BÀI 11a: CHỌN GIỮA HAI MIẾNG TRẮNG

Chuyện phản ứng trước bộ truyện tranh xuyên tạc việc Chúa đến lần thứ hai ngờ đâu lại đã chuẩn bị cho ta đối diện với thời sự nóng bỏng của Giáo hội. Không riêng lãnh vực giáo dục được nói tới ở bài đầu, thời sự của Giáo hội vẫn luôn là chuyện chung của cả các mục tử lẫn tín hữu mọi giới, dù mỗi phía có những bận tâm riêng. Theo hướng ấy, bài kết này xin được chia thành hai phần. Phần đầu này mong được chia sẻ với các mục tử trong Giáo hội vài suy tư nhỏ, phần sau xin gửi đến anh chị em giáo dân, cách riêng là quý phụ huynh.

Thiên Chúa có cách của Ngài

Đức Thánh Cha quá biết ngoài cách loan tin giật gân thông thường của báo chí, Giáo hội còn phải hứng chịu cả một kế hoạch vu khống có hệ thống. Thế nhưng ngài vẫn sẵn lòng trả lời phỏng vấn trực tiếp, không đòi phải được cho biết trước câu hỏi. Ngài chấp nhận những rủi ro khi theo gương Chúa Giêsu trong sứ vụ “đến để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18,37).

Không phải vì sợ truyền thông lợi dụng vẽ rắn thêm chân mà Giáo hội tránh né con đường của sự thật. Giáo hội cứ giải quyết và công bố cách làm việc của mình đúng theo sự thật, còn truyền thông có phóng đại tới mức vu khống, thì chính Chúa sẽ phán xử theo cách của Ngài. Một nhóm “truyền thông” dẫn người phụ nữ ngoại tình bị bắt tại trận đến với Chúa để gài bẫy Ngài rồi đã bị bẽ mặt rút lui lặng lẽ (Ga 8,1-11).

Thiên Chúa không chỉ thanh tẩy Giáo hội, Ngài còn là Đấng phán xét muôn dân.

Xin trích dẫn sự kiện đã xảy ra cho Dân Chúa trước thời ngôn sứ Samuel làm thẩm phán. Lúc ấy, thầy tư tế Hêli đã già yếu, các con trai của ông lộng hành trong Đền thánh. Thiên Chúa cảnh cáo nhưng ông Hêli vẫn dung túng cho con cái ông cho nên dân Israel bị thất trận.

“Người Philitinh dàn quân đối diện với quân Israel, cuộc chiến trở nên ác liệt và Israel bị người Philitinh đánh bại: tại mặt trận, ở ngoài đồng, chúng đã giết chừng bốn ngàn người. Khi dân trở về trại, các kỳ mục Israel nói: “Sao hôm nay Đức Chúa để chúng ta bị người Philitinh đánh bại? Chúng ta hãy đi Silô lấy Hòm bia Giao ước của Đức Chúa về: Hòm bia sẽ đến giữa chúng ta và sẽ cứu chúng ta khỏi bàn tay quân thù” (1Sm 4,2-3). Thế là họ đã kiệu Hòm bia tới, nhưng rồi họ đã thất trận và “về phía Israel có ba mươi ngàn bộ binh tử trận. Hòm bia Thiên Chúa bị chiếm đoạt” (1Sm 4,10-11).

Trước đó đã có những lần khi Dân Chúa cung nghinh Hòm bia Giao ước thì nước sông ngừng chảy (Gs 3,1-17), tường thành sụp đổ (Gs 6,20), cho nên các kỳ mục Israel tưởng rằng họ đang nắm trong tay một lợi khí trăm trận trăm thắng. Đến khi Hòm bia Giao ước bị chiếm đoạt, có thể lắm người trong họ đã hoài nghi: “Phải chăng cũng chỉ là một công cụ vô ích?”

Thế nhưng chính khi họ gần như tuyệt vọng, Thiên Chúa đã khiến họ sáng mắt ra để thấy rằng Ngài là Chủ lịch sử.

Sách Samuel quyển 1 viết tiếp:

“1Người Phi-li-tinh chiếm đoạt Hòm Bia Thiên Chúa và đưa từ E-ven Ha E-de về thành Át-đốt. 2Người Phi-li-tinh lấy Hòm Bia, đưa vào nhà của thần Đa-gôn và đặt bên cạnh thần Đa-gôn. 3Hôm sau, người Át-đốt dậy sớm và kìa Đa-gôn ngã sấp mặt xuống đất, trước Hòm Bia Đức Chúa. Chúng đem Đa-gôn đặt vào chỗ cũ. 4Sáng hôm sau chúng dậy sớm và kìa Đa-gôn lại ngã sấp mặt xuống đất, trước Hòm Bia Đức Chúa. Đầu Đa-gôn và hai bàn tay đã bị chặt, thì ở trên ngưỡng cửa, chỉ còn lại thân Đa-gôn” (1Sm 5,1-4).

Thêm vào đó, tai ương dồn dập xảy đến cho thành Át-đốt. Người Philitinh di chuyển Hòm bia ấy qua những thành khác nhưng Hòm bia tới đâu, dân chúng khốn đốn tới đó, cho nên cuối cùng người Philitinh phải sắm của lễ rất hậu để đem Hòm bia trả lại cho dân Israel. Họ đặt Hòm bia và lễ vật lên một chiếc xe bò và để cho nó “tự hành”. Cặp bò tiến thẳng tới nơi phải tới, với đoàn tùy tùng kinh ngạc lặng lẽ bước theo sau.[1]

Sự sụp đổ của Babylon vĩ đại

Chúng ta có một lịch sử đau thương dệt bằng đấu tranh để sinh tồn.

Từ chuyện Trọng Thủy và Mỵ Châu đến chuyện Lý Phật Tử, chúng ta biết chiến tranh oan nghiệt và cũng oan uổng nhất là chiến tranh gián điệp, trong đó kẻ thù trá hình thành người bạn có vẻ hết sức tốt, khiến người ta bị lừa, cứ tưởng mình đang thắng, cuối cùng lại bị thua đậm không ngờ. Đau đớn nhất là mình đã bị kẻ thù hãm hại mà vẫn cứ tưởng họ đang làm ơn cho mình.

Nhiều Kitô hữu hình dung cuộc chiến tâm linh như trẻ con chia hai phe đánh nhau, nhưng thần dữ không cách ngây ngô như thế, nó chuyên tìm cách đánh lừa. Kết cuộc, có những người bị lừa và những người thoát khỏi sự lừa bịp.

Đến cuối Cựu ước, nhóm bị lừa được đúc kết nơi người phụ nữ lăng loàn trong sách Êdêkien chương 16, nhóm được cứu rỗi được đúc kết nơi người thiếu nữ Sion (Xp 3,14; Dcr 9,9).

Cuối lich sử: nhóm bị lừa được đúc kết như một thành phố có tên gọi là Thành Babylon vĩ đại, hiện thân nơi Con điếm khét tiếng (Kh 17 và 18) còn nhóm được cứu rỗi được đúc kết như một thành phố có tên gọi là Thành Giêrusalem mới, hiện thân nơi người Phụ nữ sinh con và Tân nương, Hiền thê của Con Chiên (Kh 12 và 22).

Theo cách nói của các ngôn sứ, mọi tội lỗi đều mang ý nghĩa thờ tà thần và đều bị gọi là ngoại tình chống lại Thiên Chúa. Khi Dân Chúa phản bội Giao ước, họ bị các ngôn sứ mắng là đồ đàng điếm và bị diễn tả bằng hình ảnh hạng gái điếm đồi bại nhất. Cụ thể như trong sách Êdêkien chương 16.

Cả câu chuyện ở sách Êzêkiel chương 16 trong Cựu ước và hai chương 17 và 18 trong sách Khải Huyền cuối Tân ước đều mang tính ẩn dụ lịch sử. Tuy nhiên giữa hai tình huống có một điểm khác biệt:

Câu chuyện Ed 16 bắt đầu với một người phụ nữ, đến cuối còn nói tới hai người chị em của người ấy. Bản văn cũng nói rõ chị em là ba dân tộc trong cuộc. Đến cuối câu chuyện, số phận của cả ba dân tộc đều được biến đổi (Ed 16,53), trong đó Thiên Chúa sẽ thiết lập cho Dân Ngài một Giao ước mới và, nhờ đó, các dân tộc chị em của họ cũng được tha thứ và đón nhận (Ed 16,59-63).

Câu chuyện cuối sách Khải Huyền kết thúc theo một hướng khác với Ds 16: Thành Babylon và người phụ nữ hiện thân của nó bị kết án dứt khoát, bị xô xuống vực thẳm của sự chết, mãi mãi (Kh 18,21-24). Nó bị hủy diệt đến đời đời kiếp kiếp (Kh 19,2-3). Trên trời vang lên bài ca khải hoàn hát mừng Tiệc cưới của Chiên Con, là Đức Kitô, và Tân Nương là Hội Thánh (Kh 19,1.4-10).

Trong sách Khải Huyền chương 17 và 18, mụ điếm khét tiếng “say máu dân thánh và máu các chứng nhân của Chúa” (17,6) khiến ta nghĩ tới một người lạm dụng quyền lực như bà I-de-ven, vợ của vua A-kháp (x. 1V 16,31; 18,4.13.19; 19,1-2; 21,1-16), mà đồng thời cũng là hiện thân của nhóm người trong Dân thánh đã chạy theo bà để thờ tà thần. Mụ điếm này đồng lõa với bè lũ thần dữ, nên Thiên Chúa khử trừ nó để cứu Dân Thánh. Nó bị bêu nhục (17,16) và bị trừng trị bằng đủ thứ tai ương (18,5-8). Dân Thánh được kêu gọi ra khỏi thành Babylon, tức là đoạn tuyệt với thần dữ để khỏi vị vạ lây (18,4).

Ở sách Khải Huyền chương 18, câu 21, ta đọc thấy: “Bấy giờ một thiên thần dũng mãnh nhắc một tảng đá to như chiếc cối xay lớn mà ném xuống biển và nói: “Babylon, thành vĩ đại, sẽ bị thẳng tay ném đi như thế đó, và người ta sẽ chẳng bao giờ còn tìm thấy nó nữa!”

Thái độ thẳng thắn của Đức Phanxicô trong cách giải quyết các vấn đề hiện nay có thể khiến ta tự hỏi phải chăng ngài chính là vị thiên thần dũng mãnh nhắc một tảng đá to như chiếc cối xay lớn mà ném xuống biển, mà sách Khải Huyền đã nói tới từ gần 2000 năm trước?

Sau khi tên điệp viên hai mang và bè lũ bị khử trừ, cuộc chiến trở nên giản dị và nhanh hơn, dẫn tới việc các dân ngoại bị tiêu diệt và Dân Chúa được giải cứu (Kh 19,11 - 20,15). Tuy nhiên ta không được chủ quan. Việc phân biệt Dân Chúa và dân ngoại chỉ mang tính ước lệ. Khi Đấng Xét Xử ngự đến, ta lại thấy trong Dân Chúa có nhiều người rất ngoại đạo và giữa các dân ngoại lại có rất đông đảo những tâm hồn hoàn toàn thuộc về Chúa. Điều này được nói rõ trong Mt 25,31-46.

Chọn giữa hai miếng trắng

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời tất cả các vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục về tham dự cuộc hội nghị vừa qua để tìm cầu tinh thần đồng trách nhiệm và nỗ lực chung của các Hội thánh địa phương. Chúng ta hy vọng nguyện ước ấy của ngài sẽ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, vấn đề không gói gọn vào việc lạm dụng tình dục mà còn là lạm dụng quyền lực, rồi não trạng giáo sĩ trị, não trạng vụ hình thức. Từ ngày đảm nhận sứ vụ Giáo hoàng đến nay, Đức Thánh Cha đã bắt tay vào việc cải tổ Giáo triều Rôma. Thử hỏi có mấy Giám mục trên thế giới đã đặt vấn đề tương tự cho giáo phủ và giáo phận của mình? Từ năm thánh Lòng Thương Xót đến các cải cách, các tông huấn và giáo huấn thường nhật, Đức Thánh Cha không ngừng lặp đi lặp lại việc phân định, để nhận rõ và phân biệt điều chính và điều phụ, điều cần thiết và điều phù phiếm, để tập trung tất cả vào khát vọng nên thánh và lòng thương xót. Thử hỏi có bao nhiêu linh mục quản xứ đã xét lại cung cách mục vụ trong giáo xứ của mình theo hướng ấy?

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, lúc về già đã viết nên câu thơ não nuột: “Ôi ta đã làm chi đời ta?” Nhìn lại lịch sử Giáo hội toàn cầu, lịch sử từng Giáo phận, lịch sử các giáo xứ, phải chăng đấy chẳng phải cũng chính là câu hỏi mà mỗi chúng ta phải thốt lên với lòng mình và với Thiên Chúa?

Ta đã không bỏ màu trắng để chọn màu đen nhưng giữa hai màu trắng, một của Thiên Chúa và một của kẻ lừa đảo, than ôi chúng ta đã rất thường nhầm lẫn và đuổi theo màu trắng của kẻ đánh lừa.

Kẻ lừa đảo mớm cho ta đủ thứ “tâm đắc”. Ta mải mê với những cái “tâm đắc” đánh lừa ấy để cuối cùng nhìn lại, hầu hết những cái tâm đắc ấy chỉ đáng là đồ bỏ, Satan đã khôn khéo dùng chúng để ngăn cản ta chu toàn những việc bổn phận phải làm, những việc Chúa muốn ta làm.

Không chỉ trong cuộc chiến ẩn dụ của sách Khải Huyền, ngay giữa đời thực của các cộng đoàn thời các Tông đồ, người ta đã thấy nhu cầu phân biệt thật và giả. Thư thứ nhất của Thánh Gioan là lời cảnh báo giúp Dân Chúa tỉnh táo, sáng suốt phân định để khỏi bị lừa (x. 1Ga 2,18-19; xem thêm: 1Ga 2,22; 4,1-6). Những ngôn sứ giả và Phản Kitô vừa xuất thân từ hàng ngũ chúng ta vừa không phải là người của chúng ta (x. 1Ga 2,19). Đây là chuyện cài cắm người của chiến tranh gián điệp.

Điểm đến của loài người là cuộc sống hạnh phúc trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Muốn tới đó, ta phải đi qua con đường của tình yêu mến, xót thương. Thế nhưng thần dữ đã dùng một kế hoạch rất tinh vi khiến loài người chúng ta bị lạc hướng, không còn biết đâu là mục đích thật của đời người. Ta chạy theo đủ thứ điều tốt chủ quan, quên mất điều chủ chốt là tình yêu thương.

Trong buổi chia sẻ đầu mùa Chay, ngày 7-3-2019, với các linh mục Giáo phận Rôma, Đức Thánh Cha đã có những lời hy vọng và khích lệ cho các giáo sĩ khi ngài nói rằng “Chúng ta đừng nản lòng, Chúa đang thanh tẩy Hiền Thê của Người. Chúa đang hoán cải tất cả chúng ta để quay về với Người. Ngài đang đưa chúng ta vào thử thách để chúng ta hiểu rằng không có Người chúng ta chỉ là tro bụi. Ngài đang ra tay cứu chúng ta khỏi thói giả hình, khỏi thứ tâm linh bề ngoài. Ngài đang thổi Thần Khí của Ngài ‘để khôi phục lại vẻ đẹp cho Hiền Thê của mình’”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Đây là thời gian của ân sủng, chúng ta hãy đặt Thiên Chúa trở lại vị trí trung tâm. Không có Chúa, chúng ta không thể làm gì. Ngài phải là trung tâm.”

Để chọn đúng miếng trắng của Chúa, phải đặt Chúa vào trung tâm.

Xin mời xem bài sau: Nước Thiên Chúa ở giữa chúng ta.

Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

 


Bảng chữ tắt:

Ed: Sách Ê-dê-ki-en trong Cựu ước.

Ga: Sách Gioan trong Tân ước.

1Ga: Thư 1 Gioan trong Tân ước.

Gs: Sách Giô-suê  trong Cựu ước.

Kh: Sách Khải Huyền trong Tân ước.

1Sm: Sách 1 Sa-mu-en trong Cựu ước.

1V: Sách 1 Các Vua trong Cựu ước.

Xp: Sách Xô-phô-ni-a  trong Cựu ước.

Muốn tìm xem các bản văn Kinh thánh, mời bạn vào https://lavanglasvegas.com/kinhthanh/ - Tại cửa sổ mục lục, bạn dò tên sách cần tìm ở phần Cựu ước hoặc Tân ước, bấm vào đó rồi bấm số chương trong ngoặc vuông ở lề bên phải.

 



[1] Nếu bạn muốn biết thêm những chi tiết lý thú của câu chuyện, mời xem tại:

https://lavanglasvegas.com/kinhthanh/09_1samuen/index.html

 


Nhịp Cầu Văn Hóa Công Giáo