GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2018

BẢN TIN 08

 

150 NĂM SINH NHẬT LM PHÊRÔ TRẦN LỤC

 

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Giải Viết Văn Đường Trường sẽ kết thúc “hành trình 6 năm” của nó khoảng hai tháng sau ngày bế mạc Năm thánh mừng 400 năm loan báo Tin mừng trên quê hương Giáo phận Qui Nhơn, 1618-2018. Cuộc họp mặt trao giải 21-22/9 năm 2018 cũng nhằm vào dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Linh mục Phêrô Trần Lục (1868-1927), thuộc giáo phận Qui Nhơn, tác giả tiểu thuyết thiếu nhi: “Hai Chị Em Lưu Lạc” [Xin lưu ý: Đừng lẫn lộn tác giả này với vị linh mục cùng tên, Phêrô Trần Lục (1825-1899), quen gọi là “Cụ Sáu”, tác giả cụm kiến trúc Nhà thờ Phát Diệm” nổi tiếng].

Đây là người đã có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của Nhà in Làng Sông trong thời kỳ ấy, và tiểu thuyết “Hai Chị Em Lưu Lạc” cũng đã được tủ sách Nước Mặn cho tái bản vào năm 2012. Để làm quen và tìm hiểu thêm về Linh mục Nhà văn có kỷ niệm 150 năm sinh nhật này, xin mời quý vị và các bạn thưởng thức bài viết của Tác giả Lê Nhật Ký, giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn”, vừa đăng trên Báo Bình Định số ra ngày 9/5/2018 với tựa đề: Tiểu thuyết “Hai chị em lưu lạc”: Một tấm lòng dành cho thiếu nhi.

“ Trong nguồn sách báo quốc ngữ do Imprimerie de Quinhon xuất bản vào đầu thế kỷ XX, “Hai chị em lưu lạc” là một tiểu thuyết dành cho thiếu nhi (1927) - có thể nói đây là một trong những tiểu thuyết sớm nhất dành cho thiếu nhi ở nước ta, đặc biệt ở Nam Trung Bộ. Tác giả cuốn sách là Pierre Lục, một linh mục ở Tiểu chủng viện Làng Sông, Bình Ðịnh…

Một tấm lòng với thiếu nhi

Tác giả Pierre Lục sinh quán tại làng Phú Thượng, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Khi mới 13 tuổi, ông đã vào Tiểu chủng viện Làng Sông để học tiếng Latinh. Năm 1885, ông tiếp tục sang Pinang (Malaysia) học tập, sau đó trở về nước, làm việc ở nhiều nhà thờ khác nhau. Nhưng nơi ông gắn bó nhiều nhất, sâu sắc nhất không đâu khác hơn là Tiểu chủng viện Làng Sông.

Tại đây, ông nhiều năm liền làm công việc kiểm duyệt bản thảo cho nhà in. Chính hoàn cảnh công việc này đã giúp ông thêm phần hứng thú, say mê với công việc sáng tác. Từ năm 1906 đến 1927, ông đã xuất bản hơn 10 tác phẩm thuộc nhiều đề tài và thể loại khác nhau (“Ấu học” (1906), “Hạnh Năm Thuông” (1912), “Nghị luận” (1915), “Tôn trái tim” (1919), “Song nghĩa tự” (1925)…), Pierre Lục xứng đáng được xem là một cây bút có vị trí quan trọng trong giai đoạn giao thời (1900 - 1930) của văn học Việt Nam.

Sinh thời, Linh mục Pierre Lục rất quan tâm tới việc giáo dục trẻ em. Ban đầu, ông viết một số cuốn dưới dạng sách giáo dục, như: “Ấu học”, “Tự lễ”... Về sau, ông chuyển sang hình thức văn chương, viết tiểu thuyết “Hai chị em lưu lạc” với những lý do rất rõ ràng, thiết thực. Trong bài Tựa sách, ông viết: “Đã có nhiều tiểu thuyết cho người lớn, mà chưa thấy tiểu thuyết cho trẻ nhỏ coi chơi. Vậy tôi soạn cuốn này đặng cho trẻ nhỏ coi, chẳng những giải khuây, mà lại nhứt là đặng học đòi gương lành thói tốt…”. Rõ ràng, quan điểm của Pierre Lục về văn học thiếu nhi là đúng đắn và có tính cách tiên phong, đến nay còn nguyên giá trị.

Đóng góp quan trọng của “Hai chị em lưu lạc”

Tiểu thuyết “Hai chị em lưu lạc” được ghi nhận là một đóng góp quan trọng của Pierre Lục đối với văn học thiếu nhi giai đoạn giao thời. Lúc này, người viết cho thiếu nhi hãy còn rất hiếm. Cho đến nay, chúng ta gần như chỉ biết đến Nguyễn Trọng Thuật với tiểu thuyết “Quả dưa đỏ” (1925) và Nguyễn Văn Ngọc với thi tập “Nhi đồng lạc viên” (1928). Với sự bổ sung của “Hai chị em lưu lạc”, một nhận định về thời điểm xuất hiện của văn học thiếu nhi Việt Nam giờ đây đã rõ ràng hơn nhiều. Điều thú vị là ở chỗ, tác phẩm “Hai chị em lưu lạc” được sáng tác và xuất bản tại Bình Định, là tiểu thuyết cho thiếu nhi đầu tiên của văn chương Nam Trung Bộ.

Ngoài ý nghĩa tư liệu nói trên, tiểu thuyết “Hai chị em lưu lạc” liệu có còn hữu ích với bạn đọc hôm nay, xét từ góc độ tiếp nhận. Ở tác phẩm này, Pierre Lục xây dựng nhiều hình mẫu con người đạo đức, đề cao lối sống vị tha, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ gặp hoạn nạn. Theo tác giả, cái gốc của vấn đề chính là giáo dục gia đình. Trong đó, cha mẹ phải biết lập đức, “trồng cây đức để con ăn”(Nguyễn Trãi). Về phía con cái, nếu sớm được thụ hưởng ân đức cha mẹ thì “càng lớn càng xinh đẹp, thì càng khôn ngoan, nết na; ai thấy thảy đều thương”(tr.15). Có thể nói, tư tưởng này của Pierre Lục dễ dàng nhận được sự đồng thuận của bạn đọc hôm nay, nhất là với những người coi trọng giá trị văn hóa gia đình trong việc hình thành nhân cách trẻ em.

Toàn bộ nội dung câu chuyện này được tác giả Pierre Lục diễn tả gần 150 trang, làm dấy lên ở người đọc mối thương tâm và niềm tin vào sự lan tỏa của cái đẹp. Cốt truyện phiêu lưu cùng lối trần thuật theo thời gian khiến cho nội dung tư tưởng câu chuyện trở nên sáng rõ và khá hấp dẫn…

Tác giả Pierre Lục là một linh mục, vì thế, tiểu thuyết của ông mang đậm tinh thần Kitô giáo. Gạt đi một đôi chỗ thể hiện cái nhìn định kiến về người ngoài đạo Kitô (dù đấy chỉ là lời nhân vật), tiểu thuyết “Hai chị em lưu lạc” vẫn hoàn toàn có thể mở rộng tầm ảnh hưởng đối với bạn đọc. Bởi vì, những giá trị đạo đức mà tác giả đề cập tới trong tác phẩm hoàn toàn không xa lạ với truyền thống đạo lý dân tộc. Hy vọng rằng, trong dịp kỷ niệm 400 năm Nước Mặn (1618- 2018) và 150 năm ngày sinh Pierre Lục (1868 - 2018), những đóng góp của ông đối với văn hóa quốc ngữ sẽ được trân trọng! 

Tóm lược nội dung tiểu thuyết “Hai chị em lưu lạc”

Như tên gọi, tác phẩm của Pierre Lục kể về hành trình lưu lạc của hai chị em con một gia đình nông dân sùng đạo ở một vùng quê tỉnh Bình Ðịnh. Hai chị em Gương và Lành sớm mồ côi mẹ, phải theo cha vào Nam tìm kiếm con đường mưu sinh. Trên hành trình đó, mấy cha con gặp phải nhiều thử thách, có lúc nguy nan đến tính mạng như khi tàu bị đắm, hay việc hai chị em bị bọn buôn người bắt cóc đưa sang nước khác. Nhưng “phúc đức cứu người”, họ đã được cậu Nên cũng như cha mẹ cậu ấy giúp đỡ nên dần dần thoát khỏi cuộc sống bần hàn, được ăn học trở thành những con người hữu ích cho cộng đồng.

Năm 2012, “Hai chị em lưu lạc” được tái bản (Nxb Tôn giáo), mở đầu cho Tủ sách Nước Mặn do Giáo phận Quy Nhơn chủ trương. Không thể phủ nhận, sự trở lại của tác phẩm này đã giúp cho bạn đọc hôm nay có được cái nhìn đầy đủ về diện mạo chữ quốc ngữ, văn chương quốc ngữ Việt Nam ở buổi đầu hình thành. Với những ai quan tâm tới văn học thiếu nhi, ấn phẩm này thực sự là một tư liệu quý, có ý nghĩa về nhiều mặt.”

(Nguồn: baobinhdinh.com.vn)

 

Giờ đây trân trọng kính mời mọi người tiếp tục thưởng thức bài đầu trong loạt 13 bài dự thi tiếp theo (đến mã số 120) vừa được chọn qua vòng sơ loại. Xin tiếp tục theo dõi những bài khác sẽ lần lượt giới thiệu trên blog Văn Thơ Công Giáo và Mục Đồng trực tuyến (vanthoconggiao.net và tapsanmucdong.net).

Nguyện xin Thiên Chúa ban muôn phước lành cho tất cả chúng ta.

 

Quy Nhơn, ngày 15-5-2018

Lm. Trăng Thập Tự

Trưởng ban Tổ chức

 

BÀI DỰ THI

 

Mã số: 18-101

ĐIỂM TỰA

Như mọi ngày, đúng 8h tối là Lan lại vào góc học tập của mình.

- Bố ơi! Bố chỉ cho con bài toán này với. Nó khó quá, mà lại hình học không gian nữa, con không hiểu mấy.- Lan lên tiếng.

Bố ngồi không nhúc nhích, lưng dựa ghế xa-lông, tay lướt lướt lên chiếc điện thoại Galaxy S9, mắt không rời khỏi màn hình. Từ ngoài phòng khách bố nói vọng vô:

- Cái con này…. Đến trường học, có lộ mô (chỗ nào) chưa hiểu thì không lo mà hỏi cô đi. Dừ (chừ) về nhà hỏi, ai răng mà biết! Sinh cô giáo ra để mần chi?

Im lặng một lát, bố quay sang bảo mẹ: “Mẹ mi lại chỉ cho hắn với tề!”

Mẹ ngồi bắc chéo chân lên đùi, đang mải miết truy tìm mấy thứ mỹ phẩm chăm sóc da. Mẹ nhanh nhạy phản ứng:

- Anh nghĩ răng mà nói rứa! Hỏi cách chăm sóc da, đồ thời trang hay cái chi thì tui biết, chứ bài vở thì chịu… Mà con ni cũng rứa, chỉ có việc học thôi cũng không xong. Choa (cha) lo kiếm tiền nuôi bay ăn học thì lo mà học cho nên. Vi tính đó, thử mở google ra kiếm đi, mẹ không biết mô!

Hai hàng nước mắt Lan chảy dài trên gò má gầy tong. Lan lí nhí: “Dạ thôi!     Để mai con nhờ An chỉ cho cũng được. Bố mẹ chơi đi!”

Lòng Lan buồn rười rượi. Cô cảm thấy mình đã mất chỗ dựa tinh thần. Một bài toán thôi mà cũng khó khăn đối với bố mẹ đến vậy sao? Bên cạnh bài toán khó, Lan còn nhiều tâm sự khác nữa bố mẹ biết không? Cái khó của người con gái ở tuổi 17, những đổi thay nơi cơ thể mới lớn biết hỏi ai dừ. Càng nghĩ Lan càng buồn, càng mệt. Lan ước gì mình là chiếc cảm ứng đầy đủ chức năng được bố mẹ vuốt ve mỗi tối. Ước gì mình cũng được như An, cô bạn thân hàng xóm.

                                                * * *

Sáng hôm sau đến trường với bộ mặt phờ phạc trông rất mệt mỏi, Lan được An chỉ cho cách giải bài toán còn bỏ dở tối qua. Thấy Lan ủ rũ, Nga lên tiếng.

- Mới sáng sớm mà iu xìu rứa! Bố mẹ quên cho tiền ăn sáng đúng không?... Hì! Thôi ăn chung bánh mì với tui này. Bẻ đôi ra, mỗi đứa một nửa rồi uống nước là no liền à. Đây, ăn đi… Đừng buồn nữa mà, nhìn không coi được.

- Không phải rứa. An ăn đi. Lan không đói.

- Rứa Lan bị ốm hay bị gì? Nhìn Lan chán lắm luôn đó. Hay có chuyện chi kể An nghe với mồ (nào)! Biết mô An giúp được Lan.

- Mình ước gì… Ước gì…

- Ước gì là ước gì? Lan úp úp mở mở rứa, ai mà biết.

- Ước gì mình được như An.

- Thôi đi bà… Nói chuyện không có không à! Nhà bà giàu nhất xóm mình,       nhiều người thèm mà không có đó Lan.

- Thật đó An… Bố mẹ lúc nào cũng bắt tui: học, học, học. Giống như tui sinh ra là để học không bằng! Mỗi lần tui hỏi cấy chi bố mẹ cứ ầm ầm, ừ ừ cho qua chuyện. Đi làm về đến nhà, tắm rửa xong là cứ lướt mạng không à… Ăn cơm chung không ai nói chuyện với ai, lúc nào cũng lướt lướt Facebook.          Mạnh bố, bố lướt. Mẹ cũng rứa. Lướt rồi ngủ chứ nhà tui hiếm khi đọc kinh tối chung        với nhau lắm… Còn An, tuy An không có bố mẹ bên cạnh nhưng An luôn nhận được đầy đủ tình thương của mẹ nuôi, không như bố mẹ mình…

- Ừm! An hiểu rồi… Mỗi nhà mỗi cảnh thôi Lan. Mẹ An ra đi khi Lan vừa sinh ra trong bệnh viện. Mẹ bị khối u và bác sĩ phải mổ để cứu An, mẹ nhường quyền sống cho An đó. Mẹ nuôi kể, An được sinh ra ngoài ý muốn của bố. Bố không muốn mẹ sinh ra An trong lúc chưa cưới mẹ. Bố muốn mẹ bỏ cái thai trong bụng bởi một        chút sĩ diện cho gia đình. Mẹ không đồng ý và bố đã trốn chạy cho đến bây giờ. Mình cũng ước gì được một lần gọi bố trong đời. Nhưng…- Vừa nói, An vừa giả vờ lấy tay gạt nước mắt rồi lại cắn bánh mì.

- Mình mà làm bố thì mình sẽ không như vậy. Hì!- Lan lên tiếng.

- Ừ! Chắc bố cũng có nỗi khổ của riêng của họ mà mình không biết đó thôi     Lan.

An phủi phủi những mẩu bánh mì trong lòng bàn tay, uống ngụm nước rồi      bảo Lan: “Mà thôi. Mình vào lớp Lan ! Tới giờ học rồi”.

Tan học trở về nhà, An đem chuyện của Lan kể với mẹ với hy vọng mẹ sẽ có cách giúp Lan, vì mẹ ở trong nhóm MTG tại thế của xứ. Mẹ ngồi chăm chú nghe An kể. Mẹ hiểu những gì An nói. Mẹ hiểu hoàn cảnh của gia đình Lan nhưng mẹ vẫn im lặng. Mẹ không biết nên nói gì với An lúc này. Mẹ biết bố Lan         cưới mẹ nó không vì tình yêu mà vì môn đăng hộ đối. Người ta còn đồn bố Lan đã có con với một người phụ nữ trước khi cưới mẹ Lan. Cũng vì hoàn cảnh nên anh ta tìm cách trốn chạy. Biết đâu?... Mẹ nuôi của An chỉ là người tha phương cầu thực nên thực hư thế nào mẹ không rõ mấy. Mẹ cũng không dám nghĩ ai là bố của An. Mẹ sợ mất An. Nói đúng hơn là mẹ sợ một điều gì đó không hay lại xảy đến với con mình. Mẹ thở dài rồi nói với An: “Cuộc đời thật trớ trêu không!”. Mẹ động viên An và mỉm cười nhìn con.

 

                                                * * *

Cuộc sống cứ thế dần trôi. Điều gì đến rồi nó cũng sẽ đến, dù có những điều nằm ngoài sự mong đợi của con người. Lan và An đã tốt nghiệp THPT. Cả hai đều bận rộn với việc tìm trường theo nguyện vọng của mình. Không may cho Lan vì đã thiếu mất 1điểm của trường ĐHSP Đà Nẵng mà bấy lâu nay cô ấp ủ.

Ngày nhận giấy báo nhập học của trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, An hớt hơ hớt hải đến tìm Lan.

- Mày cút đi! Đừng có Lan liếc chi hết.- Bố Lan nạt An với giọng đầy bực tức.

- Cho ăn học tốn cơm. Chỉ có việc học thôi mà cũng không xong. Con với chả cái! Nhục… Nhục…

- Mày cũng rứa. Đậu thì về nhà mà khoe với bố mẹ đi. À! Mà có bố mẹ mô mà khoe hè… Ui! Mới tí tẹo tuổi đầu mà kiêu như ma!

Trông bố Lan lúc này rất dữ tợn. Mắt trợn ngược, môi dính chặt hàm răng. An đứng như trời trồng, không dám nói một lời, sợ đến dựng tóc gáy. Những giọt nước mắt cứ đua nhau chảy dài và An quay đầu cắm cổ chạy về nhà. Lan ở trong nhà nghe hết tất cả những lời xỉ vả của bố. Cô không dám lộ diện, đứng ở góc phòng, úp mặt vào tường và khóc như chưa bao giờ được khóc.

Sau kỳ xét tuyển đại học, An lên thành phố học, còn Lan ở nhà giúp mẹ. Tuổi thơ của Lan vốn không êm đềm nay lại thêm ngột ngạt. Suốt ngày chỉ ru rú trong ngôi nhà kín cổng cao tường. Bố mẹ mải miết với công việc. Cô bạn thân thì đi xa. Lan trở nên khép kín và có lúc tưởng như trầm cảm. May mắn làm sao bên cạnh Lan luôn có sự đồng hành của An. Hai đứa vẫn liên lạc với nhau vào ngày thứ 7 cuối tuần qua Facebook. Lan ở nhà vừa phụ mẹ việc nhà, vừa lo ôn tập cho kỳ thi năm tới. An có nhiệm vụ kiếm tài liệu, chọn trường cho Lan. Từ hôm Lan ở nhà mẹ đỡ vất vả hơn với việc cơm nước. Mẹ dịu dàng và quan tâm Lan hơn mọi ngày. Lan chăm chỉ ôn thi. Niềm vui vỡ òa khi An cầm giấy báo nhập học của Trường ĐHSP Đà Nẵng về bên Lan. Lần này bố Lan chỉ đứng mấp mé trong cửa nhìn lên hai đứa mà không chút phản ứng. Bố Lan nhìn An lâu hơn. Ánh mắt lần này không lặp lại lịch sử của ánh mắt năm ngoái. Càng nhìn An, bố Lan lại nhớ về hình bóng của Bình năm xưa. Người con gái mà bố rất yêu, nhưng vì sỉ diện gia tộc nên anh đành bỏ chị với cái bào thai để chạy trốn. Nụ cười bé An giống hệt Bình. Chẳng lẽ… đây là con gái Bình? Chẳng lẽ… Và bố bắt gặp ánh mắt An chạm vào mắt mình. Bố giả vờ như không thấy gì rồi bỏ đi vào. Riêng Lan, lòng tràn ngập niềm vui.

                                                * * *

Bố mừng quá dắt xe ra đi không nói một lời nào. Lan đoán chắc là bố đi mua quà về thưỏng cho mình nên Lan không hỏi xem bố đi đâu. Đúng 20 phút sau, một cuộc gọi từ số máy của bố nhưng không phải giọng bố.

- Alô... Đây có phải là số máy người nhà của anh Nguyễn Trung Thành không?

- Dạ phải… Cháu là con của bố Thành đây ạ! Bố cháu đâu rồi sao không gọi mà chú lại gọi cháu?

- Cháu nói mẹ đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh liền đi. Có chuyện rồi… Nhanh lên cháu, chú đem bố đi cấp cứu đây!

Hai tay Lan run run làm rơi chiếc điện thoại và cả giấy báo trúng tuyển. Hai chân ngã quỵ xuống, may sao lúc đó An đỡ kịp thời. Mẹ vừa đi làm về biết chuyện vội gọi taxi chở Lan và An cùng vào bệnh viện.

Bố đang nằm ở phòng cấp cứu và bất tỉnh. Bác sĩ cho biết là hai chân của bố đã bị gãy nát vì bị bánh xe tải cán vào. Chú Hoàng là người khác xã, trên đường đi làm về thấy bố nằm đó nên vội xuống xem sao. Còn chiếc xe cán bố thì đã tẩu chạy xa. Chỉ thấy cạnh bố là cái laptop còn mới tinh và chiếc điện thoại của bố. Mẹ và Lan đoán đó là quà của bố tặng con gái đậu vào Đại học. Lòng Lan quặn đau và hối hận vì những gì Lan đã từng nghĩ về bố bấy lâu nay. Lan chỉ mong bố tỉnh lại để nói lời xin lỗi với bố, để được bố dẫn vào Đà Nẵng nhập học nữa. Bao mong ước cứ cuốn theo dòng suy nghĩ của Lan.

- Ai là người nhà của anh Thành?- Cô y tá cất giọng hỏi.

- Tôi là vợ của anh ấy đây. Có gì không bác sĩ?

- Bệnh nhân thiếu máu trầm trọng, hiện bệnh viện không đủ máu. Tôi muốn lấy máu người nhà để cứu anh ấy trong cơn nguy kịch. Ai tình nguyện xin mời đi theo tôi thử máu.

- Bác sĩ lấy máu cháu đi… Cháu là con của bố Thành.

- Lấy máu tui nữa, tui không để chồng mình gặp bất cứ rủi ro nào đâu!- Mẹ đứng đứng ngồi ngồi không yên.

- Cả cháu nữa, cháu muốn được hiến máu cho chú Thành.- Giọng An run run từng tiếng lí nhí.

- Ừ! Vậy là tốt rồi, cả ba người vào đây, ai trùng nhóm máu thì người đó chuyền. Càng nhiều càng tốt.

Bác sĩ lần lượt thử máu từng người một. Cả mẹ và Lan khác nhóm máu của bố. Riêng An lại là người được chọn để hiến máu cho chú Thành. Sau khi chuyền máu cho chồng, mẹ Lan bớt lo lắng hơn một chút. Mẹ tranh thủ chạy lên cơ quan để sắp xếp một số công việc và lấy phép nghỉ chăm bố. Lan nhờ An trông chừng bố chạy về lấy thêm vài bộ đồ và mấy thứ cần thiết.

An ngồi cạnh chú Thành, lấy khăn thấm nước vắt khô và lau cho chú. Càng lau, An càng thấy một cái gì đó gần gũi như thể là người thân của mình. An ước gì đây là bố của mình để cô nói chuyện, nhổ tóc ngứa, xoa vết thương… An rụt rè chạm ngón tay mình lên vết thương chú Thành. Đôi lông mi bắt đầu nhấp nháy. Ngón tay chú nhúc nhích, miệng ú ớ gọi.

- Bình ơi!... Bình… Em đâu rồi? Mong em hãy hiểu cho hoàn cảnh của anh… Xin em tha lỗi cho anh.

An không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cô vừa mừng vừa lo. Mừng đến ngỡ ngàng và thật khó hiểu. Sao chú lại gọi tên của mẹ? Chú Thành nắm lấy tay An thật chặt, đôi mắt chú mở to từ từ. Chú nhìn An và cứ gọi tên Bình. An hốt hoảng phân bua.

- Cháu là An đây mà chú… Bình là tên của mẹ cháu. Mà sao chú biết mẹ cháu?

- Cháu là con của Bình sao? Thế bố mẹ cháu đâu?

- Dạ… Mẹ cháu mất khi vừa sinh ra cháu. Còn bố thì… thì… cháu không biết! Cháu chưa thấy bố bao giờ.

An vừa nói vừa khóc, nhưng lần này An cứ để cho nước mắt chảy dài trên gò má. Những giọt nước mắt Lan làm chú Thành quặn đau. Thì ra, đây là con của Bình và là đứa con mà lâu nay mình lãng quên. Thành đưa tay lên lau nước mắt An rồi thầm thì: “Bố xin lỗi con gái”.

An giật mình và tròn xoe đôi mắt nhìn chú. Vừa lúc đó, Lan chạy tới.

- Bố! Bố tỉnh lại rồi… Tỉnh rồi Chúa Mẹ ơi!

Lan ôm chầm bố. Bố không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Lan kể lại cho bố nghe chuyện chú Hoàng đem bố vào bệnh viện vì tai nạn. Chuyện An hiến máu cứu sống bố. An đứng rụt rè nhìn hai bố con Lan vui mừng. Chú Thành gọi Lan và An đến ngồi cạnh mình. Chú nắm lấy tay hai cô con gái và nói:

- Bố xin lỗi hai con… Vì bố là một người cha tồi!

- Răng bố nói rứa? Không có bố thì mần chi có con?... Bố gọi An là con nữa sao? Bố bạn ấy tệ lắm bố à!

Nghe Lan nói bố càng nức to hơn:

- Ức… Ức... Ức… Bố xin lỗi... Bố sinh ra con nhưng bố không làm gì được cho con. Cả bé An nữa, bố chính là ông bố tồi!

Lan và An cứng người, không chút phản ứng. Trong lòng An tự nghĩ: Thì ra, đây là người cha mà An đã kể cho Lan nghe. Còn An thì thút thít khóc theo bố. Những giọt nước mắt vì hạnh phúc, vì ngậm ngùi hay vì lý do gì thì chỉ có An mới có câu trả lời. Hai đứa cứ ôm chặt lấy bố và nói trong nước mắt:

 - Cám ơn bố đã sinh ra chúng con trong đời. Bố luôn là người bố tuyệt vời nhất của chúng con. Hai đứa con chỉ mong bố khỏe lại để bố con mình luôn bên nhau. Dù bây giờ đôi chân bố không còn lành lặn như trước, nhưng con tim bố luôn sưởi ấm chúng con suốt cả cuộc đời. Bố chính là điểm tựa cho đời chúng con…

Nói xong, cả ba bố con ôm chặt lấy nhau.

Hai người mẹ nãy giờ đứng mấp mé ở của phòng. Mẹ nuôi An làm y tá trong bệnh viện và đang có ca trực ở đây. Mẹ của Lan cũng đến và họ đứng bên nhau trong thinh lặng. Lòng tràn ngập niềm vui và họ mỉm cười nhìn nhau…


Các Bài Thơ Của Nhiều tác Giả