳng đến hết mấy ngày sau, ông Năm mới hỏi chuyện con trai:

- Sao chuyện tày trời này mày lại gạt tao?

Sang cúi đầu ấp úng:

- Dạ con đâu dám…

- Không dám mà mày giấu tao suốt cả năm nay, đưa tao vào chuyện đã rồi. Chuyện người lớn mà mày không nghĩ tao ê mặt sao?

- Con xin lỗi ba… Con không cho ba hay trước, sợ ba không ưng con cưới Hạnh…

- Vậy giờ tao hay rồi tao ưng nó cho mày chắc?

- Con định khi ba qua thăm nhà Hạnh, thấy bên đó cũng ăn ở thờ cúng ông bà đàng hoàng, ba sẽ coi lại…

Ông Năm trầm ngâm, nghĩ Sang cũng vì bất đắc dĩ mà làm vậy, chuyện lại chưa đến nỗi nào.

- Tao đồng ý con Hạnh là đứa ngoan ngoãn, thời buổi giờ không dễ gặp đứa con gái như nó. Nhưng cả họ có mình mày, chuyện cúng kiếng sau này mày tính sao?

Sang nghe ba hỏi như mở đường, liền hớn hở:

- Dạ bên đó có khác gì mình đâu ba. Họ cũng trọng chuyện lo cho ông bà lắm ba…

- Sao lại không khác? Họ có cúng cơm không? Có gõ mõ tụng kinh cầu siêu cho tổ tiên không? Thờ phụng kiểu gì mà lạnh tanh vậy sao ông bà nào chứng?

- Dạ…

Ông Năm quay sang bà Năm:

- Ý bà tính sao?

Bữa bể chuyện bà Năm hốt hoảng vô cùng, vậy là thôi rồi, chết rồi, làm sao chúng nó cưới nhau được. Nhưng khi bình tĩnh lại, thương con trai, thương con dâu tương lai hiền lành nết na, bà cũng ráng nghĩ cho ra cách nào tốt nhất. Giờ nghe chồng hỏi, bà nói ngay:

- Tui thấy hai đứa nó quen nhau nghiêm túc đàng hoàng. Nhà bên đó ngoài chuyện đạo nghĩa khác mình, còn lại cũng không có gì chê trách. Tui tính vầy, cho tụi nó cưới nhau, nhưng đạo ai nấy giữ.

Ông Năm không trả lời vợ ngay, im lặng suy nghĩ. Nhưng Sang nghe má nói mà rầu thúi ruột. Ý đó Sang đã từng hỏi Hạnh nhiều lần, lần nào Hạnh cũng buồn bã lắc đầu. Đã là vợ chồng với nhau, sao lại có thể có đức tin và niềm trông cậy khác nhau được. Chưa kể chuyện này không dễ gì ba má Hạnh chấp nhận.

- Má mày có ý vậy, mày nghĩ sao Sang?

Sang lấy hết can đảm thưa:

- Dạ… Con thấy vợ chồng mà đạo ai nấy giữ không nên, ba à. Với lại nhà mình cũng đâu có theo đạo nào, chỉ thờ cúng hương khói cho ông bà thôi. Mà việc đó luôn là trách nhiệm và tình cảm của con, nên ba yên tâm…

Ông Năm cau mặt, nỗi tức tối lại ùa về, khiến ông lớn tiếng:

- Mày nói sao? Mày muốn theo đạo à?

- Dạ…

- Mày từ bỏ ông bà? Bỏ cha bỏ mẹ à?

Sang hoảng hốt:

- Không phải vậy đâu ba. Đạo Chúa đâu có dạy làm chuyện tầm bậy vậy ba. Con theo đạo, vì con muốn có một niềm tin, một chỗ dựa, chứ không chỉ để cưới vợ. Theo đạo, con càng kính nhớ ông bà nhiều hơn, càng hiếu thảo hơn, chứ không đời nào tệ hơn đâu ba…

Ông Năm ngắt lời, đứng phắt dậy, quát:

- Mày biết cái gì mà nói. Tao cho thời gian để mày suy nghĩ. Mày đồng ý đạo ai nấy giữ thì tao qua nhà bên đó nói chuyện với người ta. Còn không thì dẹp, mày muốn làm gì thì làm.

***

Mấy ngày sau, cơn nóng giận tức tối cũng nguôi ngoai phần nào, ông Năm cảm thấy hình như đã áp đặt con quá mà chưa nghe cho hết ngọn ngành. Là nhà giáo, ông dạy con nghiêm khắc nhưng cũng luôn tôn trọng suy nghĩ của con. Từ khi khôn lớn, Sang cũng chưa làm ông bà phiền lòng điều gì. Nghĩ vậy, ông đâm ra áy náy.

Nhưng dứt khoát ông không thể chiều ý Sang được. Từ nhỏ, nghe ông nội và cha mình kể chuyện, ông Năm đã ghim chặt trong đầu một suy nghĩ, người Công giáo không được thờ cúng ông bà. Không lập bàn thờ. Thắp nhang vái lạy tổ tiên cũng không. Ông không cho họ xấu, nhưng luôn ác cảm. Ở đời, đạo hiếu chẳng có thì còn theo đạo nào được nữa.

Sực nhớ bữa qua nhà Hạnh, ông thấy bàn thờ gia tiên trang nghiêm, nề nếp, chẳng khác gì ở nhà mình. Ông ngạc nhiên, chẳng lẽ từ xưa tới giờ ông đã hiểu sai.

“Người Công giáo chúng tôi cũng rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, có thể hình thức khác, nhưng chắc chắn không thua kém đạo nào”. Lời giải thích của ba Hạnh hôm dạm ngõ giờ mới khiến ông lưu tâm. Ông thấy tiếc vì lúc đó do quá sốc, nên đã không bình tĩnh hỏi rõ bên ấy thờ cúng ông bà ra sao, những lời đồn đại xưa nay về đạo Chúa có như ông từng nghe.

Hay tối nay ông hỏi thằng Sang xem sao? Ông nhủ thầm.

Nhưng không được, thằng Sang sẽ hiểu ông đang nhường nó, nó sẽ không nghe theo ông nữa.

Ông đứng dậy, bước ra vườn, tới phần mộ của cha ông. Ông muốn làm gì đó để cố gạt hết những cắn rứt khó chịu trong lòng.

Vừa cặm cụi nhổ mấy cọng cỏ đang lún phún mọc qua kẽ nứt ven chân mộ, ông vừa lẩm bẩm, kiểu gì thì kiểu, thằng Sang cũng không được theo đạo!

***

Gần tới ngày giỗ cha, ông Năm ốm nặng, phải vào bệnh viện.

Suốt một tuần lễ, Sang và Hạnh chạy đôn chạy đáo, vừa lo công việc cơ quan, coi ngó nhà cửa, vừa chăm sóc ông.

Bà Năm chặc lưỡi:

- Con Hạnh lo cho ông mà thấy thương. Cơm bưng nước rót. Thức đêm thức hôm. Tất bật suốt.

Ông Năm thở dài:

- Chỉ khổ cái vụ đạo nghĩa…

- Hay đợt này ông khoẻ rồi mình coi kỹ lại xem, biết đâu không như xưa nay mình nghĩ.

Ông lặng im, nửa như đồng tình, nửa còn ngần ngại, rồi lảng qua chuyện khác:

- Mấy hôm nữa giỗ ba rồi. Mai tui xin về. Nằm đây sốt ruột quá.

Bà Năm cau mày:

- Con nó nói ông cứ yên tâm dưỡng bệnh đi, chuyện ông bà để tụi nó lo.

Nhưng sao ông yên tâm được. Chiều hôm sau ông về, chẳng ai cản nổi.

Vừa bước vào nhà, ông thấy ngay bàn thờ gia tiên đã được bài trí đầy đủ. Mâm trái cây tươi tắn, bình hoa trắng ngát thơm. Ông nhìn Hạnh đang lui cui thu xếp đồ đạc với ánh mắt ngạc nhiên xen lẫn hài lòng.

Nghỉ ngơi một lát, ông ra vườn thăm mộ. Mấy hàng mộ chí ông bà đã được dọn dẹp sạch sẽ, tinh tươm. Ông giật mình thấy trên mỗi ngôi mộ đều có hai ngọn nến ly đang cháy lung linh trong bầu trời chiều. Ngày mốt mới tới giỗ ông nội thằng Sang, sao hôm nay trang hoàng thế này. Mà không chỉ riêng mộ ba ông, tất cả các ngôi mộ đều vậy.

Ông quay lại nhìn hai đứa, như hỏi lý do. Hạnh khẽ giải thích:

  - Dạ… ngày giỗ ông trùng với tháng linh hồn, nên tụi con dọn dẹp để kính nhớ tổ tiên luôn…

  Ông Năm nhíu mày:

  - Tháng linh hồn? Là sao?

  - Dạ… Bên đạo con, tháng mười một là tháng linh hồn, cầu nguyện cho tổ tiên ông bà đã mất…

Sang tiếp lời:

- Hôm nay bên Hạnh đi lễ đọc kinh ngoài nghĩa trang đó ba. Tụi con thấy ông bà mình nằm đây lạnh lẽo, nên tụi con thắp nến cho ông bà vui.

Ông Năm thắc mắc hơn:

- Vậy còn ngày giỗ chạp cuối năm thì sao?

- Dạ, bên con cũng như mọi người Việt mình thôi bác. Con cháu về thăm viếng tảo mộ ông bà, cùng đọc kinh cầu nguyện cho ông bà được hưởng phúc trên nước Trời.

- Thế còn mấy ngày Tết?

- Mấy ngày Tết bày biện bàn thờ kính nhớ ông bà. Đặc biệt mùng hai dành để cầu nguyện cho tổ tiên, cả giáo xứ ra nghĩa trang làm lễ đó bác.

Ông Năm hiểu ra. Bao lời đồn đại xưa nay khiến ông hiểu sai. Giờ ông mới thông suốt sáng tỏ mọi chuyện, như vừa được mở tấm khăn đen bịt mắt suốt hàng chục năm nay, như thoát khỏi màn sương mù mụ mị trong suy nghĩ. Từ sau buổi dạm ngõ đổ vỡ bên nhà Hạnh, nay ông mới tìm lại được cảm giác yên lòng về tương lai của hai con, và hơn hết là trách nhiệm hương khói tổ tiên, cho ngôi nhà thờ họ sau này. Yên lòng thực sự.

Ông thinh lặng ngắm nhìn những hàng nến thắp lung linh đang dìu dặt toả ánh sáng vàng ấm áp một lúc lâu nữa, mỉm cười mãn nguyện, rồi nhẹ chân bước vào nhà.

Sau lưng ông, bóng chiều đang dần xuống, êm đềm…

 

Mã số: 16-109

 

LINH MỤC VÀ TÊN CƯỚP

 

Hắn tên Tý,  biệt danh Tý lỳ, tên cướp khét tiếng từng gây biết bao tội ác kinh hoàng cho người dân xóm đạo đã bỏ xứ ra đi một thời gian nay bỗng  xuất hiện trở lại. Tin này làm bà con giáo dân xứ Martino không khỏi hoang mang sợ hãi.

Tý lỳ đứng trước ngôi Nhà thờ cổ Thánh Martino lúc 1 giờ trưa, trời nắng gắt, dưới gốc cây sấu già tỏa bóng râm che phủ thân hình hắn cao to vạm vỡ như khỉ Kinh Kông, hai tay khuỳnh ra trông  hung tợn! Hắn đứng đó, bầu không khí quanh Nhà thờ đang trong veo  bỗng trở nên đặc quánh, một nỗi sợ hãi bao trùm . Hắn đứng suốt một giờ đồng hồ không nhúc nhích, mắt nhìn trừng trừng lên lên cây Thập Giá  trên nóc cao Nhà thờ với gương mặt nặng sầu u uất.   

Vị linh mục lững thững bước ra khỏi khuôn viên nhà xứ, ông đứng nhìn bâng quơ lên bầu trời xanh xám nhạt nắng, mặt trời bị che khuất bởi nhiều cụm mây đen vần vũ đi qua. Một lát, ánh sáng bỗng quang đãng trở lại. Linh mục vừa trông thấy Tý lỳ đứng lù lù trước cổng  , nhưng ông vẫn bình thản  điềm nhiên bước tới. “Hắn đến rồi” … Linh mục lẩm bẩm.

Tý lỳ, con bà Sáu Xẩm trong xóm đạo Martino hiền hòa nhỏ bé, xưa nay chỉ mình hắn giao du với bọn giang hồ, lừng danh một dạo với những vụ cướp bóc tàn bạo, những vụ hãm hiếp dã man, từng vào tù ra khám không biết bao nhiêu lần. Chỉ mới đây thôi, bà con giáo dân tưởng hắn đã  lãnh án từ hình sau một vụ giết người cướp của man rợ…Vậy mà không hiểu sao giờ hắn lại xuất hiện ở đây! “ Hay hắn vượt ngục!”, linh mục thắc mắc. “ Phải rồi, hắn nổi tiếng có tài vượt ngục đến công an còn phải ngán hắn nữa là …!”. Vị linh mục bất giác thở dài ngao ngán.

Bây giờ, tên giang hồ máu lạnh đang đứng nhìn vị Linh mục với cặp mắt sắc lạnh, như thể hắn muốn ăn tươi nuốt sống ông cha đạo trông yếu đuối hiền lành như con cừu non đứng trước nanh vuốt con hùm xám. Tên cướp có thể lấy mạng linh mục dễ như lấy đồ trong túi . Song, dường như ông linh mục chẳng chút sợ hãi. Ông mạnh dạn tiến đến đứng đối mặt với hắn .

- Anh hẹn tôi ra đây có chuyện gì không?

Tý lỳ gầm gừ:

- Lẽ ra tôi đã giết ông ngay từ lúc tôi vừa trông thấy ông! Tại sao ông dám bán đứng tôi cho công an?

Linh mục tỏ ra bình tĩnh:

- Tôi không bán đứng anh cho ai hết. Tôi đến gặp anh theo yêu cầu của  mẹ anh, bà Sáu Xẩm, người đã khóc hết nước mắt vì anh, bà muốn anh quay về với gia đình, và tôi  chỉ muốn khuyên anh hãy ăn năn sám hối …

Tý lỳ gằn giọng:

- Hừ …lại ăn năn sám hối! Ông bảo tôi sám hối là sám hối  cái gì hả ông cha đạo? Ông không nhớ gí sao? Hôm đó, ông vừa đến gặp tôi thì công an ập vào bắt tôi ngay …Rõ ràng ông bán đứng tôi còn gì! Lại còn già mồm  bảo tôi sám hối là sám hối cái gì! Tôi và bà Sáu chẳng còn tình nghĩa mẹ con gì nữa ! Bây giờ, tôi phải lấy mạng ông …

Nói dứt lời hắn lập tức móc ra con dao sáng quắc, ánh sáng ngời lưỡi dao phản chiếu ánh sáng mặt trời lấp lánh làm chóa mắt ông linh mục, nhưng ông vẫn bình thản nhìn hắn. Không chút chần chừ Tý lỳ lao vào vị linh mục như con hổ đói  khiến ông không khỏi giật mình, ông chỉ kịp nhìn thấy ánh dao lóe lên như tia chớp, bằng phản xạ tự nhiên ông nghiêng mình qua bên trái tránh né … Cùng lúc ấy, có tiếng người lao xao phía trước, tất cả như làm Tý lỳ phân tâm khựng lại, lưỡi dao của hắn đi chệch hướng đâm sượt qua vai vị linh mục làm ông té khụy.

- Thằng Tý lỳ giết cha bà con ơi! Bắt lấy nó!

Đám đông từ đâu bất ngờ xuất hiện đông đảo, trong tay họ gậy gộc, cuốc xẻng, dao mác... Tý lỳ hốt hoảng nhanh như sóc lao mình qua bờ rào thoát thân . Một số người cầm gậy gộc đuổi theo,nhưng Tý lỳ đả cao bay xa chạy. Mọi người xúm đến đỡ vị linh mục. Ông khoát tay:

- Tôi …tôi không sao! Hắn…hắn đâu rồi?

- Hắn bỏ chạy rồi, thưa cha!

Linh mục cố rướn người nhìn qua sau bờ rào, nơi tên cướp vừa trốn thoát như nuồi tiếc điều gì đó. Ông nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Mọi người đỡ ông đứng dậy. May cho ông chỉ bị vết thương nhỏ nơi cánh tay trái . Mấy người  vội xúm vào cầm máu băng bó vết thương cho ông. Sau đó, cha quay sang nói với mọi người: 

- Chỉ là hiểu lầm giữa tôi và Tý lỳ, mong bà con đừng nghĩ gì . Cám ông các ông các bà đến kịp lúc. Thôi các ông các bà mau về đi, đừng gây ồn ào làm gì. Tôi cám ơn Chúa vì mình không sao.

- Thằng Tý lỳ rất manh động, xin  cha cẩn thận!

- Được, tôi sẽ cẩn thận hơn. Cám ơn các ông!Thôi chúng ta giải tán nhé!

- Xin cha bảo trọng, chúng con về!

Mọi người ai nấy chào cha rồi kéo nhau ra về. Linh mục bước ra đóng cổng lại. Ông chậm rãi bước vào gian nhà nguyện quỳ gối gục đầu chắp tay ngước mắt cầu nguyện trước tượng Lòng Thương Xót Chúa.

Ba tháng sau, mọi việc nhanh chóng rơi vào quên lãng. Linh mục như thường lệ chuẩn bị cho buồi Thánh lễ vào lúc 5 giờ chiều. Mới hơn ba giờ  trời bỗng đổ mưa như trút. Linh mục đang loay hoay trong phòng lễ thì thấy ông trùm xứ đội áo mưa vào tìm cha vẻ gấp gáp, gương mặt ông trùm tái xanh tái xám: 

- Thưa cha …xin cha đề phòng, Thằng Tý lỳ lại xuất hiện , nó đang lẩn quẩn quanh giáo xứ đấy cha ạ! Chúng con đã bố trí người bảo vệ cha. Xin cha cẩn thận! Có thể hắn lại đến tìm giết cha một lần nữa!

- Tôi cũng đang muốn gặp hắn đây!

Linh mục đột nhiên nói khiến ông trùm há hốc mồm nhìn cha.

- Cha …cha vừa nói gì? Cha không nhớ  lần trước hắn suýt nữa giết cha đó sao?

- Tôi nhớ ! Nhưng tôi tin hắn không dám hại tôi một lần nữa.

- Nhưng …chúng con rất lo cho tính mạng cha.

- Mấy ông cứ yên tâm, Chúa luôn ở bên tôi, quỷ dữ không làm hại được tôi đâu.

- Nhưng…chúng con chi lo lắng cho cha.

- Ừ, cám ơn các ông. Nếu gặp lại Tý lỳ tôi biết tôi phải làm gì để khuất phục hắn.

Linh mục nói một cách dứt khoát , thế nên ông trùm không biết làm sao đành phải ra về. Đúng như sự lo lắng của ông trùm. Mấy ngày sau Tý lỳ âm thầm đột nhập vào nhà xứ, lúc linh mục đang đi dạo quanh khuôn viên Thánh đường. Vừa thấy Tý lỳ, linh mục điềm nhiên nhìn hắn:

- Hôm qua mẹ anh lại đến Nhà thờ cầu nguyện cho anh suốt buổi sáng.

- Mặc kệ bà ấy, tôi không quan tâm! Tôi đến đây là muốn ông giúp chúng tôi một việc!

Nghe hắn nói linh mục thoáng mừng.

- Việc gì vậy?

- Chúng tôi cần một nơi trú ẩn an toàn. Công an đang  truy nã chúng tôi. Tôi nghe nói cha luôn giúp đỡ mọi người.  Nhà thờ chính là nơi an toàn nhất vì công an chẳng dám đụng đến Nhà thờ… Nếu ông từ chối, lần này tôi nhất định không tha mạng cho ông nữa!

- Đây là nhà Chúa, không phải hang trộm cướp!

- Ông không biết là tôi có thể giết ông ngay bây giờ sao? Nhưng thôi được rồi, không có chỗ trú ẩn thì cha nên biết điều mau đưa tiền cho bọn tôi …Nhanh lên !

- Tiền gì? Nhà thờ không có tiền đâu, đừng nói nhiều vô ích!

Tên cướp như bị choáng bởi sự cứng cỏi của linh mục, hắn như muốn nổi điên lên, song hắn biết, hắn không thê giận dữ, bởi hắn đang muốn nhờ vả linh mục, hắn nghĩ, không thể giết chết ông linh mục vào lúc này được. Nhưng hắn chợt hiểu, ông cha đạo này không phải vừa, ông ta không dễ bắt nạt , rõ ràng ông chẳng hề sợ hắn một chút nào. Hắn đang lâm vào đường cùng. Băng cướp của hắn đang thất thế lâm nguy, có thể bị công an tóm cổ bất cứ lúc nào, giờ chỉ có ông cha mới có thể che chở cho băng cướp của hắn, thế nên, hắn chỉ muốn hù dọa ông thôi.Nhưng xem ra, trò hù dọa của hắn chẳng ăn thua gì, ông ấy vẫn cứ vững như bàn thạch . Cuối cùng hắn bỗng liếc mắt vào gian phòng sau lưng cha, thấy có chiếc xe máy dựng ở đó. Hắn gằn giọng:

 - Tôi cho ông 3 ngày suy nghĩ, khi tôi quay lại, nếu ông còn cứng đầu đừng trách tôi độc ác!

Tý lỳ nói xong lao nhanh vào phòng lấy chiếc xe máy của cha dắt ra ngoài. Hắn quát:

-  Mau đưa chìa khóa đây!

Linh mục không nói lời nào, ông lặng lẽ đưa tay vào túi quần lấy chìa khóa xe quăng cho tên cướp. Hắn lạnh lùng rồ máy phóng nhanh ra ngoài mất dạng.

Tên cướp vừa đi khỏi, công an lúc ấy mới xuất hiện. Họ tỏ ra tức tối vì không bắt được Tý lỳ. Họ hỏi cha:

- Chúng tôi đến muộn, Tý lỳ lại thoát khỏi tay chúng tôi một lần nữa. Hắn đã làm gì cha?

- Hắn cướp của tôi chiếc xe máy và đi rồi.

Mấy anh công an lại thở dài tấm tức . Suốt một giờ liền họ thẩm vấn linh mục, ông khai không thiếu một chi tiết nào về Tý lỳ kể từ lúc ông đối mặt với hắn. Lúc công an ra về, linh mục lại quay vào giáo đường quỳ gối trước tượng Lòng Thương Xót Chúa cầu nguyện.  

Bẵng đi một thời gian không thấy Tý lỳ xuất hiện trong vùng nữa. Có người nói hắn đã chết mất xác sau một vụ cướp táo tợn ở Sài Gòn, người khác lại bảo hắn bị một băng ma cô ngoài Bắc thanh toán giết chết ở cầu băngky vì hận thù.  

Nhưng dù Tý lỳ có như thế nào, sống hay chết , mẹ hắn, bà Sáu Xẩm ngày nào cũng  đến nhà thờ ngóng chờ thằng con  trai và cầu nguyện cho hắn. Người ta trông thấy dáng bà cụ gầy mòn quắt queo xanh xao ấy quỳ cầu nguyện có khi cả buổi trước tượng  Lòng Thương Xót Chúa. Hình ảnh người mẹ già nua, gương mặt hốc hác tiều tụy vì mòn mỏi đợi chờ đứa con  đã làm  mọi người không khỏi xót xa cho bà.

Hôm ấy là sáng Chủ Nhật, Thánh lễ vừa xong lúc 7 giờ 30, đông đảo giáo dân đang lũ lượt kéo nhau ra về sau buổi lễ  như đi trẩy hội. Người ta bỗng thấy một gã ăn xin bị cụt mất một chân, ăn mặc rách rưới bẩn thỉu, tóc tai rối bù dài chấm cổ, gương mặt đen xạm đầy râu ria rậm rạp, hắn không đi được chỉ nằm dài ra đường lết đi từng chút một, tay cầm cái nón chia ra xin tiền giúp đỡ của mọi người. Hắn cố lết người đi như vậy cho đến khi dừng lại trước cổng Nhà thờ . Nhưng người ta không hiểu hắn lết người đến trước Nhà thờ làm gì! Có người đến đuổi hắn đi hắn nhất định không đi. Có vẻ như hắn đang bệnh rất nặng, thân hình hắn để lộ ra những vết thương lở loét khắp cơ thể, mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Hắn cố thều thào:

- Làm …làm ơn …cho …cho tôi ….gặp cha …

Thấy hắn có vẻ tội nghiệp có người vội chạy vào báo cho linh mục biết. Ông linh mục vội vàng chạy ra, trông thấy gã ăn xin rách rưới người đầy vết lở khiến ông không khỏi xót xa. Ông liền chạy đến bên hắn. Khi hắn ngước mặt lên nhìn linh mục, ông suýt kêu lên và nhận ra anh ta chính là Tý lỳ.

- Tý lỳ! Anh là Tý lỳ đúng không?

Tý lỳ lại nhướng mắt nhìn linh mục lần nữa , hắn cố cất giọng:  

- Vâng …tôi …tôi là Tý …Tý lỳ.

Linh mục đau lòng nhìn hắn:

- Vì đâu anh ra nông nỗi này, Tý lỳ?

- Tôi …tôi đáng bị thế này…Tôi sắp chết …Tôi về tìm mẹ tôi nhưng không gặp. Mẹ tôi đã bán nhà đi đâu rồi, xin cha làm ơn chỉ cho tôi.

Linh mục lặng người xúc động trước ánh mắt cầu khẩn của Tý lỳ.

- Mẹ anh chết rồi! Chờ mãi không thấy anh quay về bà ấy lâm bệnh nặng rồi phải bán nhà đi chữa bệnh. Nhưng bà ấy đã qua đời cách nay 2 tháng rồi.

Linh mục thấy gương mặt Tý lỳ trắng bệch ra, hắn trợn trừng mắt nhìn vào khỏang không, toàn thân run rẩy rồi gục đầu xuống khóc nức nở. 

- Anh không thể sống thế này được, hãy theo tôi, tôi sẽ giúp anh.

- Không …Mẹ tôi chết rồi! …Cũng tại thằng con trời đánh này mẹ tôi đã phải chịu nhiều đau khổ vì nó! Tôi cũng sắp chết … tôi bị bệnh Sida…Tôi xin linh mục cầu nguyện cho mẹ tôi…Còn tôi  , tôi đáng xuống hỏa ngục!

- Không, Chúa đầy Lòng Thương Xót, nếu anh thực lòng ăn năn sám hối Chúa tha thứ cho anh.

Linh mục vừa nói dứt lời Tý lỳ bỗng ngước đầu lên, rồi hắn lại gục đầu xuống, cả thân hình hắn run rấy.

- Tôi …tôi không xứng đáng!

Linh mục không ngần ngại bất ngờ ôm chằm lấy hắn, khiến hăn rất đỗi kinh ngạc. Linh mục lấy ra trong túi áo cỗ Tràng hạt rồi nhét vào tay Tý Lỳ. Nhưng hắn bỗng xua tay sợ hãi .

- Không  …tôi không dám động đến Tràng hạt của cha bằng đôi tay vấy máu của tôi. Xin cha hãy đeo Tràng hạt vào cổ cho tôi. 

Linh mục xúc động làm theo lời hắn. Khi cha vừa đeo Tràng hạt vào cổ cho Tý lỳ, nhìn vào mắt hắn linh lục thấy rõ một niềm vui khôn tả,  ông lại ôm xiết lấy hắn một lần nữa . Và thêm lần nữa ông tỏ ý muốn giúp hắn, song hắn một mực  từ chối.

Đêm đó, người ta phát hiện Tý lỳ chết trong tư thế đang ngồi cung kính chắp tay trước ngực, hai mắt mở to ngước nhìn lên tượng  Đức Mẹ Maria trong khuôn viên Nhà thờ, trên cổ hắn đeo Tràng hạt và cây Thánh Giá nằm giữa ngực.

 

Mã số: 16-110

 

MƯA TRÁI MÙA

 

- Mấy giờ rồi con?

- Trời còn sớm, má ngủ thêm chút nữa nghe, dạo này buổi sáng lạnh, má dậy sớm lại ho.

- Thằng Tân dậy chưa con? Mai giỗ ông nội, con nói nó ở nhà một bữa nghen con. Nó chê má già cả, má nói nó không nghe.

- Dạ ảnh còn ngủ! Không phải đâu má, chắc tại dạo này công việc nhiều quá nên…! Để con nói anh. Má ngủ đi, trời còn lạnh lắm.

Chị kéo chăn đắp cho mẹ rồi nhẹ nhàng bước ra. Trời còn sớm, mảnh trăng khuyết còn lưu luyến vòm trời. Tiếng xe cộ, tiếng mấy bà đi chợ sớm, vài tiếng gà, tiếng chim hòa lẫn vào nhau tạo thành một khúc hòa âm ngày mới. Chị thích nghe những thanh âm đó của cuộc sống. Sáng nào, chị cũng dậy thật sớm để thưởng thức nó cho tâm hồn lắng lại, bình an giữa xô bồ bon chen của dòng đời.

Anh lê thân hình uể oải, đầu tóc bù xù vào bếp thông báo:

- Sáng nay anh có hẹn, không ăn sáng ở nhà.

- Vâng! À anh, có chuyện này….

- Chuyện gì?

- Chiều nay bên nhà thờ chính tòa, có lễ giỗ 31 năm đức cha Phaolo, anh tranh thủ về sớm đi nghen.

- Vẽ chuyện! Chiều nay anh có hẹn rồi. Mà mình có quen đức cha Phaolo đâu. Em thích cứ đi.

- Mà anh nè! Mai giỗ ông cố cu Bin, anh sắp xếp ở nhà nghe. Hôm giỗ bà, anh đã không có nhà rồi, thấy má buồn lắm.

- Ừ! Để anh tính, mà không chắc đâu.

Chị thở dài, giọng buồn buồn giận dỗi:

- Vậy thôi, anh cứ việc của anh, mẹ con, bà cháu em tự lo được rồi. Từ ngày lên chức trưởng phòng đến giờ, có mấy khi ngày cúng giỗ mà anh ở nhà đâu, má đau anh cũng giao hết cho em, như thể anh không phải con má vậy.

- Ơ, em nói hay nhỉ! Anh không con của má thì con ai? Nhưng anh phải kiếm tiền lo cho gia đình chứ không lẽ cứ ở nhà chăm má sao. Sáng nay em lạ vậy!!

- Tại em thấy chồng dạo này bỏ bê nhà thờ, cúng giỗ cũng chẳng quan tâm, má chỉ cần anh về sớm ăn cơm với má, mà ngày nào anh cũng về muộn.

- Anh hiểu, anh hiểu! Không bàn tới chuyện này nữa. Em yên tâm, anh vẫn giữ trọn đạo hiếu, anh là dân đạo gốc à nghen! Thôi, không đôi co với em, anh đi làm.

Chị thấy ấm ức, nghèn nghẹn nơi cổ họng. Ngày xưa, khi chưa làm trưởng phòng, anh có vậy đâu. Anh là con nhà đạo gốc, đạo dòng, chị nào dám qua mặt! Chị chỉ là người đạo theo thôi mà, nào đâu rành rỏi như anh! Chuyện thảo kính ông bà, anh biết rõ luật đạo, còn chị, chị chỉ làm theo trái tim mách bảo. Càng nghĩ, chị càng thấy buồn. Khóe mắt chị đỏ hoe.

Có tiếng trở mình, hình như bà nội cu Bin dậy. Chị lau giọt nước mắt còn đọng lại trên mi, cố tươi tỉnh như không có gì xảy ra. Chị mong bà cụ không nghe cuộc trò chuyện giữa hai vợ chồng chị. Nghe được, chắc bà cụ buồn lắm! Tuổi già hay tủi thân.

- Con nói thằng Tân chưa con?

- Dạ, con nói rồi má! Ảnh bảo do dạo này công ty nhiều việc quá, để ảnh sắp xếp.

- Nó thì có khi nào mà không sắp xếp. Thôi mai, má con mình làm mâm cơm, xin cái lễ cho ông cũng được rồi. – Bà Năm nói giọng buồn buồn.

- Dạ, chiều nay con đi lễ, rồi con xin lễ luôn. Để con vô lay cu Bin dậy, rồi mình ăn sáng nghen má. Con hầm cháo xong rồi!

- Ừ, mà hôm nào hai vợ chồng bây về thăm ông ngoại cu Bin đi, má thấy lâu rồi mà tụi bây không về thăm ổng. Nói chứ, con trai nó hay vô tâm lắm, con gái chu đáo hơn.

- Dạ! Con tính cuối tháng này, má!

…..

Chiều, cái nắng hừng hực cuối tháng hai đổ xuống con đường nhựa bỏng rát. Không một làn gió, không một tiếng sẻ kêu. Dường như những chú chim cũng đi trốn cái nắng nóng đầu hè của dải Cao Nguyên này. Chưa có năm nào nắng nóng như năm nay. Bầu trời quang đãng không một bóng mây. Chị men theo vỉa hè, đi về hướng nhà thờ. Cu Bin vừa đi vừa nhảy chân sáo. Cu cậu mới năm tuổi, cái tuổi vô lo, tuổi thiên thần. Vừa đi cu cậu vừa nhai kẹo, tới gần nhà thờ rồi mà cu cậu còn lột vỏ thêm một viên kẹo nữa. Tiện tay, cu cậu vứt vỏ luôn xuống đường, làm chị phải nghiêm giọng:

- Bin, nhặt vỏ kẹo lên!

- Có một cái vỏ bé tí hà mẹ, gió sẽ thổi bay thôi mà.

- Không được cãi mẹ, quay lại nhặt lên.

Cu cậu phụng phịu quay người, cúi xuống nhặt chiếc vỏ kẹo mà cậu vừa vứt xuống đường. Cái bộ thấp chũn của cu Bin trông vừa đáng yêu vừa buồn cười. Nhưng chị cố nén nụ cười lại và giảng giải cho cậu bé năm tuổi.

- Bin có biết là con vứt vỏ kẹo xuống đất là không ngoan không?

- Dạ, nhưng chỉ có cái vỏ kẹo bé xíu hà!

- Đúng rồi, cái vỏ kẹo bé xíu, nhưng mà Bin vứt xuống đường như vậy rồi nhiều người cũng bắt chước Bin, mọi người cũng vứt đầy đường thì sao!?

- Bin hông biết!

- Nhiều người không ý thức như Bin thì sẽ có nhiều rác nè, các cô lao công vất vả hơn, và nhiều rác sẽ làm không khí không được sạch, Bin hít vào Bin sẽ đau mũi, sẽ phải đi bác sĩ, chích kim thật đau.

- Dạ, vậy Bin hổng xả rác nữa, xíu tới nhà thờ, Bin bỏ vào thùng rác.

- Đúng rồi! Bin của mẹ giỏi lắm!

Thánh lễ ba giờ chiều. Độ nóng trong thánh đường làm chị nhễ nhại mồ hôi dù chỉ ngồi nghe giảng. Cu Bin chốc chốc lại lấy tờ giấy quạt phành phạch. Hôm nay, Ông chủ tế, vị giám mục già khả kính mà chị từng biết. Tiếng ông khàn khàn, trầm ấm nhắc con cháu biết ơn đến đức cố giám mục Phaolo. Người đã để lại cho giáo phận biết bao công trình, sự yêu thương và là một tấm gương sáng về đức tin. Ông cũng nhắc mỗi người thảo kính cha mẹ ông bà, bởi đó là điều răn quan trọng trong Mười Điều Răn Đức Chúa Trời. Giọng Ông lúc âm vang, khi trầm ấm gieo vào lòng mỗi người có mặt trong ngôi thánh đường cổ kính. Chị nghe mà lòng thấy xấu hổ, xấu hổ cho cả ba cu Bin. Chị thấy mình còn thiếu sót nhiều lắm trong đạo làm con.

Lễ xong. Cái nóng cũng dịu bớt. Hai mẹ con chị ra về. Thằng cu con cứ líu lo đủ chuyện trên trời dưới đất. Còn chị, chị suy nghĩ nhiều về bài giảng thánh lễ hôm nay. Chị miên man nhớ về ngày xưa, khi anh và chị chưa thành vợ nên chồng.

***

Ngày đó, rào cản lớn nhất để chị đến với anh là tôn giáo. Gia đình chị thờ ông bà, còn gia đình anh, Công giáo toàn tòng. Chị cự nự “theo đạo rồi em bỏ ông bỏ bà sao?” khi anh muốn chị học đạo Công giáo. Chị giận dỗi bỏ về, để mặc anh đứng dưới mưa trong công viên. Cũng một ngày mưa, sau ba tháng im lặng, anh đến, đứng trước mặt chị, nói: “Mình cưới nhau đi em. Đạo ai nấy giữ”. Lúc đó chị vỡ òa niềm vui. Nhưng Thiên Chúa lại không muốn điều đó, Ngài muốn chị mãi mãi thuộc về anh, mãi mãi thuộc về giáo hội Công giáo để tình yêu của chị và anh trở nên trọn hảo hơn.

Ngày anh chị đến Ông xin giấy chuẩn hôn nhân khác đạo là ngày Ông đã làm chị thay đổi suy nghĩ về đạo Công giáo. Ông trò chuyện với chị, thật nhiều.

- Tại sao con lại xin chuẩn khác tôn giáo? Nghĩa là làm sao?

- Dạ, thưa Ông, đạo ai người nấy giữ ạ!

- Vậy có nghĩa là chồng con giữ đạo Công giáo, con con sinh ra cũng được rửa tội và giữ đạo Công giáo, còn con thì không phải không?

- Dạ!

- Tại sao?

- Dạ, con còn phải thảo cha kính mẹ, thờ cúng ông bà tổ tiên.

- Con suy nghĩ chưa?

- Dạ rồi Ông!

- Chắc không! Đạo ai nấy giữ?

- Dạ chắc.

- Con đúng là khùng khùng mát mát!

- Ơ, sao ông nói con vậy! (Chị giận lên, lần đầu tiên, một người gọi chị khùng khùng mát mát, chị không thể kiềm chế được bản thân, chị giãy nãy)

- Ông hỏi con tới ba lần, mà con vẫn giữ nguyên quan điểm. Bây giờ ông nói con khùng khùng mát mát mà con nổi giận thì con siêu khùng siêu mát.

Chị im lặng, chị suy nghĩ nhiều về câu hỏi của Ông, phải có nguyên do nào đó Ông mới nói chị như vậy. Căn phòng trở nên im lặng đến ngạt thở. Yên ắng đến mức một con ruồi bay qua cũng có thể nghe tiếng nó đập cánh. Ông mở lời:

- Con nghĩ kỹ coi, ai lại đi rước một thằng về làm chồng, chấp nhận cho một thằng chồng bất hiếu với cha mẹ đẻ của mình, tổ tiên mình. Ai lại chấp nhận đẻ ra đứa con, để nó bất hiếu với ông bà ngoại, dì cậu, họ hàng bên ngoại của nó! Khùng mát chứ còn gì nữa?

Chị dịu lại. Chị thấy Ông nói quá đúng! Ai lại có thể lấy một người, để rồi người đó bất hiếu với cha mẹ của mình. Nhưng chị vẫn còn cái nút thắt trong lòng chữa gỡ được. Người ta vẫn nói, đạo Công giáo bỏ ông bỏ bà là sao? Đạo Công giáo không thờ cúng ông bà là sao? Và chữ hiếu của người Công giáo phải thể hiện cách nào? Bao nhiêu câu hỏi cứ bám lấy chị. Chị nhìn ông, đôi mắt chị như muốn nài Ông cho chị một lời giải đáp. Ông tiếp lời:

- Thôi bây giờ con nói đi, con thảo cha kính mẹ bằng cách nào?

- Dạ…dạ…mẹ con mất sớm, còn mỗi mình ba con. Con lo sau này ba con qua đời, không ai lo hương khói cho ba con.

- Vậy con đợi ba con chết mới thờ cha kính mẹ sao con? Người Công giáo là thờ cha kính mẹ mọi lúc mọi nơi dưới mọi hình thức. Thôi được rồi, đợi ba con chết, con hãy thờ cha kính mẹ. Thế bây giờ, Ông hỏi con, con nghĩ như thế nào là thờ cha kính mẹ?

- Dạ con không biết!

- Để ông nói nhé, có phải khi cha mẹ còn sống, con chăm lo phụng dưỡng, khi cha mẹ ông bà qua đời, tụi con lo ma chay tống táng, nếu có tiền thì hằng ngày thắp nhang, mua trái cây về trưng trên bàn thờ, khi cúng giỗ thì làm mâm cơm, lạy mấy cái phải không?

- Dạ!

- Còn gì nữa không?

- Dạ hết rồi!

- Trời đất! Tụi con thờ cha kính mẹ có bấy nhiêu đó thôi sao? Sao tụi con nghèo quá đi, thờ cha kính mẹ như vậy là nghèo hết sức. Người Công giáo thờ cha kính mẹ tuyệt vời vô cùng con ạ. Không chỉ có ông, không chỉ có con. Bây giờ, ba mẹ tổ tiên con, ông cũng không biết, nhưng ngày nào ông cũng dâng lễ cầu cho ông bà tổ tiên con. Mà không chỉ có ông đâu, trên cả thế giới, người Công giáo trên cả một tỷ người, không chỉ một lúc hay hai lúc mà mỗi giây mỗi phút, thánh lễ liên tục, cầu cho các tín hữu đã qua đời, trong đó có mẹ con, tổ tiên con. Mọi cái, áo quan, bánh trái ngày cúng chỉ đẹp mặt người sống thôi, người sống ăn còn không nổi, người chết ăn được cái gì. Người Công giáo không chỉ dâng của lễ là cơm bánh, là lời cầu nguyện, là ý lễ đâu con, mà còn là Mình Máu Chúa KiTô, là lời cầu bầu của Đức Mẹ và các thánh trên trời. Người Công giáo tuyệt vời vậy đó con!

***

Vừa đi vừa nghĩ, chị về nhà lúc nào không hay biết. Bà nội cu Bin lui cui trong bếp. Thấy chị, bà cười:

- Bây về rồi đó hả? Má thấy bây về muộn, má cắm nồi cơm rồi đó.

- Dạ, má để đó cho con, má nghỉ ngơi đi. Má thiệt tình, cứ lui cui hoài à!

- Má quen rồi, không làm không chịu được. Thôi má lên nhà.

- Dạ!

Với chị, khái niệm mẹ chồng nàng dâu không còn nữa, bà thật sự như mẹ ruột của chị vậy. Bà chăm chút thương yêu chị từ ngày chị mới về đến bây giờ. Có lẽ bà bù đắp tình cảm mà chị đã mất từ lâu. Chị yêu thương bà và bà cũng vậy. Không những thế, bà còn dặn dò chị và anh phải hiếu thảo với cha của chị, năng thăm nom ông. Còn anh, anh luôn hiếu kính với cha mẹ hai bên, đơn sơ, chân thành nhưng dạt dào tình nghĩa, như ngày xưa Ông đã nói với chị. Nhưng từ ngày lên chức trưởng phòng, anh đổi khác, anh lao vào công việc, những cuộc hẹn và tiền. Với anh, chỉ cần làm ra nhiều tiền, chu cấp cho vợ con, mẹ già là hiếu thảo, anh quên rằng, có những thứ, tiền không thể mua được và chữ hiếu không thể dùng tiền để đánh đổi. Càng nghĩ chị càng thấy buồn! Ước chi anh cứ là anh của ngày xưa! Giá như có một phép màu để anh thay đổi! Chị cầu nguyện!

***

Sáng, chị thức dậy sớm như mọi ngày. Chị nhìn ra cửa, cơn mưa cứ ồ ạt trút nước. Chị thở dài! Một cơn mưa trái mùa. Một vòng tay ấm ôm lấy chị từ phía sau. Một giọng ngái ngủ thủ thỉ bên tai chị: “Vợ ơi! Hôm nay chồng sẽ ở nhà, đèo vợ đi chợ, vào bếp làm cơm với vợ để giỗ nội. Vợ đồng ý nhé!”. Chị nắm lấy tay anh, vờ giận dỗi: “Anh không đi làm sao? Với anh công việc lúc nào cũng trên hết!”. Anh siết tay, ôm chị thật chặt, im lặng hồi lâu rồi thì thầm như hối lỗi với vợ hay đúng hơn là nói với lòng mình: “Hôm qua, anh dự lễ mở tay của một cha bạn. Trong bài giảng, cha kể về người mẹ và sự vô tâm, tinh nghịch của ngài lúc trẻ đã làm cho bà bị mù đôi mắt, làm anh suy nghĩ rất nhiều. Vợ ơi, xin lỗi mẹ con em, anh thật vô tâm! Anh cứ nghĩ, cứ chu cấp đầy đủ tiền bạc cho gia đình là tròn bổn phận, nhưng không, anh đã sai lầm! Nếu một ngày nào đó, mẹ không còn, em không còn, tiền nhiều cũng chẳng giúp được anh có lại em và mẹ. Và anh…anh đã xin cơn mưa này đấy, để anh ở nhà. Như một phép lạ phải không em, phép lạ để anh có chút thời gian nghĩ lại mình…”. Chị quay lại, hôn lên trán anh nhẹ nhàng! Bất giác, chị nhìn lên ảnh Chúa Thương Xót, thì thầm “Cám ơn cho con cơn mưa dịu ngọt. Mưa hồng ân, để những giọt nước mát ấy làm tan đi cái oi bức đầu hè, để tưới mát tâm hồn khô cằn của chồng con, để mẹ con lại thắp lên tiếng cười trong tuổi già bóng xế”.

 

Mã số: 16-111

 

LỜI CHUÔNG CHIỀU

 

Cuộc chạy đua không phân thắng bại giữa thời gian và mặt trời, khiến cho khuôn mặt của những vòm mây biến sắc:  từ trong xanh hy vọng sang hồng tím của sự giận dữ và cuối cùng là xám xịt tức tối. Những cơn giông ùn ùn kéo đến báo hiệu cho cơn thịnh nộ sắp xảy ra. Phía cánh đồng xa xa có mấy người nông dân lấm lem bùn đất sợ hãi nhanh chóng vác bừa, kéo cày về nhà. Lác đác vài hạt mưa tròn trịa rơi vãi tung tóe, rồi nặng hạt dần. Cơn mưa đầu xuân mang không khí lạnh mỗi lúc một buốt hơn, len lỏi khắp cùng làng ngõ xóm. Văng vẳng đâu đó là tiếng chó con giành bú kêu ăng ẳng hòa lẫn với tiếng heo con mới đẻ éc éc không ngủ được vì lạnh, tiếng rắn rết như còi xe hết bình,…tất cả tạo nên dàn đồng thanh đặc sắc của vùng quê nghèo.

Mưa tạnh. Trời đã mấp mé canh hai mươi giờ, cái lạnh mỗi lúc một buốt hơn. Bầu trời loang lổ, rải rác vài ngôi sao bỗng xuất hiện lập lòe, heo hắt như những chú đom đóm con, để lại trên không trung một nỗi buồn sâu thẳm. Bà năm một mình ngồi trên sạp tre trước hiên đờ đẫn ngắm nửa vầng trăng bị những giọt mưa cắn nham nhở biến dạng và sinh khí như bị ai hút hết. Bà ngồi gập hai chân vào đùi, cái lưng còng veo như con tôm luộc. Một tay chống cằm, một tay cầm tràng chuỗi,  miệng lẩm bẩm, mắt hướng về chốn xa xăm, hồn như lạc vào cõi vĩnh hằng để lại cái xác trơ trọi.

Ai cũng hiểu sự tình nhà bà, chỉ có bà là không hiểu. Bởi lẽ nó đã ăn sâu vào tận xương tủy đến nỗi bà quên bẵng đi cái hiện tại phũ phàng, mà ai nấy cũng chắp lưỡi: “Vậy sẽ tốt hơn cho bà ấy”.

Một đời đạo đức thánh thiện, bà được gả cho ông biện Bảy (cái tên thân mật mà mọi người gọi ông). Một gia đình gia giáo, đạo đức, ông bà có năm người con: bốn người con gái, chỉ duy nhất một cậu út (đứa con cầu khẩn) và cũng là đứa cháu đích tôn độc nhất. Nhờ Chúa nuôi, cả năm đều lớn lên khỏe mạnh và ăn học đến nơi đến chốn, đứa nào đứa nấy đều trở nên bài ca của cả xóm, cả xứ đạo.

***

Nói đến đây ai nấy đều nghẹn lòng. Không khí xuân ảm đạm đến lạ thường, mấy con quạ mù bay lộn chỗ đậu trước nhà bà kêu la inh ỏi. Bà lấy đá ném nhưng né rồi lại đậu, chúng nghịch như những đứa trẻ lên ba hiếu động.

Càng lúc càng ồn ào, náo nhiệt , tiếng quạ lẫn tiếng la hét, khóc thét của mấy người đàn bà và tiếng chắp răng, chắp lưỡi não nề của mấy người đàn ông làm cho không khí càng trở nên nặng nề. Một lúc sau, người ta nghe từng phát một tiếng chiêng nhà thờ. Cả xóm nhốn nháo như bầy gà mất mẹ.

- Ai chết vậy cà?

- Bữa giờ có nghe ai đau ốm gì đâu?

- Trời ơi??? Ông biện Bảy chết rồi.

- Gì??? Ông biện Bảy chết hả?

- Chúa ơi? Mà sao ổng chết? Có đau ốm gì đâu?

- Mau mau qua xem tình hình thế nào?

Miền quê là thế, thông tin nhanh hơn cả vận tốc gió.

Vài giờ sau, sân nhà ông đã chật người viếng thăm. Phần vì thương tiếc, phần vì tò mò về cái chết bất ngờ của ông. Đến nơi, mọi người ai nấy đều giật ngửa người, không còn dám tin vào mắt mình nữa khi thấy ông  biện Bảy nằm sãi nghiêng trên giường, chung quanh bê bết máu đã sánh đặc. Vết thương trên bụng làm bằng chứng cho nhát đâm chí mạng. Ông nằm dạt sát giường, màu da xanh như tàu lá chuối, hệt cái xác cá khô. Hai tay ôm chặt tượng Chúa Giêsu bằng đồng đen. Cái tượng từ thời xa xưa ông bà để lại, nó rất quý vì bấy giờ đồng đen rất hiếm. Nghe đâu nhiều lần có mấy người làm ở bảo tàng tỉnh đến hỏi mua với giá cả trăm triệu, thế nhưng ông nhất quyết không bán. Ai cũng cho là ông bị điên vì quá sùng đạo, số tiền lớn như thế mà không bán. Có số tiền đó gia đình ông sẽ được đổi đời, “bán tượng ấy đi để mua hàng trăm tượng nữa mà về thờ không tốt hơn sao?”.

 Có ai hiểu được tình yêu Chúa trong ông, ngoại trừ bản thân ông. Ông từng nói: “Không một giá trị nào có thể sánh bằng Chúa của tôi kể cả mạng sống tôi”. Và có lẽ sự thật giờ đây đã rành rành trước mắt, ngay giờ phút này ông đã chứng minh cho mọi người lời ông từng nói. Chuyện như không thể xảy ra nhưng đã xảy ra. Một người đạo đức suốt đời tận tụy phục vụ nhà Chúa không nề hà, than van như ông mà hôm nay lại gặp phải oan cảnh này, thật đau lòng. “Đúng là trời cao không có mắt” (lời nói trống không bâng quơ của ai đó giữa đám đông) càng kiến cho lòng người thêm trĩu nặng.

- Trộm ư? Sao nó chẳng lấy của???

- Chẳng lẽ ông Bảy kết thù kết oán với ai? Từ hồi nào tới giờ ông có thù với ai đâu?

- Hay là…(một sự nghi ngờ bâng khuâng hữu ý hay vô tình của đám bà tám xì xào rồi im bặt hẳn ).

Hàng trăm câu hỏi không lời giải đáp như thế cứ dồn dập huyên thuyên, xầm xì rồi to dần, to dần. Bên ngoài trời đã tối mịt, hiu hắt vài bóng đèn được thắp lên lu mờ như khung cảnh tang thương nhà ông Bảy. Người viếng thăm cũng thưa dần, chỉ còn lời ra tiếng vào bàn tán của mấy người đàn bà nhiều chuyện tụ năm tụ bảy chỉ biết nhìn đời bằng mắt thường và sống bằng môi miệng. Mấy bô lão lưng đã còng, mắt đã sụp vì không ngủ được, tay run lẩy bẩy ghì chặt chén trà thả từng ngụm đắng nghét, ngồi bàn chuyện lễ tang. Họ nhắc tới ông Bảy như một vị quan liêm chính, khôn ngoan một đời mà dại một phút vì quá tin con để rồi phải lãnh nhận cái chết tức tưởi, tàn nhẫn như hôm nay.

Giờ đây mọi chuyện mới vỡ lẽ, cái lạnh của không khí nào sánh bì với cái lạnh trong tâm hồn lạc lối. Quỳ trong nhà lao trống vắng đến rùng rợn, thằng út ôm tượng Chúa kể lại cái chết của cha mình như một bộ phim hành động.

***

Sáng hôm ấy, cái hôm mà trời đất u ám, không khí lạnh bao trùm. Mặt trời tái nhợt núp sau những tảng mây đen khổng lồ, gió cứ ào ạt từ đâu kéo đến tạt vào da thịt tê rần. Bà bảy vảy gánh rau ra chợ xỏm (công việc thường ngày của bà). Trời lạnh, chợ ế, rau cũng ế ẩm nên bà về sớm. Vừa về đến cổng bà nghe có tiếng cãi vã to trong nhà.

- Mầy làm gì vậy thằng con bất hiếu kia? Tao nuôi mầy ăn học hết tiền hết bạc, tao tự hào với cả xứ vì nuôi cho mầy ước mơ đi tu, mà giờ mầy xử với tao thế à? Mầy thành quỷ dữ rồi con ơi là con…(Giọng nói đứt hơi trong tiếng khóc tức tưởi, tủi nhục của người cha hy sinh cả đời vì con).

- Tui chỉ lấy cái tượng đồng này bán đi thôi. Ông làm gì ghê vậy. Tui bán rồi tui mua chục cái khác đẹp hơn cho ông. Tui hết tiền mua thuốc rồi. (Lời nói ồm ồm với cha lạnh như tờ của thằng út).

- Cả Chúa mà mầy cũng bán ư?

- Bán tất. Cứ có tiền là bán?

- Tao đã nói là mầy không được lấy. Trời ơi, phạm thượng đó con ơi! Dừng lại đi con! Con đã từng hứa với ba là cho tiền con học ở thành phố rồi ra trường con đi tu cơ mà? Cớ sao lại ra nông nổi này hả con? (Giọng nói già nua trong nước mắt cầu con trở về của ông Bảy).

- Hết lần này nữa thôi. Tôi đau đớn, khó chịu lắm ông biết không?

- Tao đã nói là không được. Thà mầy giết tao đi còn hơn để tao nhục nhã với bà con lối xóm.

Tiếng xô đẩy, giành giật mỗi lúc một gay cấn …và rồi tiếng gọi “Chúa ơi” đứt quãng trong không trung bao la.

Bà bảy vứt gánh rau chạy vào và thét lên…. Ngôi nhà như vỡ tan tác để lộ vòm trời đen ngòm, gió rít vào khung cửa sắt bốc mùi lạnh tanh. Thằng út tay cầm con dao máu nhỏ giọt chảy vào tim bà đau đến vô cảm. Thằng út bất thần bỏ chạy như bay và mất dần theo tiềm thức của bà. Chỉ còn lại tiếng chuông chiều vang vọng lơ lửng.

***

Thằng út chạy mãi, chạy mãi về phía tiếng chuông. Bất chợt nó dừng lại trước cửa nhà thờ, đôi chân rã rời, từng khúc xương rời ra, dòng máu chảy chậm dần rồi ngưng hẳn. Nó quỵ gối xuống, thân thể như tan chảy thành nước, trái tim vỡ tan tành để lại nỗi đau tột cùng. Con dao đầy máu đang dần dần xuyên qua lớp da rồi đến từng thớ thịt đâm vào tim nó. Nỗi đau ấy dằn xé hơn cả cơn nghiện mà nó vừa trải qua. Nó lạnh nhạt nhìn Chúa, hai hàng nước mắt nặng trĩu kéo con tim quay về đúng vị trí. Một luồng gió mang theo sự can đảm lan tỏa khắp cơ thể nó. Giữa không gian cô tịch vang vọng bên tai nó tiếng chuông liên hồi: “Hãy trở về, trở về cùng Ta”. Nó vụt dậy rồi lặng lẽ lê từng bước chân nặng trịch quay về nhà và thú nhận mọi tội lỗi như lời sám hối cuối cùng với cha nó và rồi nó ôm tượng Chúa vào nhà lao để thức tỉnh mỗi ngày, bỏ lại đằng sau người mẹ già cô liêu. Thế nhưng ai đã mang lương tâm thằng út trở về, phải chăng là sức mạnh của tiếng chuông hay là sức mạnh của tiếng ai đó đang gọi nó. Một phút lầm lỡ, đua đòi theo chúng bạn cùng lứa ở cái thành phố hào nhoáng, đầy dẫy cạm bẫy đã biến nó từ một thư sinh chất phát, hiền lành học giỏi thành một tên nô lệ cho ma túy để rồi cơn nghiện đã khiến nó trở thành đứa con sát nhân giết cha. Chẳng còn tội lỗi và nỗi đau nào lớn hơn thế nữa. Tưởng chừng như mọi thứ đã chấm dứt, nhưng không, cuộc sống vẫn còn mãi ở đời này và đời sau. Và có lẽ ông Bảy đang mỉm cười mà về với Chúa vì sự hy sinh của ông đã đánh đổi linh hồn con trai ông quay về với Chúa.

 

Mã số: 16-114

 

BÀI CA CỦA TRÁI TIM

 

Vào chiều muộn một ngày đầu đông năm ấy, trên con đường đất đỏ ngoằn ngoèo uốn khúc, có người phụ nữ khó nhọc đi bộ một mình từ cánh đồng về nhà. Cơn gió mùa Đông Bắc chợt ùa về chạm vào đôi quang gánh đầy khoai mì cùng với cái bụng bầu của bà mẹ luống tuổi. Hơi lạnh hanh hao làm đứa con trở mình. Cứ đi được vài bước bà lại dừng chân ôm bụng thì thào: “Con ơi, cố chút nữa gần về tới nhà rồi…”. Nhưng không kịp. Bên con sông mùa nước cạn, ngay sườn đê, đám cỏ may khô cháy không từ chối đón lấy một sinh linh bé bỏng vào đời. Đó là một bé gái có cặp mắt đen, nước da ngăm đen bánh mật với khuôn miệng nhỏ và một má lúm đồng tiền sâu thật sâu. Nhưng éo le thay cô bé có một bàn tay khác người. Bà mẹ ôm con vào lòng, những giọt nước mắt âm ỉ chảy ngược vào trong không thành lời. Tiếng khóc yếu ớt của đứa trẻ tan loãng giữa khoảng không tranh sáng tranh tối đang lịm dần quạnh vắng mênh mông. Sự vất vả, cảnh thiếu thốn ấy không đánh gục được sự dẻo dai của người phụ nữ xứ Bắc đã bao lần nếm trải những tủi nhục của phận người.

Người phụ nữ ấy là bà chủ của nó, bé gái ấy là cô chủ của nó. Nó không tên, không tuổi, không tài. Nó là ngón tay thứ sáu trên bàn tay tật nguyền của cô chủ nhỏ. Người ta nói : “Với kỹ thuật hiện đại trong các bệnh viện thời nay những trường hợp như của con bé thì lo gì, có tiền thì chỉ việc phẫu thuật, cắt bỏ là xong…”. Có kẻ thì buông lời có vẻ xót thương : “Con bé có khuôn mặt sáng sủa, thông minh vậy mà Ông Trời cứ thích đùa giỡn kiểu ấy. Ai đã có thì được cho thêm, còn ai không có thì ngay cả cái bình thường nhất cũng bị lấy đi, thật là bất công vô lý…”

Mấy bà sồn sồn thì bĩu môi: “Con rơi con vãi, được như vậy là phúc lắm rồi…”. Trong cái xóm nửa đạo nửa đời này, với hoàn cảnh của bà chủ và sự ra đời của cô chủ có gì mà người ta không thêm bớt được. Bên tai, cửa miệng thiên hạ trăm lời trăm ý, bà lặng thinh. Bà chủ âm thầm dặm hỏi về những ca phẫu thuật dị tật nhưng rồi cũng chỉ biết lùi lũi trở về. Làm sao bà có thể chi trả một số tiền quá lớn so với gia tài còm cõi của mẹ con bà? Nhìn bàn tay của con gái, bà tự vấn an: “Cái khó rồi sẽ ló cái khôn thôi, ít ra con mình vẫn còn bàn tay trái lành lặn, một trái tim khỏe mạnh, một trí khôn đủ để nó biết gọi mẹ, yêu mẹ. Chỉ mong sao con bé ngoan ngoãn và biết vươn lên…”. Bà bằng lòng với số phận và gật đầu phó thác.

“ Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó”, nó nghe được bà chủ đã từng đọc như thế. Hóa ra cái nghèo không mong đợi ấy lại trở nên mối phúc cho số phận nó. Bà chủ nghèo, cô chủ con nhà nghèo và nó cũng nghèo. Nhờ nghèo mà nó không bị phế bỏ, từ đó nó tập bắt chước cám ơn Chúa của bà chủ, của cô chủ. Ngay cả những khi khốn khó nhất nó vẫn thấy họ tạ ơn Ngài.

Từng lời ru ngọt ngào theo tháng năm dài, cùng sự chắt chiu của bà chủ, với từng đọt mồng tơi, với canh tím rau dền, với mắm muối dưa cà… nó lớn theo cô chủ nhỏ. Nhưng có cố gắng mấy chị em nhà nó cũng không thể linh hoạt thân mình để giúp cho cô chủ có thể cầm nắm được, dù chỉ là một cây bút chì nhỏ cũng thật khó khăn. Nó bỗng thấy mình phiền phức và vô duyên trên thân thể cô. Và điều gì đến cũng phải đến. Cô chủ nhỏ của nó bắt đầu phải đối diện với những cái nhìn thọc mạch, trêu ghẹo từ lũ bạn. Chúng gọi cô là con bé không cha, con bé sáu ngón, thọt tay…Những ngày đến trường cô chủ thường giấu anh em nó trong vạt áo, trong ngăn bàn, đằng sau lưng… miễn sao để khuất mắt lũ bạn ác khẩu của cô. Nó soi thấy mình trong đôi mắt sắc đầy nghị lực ấy. Nó thương cô chủ nhưng đành nín lặng vì bất lực. Suốt những năm ở trường tiểu học, cô chủ đã nhiều lần thử sức với nó nhưng bộ xương co quắp khiến nó không thể duỗi thẳng và cử động được, năm anh chị nó cũng vậy. Việc duy nhất anh em nó có thể giúp cô chủ là đung đưa để cô có lực thăng bằng bước đi.

Cứu cánh duy nhất của cô là anh chị bên bàn tay trái. Từ ngày phát hiện ra sự bất lực của nó, bà chủ đã tập cho cô cầm bút tay trái. Dẫu những nét chữ còn méo mó, vẹo vọ nhưng có hy vọng. Nó mừng lắm! Những cuốn tập trắng bỗng trở thành lem nhem bởi cô chủ phải tập viết từ trái qua phải. Các anh chị tay trái không thể tránh day vào những con chữ khi mực chưa kịp khô. Nó như một con bù nhìn chỉ biết ngồi nhìn tất cả những khó khăn ấy của cô. Nó thoáng buồn.

Sự kiên nhẫn, sức chịu đựng và nghị lực của người mẹ nghèo khổ đã được cô chủ thừa kế từ những ngày tấm bé. Năm tháng thời gian cứ thế qua đi, cô cũng quen dần với sự hiện diện bất đắc dĩ của nó. Cô mặc cho thiên hạ để ý, dòm ngó, bàn luận về bàn tay dị tật và hoàn cảnh của mình. Rồi họ cũng thôi nói, thôi nhìn…nó chợt nghiệm ra rằng : Ở đời này con người ta thật dễ gán ghép, dễ lên án người khác chỉ vì một quá khứ không mong đợi. Người ta khó tin được rằng chỉ với một ánh nhìn bao dung hoặc chỉ qua một đêm, người lầm lỗi có thể hoán cải, biến đổi, khác đi và tốt hơn. Phải chăng nó đã thấu cảm được tất cả những điều ấy từ nơi mẹ con bà chủ. Còn nó, nó biết ơn cô chủ vì đã không ghét bỏ nó.

Rồi một ngày cô chủ thành thiếu nữ, có nhiều người bạn khâm phục sự vượt khó của cô. Nhưng một chốc yếu đuối nào đó, nỗi tự ti ẩn tàng vô thức lại trỗi dậy trong cô. Nhìn mình  trong gương, cô giơ tay ôm mặt bật khóc. Nó chạm vào những giọt nước mắt long lanh đang đuổi nhau trên đôi má hồng.

Lần đầu tiên nó hiểu được mặc cảm và nỗi tủi của một cô gái tuổi mới lớn. Cô chủ không vui bao nhiêu thì nó buồn bấy nhiêu. Cô tự ti về khuyết tật nơi nó chừng nào thì nó cũng tủi thân chừng đó.

Nó bắt đầu biết so sánh và soi mình nơi kẻ khác. Nó còi cọc và xấu xí, nó cũng muốn được nên hữu ích như các bạn tay trái. Anh chị ấy mỗi người một tài năng. Ai cũng được khoác lên mình những đường vân tay tròn trịa, cô chủ gọi đó là hoa tay. Còn nó không hoa. Nó ngưỡng mộ chị ngón trỏ vì lúc nào cũng được đi đó đây, chị có mặt trong thứ giấy tờ quan trọng nhất của cô chủ, chị mang lại an ủi cho cô. Các anh chị khác cũng có thể giúp cô cầm bút nắn nót. Em út nhỏ nhất thi thoảng cũng có thể nhảy múa trên những phím đàn organ. Anh em nó chỉ biết ngưỡng mộ. Nó thu mình lại với hàng ngàn lý do kiểu như thế. Nó cũng không hiểu tại sao nó lại trở nên như vậy. Vỏ ốc nó chui vào chặt cứng những nỗi mặc cảm vô ích. Nó đánh rớt sự lạc quan, tin tưởng mà lúc nhỏ nó học được nơi bà và cô chủ nó. Nó cũng muốn vượt lên số phận nhưng có thứ ma lực vô hình nào đó cứ cản chân nó.

Vào một đên sáng trăng, khi cô chủ say giấc ngủ. Chị ngón trỏ đến bên nó nhỏ to:

- Út à! Dạo này em có chuyện gì mà chị thấy mắt em buồn và đôi môi em khép kín không mỉm cười và ca hát nữa?

Đưa ánh mắt buồn nhìn chị, nó trả lời với một thắc mắc như chẳng liên quan gì đến điều chị hỏi:

- Chị ơi! Cô chủ vẫn hay gọi Thiên Chúa là Cha nhân lành, nếu Chúa nhân lành thật, sao Ngài lại để em sinh ra trên thân thể của cô? Em thấy mình giống như một món nợ vô dụng…

Chị ngón trỏ như hiểu ra vấn đề. Im lặng trong giây lát, chị ôn tồn:

- Út ngốc quá! Thiên Chúa của cô chủ cũng là Thiên Chúa của chị em mình. Cô chủ yêu mến Ngài hẳn vì Ngài yêu thương cô trước. Sự nghi ngờ ngớ ngẩn của em như vết nhơ đang quệt lên mặt Ngài kìa! Chị nghĩ Chúa muốn cô chủ “kết bạn” với “cái nợ” thì sao?

- Nợ thì là gánh nặng, người ta muốn trút đi chẳng được chứ ai đời muốn mang lấy hả chị? Mang trên vai một “người bạn” mà họ không hề thích, chẳng hề quý sẽ rất khổ cho cả hai.

- Nhưng lâu nay cô chủ của chúng ta vẫn sống yêu đời và hạnh phúc đấy thôi! Em thử nghĩ coi, giả như cô ấy có “quẳng gánh nặng đi để vui sống” thì cô ấy liệu có thực vui và thực sự hết được gánh nặng? Em muốn cô chủ là một kẻ trốn “nợ” và hắt hủi em sao? Nếu vậy, thánh giá, nghị lực, ý chí, trách nhiệm trong cuộc đời này còn ý nghĩa gì đây?

Nó im lặng hồi lâu. Chị trỏ chuyển giọng:

- Em thấy mình là “của nợ” ư ? Vậy lo mà trả, đừng giống như con dế ngồi ở đáy hang nữa, em sẽ ngộp thở cho mà coi…

Nó gục đầu không nói, nước rỉ ra nơi khóe mắt. Chị hạ giọng:

- Nếu em không thể giúp gì được cho cô chủ thì em vẫn có thể hát kia mà, khi hát những đường vân tay nơi em sẽ hiện lên rõ hơn, hãy ngắm kỹ chúng và em sẽ thấy sự sống của em trên thân thể cô chủ đã đủ là một quà tặng của Chúa rồi.

- Em muốn như thế lắm, nhưng đó chỉ là một khát mong, còn thực tế thì…

- Điều mà em đang chạy trốn cũng như điều mà em đang khát mong đều có sẵn nơi chính em đấy thôi.

- Vật em phải trả “nợ” sao đây chị?

- Cuộc đời sẽ bớt nặng, sẽ tươi vui và ý nghĩa hơn khi em sống tâm tình “nợ là một quà tặng”.,

- Là sao hả chị?

- Đơn giản là trả nợ bằng một ánh mắt biết ơn, một nụ cười hiền hòa, một cái bắt tay ấm áp hay chỉ là một ý nghĩ cảm thông… Em và cả chị nữa đều nợ bà chủ, cô chủ, cha mẹ, bạn bè, người thân trong những lúc họ nâng đỡ, sẻ chia vui buồn với chúng ta.

- Còn Thiên Chúa thì sao hả chị?

- Chúng ta nợ Ngài cả cuộc đời hữu hạn này…Từ ngày cô chủ thích những con chữ và những cuốn sách cô hay tâm niệm “học đạo, học văn và học cách làm người” cô ấy đã học và đã làm được. Nhờ cô mà chúng ta biết Chúa và nhờ Chúa mà chị em mình được sống, mà nói đúng hơn là Đức tin của bà chủ đã cho chúng ta sống. Cô chủ nói: Chúa là Đấng công bằng và giàu Lòng Thương Xót, có kẻ Chúa ban cho rồi Chúa lại lấy đi nhưng có người Chúa lấy đi rồi Chúa lại đong, lại lắc, lại dằn mà đổ đầy tràn những ơn lành khác trên họ. Có điều chúng ta có đủ tin để xin, để tìm và gõ cửa nơi Chúa hay không mà thôi em ạ !

Với tất cả ngôn từ của lý trí và tình cảm chân thành, dường như chị muốn giúp nó vượt qua chính mình, vượt qua cái khiếm khuyết về thể lý bằng niềm tin và nghị lực mà chị đã học được nơi bà và cô chủ.

Đêm càng về khuya, trăng càng sáng, trong thinh lặng nó miên man đuổi theo những suy nghĩ chạy dọc trong lòng. Sau cơn rối trí thấy nét mặt nó định tâm hơn, chị trỏ trầm ngâm rồi kể tiếp:

- Hôm qua cô chủ cầm tờ nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, em có biết chị thấy gì không?

- Thấy gì hả chị?

- Là hình những thai nhi lấm lem máu tươi…

Nó ớn lạnh, chị lại hỏi:

- Em có biết vì sao không?

- Do người ta mang thai ngoài ý muốn phải không chị?

- Đó chỉ là một trong hai nguyên nhân mà bài báo viết mà thôi. Là do người lớn họ nghĩ con mình bị dị tật, nghĩ con mình là quái thai, mà với họ quái thai, dị tật thì chỉ là gánh nặng, là của nợ và họ loại bỏ…bây giờ thì em thấy Chúa thương em chưa?

- Nhưng còn các em bé vô tội kia thì sao chị?

- Tất nhiên là Chúa cũng thương các em bé đó rồi nhưng theo cách của Chúa em ạ! Ngài cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như kẻ dữ, người già cũng như em bé thơ, người tàn tật cũng như kẻ lành lặn…Có điều người ta đã lạm dụng tự do Chúa ban mà tự cho mình có quyền trên sự sống của con mình, sự ích kỷ đã làm họ mù quáng. Có lẽ họ tin vào những chiếc máy siêu âm đa chiều hơn là tin vào quyền năng của Chúa?

Nói đến đó, chị cúi xuống ghi vào lòng bàn tay dị dạng của nó mấy dòng chữ: “Có người phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình mang nặng đẻ đau. Cho dù người mẹ có quên con đi nữa thì Ta, Ta cũng chẳng quên con bao giờ” (Is 49,15).

Đọc xong mấy dòng ấy, nó hướng mắt vào bức hình Chúa Giêsu bồng em bé và ngẫm nghĩ gì đó thật lâu. Buột miệng nó nói : Chị ơi, em hiểu rồi, cám ơn chị, chị ở lại cầu nguyện cùng em nhé!

Bóng hai bàn tay, một lành, một tật ịn lên bức tường màu vàng nhạt chiếu xuống bởi ánh đèn ngủ. Đó là lần đầu tiên nó muốn cầu nguyện cho kẻ khác, lần đầu tiên nó bước ra khỏi chính mình. Bỗng trong thâm tâm nó cứ lặp đi lặp lại một điệp khúc: “Con là kết quả Tình Yêu của Ta. Con độc đáo. Con duy nhất. Con không thể là ai khác cho dù con bắt chước.Ta cần con”.

Phải chăng đó là bài ca đầu tiên của trái tim ? Bống nó muốn hát…

Giữa khuya, một giọng ca nho nhỏ quyện vào tiếng con trùng gọi nhau trong đêm, thì ra giọng hát của Ân tự làm cô giật mình thức giấc. Cuốn sách của Helen Keller vẫn úp ngược trên ngực, một ngón trỏ kẹp ở trang số 288… Ân ngồi dậy làm dấu Thánh Giá rồi với tay bất chiếc đèn bàn cũ kỹ. Cô hì hục viết, viết về giấc mơ có thật của mình. Có tiếng gà gáy xa xa, Ân đặt một dấu chấm cho câu chuyện như cổ tích của mình. Cô buông bút, nhìn bàn tay trái mỏi nhừ trên tập A4 chi chít chữ, vài dấu mực còn dính trên bàn tay nhỏ. Cô tự cười mình.

Vẫn bức hình Chúa bồng bé thơ bên góc bàn, Ân nhìn cung kính rồi âu yếm áp tấm hình vào lòng. Cô thì thầm đọc ba kinh Kính mừng cầu nguyện cho bẩy thai nhi mà vừa chiều qua cô cùng nhóm bạn với vị cha xứ già vừa chôn cất trong nghĩa trang Thiên thần. Chợt cuốn lịch bàn có note đỏ ngày 27/03 va vào tầm mắt cô, Ân sực nhớ cô chưa tập đáp ca cho Thánh Lễ Vọng Phục Sinh ngày mai.

Bên ô cửa sổ nhỏ, sau một đêm ngủ vùi, dường như chỉ có mấy bông dã quỳ vàng da diết đón đợi mặt trời.

(Tặng K’Sa, Mai Lan và các em                                                          

trong trung tâm khiếm thị Nhật Hồng)

 

 

Mã số: 16-117

 

DẤU CHÂN

 

Sắp bước vào mùa mưa, không khí và luồng gió thay đổi. Nỗi lo lại hiện lên trên nét mặt gầy gò của anh. Rời bỏ quê hương, anh đưa vợ và ba đứa con nhỏ vào miền nam lập nghiệp. Tiền thu được từ việc bán mảnh vườn nhỏ ở quê chỉ đủ mua một thửa đất nhỏ nơi vùng đất mới. Anh cùng vợ ra sức dựng một ngôi nhà tạm bợ, ngôi nhà được lợp bằng những tấm tranh do chính tay hai anh chị cắt về và đan nên. Xung quanh ngôi nhà được thưng bằng những tấm ván đã cũ kĩ. Nơi vùng đất mới này, cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng hầu hết mọi người đều có nhà vững chắc. Có lẽ họ di cư vào đây cũng đã lâu. Mọi người đi qua nhà anh đều ngỏ vào với con mắt hiểu kì, không biết họ đang cảm thông hay đang nghĩ cuộc sống của anh sẽ như thế nào nơi vùng quê hẻo lánh bằng hai bàn tay trắng. Thêm vào đó, anh cùng vợ phải ra sức kiếm tiền nuôi ba đứa con nhỏ.

Thường thì anh đi làm cuối tuần mới về. Vào mùa mưa, công việc nhiều nên anh làm thuê cho những người trong làng, buổi tối được sum họp với gia đình. Hôm nay đi làm bị mắc mưa, anh cảm thấy hơi mệt, toàn thân rã rời, ăn cơm xong anh vội lên phòng ngủ, bất chợt giữa đêm vợ gọi:

- Chồng ơi?

Dường như anh không nghe được tiếng vợ gọi. Người vợ lay nhẹ vào lưng chồng và gọi tiếp:

- Chồng ơi?

- Sao vậy vợ ?

Vợ chưa kịp trả lời anh đã nhận biết điều gì đang xảy ra. Trời đang mưa to, những giọt nước mưa thẩm qua lớp tranh đã mục nát chảy xuống giường nơi vợ chồng anh và ba đứa con nằm ngủ. Anh vội di chuyển con và dùng bao nylon chèn vào những lỗ hổng. Vợ ôm con ngủ tiếp. Anh không sao ngủ lại được, anh lăn qua lăn lại. Dường như có một cái lạnh đang len lỏi vào tâm hồn anh, không phải là cái lạnh của thiên nhiên, của mưa gió, đó là cái lạnh của tâm hồn, cái lạnh xẻ sâu vào bên trong tâm hồn. Anh thấy thương vợ và các con. Anh là người chèo chống con thuyền gia đình giữa phong ba, những lại để cuộc sống người mình yêu thương phải trôi dạt vào hoàn cảnh bi đát. Tâm trạng anh không sao diễn tả được. Anh tự nhủ với lòng mình sẽ siêng năng làm việc, hy vọng mai này cuộc sống tốt hơn. Anh vội ngồi dậy đọc kinh rồi xuống bếp nấu cơm. Anh không quên hấp một ít khoai lang để dành phần đưa đi làm.

Nơi ngôi làng của anh, hầu hết là người Quãng Ngãi di cư vào, không một gia đình Công giáo. Anh hỏi thăm mọi người xem gần đây có nhà thờ nào không nhưng không một người nào biết. Sau này qua tìm hiểu anh mới biết là có nhà thờ nhưng xa lắm. Lâu lắm rồi anh chị không đi lễ, không xưng tội. Anh nhớ cảm giác Thánh Lễ sốt sắng nơi quê hương, nơi mọi người cùng nhau đi lễ, cùng chuyện trò, cùng chung bao niềm vui nỗi buồn của đời thường. Nơi đây anh không sao tìm được cảm giác linh thiêng đó.

Hằng năm, vào dịp lễ thánh Antôn, anh đưa vợ và con đi dự lễ. Bảo là đi lễ nhưng tới nơi thì mọi người về hết rồi. Anh cùng gia đình vào đọc kinh, cầu nguyện rồi cùng nhau đi bộ về nhà.

Niềm hạnh phúc đối với anh là có một người vợ chịu thương, chịu khó, biết động viên chồng những lúc khó khăn và chăm con thật tốt. Mỗi lúc đi làm anh thấy yên tâm vì ở nhà đã có vợ quản xuyến mọi việc. Vào mỗi buổi tối hoặc sáng, anh chị cùng các con đều đọc kinh chung với nhau. Anh muốn giữ thói quen tốt đẹp được thừa hưởng từ bố mẹ, đồng thời anh muốn nuôi dưỡng đời sống đức tin nơi vùng hẻo lảnh này, đặc biệt anh mong qua các việc làm đó giúp mấy đứa con có đời sống đạo đức và khôn lớn trong ơn nghĩa Chúa . Sáng nay gia đình đang vội ăn sáng để chuẩn bị đi làm bỗng có tiếng gõ cửa và giọng nói vang lên.

- Mày mở cửa ra mau?

Anh vừa mở cửa thì một nhóm người xông vào đánh anh tới tấp. Anh chưa kịp định hình được chuyện gì thì khuôn mặt đã bầm tím. Người vợ ngăn cản, vả lại tiếng mấy đứa nhỏ hốt hoảng khóc người ta mới dừng không đánh anh nữa.

- Sao mày dám ăn trộm gà của nhà tao?- Tiếng một người hét lên.

- Ông nói gì tôi không hiểu.

- Mày còn giả vờ không biết sao?

Họ lại xông vào đánh anh.

- Nhà mày nghèo, không phải mày ăn trộm thì ai vào đây nữa? Từ ngày mày chuyển vào đây là xảy ra những chuyện thế này.

- Đạo của mày dạy mày vậy hả?

Mặc sức hai vợ chồng thanh minh người ta vẫn không tin. Hôm nay được một trận đòn nhừ tử, trên người đầy vết bầm tím, đau quá nên anh không đi làm được. Anh ở nhà làm vườn cùng với vợ. Hai vợ chồng làm cỏ đậu và trò chuyện vui vẻ bỗng anh hỏi vợ:

- Vợ nè?

- Sao vậy chồng?

Anh thinh lặng một lúc rồi nói tiếp:

- Mình chuyển về quê sống nhé?

- Sao vậy chồng?

- Ở đây người ta đối xử với gia đình mình tệ quá.

- Đừng chồng à. Khó khăn lắm chúng ta mới vào được nơi này, nhà mình mới mua được mảnh đất tốt nữa. Vợ chồng mình chịu khó làm ăn ít năm sẽ đỡ khổ.

- Ở đây lại không có nhà thờ nữa?- Anh nói tiếp.

- Không có rồi sẽ có mà anh, Chúa thương Ngài sẽ ban cho.

Lời vợ khuyên có vẻ hợp lý, anh đành bỏ ý định về quê. Hôm nay trong làng lại xảy ra chuyện mất trộm, người ta bắt được kẻ cắp. Qua lời khai của nó, mọi người mới biết là đánh nhầm anh. Anh không phải là người ăn trộm những lần trước. Tối hôm đó, nhóm người kia lại kéo đến nhà. Thấy nhóm người cũ, mấy đứa con của anh mặt biến sắc, chúng hoảng hốt chạy vào trong phòng. Chúng đang mường tượng chuyện gì sắp xảy ra. May thay lần này không xảy ra bất cứ cuộc xung đột nào, không phải để đánh đập nhưng là xin lỗi. Từ ngày đó, mọi người quan tâm gia đình anh hơn. Những đặc tính tốt lành nơi vợ chồng anh giờ này người ta mới nhận ra, cái nhìn bị che khuất bởi màn tối nào đó làm người ta không thấy được sự chân thành nơi anh chị. Nhưng giờ mọi chuyện đã khác, họ bắt đầu nể phục vì nhân cách của anh chị. Bị đối xử bất công nhưng anh không bao giờ hận thù, anh tâm niệm rằng chắc là Chúa đang rèn luyện bản thân mình.

Sáng nay, vợ nấu được ấm chè xanh, anh gọi bé út qua mời mấy nhà hàng xóm sang uống nước. Từ ấm trà, mọi tiếng vui cười vang lên. Hơi ẩm từ bát chè xanh như ánh nắng sưởi ẩm tâm hồn người ta. Cuộc sống gia đình anh ngày một khẩm khá, rẫy cà phê anh mua hồi nào giờ nay đã cho thu hoạch. Năm nay thu hoạch được mùa, nguời vợ bèn bảo chồng:

- Chồng! Mình vào đây cũng gần mười năm rồi, mình đưa các con về thăm nội ngoại nhé?

Lời nói của vợ dường như trúng với ý định của anh. Thế là hai vợ chồng cùng mấy đứa con bắt xe trở về thăm quê hương. Khi gần tới nhà, anh cứ nhìn ra cửa sổ, cảnh vật dường như thay đổi nhiều, không còn giống thời anh chuyến đi, mọi vật lạ lẫm với anh giống như anh chưa từng sống ở đây. Có những đoạn đường anh không nhận ra được nữa. Chiếc xe lăn bánh, khoảng cách nhà lại trở nên gần hơn, càng gần tới nhà lòng anh hồi hộp không sao diễn tả được. Tim anh càng lúc càng đập mạnh. Anh quay sang ôm vợ và con vào lòng, mọi người rưng rưng nước mắt vì sắp được gặp ông bà. Khi thấy anh chị và mấy đứa cháu vừa bước vào cổng, bà nội vội chạy ra ôm mấy đứa rồi khóc, lâu lắm rồi bà cháu mới gặp nhau, mọi người đều khóc trong niềm hạnh phúc.

- Mẹ khỏe chứ, bố đi đâu hả mẹ?- Anh vội hỏi.

Mẹ anh rưng rưng nước mắt rồi nói:

- Bố con mất hơn hai tháng nay rồi. Mẹ không có cách nào liên lạc với con được.

Đôi chân anh sụp xuống, toàn thân rã rời. Anh khóc như một đứa trẻ. Tâm hồn anh trống rỗng, một nỗi đau xẻ sâu vào tim anh, mọi thứ xung quanh anh như đang quay cuồng. anh không thể đứng dậy được. Vậy là những lần anh thức suốt đêm viết thư cho bố mẹ nhưng không đến nơi được. Anh thấy thật có lỗi, thật bất hiếu với những công lao của bố mẹ, mọi thứ đang dội vào đầu anh. Mẹ ôm anh vào lòng và an ủi.

- Những ngày nằm trên giường bệnh bố thường hỏi tình hình của các con và cháu, không biết tụi nó có khỏe không, cuộc sống có tốt không? Mẹ nói với bố là các con và cháu vẫn khỏe?

- Sao lâu rồi mà gia đình nó không về thăm tôi với bà nhỉ?

Người mẹ nói đến đó anh càng khóc to hơn.

- Bố thấy có lỗi vì chưa giúp được gì cho các con. Bố không bao giờ than trách các con. Tụi con đừng quá đau lòng, giờ này trên thiên đàng chắc bố đang dõi theo các con. Bố chỉ mong các con luôn khỏe mạnh và sống đẹp ý Chúa.

Lòng anh phần nào được an ủi. Anh cùng gia đình ra mộ thắp hương cho bố. Đứng trước mộ bố, gia đình anh không ai nói lên lời, mọi người đọc kinh, anh không kìm được nước mắt, anh cầu nguyện thật nhiều cho bố.

٭٭٭٭٭٭

Sắp bước vào thời kì tưới nước cho cây cà phê nên anh và gia đình phải trở lại miền nam. Anh muốn đưa mẹ đi để phụng dưỡng mẹ, vì với anh sự ra đi của bố làm anh thấy chưa làm tròn trách nhiệm của người con. Mẹ anh muốn ở lại để lo thắp hương cho bố, khi nào thuận tiện sẽ vào thăm vợ chồng anh.

Anh trở về nhà mình trong nước mắt, tâm trạng anh bao nỗi niềm đan xen. Anh vui vì có được thời gian ở bên mẹ và thắp được nén hương cho bố. Nhưng anh vẫn cảm thấy buồn, nỗi buồn không diễn tả được. Có nhiều người khác cũng theo anh vào nam lập nghiêp. Không khí ngôi làng giờ nhộn nhịp hơn. Họ cùng chung nhau mua hai sào đất để dựng một ngôi nhà nguyện. Gia đình anh là người đóng góp nhiều nhất. Ao ước của anh bao năm giờ mới thực hiện được. Anh đã làm nhà cho mình, giờ mới làm được một ngôi nhà nhỏ để phụng thờ Thiên Chúa. Từ ngày có người cùng quê, thêm vào đó đời sống thánh thiện và hiền lành của anh chị cảm hóa được nhiều người theo đạo, họ cũng muốn có một cuộc sống hạnh phúc như anh chị. Họ xin phép Cha xứ thành lập giáo họ và nhận thánh Antôn làm quan thầy bổn mạng.

٭٭٭٭

Chỉ ít ngày nữa là đến lễ bổn mạng của giáo họ, cái lễ đặc biệt trong đời. Mọi người, không phân biệt lương giáo đều nghỉ làm để lo công việc cho Thánh Lễ. Họ chia nhau phát quang cây cối hai bên đường, san lại những ổ gà, lau và quét mạng nhện trong Nhà thờ. Nam nữ thanh niên xách những xô nước tới lên mặt đường cho đỡ bụi, những đứa trẻ thấy thích thú nên chúng cũng ùa vào làm chung. Mọi người từ già đến trẻ đều có công việc của mình. Thánh Lễ diễn ra hết sức ẩm củng. Cả giáo họ không kể lương giáo có một bữa ăn thịnh soạn. Thức giấc sau bữa tiệc, anh sực nghĩ về những điều đã qua, để có được ngày hôm nay, anh phải trải qua bao khổ cực, nhưng anh biết rằng ở đâu đó tình yêu Chúa luôn hướng dẫn anh.

Sáng sớm, bầu trời đầy sương đang bao phủ xóm làng, mặt trời đang dần nhô lên chiếu tỏa những tia nắng xua tan đám sương dày đặc. Ánh mặt trời dường như cũng xóa đi những đen tối nơi tâm hồn mỗi người. Hơi ẩm của nó như bếp lửa hồng sưởi ẩm tâm hồn giá lạnh của con người nơi vùng quê hẻo lánh. Mở đầu một ngày sống mới, hoạt động của mọi người lại nhộn nhịp, họ trở lại với nhịp sống hằng ngày để bươn chải lo toan bao nhu cầu cuộc sống. Nhưng phía trước họ đã không còn là bóng tối thủa ấy, phía cuối con đường có một tia sáng đang dẫn bước chân họ. Với anh, trong ảnh mắt vẫn còn điều gì đó, chắc là hình ảnh người bố hiện về trong tâm trí, cũng có thể hình ảnh của người mẹ già đang phải vất vả với công việc đồng ảng. Mọi việc rồi sẽ tốt đẹp nếu biết tin tưởng vào Chúa, anh tự nhủ như thế rồi vội đứng dậy ra chạy xe công nông vào rẫy.

 

 

Mã số: 16-118

 

KHÔNG BAO GIỜ MUỘN ĐỂ THA THỨ

 

Đang yên giấc trong căn phòng ấm cúng, Hải bổng choàng tỉnh vì điện thoại có tin nhắn.

 “ Ba ơi, con nhớ Ba, con có thể gặp Ba được không?”

  Câu hỏi của bé An đã làm thức dậy nơi anh bao nỗi niềm vốn đã cố chôn vùi nhưng thật ra luôn canh cánh bên lòng.

Một năm rồi, kể từ ngày vợ chồng anh chia tay, căn nhà phải bán đi để Lan trả nợ. Lan dẫn hai con về bên ngoại, Hải vào sống trong chung cư gần công ty. Từ đó anh không còn liên lạc gì với họ nữa.

  Thời gian như một giấc mơ, cho tới lúc này anh cũng không thể tin mình lại rơi vào hoàn cảnh như  hiện nay. Cách đây 20 năm, khi mới bước chân vào đất Sài Gòn lập nghiệp, với đôi bàn tay trắng, anh đã phải vất vả rất nhiều. Những lúc một mình bươn chãi với cuộc sống, nhớ mẹ, nhớ anh chị em, Hải tự hứa với lòng mình là khi đã có sự nghiệp anh sẽ không sống cảnh cô đơn một lần nào nữa, vậy mà…

Từ một thanh niên nhà quê chỉ với bằng trung học phổ thông, nhưng với một quyết tâm phải vươn lên, Hải đã tự học trong khi vất vả mưu sinh. Anh đã gầy dựng sự nghiệp, có nhà cửa và trở thành phó giám đốc công ty xuất nhập khẩu Thành Đạt. Rồi Hải gặp Lan, một cô gái xinh đẹp, hiền thục và đang làm kế toán cho công ty của bạn anh.

Đám cưới của hai người là một lời chúc phúc. Cặp đôi hoàn hảo trai trài gái sắc được sự ngưỡng mộ của bao bạn bè và đồng nghiệp. Lan chỉ sống một mình với mẹ, cô đồng ý theo đạo. Sau khi kết hôn, anh đưa mẹ và các anh chị em của mình vào thành phố. Các em của anh tiếp tục học đại học và ra trường. Các anh chị có công việc ổn định và cuộc sống hơn hẳn đời sống nơi miền quê ngày nào. Đối với bà con dòng họ, anh còn giúp nhiều người tìm công ăn việc làm và họ biết ơn anh lắm. Trong mắt mọi người, Hải là một anh hùng, là thần tượng, một người mẫu mực, tài năng. Lời anh nói ra thường được mọi người nghe theo. Gia đình của anh là niềm mơ ước cho nhiều người.

Xuất thân là gia đình đạo gốc nhưng đã lâu lắm rồi, sau khi lên thành phố làm việc, Hải đã không còn nhớ đến Chúa. Vì là người Công giáo nên đám cưới của anh cũng được tổ chức ở Nhà Thờ, con anh cũng rửa tội nhưng rồi sau đó thì hầu như anh rất ít đi lễ. Anh bận lo tạo sự nghiệp. Nhất là từ khi lên chức, để tiếp tục thăng tiến, Hải phải cố gắng hơn nữa, làm gì có thời gian dành cho Chúa. Anh cũng không còn nhiều thời gian dành cho gia đình, vợ con. Lan vì đạo theo nên cũng chẳng mặn mà gì chuyện kinh lễ. Dù bao lần mẹ anh phàn nàn về đời sống đạo của gia đình, Hải chẳng mấy quan tâm…

Cho đến một ngày, cuộc sống gia đình anh bổng rẻ sang một lối khác. Đó là khi Lan quen với Tiến. Y đã có gia đình và là tay ăn chơi sành điệu. Mọi người và bạn bè lên tiếng nhưng Hải không tin. Làm sao có chuyện đó được. Lan trước giờ là một người vợ hiền thục. Với lại Lan tìm đâu ra một người chồng gương mẫu, giỏi dang như anh…

Mãi đến ngày kia, anh tận mắt chứng kiến Lan cùng người tình đi vào khách sạn. Khi trở về, Lan đã thú nhận tất cả. Hải còn biết thêm, cô đã vay nợ rất nhiều trong thời gian qua để lo cho Tiến, gia đình của anh ta cũng như cung phụng cho đám bạn bè của họ trong những cuộc ăn chơi.

Trong cơn tức giận, Hải quyết định ly hôn. Lan cũng đồng ý vì cô đang say sưa với tình yêu mới. Thế nhưng chỉ một thời gian sau đó, khi phát hiện Lan đã hết giá trị lợi dụng, Tiến đã bỏ Lan để trở về với mái ấm gia đình mình. Thì ra anh ta chỉ là một tay xã hội đen, thấy Lan hiền lành, đơn sơ nên lừa cô để lấy tiền. Lan hụt hẫng vì bị phản bội, cái giá phải trả cho kẻ dại khờ. Cô vật vã, khóc lóc trước sự thật phủ phàng. Chỉ tội hai đứa bé Nguyên và An còn nhỏ dại đã thiếu vắng tình cha giờ lại phải chịu đựng nỗi đau của mẹ.

Phần Hải từ khi chia tay vợ con, đã rơi vào chán nãn, thất vọng, hận đời, hận người và giận luôn cả Chúa. Anh xấu hổ với gia đình, bạn bè, người thân, cho dù mọi người không ai coi thường anh, họ vẫn cầu nguyện cho anh, vẫn kính trọng anh nhưng anh không còn mặt mũi nào nhìn họ được nữa.

Khi không còn sống với nhau Hải mới phát hiện mình còn yêu Lan. Hải nhận ra trong sự phản bội của Lan, anh cũng có một phần trách nhiệm. Anh chỉ biết làm việc, đưa tiền về nhà cho vợ con. Với bản tính gia trưởng, anh quyết định hết mọi việc lớn nhỏ trong nhà, Lan không được có ý kiến và chỉ biết làm theo. Chỉ có Lan là quan tâm và lo lắng cho chồng con thật đầy đủ còn cô thích gì, cần gì anh hầu như không biết. Ngược lại, khi đi với Tiến, Lan được quan tâm, chăm sóc, coi trọng, cưng chiều, được hưởng thụ qua những buổi tiệc, cuộc chơi….

Đang phân vân, không biết trả lời con thế nào thì bỗng chuông điện thoại reo và tiếng một cô gái:

- A lô, chị Lan có phải là người nhà của anh không? Chị bị tai nạn đang cấp cứu trong bệnh viện Chợ Rẫy.

Hải nhìn số gọi đến. Đúng là điện thoại của Lan. Chỉ kịp khoác chiếc áo và lấy mũ an toàn, Hải phóng xe đến bệnh viện.

Gặp cô gái báo tin cho anh trước cửa phòng cấp cứu. Cô ta nói tình trạng Lan rất nguy kịch nên đã làm thủ tục cho Lan vào cấp cứu rồi. Cô ta chỉ là người đi đường nhưng thật là tốt bụng, Anh nhận hồ sơ và hết lời cảm ơn cô.

Hải gọi điện cho Bé An, bảo con báo cho bà ngoại và anh ngồi chờ.

Nửa tiếng sau, bà Hoa mẹ vợ anh và hai con tới. Vừa thấy anh, An và Nguyên đã khóc nức nở.

Ôm hai con vào lòng, anh xúc động không nói nên lời. Hải mong gặp lại các con nhưng không phải là trong hoàn cảnh này.

Thời gian thật nặng nề, ba tiếng đồng hồ trôi qua.

Cửa phòng cấp cứu xịch mở, bác sĩ bước ra. Hải đứng bật dậy.

- Bệnh nhân sao rồi bác sĩ ?

- Tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, đầu bị va đập mạnh nên bị chấn thương não, chúng tôi đã cấp cứu nhưng tim cô ấy lại có vấn đề nên rất khó tỉnh lại.

Bé An nước mắt ràn rụa vừa khóc vừa nói: “Lạy Chúa, xin cứu má con. Lạy Mẹ Maria, xin cho Má con được tỉnh lại…”. Nguyên thấy chị khóc cũng khóc theo.

Quay qua Hải, An nói: “Ba ơi, Ba cũng cầu xin Chúa đi Ba. Soeur dạy Giáo lý của con nói hễ hai ba người họp lại cầu xin điều gì thì Chúa cũng ban cho”.

- Cầu nguyện hả… Ờ, con cầu nguyện đi…

Đầu óc rối tung, Hải đổ nhào xuống ghế và bất động.

Khóc một hồi lâu, hai đứa nhỏ mệt thiếp ngủ bên Bà ngoại.

Bà Hoa nãy giờ cũng nước mắt tràn trề. Bà thương cho đứa con gái hiền lành nhưng gặp nhiều đau thương. Với một giọng trầm buồn bà kể với Hải: Từ khi bị Tiến bỏ rơi, Lan bị sốc nặng, lại mất việc ở công ty nên phải xin làm công nhân ở một công ty khác. Cô vất vả lo cho hai con đi học. An học lớp 5 và Nguyên lớp 1. Bà thì già rồi nên chỉ ở nhà đi chợ nấu ăn. Nửa năm trở lại đây, Lan vì làm việc quá sức nên rất hay mệt. Nhưng cô phải cố gắng vì gánh nặng của gia đình chỉ trông vào một mình cô. Rất may, Lan có quen một người bạn Công giáo đã nâng đỡ Lan rất nhiều. Cô ấy rủ Lan đi Nhà thờ, Lan đã cho hai con đi học giáo lý. Lan đã tìm được sự an ủi và sức mạnh nơi Chúa để tiếp tục cuộc sống. Bà rất mừng vì con gái mình trở nên mạnh mẽ hơn…

 Như một người thất thần Hải đứng dậy bước đi. Anh nói với mẹ là đi ra ngoài một lát. Thật ra anh cũng không biết đi đâu, nhưng nhìn thấy Lan nằm bất động trên giường bệnh anh vô cùng sợ hãi và lo lắng. Hải chỉ muốn cho mình được bình tỉnh trở lại. Với những bước chân nặng nề vô định anh không biết mình đã đi bao lâu. Cho đến khi nhìn lên thấy một Nhà thờ, thoáng chút do dự, sau đó anh bước vào bên trong.

Lặng quỳ ở hàng ghế cuối cùng, Hải thưa với Chúa: “Lạy Chúa, giờ con phải làm sao đây? Bây giờ con mới đến với Chúa, Chúa có tha thứ cho con không? Con biết mình sai rồi vì đã từ bỏ Chúa. Nhưng xin Chúa hãy xót thương cứu Lan qua cơn nguy biến này…”

Không gian thật trầm lắng. Chỉ có tiếng gió nhẹ và tiếng chim sẻ ríu rít trên trần Nhà thờ. Ở đây, Hải cảm thấy thật dễ chịu và lòng mình nhẹ hơn đôi chút.

Trên Thập giá, ánh mắt Chúa Giêsu đang nhìn anh, và Hải nghe như có tiếng nói trong tâm hồn.: “Cha đã tha cho con rồi. Con cũng hãy tha thứ cho Lan và cho chính mình đi. Có như thế thì con mới được bình an”.

Ngước nhìn lên cung thánh với hàng chữ: Hãy đến với lòng thương xót Chúa, Hải thầm thỉ: “Vâng, lạy Chúa, xin Chúa hãy ban sức mạnh cho con. Con xin phó thác mọi sự trong tay Ngài”.

Đứng lên, Hải quyết định trở lại bệnh viện thưa với mẹ vợ để anh được chăm sóc Lan và lo cho hai con.

 


Các Bài Thơ Của Nhiều tác Giả