GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2018

BẢN TIN 04

 

Kính chào quý Bạn đọc và quý Tác giả,

Từ năm 2012, Giải Viết Văn Đường Trường được tổ chức, nằm trong hành trình chào mừng Năm thánh Kỷ niệm 400 năm loan báo Tin mừng trên phần đất Giáo phận Qui Nhơn. Giải thưởng được trao từng năm và kéo dài trong sáu năm, năm nay là lần thứ VI cũng là năm cuối. Theo dự phóng ban đầu, năm cuối sẽ là năm tổng kết lại toàn bộ sáu lần thi, vì vậy Ban Tổ chức cần tập trung vận động để cuộc thi được sôi nổi và rộng khắp hơn, qua đó mà việc tổng kết có được nét đa dạng và phong phú, đạt được mục tiêu phát hiện và kết nối các cây bút trẻ Công giáo.

Thế nhưng ơn Chúa đã dẫn dắt công việc chuyển tiếp theo một hướng mới. Cuối năm 2016, chúng tôi thấy cần phải đầu tư cho một việc khác quan trọng và lâu dài hơn. Đa số các tác giả đã tham gia cuộc thi bày tỏ nguyện vọng về một “sân chơi văn chương” có khả năng tiếp nối bầu khí sôi nổi và thân tình của cuộc thi. Để tiếp tục phục vụ và tạo cảm hứng sáng tác cho những người trẻ thích văn chương, chúng tôi đã chọn đáp án thực hiện những tuyển tập văn thơ định kỳ. Thế là tờ Mục Đồng đã ra đời. Công việc không đơn giản, đang khi không một ai trong Ban Tổ chức có kinh nghiệm về chuyện này. Chúng tôi đã cố gắng tối đa để các tuyển tập ngày càng tươm tất hơn. Tuy nhiên không chỉ có vấn đề nội dung và hình thức trình bày, mỗi lần thực hiện chúng tôi lại gặp những trở ngại mới cần giải quyết…

Giờ đây, chuyện “đất dụng võ” cho các tác giả trẻ đã tương đối ổn: Ngoài blog vanthoconggiao.net, nay đã có Tuyển tập Mục Đồng và blog tapsanmucdong.net. Hồi kết của Giải Viết Văn Đường Trường sôi nổi hay bình lặng không nằm trong tầm tay Ban Tổ chức nhưng tùy nơi sự hưởng ứng của các tác giả và sự hỗ trợ của các trang truyền thông Công giáo…

Dù sao, tới thời điểm này, hồ sơ dự thi năm nay đã nhận được 57 bài… Một bước khởi đầu đáng kể, hy vọng trong giai đoạn “nước rút” sẽ nhận được gấp đôi, gấp ba số lượng ấy.

Xin mời quý bạn đọc cùng thưởng thức đợt truyện thứ tư đã qua vòng sơ loại của Giải Viết Văn Đường Trường 2018, gồm truyện dưới đây và tám truyện khác sẽ được đăng dần trên blog Văn Thơ Công Giáo và Mục Đồng trực tuyến.

Như đã thông báo trong bản tin trước, Ban Tổ chức quyết định gia hạn nhận bài tới hết ngày 15-4-2018 để quý tác giả có thêm thời gian hoàn thành tác phẩm dự thi một cách tốt nhất. Mong quý tác giả tiếp tục suy tư và gởi thật nhiều truyện dự thi (không hạn chế số lượng).

Mến chúc mọi người một Năm mới dồi dào thánh ân, sức khỏe và niềm vui của ơn cứu rỗi.

Quy Nhơn, ngày 26-2-2018

Lm. Trăng Thập Tự

Trưởng ban Tổ chức

 

 

 

BÀI DỰ THI

 

Mã số: 18-037

VÙNG CÁT TRẮNG

 

1.

- Bác ơi, cho con hỏi, ở gần đây có nhà thờ nào không ạ?

- Có, cháu cứ đi tiếp, hơn cây số nữa là tới. Phía bên trái, ở trên núi ấy.

Thịnh và Thoại lên xe đạp đi tiếp lên phía tây xã Bình Thạnh. Vừa thấy lấp ló mái ngói đỏ, Thịnh đã thấy vui trong lòng. Ai ngờ khi đến gần lại là mái ngói đỏ cong vút của ngôi chùa Long Tự. Hai anh em bắt đầu chán nản. Cái xứ gì mà chẳng thấy cái nhà thờ nào. Nhà cửa thưa thớt, cát trắng mênh mông, chung quanh chỉ có chùa với am. Từ sáng tới giờ, đây là cái chùa thứ mười rồi đó. Hỏi nhà thờ mà người ta toàn chỉ nhà chùa thôi. Trắng thật là trắng mà! Đến tôn giáo cũng trắng luôn.

Cái bụng của hai anh em thấy tình thế nan giải lại reo lên. Đáng lẽ nó phải im vào giờ này chứ. Mệt quá sức đi! Về thôi… Về cũng được nhưng đã đi gần hết cái xã này rồi. Cố thêm lần nữa biết đâu lại tìm thấy. Nhưng để chắc ăn cần thêm hai chữ Công giáo. Thoại nhìn thấy một chú bán kem gần đó liền hỏi.

- Chú ơi, chú có biết nhà thờ Công giáo nào ở gần đây không ạ?...

Theo hướng chỉ của anh bán kem, hai anh em nhảy lên xe đạp đi vun vút. Vừa đạp vừa mừng, Thịnh hớn hở như được bữa cơm miễn phí. Thoại ngồi sau cũng phụ đạp với nó. Nửa tiếng sau, hai anh em mới tới được ngôi nhà thờ nho nhỏ ở trong góc xóm Cù Lao. Nhìn bề ngoài, hai anh em thấy cây Thánh giá lớn được đặt ở trên đỉnh nhà thờ, bên cạnh có tháp chuông. Bên trong nhà thờ có hai hàng ghế được kê đều đặn nhưng trên cung thánh, không có nhà tạm, thánh giá không có ảnh chuộc tội, không có tượng Đức Mẹ và thánh cả Giuse. Thịnh bắt đầu ngờ ngợ, nhà thờ Tin Lành chăng? Để cho chắc, Thịnh bắt chuyện với một anh thanh niên ăn mặc đàng hoàng đang chuẩn bị chở cả nhà ra về.

- Anh ơi, cho em hỏi, đây có phải là nhà thờ Công giáo không ạ?

- Ừ đúng rồi, nhưng cách đây mấy chục năm lận! Bây giờ, nơi này là nhà thờ Tin Lành em à!...

Rồi anh bắt đầu cho hai anh em biết, trước năm 54, nơi đây là làng Công giáo đông đúc lắm. Sau 54, mọi người bỏ chạy vào Nam hết. Ông cha ở nhà thờ này cũng dẫn những người còn lại đi lập nghiệp ở chỗ khác. Cho nên, mấy mươi năm nơi này bị bỏ hoang. Cho đến khi có một mục sư đến đây giảng đạo. Những người theo đạo ở đây, toàn là dân di cư, mới lấy ngôi thánh đường này làm nơi sinh hoạt và cử hành “Tiệc Bẻ Bánh”. Tuy nhiên, những người chưa biết vẫn cứ nhớ là nhà thờ Công giáo.

Sau khi đã kể đầu đuôi câu chuyện hình thành ngôi thánh đường, anh thanh niên bắt đầu sứ vụ rao giảng của mình. Anh hăng hái giảng giải lời Chúa mà anh mới được mục sư chia sẻ trong “Bữa Tiệc” vừa xong. Anh còn không ngại mời Thịnh và Thoại tuần sau đến tham dự với anh và cộng đoàn. Anh trao danh thiếp và không quên tặng cho hai anh em mỗi người một quyển Kinh Thánh. Sau đó, anh còn giảng cho hai anh em bài dài khi nghe Thịnh tỏ ra e ngại vì đến nhầm nhà thờ Tin Lành. Trước khi chia tay, anh kết luận rằng:

- Tin lành hay Công giáo có sao đâu em! Mình có lòng đi tôn thờ Chúa ngày Chủ nhật là tốt rồi. Chẳng phải Đức Kitô đã dạy: “Ta chỉ cần tấm lòng chứ không cần hy lễ” (Mt 9,13).

Thế là ngày hôm ấy, thay vì nghe linh mục giảng giải Lời Chúa, Thịnh và Thoại được anh Tin Lành giảng cho nhiều sự trên đời. Mà cũng phải khâm phục anh. Nếu so về lòng tin và cách sống đạo thì hai anh em thua xa anh. Chỉ nội việc thuộc và giảng Lời Chúa thôi, anh đã ăn đứt hai anh em rồi. Cho nên, khi chia tay anh, hai anh em thấy lòng buồn vời vợi.

 

2.

Càng trưa, trời càng nắng gắt, hai anh em mệt mỏi quay lại với công cuộc tìm kiếm nhà thờ. Hai anh em bước lên xe đạp trở lại con đường lớn. Vừa ra đến nơi, mặt trời đã đứng bóng. Vừa nóng vừa khát, hai anh em ghé vào quán nước mía bên đường. Mới ngồi xuống ghế, Thịnh liền kêu bốn ly nước mía.

- Uống cho đã khát. Từ sáng tới giờ có được miếng nước nào đâu. Thiệt mệt chết đi được!

- Mệt thiệt chứ! Cậu nhìn ra xa xem, toàn cát là cát, cát trắng đến chói mắt. Thế mà ở đây người ta vẫn sống bình thường. Cái ông nhà nước mình mở khu công nghiệp ở chỗ này cũng thật là lạ. Chỗ thuận đường thuận xá không mở, mở ở đây làm gì. Họ muốn người dân ở đây trở thành công nhân hết thì phải. Mà nghe đâu nhà nước đầu tư dữ lắm, cả nhà máy lọc dầu, nhà máy luyện cán thép, cả sân bay quốc tế nữa. Thiệt là tiền đống mới làm được!

- Lúc xin việc, cứ tưởng ở đây sầm uất như ở Sài Gòn. Ai ngờ mới quá! Mới đến chẳng có thứ gì để vui chơi. Nhà thờ nhà thánh gì cũng chẳng có. Nếu biết trước ở quách trong Sài Gòn hay Bình Dương thì sướng hơn. Mệt ơi là mệt! Chán ơi là chán!... - Thoại thở dài.

Bà bán nước mía vừa bưng nước ra vừa nghe ngóng câu chuyện của hai anh em. Bà nghe hai anh em muốn tìm nhà thờ nên mới sốt sắng chỉ vẽ. Theo lời bà, ở đây có nhà thờ thầy Bảy và nhà thờ cha Thông. Nhà thờ của thầy Bảy cách đây độ hơn cây số, nằm trong vườn điều, phía xóm Bình Đông. Còn nhà thờ của cha Thông gần đây thôi, nằm trên một đồi cát cao, chung quanh có trồng rất nhiều thông liễu. Bà cũng như mọi người ở đây đều biết thầy Bảy rất cao tay. Mọi việc cúng kiến của cái xóm chài lưới này và các xóm lân cận đều do thầy làm hết. Nghe đâu thầy còn được mời đi cúng ở tận Bình Dương, Hà Nội, Sài Gòn gì ấy. Linh lắm! Người ta tạ ơn thầy đến tiền tỷ luôn. Thầy lại rất độ lượng, hay thương người. Thầy hay lấy tiền của mình giúp đỡ mọi người chung quanh, nhất là những nhà nghèo, các em cô nhi. Cái con đường bê-tông này cũng có phần công sức của thầy.

Phần cha Thông, Cha đã sống ở Bình Thạnh này mấy chục năm rồi. Từ năm 75 đến giờ, cha chưa được đưa đi chỗ khác. Hình như cái số của cha gắn bó với mảnh đất nghèo này. Ngôi nhà thờ của cha đã đã sập hồi trận bão năm 1984. Cha không có tiền để xây lại nên lấy nhà ở của mình làm nhà thờ. Năm nay, cha đã già lắm rồi. Những việc làm của cha đối với mọi người ở đây tốt lắm, không phân biệt lương giáo gì cả. Có điều, hằng ngày cha chỉ thui thủi một mình thôi. Chiều đến mới có mấy người đạo hữu đến dự lễ. Lễ xong là họ về hết. Chắc cha có chết cũng chẳng ai biết.

Và có lẽ lâu ngày mới có người chịu nghe bà trút bầu tâm sự nên bà “khuyến mãi” cho Thịnh và Thoại câu chuyện về “vùng đất trắng” này. Bà đưa tay gạt những giọt mồ hôi trên trán, thở dài rồi đi vào câu chuyện. Vốn dĩ bà chẳng phải là dân thường, chỉ vì thời cuộc nên đành phải bán nước mía kiếm sống thôi. Cho nên, mọi chuyện thế sứ ở vùng đất này bà đều rành rọt. Theo lời bà, từ trước năm 54 cho đến 75, cái vùng Bình Thạnh này được liệt vào vùng trắng, vùng chiến sự diễn ra liên miên giữa hai bên nam bắc. Ban ngày quân nam quản lý, ban đêm quân bắc cai quản. Cho nên, dân ở đây chẳng biết theo bên nào. Đành lòng, họ phải sống hai mặt để giữ nhà giữ cữa, giữ lấy tính mạng. Người nào nản quá thì chuyển vào thành phố sống hoặc xuôi vào Nam. Gia đình bà cũng lận đận lắm. Mấy anh chị em mang theo gia đình tứ tán khắp nơi, chỉ còn gia đình bà và ba má bà trụ lại đây. Có một thời gia đình bà cũng theo đạo Công giáo, đạo ông Diệm để mong yên lành làm ăn sinh sống. Sau vì chiến loạn nên bỏ bê luôn cho đến nay. Cái xóm đạo của cha Thông cũng tứ tán khắp nơi. Cha vẫn còn ở lại nơi này vì muốn duy trì một xóm đạo vốn dĩ phồn thịnh. Với lại cha không muốn con chiên của cha bị chết vì không có chủ chăn. Cha đã hy sinh cả cuộc đời để duy trì họ đạo cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, vùng đất này cũng dễ thương lắm. Nó có nhiều cát trắng bởi vì nó gần biển. Mùa gió nam, gió nồm đến là cát cứ từ ngoài biển bay vào. Cát bồi lần bồi lần thành đồi thành bãi rộng mênh mông. Thấy cát trắng chói chang thế nhưng cũng trồng được đủ thứ. Nào cây ăn trái, nào củ, nào hành, nào đậu, nào dưa, nào mè… mùa nào thức ấy. Người dân ở đây chỉ cần bỏ công khéo chăm bón thì thứ gì cũng có, cũng trồng được. Thêm nữa, biển ở đây rất đẹp và dịu dàng, bãi lại rất dài. Người dân tứ xứ tha hồ về đây tắm. Biển đẹp như Thiên Đàng vậy!

Nghe bà bán nước mía nói hết câu chuyện, trời đã quá trưa. Hai anh em tính tiền rồi định trở về nhà. Tuy nhiên, Thịnh lại có ý khác.

- Đàng nào thì cũng trưa rồi. Mình đến nhà thờ cho biết để tuần sau đi cho đỡ tốn giờ.

- Ừ, thôi mình đi… Trời nắng quá nhỉ!

 

3.

Hai anh em bước lên xe đạp thẳng đến nhà thờ cha Thông theo hướng chỉ của bà bán nước mía. Con đường gồ ghề đầy sỏi đá, bên cao bên thấp, chỗ cứng chỗ mềm, lồi lõm đủ kiểu. Chiếc xe đạp cứ nhồi lên hụp xuống lia lịa. Ngồi phía sau, trên cái bagar sắt, Thoại đau cả mông, nhức cả lưng. Nó cứ la chí chóe mỗi khi xe vượt qua ổ gà. Mệt mỏi trên đoạn đường hơn cây số, hai anh em cũng đến được nhà thờ cha Thông. Vừa đến cổng, Thịnh định chạy xe lên nhà thờ thì hụt hơi vì thấy dốc cao quá. Nó nhảy xuống.

- Tới nơi rồi ông cụ! Xuống xe dắt bộ lên thôi.

- Ồ, dốc cao thế! Dốc cát nữa chứ. Nhà thờ ở trên này sao? Tớ chẳng thấy tháp chuông, thánh giá đâu cả.

- Ừ, cứ lên trên đó xem sao hẵn nói!

Đang khi hai anh em dắt xe lên thì có mấy người đi xuống. Họ thấy hai anh em là lạ mới hỏi.

- Ê, hai em đi đâu thế? Làm gì mà lên nhà thờ vào lúc này? Trưa rồi, hai em để cho cha nghỉ, chiều hãy đến.

Vừa nói, họ vừa dừng lại trước mặt Thịnh và Thoại. Hai anh em hết hồn, vừa ngạc nhiên vừa khó hiểu.

- Dạ, tụi em đi kiếm nhà thờ Công giáo để đi lễ Chúa nhật.

- Đi lễ à! Sao lại lên vào giờ này? Trưa rồi mà!

Mọi người có vẻ nghi ngại lắm. Vì mấy tuần nay, cha già Thông luôn nói có người đến làm phiền. Lúc người này, lúc hội kia… lên kiếm cớ xin tiền cha. Biết cha chỉ có một mình, họ còn bày mưu tính cớ mua bán, lén lúc ăn trộm đồ của cha. Nhà của cha chỉ có mấy con chó, ít con gà con vịt nuôi cho vui, chúng cũng bắt dần đến hết. Có ít tiền cho người nghèo, chúng cũng lục lọi lấy mất. Cha chẳng biết làm sao, đành nhờ các giáo dân gần đó vào ở với cha. Hôm nay, mọi người thấy người lạ sờ sờ trước mặt nên ai cũng nghi ngại lắm.

- Dạ, chúng em ở Bình Định mới ra đây làm việc hơn tuần. Chúng em đi tìm nhà thờ để dự lễ Chúa nhật.

- Thiệt không?... - Người đàn ông hỏi.        

- Dạ thiệt!

- Tên thánh hai cậu là gì nào?

- Dạ, em là Giuse Lê Quốc Thịnh, còn đây là Phêrô Nguyễn Ngọc Thoại.

Mọi người nghe những câu trả lời rành rọt của Thịnh thì bắt đầu tin. Họ chuyển từ ác cảm sang thiện cảm. Một trong hai đứa trẻ đi theo nhói người lên hỏi.

- Hai anh đi làm xa vậy mà còn biết tìm nhà thờ để đi lễ. Em phục hai anh luôn. Ở đây, có nhiều người ở bên cạnh nhà thờ mà chẳng đi lễ buổi nào hết. Họ bảo “đạo tại tâm”. Đạo tại tâm là gì hả anh?

Thịnh cắn môi suy nghĩ, thằng bé này sao già đời thế. Nó moi ở đâu ra câu hỏi hóc búa này để thử mình. Thịnh ề à rồi nói.

- Đạo tại tâm là đạo ở trong lòng em à! Người ta nói thế là để biện hộ cho thói lười biếng của mình thôi. Đạo tại tâm thì không cần nói ra, không cần thể hiện ra bên ngoài, cứ theo lương tâm mà sống. Nói thế thì ai cũng có đạo. Nói thế thì anh chị yêu nhau không cần nói gì hết, không cần làm gì hết, cứ để thế người yêu sẽ hiểu. Tầm bậy không à! Ai mà hiểu được nếu người ta không thể hiện ra. Đại loại anh nghĩ được như thế.

- Hoan hô anh! Anh nói hay quá à!

Con bé em cũng không chịu thua kém thằng anh. Nó rống cổ chen vào.

- Còn “có thực mới vực được đạo” là sao anh nhỉ? Ra ngoài chợ, em toàn nghe người ta nói câu ấy không à.

Thịnh vặn óc suy nghĩ, lại là một đứa trẻ già đời. Chắc nó bị nhiễm bởi cái thói “quơ đũa cả nắm” của những người vô đạo hay là những kẻ sống đạo nguội lạnh, lòng tin chưa bằng hạt cải. Thịnh hơi bực trong lòng nhưng cố nhịn nở nụ cười lịch thiệp. Thịnh cố nhớ lại những điều được học trong lớp giáo lý hôn nhân ở Sài Gòn rồi hắng giọng nói.

- Ừ, đại loại như vầy. Thực theo nghĩa hán việt là ăn. Nó còn có nghĩa khác là điều thật, sự thật. Còn đạo là đường, là tôn giáo, là đạo giáo chúng ta đang theo. Người ta hay dùng câu này để nhắm vào đạo Công giáo của mình. Họ cho các việc cầu kinh dự lễ là việc viễn vông, mê tín dị đoan. Nhưng thực chất là để chống phá đạo của mình. Có thể hiểu nghĩa của câu này theo hướng đúng là đạo phải gắn với thực tế đời sống thì mới giữ được, muốn giữ đạo thì phải giữ lề luật của lương tâm trước, đừng mê tín viễn vông… Như thế được chưa cô bé!

Nghe Thịnh giảng giải thật hay, hai anh chị bắt đầu có cảm tình với hai anh em. Họ mới ngỏ lời: Anh tên Lắm, chị tên Thu, còn hai đứa là Như và Na. Vốn dĩ anh cũng chỉ là tân tòng. Ngày anh quyết định lấy chị, cả nhà anh ai cũng phản đối, nhất là ba anh. Ba anh phản đối cũng đúng lắm! Anh là con trưởng của gia đình, lại là cháu đích tôn. Anh bỏ đạo ông bà đi theo đạo Công giáo thì khác nào bỏ ông bỏ bà. Cái lý ấy làm anh đau đầu, chẳng biết giải thích ra làm sao. Tuy nhiên, nhờ kiên nhẫn, hai anh chị mới lấy được nhau sau mười năm ròng rã thuyết phục và chứng tỏ bằng đời sống. Hai đứa con của anh chị là kết quả tình yêu lâu bền mà Thiên Chúa đã ban tặng. Anh chị những ước mong hai đứa sẽ tiếp tục sống đạo thật tốt để không phụ lòng trông cậy của anh chị vào Chúa. Vì thế khi gặp được Thịnh và Thoại, hai thanh niên xa nhà, mà vẫn còn biết giữ đạo Chúa, cả nhà anh chị như được an ủi rất nhiều. Sau những lời tâm sự chân tình của đôi bên, hai anh chị dẫn Thịnh và Thoại lên giới thiệu với cha già.

Vừa bước vào cửa phòng khách, mọi người đã nghe tiếng của cha già.

- Đi đâu thế? Lại lên xin tiền nữa chứ gì! Hết rồi, ngày mai đến đi!

- Dạ, chào cha! Con là Lắm đây. Con có chuyện muốn thưa với cha.

- Chuyện gì gấp thế cậu Lắm! Để chiều được không, Cha đang đọc kinh trưa.

- Dạ, con nói chút rồi đi liền!

- Ừ, vào đi!

Vừa nói, cha vừa bước ra phòng khách. Lạ quá, cha nhìn Thịnh và Thoại thì ngờ ngợ trong lòng. Hai ông này giống mấy ông ngày hôm qua quá! Mấy bữa trước cũng có hai anh thanh niên lên đây làm việc với mình. Tưởng là giáo dân ở đâu đến, ai ngờ lại là mấy ông đi xin tiền cho hội này hội nọ.

- Đây là ai vậy cậu?

- Dạ, hai anh này là công nhân ở Bình Định mới ra đây đi làm. Hôm nay Chúa nhật nên tìm đến nhà thờ mình để dự lễ.

- Ừ, đi lễ gì mà muộn vậy... Chiều 5 giờ đến dự lễ đi con!

- Dạ, hai anh mới tới nên chưa biết nhà thờ, chưa biết giờ giấc. Cha thông cảm!

- Ừ, thôi được rồi!...

- Dạ! Con chào cha.

- Chào các con. Chúc các con đi bình an.

 

4.

Ra khỏi nhà cha, đồng hồ đã chỉ một giờ chiều. Cái nắng gay gắt mùa hè cứ ập xuống những con người bé nhỏ. Thịnh ngước nhìn xung quanh. Trước mặt Thịnh là ngôi nhà nguyện nhỏ bé, lụp sụp. Chính giữa sân nhà thờ là hang đá Đức Mẹ nhỏ xíu đầy rong rêu bụi bặm, được làm bằng san hô. Tượng Đức Mẹ đứng trên chỗ cao nhất của hang đá. Mắt Mẹ nhìn bao quát tất cả khuôn viên nhà thờ. Mặt Mẹ có vẻ u buồn lắm. Tất cả khuôn viên nhà thờ lại được bao phủ bằng một đồi thông liễu, gốc to gốc nhỏ đứng xiêu vẹo theo triền đồi. Tất cả gợi lên một cảnh điêu tàn, đúng như tình trạng xứ đạo hiện giờ. Bởi sau năm 1975, mọi người đã tứ tán khắp nơi, những người còn lại chỉ vỏn vẹn hơn hai trăm gia đình. Tuy nhiên, họ giữ đạo “nửa nạc nửa mỡ”, trộn lẫn đức tin Công giáo với đủ thứ mê tín dị đoạn. Người ngoại cúng họ cũng cúng, coi ngày coi giờ họ cũng coi, kiêng cữ đủ thứ hết. Họ tin Chúa ít mà tin ma quỷ thần thánh nhiều hơn. Đó là nỗi đau của xứ đạo, nỗi đau của cha già. Chính điều ấy làm cho thánh giá, gánh nặng mục vụ của cha thêm gai gốc và cay đắng. Chỉ có những người sống thân tình với cha như gia đình anh chị Thu - Lắm mới có thể hiểu được.

Nhìn đồng hồ, anh Lắm đề nghị.

- Cũng trưa rồi, gia đình tôi mời hai cậu về nhà chúng tôi ăn cơm. Đến chiều hai cậu đến đây dự lễ rồi về.

- Ấy chết! Chúng em ngại lắm. Để chúng em ra quán cơm ăn cũng được. Chiều chúng em đến đây dự lễ.

- Ngại gì! Cũng là dân nhà quê với nhau. Tôi biết hai em đi làm khổ cực lắm. Với lại tôi mến cái tính của hai em.

Suy nghĩ một lúc, Thịnh quyết định.

- Thôi được! Hôm nay, gia đình cho chúng em xin bữa cơm.

- Hoan hô hai anh!...

Trong nắng trưa oi ả, cả nhà xuôi dốc trở về nhà. Hôm nay, gia đình có thêm niềm vui. Hai người anh xa lạ kia đã trở thành thành viên của gia đình. Trong ngôi nhà nhỏ nằm giữa vườn điều heo hút, đã có thêm tiếng nói cười của hai con người mới. Bữa cơm tuy đạm bạc canh cá rau dưa nhưng đầy niềm vui và hạnh phúc. Cả nhà vui cười với nhau. Bên ngoài dù trời vẫn nắng nhưng không còn oi bức nữa. Phía đông trời đã bắt đầu kéo mây. Trời mát, âm u rồi mưa lúc nào không hay. Cả nhà nhìn thấy mưa rơi càng hạnh phúc. Rồi đây, cát trắng sẽ cho một mùa lúa bội thu. Mọi năm, giờ này dễ gì có mưa nhưng năm nay lại khác. Mưa sớm thì mùa gặt càng sớm. Mọi người sẽ không thấp thỏm lo đong gạo nữa. Mưa thật là sướng! Khoai mì, khoai chuối, cà dưa gì cũng sẽ đơm hoa kết trái. Thật là một năm đầy hồng ân.

- Ăn cơm đi hai em! Năm nay không sợ đói nữa đâu...

Lời mời chân thành của anh thật dễ thương hết sức. Nó như lời ba mẹ già ở quê gọi con về ăn cơm mỗi sớm mỗi chiều. Nó đang làm sống dậy trong lòng hai anh em một nỗi nhớ nhà, nhớ cha nhớ mẹ khôn tả. Và như không có chỗ chứa hết, nó trào ra khóe mắt, làm ướt một bên má của hai anh em. Lòng hai anh em thấy ấm áp vô cùng, bởi ở nơi đất khách quê người này vẫn luôn có những tấm lòng rộng mở đón tiếp những người con của Chúa. Đấy chính là nét đẹp của “vùng cát trắng”, vùng đất tràn đầy sức sống, vẫn đang chuyển mình từng ngày từng giờ chờ những cơn mưa mát đất mát trời, mát cả lòng con người.

 


Các Bài Thơ Của Nhiều tác Giả