Phụ lục 5
ĐIỀU TỐT THẬT VÀ ĐIỀU TỐT GIẢ

 

Khi cuộc sống cả thành phố thình lình bị cách ly và phong tỏa, ai cũng tự động buông bỏ rất nhiều điều trước kia vẫn tưởng là rất quan trọng và cần thiết. Mạng sống trở thành thước đo gạn lọc mọi thứ. Mạng sống đời đời của ta cũng thế: “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26)  Buông bỏ tội lỗi và điều xấu là chuyện đương nhiên, ta không cần nhắc tới. Ở đây ta chỉ bàn về việc buông bỏ những điều tốt đã là cớ cho ta “quyến luyến lệch lạc” và “mê thích”. Tại chương đầu quyển I Đường Lên Núi Cát Minh, Thánh Gioan Thánh Giá đã nói ngay tới hai sự buông bỏ, trên hai bình diện giác quan và tâm linh.

Trong tĩnh tâm và nguyện ngắm, ta buông bỏ những tư tưởng và hình ảnh không đưa ta đến gần Chúa… Về giữa cuộc sống thường ngày, ta buông bỏ những lời không hay, những xét đoán vội vã, những thành kiến, những tích cóp không cần thiết… Nói chung, nhờ “xem quả biết cây”, ta nhận dạng được những “cây xấu”, những điều tốt không hợp tình hợp cảnh hoặc không đúng chừng mực, những điều tốt cần buông bỏ.

Xét lại giờ nguyện ngắm và kiểm điểm cuối ngày, sau khi đã nhận dạng phân biệt rõ điều tốt thật với điều tốt giả, bạn có thể thăm dò xa hơn để biết những điều tốt thật và điều tốt giả ấy đã bắt đầu như thế nào. Nhờ đó, bạn sẽ nhận ra đường đi nước bước khác nhau của ơn Chúa và của cám dỗ.

Kinh nghiệm đầu tiên mà Thánh I Nhã nắm bắt được dưới đây giúp ta hiểu rõ điều vừa nói, để áp dụng thử cho bản thân và sau đó để chúng ta cùng bàn tiếp dự phóng Trường Cao Đẳng Giáo Lý trực tuyến.

NHẬN RA HẠT GIỐNG CỎ DẠI

Trong hồi ký “Những Bước Ðường Theo Chúa”, Thánh I Nhã kể lại việc nhận ra và theo dõi những tâm trạng tốt (+) và những tâm trạng xấu (-) rồi đối chiếu so sánh để thấy rõ ý nghĩa của chúng (&).

“Hồi ấy, khi đọc về cuộc đời Chúa Giêsu và các thánh, thỉnh thoảng anh suy nghĩ và tự nhủ: (+) “Giả như tôi làm những điều thánh Phanxicô và thánh Ðaminh đã làm thì sao?” Anh cũng nghĩ đến nhiều điều cho là tốt và luôn luôn nhắm đến những việc khó khăn và nhọc nhằn. Khi tự đề ra cho mình những việc ấy, anh có cảm giác là sẽ dễ thực hiện. Trong suốt thời gian suy tính như vậy, anh vẫn tự nhủ: “Thánh Ðaminh đã làm điều này, vậy tôi cũng phải làm; thánh Phanxicô đã làm điều kia, vậy tôi cũng phải làm.” Cả những suy nghĩ ấy cũng kéo dài một lúc lâu, (-) rồi bị những ý tưởng khác cắt ngang, và tâm trí anh lại quay về với những ý tưởng trần tục đã nói trên; những ý tưởng này cũng kéo dài một lúc lâu. (&) Những ý tưởng rất khác biệt như vậy lần lượt nối tiếp nhau trong một thời gian lâu dài. Dầu là những kỳ tích thế gian mà anh ước ao đạt được hay những kỳ tích mà trí tưởng tượng gợi lên để anh làm cho Thiên Chúa, anh luôn luôn dành thời giờ để suy nghĩ về những điều hiện đến trong trí, cho đến khi mệt, anh mới bỏ điều này để nghĩ sang điều khác.

Dầu vậy, có sự khác biệt này: (-) khi nghĩ đến những chuyện thế gian, anh rất thích thú; nhưng khi mệt mỏi, thôi không nghĩ nữa, lại thấy trống rỗng và buồn chán; (+) trái lại, khi nghĩ về việc đi chân đất đến Giêrusalem, chỉ ăn rau cỏ, và làm những việc khổ chế như các thánh đã làm, chẳng những ngay lúc ấy anh cảm thấy an ủi, mà cả sau khi thôi không nghĩ đến nữa vẫn thấy vui và thích. (&) Lúc đầu anh không để ý điều ấy nên không dừng lại để suy xét về sự khác biệt. Một hôm, mắt anh phần nào mở ra: anh bắt đầu ngạc nhiên về sự khác biệt này, nên khởi sự suy tư. Kinh nghiệm cho anh thấy (-) có những ý tưởng khiến anh buồn, (+) có những ý tưởng giúp anh vui. (&) Dần dần anh nhận ra các tác nhân khác nhau tác động nơi mình, tác động của ma quỉ và tác động của Thiên Chúa.

Ðó là lần đầu tiên anh suy tư về những điều thuộc về Thiên Chúa. Sau này, khi tập Linh Thao, anh sẽ khởi từ đây để rút ra những ánh sáng đầu tiên về các tác nhân khác nhau.” (Sđd, chương “Được mời gọi phục vụ Đức Kitô”, số 7-8)

Công danh sự nghiệp, (+) xét như là điều kiện thuận lợi để phục vụ công ích vốn là chuyện bình thường, không có gì xấu nhưng (-) khi chúng được đề ra như miếng mồi lôi ta ra khỏi Thiên Chúa thì chúng trở thành xấu. Từ kinh nghiệm sống ấy, Thánh I Nhã đã đúc kết được một quy tắc quan trọng giúp nhận rõ những thúc giục nội tâm khác nhau, bắt nguồn từ thần dữ (-) hay thần lành (+), để phân biệt một bên là ham thích chủ quan (-), một bên là ý Thiên Chúa (+) (Linh Thao, số 328-336):

Đối với những người đang tiến tới, thần lành soi dẫn linh hồn cách êm ái, nhẹ nhàng và dịu ngọt, như giọt nước thấm vào miếng bọt biển; còn thần dữ thì thúc đẩy cách chát chúa, ồn ào và sôi động, như giọt nước rơi trên đá. Với những người sa sút, thì các thần nói trên hành động ngược lại. Lý do là tùy theo tình trạng của linh hồn trái ngược hay hòa hợp với các thần nói trên, vì khi trái ngược, thì các thần xâm nhập cách ồn ào, dễ cảm thấy và nhận ra, còn khi hòa hợp thì các thần ấy xâm nhập lặng lẽ như vào nhà mình, cửa mở” (Thánh I Nhã, LT 335, Quy tắc VII).

HAI SỰ THÚC GIỤC

Quy tắc ấy được áp dụng cho đời sống tâm linh và việc cầu nguyện khi ta kiểm điểm giờ nguyện ngắm, đồng thời cũng có thể áp dụng cho mọi việc đời thường khi ta tổng kết cuối ngày.

Quy tắc ấy nói về cách thúc giục của đôi bên đối với những người đang tiến tới (còn với những người sa sút, thì các thần nói trên hành động ngược lại), nhờ đó mà ta có thể nhận biết đúng nguồn của sự thúc giục.

Bạn đang thành tâm tiến bước trên đường lành (Đừng quên rằng đối với những người sa sút, các tín hiệu sẽ ngược lại). Tối nay, khi kiểm điểm cuối ngày, bạn hãy nhớ lại những câu nói và những phản ứng có âm hưởng đáng kể trong ngày. Dựa trên âm hưởng tích cực (+) hay tiêu cực (-) của chúng, bạn sẽ nhận dạng chúng là điều tốt thật (+) hay điều tốt giả (-).

Tiếp đó, bạn đi ngược lên để nhớ lại tâm trạng của mình trước khi nói hay làm những điều ấy. Liền trước câu nói hay phản ứng tích cực (+), bạn có tâm trạng êm ái, nhẹ nhàng và dịu ngọt, như giọt nước thấm vào miếng bọt biển; ngược lại, liền trước câu nói hay phản ứng tiêu cực (-) bạn có tâm trạng chát chúa, ồn ào và sôi động, như giọt nước rơi trên đá. (Xin lưu ý, có lắm điều tốt bạn đã nói hay đã làm cách đột xuất, như thể đương nhiên phải làm, không cần cân nhắc gì cả thì cũng chẳng kịp có tâm trạng nào báo trước. Điều này tương tự với những an ủi không có nguyên do, được nói tới trong LT 336).

Để dễ hiểu hơn, chúng ta hãy mổ xẻ một kinh nghiệm có chung giữa bạn và tôi: Cảm nghĩ của chúng ta về điều đang dự phóng, tức là về chương trình Trường Cao Đẳng Giáo Lý Trực Tuyến. Nếu bạn đã cho rằng đó chỉ là chuyện viển vông và không nghĩ gì đến thì không cần bàn nữa. Còn nếu đã có nghĩ đến, bạn thử nhớ lại xem tâm trạng có chi tiết nào khiến bạn sôi nổi hưng phấn (-) và có chi tiết nào khiến bạn ưu tư cân nhắc (+). Mời bạn ghi nhận và đối chiếu với kinh nghiệm của tôi.

Thoạt đầu tôi sôi nổi nghĩ đến viễn cảnh đầy lạc quan, sẽ có những học viện các Dòng hưởng ứng chương trình này, không ít. Ít lâu sau, tôi nhận ra đó chỉ là ảo tưởng (-). Tôi gạt bỏ hết và tập trung hẳn vào một câu hỏi: Nếu đề án được một cấp thẩm quyền quan tâm, trong thực tế phải làm gì? (+) Đang khi suy nghĩ, hễ điều gì thấy hào hứng là tôi gạt ngay (-), chỉ giữ lại những gì khiến mình phải cau mày suy nghĩ (+). Kết quả, còn lại nội dung hiện có nơi phần ba của bài 5: “Những kỷ niệm về một ngôi trường sẽ có”.

Như thế, bạn bắt đầu phân biệt được hai sự thúc giục khác nhau, một bên của ảo tưởng (-) và một bên của sự thật (+). Những ngày sắp tới đây, bạn hãy thăm dò như thế trước những thực tế của đời bạn. Rồi bạn sẽ thấy, giữa lúc bạn đang chí thú hướng về sự thiện, nếu có cảm hứng nói hay làm một điều tốt mà lòng quá háo hức sôi nổi, bạn cứ theo dõi thử và sẽ thấy thường đó đúng là tín hiệu cho thấy điều tốt ấy chỉ là một điều chủ quan, sẽ đưa tới hậu quả không tốt.

Thưa bạn đọc, cuộc thực tập “như thể chuyện đùa” này chạm đến điều mà gần đây các văn kiện về huấn luyện của Tòa thánh nhấn mạnh nhiều: Khả năng phân định. Khả năng phân định của người tín hữu Kitô không những tùy thuộc cái nhìn đức tin mà còn tùy thuộc lòng yêu mến Chúa và Hội thánh. Nếu thiếu khả năng phân định, người ta sẽ biến phần việc mình phụ trách thành công cuộc nhân loại, không còn là công cuộc của Thiên Chúa. Khi có được một trường trực tuyến, thách đố lớn cần vượt qua là làm sao huấn luyện được khả năng phân định, nếu không, dù học viên thu hoạch được nhiều hiểu biết đến đâu họ vẫn chưa xứng danh là trí thức Công giáo.

Trong loạt bài này, chúng tôi chỉ nêu một vài nét minh họa để giúp độc giả có được những khái niệm ban đầu và một cái nhìn tổng quát về phân định. Muốn tìm hiểu rõ hơn, xin tìm đọc những bài viết trên các trang truyền thông Dòng Tên, quyển “Phân định thiêng liêng” của Dòng Tên mới do Nhà sách Đức Bà Hòa Bình ấn hành tháng 3-2020, hoặc cũng có thể đọc hai quyển sách của chúng tôi, tựa đề “Phân định giữa đời thường” và “Sổ tay kinh nghiệm tĩnh tâm - Con lại thuộc về Chúa” [1] cũng do Nhà sách Đức Bà Hòa Bình ấn hành.

Khác với sự phân định nơi các tôn giáo khác, sự phân định Kitô giáo nhằm tìm ý Chúa, không chỉ nhằm phân biệt lành dữ mà còn nhằm phân biệt điều tốt thật với điều tốt giả, phân biệt ý Chúa với điều ưa thích chủ quan. Nó đặt ra vấn đề phải nhận rõ và vượt thắng được những cám dỗ làm điều tốt.

CÁM DỖ LÀM ĐIỀU TỐT

Khi ta đã quyết tâm tiến bước trên đường lành, thần dữ thôi cám dỗ ta làm điều xấu; chúng quay sang xúi giục ta làm những điều có vẻ rất tốt nhưng thật ra lại không hợp ý Thiên Chúa. Tiêu biểu nhất về cám dỗ làm điều tốt là chuyện những người được nhắc tới trong Mt 7,21-23. Họ đã nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ, toàn là những điều tốt nhưng do thiếu phân định, họ chỉ làm điều tốt mình thích chứ không làm điều tốt Chúa muốn cho họ, do đó họ bị Chúa kết án là “làm điều gian ác”.

Hướng đến kỷ niệm 500 năm Tin mừng đến trên quê hương Việt, trước khi nhìn tới, có lẽ ta cần nhìn lại khoảng 100 gần đây, lượng giá xem giới Công giáo Việt Nam có những ưu điểm nào cần phát huy và những khuyết điểm nào cần rút kinh nghiệm? Năm 2010, khi Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn chuẩn bị mở Đại Hội Dân Chúa, trang mạng daihoidanchua.net đã tiếp nhận được khá nhiều thư góp ý, đủ để Ban Tổ chức soạn được một tài liệu làm việc giàu ý nghĩa. Ngày nay cũng thế, nếu có một diễn đàn chung, chắc hẳn sẽ tiếp nhận được nhiều đóng góp.

 

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Gp Qui Nhơn



[1] Có thể tải xuống từ:

https://www.dropbox.com/s/is0z7x9z4gnjn2x/So_tay_kinh_nghiem_tinh_tam_TTT.pdf

https://www.dropbox.com/s/k1sxj2pug00jqf4/phan_dinh_giua_doi_thuong_TTT_2019.pdf

 


Nhịp Cầu Văn Hóa Công Giáo