LỚN LÊN TRONG LỜI CHÚA

Bài 6: LỬA THỬ VÀNG, GIAN NAN THỬ ĐỨC TIN

 

Khi đọc bản thảo của loạt bài viết này, một giáo dân có nhận xét ngắn về rủi ro của việc thành lập trường huấn luyện trực tuyến mà tôi chưa nghĩ tới, đó là thực tế cho thấy có khá nhiều giáo dân, sau khi tham dự các khóa Kinh thánh, giáo lý và cầu nguyện hơi mang đặc trưng của đời tu, thường dễ đánh mất đi sự khiêm nhường và đức tin bình dị mà Chúa dành tặng cho những ai theo đuổi ơn gọi gia đình. Đúng là một cảnh báo rất chính xác, coi chừng lợi bất cập hại! Đào tạo được đủ thứ để rồi đánh mất ơn khiêm nhường thì đúng là công cốc! Thế nhưng, tôi đã gửi cho người anh em ấy mấy trang Đức Thánh Cha Phanxicô bảo rằng ngày nay muốn nên thánh cần phải mạnh dạn và nhiệt thành (Vmhh, 129-139) kèm với tin nhắn: “Từ ngày nghĩ tới dự án này, tôi cũng đã nghĩ tới cái rủi ro ấy, cho nên tôi phải trình bày thế nào để giúp người ta mở lòng tối đa cho ơn Chúa chứ không phải chỉ nhắm tri thức.”

1. LẮNG NGHE VÀ BỔN PHẬN

Trong tông huấn Vui Mừng Hoan Hỉ, trước khi nêu cao con đường nên thánh trong thế giới ngày nay, Đức Thánh Cha vạch trần hai kẻ thù của sự thánh thiện là hai sự kiêu ngạo: Một đàng là coi trọng sự hiểu biết riêng (não trạng ngộ đạo), một đàng là coi trọng sức riêng (não trạng Pelagiô). Để khỏi lạc vào đó, ta cần học với sự khiêm nhường cô Maria đang theo đuổi và sự khiêm nhường cô Marta có nguy cơ đánh mất. Ơn khiêm nhường cô em đang ôm ấp là sự lắng nghe Lời Chúa, ơn khiêm nhường trong tầm tay cô chị là chỉ cần vui với bổn phận và khả năng của mình là đủ để vui lòng Chúa; nếu quên điều này, ta có thể lạc vào những điều không cần thiết như số lượng hoặc hình thức bên ngoài, chạy theo sự tự hào phù phiếm.

 38Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Ngài vào nhà. 39Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy. 40Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” 41Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! 42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,38-42).

Cả hai đều là chìa khóa của sự phân định Kitô giáo. Nhờ nghe Lời Chúa, ta biết phải làm gì. Nhờ chí thú với bổn phận, ta có được bộ xương sống làm chỗ dựa cho mọi tiểu tiết của một cơ thể.

Khi ta bôn ba, lao đao vất vả, ta dễ có nguy cơ quay lại với sức mình và sự hiểu biết riêng của mình, do đó, đánh mất sự khiêm nhường. Thế nhưng không đợi ta đuối sức, Thầy Chí Thánh vẫn mở rộng cổng trường của Ngài: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29. Mà nếu ta đuối sức và thất bại, Ngài vẫn đợi sẵn để chữa lành ta.

2. NHÀ SƯ PHẠM VĨ ĐẠI

Qua việc kiểm điểm nguyện ngắm, ta đã nhận ra những vấp váp và bế tắc tinh vi trong giờ tĩnh nguyện (và cả khi động nguyện theo lời kinh tiếng hát) được gọi là sự sầu muộn. Qua việc kiểm điểm cuối ngày, ta nếm được những thành quả và cả những sai lầm lớn, nhỏ trong cuộc sống đời thường… mà ta có thể gọi là thất bại. Trong một tuần tĩnh tâm cũng thế, có những giờ phấn khởi bên cạnh những giờ chán chường mệt mỏi, những ngày thế này và những ngày thế khác.

Bình tâm nhìn lại, không hẳn mọi thời gian đẹp trời đều tốt, vì lắm trường hợp chỉ là ảo tưởng, ta rơi vào chủ quan và bị lạc lối mà không hay (xin xem lại phụ lục 4). Ngược lại, những thời gian âm u ảm đạm, thậm chí những đêm đen dày đặc lại thường mang theo những tác dụng thanh luyện đáng quý, đặc biệt là để dọn lòng ta đón nhận ơn khiêm nhường.

Ở sách Linh Thao, số 322, Thánh I Nhã cho biết có ba nguyên do chính khiến ta gặp thử thách:

- Chúa nhắc nhở vì ta chưa cố gắng đủ.

- Chúa muốn dạy ta yêu Chúa cách vô vụ lợi.

- Chúa muốn giữ cho ta được khiêm nhường, đừng kiêu ngạo.

Ở số 164-168, sách Linh Thao giới thiệu cho ta ba bậc khiêm nhường và chỉ rõ đâu là sự khiêm nhường hoàn hảo nhất. Với Thánh nữ Têrêxa Avila, khiêm nhường là bước đi trong sự thật. Với Thánh I Nhã Lôyôla, khiêm nhường được nhìn dưới góc độ vâng lời vì yêu mến: Vì vâng lời Chúa, ta quyết không phạm một tội nào, dù lớn hay nhỏ. Vì yêu thương Chúa, ta khao khát nên giống Chúa trong tất cả những gì Chúa đã chọn: sống nghèo khó, bị sỉ nhục và bị coi là ngu dại vì Chúa Kitô, hơn là được coi như người thông thái, khôn ngoan ở thế gian này. Trong sách Công vụ Tông đồ, ta có một ví dụ sống động: Sau khi bị đánh đòn rồi được thả ra, “các Tông đồ ra khỏi Thượng Hội đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). Họ không hề xứng đáng nhưng nay đã được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu, nên lòng họ vui mừng khôn xiết. Qua kinh nghiệm bản thân, họ hiểu rõ hai nẻo đường trái ngược Chúa nói trong bài giảng trên núi (x. Mt 7,13-14; Lc 6,20-26) mà về sau Thánh I Nhã sẽ đưa vào chương trình thực tập tại LT 136-147.

3. NÊN GIỐNG ĐẤNG YÊU TA

Xin bạn đọc lưu ý đến những số trích Lời Chúa. Có thể một vài bạn đọc thấy dị ứng và thắc mắc tại sao tôi cứ phải nhắc mãi tới quyển Linh Thao mà các bạn chưa biết tới. Thưa, nội dung chính và chung cho tất cả chúng ta là Lời Chúa trong Kinh Thánh, được các vị Thánh trong lịch sử Giáo hội diễn giải bằng muôn hình muôn vẻ. Giữa những diễn giải ấy, kinh nghiệm của Thánh I Nhã mang tính sư phạm hệ thống, gọn và rõ, dễ quan niệm. Đàng khác tại Việt Nam, hầu như tất cả các Đại chủng viện, không ít Dòng nam và đa số Dòng nữ đều biết đến và quý chuộng kinh nghiệm Linh Thao. Thiết tưởng đây là kinh nghiệm thực hành phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay. Ta không cần theo sát từng chữ của sách Linh Thao nhưng mỗi người có thể rút ra những điểm tốt nhất, giúp mình có thể sống tinh thần Tin mừng (Linh đạo Kitô giáo) theo linh hạnh riêng của cộng đoàn mình[1]. Chính Bài giảng Trên núi của Chúa dệt nên tính cách “có tinh thần đức tin” mà chúng tôi nhấn mạnh khi nói về người trí thức Công giáo.

Khiêm nhường còn là điều kiện để làm việc chung trong tình hiệp nhất. Mỗi Dòng tu có những mẫu gương gần gũi thân thương thúc đẩy những người cùng đoàn sủng dấn thân nối gót Chúa Kitô. Trong hàng ngũ các Thánh Tử đạo Việt Nam mỗi chúng ta cũng có thể thấy một vị nào đó thật thân tình và cuốn hút mời gọi ta noi gương Đấng Chí Thánh và là Thầy luôn đi đầu trên nẻo đường hẹp (x. Pl 2,5-11), làm tôi tớ phục vụ mọi người, sẵn sàng cúi xuống rửa chân cho anh em, và như Chị thánh Faustina, sẵn lòng trở thành tấm thảm dưới chân Chúa và dưới chân mọi người:

Dưới chân Chúa, con sẽ là tấm thảm,

Hãy bước êm mà đến với đời.

Dưới chân đời, con cũng là tấm thảm

Đời chùi chân đến với Chúa, Chúa ơi.

Không những mời gọi ta học với Ngài vì Ngài hiền lành và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11,29), lắm lúc Chúa còn tạo điều kiện cho ta được những ơn ấy qua sự chịu sỉ nhục. Trong Tông huấn Vui mừng hoan hỉ, Đức Phanxicô viết:

“Khiêm tốn chỉ có thể bén rễ trong lòng qua những sự hạ nhục. Không có sỉ nhục, thì không có khiêm tốn hay thánh thiện. Nếu bạn không thể chịu đựng và dâng lên một vài nhục nhã, thì bạn chưa khiêm tốn và chưa phải là đang trên con đường nên thánh. Để ban sự thánh thiện cho Hội thánh Ngài, Thiên Chúa đã đành phải cho Con Ngài chịu nhục nhã. Chúa Giêsu là đường. Sự sỉ nhục làm cho bạn giống Ngài; đó là một khía cạnh không thể tránh được của việc noi gương Đức Kitô. “Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Ngài.” (1 Pr 2,21). (Vmhh 118).

Đức Thánh Cha viết tiếp: “Tôi không bảo những sỉ nhục như vậy là dễ chịu, vì nói thế chẳng khác nào chủ trương tìm khoái cảm trong khổ nhục, nhưng đây là một cách để noi gương Chúa Giêsu và lớn lên trong sự hiệp nhất với Ngài. Trên bình diện thuần túy tự nhiên, điều ấy không thể hiểu được, và thế gian chế giễu bất kỳ khái niệm nào như thế. Thế nhưng, đây là một ân sủng ta cần phải cầu xin: ‘Lạy Chúa, khi sự sỉ nhục đến, xin giúp con biết rằng con đang theo bước chân Chúa’ ” (Vmhh, 120).

Ai trong chúng ta cũng có lần khao khát đáp đền tình yêu Chúa, cũng đã nhiều lần suy niệm chuỗi Mân côi chục thứ ba mùa Thương với ý nguyện “xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng”, nhưng khi có điều kiện nên giống Chúa ta lại cảm thấy bàng hoàng run rẩy. Chỉ vừa bị quên đi một chút, vừa bị thua thiệt một chút là ta cảm thấy xót xa; chỉ vừa nghe mỉa mai là tim ta đã đau nhói. Để trở thành người có lòng với Chúa và với Hội thánh, ta cần phải cầu xin với tâm tình khiêm nhường sâu thẳm để biết vui mừng cảm tạ khi được nên giống Chúa trong những điều rất nhỏ giữa đời thường.

4. THỬ THÁCH ĐỨC TIN GIỮA ĐỜI THƯỜNG CỦA TA

Những đan nữ sống đời chiêm niệm giữa bốn bước tường đan viện có thể được Chúa thanh luyện bằng những đêm tâm linh, che mờ cả trí năng, ký ức cùng lòng muốn, và lắm lúc còn bằng những đêm tối đức tin, dường như tất cả đều bế tắc, mịt mờ, không sao hiểu nổi. Những người sống đời hoạt động có thể được thanh luyện bằng sỉ nhục. Đức Hồng y George Pell thật tốt lành, bỗng dưng bị vu vạ, bị lăng nhục và kết án. Sau khi được minh oan, trong bài chia sẻ về thời gian thử thách, ngài viết : “Tôi vừa mới ngồi tù 13 tháng vì một tội ác mà tôi không hề phạm phải, hết thất vọng này đến thất vọng khác. Tôi biết Chúa ở cùng tôi, nhưng tôi không biết Ngài định làm gì.” Những ai sẵn lòng để cho mình được Chúa chọn, nhiều hay ít cũng sẽ cảm nghiệm điều ấy.

Khi gọi người tín hữu dấn thân làm chất men mới, Chúa không sợ rủi ro, vì Ngài có thể rèn luyện họ bằng những bài tập về sỉ nhục nơi những điều bất ngờ trái ý lớn nhỏ giữa đời thường. Ngay trong mái ấm gia đình, người tín hữu nhiệt thành có thể được thanh luyện bằng đau thương, thất bại, cảm thấy mình bị vắt chanh bỏ vỏ. Có những anh chị em tông đồ giáo dân bị cha xứ và cộng đoàn hiểu lầm. Đây không còn là trường học trực tuyến nhưng là trường học do chính Chúa Thánh Thần trực tiếp hun đúc những tâm hồn được tuyển chọn. Chính Thiên Chúa đang lọc, đang luyện cho mình những khối vàng, khối ngọc (x. 1Pr 1,7).

Nhờ thử thách, từng bước ta được ơn đổi mới, biết quên mình vì người khác, biết khiêm nhường, ôn tồn, nhã nhặn. Chúa vừa để cho ta gặp thử thách vừa ban đủ ơn cần thiết giúp ta vượt qua, và những thử thách ấy càng tinh vi càng giúp ta trưởng thành trong lòng yêu mến Chúa (x. 1Pr 2,20-23). Đây là tấm lòng không thể học tại trường Cao đẳng Giáo lý nhưng phải được chính Chúa sửa dạy và rèn luyện. “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Ngài khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Ngài mới cho roi cho vọt” (Hr 12,5-6).

Trước khi đọc bài 7, Hành trình Phanxicô, mời xem Phụ lục 7 Phúc ấm hóa theo cách của trẻ em, tại https://www.tapsanmucdong.net/2020/05/lon-len-trong-loi-chua-phan-phu-luc-lm.html  

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Gp Qui Nhơn


 



[1] Theo đề xuất của Hoàng Gia Khánh, ta nên dịch từ spirituality hai cách khác nhau: chỉ có một linh đạo của Đấng là Đường, được diễn giải qua nhiều nẻo riêng, được gọi là lối thiêng hay linh hạnh


Nhịp Cầu Văn Hóa Công Giáo